HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
09/2014/NQ-HĐND
|
Quảng Ngãi, ngày
29 tháng 4 năm 2014
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP
TĂNG CƯỜNG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
KHÓA XI, KỲ HỌP THỨ 11
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15/6/2004;
Căn cứ Luật đường sắt ngày 14/6/2005;
Căn cứ Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày
29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao
thông và ùn tắc giao thông;
Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 25/TTr-UBND ngày 27/3/2014
của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị ban hành nghị quyết về một số giải
pháp tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh
Quảng Ngãi; báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến
của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất thông qua một số giải
pháp tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng
Ngãi, cụ thể như sau:
1. Mục tiêu:
a) Nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật
về bảo đảm trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông và nhận
thức của toàn xã hội đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; từng
bước xây dựng và hình thành nếp sống văn hóa giao thông trong cộng đồng.
b) Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm
trật tự an toàn giao thông. Phấn đấu hằng năm kiềm chế, làm giảm từ 5% đến 10%
số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương và không để xảy
ra ùn tắc giao thông.
c) Xây dựng hoàn thiện, đồng bộ kết cấu hạ tầng
giao thông vận tải, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm hoạt động vận tải thông suốt, an
toàn, kết nối đồng bộ với mạng lưới giao thông quốc gia, phục vụ phát triển
kinh tế - xã hội.
d) Nâng cao ý thức, trách nhiệm thực thi công vụ
của công chức làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, có tinh thần
trách nhiệm cao, hoạt động có hiệu quả, hoàn thành tốt yêu cầu nhiệm vụ được
giao.
2. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
a) Tiếp tục quán triệt thực hiện Chỉ thị số
18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo
của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường
sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, Nghị quyết số 88/NQ-CP
ngày 24/8/2011 về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự
an toàn giao thông; Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 01/3/2013 ban hành Chương trình
hành động thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Chính phủ, Chương trình hành động
số 36-CTr/TU ngày 13/3/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 18
của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật
tự an toàn giao thông.
b) Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính
trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông
của các ngành chức năng và chính quyền các cấp, tăng cường kiểm tra, đôn đốc,
giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông.
c) Đề cao vai trò và gắn trách nhiệm của các cơ
quan nhà nước, người thực thi công vụ, người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa
phương và cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện
mục tiêu giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.
d) Tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, phổ
biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
- Giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về
trật tự an toàn giao thông cho mọi đối tượng tham gia giao thông để mọi người
tự giác chấp hành là biện pháp quan trọng hàng đầu; yêu cầu tất cả các cơ quan
nhà nước, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể,
các cơ quan thông tin, báo chí phải đặc biệt quan tâm, thực hiện thường xuyên,
kiên trì và liên tục.
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động công tác
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông bằng
nhiều hình thức phù hợp, đa dạng các sản phẩm truyền thông, xã hội hóa các hoạt
động truyền thông, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền theo chủ đề; chú trọng,
tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao
thông tại những vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Tăng
cường giáo dục, quán triệt cho cán bộ, công chức, chiến sỹ và thanh tra chuyên
ngành nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp trong thực thi nhiệm
vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
- Thủ trưởng các cơ quan nhà nước, các tổ chức,
đoàn thể, doanh nghiệp có trách nhiệm giáo dục cho cán bộ, công chức, viên
chức, người lao động và thành viên trong tổ chức của mình gương mẫu chấp hành
pháp luật trật tự an toàn giao thông; định kỳ hằng năm xây dựng chương trình
phổ biến các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho mọi thành
viên của cơ quan, tổ chức, đơn vị; ban hành quy chế khen thưởng, biểu dương
gương người tốt, việc tốt trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông và
không xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng với mọi hình thức đối với những
người vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
- Đài Truyền thanh, Đài Truyền thanh phát lại
truyền hình các huyện phải có chuyên mục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp
luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và văn hóa giao thông.
e) Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh
vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
- Ưu tiên bố trí ngân sách một cách hợp lý để đầu
tư nâng cao điều kiện an toàn của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ,
đường thủy nội địa, đường ngang qua đường sắt của địa phương; tăng cường khắc
phục các điểm đen, các điểm phức tạp tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông; điều
chỉnh lắp đặt biển báo hiệu đường bộ theo đúng quy định tạo thuận lợi cho phương
tiện và người tham gia giao thông. Xử lý dứt điểm tình trạng chiếm dụng vỉa hè,
lòng đường để kinh doanh, buôn bán dịch vụ, làm mặt bằng sản xuất, nơi để xe,
rửa xe ô tô, trông giữ xe; lắp đặt, treo pa nô, áp phích, biển hiệu, biển quảng
cáo làm che khuất biển báo, đèn tín hiệu giao thông; hoạt động diễu hành để
quảng cáo thương hiệu trên đường phố chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép
gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
- Khắc phục hoặc chủ động kiến nghị khắc phục kịp
thời những bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản
quy phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Trong đó, cần chú trọng rà
soát sửa đổi, bổ sung và ban hành mới cơ chế, chính sách hỗ trợ ưu đãi, khuyến
khích phát triển vận tải khách công cộng bằng xe buýt; phân luồng, tổ chức giao
thông trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi.
- Tăng cường các biện pháp kiểm soát, xử lý dứt
điểm tình trạng xe tự độ chế lắp ráp thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông
theo Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải
pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Kiên quyết
cưỡng chế, xử lý tịch thu phương tiện đối với những trường hợp đã nhận tiền hỗ
trợ chuyển đổi phương tiện, nghề nghiệp nhưng vẫn còn lén lút hoạt động.
- Thường xuyên kiểm tra, rà soát để phát hiện, ngăn
chặn và xử lý kịp thời các hành vi xây dựng nhà cửa, lều quán và các công trình
khác xâm hại kết cấu hạ tầng giao thông, lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an
toàn đường bộ, đường sắt; xóa bỏ các điểm đấu nối trái phép, các tuyến đường
ngang trái phép, không để phát sinh thêm; kiểm điểm trách nhiệm đối với các cơ
quan, đơn vị lấn chiếm hành lang an toàn giao thông; tăng cường trách nhiệm các
cấp, các ngành, địa phương trong xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông
đường bộ, đường sắt. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải chịu trách nhiệm
tổ chức cưỡng chế, phá dỡ các công trình xây dựng trái phép trên hành lang an
toàn đường bộ, đường sắt; xử lý kỷ luật Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp
xã nếu để tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.
- Tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ các bến
đò, bến khách và phương tiện chở khách ngang sông; kiên quyết xử lý nghiêm và
đình chỉ hoạt động các bến đò, bến khách và phương tiện không bảo đảm tiêu
chuẩn kỹ thuật an toàn, người điều khiển phương tiện không có văn bằng, chứng
chỉ chuyên môn phù hợp; ưu tiên bố trí vốn một cách hợp lý đầu tư xây dựng cầu
để dần xóa bỏ các bến đò ngang không đảm bảo an toàn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân
cấp huyện, cấp xã phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn đò ngang trên địa
bàn quản lý do bến đò hoặc phương tiện không đủ các điều kiện an toàn, chở quá
số người quy định, đò ngang không có đủ phao cứu sinh.
- Thường xuyên kiểm tra, có biện pháp kịp thời khắc
phục hư hỏng, xuống cấp gây mất an toàn của các cầu treo trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường phối hợp kiểm tra hoạt động của thiết
bị an toàn, điều kiện an toàn trên hệ thống đường ngang; rà soát, điều chỉnh
quy hoạch các điểm giao cắt, xây dựng đường gom, hàng rào cách ly giữa đường
sắt và đường bộ nhằm bảo đảm an toàn giao thông. Thường xuyên giám sát việc
thực hiện quy trình, quy phạm; hướng dẫn an toàn giao thông đường sắt cho người
được giao nhiệm vụ cảnh giới tại các đường ngang.
- Tăng cường tuần tra, kiểm soát, sử dụng trang
thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại, dữ liệu lưu trữ tại thiết bị giám sát
hành trình gắn trên xe ô tô, kết hợp đồng bộ với biện pháp nghiệp vụ để xử lý
nghiêm người điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe, bằng hoặc chứng
chỉ chuyên môn, sử dụng ma túy, rượu, bia hoặc các chất kích thích khác; chở
quá tải, quá khổ, quá số người quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô,
xe gắn máy; chạy quá tốc độ cho phép, phóng nhanh, vượt ẩu và các hành vi vi
phạm quy tắc giao thông khác gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo cấp bằng, chứng chỉ
chuyên môn cho thuyền viên, người điều khiển phương tiện giao thông; tổ chức
đăng ký, đăng kiểm phương tiện theo quy định; đồng thời thường xuyên, tăng
cường kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, đăng kiểm phương tiện giao thông
đường bộ, đường thủy nội địa hoạt động vận tải, kiên quyết xử lý các cơ sở, các
doanh nghiệp vi phạm quy định, quy trình hoạt động.
- Tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động
của Ban An toàn giao các cấp; hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về an
toàn giao thông theo hướng nâng cao trách nhiệm, quyền hạn và tính chuyên
nghiệp, đảm bảo khoa học, hiệu quả cao trong hoạt động điều hành từ tỉnh đến cơ
sở. Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố phải đảm bảo có ít nhất 01 biên
chế chuyên trách về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong số biên
chế đã giao cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
g) Huy động các nguồn lực để thực hiện công tác bảo
đảm trật tự, an toàn giao thông.
- Huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài
nước, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau như vốn từ
ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, từ
các dự án, chương trình đầu tư phát triển xây dựng hạ tầng nông thôn, huy động
đóng góp của nhân dân, cộng đồng xã hội để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao
thông, tổ chức giao thông và cứu hộ, cứu nạn.
- Huy động Đoàn viên thanh niên, Thanh niên xung
kích và lực lượng quần chúng khác tại các địa phương tham gia giữ gìn trật tự
an toàn giao thông trên địa bàn; tổ chức điều tiết, hướng dẫn giao thông tại
những nơi giao nhau, các đường ngang dân sinh và đường ngang không có trạm gác,
các khu vực chợ để đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn.
Điều 2.
1. Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực
hiện Nghị quyết này.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội
đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện
Nghị quyết.
3. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và
các tổ chức thành viên quán triệt, tuyên truyền, tổ chức cho đoàn viên, hội
viên và quần chúng nhân dân hưởng ứng tham gia thực hiện Nghị quyết này; đồng
thời giám sát việc thực hiện Nghị quyết ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể
từ ngày thông qua, thay thế Nghị quyết số 13/2004/NQ-HĐND K10 ngày 7/9/2004 của
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X về việc tăng cường công tác bảo đảm trật tự an
toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và Nghị quyết số 40/2006/NQ-HĐND
ngày 8/7/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh về bãi bỏ một số nội dung của Nghị
quyết số 13/2004/NQ-HĐND K10 ngày 7/9/2004 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng
Ngãi khóa XI thông qua ngày 25 tháng 4 năm 2014, tại kỳ họp thứ 11./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trương Thị Xuân Hồng
|