NGHỊ
QUYẾT
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH ĐẶT
TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG, PHỐ VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH
QUẢNG TRỊ
KHÓA V, KỲ HỌP THỨ 20
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND,
UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005
của Chính phủ về việc Ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công
trình công cộng;
Căn cứ Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20 tháng 3 năm
2006 của Bộ Văn hóa- Thông tin về Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định
số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về việc Ban hành Quy chế
đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng;
Sau khi xem xét các Tờ trình của UBND tỉnh số 764/TTr-UBND
ngày 02 tháng 4 năm 2010 kèm theo Đề án Tổng thể Quy định đặt tên, đổi tên đường,
phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Báo cáo thẩm tra của
Ban Văn hóa- Xã hội và ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Đề án Tổng thể Quy định đặt
tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị với
những nội dung chủ yếu như sau:
I. MỤC TIÊU
- Nhằm thực hiện việc đặt, đổi tên đường, phố, công trình công
cộng trên địa bàn tỉnh đảm bảo tính khoa học, hợp lý, góp phần thực hiện tốt
công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân
trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa- xã hội, đồng thời góp phần giáo
dục truyền thống lịch sử- văn hóa dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước,
lòng tự hào dân tộc, tình hữu nghị đoàn kết quốc tế;
- Tạo cơ sở pháp lý để thực hiện ủy quyền đối với chính quyền
các cấp trong quá trình đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa
bàn tỉnh.
II. NỘI DUNG
1. Các nguyên tắc về đặt tên, đổi tên đường, phố, công
trình công cộng
a) Nguyên tắc về xây dựng danh mục dữ liệu
Danh mục dữ liệu về đặt tên đường, phố, các công trình công
cộng được xây dựng trên cơ sở lựa chọn các tên sau đây:
- Tên địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa và giá trị tiêu biểu về
lịch sử- văn hóa của đất nước và địa phương; địa danh đã quen dùng từ xa xưa,
đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân. Danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị,
văn hóa- xã hội; tên các ngày Quốc lễ;
- Tên di tích lịch sử- văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá
trị tiêu biểu của Quốc gia hoặc địa phương và đã được xếp hạng từ di tích cấp tỉnh
trở lên theo quy định của Luật Di sản văn hóa;
- Tên phong trào cách mạng, sự kiện lịch sử, chiến thắng chống
xâm lược có giá trị tiêu biểu của Quốc gia hoặc địa phương;
- Tên danh nhân (Kể cả danh nhân nước ngoài) gồm:
+ Tên các danh nhân lịch sử, danh nhân văn hóa xuất sắc
trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, chính trị, quân sự,
kinh tế, ngoại giao... đã được ghi trong các tài liệu chính sử hoặc đã được Viện
Sử học Việt Nam công bố;
+ Tên các anh hùng, các chiến sĩ cách mạng, các đồng chí
lãnh đạo Đảng, nhà nước, các nhà hoạt động xã hội, hoạt động tôn giáo... cống
hiến xuất sắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước,
quê hương được ghi trong lịch sử Đảng bộ tỉnh, huyện;
+ Tên những người có công lớn trong việc khai thôn, lập ấp
được nhân dân kính trọng và tôn thờ;
+ Tên các danh nhân văn hóa thế giới, tên những người nước
ngoài có công lao to lớn trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ
thuật, kinh tế... phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc.
Danh mục tên phải đảm bảo tính toàn diện và tính cân đối giữa
tên địa danh, tên các sự kiện lịch sử trọng đại, các danh nhân tiêu biểu của cả
nước hoặc của thế giới trên mọi lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa- xã hội,
nghệ thuật, khoa học, an ninh, quốc phòng.
Chỉ đưa tên những nhân vật lịch sử, những danh nhân đã chết,
hy sinh vào danh mục.
b) Nguyên tắc đặt tên đường, phố
- Tất cả các đường, phố trong thành phố, thị xã, thị trấn
được xây dựng theo quy hoạch đô thị, được sử dụng ổn định thì được xem xét để đặt
tên. Căn cứ vào ý nghĩa lịch sử, loại đô thị, vị trí, quy mô đường, phố lớn hay
nhỏ để đặt tên cho tương xứng;
- Việc lựa chọn tên để đặt phải đảm bảo tính cân đối, hài
hòa giữa tên danh nhân, địa danh của tỉnh và tên danh nhân, địa đanh quốc gia;
- Không đặt tên đường, phố bằng các tên gọi khác nhau của một
danh nhân trên cùng một địa bàn đô thị, trong trường hợp các nhân vật lịch sử
có nhiều tên gọi thì chỉ dùng một tên phổ biến nhất, đồng bào nhân dân biết đến
để đặt tên đường, phố. Trong trường hợp đặc biệt, địa phương là quê hương danh
nhân, gắn bó trực tiếp với các mốc lịch sử cụ thể trong cuộc đời hoạt động của
danh nhân, có thể đặt tên đường, phố bằng các tên gọi khác;
- Tên các danh nhân lịch sử cùng thời hoặc cùng lĩnh vực hoạt
động được ưu tiên đặt gần nhau, tạo thành các cụm đường có tên đường có liên
quan;
- Tên danh nhân nước ngoài được xem xét đặt cho đường, phố
gắn liền với những đóng góp của danh nhân;
- Chỉ đặt một tên đối với đường dài và thông suốt. Khi đường
bị ngắt khúc bởi các giao lộ lớn hoặc vòng xoay thì đoạn kế tiếp có thể được
nghiên cứu để đặt tên khác. Chỉ đặt tên đường có chiều dài tối thiểu là 200m, lộ
giới tối thiểu là 5m (Theo quy hoạch)
c) Nguyên tắc đặt tên công trình công cộng
Công trình công cộng gồm: Quảng trường, công viên, vườn
hoa, cầu, bến xe, công trình văn hóa - nghệ thuật, thể dục thể thao, y tế, giáo
dục, công trình phục vụ du lịch, vui chơi giải trí.
Tên công trình công cộng phải gắn liền với chức năng chính
của công trình. Tùy theo vị trí, quy mô công trình để đặt tên cho tương xứng. Đặt
tên cho các công trình công cộng không được trùng lắp, lặp lại cho các công
trình trên một địa bàn của tỉnh. Có thể đặt tên công trình công cộng (Cầu, trường
học, bến xe) theo địa danh nơi công trình tọa lạc.
Đối với các công trình công cộng thuộc trung tâm thành phố,
thị xã, ưu tiên đặt tên theo địa danh văn hóa, lịch sử; hoặc tên danh nhân có
đóng góp cho địa phương.
d) Nguyên tắc đổi tên đường, phố và công trình công cộng
Không đổi tên đường, phố và công trình công cộng đã có tên
gọi quen thuộc, đã gắn bó với lịch sử - văn hóa của dân tộc, của địa phương và đã
ăn sâu vào tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ.
Trường hợp đường, phố và công trình công cộng đã đặt tên mà
xét thấy không có ý nghĩa lịch sử - văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục
của dân tộc, không phải là nhân vật tiêu biểu của đất nước hoặc của địa phương,
gây ảnh hưởng, tác động xấu trong xã hội thì phải đổi tên, nhưng cần xem xét thận
trọng.
2. Về việc gắn biển, tên, đường phố
Thực hiện theo khoản VII, Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày
20/3/2006 của Bộ Văn hóa - Thông Tin về Hướng dẫn thực hiện một số điều của quy
chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.
3. Danh mục dữ liệu: Thông qua 348 mục từ về địa danh và
danh nhân để thực hiện việc đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng
trên địa bàn tỉnh. (Có phụ lục kèm theo).
Giao UBND tỉnh bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện và ban hành
danh mục chi tiết để tổ chức thực hiện.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. HĐND tỉnh thực hiện ủy quyền việc đặt tên, đổi tên đường,
phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh như sau:
- Đối với đặt, đổi tên công trình công cộng:
Đối với các công trình có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng
của tỉnh (Bao gồm: Nhà văn hóa, thư viện, bảo tàng, công viên, vườn hoa, quảng
trường) giao cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định.
Đối với công trình công cộng thuộc thành phố, thị xã, thị
trấn giao cho UBND tỉnh xem xét, quyết định.
- Đối với việc đặt đổi tên đường, phố:
Đối với đường, phố thuộc thành phố Đông Hà, UBND tỉnh trình
HĐND tỉnh quyết định.
Đối với đường, phố thuộc thị xã, thị trấn giao UBND tỉnh
quyết định; đối với những nơi có HĐND thì phải thông qua HĐND cùng cấp.
2. Tất cả các đề án về đặt tên, đổi tên đường, phố, công
trình công cộng trước khi trình HĐND tỉnh hoặc UBND tỉnh ban hành quyết định về
việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng phải lấy ý kiến các cơ
quan chuyên môn, các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận; công bố công khai để
nhân dân tham gia góp ý và được Hội đồng Tư vấn về đặt tên đường, phố và công
trình công cộng thẩm định. Việc lựa chọn tên để đặt phải lấy trong danh mục tên
đã được HĐND tỉnh thông qua hoặc được Hội đồng Tư vấn về đặt tên, đường, phố và
công trình công cộng của tỉnh thẩm định.
3. Trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng đề
tài về tổng kiểm kê, đánh giá thực trạng về việc đặt tên các đường, phố và các
công trình công cộng trên địa bàn tỉnh; tiếp tục nghiên cứu bổ sung hệ thống
danh mục tên để đặt tên đường, phố, công trình công cộng. Phát hiện những tên
đường, phố, công trình công cộng trùng nhau, chưa đúng hoặc chưa hợp lý để đề
xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi.
4. Việc triển khai gắn biển tên đường, phố và công trình
công cộng tại địa phương phải thực hiện sau 30 ngày kể từ ngày các cơ quan có
thẩm quyền thông qua đề án về đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng
ở địa phương đó.
Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, Báo Quảng Trị, Đài Phát
thanh- Truyền hình các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền, phổ biến việc đặt
tên, đổi tên đường, phố, các công trình công cộng; ý nghĩa của các sự kiện lịch
sử, giá trị di tích, danh lam, thắng cảnh, công trạng của các danh nhân được chọn
để đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng để nhân dân được biết.
Điều 2. Giao UBND tỉnh hướng dẫn tổ chức thực
hiện Nghị quyết này.
Giao Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, đại biểu
HĐND tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức
chính trị xã hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết đã được HĐND tỉnh khóa V, kỳ họp thứ 20 thông
qua ngày 20 tháng 4 năm 2010./.