ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------------
|
Số:
10/2009/QĐ-UBND
|
Hải
Dương, ngày 21 tháng 04 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ ĐẤU NỐI CÔNG TRÌNH VÀO ĐƯỜNG BỘ
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ năm 2001; Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05
tháng 11 năm 2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng
giao thông đường bộ; Thông tư số 13/2005/TT-BGTVT ngày 07 tháng 11 năm 2005 của
Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều Nghị định số
186/2004/NĐ-CP;
Căn cứ Luật Đất đai năm 2003; Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm
2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một
số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và chống ùn tắc giao
thông;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về đấu
nối công trình vào đường bộ trên địa bàn tỉnh Hải Dương”.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký;
các quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh trước đây trái với Quyết định này đều bãi
bỏ.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở,
Thủ trưởng các Ban, ngành liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; các tổ chức và cá nhân
có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Giao thông vận tải;
- Cục Kiểm tra văn bản- Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu VT.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Phan Nhật Bình
|
QUY ĐỊNH
VỀ ĐẤU NỐI CÔNG TRÌNH VÀO ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI
DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 21 tháng 4 năm
2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Quy định này quy định cụ thể việc
đấu nối công trình vào đường bộ bao gồm quốc lộ ủy thác, đường tỉnh và đường
huyện (riêng đấu nối công trình vào quốc lộ không ủy thác thực hiện theo quy
định của Bộ Giao thông vận tải).
Điều 2. Đối
tượng điều chỉnh
1. Ủy ban nhân dân huyện, thành
phố (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện); Ủy ban nhân dân xã, phường,
thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã);
2. Các cơ quan, đơn vị quản lý
đường bộ trên địa bàn tỉnh;
3. Các lực lượng: Thanh tra Giao
thông vận tải, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội,
Công an cấp huyện và Công an cấp xã;
4. Các cơ quan Nhà nước, tổ chức
chính trị - xã hội của địa phương;
5. Các doanh nghiệp và hộ gia
đình; các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có sử dụng, khai thác trong
phạm vi đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh.
Điều 3. Mục
tiêu
1. Nhằm bảo đảm trật tự an toàn
giao thông; hạn chế tối đa các giao cắt trực tiếp để giảm thiểu tai nạn giao
thông và phòng, chống ùn tắc giao thông;
2. Tiết kiệm, nâng cao hiệu quả
vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, góp phần thúc đẩy sự phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh.
Điều 4. Giải
thích từ ngữ
1. Kết nối hạ tầng giao thông
đường bộ bao gồm công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ;
2. Đấu nối công trình vào đường
bộ là việc nối: trụ sở, nhà ở, cửa hàng, nhà xưởng… vào trực tiếp đường bộ
(bao gồm cả đường đô thị);
3. Cơ quan quản lý đường bộ
bao gồm: Sở Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân cấp huyện.
4. Đơn vị quản lý đường bộ
bao gồm: Đoạn Đường bộ trực thuộc Sở Giao thông vận tải; Hạt đường bộ và
tương đương trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; các đơn vị quản lý đường theo
hình thức BT, BOT và đường chuyên dùng.
Chương 2.
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ
ĐẤU NỐI CÔNG TRÌNH VÀO ĐƯỜNG BỘ
Điều 5.
Nguyên tắc đấu nối công trình vào đường bộ
1. Việc đấu nối công trình trực
tiếp vào đường bộ (bao gồm cả đường đô thị) chỉ được thực hiện
khi có quyết định phê duyệt quy hoạch của cơ quan có thẩm quyền;
2. Khi quy hoạch khu công nghiệp,
cụm công nghiệp, khu dân cư, khu thương mại, dịch vụ… phải nằm ngoài hành lang
an toàn đường bộ và khi đấu nối vào đường bộ phải thông qua đường gom.
Trường hợp bắt buộc phải đấu nối
trực tiếp vào đường bộ phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 02 điểm đấu nối
theo quy định để đảm bảo an toàn giao thông;
3. Đối với quy hoạch các điểm đấu
nối vào đường tỉnh cho các công trình trọng điểm thuộc tỉnh quản lý: Căn cứ quy
hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển giao thông vận tải của
tỉnh đến năm 2010 và định hướng năm 2020, tổ chức hoặc cá nhân (chủ đầu tư) chủ
động phối hợp với Sở Giao thông vận tải xây dựng quy hoạch và trình Ủy ban nhân
dân tỉnh phê duyệt.
Trường hợp chủ đầu tư tự xây dựng,
trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phải có văn bản thỏa thuận với Sở
Giao thông vận tải về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phù hợp quy hoạch
phát triển giao thông vận tải của tỉnh.
4. Đối với các điểm đấu nối vào
đường tỉnh cho các công trình không thuộc diện công trình trọng điểm của tỉnh:
Chủ đầu tư có trách nhiệm xây dựng quy hoạch, trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh
phê duyệt phải có văn bản thỏa thuận với Sở Giao thông vận tải về bảo đảm trật
tự an toàn giao thông và phù hợp quy hoạch phát triển giao thông vận tải của tỉnh.
5. Đối với các điểm đấu nối vào
đường huyện: Căn cứ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, chủ đầu tư
có trách nhiệm xây dựng quy hoạch các điểm đấu nối vào đường huyện (bao gồm
cả đường đô thị); trước khi trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt phải có
văn bản thẩm định của Sở Giao thông vận tải về bảo đảm trật tự an toàn giao
thông và tính phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải của tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
ra quyết định phê duyệt và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Điều 6.
Trình tự, thủ tục cho phép đấu nối vào đường bộ
Trường hợp những vị trí chưa có
đường nhánh và đường gom, khi có nhu cầu đấu nối vào đường bộ thì việc đấu nối
phải có quy hoạch tổng thể và thực hiện theo trình tự sau đây:
1. Bước lập quy hoạch và thỏa
thuận quy hoạch:
a) Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc
tổ chức, cá nhân (chủ đầu tư) cùng đơn vị quản lý trực tiếp đường bộ tổ chức thống
kê, lập báo cáo hiện trạng; phân loại và xử lý các trường hợp vi phạm hành lang
an toàn đường bộ, vi phạm quy định đấu nối vào đường bộ…;
b) Căn cứ kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội của địa phương, chủ đầu tư lập quy hoạch tổng thể các khu công
nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư, khu thương mại, dịch vụ … có nhu cầu đấu nối
vào đường bộ; trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt có văn bản thỏa
thuận với Sở Giao thông vận tải về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phù hợp
với quy hoạch phát triển Giao thông vận tải của tỉnh.
2. Hồ sơ thỏa thuận gồm:
a) Văn bản đề nghị thỏa thuận của
chủ đầu tư kèm theo: Bản danh mục và sơ đồ các điểm đấu nối hiện có, số lượng
các điểm đấu nối mới của từng tuyến đường trên địa bàn. Trong danh mục và sơ đồ
thể hiện đủ số lượng, vị trí và khoảng cách các điểm đấu nối; đồng thời đảm bảo
yêu cầu về cấp kỹ thuật của đường bộ và khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu
nối theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải và theo Quy định này.
Đối với các vị trí đấu nối cho
các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư, khu thương mại, dịch vụ, cửa
hàng xăng dầu… thì ưu tiên vị trí đấu nối cho các công trình quan trọng, sau đó
là các vị trí đã có trước;
b) Bản thuyết minh về giải quyết
các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ và đấu nối theo hướng dẫn tại
Quy định này cùng Thông tư số 13/2005/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải hướng
dẫn thực hiện Nghị định 186/2004/NĐ-CP của Chính phủ;
c) Bản sao quy hoạch phát triển
kinh tế - xã hội của địa phương hoặc văn bản chấp thuận đầu tư do cơ quan có thẩm
quyền phê duyệt;
d) Ý kiến của đơn vị quản lý đường
bộ;
đ) Căn cứ quy hoạch được phê duyệt
theo quy định, chủ đầu tư đến Sở Giao thông vận tải để hoàn thiện các thủ tục
và triển khai thực hiện theo quy định.
3. Bước chấp thuận về thiết kế kỹ
thuật, tổ chức nút giao, điều kiện bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho các điểm
đấu nối:
a) Trường hợp đấu nối cho các
công trình đường:
- Các công trình khi xây dựng mới
đấu nối vào đường bộ phải nằm trong quy hoạch phát triển hệ thống giao thông đường
bộ của tỉnh, của huyện;
- Căn cứ quy hoạch được duyệt,
chủ đầu tư triển khai thực hiện việc thiết kế kỹ thuật cho từng điểm đấu nối cụ
thể, lập phương án tổ chức nút giao, hệ thống đường gom, điều kiện bảo đảm trật
tự an toàn giao thông tại khu vực đấu nối và gửi hồ sơ đến Sở Giao thông vận tải
để thẩm định trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh (đối với đường tỉnh), hoặc Ủy
ban nhân dân huyện phê duyệt (đối với đường huyện);
b) Trường hợp đấu nối cho đường
gom vào đường bộ: Đường gom phải xây dựng ngoài hành lang an toàn đường bộ. Trường
hợp đặc biệt do điều kiện mặt bằng khó khăn hoặc không còn quỹ đất thì chủ đầu
tư thỏa thuận với Cơ quan quản lý đường bộ để xem xét, có thể cho phép xây dựng
một phần đường gom nằm trong hành lang an toàn đường bộ;
c) Trường hợp đấu nối cho các loại
đường bộ khác: Khi xây dựng đấu nối vào đường tỉnh, đường huyện phải có cấp kỹ
thuật tối thiểu theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải.
4. Bước cấp giấy phép thi công
cho đấu nối:
a) Điều kiện thi công công trình
đấu nối vào đường bộ:
Các công trình được đấu nối vào
đường bộ chỉ được phép thi công sau khi có Giấy phép thi công do Sở Giao thông
vận tải cấp (đối với đường tỉnh quản lý), hoặc do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp
(đối với đường huyện quản lý).
b) Hồ sơ xin phép thi công: Do
chủ đầu tư hoặc nhà thầu thi công lập và gửi đến Cơ quan cấp giấy phép gồm:
- Bản sao toàn bộ hoặc trích lục
phần quy hoạch đấu nối có liên quan đã được phê duyệt;
- Đơn xin phép thi công kèm theo
phương án thi công đảm bảo an toàn giao thông, thời gian thi công…;
- Thiết kế kỹ thuật và thiết kế
tổ chức thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thiết kế đoạn đường dẫn nằm
trong hành lang an toàn đường bộ tại vị trí đấu nối vào đường bộ phải đảm bảo
thoát nước và các biển báo hiệu an toàn giao thông theo quy định của Điều lệ
báo hiệu đường bộ hiện hành; đồng thời phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm
quyền chấp thuận bằng văn bản.
c) Cấp Giấy phép thi công:
- Sở Giao thông vận tải có trách
nhiệm cấp Giấy phép thi công đối với đường tỉnh và quốc lộ ủy thác; Ủy ban nhân
dân cấp huyện cấp Giấy phép thi công đối với đường huyện;
- Trường hợp đủ điều kiện cấp
phép, trong thời gian 5 ngày Sở Giao thông vận tải; Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp
giấy phép thi công.
- Trường hợp thiếu điều kiện cấp
phép, cơ quan cấp phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do trong thời
gian 10 ngày, tính từ ngày tiếp nhận hồ sơ xin phép thi công của chủ đầu tư.
d) Lưu giữ hồ sơ: Cơ quan cấp giấy
phép có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ xin phép thi công và giấy phép thi công để
theo dõi, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
đ) Điều chỉnh các vi phạm: Các
chủ công trình tự đấu nối vào đường bộ trước ngày quy định này có hiệu lực
nhưng chưa ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông được tạm thời tồn tại; Các
cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã
rà soát và xây dựng phương án xử lý, trình cấp trên xem xét quyết định.
Điều 7. Quy
định khoảng cách giữa hai điểm đấu nối
1. Khoảng cách tối thiểu giữa
hai điểm đấu nối dọc theo mỗi bên của đoạn tuyến đối với: đường giao thông công
cộng, đường vào ra khu công nghiệp, khu dân cư, khu thương mại, khu hành chính:
- Đối với đường tỉnh: không nhỏ
hơn 1000 m (một nghìn mét);
- Đối với đường huyện: không nhỏ
hơn 500 m (năm trăm mét);
2. Khoảng cách tối thiểu giữa
hai điểm đấu nối dọc theo mỗi bên của đoạn tuyến đối với cửa hàng kinh doanh
xăng dầu:
- Trong đô thị: không nhỏ hơn
1000 m (một nghìn mét);
- Ngoài đô thị: đối với đường tỉnh,
không nhỏ hơn 8000 m (tám nghìn mét); đối với đường huyện, không nhỏ hơn
5000 m (năm nghìn mét).
Chương 3.
TRÁCH NHIỆM TRONG QUẢN
LÝ VÀ THỰC HIỆN ĐẤU NỐI CÔNG TRÌNH VÀO ĐƯỜNG BỘ
Điều 8.
Trách nhiệm của tổ chức và cá nhân sống, hoạt động hai bên đường bộ
1. Chấp hành nghiêm chỉnh các
quy định của pháp luật về đấu nối công trình vào đường bộ;
2. Kê khai đầy đủ về đất và tài
sản trên đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ;
3. Không đấu nối trái phép công
trình vào đường bộ; không xây dựng mới hoặc cơi nới, cải tạo các công trình đấu
nối vào đường bộ;
4. Chấp hành sự thanh tra, kiểm
tra, xử lý của cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền;
5. Khi phát hiện các hành vi vi
phạm pháp luật về đấu nối công trình vào đường bộ cần kịp thời thông báo cho
chính quyền địa phương, đơn vị quản lý đường bộ hoặc cơ quan công an nơi gần nhất.
Điều 9.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Hướng dẫn, tuyên truyền cho
các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân ở dọc theo đường bộ kê khai, ký cam kết
không vi phạm quy định về đấu nối công trình vào đường bộ;
2. Phối hợp chặt chẽ với đơn vị
quản lý đường bộ thực hiện các biện pháp duy trì nguyên hiện trạng các công
trình đã đấu nối vào đường bộ; quản lý hồ sơ quy hoạch và tổ chức thực hiện quy
hoạch về đấu nối công trình vào đường bộ;
3. Chủ động tổ chức lực lượng và
phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ thường xuyên kiểm tra, xử
lý các hành vi vi phạm về đấu nối công trình vào đường bộ;
4. Phối hợp chặt chẽ với đại diện
đơn vị quản lý đường bộ lập biên bản vi phạm và đình chỉ ngay hành vi vi phạm
trong đấu nối công trình vào đường bộ;
5. Phối hợp chặt chẽ với Thanh
tra Giao thông vận tải, Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát
giao thông và các lực lượng liên quan trong việc lập biên bản vi phạm hành
chính, tổ chức thực hiện các quyết định xử lý, quyết định cưỡng chế, giải tỏa
vi phạm về đấu nối công trình vào đường bộ;
6. Giải quyết tranh chấp, khiếu
nại, tố cáo liên quan đến việc sử dụng hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn
theo quy định của pháp luật.
Điều 10.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Quản lý thống nhất quy hoạch
đấu nối công trình vào đường bộ thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn huyện phù
hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển giao thông
vận tải của địa phương theo đúng quy định của Trung ương và của tỉnh;
Xây dựng và bổ sung kịp thời quy
hoạch đấu nối công trình vào đường bộ theo quy định hiện hành.
2. Quản lý tiêu chuẩn kỹ thuật,
cách thức tổ chức nút giao, điều kiện đảm bảo an toàn giao thông và cấp Giấy
phép thi công đối với các điểm đấu nối vào đường huyện và quy định cụ thể đối với
đường xã theo hướng dẫn của ngành giao thông vận tải.
3. Chủ trì và phối hợp với các tổ
chức và cá nhân có trách nhiệm trong cưỡng chế, giải tỏa các trường hợp đấu nối
trái phép, không theo quy hoạch đấu nối được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Chỉ đạo Phòng Công Thương huyện,
Ủy ban nhân dân cấp xã chủ động và phối hợp ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường
hợp vi phạm đấu nối công trình vào đường bộ trên địa bàn được giao quản lý;
5. Phối hợp với ngành giao thông
vận tải xác định phạm vi, mốc giải tỏa cho từng giai đoạn; điều tra, kê khai và
thống kê các công trình đấu nối vào đường bộ đối với các tuyến đường tỉnh và quốc
lộ ủy thác. Đồng thời chủ động tổ chức, chỉ đạo thực hiện đối với đường huyện
được giao quản lý;
6. Tổ chức thanh tra, kiểm tra
trách nhiệm lãnh đạo, quản lý đối với những người có trách nhiệm: Chủ tịch Ủy
ban nhân dân cấp xã; trưởng phòng, ban, đơn vị - liên quan trong tổ chức thực
hiện quy hoạch đấu nối công trình vào đường bộ;
7. Giải quyết hoặc đề xuất giải
quyết các tồn tại, tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có liên quan; Trường hợp việc
xử lý có liên quan đến nhiều ngành của tỉnh thì báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ
đạo các ngành phối hợp, hỗ trợ giải quyết.
Điều 11.
Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải
1. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản
lý thống nhất quy hoạch đấu nối công trình vào đường bộ trên địa bàn tỉnh phù hợp
với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển giao thông vận
tải của tỉnh theo đúng quy định của pháp luật.
2. Quản lý tiêu chuẩn kỹ thuật,
cách thức tổ chức nút giao, điều kiện đảm bảo trật tự an toàn giao thông và cấp
Giấy phép thi công đối với các điểm đấu nối vào quốc lộ ủy thác, đường tỉnh; Hướng
dẫn nội dung trên để Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện quản lý thống nhất
trên địa bàn huyện.
3. Chỉ đạo lực lượng Thanh tra
giao thông vận tải và đơn vị quản lý đường trực thuộc phối hợp kiểm tra, phát
hiện và xử lý hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời các vi phạm về đấu
nối công trình vào đường bộ.
Điều 12.
Trách nhiệm của Công an tỉnh
1. Chỉ đạo các lực lượng Cảnh
sát giao thông, Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an cấp huyện
và Công an cấp xã tuần tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm đấu nối công trình
vào đường bộ; phối hợp thực hiện cưỡng chế, giải tỏa các vi phạm theo quy định
hiện hành;
2. Chủ động, phối hợp với Sở
Giao thông vận tải, Cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ Trung ương kiểm tra, xử lý
các “điểm đen” trên các tuyến quốc lộ và đường tỉnh, đường huyện.
Điều 13.
Trách nhiệm của các Sở, Ban, ngành liên quan
Các Sở, Ban, ngành liên quan căn
cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Giao thông vận tải hướng dẫn Ủy
ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong công tác quản lý quy hoạch đấu nối công
trình vào đường bộ như: lập, thẩm định quy hoạch, cấp phép và xây dựng các công
trình đấu nối vào đường bộ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liên quan đến
đất hành lang đường bộ, công tác tuyên truyền vận động, công tác thanh tra, kiểm
tra…
Chương 4.
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI
PHẠM
Điều 14.
Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Tổ chức và cá nhân có thành
tích xuất sắc trong phát hiện, tố giác, ngăn chặn các hành vi vi phạm như lấn
chiếm, sử dụng trái phép … đất và công trình dành cho kết cấu hạ tầng giao
thông đường bộ sẽ được khen thưởng theo quy định hiện hành;
2. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy
định về quản lý, bảo vệ, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường
bộ thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.
Chương 5.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Tổ
chức thực hiện
1. Sở Giao thông vận tải có
trách nhiệm hướng dẫn và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện quy định này trên địa
bàn tỉnh;
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện,
các sở, ban, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình
triển khai thực hiện quy định này và phối hợp thống nhất để quản lý và bảo vệ kết
cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
3. Trong quá trình thực hiện có
khó khăn, vướng mắc, các tổ chức và cá nhân kịp thời phản ảnh về Sở Giao thông
vận tải để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung
cho phù hợp./.