Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Chương trình 4372/CTr-UBND 2022 chương trình an toàn vệ sinh lao động Bình Thuận

Số hiệu: 4372/CTr-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận Người ký: Nguyễn Minh
Ngày ban hành: 22/12/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4372/CTr-UBND

Bình Thuận, ngày 22 tháng 12 năm 2022

CHƯƠNG TRÌNH

AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Thực hiện Công văn số 1554/LĐTBXH-ATLĐ ngày 13/5/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc xây dựng kế hoạch và triển khai Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình an toàn, vệ sinh lao động tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2022 - 2025, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Chăm lo cải thiện điều kiện làm việc; phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động; bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động, tài sản của Nhà nước, tài sản của doanh nghiệp, của tổ chức, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh nhà.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Mục tiêu 1: Trung bình hàng năm giảm 4% tần suất tai nạn lao động chết người.

- Mục tiêu 2: Trung bình hàng năm tăng thêm 5% số người lao động được khám bệnh nghề nghiệp; 5% số cơ sở được quan trắc môi trường lao động.

- Mục tiêu 3: Trên 90% số người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động cấp huyện và trong Ban Quản lý các Khu công nghiệp được tập huấn nâng cao năng lực về an toàn, vệ sinh lao động.

- Mục tiêu 4: Trên 80% số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; 80% số người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.

- Mục tiêu 5: Trên 80% số người làm công tác y tế cơ sở được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.

- Mục tiêu 6: Trên 80% số làng nghề, hợp tác xã có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin phù hợp về an toàn, vệ sinh lao động.

- Mục tiêu 7: Trên 80% người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp theo quy định của pháp luật.

- Mục tiêu 8: 100% số vụ tai nạn lao động chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

Chương trình được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh đến tất cả ngành, nghề, người làm công tác quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động, người sử dụng lao động và người lao động; ưu tiên các ngành, nghề, công việc có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã và làng nghề.

III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Hoạt động nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động

- Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn lao động, vệ sinh lao động.

- Tham gia các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết,…về công tác an toàn, vệ sinh lao động do bộ, ngành tổ chức.

- Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý; điều tra, thu thập số liệu thống kê về an toàn, vệ sinh lao động. Lưu ý thống kê người bị chết do tai nạn lao động từ số người chết trong sổ ghi chép tử vong của ngành y tế và sổ khai tử (tư pháp) ở cấp xã.

- Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và nhân lực cho các hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát và các cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động; quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa đặc thù an toàn lao động; quan trắc môi trường lao động; chẩn đoán, giám định, điều trị và phục hồi chức năng cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

- Triển khai tin học hóa trong hoạt động quản lý, bảo đảm đồng bộ và kết nối hệ thống thông tin trong công tác khai báo tai nạn lao động, triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương.

2. Hoạt động thông tin, tuyên truyền, huấn luyện nâng cao nhận thức về an toàn, vệ sinh lao động

- Triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền:

+ Triển khai các hoạt động tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc dưới hình thức các cuộc thi an toàn, vệ sinh lao động; tọa đàm, diễn đàn, đối thoại trực tiếp với người lao động và người sử dụng lao động; phát hành các ấn phẩm truyền thông về an toàn, vệ sinh lao động đã được các cơ quan Trung ương xây dựng, các ấn phẩm truyền thông đặc thù của địa phương; chia sẻ thông tin trong cụm doanh nghiệp, chuỗi kinh doanh về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

+ Phối hợp với các cơ quan Báo, Đài Phát thanh - Truyền hình đưa tin, bài phản ánh kịp thời tình hình và các hoạt động công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ trên địa bàn tỉnh để biểu dương, khen thưởng, động viên kịp thời các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân làm tốt công tác này; đồng thời, phê phán các đơn vị, doanh nghiệp chưa thực hiện tốt các quy định của pháp luật, còn để xảy ra tai nạn lao động và cháy nổ; xây dựng các tin, bài, chuyên đề, phóng sự về công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ để phục vụ công tác tuyên truyền nhằm đẩy mạnh các hoạt động phong trào quần chúng làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Triển khai các hoạt động hỗ trợ huấn luyện:

+ Triển khai huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho đội ngũ quản lý, đội ngũ an toàn vệ sinh viên tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động.

+ Huấn luyện nâng cao năng lực về an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ cấp xã.

+ Tăng cường hoạt động của tổ chức công đoàn trong việc tổ chức các phong trào quần chúng thi đua làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp tuyên truyền, huấn luyện nâng cao năng lực, hiệu quả, kỹ năng hoạt động của đội ngũ an toàn vệ sinh viên; tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn người lao động nâng cao ý thức kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế, các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc.

+ Hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động và người lao động, ưu tiên người làm việc không theo hợp đồng lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

+ Hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người nông dân theo phương pháp giáo dục hành động, vận động nông dân đăng ký cam kết đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động.

3. Hoạt động đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ cải thiện điều kiện lao động, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

- Trực tiếp tư vấn, hỗ trợ thông tin cải thiện điều kiện lao động theo phương pháp giáo dục hành động do Trung ương phát động đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề, hợp tác xã, hộ nông dân làm các nghề, công việc có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

- Hỗ trợ kiểm định và triển khai các biện pháp phòng, chống tai nạn lao động khi sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trong khu vực doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể.

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đơn vị; triển khai các mô hình, các giải pháp kỹ thuật an toàn nhằm phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, có hại trong các ngành, nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như xây dựng, điện lực, khoáng sản,…

- Hỗ trợ triển khai áp dụng các hệ thống quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và làng nghề đang có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từng bước xây dựng văn hóa an toàn trong lao động, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động (ISO 45001 - 2018).

4. Hoạt động quản lý, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp của các cấp, các ngành, các địa phương, giữa các cơ quan liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp trong triển khai thực hiện các mục tiêu của Chương trình.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của các đơn vị, doanh nghiệp; kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp khắc phục các tồn tại, thiếu sót, đảm bảo ngăn ngừa có hiệu quả các nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện các mục tiêu đề ra của Chương trình, kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác phối hợp, triển khai thực hiện Chương trình giữa các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

- Khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia và đóng góp nguồn lực, kinh nghiệm để thực hiện Chương trình; chủ động triển khai các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, quản lý và đánh giá rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động.

- Lồng ghép các hoạt động của Chương trình với các dự án, chương trình khác trong lĩnh vực lao động; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thực hiện Chương trình; phối hợp, lồng ghép nguồn lực của Chương trình với các nguồn lực hiện có như Quỹ Bảo hiểm y tế, Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp,...và nguồn xã hội hóa.

5. Tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động hàng năm

- Tổ chức tuyên truyền trước, trong và sau Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động dưới nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên Báo, Đài, treo băng rôn, tranh, khẩu hiệu, áp phích, tờ rơi, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động...

- Tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhân Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động.

- Tổ chức các hoạt động có sự tham gia của doanh nghiệp và người lao động như: Tọa đàm, đối thoại triển khai chính sách pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức các lớp bồi dưỡng, huấn luyện, hội nghị; tham quan mô hình doanh nghiệp điển hình; tổ chức các hoạt động như hội thi thực hành xử lý tình huống...

- Tổ chức thăm hỏi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và thân nhân của người lao động bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp...

- Tổng kết và khen thưởng về công tác an toàn, vệ sinh lao động.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

- Kinh phí thực hiện Chương trình bao gồm:

+ Nguồn ngân sách Trung ương bổ sung, nguồn ngân sách địa phương bố trí trong dự toán hàng năm và các chương trình, đề án liên quan theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

+ Tài trợ, viện trợ quốc tế và huy động từ xã hội, cộng đồng và các nguồn hợp pháp khác.

- Các cơ quan tham gia chương trình lập dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện Chương trình và quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Hàng năm, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Chương trình; phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện.

- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành và các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh lồng ghép các chỉ tiêu về an toàn, vệ sinh lao động vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn, hàng năm của tỉnh.

- Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chương trình cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.

- Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, theo dõi và báo cáo kết quả triển khai các mục tiêu 1, 3, 4, 6, 7, 8.

2. Sở Y tế

- Hàng năm, lập kế hoạch, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động và các nội dung thuộc lĩnh vực chuyên môn quản lý tại Chương trình này.

- Hỗ trợ triển khai mẫu các biện pháp chẩn đoán, giám định, điều trị và phục hồi chức năng cho người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp thuộc các nhóm bệnh: Bệnh bụi phổi nghề nghiệp, bệnh nhiễm độc nghề nghiệp, bệnh do yếu tố vật lý nghề nghiệp, bệnh da nghề nghiệp và bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp.

- Hỗ trợ áp dụng mẫu các giải pháp nâng cao năng lực quan trắc môi trường lao động.

- Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, theo dõi và báo cáo kết quả triển khai mục tiêu 2 và 5.

3. Sở Tài chính

- Đối với ngân sách địa phương cân đối: Trên cơ sở đề xuất về kinh phí của các sở, ngành thực hiện Chương trình, căn cứ khả năng cân đối ngân sách Nhà nước hàng năm, Sở Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện Chương trình trong dự toán chi ngân sách Nhà nước hàng năm của các sở, ngành theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

- Đối với nguồn Trung ương bổ sung có mục tiêu: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, tổng hợp đề xuất của các sở, ngành được giao nhiệm vụ trong phạm vi nguồn kinh phí Trung ương giao tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân khai thực hiện Chương trình theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh lồng ghép các chỉ tiêu về an toàn, vệ sinh lao động vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn, hàng năm của tỉnh.

- Trên cơ sở Chương trình do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về chủ trương, khả năng cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư công để thực hiện Chương trình theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

- Chủ trì thẩm định, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp nhận các khoản viện trợ do các cơ quan, tổ chức, cá nhân người nước ngoài tài trợ có liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động.

5. Sở Công Thương

Thực hiện quản lý Nhà nước về an toàn trong lĩnh vực công thương, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc quản lý ngành công thương thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời, tăng cường chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực công thương, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn, phổ biến các biện pháp phòng, chống nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, nhiễm khuẩn nghề nghiệp trong chăn nuôi, trồng trọt và các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động khi sử dụng máy móc, thiết bị sản xuất, khai thác thủy sản và chế biến trong nông nghiệp và trong các khu sản xuất nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trong các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp thuộc ngành quản lý.

7. Sở Xây dựng

Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thi công xây dựng các dự án, công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng dân dụng; dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở; dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu chức năng; dự án đầu tư xây dựng công nghiệp nhẹ, công nghiệp vật liệu xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và đường bộ trong đô thị (trừ đường quốc lộ qua đô thị).

8. Sở Giao thông vận tải

Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các công trình giao thông theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Quyết định số 04/2022/QĐ-UBND ngày 18/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Quy định phân công, phân cấp thực hiện quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.

9. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Lập kế hoạch tổ chức triển khai hoạt động cải thiện điều kiện lao động, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong lĩnh vực quốc phòng, đặc biệt là nhiễm TNT, nhiễm chất độc da cam.

10. Cơ quan thông tin, truyền thông

a) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Thông tin và Truyền thông

- Định hướng cho các cơ quan báo chí, đơn vị hoạt động Trang thông tin điện tử (Website), bản tin trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về Chương trình an toàn, vệ sinh lao động của tỉnh giai đoạn 2022 - 2025.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động thông tin, báo chí, xuất bản liên quan đến thông tin tuyên truyền về thực hiện Chương trình an toàn, vệ sinh lao động của tỉnh giai đoạn 2022 - 2025.

b) Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bình Thuận

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị có liên quan để làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, kịp thời phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng về các hoạt động của Chương trình an toàn, vệ sinh lao động của tỉnh.

11. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các khu công nghiệp.

- Chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp báo cáo kịp thời cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về các vụ tai nạn lao động chết người hoặc làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên hoặc các sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng xảy ra trong các doanh nghiệp thuộc quyền quản lý.

12. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh

Tham gia và phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai các hoạt động tuyên truyền, huấn luyện, tư vấn nâng cao nhận thức các doanh nghiệp, đoàn viên, người lao động, an toàn vệ sinh viên; triển khai các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; ứng dụng khoa học, công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động để cải thiện điều kiện lao động trong các ngành, nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; xây dựng, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với nội dung về an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với các cơ quan Nhà nước thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện kế hoạch, quy chế, nội quy, các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc.

13. Đề nghị Hội Nông dân tỉnh

Tham gia và phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành liên quan lập kế hoạch tổ chức triển khai tuyên truyền, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người nông dân theo phương pháp giáo dục hành động; các hoạt động nâng cao hiệu quả phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động; nâng cao kiến thức an toàn, vệ sinh lao động cho đội ngũ cán bộ Hội cơ sở.

14. Đề nghị Văn phòng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Bình Thuận và Liên minh Hợp tác xã tỉnh

Tham gia và phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan lập kế hoạch thực hiện các hoạt động tuyên truyền, huấn luyện, tư vấn nâng cao nhận thức công tác an toàn, vệ sinh lao động cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và các đơn vị thành viên khác.

15. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình an toàn, vệ sinh lao động của địa phương giai đoạn 2022 - 2025 và hàng năm, phù hợp với mục tiêu, nội dung hoạt động của Chương trình, điều kiện thực tế của địa phương và bảo đảm nguồn lực để thực hiện theo phân cấp.

- Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện các hoạt động của Chương trình tại địa phương. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thông tin, tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn.

- Tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn.

- Chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về công tác thống kê, báo cáo định kỳ tình hình tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng liên quan tới người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

- Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất báo cáo kết quả thực hiện Chương trình gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.

16. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh

- Tổ chức thực hiện đúng các quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

- Tích cực tham gia phối hợp các hoạt động triển khai thực hiện Chương trình an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2022 - 2025.

- Các doanh nghiệp quan tâm đầu tư kinh phí cải thiện điều kiện lao động, môi trường lao động; đổi mới dây chuyền công nghệ; xây dựng, hoàn thiện quy trình, biện pháp làm việc an toàn lao động; tổ chức huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động; chấp hành tốt việc tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; thực hiện nghiêm túc việc báo cáo định kỳ về an toàn, vệ sinh lao động với các cơ quan chức năng.

Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các sở, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp căn cứ chức năng, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và định kỳ trước ngày 10 tháng 12 hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định./.


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Lao động - TB&XH;
- Bộ Tài chính;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh (Đ/c Minh);
- Các đơn vị tại mục V;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, KGVXNV, Th.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Minh

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Chương trình 4372/CTr-UBND ngày 22/12/2022 về an toàn, vệ sinh lao động tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2022-2025

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


912

DMCA.com Protection Status
IP: 3.137.219.213
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!