ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 979/QĐ-UBND
|
Yên Bái, ngày 06 tháng 06 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC: PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH
YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2016-2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13
ngày 18/6/2014;
Căn cứ Luật Xây dựng số
50/2014/QH13 ngày 18/6/2014;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
02/2012/TTLT-BGTVT-BKHĐT ngày 17/01/2012 của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch
và Đầu tư hướng dẫn nội dung, trình tự lập quy hoạch tổng thể phát triển giao
thông vận tải cấp tỉnh;
Căn cứ Quyết định số
14/2014/QĐ-UBND ngày 05/9/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc ban
hành quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, công bố quy hoạch tổng
thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm
chủ yếu trên địa bàn tỉnh Yên Bái;
Căn cứ Quyết định số 1064/QĐ-TTg
ngày 08/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội của vùng Trung du và Miền núi phía Bắc đến năm
2020;
Căn cứ Quyết định số 356/QĐ-TTg
ngày 25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển
giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 1436/QĐ-TTg
ngày 10/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt đến 2020, tầm nhìn
đến 2030;
Căn cứ Quyết định số 1071/QĐ-BGTVT
ngày 24/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc điều chỉnh, bổ sung
quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa Việt Nam đến
năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 737/QĐ-UBND
ngày 24/6/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt quy hoạch tổng
thể các điểm đấu nối vào quốc lộ trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2011 -
2020 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 661/QĐ-UBND ngày 04/6/2013 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể các điểm đấu nối vào đường tỉnh trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2020, định
hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 630/2003/QĐ-UBND ngày 27/11/2003 của UBND tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt dự án điều
chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Yên Bái giai đoạn 2003 -
2010 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 3165/QĐ-UBND
ngày 25/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt Đề án phát
triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 ;
Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-HĐND
ngày 10/4/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về việc điều chỉnh quy hoạch
phát triển giao thông vận tải tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến
năm 2030;
Xét đề nghị của Sở Giao thông vận
tải tại Tờ trình số 24/TTr-SGTVT ngày 05/5/2017; của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo thẩm định số 270/BC-SKHĐT ngày 18/5/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao
thông vận tải tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, với
những nội dung như sau:
1. Tên quy hoạch: Điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Yên Bái giai
đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
2. Quan điểm
phát triển giao thông vận tải giai đoạn 2016 - 2020
2.1. Về kết cấu hạ tầng giao thông:
Phát triển hệ thống giao thông vận tải
một cách đồng bộ, tạo mạng lưới giao thông thông suốt giữa các khu vực của tỉnh,
đồng thời gắn kết với mạng giao thông vận tải quốc gia, tạo sự liên kết vùng
thông suốt; tiếp tục đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn gắn với chương
trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tận dụng tối đa năng lực kết
cấu hạ tầng hiện có, đặc biệt là tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; coi trọng
việc duy trì, củng cố, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông hiện có; đa dạng hóa
các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; từng bước đáp ứng
được nhu cầu về vận tải hàng hóa và hành khách với chất lượng tốt, đảm bảo an
toàn, tiện lợi; hạn chế, tiến tới giảm tai nạn giao thông và giảm thiểu ô nhiễm
môi trường.
2.2. Về vận tải:
Tổ chức vận tải hợp lý và nâng cao chất
lượng dịch vụ; ưu tiên phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics;
ưu tiên phát triển vận tải hành khách đô thị; đổi mới phương tiện, trang thiết
bị dịch vụ vận tải sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng, an toàn và bảo
vệ môi trường.
3. Mục tiêu
phát triển giai đoạn 2016 - 2020
3.1. Mục tiêu tổng quát:
- Tiếp tục đầu tư hoàn thiện mạng lưới
giao thông đồng bộ, có tính liên kết cao giữa các vùng trong tỉnh, các tỉnh
trong khu vực và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đầu tư các tuyến đường huyết
mạch, các tuyến đường ngang kết nối các địa phương trong tỉnh; tạo sự liên
thông, liên hoàn với các vùng lân cận và tạo không gian mở cho phát triển kinh
tế - xã hội, bảo đảm giao thông thông suốt, nhanh chóng và thuận lợi.
- Đầu tư, nâng cấp các tuyến đường đô thị, các tuyến đường xây dựng cần đảm bảo chỉ giới quy hoạch
và hành lang, vỉa hè đảm bảo mục tiêu phát triển đô thị văn
minh, xanh, sạch, đẹp nhằm khai thác tốt mạng lưới giao thông, đáp ứng kịp thời
nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu, hạn chế tai nạn giao thông, giảm
ô nhiễm môi trường và có tính đến phương án chống ùn tắc giao thông trong tương
lai tại các đô thị; đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn gắn với Chương
trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phối hợp tiếp tục nâng cấp
tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai để đáp ứng nhu cầu vận tải đường sắt; chỉnh trị luồng tuyến, cải tạo và xây dựng một số cảng, các bến khách trên sông
Hồng và hồ Thác Bà để khai thác vận tải thủy nội địa; ưu tiên phát triển vận tải
hành khách đô thị.
3.2. Mục tiêu cụ thể:
a) Về vận tải:
* Đường bộ:
- Vận tải hàng hóa: Khối lượng vận
chuyển dự kiến năm 2020 là 15 triệu tấn; khối lượng luân
chuyển dự kiến năm 2020 là 295 triệu tấn.km.
- Vận tải hành khách: Khối lượng vận chuyển
dự kiến năm 2020 là 18 triệu người; khối lượng luân chuyển dự kiến năm 2020 là
880 triệu người.km.
- Vận tải khách công cộng đô thị: đến năm 2020 đầu tư xây dựng 3 tuyến
xe buýt phục vụ nhu cầu đi lại của người dân với mỗi tuyến tối thiểu có 3 phương
tiện chất lượng cao hoạt động, đáp ứng tiêu chuẩn của đô thị loại 2 vào năm
2020 và kết nối với thị trấn Cổ Phúc và huyện Yên Bình.
- Phương tiện vận tải hàng hóa đến
năm 2020 có 8.859 chiếc; phương tiện chở khách dưới 9 ghế các loại đến năm 2020
có 4.721; xe khách từ 10-45 ghế đến năm 2020 có 658 chiếc.
- Phát triển đội xe kinh doanh vận tải
khách hiện đại, kiên quyết loại bỏ các xe quá niên hạn sử dụng gây mất an toàn
giao thông và tính mạng của người dân. Sử dụng các loại xe khách chất lượng cao
đến 45 ghế và giường nằm (ghế mềm, có điều hòa) với vận tải
liên tỉnh có cự ly dài; các loại xe khách đến 30 ghế với vận tải nội vùng bằng
xe có chất lượng cao, đảm bảo chất lượng về môi trường.
- Đến năm 2020, tất cả các trung tâm
thị trấn, thị tứ đều có phương tiện vận tải hành khách bằng
taxi chủng loại từ 5-7chỗ, tối thiểu tại các huyện, thị xã trong tỉnh có ít nhất
từ 15-20 phương tiện, địa bàn thành phố Yên Bái tối thiểu có 150 xe thường
xuyên phục vụ 24/24h.
* Đường thủy nội địa:
- Khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng
đường thủy nội địa, liên tỉnh đến năm 2020 đạt 1,1 triệu tấn.
- Đầu tư phát triển phương tiện vận tải
vỏ thép tự hành có trọng tải từ 50 tấn đến 500 tấn nhằm
thay thế toàn bộ các phương tiện tải trọng nhỏ và các phương tiện đã quá thời hạn
sử dụng sau khi tuyến đường thủy Sông Hồng được nâng cấp.
- Đầu tư thay thế toàn bộ phương tiện
vận tải khách ngang sông có kết cấu xi măng lưới thép, phương tiện đò cũ, sức
chở nhỏ bằng phương tiện vỏ thép, tự hành có đầy đủ các trang bị an toàn theo
quy định.
* Dịch vụ vận tải - kho bãi -
logistics:
Khuyến khích thu hút dự án đầu tư,
thành lập doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ kho bãi và logistics, vận tải
hàng hóa, hành khách liên tỉnh; khai thác có hiệu quả các luồng hàng nhất là
hàng xuất nhập khẩu qua hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải
Phòng. Hình thành các khu cảng cạn Yên Bái có hạ tầng hiện đại, đồng bộ các khu
chức năng, thực hiện đầy đủ các dịch vụ của ICD quốc tế.
b) Về kết cấu hạ tầng giao thông:
* Đường bộ:
- Đường cao tốc: Tiếp tục triển khai giai đoạn II thi công đoạn từ Yên Bái - Lào Cai đạt
tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe.
- Quốc lộ: Tiếp tục đầu tư hoàn thiện nâng cấp Quốc lộ 32C đoạn qua địa phận tỉnh
Yên Bái đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi và đạt tiêu chuẩn đường đô thị;
hoàn thiện nâng cấp Quốc lộ 37, đoạn Km280 - Km340 đạt tiêu chuẩn đường cấp IV
miền núi và đầu tư xây dựng dự án Quốc lộ 37 đoạn tránh thành phố Yên Bái đạt
tiêu chuẩn đường cấp III miền núi. Duy trì cấp kỹ thuật hiện có, sửa chữa, nâng
cấp mặt đường, đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện khi tham gia giao
thông trên Quốc lộ 32, 70.
Đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận
tải cho phép chuyển một số tuyến đường tỉnh thành quốc lộ bao gồm: Đường Âu Lâu - Đông An (ĐT.166), đường Mậu A - Tân Nguyên (ĐT.165), đường An
Bình - Lâm Giang (ĐT.164), đường Yên Bái - Khe Sang (ĐT.163), đường An Thịnh -
Bản Hẻo (ĐT175).
- Đường tỉnh: Ưu tiên đầu tư xây dựng mới một số tuyến đường kết nối các vùng trong tỉnh,
các tỉnh trong khu vực với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai như: Đường nối Quốc lộ 70 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn Khánh Hòa - Văn
Yên đạt tiêu chuẩn đường cấp V miền núi; đường nối Quốc lộ 32 với đường cao tốc
Nội Bài - Lào Cai, đoạn Nghĩa Lộ - Mậu A đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi;
đường nối đường Yên Thế - Vĩnh Kiên (ĐT. 170) với Quốc lộ 70 và đường cao tốc Nội
Bài - Lào Cai đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi (thuộc
dự án kết nối tỉnh Hà Giang với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai);
+ Đầu tư nâng cấp một số tuyến đường:
Đường Mậu A - Tân Nguyên (ĐT.165) đạt cấp IV miền núi; đường Khánh Hòa - Minh
Xuân (ĐT.171) đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi...
+ Sửa chữa một số tuyến đường tỉnh:
đường Âu Lâu - Đông An (ĐT.166), đường Văn Chấn - Trạm Tấu (ĐT.174), đường Hợp Minh - Mỵ (ĐT. 172)....
- Giao thông đô thị:
+ Đối với thành phố Yên Bái: Ưu tiên
nguồn lực đầu tư các tuyến giao thông kết nối hạ tầng hai bên sông Hồng thuộc
thành phố Yên Bái nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đầu tư xây dựng cầu
Tuần Quán, cầu Bách Lẫm, đường nối Quốc lộ 32C với đường
cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường nối Quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào
Cai, đường nối Quốc lộ 32C với đường Âu Cơ...); tiếp tục đầu tư sửa chữa, chỉnh
trang các tuyến đường nội thị thuộc dự án đô thị miền núi phía Bắc - thành phố
Yên Bái; đầu tư xây dựng một số tuyến đường theo dự án phát triển các đô thị động
lực - Tiểu dự án thành phố Yên Bái sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).
+ Đối với thị xã Nghĩa Lộ: Đầu tư xây
dựng cầu Bản Xa, đường Thanh Niên kéo dài, đường vành đai suối Thia và các tuyến
đường nội thị khác để kết nối với đường tránh Quốc lộ 32 thành hệ thống giao
thông đồng bộ.
+ Các đô thị khác: Mở mới một số tuyến
đường nội thị, đồng thời nâng cấp và hoàn thiện hệ thống đường đô thị tại các
trung tâm huyện lỵ, đặc biệt là các đô thị vệ tinh như thị trấn Yên Bình, huyện
Yên Bình thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên và thị trấn Mậu
A, huyện Văn Yên.
- Giao thông nông thôn:
+ Phấn đấu đến năm 2020: 100% đường
huyện, đường xã đi lại được bốn mùa. Các tuyến đường huyện đạt tiêu chuẩn đường
cấp V miền núi trở lên, đường xã tối thiểu đạt cấp B giao thông nông thôn trở
lên. Tỷ lệ kiên cố hóa phấn đấu đường
huyện đạt 70%, đường xã, thôn bản đạt từ 25% - 30%. Hệ thống cầu cống trên các
tuyến đường huyện, đường xã được xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp đường và tải
trọng thiết kế. Về cơ bản hệ thống cầu dân sinh được xây dựng
mới đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân và hoàn thành tiêu chí số 2 về
nông thôn mới, góp phần thúc đẩy sản xuất, giao thương hàng hóa.
+ Chuyển một số tuyến đường huyện
thành đường tỉnh.
- Các bến, bãi đỗ xe, trạm dừng
nghỉ đến năm 2020:
+ Đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe tĩnh
tại các trung tâm thành phố, thị xã, huyện lỵ và xây dựng các bãi đỗ xe tại các
khu, điểm du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch: Tại thành phố Yên Bái dự
kiến xây dựng tại các phường: Đồng Tâm, Hồng Hà, Nguyễn Thái Học, Yên Ninh, Tân
Thịnh, Hợp Minh, Giới Phiên, Phúc Lộc); tại thị xã Nghĩa Lộ dự kiến xây dựng 01
bãi đỗ xe tại xã Nghĩa Lợi (khu vực đô thị mới); còn lại các trung tâm huyện lỵ
dự kiến xây dựng 01 bãi đỗ xe tại khu vực đông dân cư; xây dựng các điểm trung
chuyển, trạm dừng nghỉ, kho hàng trung chuyển phục vụ vận tải trên các tuyến Quốc
lộ và tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai (tại các nút
giao IC12; IC13; IC14 và IC15).
+ Nâng cấp, xây dựng mới các bến xe
khách tại các huyện, thị xã như: Mù Cang Chải; Trạm Tấu; thị trấn Thác Bà; thị
xã Nghĩa Lộ (dự kiến chuyển ra tuyến tránh Quốc lộ 32); Văn Chấn; Trấn Yên và một
số khu vực đông dân cư ở một số xã tại các huyện đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Ngoài ra xây dựng các điểm dừng đỗ đón trả khách đã được phê duyệt theo quyết định
của Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Các trung tâm đăng kiểm, cơ sở
đào tạo, sát hạch lái xe đến năm 2020:
+ Quy hoạch các trung tâm đăng kiểm
phương tiện: Tiếp tục đầu tư, nâng cấp trang thiết bị hiện
đại cho Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới hiện có. Xây dựng mới Trung tâm đăng kiểm
xe cơ giới tại thành phố Yên Bái với 02 dây truyền kiểm định và xây dựng thêm
01 Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới ở khu vực phía Tây của tỉnh.
+ Quy hoạch các cơ sở đào tạo lái xe:
Duy trì, nâng cao chất lượng đào tạo lái xe tại các cơ sở hiện có; lưu lượng
đào tạo lái xe ô tô tới năm 2020 đạt từ 500 đến 700 học viên. Nâng cao, mở rộng
mô hình, quy mô, tính chất đào tạo ngành nghề; đầu tư, xây dựng nâng cấp cơ sở
vật chất, trang thiết bị dạy học, giáo viên,...đủ điều kiện nâng lưu lượng đào
tạo lái xe ô tô các hạng ở tất cả các cơ sở đào tạo; xây dựng 01 trung tâm sát
hạch lái xe loại 2 tại thành phố Yên Bái.
* Đường sắt:
Đến năm 2020, phối hợp hoàn thành cải
tạo, nâng cấp toàn tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng vào cấp kỹ thuật
và đảm bảo khai thác hiệu quả hệ thống hiện có. Phối hợp thực hiện xóa bỏ toàn bộ các đường ngang dân sinh, xây dựng hệ thống đường ngang có
phòng vệ, đường gom, rào cách ly, rào bảo vệ hành lang an toàn, chỉnh trang các
ga hành khách trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, đoạn qua địa phận tỉnh Yên
Bái.
* Đường thủy nội địa:
Đến năm 2020, đầu tư dự án phát triển
vận tải đường thủy nội địa, khai thông luồng lạch đường thủy sông Hồng từ Yên
Bái - Lào Cai đảm bảo thông tuyến cho xà lan 200 tấn hoạt động. Từng bước xây dựng
hệ thống bến cảng trên sông Hồng và hồ Thác Bà; xây dựng các bến khách ngang
sông trên địa bàn các huyện Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên và thành phố
Yên Bái.
4. Nhu cầu vốn đầu
tư trong giai đoạn 2017 - 2020
4.1. Tổng nhu cầu vốn trong
giai đoạn 2017 - 2020: 11.211 tỷ đồng, bình quân
2.802,75 tỷ đồng/năm.
Cụ thể như sau:
- Nhu cầu bảo trì cơ sở hạ tầng giao
thông vận tải là 1.768 tỷ đồng.
- Nhu cầu vốn phát triển cơ sở hạ tầng
giao thông vận tải là 8.363 tỷ đồng.
- Nhu cầu vốn phát triển vận tải là
1.080 tỷ đồng.
4.2. Cơ cấu vốn đầu tư:
- Nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn
trái phiếu Chính phủ, vốn nước ngoài (ODA, ADB, Ảrập - Xêút...), vốn của các
doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân đầu tư phát triển và bảo trì mạng lưới
quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, đường thủy, đường sắt, bến xe, bãi đỗ, trạm
dừng nghỉ, trung tâm đăng kiểm và phát triển vận tải. Tổng số vốn giai đoạn
2017 - 2020: 8.436,14 tỷ đồng.
- Vốn ngân sách tỉnh, nguồn vốn đóng
góp của nhân dân và các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư phát triển và bảo trì mạng
lưới đường tỉnh, đầu tư cho giao thông nông thôn, miền núi, đường đô thị. Tổng
số vốn giai đoạn 2017 - 2020: 2.774,86 tỷ đồng.
5. Tầm nhìn phát
triển giao thông vận tải đến năm 2030
5.1. Về vận tải:
Thỏa mãn và đáp ứng nhu cầu vận tải
đa dạng của xã hội với mức tăng trưởng nhanh, đảm bảo chất lượng ngày càng cao,
an toàn, giá thành hợp lý; kiềm chế tiến tới giảm sự gia
tăng tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường, về tổng thể, hình thành
được một hệ thống giao thông vận tải hợp lý giữa các phương thức vận tải và các
hành lang vận tải chủ yếu đối với các mặt hàng chính có khối lượng lớn. Phát
triển loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, taxi tại các thị trấn,
thị xã, đặc biệt là thành phố Yên Bái.
Hoàn chỉnh, từng bước hiện đại hóa kết
cấu hạ tầng giao thông nhằm nâng cao chất lượng khai thác, đảm bảo vận tải
thông suốt toàn bộ mạng lưới đối nội, đối ngoại và đảm bảo quốc phòng an ninh.
5.2. Đường bộ:
Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống đường
tỉnh đạt tiêu chuẩn đường cấp IV; tiếp tục đầu tư các dự án trọng điểm có sức
lan tỏa lớn đảm bảo kết nối giữa các vùng trong tỉnh và các tỉnh lân cận với
các tuyến cao tốc, các tuyến quốc lộ như: đường nối Quốc 32 với nút giao IC15
đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Đông An - Gia Hội), đường Phong Dụ Hạ - Nậm
Tha, đường Lâm Giang - Bảo Hà....; mở mới một số tuyến đường để tránh thế độc đạo
cho các địa phương vùng cao: đường Trạm Tấu - Mường La; đường Nậm Khắt - Túc
Đán ...
5.3. Đường sắt:
Khai thác có hiệu quả đường sắt hiện
có. Đề nghị với Trung ương nghiên cứu, xây dựng các tuyến đường sắt có nhu cầu
vận tải lớn, trong đó ưu tiên tuyến Hà Nội - Lào Cai.
5.4. Đường thủy nội địa:
Hoàn thành nâng cấp các tuyến thủy nội
địa chính đạt cấp kỹ thuật quy định. Đầu tư chiều sâu, nâng cấp và xây mới các
cảng đầu mối, bến hàng hóa và hành khách.
5.5. Giao thông đô thị:
Phát triển hợp lý hệ thống kết cấu hạ
tầng giao thông đô thị và vận tải công cộng, phát triển mạnh hệ thống xe buýt.
Đảm bảo quỹ đất dành cho giao thông đô thị từ 16 - 26%. Tiếp tục đầu tư xây dựng
các tuyến đường như: đường nối Quốc lộ 70 - Quốc lộ 32C - Đường Cao tốc Nội Bài
- Lào Cai, đường nối đại lộ Nguyễn Thái Học - Tuy Lộc...
5.6. Giao thông nông thôn:
Hoàn thành việc nâng cấp các tuyến
giao thông nông thôn, đường huyện, đường liên xã đạt tiêu chuẩn cấp V miền núi trở lên; đường liên thôn, bản đạt tiêu chuẩn đường cấp A
giao thông nông thôn; kiên cố hóa toàn bộ hệ thống mặt đường,
công trình thoát nước các tuyến đường đã đầu tư nâng cấp nền đường đạt tải trọng
thiết kế H13 trở lên. Xây dựng hệ thống đường giao thông
nông thôn toàn tỉnh thông suốt bốn mùa tạo điều kiện cho
việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của nhân dân với chi phí vận tải thấp, phù hợp
với đa số người nghèo.
5.7. Các bến, bãi đỗ xe:
Chuyển bến xe trong nội thị thành phố
Yên Bái ra phía ngoài trên trục đường Âu Cơ; tiếp tục đầu tư nâng cấp các bến
xe hiện có, xây dựng các bến xe tại trung tâm các xã; tiếp tục đầu tư các bãi đỗ
xe tĩnh tại thành phố Yên Bái và các trung tâm huyện lỵ.
6. Cơ chế chính
sách và giải pháp thực hiện quy hoạch
6.1. Các giải pháp về quản lý
quy hoạch:
Quá trình đầu tư phải phải phù hợp với
quy hoạch, đảm bảo sự cân đối đồng bộ năng lực giao thông của toàn mạng đáp ứng
yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và phục vụ dân sinh, đồng thời phải
đảm bảo quốc phòng an ninh. Đảm bảo tính hiệu quả của dự án trong tiến trình đầu
tư.
6.2. Các giải pháp về vốn:
Việc đầu tư nâng cấp và phát triển kết
cấu hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh cần một khối lượng vốn đầu tư
khá lớn, trong khi nguồn vốn từ ngân sách hạn hẹp. Do đó cần có những chính
sách thích ứng, kết hợp sự hỗ trợ từ Trung ương với việc huy động nhiều nguồn vốn
khác nhau để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh
như vốn ODA, WB....Huy động đầu tư theo hình thức PPP
(đối tác công tư) như: BT, BOT. Đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động
vận tải (Bến xe, vận tải hành khách công cộng, cảng bến thủy
nội địa...)
6.3. Các giải pháp đảm bảo trật
tự an toàn giao thông:
Tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên
truyền và thanh tra, kiểm tra thi hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông và xử lý vi phạm ATGT. Đẩy mạnh công tác quản lý và
bảo vệ hành lang ATGT. Kiểm soát chặt chẽ công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện,
nâng cao chất lượng sát hạch, đào tạo và cấp giấy phép lái xe.
6.4. Các giải pháp về khoa học
công nghệ và bảo vệ môi trường:
Khuyến khích áp dụng công nghệ mới, vật
liệu mới vào lĩnh vực đầu tư phát triển giao thông vận tải. Áp dụng công nghệ
thông tin vào quản lý, điều hành và khai thác.
6.5. Các giải pháp về phát triển
nguồn nhân lực:
Nâng cao trình độ, năng lực cho đội
ngũ các bộ quản lý, công chức, viên chức và người lao động, chấn chỉnh lại bộ máy quản lý nhà nước về giao thông vận tải từ cấp sở đến
huyện, xã.
Điều 2. Tổ chức
thực hiện:
1. Sở Giao thông vận tải:
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về
công tác quản lý chung về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh,
trong việc triển khai xây dựng các công trình phù hợp với quy hoạch được duyệt.
Đồng thời thực hiện chức năng đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho cấp huyện,
thị xã, thành phố.
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ
chức vận tải và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải; ưu tiên phát triển vận tải
đa phương thức, vận tải hành khách đô thị. Khuyến khích thu hút dự án đầu tư,
đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư phát triển vận tải hàng hóa, hành khách chất
lượng cao, đảm bảo an toàn, thuận lợi.
- Phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy
ban nhân dân các huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch phát triển kết cấu hạ
tầng giao thông từng năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt làm cơ sở thực hiện.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước
về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh về quy hoạch, kế hoạch.
Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, quản
lý chất lượng, hiệu quả các dự án. Tăng cường công tác quản
lý nhà nước về công tác duy tu, bảo dưỡng và bảo vệ hành lang an toàn giao
thông đối với các công trình đã được đầu tư đưa vào sử dụng.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về
cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng
giao thông trên địa bàn tỉnh.
- Hàng năm xây dựng kế hoạch vốn cho
phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
3. Sở Tài chính:
Theo dõi, hướng dẫn các Chủ đầu tư,
các huyện, thị xã, thành phố thực hiện quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích và
đúng các quy định hiện hành của nhà nước.
4. Sở Xây dựng:
Hướng dẫn các Chủ đầu tư, các huyện,
thị xã, thành phố thực hiện các dự án đầu tư trong quy hoạch đảm bảo các quy định
hiện hành của nhà nước.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Có trách nhiệm quản lý chặt chẽ quỹ đất,
quản lý các vấn đề liên quan đến tài nguyên và môi trường theo quy định của
pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cấp cải tạo, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn theo quy hoạch được duyệt.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố:
- Tổ chức lồng ghép triển khai các
quy hoạch theo thẩm quyền có liên quan đến giao thông vận tải, ưu tiên bố trí
các quỹ đất xây dựng các bến xe, bãi đỗ, điểm dừng đón trả khách, các điểm
trung chuyển, trạm dừng nghỉ, kho
hàng. Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án về giao
thông vận tải trên địa bàn quản lý.
- Trực tiếp quản lý việc xây dựng, bảo
trì các tuyến đường giao thông do địa phương quản lý, hỗ trợ kỹ thuật triển
khai các dự án cho các xã; tổng hợp, báo cáo số liệu hệ thống đường giao thông
hàng năm với Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Giao thông vận tải.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường,
thị trấn và tổ nhân dân, thôn, xóm, bản có trách nhiệm quản lý đường giao thông
nông thôn; tổ chức vận động sự đóng góp của người dân tham gia xây dựng, bảo
trì đường xã và đường thôn bản. Mỗi xã cần bố trí cán bộ chuyên trách riêng để
thực hiện nhiệm vụ quản lý giao thông nông thôn.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh;
Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Giao thông Vận tải;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính;
- Tổng cục ĐBVN;
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT.UBND tỉnh;
- Các PVP. UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, XD, TH.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Đỗ Đức Duy
|