ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 184/KH-UBND
|
Đồng Tháp, ngày
16 tháng 8 năm 2018
|
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE
BUÝT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2018 - 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM
2025
I. MỤC TIÊU,
YÊU CẦU
1. Mục tiêu
1.1. Mục tiêu tổng quát
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà
nước, cơ chế điều hành hoạt động vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe
buýt trên địa bàn Tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham
gia vào loại hình kinh doanh VTHKCC bằng xe buýt, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của
người dân, giảm mật độ, lưu lượng phương tiện xe cá nhân tham gia giao thông.
1.2. Mục tiêu cụ thể
- Giai đoạn 2018 - 2020: Tổ chức
đấu thầu lại 05 tuyến hết hạn khai thác, điều chỉnh lộ trình khai thác 03 tuyến,
mở mới 04 tuyến.
- Giai đoạn 2021 - 2025: Tổ chức
đấu thầu lại 03 tuyến hết hạn khai thác, mở mới 03 tuyến xe buýt, đảm bảo kết nối
với các loại hình VTHKCC khác; khai thác có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng
giao thông, tạo động lực phát triển mạnh mẽ ngành du lịch, dịch vụ và phát triển
cân đối giữa các địa phương, khu vực.
2. Yêu cầu
- Phát triển VTHKCC bằng xe
buýt phải bảo đảm nguyên tắc, phù hợp với quy hoạch tổng thể, quy hoạch giao
thông vận tải, phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Tạo sự công khai, minh bạch,
bình đẳng và góp phần định hướng cho đơn vị vận tải đầu tư khai thác các tuyến
xe buýt có hiệu quả.
- Đảm bảo tính hợp lý các tuyến
xe buýt tạo thành một mạng lưới vận tải thống nhất, đáp ứng nhu cầu đi lại của
người dân với mức độ tin cậy cao, ổn định, chất lượng phục vụ ở mức độ tốt nhất.
- Phát triển VTHKCC bằng xe
buýt bằng nguồn lực nhà nước là cơ bản, kết hợp với huy động các nguồn lực của
các thành phần kinh tế theo hướng nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó ngân
sách nhà nước đầu tư hạ tầng kỹ thuật xe buýt. Có cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt
động đối với các tuyến mở mới, tuyến có số lượng người sử dụng xe buýt còn thấp
chưa đủ để kinh doanh có lãi, bảo đảm phát triển bền vững, hiệu quả thiết thực;
khuyến khích sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường, phục vụ văn minh.
II. NỘI DUNG
THỰC HIỆN
1. Hiện trạng các tuyến xe
buýt đang hoạt động
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng
Tháp có 09 tuyến xe buýt (08 tuyến xe buýt do đơn vị trong tỉnh khai thác, 01
tuyến xe buýt đơn vị ngoài tỉnh khai thác) kết nối các huyện, thị, thành phố
trong tỉnh và kết nối với các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Tiền Giang và An
Giang.
(Xem chi tiết tại Phụ lục 1)
2. Định hướng phát triển mạng
lưới tuyến
2.1. Giai đoạn 2018 - 2020
Duy trì các tuyến xe buýt hiện
hữu, đồng thời phát triển tuyến mới và điều chỉnh lộ trình khai thác một số tuyến.
- Các tuyến xe buýt điều chỉnh
lộ trình: 03 tuyến.
- Các tuyến xe buýt tổ chức đấu
thầu lại do hết thời gian khai thác: 05 tuyến.
- Các tuyến xe buýt mở mới: 04
tuyến.
(Xem chi tiết tại Phụ lục 2)
2.2. Giai đoạn 2021 - 2025
- Các tuyến xe buýt tổ chức đấu
thầu lại do hết thời gian khai thác: 03 tuyến.
- Các tuyến xe buýt mở mới: 04
tuyến
(Xem chi tiết tại Phụ lục 3)
3. Phát triển Đoàn phương tiện
Lựa chọn phương tiện xe buýt sức
chứa từ B40 trở lên, đồng thời cho phép sử dụng loại mini buýt có sức chứa dưới
17 chỗ ngồi đưa vào hoạt động các tuyến nội ô, đường huyện phù hợp kết cấu hạ tầng
của từng huyện, thị xã, thành phố. Các phương tiện đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ
thuật và bảo vệ môi trường, đảm bảo về chất lượng và niên hạn sử dụng theo quy
định.
4. Phát triển kết cấu hạ tầng
kỹ thuật xe buýt
- Các tuyến đường trong đô thị
có xe buýt đi qua, tùy thuộc vào vị trí có thể bố trí các điểm dừng (gồm trạm dừng,
nhà chờ) xe buýt tối thiểu không quá 600m (theo QCXDVN 01:2008/BXD - Quy chuẩn
Xây dựng Việt Nam về Quy hoạch xây dựng).
- Các tuyến đường ngoài đô thị
có xe buýt đi qua, tùy thuộc vào vị trí có thể bố trí các điểm dừng xe buýt với
khoảng cách từ 1÷1,5 km/điểm dừng.
- Các điểm dừng xe buýt phải lắp
đặt ở vị trí phù hợp đảm bảo về an toàn giao thông; không được đặt tại vị trí cấm
dừng, cấm đỗ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ; niêm yết đầy đủ các
thông tin liên quan đến tuyến xe buýt, được đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước.
Từng bước xã hội hóa công tác đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông phục
vụ VTHKCC bằng xe buýt.
5. Các giải pháp thực hiện kế
hoạch
5.1. Về quản lý hoạt động vận
tải:
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả
quản lý Nhà nước đối với hoạt động VTHKCC bằng xe buýt.
- Tăng cường công tác kiểm tra,
kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến VTHKCC bằng xe buýt; tăng cường kiểm
tra, giám sát thông qua hệ thống xử lý và khai thác dữ liệu từ thiết bị giám
sát hành trình thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
- Xây dựng quy chế đấu thầu, đặt
hàng lựa chọn đơn vị có đủ năng lực, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch
vụ VTHKCC bằng xe buýt.
5.2. Về phát triển kết cấu hạ
tầng:
- Kêu gọi đầu tư xây dựng kết cấu
hạ tầng phục vụ VTHKCC bằng xe buýt như các nhà chờ, điểm dừng đón, trả khách,
bãi đỗ xe.
- Tăng cường thu hút các nguồn
vốn đầu tư xã hội hóa, cũng như nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để phát triển kết
cấu hạ tầng.
5.3. Chính sách hỗ trợ:
- Được hưởng các chính sách ưu
đãi của Nhà nước theo quy định hiện hành.
- Sử dụng nguồn thu từ quảng
cáo trên xe buýt để hỗ trợ hoạt động theo quy định của pháp luật.
5.4. Về thông tin, truyền
thông:
Công bố, niêm yết công khai
danh sách các tuyến đang khai thác (đơn vị khai thác; hành trình, tần suất chạy
xe...) và danh mục quy hoạch các tuyến xe buýt trên địa bàn Tỉnh để các đơn vị
kinh doanh vận tải biết và đăng ký tham gia khai thác.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Giao thông vận tải
- Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo
triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động VTHKCC bằng xe
buýt.
- Phối hợp với Sở, ban, ngành
liên quan nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh xem xét việc đầu tư kết cấu hạ tầng phục
vụ hoạt động các tuyến xe buýt định hướng đến 2025 để làm căn cứ tổ chức đấu thầu
cung ứng dịch vụ, đưa các tuyến xe buýt vào hoạt động.
- Chỉ đạo đơn vị chức năng thuộc
ngành giao thông vận tải phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ tiến
hành khảo sát các vị trí điểm dừng xe buýt (kể cả điểm mới và điểm hiện có)
đúng quy định pháp luật.
- Nghiên cứu áp dụng các giải
pháp quản lý hệ thống xe buýt trên địa bàn Tỉnh, đề xuất các phương án cải thiện
không gian cho người đi bộ, các giải pháp đỗ xe trung chuyển để tăng khả năng
tiếp cận và tạo sự an toàn, thoải mái của hành khách khi sử dụng vận tải công cộng.
- Phối hợp với các Sở, ngành,
UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền đối với cán
bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên sử dụng phương tiện VTHKCC, dần hạn chế
sử dụng phương tiện cá nhân, nhằm từng bước giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tai
nạn giao thông.
- Công bố, niêm yết công khai
danh sách các tuyến đang khai thác (đơn vị khai thác, hành trình, tần suất chạy
xe....) trên cổng thông tin điện tử của Sở.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Tài chính thẩm
định hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với các dự án đầu tư phương tiện, kết cấu hạ tầng
phục vụ VTHKCC bằng xe buýt, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện.
3. Sở Tài chính
Tham gia ý kiến về số tiền hỗ
trợ lãi suất vốn tín dụng và các nội dung hỗ trợ khác theo quy định của Quyết định
ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn
tỉnh Đồng Tháp trên cơ sở văn bản đề nghị của Sở Giao thông vận tải.
4. Sở Văn hóa - thể thao và
du lịch
Hướng dẫn các đơn vị kinh doanh
VTHKCC bằng xe buýt thực hiện việc quảng cáo trên xe buýt đúng quy định.
5. Sở Xây dựng
Phối hợp với đơn vị chủ trì
trong công tác lập quy hoạch hệ thống điểm dừng, đón trả khách, nhà chờ xe buýt
phù hợp với quy hoạch hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh.
6. Công an Tỉnh
Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao
thông đường bộ tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm có
liên quan đến vận tải hành khách nói chung và VTHKCC bằng xe buýt nói riêng
theo quy định của pháp luật, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên
địa bàn tỉnh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các loại hình
vận tải hành khách. Phối hợp với đơn vị chức năng thuộc ngành giao thông vận tải
khảo sát vị trí điểm dừng xe buýt (kể cả điểm mới và điểm hiện có) đúng quy định
pháp luật.
7. Các Ngành, UBND các huyện,
thị xã, thành phố
- Theo chức năng, nhiệm vụ của
mình có trách nhiệm phối hợp, triển khai thực hiện nội dung Kế hoạch.
- Xác định quỹ đất để đơn vị
kinh doanh VTHKCC bằng xe buýt đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ
VTHKCC bằng xe buýt.
8. Đơn vị kinh doanh VTHKCC
bằng xe buýt
- Chấp hành đúng các quy định về
VTHKCC bằng xe buýt, thực hiện nghiêm các văn bản hướng dẫn có liên quan đến hoạt
động VTHKCC bằng xe buýt.
- Thường xuyên tổ chức đào tạo
bồi dưỡng đội ngũ lái xe đủ tiêu chuẩn, nâng cao trình độ giao tiếp ứng xử có
văn hóa khi tham gia giao thông.
- Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng
sửa chữa phương tiện. Có kế hoạch đầu tư, đổi mới phương tiện (chú ý sử dụng
nhiên liệu sạch nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường), nâng cao chất lượng phục vụ
VTHKCC bằng xe buýt, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
- Khuyến khích đơn vị lựa chọn
màu sơn xe buýt phù hợp với bộ nhận diện màu sắc của tỉnh Đồng Tháp, nhằm góp
phần tạo nên biểu tượng hay thương hiệu cho xe buýt Đất Sen hồng và tạo dựng
hình ảnh địa phương.
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban
ngành liên quan và các địa phương phối hợp tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch nêu
trên. Giao Sở Giao thông vận tải thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện
Kế hoạch; kịp thời báo cáo và tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh Kế hoạch cho phù hợp
tình hình thực tế./.
Nơi nhận:
- Bộ GTVT;
- TT/TU, TT/HĐND Tỉnh;
- Các PCT UBND Tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành Tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Cổng thông tin điện tử Tỉnh;
- Các đơn vị vận tải xe buýt;
- Lưu: VT + NC/ĐTXD.nhthu.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thanh Hùng
|