Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 04/2014/QĐ-KTNN Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Kiểm toán Nhà nước Người ký: Nguyễn Hữu Vạn
Ngày ban hành: 31/07/2014 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2014/QĐ-KTNN

Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHUẨN MỰC KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC SỐ 200
CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA KIỂM TOÁN TÀI CHÍNH

TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Kiểm toán nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết số 916/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 15/9/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Kiểm toán nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết số 917/2005/NQ-UBTVQH 11 ngày 15/9/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc Quy định quy trình xây dựng và ban hành Hệ thống chuẩn mực Kiểm toán nhà nước;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chuẩn mực kiểm toán nhà nước số 200 - Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán tài chính.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Thủ tướng Chính phủ;
- VP Chủ tịch nước, VP Quốc hội, VP Chính phủ;
- Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội;
- Các Ban của UBTV Quốc hội;
- Các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Viện KSND tối cao, Tòa án nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91;
- Cục Kiểm tra VBQPPL- Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Lãnh đạo KTNN; các đơn vị trực thuộc KTNN;
- Lưu: VT, Vụ CĐ và KSCLKT (03).

TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC




Nguyễn Hữu Vạn

 

CHUẨN MỰC KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC SỐ 200 (CMKTNN 200)

CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA KIỂM TOÁN TÀI CHÍNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 04 /2014/QĐ-KTNN ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Tổng Kiểm toán Nhà nước)

GIỚI THIỆU CHUNG

Cơ sở xây dựng

1. Chuẩn mực này được xây dựng và phát triển dựa trên cơ sở Luật Kiểm toán nhà nước, CMKTNN 100 - Các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và ISSAI 200 của INTOSAI - Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán tài chính. Các nguyên tắc cơ bản của chuẩn mực này được phát triển thành các hướng dẫn thực hành kiểm toán tài chính (CMTKNN cấp độ 4) và được sử dụng trong quá trình kiểm toán.

Mục đích và phạm vi áp dụng

2. Chuẩn mực này đưa ra các nguyên tắc cơ bản cho cuộc kiểm toán các báo cáo tài chính được trình bày theo khuôn khổ quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính. Các nguyên tắc này cũng được áp dụng trong các trường hợp: kiểm toán báo cáo tài chính riêng lẻ; kiểm toán các yếu tố, tài khoản hoặc khoản mục nhất định của báo cáo tài chính; kiểm toán các báo cáo tài chính được lập và trình bày cho mục đích đặc biệt; hoặc kiểm toán báo cáo tài chính tóm tắt.

3. Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán tài chính được áp dụng cho tất cả các cuộc kiểm toán tài chính (kiểm toán báo cáo tài chính được trình bày theo khuôn khổ quy định về lập, trình bày báo cáo tài chính; kiểm toán báo cáo tài chính riêng lẻ; kiểm toán các yếu tố, tài khoản hoặc khoản mục nhất định của báo cáo tài chính; kiểm toán các báo cáo tài chính được lập và trình bày cho mục đích đặc biệt; hoặc kiểm toán báo cáo tài chính tóm tắt) của các tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực công và các đối tượng khác theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước.

4. Chuẩn mực này trình bày những vấn đề cốt lõi của các chuẩn mực kiểm toán tài chính cấp độ 3 trong hệ thống chuẩn mực kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Các nguyên tắc trong Chuẩn mực này được sử dụng làm cơ sở để xây dựng và thực hiện các chuẩn mực kiểm toán tài chính cấp độ 4 một cách nhất quán.

5. Trường hợp cuộc kiểm toán tài chính có kết hợp với kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động các kiểm toán viên nhà nước phải tuân thủ cả các chuẩn mực kiểm toán tài chính, chuẩn mực kiểm toán tuân thủ và chuẩn mực kiểm toán hoạt động. Trường hợp có sự khác biệt giữa các chuẩn mực của các loại hình kiểm toán, kiểm toán viên nhà nước phải ưu tiên áp dụng nhóm chuẩn mực cho phù hợp với loại hình kiểm toán được áp dụng, nội dung chủ yếu của cuộc kiểm toán.

Quy định thực hiện

6. Chuẩn mực này đề cập các nguyên tắc cơ bản áp dụng cho một cuộc kiểm toán tài chính của Kiểm toán nhà nước.

7. Kiểm toán tài chính chủ yếu nhằm mục tiêu xác định xem báo cáo tài chính hoặc các thông tin tài chính của đơn vị được kiểm toán có phù hợp với khuôn khổ quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính hiện hành không, qua đó đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính, thông tin tài chính. Ngoài ra, còn có các mục tiêu khác gắn liền với các nội dung kiểm toán như:

(i) Các tài khoản hoặc các báo cáo tài chính khác không được lập và trình bày theo khuôn khổ quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính dành cho các mục đích chung;

(ii) Ngân sách, các khoản mục ngân sách, các khoản phân bổ ngân sách và các quyết định về phân bổ và sử dụng các nguồn lực;

(iii) Các chính sách, chương trình và hoạt động được thực hiện theo quy định hoặc theo yêu cầu của các nhà tài trợ;

(iv) Việc thực hiện trách nhiệm theo quy định pháp luật (ví dụ như việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành);

(v) Các khoản thu, chi, các loại tài sản hoặc các khoản nợ.

Nguyên tắc sử dụng thuật ngữ trong chuẩn mực

8. Thuật ngữ sử dụng trong chuẩn mực này được định nghĩa giống như trong các chuẩn mực kiểm toán do Kiểm toán nhà nước ban hành.

NỘI DUNG CHUẨN MỰC

9. Chuẩn mực này bao gồm các nội dung: Các quy định chung đối với kiểm toán tài chính; Các yếu tố của kiểm toán tài chính; Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán tài chính.

Các quy định chung đối với kiểm toán tài chính

Mục tiêu của kiểm toán tài chính

10. Mục đích của kiểm toán tài chính là làm tăng độ tin cậy của người sử dụng các báo cáo tài chính và thông tin tài chính. Để đạt được mục đích trên, kiểm toán viên nhà nước phải đưa ra ý kiến về việc liệu báo cáo tài chính, các thông tin tài chính có được lập và trình bày trung thực, hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu, phù hợp với các quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không.

11. Khi thực hiện kiểm toán tài chính, mục tiêu chung của kiểm toán viên nhà nước là:

(i) Đạt được sự đảm bảo hợp lý rằng, xét trên các khía cạnh trọng yếu, liệu báo cáo tài chính, các thông tin tài chính có còn sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn hay không, báo cáo tài chính có được lập và trình bày phù hợp với khuôn khổ quy định hiện hành về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không;

(ii) Lập báo cáo kiểm toán và công bố kết quả của cuộc kiểm toán phù hợp với các phát hiện kiểm toán.

Điều kiện tiên quyết để thực hiện một cuộc kiểm toán tài chính theo chuẩn mực kiểm toán tài chính

12. Đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải đánh giá xem cuộc kiểm toán có đủ điều kiện tiên quyết để thực hiện theo Chuẩn mực kiểm toán nhà nước hay không.

13. Điều kiện tiên quyết để thực hiện một cuộc kiểm toán tài chính theo Chuẩn mực kiểm toán nhà nước phải đáp ứng được các điều kiện sau:

(i) Khuôn khổ quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính áp dụng để lập các báo cáo tài chính là phù hợp với quy định hiện hành.

(ii) Lãnh đạo đơn vị được kiểm toán thừa nhận và hiểu rõ trách nhiệm của họ đối với:

· Lập báo cáo tài chính phù hợp với khuôn khổ quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính hiện hành, bao gồm cả thuyết minh, giải trình (nếu có);

· Hệ thống kiểm soát nội bộ để đảm bảo việc lập và trình bày báo cáo tài chính không còn sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn;

· Tạo điều kiện để kiểm toán viên nhà nước có thể tiếp cận không hạn chế các thông tin, tài liệu có liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính.

14. Đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, Đoàn kiểm toán phải xem xét đơn vị dự kiến kiểm toán có thuộc đối tượng kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và các quy định có liên quan hay không; báo cáo tài chính dự kiến được kiểm toán có được trình bày theo khuôn khổ quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính hay không.

15. Khuôn khổ quy định về lập báo cáo tài chính có thể sử dụng cho mục đích chung hoặc mục đích đặc biệt. Khuôn khổ quy định cũng có thể là quy định trình bày hợp lý hoặc quy định trình bày tuân thủ.

(i) Khuôn khổ quy định về lập báo cáo tài chính cho mục đích chung là khuôn khổ được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin cho nhiều đối tượng phổ biến.

(ii) Khuôn khổ quy định về lập báo cáo tài chính cho những mục đích đặc biệt là khuôn khổ được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của một số đối tượng nhất định.

(iii) Khuôn khổ quy định về trình bày tuân thủ yêu cầu việc lập báo cáo tài chính phải tuân theo các yêu cầu quy định và không cho phép thoát ly khỏi quy định.

(iv) Khuôn khổ quy định về trình bày hợp lý yêu cầu phải tuân thủ theo quy định, nhưng cho phép có thể thoát ly hoặc bổ sung thêm các thông tin để đảm bảo báo cáo tài chính được trình bày rõ ràng và đúng đắn hơn.

16. Một bộ báo cáo tài chính đầy đủ của một đơn vị phải bao gồm các loại báo cáo được lập và trình bày theo quy định hiện hành về báo cáo tài chính. Ví dụ đối với một doanh nghiệp thì bộ báo cáo tài chính năm thường bao gồm: Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và Bản thuyết minh báo cáo tài chính được lập theo mẫu quy định; đối với một đơn vị hành chính sự nghiệp, bộ báo cáo tài chính thường bao gồm: Bảng cân đối tài khoản, Tổng hợp tình hình kinh phí và quyết toán kinh phí đã sử dụng, Báo cáo chi tiết kinh phí hoạt động, Báo cáo chi tiết kinh phí dự án, Bảng đối chiếu dự toán kinh phí ngân sách tại Kho bạc nhà nước, Bảng đối chiếu tình hình tạm ứng và thanh toán tạm ứng kinh phí ngân sách tại Kho bạc nhà nước, Báo cáo thu - chi hoạt động sự nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh, Báo cáo tình hình tăng, giảm tài sản cố định, Báo cáo số kinh phí chưa sử dụng năm trước chuyển sang, Thuyết minh báo cáo tài chính.

17. Kiểm toán viên nhà nước phải xác định xem khuôn khổ được đơn vị áp dụng để lập và trình bày báo cáo tài chính có phù hợp với quy định pháp luật hiện hành hay không. Nếu kiểm toán viên nhà nước xét thấy là không phù hợp, thì việc áp dụng các quy định đó vẫn xem là có thể được phép áp dụng nếu:

(i) Lãnh đạo đơn vị được kiểm toán cung cấp thêm các thông tin cần thiết về báo cáo tài chính nhằm tránh sự hiểu nhầm.

(ii) Báo cáo kiểm toán phải trình bày thêm đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” nhằm lưu ý người sử dụng về những thông tin bổ sung này.

Trường hợp các điều kiện trên không được đáp ứng, báo cáo kiểm toán và ý kiến của kiểm toán viên nhà nước phải đánh giá ảnh hưởng của tình trạng thiếu các thông tin bổ sung đó. Nếu xét thấy nghiêm trọng phải thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền liên quan để có biện pháp xử lý phù hợp với quy định.

18. Trường hợp kiểm toán các báo cáo tài chính có khuôn khổ quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính thì kiểm toán viên nhà nước thực hiện kiểm toán theo Chuẩn mực kiểm toán nhà nước về kiểm toán tài chính. Trường hợp kiểm toán tài chính không có khuôn khổ quy định về lập và trình bày các báo cáo tài chính (ví dụ một số chương trình; dự án, chương trình thực hiện theo yêu cầu của các nhà tài trợ,…), khi đó kiểm toán viên nhà nước có thể sử dụng các chuẩn mực, các hướng dẫn được phát triển dựa trên CMKTNN 200 làm hướng dẫn thực hành, phù hợp với những yêu cầu nhất định của từng cuộc kiểm toán.

19. Khi nhiệm vụ kiểm toán tài chính là bắt buộc, nhưng hoàn cảnh cụ thể của cuộc kiểm toán không hội tụ đủ các điều kiện tiên quyết để thực hiện kiểm toán theo chuẩn mực kiểm toán tài chính, thì chuẩn mực kiểm toán tài chính vẫn được xem là hướng dẫn thực hành tốt nhất và hoạt động kiểm toán cần được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện cụ thể.

20. Khi nội dung chủ yếu của cuộc kiểm toán là kiểm toán tuân thủ, thì kiểm toán viên nhà nước cần tuân thủ các quy định tại CMKTNN 400 và các chuẩn mực liên quan về kiểm toán tuân thủ. Khi nội dung chủ yếu của cuộc kiểm toán là kiểm toán hoạt động, thì kiểm toán viên nhà nước cần tuân thủ các quy định tại CMKTNN 300 và các chuẩn mực liên quan về kiểm toán hoạt động.

Kiểm toán báo cáo tài chính được lập theo khuôn khổ quy định về lập và trình bày báo cáo cho các mục đích đặc biệt

21. Các nguyên tắc của Chuẩn mực này được áp dụng cho các cuộc kiểm toán tài chính đối với các báo cáo tài chính được lập theo khuôn khổ quy định về lập và trình bày báo cáo cho các mục đích chung cũng như các mục đích đặc biệt.

22. Một số khuôn khổ quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính cho các mục đích đặc biệt liên quan đến các tổ chức thuộc khu vực công có thể là:

(i) Báo cáo về các khoản thu, chi trên cơ sở kế toán tiền mặt mà một tổ chức có thể phải lập theo yêu cầu của các cơ quan quản lý;

(ii) Báo cáo tình hình tài chính theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức hoặc các nhà tài trợ;

(iii) Báo cáo tình hình tài chính theo yêu cầu riêng của cơ quan quản lý, cơ quan lập pháp hoặc các bên khác thực hiện chức năng giám sát; hoặc

(iv) Báo cáo tình hình tài chính theo các quy định của hợp đồng hay một văn bản thỏa thuận.

Kiểm toán các báo cáo tài chính riêng lẻ, các yếu tố, các tài khoản hoặc khoản mục cụ thể của một báo cáo tài chính

23. Chuẩn mực này áp dụng cho cuộc kiểm toán đối với bộ báo cáo tài chính đầy đủ, tuy nhiên cũng có thể áp dụng để kiểm toán các báo cáo tài chính riêng lẻ, các yếu tố, các tài khoản, các khoản mục, thuyết minh nhất định của báo cáo tài chính.

Các yếu tố của kiểm toán tài chính

24. Các yếu tố cơ bản trong kiểm toán lĩnh vực công đã được quy định tại CMKTNN 100 - Các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Chuẩn mực này cung cấp thêm các khía cạnh của các yếu tố liên quan đến một cuộc kiểm toán tài chính.

Ba bên liên quan trong kiểm toán tài chính

25. Ba bên liên quan trong kiểm toán tài chính là: Kiểm toán nhà nước, Đối tượng chịu trách nhiệm về báo cáo tài chính và Đối tượng sử dụng báo cáo kiểm toán. Các nội dung này được quy định tại CMKTNN 100 - Các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước .

Nội dung và các thông tin liên quan đến kiểm toán tài chính

26. Nội dung kiểm toán trong kiểm toán tài chính là các thông tin, tình hình tài chính, các hoạt động tài chính, các dòng tiền và các thuyết minh được trình bày trong báo cáo tài chính.

27. Kiểm toán viên nhà nước phải thực hiện các thủ tục để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp có liên quan đến nội dung được kiểm toán để đưa ra các ý kiến, kết luận hoặc kiến nghị trong báo cáo kiểm toán.

Tiêu chí sử dụng trong kiểm toán tài chính

28. Tiêu chí sử dụng trong kiểm toán tài chính là những tiêu chuẩn được sử dụng để đánh giá hay đo lường về một hoặc một số nội dung kiểm toán tài chính, bao gồm: Luật, chuẩn mực, các quy định, các khuôn khổ quy định về lập, trình bày và công khai báo cáo tài chính, được ban hành bởi các cơ quan có thẩm quyền.

29. Kiểm toán viên nhà nước có trách nhiệm lựa chọn các tiêu chí phù hợp cho từng cuộc kiểm toán tài chính mà mình thực hiện. Để xác định sự phù hợp của các tiêu chí kiểm toán trong cuộc kiểm toán tài chính, kiểm toán viên nhà nước cần xem xét các tiêu chí đó có liên quan đến nội dung kiểm toán tài chính không, liệu đối tượng sử dụng báo cáo kiểm toán hiểu và thực hiện theo các tiêu chí đó không. Kiểm toán viên nhà nước cũng cần xem xét các yếu tố khác của các tiêu chí áp dụng cho mỗi cuộc kiểm toán như: Sự đầy đủ, tin cậy, khách quan, được chấp nhận rộng rãi và có thể so sánh được trong các cuộc kiểm toán tài chính tương tự.

30. Tiêu chí sử dụng trong kiểm toán tài chính phải được thông tin cho đơn vị được kiểm toán và các đối tượng sử dụng báo cáo kiểm toán để giúp họ hiểu được cách thức đánh giá, đo lường nội dung kiểm toán.

Các mức độ đảm bảo

31. Trong hoạt động kiểm toán tài chính có hai mức độ đảm bảo: Đảm bảo hợp lý và đảm bảo hạn chế.

(i) Đảm bảo hợp lý: Là sự đảm bảo ở mức độ cao nhưng không phải tuyệt đối. Sự đảm bảo hợp lý được thiết kế để đưa ra ý kiến kết luận dưới dạng khẳng định, như “theo ý kiến của Kiểm toán nhà nước, xét trên các khía cạnh trọng yếu, thông tin tài chính, báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán đã được lập và trình bày hợp lý (hoặc trung thực và đúng đắn) và phù hợp với khuôn khổ quy định hiện hành.

(ii) Đảm bảo hạn chế: Là sự đảm bảo ở mức độ thấp hơn sự đảm bảo hợp lý, và được thực hiện nhằm đưa ra các ý kiến kết luận dưới dạng phủ định, như “không có điều gì khiến chúng tôi tin tưởng rằng, xét trên các khía cạnh trọng yếu, thông tin tài chính, báo cáo tài chính không được trình bày đúng đắn và hợp lý”. Các kiểm toán viên nhà nước thực hiện những công việc kiểm toán dạng này có thể phải áp dụng những hướng dẫn khác ngoài Chuẩn mực kiểm toán nhà nước về kiểm toán tài chính như tham khảo các nguyên tắc kiểm toán cơ bản tại CMKTNN 100 - Các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán tài chính

Các nguyên tắc chung

Điều kiện tiên quyết để thực hiện kiểm toán tài chính

Đạo đức nghề nghiệp và tính độc lập

32. Kiểm toán viên nhà nước phải tuân thủ các nguyên tắc về đạo đức nghề nghiệp và đảm bảo tính độc lập. Khi thực hiện kiểm toán tài chính, kiểm toán viên nhà nước phải hiểu và tuân thủ các nguyên tắc về đạo đức nghề nghiệp được quy định tại CMKTNN 30 - Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Kiểm soát chất lượng kiểm toán

33. Tất cả các cuộc kiểm toán tài chính đều phải được thực hiện các thủ tục kiểm soát chất lượng, nhằm đảm bảo hợp lý rằng cuộc kiểm toán đã tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp và các quy định có liên quan; báo cáo kiểm toán phát hành phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.

34. Kiểm toán viên nhà nước phải hiểu và tuân thủ các quy định, các thủ tục kiểm soát chất lượng theo quy định tại CMKTNN 40 - Kiểm soát chất lượng kiểm toán.

35. Các yêu cầu và hướng dẫn cụ thể về kiểm soát chất lượng kiểm toán tài chính được quy định tại CMKTNN 1220.

Năng lực và kỹ năng cần thiết

36. Đơn vị chủ trì kiểm toán cần phải đảm bảo Đoàn kiểm toán và các chuyên gia bên ngoài tham gia cuộc kiểm toán có năng lực và kỹ năng cần thiết để:

(i) Thực hiện cuộc kiểm toán theo các chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan;

(ii) Báo cáo kiểm toán phát hành phù hợp với hoàn cảnh cụ thể (phù hợp với mục tiêu, nội dung kiểm toán; các quy định pháp luật về thông tin tài chính được kiểm toán;…).

37. Các năng lực và kỹ năng cần thiết để thực hiện cuộc kiểm toán bao gồm:

(i) Sự hiểu biết và kinh nghiệm thực tiễn tham gia các cuộc kiểm toán có nội dung và mức độ phức tạp tương đương;

(ii) Am hiểu về các chuẩn mực nghề nghiệp và các quy định pháp luật được áp dụng;

(iii) Năng lực chuyên môn về kỹ thuật, gồm các kỹ năng về công nghệ thông tin có liên quan, hiểu biết về các lĩnh vực chuyên môn kế toán, kiểm toán;

(iv) Hiểu biết về các ngành có liên quan thuộc các lĩnh vực được kiểm toán;

(v) Có khả năng áp dụng các xét đoán chuyên môn;

(vi) Hiểu biết về các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng của Kiểm toán nhà nước;

(vii) Khả năng triển khai nhiệm vụ, trong điều kiện phù hợp, gồm cả sự hiểu biết về cách thức tổ chức phân cấp lập báo cáo được áp dụng, đồng thời có khả năng báo cáo với các cơ quan lập pháp, với các cơ quan giám sát khác, hoặc công bố, thuyết trình trước công chúng;

(viii) Kỹ năng về kiểm toán hoạt động và kiểm toán tuân thủ.

38. Các yêu cầu và hướng dẫn cụ thể về năng lực và kỹ năng cần thiết được quy định tại CMKTNN 1200.

Rủi ro kiểm toán

39. Kiểm toán viên nhà nước cần giảm thiểu các rủi ro kiểm toán đến mức thấp có thể chấp nhận được trong hoàn cảnh cụ thể của cuộc kiểm toán, nhằm đạt được sự đảm bảo hợp lý làm căn cứ cho ý kiến kiểm toán được trình bày ở dạng khẳng định.

40. Rủi ro kiểm toán trong kiểm toán tài chính là những rủi ro mà kiểm toán viên nhà nước đưa ra ý kiến không phù hợp khi báo cáo tài chính được kiểm toán còn chứa đựng sai sót trọng yếu.

41. Rủi ro kiểm toán phụ thuộc vào rủi ro có sai sót trọng yếu và rủi ro phát hiện. Rủi ro kiểm toán là kết quả của rủi ro có sai sót trọng yếu và rủi ro phát hiện. Trong đó:

(i) Rủi ro có sai sót trọng yếu là khả năng báo cáo tài chính có thể có sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn. Rủi ro có sai sót trọng yếu bao gồm rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát.

· Rủi ro tiềm tàng là rủi ro tiềm ẩn vốn có do khả năng trong báo cáo tài chính có sai sót trọng yếu mà không liên quan đến hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán;

· Rủi ro kiểm soát là khả năng có sai sót trọng yếu mà hoạt động kiểm soát nội bộ của đơn vị không thể ngăn chặn, phát hiện và sửa chữa kịp thời. Thông thường một vài rủi ro kiểm soát luôn tồn tại do những hạn chế vốn có trong việc xây dựng và vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ.

(ii) Rủi ro phát hiện là rủi ro kiểm toán viên không phát hiện ra các sai sót trọng yếu.

42. Việc đánh giá các rủi ro dựa trên các thủ tục kiểm toán nhằm thu thập thông tin cần thiết và các bằng chứng kiểm toán. Đánh giá rủi ro là vấn đề thuộc về xét đoán chuyên môn và không thể đo lường một cách chính xác. Tùy thuộc vào từng hoàn cảnh của cuộc kiểm toán, kiểm toán viên nhà nước cần xem xét mức độ của từng yếu tố rủi ro.

43. Các yêu cầu và hướng dẫn cụ thể về xác định và đánh giá rủi ro kiểm toán được quy định tại CMKTNN 1315.

Xét đoán chuyên môn và thái độ hoài nghi nghề nghiệp

44. Trong quá trình lập kế hoạch, thực hiện kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán, kiểm toán viên nhà nước phải thực hiện các xét đoán chuyên môn và duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp.

45. Thuật ngữ “thái độ hoài nghi nghề nghiệp” và “xét đoán chuyên môn” được kiểm toán viên nhà nước sử dụng khi thiết lập các yêu cầu trước khi đưa ra quyết định về các thủ tục kiểm toán phù hợp với từng vấn đề của cuộc kiểm toán.

46. Xét đoán chuyên môn được kiểm toán viên sử dụng trong suốt quá trình kiểm toán, bằng việc áp dụng các kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp với các chuẩn mực kế toán, kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp, giúp kiểm toán viên đưa ra quyết định phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của cuộc kiểm toán.

47. Các xét đoán chuyên môn được sử dụng khi ra quyết định về:

(i) Mức trọng yếu và rủi ro kiểm toán;

(ii) Nội dung, thời gian và phạm vi các thủ tục kiểm toán được sử dụng để đáp ứng các yêu cầu của Chuẩn mực kiểm toán nhà nước và thu thập bằng chứng kiểm toán;

(iii) Đánh giá tính đầy đủ và thích hợp của các bằng chứng kiểm toán đã thu thập và sự cần thiết phải thu thập thêm các bằng chứng để đạt được mục tiêu kiểm toán;

(iv) Đánh giá các thủ tục đã thực hiện của lãnh đạo đơn vị được kiểm toán trong việc áp dụng khuôn khổ quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính;

(v) Đưa ra kết luận dựa trên các bằng chứng kiểm toán đã thu thập.

48. Thái độ hoài nghi nghề nghiệp là cần thiết đối với mọi cuộc kiểm toán. Kiểm toán viên nhà nước cần lập kế hoạch và thực hiện cuộc kiểm toán với thái độ hoài nghi nghề nghiệp để nhận biết các khả năng, tình huống có thể dẫn đến báo cáo tài chính chứa đựng những sai sót trọng yếu. Hoài nghi nghề nghiệp là thái độ mà kiểm toán viên phải đánh giá nghiêm túc, luôn nghi ngờ về giá trị của bằng chứng kiểm toán thu thập được, đồng thời cảnh giác về các bằng chứng có sự trái ngược, mâu thuẫn và luôn nghi vấn về mức độ tin cậy của các tài liệu, các giải trình do bên chịu trách nhiệm cung cấp.

49. Các yêu cầu và hướng dẫn cụ thể về xét đoán chuyên môn và thái độ hoài nghi nghề nghiệp được quy định tại CMKTNN 1200.

Trọng yếu kiểm toán

50. Kiểm toán viên nhà nước cần vận dụng khái niệm trọng yếu kiểm toán theo cách thức phù hợp trong suốt quá trình kiểm toán.

51. Một sai sót được coi là trọng yếu khi xét riêng lẻ hoặc tổng hợp lại nếu sai sót đó có thể gây ảnh hưởng tới quyết định của người sử dụng thông tin, báo cáo tài chính. Trọng yếu thường được xem xét dưới cả hai khía cạnh định tính và định lượng. Trong lĩnh vực công, thông tin trên báo cáo tài chính có thể được sử dụng để đưa ra các quyết định khác ngoài quyết định kinh tế, vì vậy khía cạnh định tính của trọng yếu thường đóng vai trò quan trọng hơn so với các đơn vị thuộc lĩnh vực khác. Việc xác định trọng yếu và đánh giá các khía cạnh định tính của trọng yếu trong một cuộc kiểm toán cần các xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên nhà nước.

52. Kiểm toán viên nhà nước cần phải xem xét vận dụng khái niệm trọng yếu trong suốt quá trình kiểm toán nhằm xác định, đánh giá rủi ro, hình thành ý kiến và phát hành báo cáo kiểm toán phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Kiểm toán viên nhà nước phải xem xét trọng yếu đối với từng nghiệp vụ, khoản mục, nhóm khoản mục và tổng thể báo cáo tài chính.

53. Các yêu cầu và hướng dẫn cụ thể về xác định và vận dụng trọng yếu kiểm toán được quy định tại CMKTNN 1320.

Hồ sơ kiểm toán

54. Hồ sơ kiểm toán phải được lập đầy đủ, kịp thời theo quy định. Hồ sơ kiểm toán phải đảm bảo đầy đủ, chi tiết để cung cấp đầy đủ thông tin rõ ràng về công việc đã thực hiện, bằng chứng thu thập và các kết luận đã đưa ra, sao cho một kiểm toán viên nhà nước có kinh nghiệm không tham gia kiểm toán, thông qua hồ sơ kiểm toán, có thể hiểu được các công việc đã thực hiện, các vấn đề phát sinh, các bằng chứng đã thu thập được, các xét đoán chuyên môn quan trọng, quá trình hình thành các ý kiến, kết luận và kiến nghị kiểm toán.

55. Các yêu cầu và hướng dẫn cụ thể về hồ sơ kiểm toán được quy định tại CMKTNN 1230.

Trao đổi thông tin

56. Kiểm toán viên nhà nước phải xác định những người có trách nhiệm hoặc có liên quan để trao đổi thông tin về phạm vi, thời gian thực hiện kiểm toán và các phát hiện kiểm toán quan trọng.

57. Kiểm toán viên nhà nước cần trao đổi với lãnh đạo đơn vị được kiểm toán. Việc trao đổi thông tin giúp kiểm toán viên nhà nước thu thập thông tin có liên quan đến cuộc kiểm toán, đồng thời cung cấp kịp thời cho lãnh đạo đơn vị những vấn đề quan trọng và liên quan đến quá trình lập báo cáo tài chính của đơn vị. Điều quan trọng là phải phát huy được hiệu quả của việc trao đổi hai chiều giữa kiểm toán viên nhà nước và đơn vị được kiểm toán.

58. Việc trao đổi thông tin có thể được thực hiện bằng nhiều cách thức và có thể trao đổi với nhiều bên liên quan (không nhất thiết chỉ trong phạm vi đơn vị được kiểm toán). Việc trao đổi cần được thực hiện bằng văn bản nếu kiểm toán viên nhận thấy việc trao đổi bằng lời là chưa đủ.

59. Các yêu cầu và hướng dẫn cụ thể về trao đổi thông tin được quy định tại CMKTNN 1260.

Các nguyên tắc liên quan đến quá trình kiểm toán

Lập kế hoạch

60. Đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải tổ chức khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán đối với tất cả các cuộc kiểm toán, đảm bảo hiệu quả và hiệu lực. Việc lập kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán phải xác định được mục tiêu, phạm vi, nội dung trọng tâm, lịch trình và các nguồn lực để làm căn cứ để lập kế hoạch kiểm toán chi tiết và chỉ đạo, tổ chức thực hiện cuộc kiểm toán một cách tiết kiệm, hiệu quả và giảm thiểu rủi ro kiểm toán.

61. Kế hoạch kiểm toán của mỗi cuộc kiểm toán bao gồm kế hoạch kiểm toán tổng quát của cuộc kiểm toán và kế hoạch kiểm toán chi tiết.

62. Khi xây dựng kế hoạch kiểm toán tổng quát, đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải:

(i) Tổ chức khảo sát, thu thập thông tin có liên quan về đơn vị được kiểm toán và cuộc kiểm toán;

(ii) Phân tích thông tin thu thập để làm cơ sở xây dựng kế hoạch kiểm toán tổng quát;

(iii) Xác định mục tiêu, phạm vi, nội dung, phương pháp kiểm toán, lịch trình và các nguồn lực cần thiết để thực hiện cuộc kiểm toán.

63. Kế hoạch kiểm toán tổng quát thông thường bao gồm những nội dung chính sau:

(i) Mục tiêu kiểm toán;

(ii) Đánh giá rủi ro kiểm toán; Xác định trọng yếu kiểm toán;

(iii) Nội dung kiểm toán; phương pháp kiểm toán;

(iv) Phạm vi kiểm toán;

(v) Xác định phương thức tổ chức và lịch trình thực hiện cuộc kiểm toán;

64. Kế hoạch kiểm toán tổng quát phải được lập và phê duyệt trước khi thực hiện mỗi cuộc kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

65. Khi xây dựng kế hoạch kiểm toán chi tiết, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và kiểm toán viên nhà nước phải:

(i) Khảo sát chi tiết tình hình và hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán;

(ii) Phân tích thông tin đã thu thập được để làm cơ sở xác định trọng yếu kiểm toán, rủi ro kiểm toán, chọn mẫu và quy mô mẫu kiểm toán; các phương pháp kiểm toán cho từng khoản mục, nội dung kiểm toán, từng cơ sở dẫn liệu.

66. Nội dung kế hoạch kiểm toán chi tiết thường bao gồm:

(i) Mục tiêu kiểm toán chi tiết đối với từng cơ sở dẫn liệu của các khoản mục trên báo cáo tài chính;

(ii) Nội dung kiểm toán;

(iii) Phạm vi, đối tượng kiểm toán;

(iv) Rủi ro, trọng yếu kiểm toán và quy mô mẫu kiểm toán được xác định cho từng khoản mục, nội dung kiểm toán;

(v) Các phương pháp, thủ tục kiểm toán áp dụng trong kiểm toán từng khoản mục, từng nội dung, từng cơ sở dẫn liệu.

67. Chương trình kiểm toán: các nhiệm vụ kiểm toán được xác định cụ thể đến từng khoản mục, nội dung kiểm toán và việc bố trí nhân sự, lịch trình, các phương pháp, thủ tục thực hiện từng nhiệm vụ kiểm toán.

68. Kế hoạch kiểm toán tổng quát và kế hoạch kiểm toán chi tiết đều phải được ghi chép và lưu giữ. Kiểm toán viên cần cập nhật và điều chỉnh kế hoạch kiểm toán khi cần thiết trong suốt quá trình kiểm toán.

69. Các yêu cầu và hướng dẫn cụ thể về lập kế hoạch kiểm toán tài chính được quy định tại CMKTNN 1300.

Tìm hiểu về đơn vị được kiểm toán

70. Kiểm toán viên nhà nước phải có hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường hoạt động của đơn vị, trong đó có các thủ tục kiểm soát nội bộ liên quan.

71. Hiểu biết về bản chất, cơ cấu tổ chức, các nguồn lực và khả năng huy động các nguồn lực, môi trường hoạt động, môi trường kiểm soát, việc nhận diện và đánh giá rủi ro, hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán giúp kiểm toán viên nhà nước xác định và đánh giá các rủi ro, từ đó lập kế hoạch và thực hiện cuộc kiểm toán một cách hiệu quả.

72. Kiểm toán viên nhà nước không bắt buộc phải tìm hiểu toàn bộ các hoạt động kiểm soát liên quan đến từng nhóm giao dịch, số dư tài khoản và thuyết minh trên báo cáo tài chính hoặc từng cơ sở dẫn liệu có liên quan. Tuy nhiên, kiểm toán viên nhà nước phải chú trọng đánh giá mức độ nhất quán trong vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán.

73. Các yêu cầu và hướng dẫn cụ thể về tìm hiểu về đơn vị được kiểm toán được quy định tại CMKTNN 1315.

Đánh giá rủi ro kiểm toán

74. Kiểm toán viên nhà nước phải đánh giá các rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ báo cáo tài chính và cấp độ cơ sở dẫn liệu đối với các nhóm giao dịch, số dư tài khoản và thông tin thuyết minh để làm cơ sở cho việc thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán tiếp theo.

75. Thủ tục đánh giá rủi ro gồm các bước sau:

(i) Phỏng vấn lãnh đạo và các nhân viên trong đơn vị được kiểm toán, mà theo xét đoán của kiểm toán viên nhà nước có khả năng cung cấp thông tin hỗ trợ cho việc xác định rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn;

(ii) Thực hiện thủ tục phân tích;

(iii) Quan sát và điều tra.

76. Để xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở các cấp độ báo cáo tài chính và cấp độ cơ sở dẫn liệu, kiểm toán viên nhà nước cần:

(i) Xác định rủi ro thông qua quá trình tìm hiểu về đơn vị và môi trường của đơn vị được kiểm toán, bao gồm kiểm tra các thủ tục kiểm soát phù hợp liên quan đến rủi ro và xem xét các nhóm giao dịch, số dư tài khoản, thông tin thuyết minh trong báo cáo tài chính;

(ii) Đánh giá liệu những rủi ro đã xác định có ảnh hưởng phổ biến đến tổng thể báo cáo tài chính và ảnh hưởng đến nhiều cơ sở dẫn liệu hay không;

(iii) Liên hệ những rủi ro đã nhận diện với các sai sót có thể xảy ra ở cấp độ cơ sở dẫn liệu và cân nhắc xem những thủ tục kiểm soát mà kiểm toán viên nhà nước dự định kiểm tra;

(iv) Cân nhắc khả năng xảy ra sai sót, kể cả khả năng xảy ra sai sót kép và liệu những sai sót đó có dẫn đến sai sót trọng yếu hay không.

77. Kiểm toán viên nhà nước phải lưu lại trong hồ sơ kiểm toán những thông tin liên quan đến việc xác định và đánh giá các rủi ro có sai sót trọng yếu tại cấp độ báo cáo tài chính và cấp độ cơ sở dẫn liệu, và các thủ tục kiểm soát có liên quan mà kiểm toán viên đã tìm hiểu.

78. Các yêu cầu và hướng dẫn cụ thể về xác định và đánh giá rủi ro kiểm toán được quy định tại CMKTNN 1315.

Biện pháp xử lý đối với rủi ro đã đánh giá

79. Kiểm toán viên nhà nước phải có biện pháp xử lý thích hợp đối với các rủi ro có sai sót trọng yếu đã được đánh giá trong báo cáo tài chính. Các biện pháp xử lý đối với rủi ro đã được đánh giá là việc thiết kế các thủ tục kiểm toán để đối phó với các rủi ro. Các thủ tục kiểm toán gồm: thử nghiệm cơ bản và thử nghiệm kiểm soát.

80. Nội dung, thời gian và phạm vi của các thủ tục kiểm toán phải được thiết kế và thực hiện dựa trên kết quả đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu. Khi thiết kế các thủ tục kiểm toán cần thiết, kiểm toán viên nhà nước phải xem xét các lý do đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu cho từng nhóm giao dịch, số dư tài khoản và thông tin thuyết minh. Các lý do này có thể là rủi ro tiềm tàng của các giao dịch (khả năng xảy ra sai sót trọng yếu do các đặc tính cụ thể của các nhóm giao dịch, số dư tài khoản và thông tin thuyết minh có liên quan) và rủi ro kiểm soát (việc đánh giá rủi ro có tính đến các hoạt động kiểm soát có liên quan hay không).

81. Kiểm toán viên nhà nước phải thiết kế và thực hiện các thử nghiệm kiểm soát để thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp về tính hữu hiệu của hoạt động kiểm soát có liên quan. Kiểm toán viên nhà nước cần ghi nhớ rằng khi thiết kế và thực hiện thử nghiệm kiểm soát, nếu muốn tin tưởng vào tính hữu hiệu của hoạt động kiểm soát thì cần phải thu thập bằng chứng kiểm toán thuyết phục hơn.

82. Cho dù kết quả đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu như thế nào, kiểm toán viên nhà nước vẫn phải thiết kế và thực hiện các thử nghiệm cơ bản đối với từng nhóm giao dịch, số dư tài khoản và thông tin thuyết minh quan trọng. Hơn nữa, nếu kiểm toán viên nhà nước đã xác định rủi ro có sai sót trọng yếu đã được đánh giá ở cấp độ cơ sở dẫn liệu là rủi ro đáng kể thì phải thực hiện các thử nghiệm cơ bản để xử lý rủi ro này. Nếu chỉ thực hiện thử nghiệm cơ bản đối với một rủi ro đáng kể thì thử nghiệm cơ bản phải bao gồm cả thủ tục kiểm tra chi tiết.

83. Các yêu cầu và hướng dẫn cụ thể về các biện pháp xử lý đối với rủi ro đã đánh giá được quy định tại CMKTNN 1330.

Xem xét gian lận trong kiểm toán báo cáo tài chính

84. Kiểm toán viên nhà nước phải xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận đã xác định trong báo cáo tài chính và phải thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về các rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận đó, đồng thời có biện pháp xử lý thích hợp đối với các gian lận hay nghi ngờ có gian lận.

85. Việc ngăn ngừa và phát hiện gian lận trước hết thuộc về trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị được kiểm toán. Trách nhiệm của kiểm toán viên nhà nước là phải đạt được sự đảm bảo hợp lý rằng tổng thể báo cáo tài chính đã được kiểm toán, xét trên các khía cạnh trọng yếu, không còn sai sót trọng yếu do gian lận hoặc do nhầm lẫn.

86. Các sai sót trong báo cáo tài chính có thể phát sinh từ gian lận hoặc nhầm lẫn. Để phân biệt giữa gian lận và nhầm lẫn, kiểm toán viên nhà nước cần phải xem xét xem hành vi dẫn đến sai sót trong báo cáo tài chính là cố ý hay không cố ý. Có hai loại sai sót do cố ý mà kiểm toán viên nhà nước cần quan tâm là sai sót xuất phát từ việc lập báo cáo tài chính do gian lận và sai sót do biển thủ tài sản.

87. Kiểm toán viên nhà nước phải duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp trong suốt quá trình kiểm toán, phải nhận thức được rằng khả năng sai sót trọng yếu do gian lận ở cấp độ báo cáo tài chính và cấp độ cơ sở dẫn liệu đối với nhóm giao dịch, số dư tài khoản và thông tin thuyết minh không phụ thuộc vào nhận định, đánh giá trước đây của kiểm toán viên nhà nước về mức độ trung thực và tính chính trực của lãnh đạo đơn vị được kiểm toán.

88. Các yêu cầu và hướng dẫn cụ thể về xem xét gian lận trong kiểm toán báo cáo tài chính được quy định tại CMKTNN 1240.

Xem xét về hoạt động liên tục

89. Kiểm toán viên nhà nước phải xem xét liệu có sự kiện hay điều kiện nào có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị được kiểm toán hay không.

90. Thông thường báo cáo tài chính được trình bày dựa trên giả định về hoạt động liên tục của đơn vị được kiểm toán và sẽ tiếp tục hoạt động trong tương lai. Báo cáo tài chính cho mục đích chung được lập trên cơ sở hoạt động liên tục, trừ khi các cơ quan có thẩm quyền bắt buộc giải thể đơn vị hoặc phải ngừng hoạt động.

91. Khái niệm hoạt động liên tục trong lĩnh vực công thường liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức kinh tế do nhà nước thành lập để thực hiện những mục tiêu nhất định.

92. Kiểm toán viên nhà nước có trách nhiệm thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về tính hợp lý của giả định hoạt động liên tục mà lãnh đạo đơn vị được kiểm toán đã sử dụng khi lập và trình bày báo cáo tài chính và phải kết luận liệu còn có yếu tố không chắc chắn trọng yếu nào liên quan tới khả năng hoạt động liên tục của đơn vị hay không.

93. Các yêu cầu và hướng dẫn cụ thể về đánh giá khả năng hoạt động liên tục được quy định tại CMKTNN 1570.

Xem xét về quy định pháp luật trong kiểm toán tài chính

94. Kiểm toán viên nhà nước phải xác định các rủi ro có sai sót trọng yếu do hành vi không tuân thủ các quy định pháp luật. Việc xác định những rủi ro này dựa trên cơ sở hiểu biết về quy định pháp luật được áp dụng đối với các lĩnh vực hoạt động cụ thể của đơn vị được kiểm toán, bao gồm cả việc tuân thủ pháp luật của đơn vị.

Kiểm toán viên nhà nước phải thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về việc tuân thủ pháp luật và các quy định mà có ảnh hưởng trực tiếp và trọng yếu đến các quyết định liên quan đến các số liệu, thông tin quan trọng trong báo cáo tài chính.

95. Kiểm toán viên nhà nước cần phải đạt được sự đảm bảo hợp lý về việc xác định liệu báo cáo tài chính, xét trên các khía cạnh trọng yếu, có còn sai sót trọng yếu do gian lận hoặc do nhầm lẫn hay không. Do những hạn chế vốn có của cuộc kiểm toán tài chính thường có các rủi ro không thể tránh được là một số sai sót trọng yếu có thể không được phát hiện, kể cả khi cuộc kiểm toán đã được lập kế hoạch kiểm toán và thực hiện phù hợp với các Chuẩn mực kiểm toán nhà nước. Vì vậy, trong trường hợp này kiểm toán viên nhà nước không thể đáp ứng kỳ vọng là sẽ phát hiện tất cả các hành vi vi phạm pháp luật và quy định liên quan.

96. Các yêu cầu và hướng dẫn cụ thể về việc xem xét các quy định pháp luật trong báo cáo tài chính được quy định tại CMKTNN 1250.

Bằng chứng kiểm toán

97. Kiểm toán viên nhà nước phải xác định và thực hiện các thủ tục kiểm toán phù hợp với từng hoàn cảnh của cuộc kiểm toán nhằm thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để đưa ra các kết luận hợp lý làm cơ sở hình thành ý kiến kiểm toán. Kiểm toán viên nhà nước phải xem xét tính phù hợp và độ tin cậy của thông tin được sử dụng làm bằng chứng kiểm toán.

98. Bằng chứng kiểm toán phải đảm bảo tính đầy đủ và thích hợp. Tính đầy đủ là tiêu chuẩn đánh giá về số lượng của bằng chứng kiểm toán, còn tính thích hợp là tiêu chuẩn đánh giá về chất lượng của các bằng chứng kiểm toán. Tính đầy đủ và thích hợp của bằng chứng kiểm toán có mối liên hệ tương quan. Số lượng bằng chứng kiểm toán cần thu thập chịu ảnh hưởng bởi đánh giá của kiểm toán viên nhà nước đối với rủi ro có sai sót trọng yếu của báo cáo tài chính và chất lượng của mỗi bằng chứng kiểm toán. Rủi ro được đánh giá ở mức độ càng cao thì thường cần nhiều bằng chứng kiểm toán, chất lượng của mỗi bằng chứng kiểm toán càng cao thì có thể cần ít bằng chứng kiểm toán hơn. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng kiểm toán được thu thập không có nghĩa là chất lượng bằng chứng kiểm toán được đảm bảo.

99. Độ tin cậy của bằng chứng kiểm toán phụ thuộc vào nguồn gốc, nội dung của bằng chứng kiểm toán và hoàn cảnh cụ thể mà kiểm toán viên thu thập được bằng chứng.

100. Các yêu cầu và hướng dẫn cụ thể về bằng chứng kiểm toán được quy định tại CMKTNN 1500.

Xem xét các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán

101. Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán là những sự kiện phát sinh kể từ sau ngày kết thúc kỳ kế toán đến ngày lập báo cáo kiểm toán và những sự việc mà kiểm toán viên nhà nước biết được sau ngày lập báo cáo kiểm toán.

102. Kiểm toán viên nhà nước phải thực hiện các thủ tục kiểm toán nhằm thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về việc kiểm toán viên nhà nước đã nhận biết toàn bộ các sự kiện phát sinh từ sau ngày kết thúc kỳ kế toán đến ngày lập báo cáo kiểm toán cần được điều chỉnh hoặc bổ sung thuyết minh trong báo cáo tài chính. Kiểm toán viên nhà nước phải xử lý một cách thích hợp đối với những sự việc được biết sau ngày lập báo cáo kiểm toán, mà nếu sự việc này được biết đến tại ngày lập báo cáo kiểm toán thì có thể phải điều chỉnh báo cáo kiểm toán. Tuy nhiên, kiểm toán viên nhà nước không bắt buộc phải thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung đối với các vấn đề mà những thủ tục kiểm toán áp dụng trước đó đã đưa ra kết luận thoả đáng.

103. Các yêu cầu và hướng dẫn cụ thể về xem xét các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán được quy định tại CMKTNN 1560.

Đánh giá các sai sót

104. Sai sót là sự khác biệt giữa giá trị, cách phân loại, trình bày hoặc thuyết minh của một khoản mục trên báo cáo tài chính với giá trị, cách phân loại, trình bày hoặc thuyết minh của khoản mục đó theo khuôn khổ quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng. Sai sót có thể phát sinh do nhầm lẫn hoặc gian lận.

105. Kiểm toán viên nhà nước phải ghi chép, tập hợp đầy đủ những sai sót được phát hiện trong quá trình kiểm toán và trao đổi kịp thời với cấp quản lý phù hợp đối với tất cả các sai sót đó, trừ khi quy định pháp luật không cho phép.

106. Kiểm toán viên nhà nước phải xác định liệu các sai sót không được điều chỉnh có trọng yếu hay không khi xét riêng lẻ hoặc tổng hợp lại để làm căn cứ đưa ra ý kiến kiểm toán. Kiểm toán viên nhà nước phải xác định liệu các sai sót được phát hiện có trọng yếu hay không khi xét riêng lẻ hoặc gộp lại, bằng cách xem xét:

(i) Quy mô và bản chất của các sai sót trong mối quan hệ với từng nhóm giao dịch, số dư tài khoản hoặc thông tin thuyết minh và mối quan hệ với tổng thể báo cáo tài chính cũng như các tình huống cụ thể phát sinh sai sót;

(ii) Ảnh hưởng của các sai sót không được điều chỉnh của kỳ trước đối với các nhóm giao dịch, số dư tài khoản hoặc thông tin thuyết minh liên quan và đối với tổng thể báo cáo tài chính.

107. Kiểm toán viên nhà nước phải trao đổi với lãnh đạo đơn vị được kiểm toán về những sai sót và ảnh hưởng của các sai sót này khi xét riêng lẻ hoặc tổng hợp lại đối với ý kiến kiểm toán, nhất là những sai sót trọng yếu. Khi đơn vị được kiểm toán không chấp nhận điều chỉnh các sai sót trọng yếu được phát hiện trong quá trình kiểm toán, kiểm toán viên phải tìm hiểu nguyên nhân của việc từ chối đó và đánh giá ảnh hưởng của việc không điều chỉnh này đến các ý kiến kiểm toán.

108. Các yêu cầu và hướng dẫn cụ thể về đánh giá các sai sót phát hiện trong quá trình kiểm toán được quy định tại CMKTNN 1450.

Hình thành ý kiến kiểm toán và báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính

109. Trên cơ sở đánh giá các kết luận rút ra từ bằng chứng kiểm toán thu thập được, kiểm toán viên nhà nước phải đưa ra ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính liệu báo cáo tài chính, xét trên các khía cạnh trọng yếu, có được lập phù hợp với khuôn khổ quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không. Ý kiến kiểm toán phải được trình bày một cách rõ ràng bằng văn bản, trong đó nêu rõ cơ sở của ý kiến đó.

110. Mục tiêu của kiểm toán tài chính trong lĩnh vực công ngoài việc đưa ra ý kiến kiểm toán xem báo cáo tài chính, xét trên các khía cạnh trọng yếu, có được lập và trình bày theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính hay không, còn có các mục tiêu kiểm toán khác như: đánh giá việc tuân thủ, đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực. Vì vậy, trên cơ sở bằng chứng kiểm toán đã thu thập, kiểm toán viên nhà nước cần phải đưa ra ý kiến đánh giá về tính tuân thủ, tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của các hoạt động trong phạm vi kiểm toán.

111. Trường hợp cuộc kiểm toán có thêm mục tiêu kiểm toán tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của các hoạt động, kiểm toán viên cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán hoạt động và các hướng dẫn liên quan (CMKTNN 300 và CMKTNN 3000). Trường hợp cuộc kiểm toán có thêm mục tiêu kiểm toán tính tuân thủ kiểm toán viên nhà nước phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán tuân thủ và các hướng dẫn liên quan (CMKTNN 400, CMKTNN 4000 và CMKTNN 4200).

112. Để đưa ra ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính, trước hết kiểm toán viên nhà nước phải kết luận liệu đã đạt được sự đảm bảo hợp lý về việc báo cáo tài chính xét trên phương diện tổng thể, có còn sai sót trọng yếu do gian lận hoặc do nhầm lẫn hay không.

113. Các yêu cầu và hướng dẫn cụ thể về việc hình thành ý kiến kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán được quy định tại CMKTNN 1700.

Các dạng ý kiến kiểm toán

114. Có hai loại ý kiến kiểm toán là ý kiến chấp nhận toàn phần và ý kiến không phải ý kiến chấp nhận toàn phần.

(i) Ý kiến chấp nhận toàn phần là ý kiến được đưa ra khi kiểm toán viên nhà nước kết luận rằng báo cáo tài chính, xét trên các khía cạnh trọng yếu, đã phù hợp với khuôn khổ quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng.

(ii) Ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần là ý kiến được đưa ra khi:

· Dựa trên bằng chứng kiểm toán thu thập được, kiểm toán viên nhà nước kết luận rằng tổng thể báo cáo tài chính vẫn còn sai sót trọng yếu; hoặc

· Kiểm toán viên nhà nước không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để kết luận rằng tổng thể báo cáo tài chính không còn sai sót trọng yếu.

Các dạng ý kiến kiểm toán không phải là chấp nhận toàn phần

115. Có ba dạng ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần:

(i) Ý kiến kiểm toán ngoại trừ;

(ii) Ý kiến kiểm toán trái ngược;

(iii) Từ chối đưa ra ý kiến.

116. Các yêu cầu và hướng dẫn cụ thể về các loại ý kiến kiểm toán và các dạng ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần trong báo cáo kiểm toán được quy định tại CMKTNN 1700 và CMKTNN 1705.

Các yêu cầu của báo cáo kiểm toán

117. Báo cáo kiểm toán tài chính của Kiểm toán nhà nước là văn bản do Kiểm toán nhà nước lập và công bố để đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán đối với các thông tin tài chính và báo cáo tài chính.

118. Báo cáo kiểm toán phải phản ánh đầy đủ, chính xác, trung thực và khách quan kết quả, kết luận và kiến nghị kiểm toán; xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách.

119. Báo cáo kiểm toán phải được thể hiện theo đúng quy định về hình thức văn bản của Kiểm toán nhà nước và có giá trị pháp lý để các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (đối tượng chịu trách nhiệm) phải thực hiện.

120. Báo cáo kiểm toán phải tuân thủ các yêu cầu:

(i) Chính xác: Nội dung, số liệu trong báo cáo kiểm toán phải chính xác; các kết luận, kiến nghị kiểm toán phải dựa trên những bằng chứng kiểm toán đảm bảo yêu cầu đầy đủ và thích hợp;

(ii) Có tính xây dựng: Các kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán phải có tính xây dựng, giúp đơn vị phát huy được những ưu điểm, thế mạnh và khắc phục, sửa chữa những sai sót, hạn chế;

(iii) Rõ ràng, súc tích: Văn phong dùng trong trình bày báo cáo kiểm toán phải trong sáng, ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, không gây ra nhiều cách hiểu khác nhau cho người sử dụng báo cáo; cấu trúc báo cáo phải chặt chẽ, hợp lý;

(iv) Kịp thời: Báo cáo kiểm toán phải được lập và gửi đúng thời hạn theo quy định.

121. Nội dung và kết cấu của Báo cáo kiểm toán phải tuân thủ quy định về mẫu biểu, hồ sơ kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, trong đó nội dung của báo cáo kiểm toán thường bao gồm: thông tin về đơn vị được kiểm toán, kết quả kiểm toán (cơ sở lập báo cáo kiểm toán, căn cứ hình thành ý kiến kiểm toán, ý kiến kiểm toán, các vấn đề cần nhấn mạnh và các vấn đề khác, các kết luận, kiến nghị và các nội dung khác nếu có), chữ ký, đóng dấu, ngày ký báo cáo kiểm toán và các thuyết minh, phụ biểu (nếu có).

122. Nếu kiểm toán viên nhà nước thấy cần phải thu hút sự chú ý của người sử dụng đối với một vấn đề đã được trình bày hoặc thuyết minh trong báo cáo tài chính, mà theo xét đoán của kiểm toán viên, vấn đề đó là đặc biệt quan trọng để người sử dụng hiểu rõ hơn báo cáo tài chính, thì kiểm toán viên nhà nước phải trình bày thêm đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” trong báo cáo kiểm toán, để thể hiện là kiểm toán viên nhà nước đã thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp cho thấy vấn đề đó không bị sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính. Đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” chỉ để giải thích những vấn đề đã được trình bày hoặc thuyết minh trong báo cáo tài chính.

123. Khi trình bày đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” trong báo cáo kiểm toán, kiểm toán viên nhà nước phải:

(i) Trình bày đoạn này ngay sau đoạn “Ý kiến kiểm toán”;

(ii) Sử dụng tiêu đề “Vấn đề cần nhấn mạnh”, hoặc các tiêu đề khác phù hợp;

(iii) Thể hiện sự tham chiếu rõ ràng đến vấn đề được nhấn mạnh và đến các thuyết minh liên quan trong báo cáo tài chính có mô tả đầy đủ về vấn đề đó;

(iv) Thể hiện là ý kiến của kiểm toán viên nhà nước không bị thay đổi do ảnh hưởng của vấn đề được nhấn mạnh đó.

124. Nếu kiểm toán viên nhà nước thấy cần phải trao đổi về một vấn đề khác ngoài các vấn đề đã được trình bày hoặc thuyết minh trong báo cáo tài chính, mà theo xét đoán của kiểm toán viên, vấn đề khác đó giúp người sử dụng hiểu rõ hơn về cuộc kiểm toán, về trách nhiệm của kiểm toán viên nhà nước hoặc về báo cáo kiểm toán thì kiểm toán viên nhà nước phải trình bày về vấn đề đó trong báo cáo kiểm toán, với tiêu đề “Vấn đề khác” hoặc tiêu đề khác phù hợp. Đoạn này phải được trình bày ngay sau đoạn “Ý kiến kiểm toán của kiểm toán viên” và đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” (nếu có).

125. Các yêu cầu và hướng dẫn cụ thể về "Vấn đề cần nhấn mạnh" và "Vấn đề khác" trong báo cáo kiểm toán được quy định tại CMKTNN 1706.

Thông tin so sánh - dữ liệu tương ứng và báo cáo tài chính so sánh

126. Kiểm toán viên nhà nước xem xét thông tin so sánh - dữ liệu tương ứng và báo cáo tài chính so sánh nhằm xác định các thông tin so sánh - dữ liệu tương ứng trên báo cáo tài chính có được trình bày đầy đủ và phù hợp với khuôn khổ quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không; đồng thời xác định xem liệu đơn vị được kiểm toán có trình bày thông tin trên báo cáo tài chính, sử dụng các phương pháp, chính sách, chế độ kế toán có nhất quán hay không.

127. Khi thực hiện cuộc kiểm toán báo cáo tài chính kỳ hiện tại, nếu nhận thấy có thể có sai sót trọng yếu trong thông tin so sánh, kiểm toán viên nhà nước phải thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung cần thiết cho từng trường hợp cụ thể để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp nhằm xác định xem sai sót trọng yếu có tồn tại hay không.

128. Các yêu cầu và hướng dẫn cụ thể về thông tin so sánh - dữ liệu tương ứng và báo cáo tài chính so sánh được quy định tại CMKTNN 1710.

Trách nhiệm của kiểm toán viên nhà nước đối với các thông tin khác trong tài liệu liên quan đến báo cáo tài chính được kiểm toán

129. Kiểm toán viên nhà nước phải xem xét các thông tin khác trong tài liệu có liên quan đến báo cáo tài chính được kiểm toán để xác định các vấn đề không nhất quán trọng yếu hoặc các sai sót trọng yếu so với báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Nếu phát hiện ra các vấn đề không nhất quán trọng yếu hoặc các sai sót trọng yếu thì kiểm toán viên nhà nước cần trao đổi với lãnh đạo của đơn vị được kiểm toán, đồng thời phải thu thập và đánh giá các ảnh hưởng của chúng đến báo cáo tài chính để hình thành ý kiến kiểm toán trong báo cáo kiểm toán.

130. Các yêu cầu và hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của kiểm toán viên nhà nước liên quan đến các thông tin khác trong tài liệu liên quan đến báo cáo tài chính được kiểm toán được quy định tại CMKTNN 1720.

Lưu ý khi kiểm toán báo cáo tài chính được lập theo khuôn khổ quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính cho mục đích đặc biệt

131. Kiểm toán viên nhà nước phải xác định xem khuôn khổ quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính mà đơn vị được kiểm toán áp dụng để lập và trình bày báo cáo tài chính có phù hợp hay không. Các khía cạnh cần xem xét bao gồm:

· Mục đích lập báo cáo tài chính;

· Đối tượng dự kiến sử dụng báo cáo tài chính;

· Các thủ tục mà lãnh đạo đơn vị được kiểm toán đã thực hiện để xác định rằng khuôn khổ quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng là có thể chấp nhận được trong hoàn cảnh cụ thể của đơn vị.

132. Khi lập kế hoạch và thực hiện cuộc kiểm toán báo cáo tài chính cho mục đích đặc biệt, kiểm toán viên nhà nước phải xác định xem các Chuẩn mực kiểm toán nhà nước liên quan có yêu cầu các vấn đề cần lưu ý trong hoàn cảnh cụ thể của cuộc kiểm toán hay không.

133. Khi hình thành ý kiến kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính cho mục đích đặc biệt, kiểm toán viên nhà nước phải áp dụng các quy định và hướng dẫn như đối với kiểm toán báo cáo tài chính cho mục đích chung.

134. Kiểm toán viên nhà nước phải thêm vào đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” nhằm thông báo cho người sử dụng báo cáo kiểm toán là báo cáo tài chính được lập theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính cho mục đích đặc biệt và do đó, báo cáo tài chính này có thể không phù hợp cho mục đích khác.

135. Các yêu cầu và hướng dẫn cụ thể về các lưu ý khi kiểm toán các báo cáo tài chính được lập theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính cho mục đích đặc biệt được quy định tại CMKTNN 1800.

Lưu ý khi kiểm toán báo cáo tài chính riêng lẻ và khi kiểm toán các yếu tố, tài khoản hoặc khoản mục cụ thể của báo cáo tài chính

136. Khi kiểm toán báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc kiểm toán các yếu tố, tài khoản, khoản mục cụ thể của một báo cáo tài chính, kiểm toán viên nhà nước phải xác định xem việc áp dụng khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán có cung cấp đầy đủ các thuyết minh thích hợp để người sử dụng có thể hiểu rõ các thông tin trên báo cáo tài chính và ảnh hưởng của các giao dịch, sự kiện trọng yếu đối với các thông tin đó hay không.

137. Các yêu cầu và hướng dẫn cụ thể về lưu ý khi kiểm toán báo cáo tài chính riêng lẻ và các yếu tố, tài khoản, hoặc khoản mục cụ thể của báo cáo tài chính được quy định tại CMKTNN 1805.

Lưu ý khi kiểm toán các báo cáo tài chính được lập từ nhiều báo cáo tài chính của những đơn vị thành viên hoặc trực thuộc (kể cả các báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước)

138. Khi thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính được lập từ nhiều báo cáo tài chính của các đơn vị thành viên hoặc trực thuộc, kiểm toán viên nhà nước phải thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về tất cả các thông tin tài chính và báo cáo tài chính liên quan đến các đơn vị đó và quá trình tổng hợp hoặc hợp nhất để đưa ra ý kiến kiểm toán xem báo cáo tài chính, xét trên các khía cạnh trọng yếu, có được lập và trình bày phù hợp với khuôn khổ quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính hay không.

139. Ngay từ khâu lập kế hoạch kiểm toán, kiểm toán viên nhà nước phải xem xét các yêu cầu và quy định về việc lập và trình bày báo cáo tài chính được lập từ nhiều báo cáo tài chính của các đơn vị thành viên hoặc trực thuộc, cũng như yêu cầu đối với việc phối hợp trong quá trình kiểm toán và sử dụng các kết quả kiểm toán tại các đơn vị thành viên hoặc trực thuộc được kiểm toán và báo cáo tài chính của các đơn vị chưa được kiểm toán.

140. Kiểm toán viên nhà nước phải tìm hiểu về các đơn vị có thông tin tài chính được tổng hợp hoặc hợp nhất, bao gồm cả quá trình tập hợp và lập báo cáo tài chính, để đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính được kiểm toán. Việc tìm hiểu bao gồm: Hiểu biết về toàn bộ cơ cấu tổ chức; vai trò và mối quan hệ của các đơn vị thành viên hoặc trực thuộc; môi trường hoạt động; vấn đề kiểm soát của toàn bộ hệ thống kiểm soát nội bộ và quá trình giám sát việc lập các báo cáo tài chính; vấn đề xác định trọng yếu khi kiểm toán báo cáo tài chính của các đơn vị thành viên hoặc trực thuộc được kiểm toán và khi kiểm toán báo cáo tài chính được lập từ tất cả các báo cáo tài chính của các đơn vị đó, gồm cả những báo cáo tài chính của các đơn vị chưa được kiểm toán.

141. Các yêu cầu và hướng dẫn cụ thể về các xem xét đặc biệt khi kiểm toán báo cáo tài chính được lập từ những báo cáo tài chính của các đơn vị thành viên hoặc trực thuộc được quy định tại CMKTNN 1600.

Theo dõi, kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán trong kiểm toán tài chính

142. Tất cả các cuộc kiểm toán tài chính đều phải được theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Việc theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

(i) Công tác tổng hợp, theo dõi, xử lý, báo cáo kết quả được tiến hành thường xuyên, định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền;

(ii) Việc theo dõi, kiểm tra được thực hiện thông qua các bằng chứng chứng minh việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán mà đơn vị được kiểm toán cung cấp, gửi về Kiểm toán nhà nước; kiểm tra trực tiếp tại đơn vị được kiểm toán và các đơn vị liên quan;

(iii) Trình tự, nội dung công việc, nhiệm vụ và trách nhiệm của các đơn vị, bộ phận có liên quan trong việc kiểm tra, tổng hợp, theo dõi, xử lý và báo cáo kết quả việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán phải tuân thủ Luật Kiểm toán nhà nước và các quy định khác có liên quan của Kiểm toán nhà nước.

 

 

 

THE STATE AUDIT OFFICE OF VIETNAM
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No: 04/2014/QĐ-KTNN

Hanoi, July 31, 2014

 

DECISION

ISSUING THE STATE AUDITING STANDARD NO.200 - FUNDAMENTAL PRINCIPLES OF FINANCIAL AUDITING

THE STATE AUDITOR GENERAL

Pursuant to the Law on The state audit office;

Pursuant to Resolution No. 916/2005/NQ-UBTVQH11dated September 15, 2005 of the Standing committee of the National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam on organizational structure of The state audit office;

Pursuant to Resolution No. 917/2005/NQ-UBTVQH 11dated September 15, 2015 of the Standing committee of the National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam on process of building and issuing the state auditing standard ;

At the request of the Director of Audit Policy and Audit Quality Control Department and the Director of Legal Affair Department,

HEREBY DECIDES:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 2. This Decision takes effect after 45 days from the date of signing.

Article 3. The heads of affiliates of the state audit office, related organizations and individuals shall be responsible for the implementation of this Decision. /.

 

 

 

THE STATE AUDITOR GENERAL




Nguyen Huu Van

 

THE STATE AUDITING STANDARD NO.200 (SAS 200) FUNDAMENTAL PRINCIPLES OF FINANCIAL AUDITING

(enclosed herewith the state auditor General’s Decision No. 04 /2014/QĐ-KTNN dated July 31, 2014)

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Basis of establishment

1. This standard is established and developed on the basis of the Law on state audit, the state auditing Standard No.100 - fundamental principles of the state audit office and ISSAI 200 by INTOSAI - Fundamental Principles the financial auditing. The fundamental principles of this standard are developed into practical guidelines on financial auditing (The state auditing Standard level 4) and are used in the audit process.

Purpose and Scope of application

2. This standard provides fundamental principles for an audit of financial statements prepared in accordance with a financial reporting framework. The principles also apply to audit single financial statements and specific elements, accounts or items of a financial statement, or financial statements prepared in accordance with special-purpose financial frameworks, or summary financial statements.

3. The fundamental principles apply to all public-sector audits of financial statements, whether for the whole of government, parts of government or single entities. all financial audits (audit of financial statements prepared in accordance with a financial reporting framework, single financial statements and specific elements, accounts or items of a financial statement, or financial statements prepared in accordance with special-purpose financial frameworks, or summary financial statements).

4. This standard represents the core of the financial auditing standards at level 3 of auditing standard system of the state audit office. The principles in this standard can be used as a basis to prepare and implement financial auditing standards at level 4 uniformly.

5. If a financial audit conducted together with a compliance auditing or/and an operational auditing, the state auditors should comply with financial auditing standard, compliance auditing standard and performance auditing standard. If there are different standards between different types of audit, the state auditors shall give priority to the standard which is suitable to applicable auditing types and the main contents of the audit.

Implementation provision

6. This standard refers to fundamental principle applied to a financial audit of the state audit office.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(i) Other accounts or financial statements that are not prepared and presented in accordance with the framework for preparation and presentation of financial statements for general purposes;

(ii) Budget, budget item, budgetary allocations and decisions about the allocation and use of resources;

(iii) Policies, programs and activities carried out under regulations or at the request of the sponsors;

(iv) Fulfillment of responsibility under the law (eg. Fulfillment of the State management responsibility of the Ministries and agencies);

(V) Revenues, expenditures, assets or liabilities

Use principle of terms in the standard

8. The terms used in this standard are defined as in the auditing standards issued by the state audit office.

STANDARD’S CONTENTS

9. This standard includes: general provisions for financial auditing; Elements of financial auditing; fundamental principles of financial auditing.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The objective of financial auditing

10. The purpose of an audit of financial statements is to enhance the degree of confidence of intended users in the financial statements and financial information. This is achieved through the expression of an opinion by the state auditor as to whether the financial statements or financial information are prepared fairly, in all material respects, in accordance with an applicable financial reporting framework.

11. In conducting an audit of financial statements, the overall objectives of the auditor are:

(i) To obtain reasonable assurance about whether the financial statements as a whole are free from material misstatement, whether due to fraud or error, thereby enabling the auditor to express an opinion on whether the financial statements are prepared, in all material respects, in accordance with an applicable financial reporting framework;

(ii) To report on the financial statements, and communicate the result of the audit, in accordance with the auditor’s findings.

Preconditions for an audit of financial statements in accordance with the financial auditing standard

12. The auditor should assess whether the preconditions for an audit of financial statements have been met.

13.  Preconditions for an audit of financial statements in accordance with the state audit office standard must satisfy the following conditions:

(i)The financial reporting framework used for preparation of the financial statements must comply with current regulations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

. For preparation of the financial statements in accordance with the applicable financial reporting framework, including, where relevant, their fair presentation;

. For such internal control that management deems necessary for the preparation of financial statements that are free from material misstatement, whether due to fraud or error;

. To provide the auditor with unrestricted access to all information that is relevant to the preparation of the financial statements.

14. The unit taking charge of the audit, the audit team must consider whether the expected audited unit is subject to auditing as prescribed by the Law on The state audit office and related regulations or not; whether the expected audited financial statements are presented according the financial reporting or not.

15. Financial reporting frameworks may be used for general use or specific use. Frameworks may also be referred to as fair presentation frameworks or compliance frameworks.

(i)A framework designed to meet the information needs of a wide range of users is referred to as a general-purpose framework.

(ii) Special-purpose frameworks are designed to meet the specific needs of a

(iii) A compliance framework is used to refer to a financial reporting framework that requires compliance with the requirements of the framework and does not acknowledge the possibility of such deviations to achieve a fair presentation.

(iv) A fair presentation framework requires compliance with the framework but allows, explicitly or implicitly, that it may be necessary to depart from a requirement or to provide additional information in order to achieve fair presentation of the financial statements.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

17. Frameworks prescribed by current law will often be deemed acceptable by the auditor. However, even if deemed unacceptable, such a framework may be allowable if:

The head of audited entity agrees to provide the necessary additional disclosures in the financial statements to avoid their being misleading;

(ii) The auditor’s report on the financial statements includes an “Emphasis of Matter” paragraph drawing users’ attention to such additional disclosures.

If the above conditions are not met, the auditor should evaluate the effect of the misleading nature of the financial statements on the auditor’s report and opinion, and consider the need to inform the related competent agencies about the matter.

18. If financial auditing has financial reporting framework, the auditor conducts the audit under the state auditing standards for financial auditing.

 If financial auditing does not have financial reporting framework (for example, a number of programs, projects and programs implemented at the request of sponsors, ...), the auditor may use the standards, guideline developed based on SAS 200 as practice guideline, in accordance with certain requirements of each audit.

19. When financial auditing is mandatory, but it does not meet preconditions under financial auditing standards, the financial auditing standards are still the best practice guideline and auditing should be adjusted to suit the specific conditions.

20. When the content of the audit is compliance auditing, the auditor must comply with the provisions of SAS 400 and related standards on compliance audit. When the content of the audit is performance auditing, the auditor should comply with the provisions of SAS 300 and related standards on performance auditing.

Audits of financial statements prepared in accordance with special-purpose frameworks

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

22. Special-purpose frameworks relevant to the public sector may include:

(i) The statement of revenue and expenditure on a basis of accounting for cash flow information that an entity may be required to prepare for a governing body;

(ii) The financial statement established at the request of agencies, organizations or sponsors;

(iii) The financial statement established at the request a governing body, the legislature or other parties that perform an oversight function; or

(iv) The financial statement under the regulations of a contract or an agreement.

Audits of single financial statements and specific elements, accounts or items of a financial statement

23. The standard is also applicable to audits of a complete set of financial statement or single financial statements or specific elements, accounts or items or notes of a financial statement

Elements of financial auditing

24. Fundamental elements of public-sector audit are defined in SAS 100- fundamental principles of the state audit office. This standard covers additional aspects of the elements relevant to an audit of financial statements.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

25. The three parties in financial auditing are: the state audit office, responsible party and intended users of financial statement. These contents are defined in SAS 100 - fundamental principles of the state audit office

Subject matter information

26.  Subject matter information is the financial position, financial performance, cash flows and notes presented in the financial statements

27. The auditor gathers sufficient appropriate audit evidence to express an opinion in the auditor’s report.

Suitable criteria

28. Criteria are the benchmarks used to evaluate or measure the subject matter, including: Law, standard, regulations, frameworks of financial reporting, issued by competent agencies.

29. The auditor has responsibility for selecting the appropriate criteria for each of his/her financial audit. To determine the suitability of the audit criteria of an financial audit, the auditor should consider the criteria that are related to the subject matter, whether the intended users of audit report understand and comply with these criteria or not. The auditor should also consider other elements of the criteria applied to each audit such as: The completeness, reliability, objectiveness and being widely accepted and being able to be compared in the similar financial audit.

30. Criteria used in financial auditing must be informed auditing units and users of audit reports to help them understand how to evaluate, measure the subject matter.

Assurance engagement

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(i) Reasonable assurance is high, but not absolute. Reasonable assurance audits are designed to result in a conclusion expressed in a positive form, such as “in opinion of auditor, in all material respects financial information, financial statement of audited unit prepared and presented reasonably (or truly and fairly in accordance with current framework

(ii) Limited assurance engagements provide a lower level of assurance than reasonable assurance engagements, and are designed to result in a conclusion expressed in a negative form, such as “nothing has come to our attention that would cause us to believe that the financial statements were not presented fairly in all material respects”. Auditors performing such engagements may need to apply guidance from outside the SAS on financial auditing such as referring to fundamental auditing principles in SAS 100- fundamental auditing principles in the state audit office.

General principles

Prerequisites for conducting financial audits

Ethics and independence

32. The auditor should comply with the relevant ethical requirements and ensure independence. When carrying out audits of financial statements, the auditor must understand and comply with principles of ethics defined in SAS 30- Principles of ethics

Quality control

33. The auditor should implement quality control procedures at the engagement level that provide reasonable assurance that the audit complies with professional standards and relevant regulations, and that the auditor’s report is appropriate in the circumstances.

34. Auditor must understand and adhere to quality control regulations and procedures as stipulated in SAS 40 - quality control of audit.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Competences and skills

36. The auditor should ensure that the entire audit team, and any external experts, collectively have the competence and capabilities to:

(i) Carry out the audit in accordance with the relevant standards and the applicable legal and regulatory requirements;

(ii) Enable the auditor to issue a report that is appropriate in the circumstances (objectives and subject matter of the audit; the law on financial information audited; ...).

37. The competence and capabilities of the auditor when conducting an audit:

(i) Understanding, through appropriate training, and practical experience of audit engagements of a similar nature and complexity;

(ii) Understanding of professional standards and the applicable legal and regulatory requirements;

(iii)Technical expertise, including the relevant IT skills and knowledge of specialized areas of accounting or auditing;

(iv) Knowledge of relevant industries in which the audited organization operates;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(vi) Understanding of the state audit office’s quality control policies and procedures;

(vii) Ability to discharge the terms of the audit mandate in the relevant environment, including an understanding of the applicable reporting arrangements, and to report to the legislature or other governing body or in the public interest;

(viii) Skills in the field of performance auditing or compliance auditing.

38. The requirements and specific guidance on competence and capabilities are defined in SAS 1200.

Audit risk

39. The auditor should reduce audit risk to an acceptably low level in the circumstances of the audit so as to obtain reasonable assurance as the basis for an opinion expressed in a positive form

40. The audit risk in an audit of financial statements is the risk that the auditor shall express an inappropriate conclusion if the subject matter information is materially misstated.

41. Audit risk depends on material misstatement and detection risk. Audit risk is a result of the risks of material misstatement and detection risk: in which:

(i) The risk of material misstatement means financial statement may have material misstatement due to fraud or error. Risks of material misstatement consist of inherent risk and control risk.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

. Control risk – the risk that a material misstatement could occur and will not be prevented, or detected and corrected, at the appropriate time by related controls. Some control risk will always exist because of the limitations inherent in the design and operation of internal controls.

(ii) Detection risk – the risk that the auditor will not detect a material misstatement.

42. The assessment of risks is based on audit procedures to obtain information necessary for that purpose, as well as evidence obtained throughout the audit.

 The risk assessment is a matter of professional judgment and is not capable of precise measurement. The degree to which the auditor considers each element of risk will depend on the circumstances of the audit.

43. The requirements and specific guidance on determination and assessment of risk are prescribed in SAS 1315.

Professional judgment and professional skepticism

44. When planning, performing, concluding and reporting an audit of financial statements, the auditor should exercise professional judgment and keep professional skepticism.

45. The terms “professional skepticism” and “professional judgment” are relevant when formulating requirements regarding the auditor's decisions about the appropriate response to matters concerning the audit.

46. The concept of professional judgment is applied by the auditor at all stages of the audit process. It covers the application of relevant skill and experience in accordance with accounting, auditing and ethical standards, when making informed decisions about the courses of action that are appropriate in the circumstances of the audit engagement.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Materiality and audit risk;

(ii) The nature, timing and extent of the audit procedures used to meet the requirements of the SAS and gather audit evidence;

(iii) Evaluating whether sufficient appropriate audit evidence has been obtained, and whether more needs to be done to achieve the auditor’s overall objectives;

(iv) The evaluation of manager’s judgment in applying the financial reporting framework applicable to the audited entity;

(v) The drawing of conclusions from the audit evidence obtained.

48. Professional skepticism is fundamental to all audit engagements. The auditor plans and performs an assurance engagement with an attitude of professional skepticism, recognizing that circumstances may exist that cause the subject matter information to be materially misstated.

An attitude of professional skepticism means that the auditor makes a critical assessment, with a questioning mind, of the validity of the evidence obtained and is alert to evidence that contradicts or calls into question the reliability of documents or representations by the responsible party.

49. The requirements and specific guidance on professional judgment and professional skepticism are defined in SAS 1200.

Materiality

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

51. A misstatement is material, individually or when aggregated with other misstatements, if it could reasonably be expected to influence the decisions taken by users on the basis of the financial statements.

Materiality has both quantitative and qualitative aspects. In the public sector, it is not limited to other decisions besides economic decisions by users based on financial statement. The qualitative aspects of materiality generally play a greater role in the public sector than in other types of entities. The assessment of materiality and the consideration of sensitivity and other qualitative factors in a particular audit are matters for the auditor’s judgment.

52. The auditor should consider applying materiality during the audit process to determine and assess risk, give opinion and make report in accordance with circumstances. The audit should consider materiality for each business and all aspects of financial statements.

53. The requirements and specific guidance on determination and application of materiality are prescribed in SAS 1320.

Documentation

54. The auditor should prepare full and timely audit documentation that is sufficient in conducted audit, gathered evidence and conclusion to enable an experienced auditor, with no prior knowledge of the audit, to understand audit process, incurred matter, gathered evidence, important professional judgment, auditors ‘opinion and requests.

55. The requirements and specific guidance on documentation are prescribed in SAS 1230.

Communication

56. The auditor should identify the appropriate contact person(s) communicate with them regarding the planned scope and timing of the audit and any significant findings.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

It is important to promote effective two-way communication between the auditor and the audited entity.

58. Communication should be in multiple ways and with multiple relevant parties (other than those audited). Communication should be in writing if the auditor determines that oral communication is not sufficient.

59. The requirements and specific guidance on communication are prescribed in SAS 1260.

Principles related to the audit process

Planning

60. The unit taking charge of the audit (auditor) should survey and make an audit plan for all audits, ensuring effectiveness. The audit must determine objective, scope, content, schedule and resources as the basis for making detailed audit plan and conduct the audit in an effective and cost-efficient manner to lower risk.

61. Audit plan of each audit includes overall plan and detailed plan.

62. When preparing an audit plan, auditor must:

(i) Survey, gather information related to the audited unit and the audit;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(iii) Define objective, scope, content, method, schedules and resources necessary to perform the audit.

63. Overall audit plan consists of following contents:

(i) Objective;

(ii) Risk assessment; Materiality;

(iii) Subject matter; Method;

(iv) Scope;

(v) Ways to organize and schedule to conduct the audit;

64. The overall audit plan must be prepared and approved before conducting of each audit of the state audit office.

65. When developing detailed audit plans, the Head of audit Team and auditor must:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(ii) Analyze the gathered information as the basis for determination of materiality, risk, sample and sample size; methods for each content and assertion.

66. Contents of a detailed audit plan consist of:

(i) Objective of detailed audit for each assertion of the items on the financial statements;

(ii) Content;

(iii) Scope and audited entity;

(iv) Risk, materiality and audit sample size determined for each content of the audit;

(v) Methods and procedures for auditing applicable in auditing each content and assertion.

67. Audit Program: Audit tasks are specified to each item, content and staff , schedule, method and procedure for performance of each audit task.

68. Both the overall plan and the detailed plan need to be documented and stored. They must also be Updated and adjusted, as necessary, during the course of the audit

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Understanding the audited entity

70. The auditor should have an understanding of the audited entity and its environment, including internal control procedures that are relevant to the audit.

71. Understanding the nature, organizational structure, resources and ability to mobilize the resources, operational environment, control environment, determination and assessment of risks, internal control systems of the audited unit shall help auditors determine and assess risks, from which to plan and perform audits effectively.

72. Auditing does not require an understanding of all the controls carried out for each significant class of transactions, account balance and disclosure in the financial statements, or for every relevant assertion..

However, the auditors should focus on assessing consistency in operating of the internal control system of audited entity.

73. The requirements and specific guidance on understanding the audited entity are prescribed in SAS 1315.

Risk assessment

74. The auditor should assess the risks of material misstatement at the financial statement level and the assertion level for classes of transactions, account balances and disclosures so as to provide a basis for designing and performing further audit procedures.

75. Risk assessment procedures may include:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(ii) Analytical procedures;

(iii) Observation and inspection.

76. The risks of material misstatement should be identified and assessed at both the financial statement level and the assertion level. For this purpose, the auditor needs to:

(i) identify risks throughout the process of obtaining an understanding of the audited entity and its environment, by examining relevant controls that relate to the risks and considering the classes of transactions, account balances and disclosures in the financial statements;

(ii) Assess the risks identified and evaluate whether they relate more pervasively to the financial statements as a whole and could potentially affect many assertions;

(iii) relate the risks identified to what could go wrong at the assertion level, taking account of relevant controls that the auditor intends to test;

(iv) Consider the likelihood of misstatement, including the possibility of multiple misstatements, and whether the potential for misstatement is such as to render it material.

77. The auditor should store in audit records information relating to the identification and assessment of risks of material misstatement at the financial statement level and the assertion level, and relevant control procedures that auditor has learned.

78. The requirements and specific guidance on determination and assessment of risk are prescribed in SAS 1315.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

79. The auditor should act appropriately to address the assessed risks of material misstatement in the financial statements.

Responses to assessed risks include designing audit procedures that address the risks, such as substantive procedures and test of controls.

80. The nature, timing and extent of audit procedures are based on and are responsive to the assessed risk of material misstatement at the assertion level. In designing the necessary audit procedures, the auditor should consider the reasons for the assessed risks of material misstatement at the assertion level for each class of transactions, account balance and disclosure

Such reasons may include the inherent risk of transactions (the likelihood of material misstatement due to the particular characteristics of the relevant class of transactions, account balance or disclosure) and the control risk (whether the risk assessment takes account of relevant controls).

81. The auditor should design and perform tests of the relevant controls to obtain sufficient appropriate evidence as to their operating effectiveness. The auditor should consider that, when designing and performing so, the greater the reliance placed on the effectiveness of a control, the more persuasive should be the audit evidence obtained.

82. The auditor should design and perform substantive procedures for each material class of transactions, account balance and disclosure, irrespective of the assessed risks of material misstatement.

In addition, if the auditor has determined that an assessed risk of material misstatement at the assertion level is significant, substantive procedures should be performed that specifically respond to that risk. When the approach to a significant risk consists only of substantive procedures, those procedures should include tests of details.

83. The requirements and specific guidance on responses to assessed risks are prescribed in SAS 1330.

Considerations relating to fraud in an audit of financial statements

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

85. The primary responsibility for the prevention and detection of fraud rests with the audited entity’s Head. The auditor is responsible for obtaining reasonable assurance that the financial statements taken as a whole are free from material misstatement, whether caused by fraud or error.

86. Misstatements in the financial statements can arise from either fraud or error. The distinguishing factor is whether the action resulting in a misstatement was intentional or unintentional. Two types of intentional misstatements are relevant to the auditor – misstatements resulting from fraudulent financial reporting and those resulting from the misappropriation of assets.

87. The auditor is expected to maintain an attitude of professional skepticism throughout the audit, recognizing the possibility of material misstatement due to fraud at both the financial statement level and the assertion level for classes of transactions, account balances and disclosures, notwithstanding the auditor's past experience of the honesty and integrity of the audited entity’s head.

88. The requirements and specific guidance on considerations relating to fraud in an audit of financial statements are prescribed in SAS 1240.

Going-concern considerations

89. The auditor should consider whether there are events or conditions that may cast significant doubt on the audited entity’s ability to continue as a going concern.

90. Financial statements are normally prepared on the assumption that the audited entity is a going concern and will continue to meet its statutory obligations for the foreseeable future.

General-purpose financial statements are prepared on a going-concern basis unless competent agencies have decided to liquidate the audited entity or that it should cease operation.

91. The going-concern concept in public-sector may have little or no relevance for state-owned enterprises, economic organizations established by state for certain purposes.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

93. The requirements and specific guidance on going-concern considerations are prescribed in SAS 1570.

Considerations relating to laws and regulations in an audit of financial statements

94. The auditor should identify the risks of material misstatement due to non-compliance with laws and regulations. Identification of such risks should be based on a general understanding of the legal provisions applicable to the specific environment in which the audited entity operates, including how the audited entity complies with legal provisions.

The auditor should obtain sufficient appropriate audit evidence regarding compliance with the laws and regulations that are generally recognized to have a direct and material effect on the determination of material amounts and disclosures in financial statements.

95. The auditor is expected to obtain reasonable assurance as to whether the financial statements, taken as a whole, are free from material misstatement, whether due to fraud or error.

Due to the inherent limitations of an audit, it often has inevitable risks in which some material misstatements may not be detected, even when the audit plan is prepared and the audit is conducted in accordance with SAS. So in this case, the auditor is not responsible for preventing non-compliance and cannot be expected to detect all breaches of laws and regulations.

96. The requirements and specific guidance on considerations relating to laws and regulations in an audit of financial statements are prescribed in SAS 1250.

Audit evidence

97. The auditor should identify and perform audit procedures in accordance with circumstances for the purpose of obtaining

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

98. Audit evidence should be sufficient and appropriate Sufficiency is a measure of the quantity of evidence, while appropriateness relates to the quality of evidence

The sufficiency and appropriateness of audit evidence have correlation. The quantity of evidence required depends on auditor’s assessment of the risk of material misstatement of the subject matter information and on the quality of such evidence

The greater the risk, the more evidence is likely to be required and the higher the quality, the less may be required. However, merely obtaining more evidence does not compensate for its poor quality.

99. The reliability of evidence is influenced by its source and nature, and is dependent on the specific circumstances in which the evidence was obtained.

100. Further guidance on audit evidence is included in SAS 1500.

Consideration of subsequent events

101. Events occurring after the date of the financial statements are those between the date of the financial statements and the date of the auditor’s report and matters that the auditor knows after the audit report is prepared.

102. The auditor should obtain sufficient appropriate audit evidence that all events occurring between the date of the financial statements and the date of the auditor’s report that require an adjustment to, or disclosure in, the financial statements have been identified.

The auditor is not, however, expected to perform additional audit procedures on matters to which previous audit procedures have provided satisfactory conclusions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Evaluating misstatements

104. Misstatement is the difference between the value, classification, presentation or disclosures of items in the financial statements with the value, classification, presentation or disclosures of such items under the applicable financial reporting framework. Misstatement can occur due to error or fraud.

105. The auditor should keep a full record of misstatements identified during the audit, and communicate to appropriate management level, unless the law does not allow.

106. The auditor needs to determine whether uncorrected misstatements are material, individually or in the aggregate as the basis for giving the opinion in the auditor’s report. To this end, the auditor should consider:

(i) The size and nature of the misstatements, in relation both to particular classes of transactions, account balances or disclosures and to the financial statements as a whole, and the particular circumstances of their occurrence;

(ii) The effect of uncorrected misstatements from prior periods on the relevant classes of transactions, account balances or disclosures, and on the financial statements as a whole.

107. The auditor should communicate with the head of the audited unit of misstatements and their effect of errors when considered individually or in the aggregate for audit opinions, especially material misstatement. If the audited unit does not agree to adjust material misstatements detected during the audit, the auditor must understand the causes of such refusal and assess the effect of this failure to adjust on the auditor’s opinion.

108. Further guidance on evaluating misstatements is included in SAS 1450.

Forming an opinion and reporting on the financial statements

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

110. The objectives of a financial audit in the public sector are often broader than expressing an opinion as to whether the financial statements have been prepared, in all material respects, in accordance with the applicable financial reporting framework. It may include other audit objectives such as: assessment of compliance with regulations, economy, efficiency and effectiveness.

Accordingly, the auditor should give the opinion on compliance with regulations, economy, efficiency and effectiveness of activities within audit scope based on the audit evidence obtained.

111. If an audit has additional objective of auditing economy, effectiveness and efficiency of operations, the auditor should adhere to the basic principles of performance auditing and the related guidance (SAS 300 and SAS 3000). If an audit has additional objective of auditing compliance, the auditor must comply with the basic principles of compliance audit and the related guidance (SAS 400, SAS 4000 and SAS 4200).

112. In order to form an opinion, the auditor must first conclude whether reasonable assurance has been obtained as to whether the financial statements as a whole are free from material misstatement, whether due to fraud or error

113. Further specific guidance on forming an opinion and reporting on the financial statements is included in SAS 1700.

Form of opinion

114. There are two forms of audit opinion: unqualified opinion and audit opinion that is not unqualified opinion.

Unqualified opinion is given when the auditor concludes that the financial statement, in all material respects, is consistent with the applicable financial reporting framework.

(ii) Audit opinion that is not unqualified opinion is given when:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

. The auditor fails to obtain appropriate audit evidence to give opinion that the financial statement as a whole does not include material misstatement;

Forms of audit opinion that is not unqualified opinion

115. There are three types of audit opinion that is not unqualified opinion:

(i) Qualified opinion: but except for

(ii)Adverse opinion: not true and fair view

(iii)Disclaimer: (no opinion)

116. Further guidance on form of opinion is included in SAS 1700 and SAS 1705.

Elements required in the auditor’s report

117. Financial audit report of the state audit office is documents prepared by the state auditor and published to assess, recognize, conclude and request for audited contents for financial information and financial statements.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

119. The audit report must be made in accordance with provisions of the form of the state audit office and has legal value for the parties whose rights and obligations are related to (responsible party) to perform.

120. The audit report must comply with the following requirements:

(i) Correctness: Content and data in the audit report must be accurate; auditors ‘opinion and requests should be based on the audit evidence meeting requirements for fullness and appropriateness;

(ii) Constructiveness: Auditors ‘opinion and requests in the audit report must be constructive, helping the entity promote its advantages, strengths and remedy and rectify its errors and limitations;

(iii) Clearness and conciseness: The writing used in the audit report must be clear, concise and easy to understand, not causing many different interpretations for its users; report’s structure must be coherent and logic;

(iv) Timeliness: The audit report must be prepared and submitted on time as prescribed.

121. The content and structure of an audit report must comply with the regulations on forms, auditing records of the state audit office, in which the contents of the audit report typically includes: information on the audited entity, audit results (entity preparing audit report, basis of auditor’s opinion, auditor’s opinion, emphasis of matters and other issues, conclusions, requests and other contents if any), signature, stamp, signing date of the audit report and disclosures, appendix (if any).

122. If the auditor wishes to attract the attention of users to a presented matter or disclosed in financial statements, which, under the auditor's judgment, includes particularly important matter, the auditor should add the statement " emphasis of matter" in the audit report for users to understand easily, indicating that the auditor has obtained sufficient appropriate audit evidence and that the matter is free from material misstatement in the financial statement. Paragraph "emphasis of matter" is used to explain the matters that have been presented or disclosed in financial statements.

123. When presenting the "emphasis of matter" in the audit report, the auditor should:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(ii) Use the heading "emphasis of matter", or other appropriate headings;

(iii) Demonstrate a clear reference to the emphasis of matter and the related disclosures in the financial statements with the full description of the matter;

(iv) indicate that the auditor’s opinion is not modified in respect of the matter emphasized.

124. If  the auditor considers it necessary to communicate a matter, other than those that are presented or disclosed in the financial statements, which, in the auditor’s judgment, is relevant to users’ understanding of the audit, the auditor’s responsibilities or the auditor’s report, and provided this is not prohibited by law or regulation, this should be done in a paragraph with the heading “Other Matter,” or another appropriate heading. This paragraph should appear immediately after the opinion and any Emphasis of Matter paragraph (if any).

125. Further guidance on ‘emphasis of matter’’ and "Other matter" in audit report is included in SAS 1760.

Comparative information – corresponding figures and comparative financial statements

126. The auditor should consider comparative information – corresponding figures and comparative financial statements in order to determine whether the financial statements include the comparative information required by the applicable financial reporting framework, and whether such information is presented under uniform accounting methods and policies by the audited entity.

127. If the auditor becomes aware, during the current period, of a possible material misstatement in the comparative information, the auditor should perform such additional audit procedures as are necessary in the circumstances to obtain sufficient appropriate audit evidence as to determine whether a material misstatement exists.

128. Further guidance on comparative information – corresponding figures and comparative financial statements is included in SAS 1710.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

129. The auditor should read the other information in order to identify any material inconsistencies or material misstatement of fact with the audited financial statements.

If, on reading the other information, the auditor identifies a material inconsistency or material misstatement of fact, the auditor should communicate with the head of the audited entity, while obtaining and assessing its effect on financial statement in order to give opinion in the audit report.

130. Further guidance on the auditor’s responsibilities in relation to other information in documents containing audited financial statements is included in SAS 1720

Special considerations – audits of financial statements prepared in accordance with special-purpose frameworks

131. The auditor is required to determine the acceptability of the financial reporting framework that was applied when preparing the financial statements.

Special considerations consists of:

. The purpose for which the financial statements are prepared;

. The intended users;

. The steps taken by management to determine that the applicable financial reporting framework is acceptable in the circumstances.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

133. When forming an opinion and reporting on special-purpose financial statements, the auditor should comply with the same requirements and guidance as for general-purpose financial statements

134. The auditor should include an ‘Emphasis of Matter paragraph’ alerting users to the fact that the financial statements have been prepared in accordance with a special-purpose framework and that, as a result, they may not be suitable for another purpose.

135. Requirements and further guidance on special considerations – audits of financial statements prepared in accordance with special-purpose financial statements is included in SAS 1800.

Special considerations – audits of single financial statements and specific elements, accounts or items of a financial statement

136. In the case of an audit of a single financial statement, or of a specific element, account or item of a financial statement, The auditor should determine whether application of the financial reporting framework will result in a presentation that provides adequate disclosure to enable the intended users to understand the information in the financial statement or the element thereof, as well as the effect of material transactions and events on that information.

137. Further guidance on special considerations – audits of single financial statements and specific elements, accounts or items of a financial statement is included in SAS 1850.

Considerations relevant to audits of group financial statements (including financial statements of the State budget)

138. Auditor engaged to audit group financial statements of a member unit or  subordinate unit should obtain sufficient appropriate audit evidence regarding the financial information and financial statement related to such unit and the consolidation process to express an opinion as to whether the financial statements are prepared, in all material respects, in accordance with the applicable financial reporting framework.

139. From planning the audit, the auditor must consider requirements and regulations on the preparation and presentation of financial statements that are prepared from group financial statements of member unit or subordinate unit, as well as requirements for the cooperation in the audit process and use of the audit results in the audited member unit or subordinate unit and the financial statements of unaudited units.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

141. Further guidance on considerations relevant to audits of group financial statements is included in SAS 1600

Monitoring and inspection of implementation of auditor’ requests in financial audit

142. All financial audits must be monitored, inspected the implementation of auditor’s conclusions and requests.  Monitoring and inspection of implementation of auditor’ conclusion and request must meet the following principles:

(i) Summarizing, monitoring, handling, reporting results is conducted regularly, periodically or at the request of competent authorities;

(ii) The monitoring and inspection are conducted based on the evidence of the implementation of auditor's conclusions and requests provided and submitted to The state audit office by audited unit; direct inspection is conducted at the audited unit and related units;

(iii) The order and content of work, duties and responsibilities of the units and departments involved in the inspection, summarizing, monitoring, handling and reporting results of the implementation of the auditor’s conclusion and request must comply with the Law on The state audit office and other relevant regulations of the state audit office.

 

 

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 04/2014/QĐ-KTNN ngày 31/07/2014 về Chuẩn mực kiểm toán nhà nước số 200 Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán tài chính do Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


17.675

DMCA.com Protection Status
IP: 18.222.120.133
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!