THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
1203/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 19 tháng 07
năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TỔ CHỨC CẤP CỨU TAI NẠN GIAO THÔNG TRÊN MẠNG ĐƯỜNG BỘ
CAO TỐC ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày
25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tăng cường
thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự
an toàn giao thông;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án tổ chức cấp cứu tai nạn giao
thông trên mạng đường bộ cao tốc đến năm 2020 với các nội dung sau:
I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu chung
Tổ chức cấp cứu tai nạn giao thông
trên mạng đường bộ cao tốc để cấp cứu và vận chuyển nạn
nhân nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất một cách an toàn, hiệu quả nhằm giảm tỷ
lệ tử vong và di chứng cho nạn nhân bị tai nạn giao thông.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Củng cố hệ thống cấp cứu của các cơ
sở y tế tại các địa phương nơi có mạng đường bộ cao tốc đi qua;
b) Xây dựng bổ sung các trạm cấp cứu
tai nạn giao thông trên mạng đường bộ cao tốc;
c) Tổ chức hệ thống thông tin, điều
hành cấp cứu tai nạn giao thông theo khu vực để thực hiện việc điều phối khi có
tai nạn giao thông;
d) Đào tạo kỹ năng về sơ cứu, cấp cứu
cho các cán bộ của lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, tuần tra viên, lái xe, nhân viên Hội Chữ thập đỏ và tình nguyện viên.
3. Các chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn
2013 - 2015:
a) 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có mạng đường bộ cao tốc đi qua phải có hệ thống
cấp cứu 115 đủ điều kiện về nhân lực và trang thiết bị theo quy định của Bộ trưởng
Bộ Y tế;
b) 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn
và các bệnh viện huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có mạng đường bộ
cao tốc đi qua có năng lực sơ cứu, cấp cứu tai nạn giao thông;
c) Nâng cấp 50% các trạm y tế hiện có
trên mạng đường bộ cao tốc;
d) Thành lập thí điểm một trung tâm
điều hành cấp cứu tai nạn giao thông khu vực;
đ) 50% cán bộ của lực lượng cảnh sát
giao thông, thanh tra giao thông, tuần tra viên được đào tạo kỹ năng cấp cứu cơ bản tai nạn giao thông;
e) 20% lái xe đã được cấp giấy phép lái
xe, cán bộ Hội Chữ thập đỏ và tình nguyện viên được đào tạo kỹ năng cấp cứu cơ
bản tai nạn giao thông;
g) 100% lái xe được cấp mới giấy phép
lái xe từ năm 2015 phải có chứng chỉ về đào tạo kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông.
4. Các chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn
2016 - 2020:
a) Bảo đảm tối đa 50 km đường bộ cao
tốc có một trạm cấp cứu tai nạn giao thông đủ điều kiện về nhân lực và trang
thiết bị theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
b) Thành lập hai trung tâm điều hành
cấp cứu tai nạn giao thông khu vực;
c) 100% cán bộ của lực lượng cảnh sát
giao thông, thanh tra giao thông, tuần tra viên được đào tạo
kỹ năng cấp cứu cơ bản tai nạn giao thông;
d) 80% lái xe đã được cấp giấy phép
lái xe, cán bộ Hội Chữ thập đỏ và tình nguyện viên được đào tạo kỹ năng cấp cứu
cơ bản tai nạn giao thông.
II. PHẠM VI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương có mạng đường bộ cao tốc đi qua (sau đây gọi tắt là tỉnh).
III. CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỀ ÁN
1. Củng cố hệ thống cấp cứu của các
cơ sở y tế tại các địa phương nơi có mạng đường bộ cao tốc
đi qua:
a) Kiện toàn hệ thống cấp cứu 115 của
các tỉnh nơi có mạng đường bộ cao tốc đi qua bảo đảm đủ điều kiện về nhân lực,
cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
b) Nâng cao năng lực cấp cứu tai nạn
giao thông cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại các địa phương nơi có mạng đường
bộ cao tốc đi qua gồm: cung cấp đủ trang thiết bị thiết yếu và tổ chức đào tạo,
đào tạo lại cho các đối tượng tham gia công tác cấp cứu.
2. Xây dựng bổ sung các trạm cấp cứu
tai nạn giao thông trên mạng đường bộ cao tốc:
a) Xây dựng trạm cấp cứu tai nạn giao
thông lồng ghép với trạm cứu hộ trên mạng đường bộ cao tốc đủ khả năng thực hiện
việc sơ cứu, cấp cứu và vận chuyển người bị tai nạn giao thông đến cơ sở y tế;
b) Xây dựng văn bản quy định về quy
chế tổ chức và hoạt động của các trạm cấp cứu tai nạn giao thông trên mạng đường
bộ cao tốc.
3. Tổ chức hệ thống thông tin, điều
hành cấp cứu tai nạn giao thông theo khu vực để thực hiện việc điều phối khi có
tai nạn giao thông:
a) Xây dựng ba trung tâm điều hành cấp
cứu tai nạn giao thông tại ba khu vực Bắc, Trung, Nam lồng ghép với cơ sở y tế
hiện có để thực hiện chức năng điều phối hoạt động cấp cứu tai nạn giao thông
trong trường hợp có tai nạn giao thông;
b) Xây dựng văn bản quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm điều hành cấp cứu tai
nạn giao thông khu vực để bảo đảm khả năng điều phối các cơ sở y tế trong khu vực
tham gia hoạt động cấp cứu tai nạn giao thông khi có yêu cầu;
c) Xây dựng hệ thống thông tin liên lạc
giữa các trạm cấp cứu trên tuyến đường bộ cao tốc với hệ
thống cấp cứu 115, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại các
địa phương nơi có mạng đường bộ cao tốc đi qua và Trung tâm điều phối cấp cứu
khu vực.
4. Đào tạo kỹ năng về sơ cứu, cấp cứu
cho các cán bộ của lực lượng cảnh sát giao thông, thanh
tra giao thông, tuần tra viên, lái xe, nhân viên Hội Chữ thập đỏ và tình nguyện
viên:
a) Đưa nội dung đào tạo về sơ cứu tai
nạn giao thông vào chương trình đào tạo cấp giấy phép lái xe;
b) Trang bị vali cấp cứu cho tất cả
các xe tuần tra của lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và các
xe tuần tra của các Ban Quản lý đường bộ cao tốc;
c) Bổ sung quy định bắt buộc tất cả
các xe khách khi tham gia giao thông phải có vali cấp cứu
theo quy định của Bộ Y tế;
d) Tổ chức đào tạo về sơ cứu tai nạn
giao thông cho lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, tuần tra
viên, lái xe, nhân viên Hội Chữ thập đỏ và tình nguyện viên.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Vốn ngân sách nhà nước (chi thường
xuyên, chi đầu tư phát triển, vốn ODA).
2. Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Kinh phí thực hiện Đề án do các Bộ, ngành, địa phương bố trí trong dự toán chi thường xuyên
và chi đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về phân cấp ngân sách nhà
nước hiện hành.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Chỉ đạo thực hiện Đề án
a) Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông
quốc gia chỉ đạo thực hiện Đề án;
b) Bộ Y tế là cơ quan thường trực thực
hiện Đề án.
2. Phân công trách nhiệm thực hiện
a) Bộ Y tế có trách nhiệm
- Chủ trì và là đầu mối phối hợp với
các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai Đề án này;
- Xây dựng,
trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền các kế hoạch,
dự án để triển khai thực hiện Đề án, trong đó tập trung vào nội dung liên quan đến quy hoạch phát triển mạng lưới cấp cứu 115 và đào tạo
thí điểm lực lượng kỹ thuật viên cấp cứu chấn thương trước
viện (Paramedic) để cung cấp nhân lực cho hệ thống cấp cứu;
- Xây dựng quy định chức năng cấp cứu,
vận chuyển cấp cứu ngoài bệnh viện cho các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh;
- Lập kế hoạch trang bị và mua sắm
vali cấp cứu cho tất cả các xe tuần tra của lực lượng Cảnh sát giao thông,
Thanh tra giao thông và các phương tiện
cấp cứu cho các cơ sở y tế tại địa phương có mạng đường cao tốc đi qua;
- Xây dựng chương trình khung, tài liệu
và tổ chức đào tạo sơ cứu, cấp cứu tai nạn giao thông cho cán bộ y tế, cán bộ của
các lực lượng: cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông,
tuần tra viên, lái xe, nhân viên Hội Chữ thập đỏ và tình nguyện viên;
- Tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án và báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo định
kỳ 6 tháng, hàng năm.
b) Bộ Giao thông
vận tải có trách nhiệm
- Chỉ đạo các ban quản lý dự án đường
bộ cao tốc đưa nội dung xây dựng các trạm cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ
theo quy định của Đề án này; bảo đảm các điều kiện và kinh
phí hoạt động của các trạm cấp cứu sau khi đưa đường cao tốc vào hoạt động;
trang bị vali cấp cứu cho tất cả các xe tuần tra của các
ban quản lý đường bộ cao tốc;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế trong
việc tổ chức đào tạo nâng cao năng lực đáp ứng cấp cứu tai nạn giao thông cho
cán bộ của các cơ sở y tế thuộc ngành giao thông vận tải;
- Chỉ đạo các cơ sở y tế ngành giao
thông phối hợp với các trạm cấp cứu đường bộ cao tốc và các cơ sở khám bệnh, chữa
bệnh địa phương nơi có các tuyến đường bộ cao tốc đi qua trong việc sơ cứu, cấp
cứu tai nạn giao thông;
- Phối hợp với Bộ Y tế xây dựng
chương trình đào tạo về sơ cứu, cấp cứu tai nạn giao thông
trong chương trình đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe;
- Chỉ đạo các cơ sở đào tạo, sát hạch
cấp giấy phép lái xe thuộc thẩm quyền quản lý phối hợp với các cơ sở y tế có chức
năng đào tạo về sơ cứu, cấp cứu tai nạn giao thông trong quá trình đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe;
- Tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực
hiện các nội dung của Đề án thuộc phạm vi được giao và báo cáo Ban Chỉ đạo Đề
án theo định kỳ 6 tháng, hàng năm.
c) Bộ Công an có trách nhiệm
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế trong việc tổ chức đào tạo sơ cứu, cấp cứu cho lực lượng cảnh sát giao
thông và đào tạo nâng cao năng lực đáp ứng cấp cứu tai nạn giao thông cho cán bộ
của các cơ sở y tế thuộc ngành công an;
- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao
thông tham gia sơ cứu, cấp cứu khi có tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến đường bộ cao tốc và kiểm tra, giám sát việc trang bị
vali cấp cứu của các xe khách khi tham gia giao thông;
- Chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc phạm
vi quản lý phối hợp với trạm cấp cứu trên mạng đường bộ
cao tốc trong việc tiếp nhận và xử trí nạn nhân tai nạn giao
thông;
- Chỉ đạo các cơ sở đào tạo, sát hạch
cấp giấy phép lái xe thuộc thẩm quyền quản lý phối hợp với các cơ sở y tế để
đào tạo về sơ cứu, cấp cứu tai nạn giao thông trong quá trình
đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe đúng nội dung chương trình của Bộ Y tế
quy định;
- Tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực
hiện các nội dung của Đề án thuộc phạm vi được giao và báo cáo Ban Chỉ đạo Đề
án theo định kỳ 6 tháng, hàng năm.
d) Bộ Quốc phòng có trách nhiệm
- Sẵn sàng huy động lực lượng phối hợp
cùng Bộ Y tế, các địa phương và bộ, ngành liên quan khác để giải quyết những vụ
tai nạn giao thông nghiêm trọng, sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu điều trị nạn nhân
bị tai nạn giao thông;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế trong việc tổ chức đào tạo sơ cứu, cấp cứu cho lực lượng quân y và đào tạo
nâng cao năng lực đáp ứng cấp cứu tai nạn giao thông cho cán bộ của các cơ sở y
tế trong quân đội nhân dân;
- Chỉ đạo các cơ sở đào tạo, sát hạch
cấp giấy phép lái xe thuộc thẩm quyền quản lý phối hợp với các cơ sở y tế để
đào tạo về sơ cứu, cấp cứu tai nạn giao thông trong quá trình đào tạo, sát hạch
cấp giấy phép lái xe đúng nội dung chương trình của Bộ Y tế quy định;
- Tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực
hiện các nội dung của Đề án thuộc phạm vi được giao và báo cáo Ban Chỉ đạo Đề
án theo định kỳ 6 tháng, hàng năm.
đ) Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và Bộ
Tài chính bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước; huy động nguồn
vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để thực hiện Đề án theo phân cấp của Luật
ngân sách Nhà nước; thống nhất danh mục và mức vốn đầu tư của Đề án hàng năm;
- Phối hợp với Bộ Y tế kiểm tra đánh
giá tình hình thực hiện Đề án.
e) Bộ Tài chính có trách nhiệm
- Chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và
Đầu tư, Bộ Y tế bố trí dự toán chi thường xuyên để thực hiện Đề án theo phân cấp
của Luật ngân sách nhà nước;
- Phối hợp với Bộ Y tế kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện Đề án.
g) Bộ Thông tin và Truyền thông có
trách nhiệm
- Chỉ đạo việc xây dựng hệ thống thông
tin liên lạc giữa trạm cấp cứu trên tuyến đường bộ cao tốc
với hệ thống cấp cứu 115 và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại các địa phương nơi có mạng đường bộ cao tốc đi qua;
- Lập kế hoạch củng cố, nâng cấp hệ
thống tổng đài cấp cứu 115 trên phạm vi toàn quốc;
- Phối hợp với Bộ Y tế tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các nội dung của Đề án thuộc phạm vi được giao và báo cáo Ban Chỉ đạo Đề án theo định kỳ 6 tháng, hàng năm.
h) Đề nghị Trung ương Hội Chữ thập đỏ
- Tổ chức triển khai các nội dung của
Đề án trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được
giao;
- Chủ trì, phối hợp với cơ quan y tế
có thẩm quyền để tổ chức đào tạo về sơ cứu, cấp cứu tai nạn
giao thông cho nhân viên Hội Chữ thập đỏ và tình nguyện viên theo khung chương
trình đào tạo do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
i) Các bộ, ngành có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được giao có trách
nhiệm phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải trong việc tổ chức triển khai
thực hiện Đề án này.
k) Ủy ban nhân dân các tỉnh có mạng
đường bộ cao tốc đi qua có trách nhiệm
- Tổ chức triển khai các nội dung của
Đề án trên địa bàn tỉnh;
- Giao Sở Y tế xây dựng Quyết định
thành lập, quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo Đề án tỉnh trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;
- Phê duyệt theo thẩm quyền các kế hoạch,
dự án để triển khai thực hiện Đề án;
- Chỉ đạo các cơ sở y tế tổ chức đào
tạo sơ cứu, cấp cứu tai nạn giao thông cho cán bộ của lực lượng cảnh sát giao
thông, thanh tra giao thông, tuần tra viên, lái xe, nhân viên Hội Chữ thập đỏ
và tình nguyện viên theo chương trình tài liệu do Bộ Y tế ban hành;
- Chỉ đạo các cơ sở đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe thuộc thẩm
quyền quản lý phối hợp với các cơ sở y tế để đào tạo về sơ cứu, cấp cứu tai nạn
giao thông trong quá trình đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe;
- Lập kế hoạch đầu tư xây dựng, củng
cố, nâng cao năng lực cho hệ thống cấp cứu 115 và các bộ phận cấp cứu của các
cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh;
- Tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực
hiện các nội dung của Đề án thuộc phạm vi được giao và báo
cáo Ban Chỉ đạo Đề án theo định kỳ 6 tháng, hàng năm.
- Bố trí kinh phí để thực hiện Đề
án theo phân cấp của Luật ngân sách Nhà nước.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký ban hành.
Điều 3. Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Giao thông vận tải, Kế
hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mạng đường bộ cao
tốc đi qua và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương
Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, PL, V.III;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|