BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
22/2023/TT-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 30
tháng 06 năm 2023
|
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ
03/2019/TT-BGTVT NGÀY 11 THÁNG 01 NĂM 2019 CỦA BỘ
TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG VÀ KHẮC PHỤC HẬU
QUẢ THIÊN TAI TRONG LĨNH VỰC ĐƯỜNG BỘ
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm
2008;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm
2013; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng
ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính
phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính
phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều;
Căn cứ Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính
phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu;
Căn cứ Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính
phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2022 của Chính
phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông
vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ
Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam,
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Bộ
trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về công tác phòng, chống và khắc phục hậu
quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ.
Điều 1. Sửa
đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT ngày 11 tháng 01 năm
2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về công tác phòng, chống và
khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ (sau đây gọi là Thông tư số
03/2019/TT-BGTVT) và Thông tư số 43/2021/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2021 của
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
03/2019/TT-BGTVT (sau đây gọi là Thông tư số 43/2021/TT-BGTVT)
1. Thay cụm
từ “Tổng cục Đường bộ Việt Nam” bằng cụm từ “Cục Đường bộ Việt Nam” tại:
a) Khoản 4 Điều
9; điểm c khoản 2 Điều 10; điểm b khoản 1, điểm b khoản 2, điểm a khoản 3 Điều
15; điểm b, điểm đ khoản 2 Điều 17; điểm b khoản 2 Điều 18;
khoản 1 Điều 20; khoản 1 Điều 21;
b) Điểm a khoản
2 Điều 11a (đã được bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Thông tư số 43/2021/TT-BGTVT);
c) Điểm a khoản
4 Điều 15 (đã được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 11 Điều
1 Thông tư số 43/2021/TT-BGTVT);
d) Điểm c khoản
4 Điều 20 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 6 Thông tư số
43/2021/TT-BGTVT).
2. Thay cụm
từ “Cục Quản lý đường bộ” bằng cụm từ “Khu Quản lý đường bộ” tại:
a) Khoản 4, khoản
6 Điều 9; điểm a, điểm c khoản 2 và khoản 3 Điều 10; điểm b
khoản 2 Điều 15; khoản 1 Điều 20; khoản 2 Điều 21;
b) Điểm a khoản
4 Điều 15 (đã được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 11 Điều
1 Thông tư số 43/2021/TT-BGTVT).
3. Thay cụm
từ “Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam” bằng cụm từ “Cục trưởng Cục Đường
bộ Việt Nam” tại:
a) Điểm a khoản
2 Điều 11a (đã được bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Thông tư số 43/2021/TT-BGTVT);
b) Khoản 3 Điều
22.
4. Thay cụm
từ “Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ” bằng cụm từ “Giám đốc Khu Quản lý đường bộ”
tại điểm b khoản 3 Điều 15.
5. Sửa đổi,
bổ sung khoản 3 Điều 3 (đã được
sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số
43/2021/TT-BGTVT) như sau:
“3. Cơ quan quản lý đường bộ là
Cục Đường bộ Việt Nam, Khu Quản lý đường bộ; cơ quan chuyên môn về giao thông vận
tải thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau đây gọi là Sở Giao thông vận tải), Ủy
ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã.”.
6. Sửa đổi,
bổ sung khoản 1 Điều 9 (đã được
sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Thông tư số
43/2021/TT-BGTVT) như sau:
“1. Căn cứ vào dự báo, cảnh báo
loại hình thiên tai, cấp độ rủi ro thiên tai, diễn biến thiên tai, các văn bản
chỉ đạo của cấp trên, Cục Đường bộ Việt Nam (đối với hệ thống quốc lộ), Sở Giao
thông vận tải (đối với đoạn tuyến quốc lộ được giao quản lý), Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh (đối với hệ thống đường địa phương, công trình hoặc dự án đường bộ đầu tư
theo phương thức đối tác công tư trên hệ thống quốc lộ mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
là cơ quan có thẩm quyền) chỉ đạo, chỉ huy triển khai thực hiện các biện pháp ứng
phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong lĩnh vực giao thông đường bộ.”.
7. Sửa đổi,
bổ sung điểm b khoản 1 Điều 9a (đã được bổ sung tại khoản 5
Điều 1 Thông tư số 43/2021/TT-BGTVT) như sau:
“b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh quy định đối với công trình đường bộ trên hệ thống đường địa phương, công
trình hoặc dự án đường bộ đầu tư theo phương thức đối tác công tư trên hệ thống
quốc lộ mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền; Ban chỉ huy Phòng
chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh hoặc cơ quan chuyên môn về giao
thông đường bộ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai.”.
8. Sửa đổi,
bổ sung tên điều và khoản 1 Điều 11a (đã được bổ sung tại
khoản 7 Điều 1 Thông tư số 43/2021/TT-BGTVT) như
sau:
a) Sửa đổi tên Điều
11a như sau:
“Điều 11a. Dự án khẩn cấp
phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai”;
b) Sửa đổi khoản
1 Điều 11a như sau:
“1. Cấp có thẩm quyền quyết định
triển khai dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai bằng quyết
định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp.”.
9. Sửa đổi,
bổ sung khoản 1 Điều 12 như
sau:
“1. Khắc phục hậu quả thiên tai,
bảo đảm giao thông đối với công trình đường bộ đang khai thác: là hoạt động khắc
phục hậu quả thiên tai, xử lý ùn tắc, bảo đảm giao thông, sửa chữa, khôi phục
công trình đường bộ bị hư hỏng do thiên tai gây ra, được thực hiện ngay sau khi
thiên tai suy yếu hoặc thời tiết trở lại bình thường, với mục tiêu khôi phục
nhanh nhất hoạt động giao thông thông suốt, an toàn.”.
10. Sửa đổi,
bổ sung Điều 13 (đã được sửa
đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Thông tư số
43/2021/TT-BGTVT) như sau:
“Điều 13. Công tác khắc phục
hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông đối với công trình đường bộ đang khai
thác
1. Khắc phục hậu quả thiên tai,
xử lý ùn tắc, bảo đảm giao thông
Khi thiên tai xảy ra gây ảnh hưởng,
làm gián đoạn một phần hoặc toàn bộ hoạt động giao thông, theo phương châm “bốn
tại chỗ” quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Phòng, chống thiên
tai, Cơ quan quản lý đường bộ, nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, vận
hành khai thác công trình đường bộ có trách nhiệm khắc phục ngay hậu quả thiên
tai, xử lý ùn tắc, bảo đảm giao thông đường bộ. Hoạt động này gồm một hoặc một
số nhiệm vụ sau:
a) Cử người chốt trực, căng
dây, rào chắn, cắm biển báo hiệu tạm hai đầu đoạn tuyến bị hư hại; thu dọn,
san, sửa để bảo đảm giao thông tối thiểu 01 làn đi lại an toàn. Những đoạn đường
hoặc công trình bị hư hại nặng phải làm rào chắn, có người gác chỉ huy, điều
khiển giao thông, tổ chức phân luồng bảo đảm giao thông và thông báo trên các
phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp chiều sâu ngập nước lớn, lưu tốc
dòng chảy mạnh phải cắm cọc tiêu, cắm phao tiêu, cột thủy chí, phối hợp với
chính quyền địa phương làm rào chắn, phân luồng hoặc cấm phương tiện qua lại,
hoặc điều tiết giao thông và cảnh báo khác nếu cần;
b) Cột điện, cây đổ xuống đường;
bùn, đất, đá, sỏi cuội, cây, rác trôi tràn nền, mặt đường, lấp tắc hệ thống
thoát nước gây cản trở dòng chảy của cống, rãnh, dưới cầu: tập trung cưa, chặt,
thu dọn cây đổ, di chuyển cột điện ra khỏi phạm vi mặt đường; hót dọn nền, mặt
đường; khơi thông lòng cống, rãnh, sông, suối dưới cầu để thông xe an toàn;
c) Sạt lở đất, đá ta luy dương
xuống nền, mặt đường: đào, cậy phá các tảng đá kém ổn định, hót dọn sụt lở ta
luy dương; khi cần gia cố ổn định chân ta luy dương thì sử dụng kè rọ thép đá hộc
hoặc vật liệu phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn để giữ ổn định nhằm
lưu thông xe ngay một cách an toàn;
d) Sạt lở ta luy âm, lún sụt lấn
vào nền, mặt đường: tùy theo địa hình thực tế, thực hiện xếp kè rọ thép đá hộc
hoặc dùng cọc thép hình hoặc cọc cừ tạo tường chắn chống sụt, hoặc sử dụng
phương án khắc phục, sửa chữa bằng vật liệu phù hợp với điều kiện thực tế trên
địa bàn; khi sạt lở ta luy âm, bề rộng mặt đường còn lại ≤ 3,0 m, thực hiện lấp
rãnh tạm thời hoặc xén vào chân ta luy dương đạt bề rộng mặt đường ≥ 4,0 m để
thông xe tạm, sau đó hoàn thiện cho thông xe bình thường;
đ) Cầu nhỏ, cống, ngầm, tràn,
đường cứu nạn, hệ thống thoát nước bị xói trôi, sạt lở, bong bật, ngập úng cục
bộ, các trường hợp hư hỏng khác gây ảnh hưởng đến hoạt động giao thông trên đường
bộ, an toàn công trình: thực hiện khơi thông, vét bùn, đất, đá bảo đảm thoát nước;
gia cố các hư hỏng bằng một hoặc một số vật liệu, như: bê tông xi măng, bê tông
cốt thép, rọ thép đá hộc hoặc vật liệu phù hợp điều kiện thực tế của địa bàn để
lưu thông xe một cách an toàn;
e) Trường hợp mặt đường bị sình
lún, ổ gà, hư hỏng cục bộ; lề đường bị xói trôi: xử lý hư hỏng cục bộ, san gạt,
bảo đảm êm thuận mặt đường; gia cố lề đường bằng rọ thép đá hộc hoặc vật liệu
phù hợp điều kiện thực tế trên địa bàn để lưu thông xe một cách an toàn;
g) Hệ thống báo hiệu đường bộ,
phòng vệ an toàn giao thông bị đổ, hư hỏng: sửa chữa, thay thế, bổ sung ngay để
hướng dẫn, bảo đảm giao thông được an toàn, thông suốt;
h) Trường hợp khắc phục hậu quả
thiên tai, xử lý ùn tắc, bảo đảm giao thông quy định tại điểm a, điểm b, điểm
c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản này vượt quá khả năng thực hiện của đơn
vị, theo phạm vi, trách nhiệm quản lý, nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường
xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ báo cáo Khu Quản lý đường bộ hoặc
Sở Giao thông vận tải huy động thêm các đơn vị để khắc phục kịp thời hậu quả do
thiên tai gây ra.
2. Sửa chữa hư hỏng, khôi phục
công trình đường bộ
Khi thiên tai xảy ra gây hư hỏng
công trình đường bộ phải khắc phục ngay hậu quả để khôi phục hoạt động giao
thông, khôi phục một phần hoặc toàn bộ công trình theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ
thuật của công trình trước khi bị hư hỏng thì cấp có thẩm quyền quyết định triển
khai dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định tại
Điều 11a của Thông tư này. Hoạt động này gồm một hoặc một số nhiệm vụ sau:
a) Ta luy dương bị sạt trượt và
xuất hiện vết nứt cung trượt, tình trạng đá bị nứt, đá rơi, đá lăn rơi xuống đường
và còn nguy cơ tiếp tục sạt lở, tiếp tục trôi, trượt: tiến hành cắt cơ, hạ tải
giảm bớt một phần hoặc toàn bộ cung trượt, hoặc phủ lưới thép có các neo ghim
vào mái ta luy đá, mở đường tránh cục bộ để thông xe tạm, sau đó hoàn thiện cho
thông xe bình thường;
b) Sạt, lở ta luy âm ăn sâu vào
mặt đường và còn nguy cơ tiếp tục sạt lở, tiếp tục trôi, trượt dẫn đến đứt đường:
tùy thuộc địa hình và địa chất, dùng cọc bằng thép hình đóng tạo tường chắn chống
sụt, kết hợp kè rọ thép đá hộc hoặc mở đường tạm vào phía ta luy dương để thông
xe tạm, sau đó hoàn thiện cho thông xe bình thường;
c) Mặt đường bị lún sụt, cao
su, sình lún, ổ gà dày đặc, lún vệt bánh xe, nứt, vỡ mặt đường: san gạt, bảo đảm
êm thuận mặt đường; sau khi thời tiết cho phép khắc phục ngay bằng vật liệu phù
hợp hoặc hoàn trả lại kết cấu cũ, hoặc kết cấu tương đương và hệ thống an toàn
giao thông nhằm bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình, phù hợp với điều
kiện khai thác;
d) Sập hoặc xói trôi đường
tràn, ngầm, cống; các trường hợp hư hỏng khác của công trình đường bộ có nguy
cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng của nhiều người dân: sửa chữa, gia cường
công trình hoặc mở đường tránh cục bộ để thông xe tạm, hoặc bắc cầu tạm để
thông xe tuyến chính, sau đó hoàn thiện cho thông xe bình thường;
đ) Sập hầm đường bộ; trôi, sập
cầu đường bộ; xói trôi đứt một đoạn đường: xây dựng đường tránh cục bộ hoặc cầu
tạm để thông xe tạm thời, sau đó hoàn thiện cho thông xe bình thường;
e) Ngoài các giải pháp sửa chữa
hư hỏng, khôi phục công trình đường bộ quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm
d, điểm đ khoản này, cấp có thẩm quyền được bổ sung các giải pháp sửa chữa khác
trong Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp nhằm xử lý kịp thời hậu quả do thiên
tai gây ra.
3. Căn cứ vào kết quả, hiện trạng
khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý ùn tắc, bảo đảm giao thông theo quy định tại
điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 1 Điều này, cấp có
thẩm quyền tiếp tục xử lý như sau:
a) Công trình đường bộ vẫn còn
hoặc tiếp tục bị hư hỏng nhưng chưa cần khôi phục ngay lại theo tiêu chuẩn, quy
chuẩn của công trình trước khi bị hư hỏng, cơ quan quản lý đường bộ báo cáo cấp
có thẩm quyền xem xét quyết định thực hiện sửa chữa đột xuất công trình theo
quy định tại Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT
ngày 07 tháng 06 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản
lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ;
b) Công trình đường bộ vẫn còn
hoặc tiếp tục bị hư hỏng và cần phải khôi phục ngay lại theo tiêu chuẩn, quy
chuẩn của công trình trước khi bị hư hỏng, cơ quan quản lý đường bộ báo cáo cấp
có thẩm quyền xem xét quyết định triển khai dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc
phục hậu quả thiên tai theo quy định tại Điều 11a của Thông tư này. Các công việc
đã thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý ùn tắc, bảo đảm giao thông theo
quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 1 Điều
này được phê duyệt trong hồ sơ hoàn thành dự án;
c) Trường
hợp hoạt động giao thông vẫn còn hoặc tiếp tục bị gián đoạn mà việc khắc phục hậu
quả thiên tai, xử lý ùn tắc, bảo đảm giao thông có dự kiến chi phí với tổng giá
trị vượt quá hạn mức quy định tại khoản 1 Điều 54 Nghị định
số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của
Chính phủ, theo phạm vi, trách nhiệm quản lý, nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường
xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ phải báo cáo Khu Quản lý đường bộ,
Sở Giao thông vận tải để kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét quyết định triển
khai dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định tại
Điều 11a của Thông tư này. Các công việc đã thực hiện khắc phục hậu quả thiên
tai, xử lý ùn tắc, bảo đảm giao thông theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c,
điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 1 Điều này được phê duyệt trong hồ sơ hoàn
thành dự án.”.
11. Sửa đổi,
bổ sung Điều 14 (đã được sửa
đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư số
43/2021/TT-BGTVT) như sau:
“Điều 14. Hồ sơ hoàn thành
khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý ùn tắc, bảo đảm giao thông; hồ sơ hoàn thành
dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai
1. Tổ chức lập, soát xét hồ sơ:
a) Khu Quản lý đường bộ, Sở
Giao thông vận tải đối với quốc lộ được giao quản lý;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy
định đối với hệ thống đường bộ địa phương, công trình hoặc dự án đường bộ đầu
tư theo phương thức đối tác công tư trên hệ thống quốc lộ mà Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh là cơ quan có thẩm quyền;
c) Doanh nghiệp được nhà nước
giao đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình đường bộ đối với công trình
đường bộ được giao quản lý;
d) Trong thời hạn 30 ngày làm
việc kể từ ngày hoàn thành thi công trên hiện trường, cơ quan, đơn vị quy định
tại điểm a, điểm b, điểm c khoản này có trách nhiệm gửi Hồ sơ đến cơ quan có thẩm
quyền quy định tại khoản 2 Điều này để thẩm định, phê duyệt.
2. Thẩm quyền thẩm định, phê
duyệt hồ sơ:
a) Cục Đường bộ Việt Nam đối với
quốc lộ;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy
định đối với hệ thống đường địa phương, công trình hoặc dự án đường bộ đầu tư
theo phương thức đối tác công tư trên hệ thống quốc lộ mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
là cơ quan có thẩm quyền;
c) Người đứng đầu Cơ quan Trung
ương đại diện chủ sở hữu quyết định đối với công trình đường bộ do doanh nghiệp
được nhà nước giao đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình đường bộ quản
lý;
d) Thời gian thẩm định hồ sơ và
phê duyệt hoặc thông báo kết quả là 30 ngày, kể từ ngày cơ quan thẩm định nhận
đủ hồ sơ hợp lệ.
3. Thành phần hồ sơ hoàn thành
khắc phục thiên tai, xử lý ùn tắc, bảo đảm giao thông, gồm:
a) Tờ trình của cơ quan lập hồ
sơ;
b) Thuyết minh phương án khắc
phục hậu quả thiên tai;
c) Văn bản về thông tin thiên
tai, chỉ đạo điều hành, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, như: công điện, lệnh
điều động, văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền;
d) Báo cáo ban đầu kèm theo một
số ảnh chụp về tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra của cơ quan lập hồ sơ,
cơ quan, đơn vị khác có liên quan;
đ) Biên bản xác nhận khối lượng
đã thực hiện kèm theo bản kê chi tiết;
e) Bản vẽ hoàn công;
g) Dự toán kinh phí cho khắc phục
thiên tai, xử lý ùn tắc, bảo đảm giao thông đã thực hiện, kèm các bản thuyết
minh tính toán chi tiết;
h) Biên bản xác minh thiệt hại
lập tại hiện trường (gồm các thông tin: vị trí, lý trình; mô tả, đánh giá mức độ
thiệt hại, hư hỏng công trình đường bộ; sơ bộ khối lượng hư hỏng; đề xuất
phương án xử lý, khắc phục). Biên bản được lập có sự tham gia của Cơ quan quản
lý đường bộ, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện
nơi xảy ra thiệt hại;
i) Các bản vẽ kỹ thuật thi công
thể hiện khối lượng, kết cấu công trình tạm;
k) Nhật ký thi công xây dựng
công trình và một số hình ảnh ghi nhận quá trình thi công xây dựng công trình,
bảng chấm công trực điều tiết, phân luồng bảo đảm giao thông.
4. Hồ sơ theo quy định tại khoản
3 Điều này không bao gồm các khối lượng công việc đã được xác định giá trị
trong hợp đồng bảo dưỡng thường xuyên của nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường
xuyên, vận hành khai thác công trình với cơ quan có thẩm quyền.
5. Thành phần Hồ sơ hoàn thành
dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, gồm:
a) Tờ trình của cơ quan lập hồ
sơ, Quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, Lệnh xây dựng công
trình khẩn cấp của cấp có thẩm quyền;
b) Các thành phần hồ sơ theo
quy định tại điểm b, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h, điểm i, điểm k khoản
3 Điều này.
6. Đối với công trình đường bộ
được đầu tư xây dựng và khai thác theo phương thức BOT và các phương thức hợp đồng
dự án PPP khác: doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường
bộ lập hồ sơ hoàn thành khắc phục thiên tai, xử lý ùn tắc, bảo đảm giao thông
hoặc dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện thỏa
thuận với Cơ quan có thẩm quyền trong giai đoạn kinh doanh, khai thác theo quy
định của pháp luật và hợp đồng dự án; hồ sơ được lập trên cơ sở phù hợp với quy
định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều này.
7. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân
được giao nhiệm vụ lập hồ sơ hoàn thành khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý ùn tắc,
bảo đảm giao thông hoặc dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên
tai, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của hồ sơ.”.
12. Sửa đổi,
bổ sung điểm a khoản 2 Điều 17 như
sau:
“a) Khắc phục hậu quả thiên
tai, bảo đảm giao thông đường bộ đang khai thác do Trung ương quản lý;”.
13. Sửa đổi,
bổ sung điểm a khoản 1 Điều 18 như
sau:
“a) Thời gian trực phòng, chống,
ứng phó sự cố thiên tai được thực hiện theo quy định về thời giờ làm việc, thời
giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt
trong công tác phòng, chống thiên tai;”.
Điều 2. Bãi
bỏ một số điều, khoản của Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT và Thông tư số
43/2021/TT-BGTVT như sau:
a) Khoản 2a Điều
3 (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 43/2021/TT-BGTVT);
b) Khoản 2 Điều
12.
Điều 3. Điều
khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2023.
2. Các hạng mục thi công khắc
phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 1 đã hoặc đang thực hiện trước
ngày Thông tư này có hiệu lực thì việc lập, soát xét, thẩm định và phê duyệt hồ
sơ hoàn thành tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT (đã được sửa đổi, bổ sung một
số điều tại Thông tư số 43/2021/TT-BGTVT).
3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh
Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục
Đường cao tốc Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai, Thủ trưởng
các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư
này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
- Cục Kiểm soát TTHC (VPCP);
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Báo Giao thông, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, KCHT(03).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Lê Đình Thọ
|