QUỐC
HỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Luật
số: /QH14
|
|
DỰ THẢO
23.09.2020
|
|
LUẬT
GIAO
THÔNG ĐƯỜNG BỘ (SỬA ĐỔI)
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật Giao thông
đường bộ.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về kết cấu hạ tầng
giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ và quản
lý nhà nước về giao thông đường bộ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Luật này áp dụng đối với tổ chức,
cá nhân liên quan đến giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Đường bộ là công trình
sử dụng cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, gồm: đường, cầu đường
bộ, cống đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ, cầu phao đường bộ và các
công trình phụ trợ gắn liền với đường bộ.
2. Công trình đường bộ gồm:
đường bộ; trung tâm quản lý, điều hành giao thông; hệ thống kiểm soát tải trọng
xe; hệ thống thu phí đường bộ; nhà quản lý giao thông; kho vật tư dự phòng; các
công trình, thiết bị khác của đường bộ.
3. Kết cấu hạ tầng giao thông
đường bộ gồm: công trình đường bộ; bến xe; bãi đỗ xe; trạm dừng nghỉ; đất của
đường bộ; hành lang an toàn đường bộ; các công trình phụ trợ phục vụ cho giao
thông đường bộ.
4. Quốc lộ là đường nối liền Thủ đô Hà Nội với trung
tâm hành chính cấp tỉnh; đường nối liền trung tâm hành chính cấp tỉnh từ 03 địa
phương trở lên; đường nối từ cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế đến các
cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên đường bộ; đường có vị trí đặc biệt quan
trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, khu vực.
5. Đường tỉnh là đường nối trung tâm hành chính
của tỉnh với trung tâm hành chính của huyện hoặc trung tâm hành chính của tỉnh lân
cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
6. Đường huyện là đường nối trung tâm hành chính
của huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính của
huyện lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã
hội của huyện.
7. Đường xã là đường nối trung tâm hành chính của
xã với các thôn, làng, ấp, bản và đơn vị tương đương hoặc đường nối với các xã
lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của
xã.
8. Đường
thôn xóm là đường trong khu vực thôn, xóm, bản, ấp và các điểm dân cư nông thôn,
đường dân sinh và đường trục nối thôn xóm với khu vực sản xuất nông nghiệp;
9. Đường đô thị là đường trong phạm vi địa giới
hành chính nội thành, nội thị, gồm: đường phố, đường cao tốc đô thị, đường trong
ngõ, ngách và đường khác thuộc phạm vi địa giới hành chính.
10. Đường
chuyên dùng là đường để phục vụ đi lại, vận chuyển của một hoặc một số tổ chức, cá nhân.
11. Đường cao tốc là đường
bộ được thiết kế và xây dựng dành cho xe cơ giới chạy tốc độ cao bảo đảm giao
thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình; chỉ cho xe ra, vào ở
những điểm nhất định; không giao nhau cùng mức với đường khác; được bố trí trang
thiết bị phục vụ quản lý, vận hành, khai thác và có gắn biển báo hiệu đường cao
tốc; có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt, trường hợp
do tính chất tạm thời hoặc yếu tố đặc biệt khác thì có thể không có dải phân
cách.
12. Đường phố là đường đô
thị có lòng đường và hè phố.
13. Đường giao thông nông
thôn gồm: đường huyện, đường xã, đường thôn xóm.
14. Đường địa phương gồm:
đường tỉnh, đường đô thị và đường giao thông nông thôn.
15. Đường chính là đường bảo
đảm giao thông chủ yếu trong khu vực.
16. Đường nhánh là đường nối
vào đường chính.
17. Đường gom là đường để
gom hệ thống đường giao thông nội bộ của các khu đô thị, công nghiệp, kinh tế, dân
cư, thương mại - dịch vụ vào đường chính hoặc vào đường nhánh trước khi đấu nối
vào đường chính hoặc đường nhánh.
18. Hành lang
an toàn đường bộ là dải đất dọc hai bên đất của đường bộ, tính từ mép ngoài
đất của đường bộ ra hai bên để bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm tầm
nhìn xe chạy và bảo vệ công trình đường bộ.
19. Khổ giới hạn của đường bộ
là khoảng trống có kích thước giới hạn về chiều cao, chiều rộng của đường, cầu,
bến phà, hầm đường bộ để xe, kể cả hàng hóa xếp trên xe đi qua được an toàn.
20. Nơi đường giao nhau cùng mức
là nơi hai hay nhiều đường bộ hoặc đường bộ và đường sắt gặp nhau trên cùng
một mặt bằng, gồm cả mặt bằng hình thành vị trí giao nhau.
21. Tải trọng của đường bộ là
khả năng chịu tải khai thác của cầu, đường, cống, hầm, bến phà, cầu phao để bảo
đảm khai thác an toàn và tuổi thọ công trình theo thiết kế.
22. Phương tiện giao thông đường
bộ gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô
sơ đường bộ và xe máy chuyên dùng.
23. Phương tiện giao thông cơ
giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm: xe ô tô; rơ moóc hoặc sơ mi rơ
moóc được kéo bởi xe ô tô; xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ; xe chở người bốn
bánh có gắn động cơ; xe mô tô; xe gắn máy và các loại xe tương tự kể cả phương
tiện giao thông công nghệ mới, phương tiện giao thông đa tính năng, xe quá tải
trọng, xe quá khổ giới hạn.
24. Phương tiện giao thông thô
sơ đường bộ (sau đây gọi là xe thô sơ) gồm: xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe
đạp điện), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các
loại xe tương tự.
25. Xe máy chuyên dùng là
phương tiện thực hiện chức năng công dụng đặc biệt, gồm: xe máy thi công; xe máy
nông nghiệp, lâm nghiệp; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi máy
kéo; xe đặc chủng sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh và các loại xe máy
chuyên dùng khác.
26. Phương tiện giao thông công
nghệ mới là phương tiện hoạt động trên đường bộ, có các trang thiết bị để
cho phép ghi nhận, tự động hóa các nhiệm vụ của người lái xe hoặc có nguyên lý
hoạt động mới.
27. Phương tiện giao thông đa
tính năng là phương tiện được thiết kế, sản xuất chủ yếu hoạt động trên đường
bộ nhưng có thể hoạt động trên không, hoạt động dưới nước.
28. Đơn vị vận tải là tổ chức,
cá nhân sử dụng phương tiện giao thông đường bộ để thực hiện hoạt động vận tải
đường bộ.
29. Hành khách là người được
chở trên phương tiện vận tải hành khách đường bộ, có trả tiền.
30. Hành lý là vật phẩm mà
hành khách mang theo trên cùng phương tiện.
31. Hàng hóa là máy móc, thiết
bị, nguyên vật liệu, nhiên liệu, hàng tiêu dùng, động vật sống và các động sản
khác được vận chuyển bằng phương tiện giao thông đường bộ.
32. Hàng hoá ký gửi là hàng
hoá gửi theo xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách mà người gửi không đi cùng
trên xe.
33. Hàng nguy hiểm là hàng
hóa có chứa các chất nguy hiểm khi chở trên đường có khả năng gây nguy hại tới
tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia.
34. Vận tải đường bộ là hoạt
động sử dụng phương tiện giao thông đường bộ để vận chuyển người, hàng hóa trên
đường bộ.
35. Khối lượng bản thân của
phương tiện là khối lượng của phương tiện hoàn chỉnh với trang thiết bị tiêu
chuẩn và nhiên liệu (tối thiểu 90% thể tích thùng nhiên liệu) ở trạng thái sẵn
sàng hoạt động; không bao gồm lái xe, hành khách, hàng hóa.
36. Khối lượng toàn bộ thiết kế
của phương tiện là khối lượng lớn nhất của phương tiện theo quy định
của nhà sản xuất.
37. Khối lượng toàn bộ cho
phép tham gia giao thông của phương tiện là khối lượng toàn bộ của phương
tiện do cơ quan chức năng có thẩm quyền quy định nhưng không lớn hơn khối lượng
toàn bộ thiết kế của phương tiện.
38. Khối lượng hàng chuyên chở
thiết kế của phương tiện là khối lượng toàn bộ thiết kế của phương
tiện trừ đi khối lượng bản thân của phương tiện và khối lượng người cho phép
chở.
39. Khối lượng hàng chuyên chở
cho phép tham gia giao thông của phương tiện là khối lượng toàn bộ
cho phép của phương tiện trừ đi khối lượng bản thân của phương tiện và khối lượng
người cho phép chở.
40. Xe ô tô là xe cơ giới
có từ bốn bánh trở lên chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên
đường bộ, không chạy trên đường ray; dùng để chở người, hàng hóa, kéo rơ moóc,
kéo sơ mi rơ moóc, có thể có kết cấu để thực hiện chức năng, công dụng đặc
biệt; có vận tốc thiết kế lớn nhất không nhỏ hơn 60 km/h; xe ô tô bao gồm cả xe
được nối với đường dây dẫn điện, xe ba bánh có khối lượng bản thân lớn hơn 400
kg.
41. Xe ô tô chở người là xe
ô tô có kết cấu và trang bị chủ yếu dùng để chở người, hành lý, hàng hoá ký gửi,
có thể được thiết kế, sản xuất để kéo theo rơ moóc.
42. Xe ô tô con là xe
ô tô chở người được thiết kế, sản xuất có số người cho phép chở kể cả người lái
dưới 10 người.
43. Xe ô tô khách là xe có
ô tô chở người được thiết kế, sản xuất có số người cho phép chở kể cả người lái
từ 10 người trở lên, trên xe không bố trí chỗ đứng.
44. Xe ô tô khách thành phố
là xe ô tô chở người có số người cho phép chở từ 10 người trở lên, kể cả người lái;
trên xe có bố trí các ghế ngồi, chỗ đứng; có kết cấu và trang bị để vận chuyển
hành khách trong thành phố và vùng lân cận, cho phép hành khách di chuyển phù
hợp với việc dừng, đỗ xe thường xuyên.
45. Xe ô tô chở hàng (ô tô
tải) là xe ô tô có kết cấu và trang bị chủ yếu dùng để chở hàng hoá và có tối
đa hai hàng ghế chở được tối đa 06 người ngồi trong ca bin, có thể được thiết
kế, sản xuất để kéo theo rơ moóc.
46. Xe ô tô chuyên dùng là
xe ô tô có kết cấu và trang bị để thực hiện chức năng, công dụng đặc biệt, có
thể được thiết kế, sản xuất để kéo theo rơ moóc.
47. Rơ moóc là xe cơ giới
không có động cơ được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, được kéo bởi
xe ô tô, máy kéo; có kết cấu và trang bị dùng để chở người hoặc hàng hóa; phần
chủ yếu của khối lượng toàn bộ rơ moóc không đặt lên xe kéo.
48. Sơ mi rơ moóc là xe cơ
giới không có động cơ được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, được
kéo bởi xe ô tô đầu kéo; có kết cấu và trang bị dùng để chở người hoặc hàng hóa
và có một phần đáng kể khối lượng toàn bộ đặt lên ô tô đầu kéo.
49. Xe ô tô kéo rơ moóc là
xe ô tô được thiết kế, sản xuất chỉ để kéo rơ moóc.
50. Xe ô tô đầu kéo là xe
ô tô được thiết kế, sản xuất để kéo sơ mi rơ moóc, có thể được thiết kế, sản xuất
để kéo theo rơ moóc.
51. Xe đạp là xe có ít nhất
hai bánh và vận hành do sức người thông qua bàn đạp hoặc tay quay.
52. Xe đạp máy (kể cả xe đạp điện)
là xe đạp, có trợ lực từ động cơ, có khối lượng bản thân không quá 40 kg,
động cơ bị ngắt nguồn động lực khi người lái xe dừng đạp hoặc khi xe đạt tới
tốc độ 25 km/h; đối với xe đạp sử dụng động cơ điện, công suất lớn nhất của
động cơ không lớn hơn 250W.
53. Xe gắn máy là xe cơ giới
có hai hoặc ba bánh chạy bằng động cơ được thiết kế, chế tạo để hoạt động trên
đường bộ, có vận tốc thiết kế không lớn hơn 50 km/h; nếu động cơ dẫn động là
động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không được lớn
hơn 50 cm3; nếu động cơ dẫn động là động cơ điện thì công suất lớn nhất của động
cơ không lớn hơn 4 kW. Xe gắn máy không bao gồm xe đạp máy nêu tại khoản 52 Điều
này.
54. Xe mô tô là xe cơ giới
có hai hoặc ba bánh chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên
đường bộ và không bao gồm xe gắn máy. Đối với xe ba bánh thì khối lượng bản
thân không lớn hơn 400 kg.
55. Xe chở người bốn bánh có gắn
động cơ là xe cơ giới có hai trục, từ bốn bánh trở lên, chạy bằng động
cơ được thiết kế, chế tạo để hoạt động trên đường bộ trong phạm vi hạn chế, có
kết cấu để chở người, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 30 km/h, số chỗ
ngồi tối đa không quá 15 chỗ (kể cả chỗ ngồi của người lái).
56. Xe chở hàng bốn bánh có gắn
động cơ là xe cơ giới có hai trục, từ bốn bốn bánh trở lên, chạy bằng động
cơ được thiết kế, chế tạo để hoạt động trên đường bộ trong phạm vi hạn chế, có
kết cấu để chở hàng, có phần động cơ và thùng hàng lắp trên cùng một khung xe.
Xe sử dụng động cơ xăng, có công suất động cơ lớn nhất không lớn hơn 15 kW, vận
tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 60 km/h và khối lượng bản thân không lớn
hơn 550 kg.
57. Máy kéo (kể cả loại máy
kéo nhỏ có 2 bánh xe) là xe máy chuyên dùng được thiết kế, sản xuất để hoạt động
trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp; sử dụng để kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc
hoặc dẫn động máy nông nghiệp, lâm nghiệp; có tham gia giao thông đường bộ.
58. Xe quá tải trọng là xe
cơ giới có khối lượng toàn bộ cho phép lớn nhất hoặc có khối lượng toàn bộ cho
phép lớn nhất phân bố lên trục xe vượt quá tải trọng của đường bộ.
59. Xe quá khổ giới hạn là
xe cơ giới có một trong các kích thước bao ngoài kể cả hàng hóa xếp
trên xe (nếu có) vượt quá kích thước tối đa cho phép của các phương tiện khi
tham gia giao thông trên đường bộ.
60. Tổ chức, cá nhân quản lý,
khai thác công trình đường bộ là chủ sở hữu trong trường hợp chủ sở hữu trực
tiếp quản lý, vận hành khai thác hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu giao
hoặc ủy quyền quản lý, vận hành khai thác công trình đường bộ.
61. Cơ quan đăng kiểm phương tiện
là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông vận tải thực
hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của
phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
62. Cơ quan quản lý đường bộ là
cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông vận
tải; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện;
Ủy ban nhân dân cấp xã.
Điều 4. Nguyên tắc trong hoạt
động giao thông đường bộ
1. Hoạt động giao thông đường bộ
phải bảo đảm thông suốt, an toàn, hiệu quả; phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hoá
và đi lại thuận tiện của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội,
bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường, hội nhập quốc tế.
2. Phát triển giao thông đường bộ
theo quy hoạch; sử dụng hiệu quả các nguồn lực; kết nối phương thức vận tải đường
bộ với các phương thức vận tải khác; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ
tiên tiến, bảo đảm văn minh, hiện đại và đồng bộ.
3. Quản lý hoạt động giao thông đường
bộ được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền
hạn cụ thể, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền
địa phương các cấp.
4. Mọi hành vi vi phạm pháp luật
giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh,
đúng pháp luật.
Điều 5. Chính sách của Nhà nước
về phát triển giao thông đường bộ
1. Tập trung các nguồn lực phát triển giao thông đường
bộ, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ở vùng kinh
tế trọng điểm, các thành phố, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,
vùng dân tộc thiểu số; có chính sách huy động các nguồn lực để quản lý, bảo trì
công trình đường bộ; khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
2. Phát triển phương tiện giao thông đồng bộ với phát triển kết
cấu hạ tầng giao thông đường bộ và nhu cầu vận tải, ưu tiên phát triển vận tải
hành khách công cộng; sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phương tiện giao thông đảm
bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, khuyến khích phát triển
phương tiện sử dụng năng lượng sạch; hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá
nhân ở các thành phố.
3. Khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân Việt
Nam và nước ngoài đầu tư, kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường
bộ và hoạt động vận tải đường bộ; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên
tiến và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Điều 6. Quy hoạch mạng lưới đường
bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
1. Quy hoạch mạng lưới đường bộ là quy hoạch ngành quốc
gia, xác định phương hướng phát triển, phân bổ và tổ chức không gian hệ thống
quốc lộ, làm định hướng để lập quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ,
phát triển mạng lưới giao thông trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch
đô thị, quy hoạch nông thôn.
2. Việc lập quy hoạch mạng lưới đường bộ tuân thủ các
quy định của pháp luật về quy hoạch, bảo đảm kết nối vận tải đường bộ với các phương
thức vận tải khác. Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập quy hoạch mạng lưới đường
bộ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy
hoạch.
3. Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là các
quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, cụ thể hóa quy hoạch mạng lưới
đường bộ và quy hoạch vùng, được lập cho từng tuyến hoặc các tuyến quốc lộ. Căn
cứ vào nhu cầu đầu tư, phát triển, Bộ Giao thông vận tải xác định việc lập quy
hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho các tuyến quốc lộ.
4. Quy hoạch kết cấu
hạ tầng giao thông đường bộ gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Xác định hướng tuyến,
các điểm khống chế chính, chiều dài, quy mô các tuyến đường bộ qua từng địa
phương, từng vùng; xác định quy mô, cấp công trình, tải trọng, các thông số kỹ
thuật chủ yếu của các công trình chính gồm đường, cầu, hầm, bến phà trên tuyến
đường bộ và các công trình cần thiết khác;
b) Phương án kết nối
với các phương thức vận tải khác; hoặc khu vực có phát sinh nhu cầu vận tải như
đô thị, khu kinh tế, khu du lịch, khu công nghiệp, khu chế xuất;
c) Xác định nhu cầu
sử dụng đất, nhu cầu vốn đầu tư, lộ trình thực hiện quy hoạch theo thứ tự ưu
tiên đầu tư;
d) Xây dựng giải pháp
chủ yếu để thực hiện quy hoạch.
5. Chính phủ quy định
chi tiết về nội dung, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ
tầng giao thông đường bộ.
Điều 7. Cơ sở dữ liệu giao thông
đường bộ
1.
Cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ là các cơ sở dữ liệu dùng chung để phục vụ
công tác quản lý nhà nước
về giao thông đường bộ. Cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ là tài sản Nhà nước,
được bảo đảm an ninh, an toàn.
2. Cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ gồm:
a) Cơ sở dữ liệu về
kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy
hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
b) Cơ sở dữ liệu thu phí dịch vụ
sử dụng đường bộ đối với đường bộ đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đường
do Nhà nước đầu tư có thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ;
c) Cơ sở dữ liệu về kiểm soát tải
trọng phương tiện;
d) Cơ sở dữ liệu xe cơ giới, xe máy
chuyên dùng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu, cơ sở dữ liệu kiểm định xe cơ giới,
xe máy chuyên dùng;
đ) Cơ sở dữ liệu về
vận tải đường bộ;
e) Cơ sở dữ liệu
có liên quan khác.
3. Cơ sở dữ liệu giao thông đường
bộ được thiết kế, xây dựng, vận hành theo khung kiến trúc Chính phủ điện tử
Việt Nam và được kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu khác.
4. Bộ Giao thông vận tải có trách
nhiệm đầu tư xây dựng, tổ chức quản lý, khai thác, vận hành và duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu
quy định tại khoản 2 Điều này.
5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách
nhiệm đầu tư xây dựng, tổ chức quản lý, khai thác, vận hành và duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu của địa phương quy định tại điểm a, b và điểm e khoản 2 Điều này.
6. Bộ, ngành và các địa phương có trách nhiệm chia sẻ, kết nối dữ liệu giao thông đường bộ và
cơ sở dữ liệu có liên quan để phục vụ công tác quản lý nhà nước
theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Điều 8. Các hành vi bị nghiêm
cấm
1.
Phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
2. Đào, khoan, xẻ đường trái phép;
đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; để trái phép vật liệu, phế thải,
thải rác ra đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; mở đường, đấu nối
trái phép vào đường chính, đường nhánh; tự ý tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc
làm sai lệch công trình đường bộ.
3. Lấn chiếm, sử dụng, xây dựng trái
phép trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đường bộ.
4. Đưa xe cơ giới, xe máy chuyên
dùng không bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao
thông đường bộ.
5. Tự ý cải tạo, lắp đặt thêm hoặc
tháo bỏ các linh kiện, chi tiết, hệ thống, tổng thành của phương tiện khi tham
gia giao thông so với thiết kế, thông số kỹ thuật của nhà sản xuất đã được phê
duyệt; thay đổi tổng thành, linh kiện, phụ kiện xe cơ giới để tạm thời đạt tiêu
chuẩn kỹ thuật của xe khi đi kiểm định.
6. Tự ý can thiệp, thay đổi phần
mềm điều khiển xe, động cơ đã được đăng ký với cơ quan quản lý, nhằm mục đích gian
lận và làm cho chất lượng khí thải của phương tiện xấu đi.
7. Vận chuyển hàng cấm lưu thông,
vận chuyển trái phép hoặc không thực hiện đầy đủ các quy định về vận chuyển
hàng nguy hiểm, động vật hoang dã.
8. Đe dọa, xúc phạm, tranh giành,
lôi kéo hành khách; đe doạ, cưỡng ép hành khách sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn;
chuyển tải, xuống khách hoặc các hành vi khác nhằm trốn tránh phát hiện xe chở
quá tải, quá số người quy định.
9. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
mà không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định.
10. Kinh doanh dịch vụ kiểm định
xe cơ giới mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới
theo quy định.
Chương II
KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Mục 1. ĐƯỜNG BỘ, KẾT CẤU HẠ TẦNG
ĐƯỜNG BỘ VÀ BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ
Điều 9. Mạng lưới đường
bộ
1. Mạng lưới đường bộ
gồm các hệ thống: quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường
thôn xóm, đường chuyên dùng.
2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
a) Quy định điều kiện, tiêu chí điều chỉnh đường địa phương thành quốc lộ; tiêu chí điều chỉnh đoạn, tuyến quốc lộ thành đường địa phương.
b) Quyết định điều chỉnh đoạn, tuyến thuộc đường địa phương thành quốc lộ; quyết định điều chỉnh đoạn, tuyến quốc lộ thành đường địa
phương sau khi thống nhất với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phân loại các loại hệ thống đường địa phương trên
địa bàn; quy định điều kiện, tiêu chí và thẩm quyền điều chỉnh các
loại đường địa phương trên địa bàn.
4. Sau khi hoàn
thành việc điều chỉnh các hệ thống đường bộ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực
hiện điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông theo quy định của pháp luật
về quản lý, sử dụng tài sản công; cơ quan quản lý đường bộ tổ chức bàn
giao, tiếp nhận tài sản để quản lý, vận hành khai thác, bảo trì theo quy định.
Điều 10. Đặt
tên, số hiệu đường bộ
1. Đường bộ được
đặt tên hoặc số hiệu như sau:
a) Tên đường được
đặt tên danh nhân, người có công hoặc di tích, sự kiện lịch sử, văn hóa, tên
địa danh hoặc tên theo tập quán; số hiệu đường được đạt theo số tự nhiên hoặc
số tự nhiên kèm theo chữ cái nếu cần thiết. Trường hợp đường đô thị trùng với
quốc lộ thì sử dụng cả tên đường đô thị và tên, số hiệu quốc lộ;
b) Tên, số hiệu đường bộ tham gia vào mạng lưới đường bộ
quốc tế thực hiện theo thỏa thuận giữa Việt Nam với các quốc gia có liên quan.
Đường bộ kết nối vào mạng lưới đường bộ quốc tế thì sử dụng cả tên, số hiệu
đường trong nước và tên, số hiệu đường bộ quốc tế.
2. Không bắt buộc
thay đổi tên, số hiệu hiện có trong trường hợp đường đó đi qua địa bàn được cấp
có thẩm quyền quyết định nhập, tách, điều chỉnh phạm vi địa giới hành chính của
địa phương.
3. Đoạn có các tuyến
đường bộ đi trùng nhau thì việc đặt tên hoặc số hiệu theo tên, số hiệu đường
thuộc hệ thống đường có cấp quản lý cao hơn.
4. Chính phủ quy
định chi tiết điều này.
Điều 11. Cấp
kỹ thuật, cấp công trình đường bộ
1. Đường bộ được
phân loại theo:
a) Cấp kỹ thuật
theo tiêu chuẩn của đường: đường cao tốc, đường ô tô, đường đô thị, đường giao thông
nông thôn, các cấp kỹ thuật khác;
b) Cấp công trình
theo quy định của pháp luật về xây dựng.
2. Bộ trưởng Bộ
Giao thông vận tải xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về kỹ thuật đường bộ, trừ tiêu chuẩn
quốc gia về thiết kế kỹ thuật đường bộ đô thị do Bộ trưởng Bộ Xây dựng xây dựng.
Điều 12. Quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông
đường bộ
1. Quỹ đất dành
cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ xác định tại quy hoạch sử dụng đất quốc
gia, quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ,
quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy
hoạch khác có liên quan.
2. Tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng
đô thị phải bảo đảm từ 16% đến 26%. Tỷ lệ quỹ đất đối với từng loại đô thị, từng
khu vực đô thị thực hiện theo pháp luật về quy hoạch đô thị.
Điều 13. Đất
dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông
đường bộ
1. Đất dành cho
kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm:
a) Đất của đường
bộ: gồm đất xây dựng đường bộ và phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ;
b) Đất để xây dựng
và quản lý, khai thác các công trình đường bộ, trừ đường bộ quy định điểm a
khoản này;
c) Đất để xây dựng
bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và các công trình phụ trợ phục vụ cho giao
thông đường bộ;
d) Hành lang an
toàn đường bộ.
2. Phạm vi bảo vệ
kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là giới hạn trên mặt đất, mặt nước, trên không
và phần dưới mặt đất, dưới mặt nước của công trình đường bộ, phần đất của đường
bộ, hành lang an toàn đường bộ và công trình phụ trợ phục vụ cho giao thông
đường bộ.
3. Việc quản
lý, sử dụng đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải tuân thủ các
quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, xây dựng và Luật này.
4. Trường
hợp do vị trí tự nhiên mà việc thoát nước buộc phải qua bất động sản khác thì
chủ sở hữu bất động sản có hệ thống thoát nước đi qua phải dành một lối thoát
nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn hệ thống thoát nước.
Cơ quan quản
lý đường bộ, tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình đường bộ phải hạn
chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản khi xây dựng, lắp
đặt hệ thống thoát nước; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Điều 14. Phần
đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ
1. Chiều rộng phần
đất để bảo vệ, bảo trì đường ngoài đô thị phụ thuộc vào cấp đường và được xác
định như sau:
a) Đối với đường có
nền đắp, phần đất để bảo vệ, bảo
trì đường bộ được xác định từ chân
ta luy ra hai bên;
b) Đối với đường có
nền đào, phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ được xác định từ mép ngoài cùng của rãnh đỉnh; ở
nơi không xây dựng rãnh đỉnh thì xác định từ mép trên cùng đỉnh ta luy dương ra
bên ngoài;
c) Đối với cầu, cống,
rãnh, hố thu và các hạng mục công trình trên đường bộ, phần
đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ được xác định từ mép ngoài
của móng hoặc bộ phận kết cấu ngoài cùng của công trình trở ra;
d) Đối với đường
không thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a, b và điểm c khoản này, phần
đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ nằm dọc phía ngoài lề đường và cách lề đường
một khoảng đủ để xây dựng rãnh thoát nước.
2. Phần đất để bảo
vệ, bảo trì đường đô thị:
a) Trường hợp đường
đô thị đã có hè phố thì sử dụng một phần hè phố để thực hiện bảo vệ, bảo trì
đường đô thị;
b) Các trường hợp
đường đi sát với tường bao nhà ở, tường bao công trình xây dựng khác, đường không
có hè phố, đường nằm trong ngõ, ngách, đường nội bộ khu dân cư
đô thị thì được sử dụng một phần mặt đường khi thực hiện bảo trì công trình;
c) Trường hợp không
thuộc quy định tại các điểm a và b khoản này thì được xác định tương tự đường
ngoài đô thị;
d) Phần đất để bảo
vệ, bảo trì cầu, cống, rãnh tại đô thị xác định theo quy định tại điểm c
khoản 1 Điều này. Trường hợp cầu, cống, rãnh của đường đô thị nằm
liền kề với công trình xây dựng khác thì phần đất để bảo vệ, bảo trì là ranh giới
của các công trình.
3. Tại các đoạn đường
chồng lấn, giao nhau, phần đất để bảo vệ, bảo trì được xác định theo đường có
cấp kỹ thuật cao hơn; các đường nằm liền kề nhau thì xác định phần đất để quản
lý, bảo trì theo đường ngoài cùng.
4. Trường hợp phần
đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ nằm chồng lấn với hành lang an toàn đường sắt thì
việc sử dụng phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ không được ảnh hưởng đến an
toàn giao thông và an toàn công trình đường sắt.
5. Trường hợp phần
đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ nằm chồng lấn với hành lang bảo vệ đê điều thì việc
sử dụng phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ không được ảnh hưởng đến vận hành
và an toàn công trình đê điều.
6. Phần đất để bảo
vệ, bảo trì hầm đường bộ, bến phà, cầu phao đường bộ, công trình kè, tường chắn
được xác định như sau:
a) Phần đất để bảo
vệ, bảo trì của hầm phụ thuộc vào cấp công trình hầm và được xác định từ mép ngoài cửa hầm chính,
cửa hầm phụ, cửa hầm thông gió và các hạng mục công trình khác ra xung quanh;
b) Phần đất để bảo
vệ, bảo trì của bến phà, cầu phao phụ thuộc vào cấp công trình phà được xác định
từ mép ngoài đường xuống bến và công trình bến; xác định từ mép ngoài đường đầu
cầu phao và mố, trụ cầu phao;
c) Trường hợp đường
bộ có phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ chồng lấn với đường thủy nội địa
phạm vi bảo vệ, bảo trì đường bộ ranh giới đất để bảo vệ,
bảo trì đường bộ là chân móng của đường, các hạng mục thuộc công trình đường bộ;
d) Phần đất bảo vệ,
bảo trì công trình kè, tường chắn xác định từ mép ngoài cùng của công trình trở
ra xung quanh.
7. Chính phủ quy định chi tiết Điều
này.
Điều 15. Hành lang an toàn đường bộ
1. Giới hạn chiều rộng hành lang đường bộ được xác định
theo quy định sau:
a) Đối với đường ngoài
đô thị, xác định từ mép ngoài phần đất để quản lý, bảo trì đường bộ, theo cấp
kỹ thuật của đường trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trường
hợp chưa có quy hoạch được xác định theo cấp kỹ thuật hiện tại của đường;
b) Đối với đường đô
thị, xác định từ mép ngoài phần đất để quản lý, bảo trì đường đô thị đến chỉ giới
đường đỏ nhưng không lớn hơn chiều rộng hành lang của đường ngoài đô thị cùng
cấp;
c) Đối với cầu, bến phà, cầu phao,
tường, kè bảo vệ đường bộ, xác định theo chiều dọc, chiều ngang và phụ thuộc
cấp sông, quy mô công
trình;
d) Đối với hầm đường bộ được xác định
từ mép ngoài của các bộ phận công trình hầm ra xung quanh;
đ) Đường bộ có kè,
tường chắn bảo vệ nằm trong phạm vi đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường
bộ thì phạm vi hành lang an toàn được xác định từ mép ngoài của tường trở ra
nhưng không lớn hơn quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này.
2. Đường bộ có hành
lang an toàn chồng lấn với hành lang an toàn đường sắt thì phân định ranh giới
quản lý theo nguyên tắc ưu tiên bố trí hành lang an toàn cho đường sắt. Việc sử
dụng hành lang an toàn đường sắt không được làm ảnh hưởng chất lượng công trình
đường bộ và an toàn giao thông.
3. Đường bộ có hành
lang an toàn đường bộ chồng lấn với hành lang bảo vệ đường thủy nội địa,
việc quản lý, sử dụng hành lang không được ảnh hưởng đến an toàn
công trình, an toàn giao thông đường bộ, đường thủy.
4. Đường bộ đi chung
với đê hoặc có hành lang an toàn chồng lấn hành lang đê điều việc phân định ranh giới quản lý theo nguyên tắc ưu tiên
bố trí hành lang bảo vệ đê.
5. Mốc giới
hành lang an toàn đường bộ được cắm trước khi bàn giao dự án đầu tư xây dựng và
trong thời gian khai thác, sử dụng công trình đường bộ và được thực hiện theo quy
định của Luật này và quy định của pháp luật về đất đai.
6. Chính phủ quy định chi tiết Điều
này.
Điều 16. Sử dụng hành lang an toàn đường bộ
1. Đất hành lang an toàn đường bộ
đã được Nhà nước thu hồi để xây dựng và quản lý bảo vệ công trình đường bộ phải
được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật này, pháp luật về đất đai và pháp
luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
2. Đất hành lang an toàn đường bộ
chưa được Nhà nước thu hồi thì quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về
đất đai nhưng phải bảo đảm an toàn giao thông, không che lấp hệ thống báo hiệu
đường bộ, không ảnh hưởng đến tầm nhìn xe chạy trên đường và phải bảo đảm an toàn công trình đường bộ.
Trường hợp sử dụng
đất gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ, chủ công
trình trên đất và người sử dụng đất phải có biện pháp khắc
phục, nếu không khắc phục được thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường theo quy định
của pháp luật.
Chính phủ quy định
về kế hoạch đền bù đối với đất hành lang an toàn đường bộ chưa được nhà nước thu
hồi trong trường hợp sử dụng đất gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn
công trình đường bộ.
3. Việc trồng cây phục vụ sản xuất
nông, lâm nghiệp, trồng cây xanh đô thị, trồng cây che mát trong hành lang an toàn đường bộ phải
bảo đảm quy định tại khoản 2 Điều này và các quy định sau:
a) Thực hiện các biện pháp cần thiết
để tránh nguy cơ gãy, đổ cây gây mất an toàn cho người, phương tiện tham gia
giao thông;
b) Cắt xén khi cây che lấp biển báo
hiệu đường bộ, che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện tham gia giao
thông và ảnh hưởng tới an toàn giao thông.
4. Công trình quảng cáo tạm thời
chỉ được xây dựng tạm thời trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ, không được
che khuất biển báo hiệu đường bộ, hạn chế tầm nhìn người điều khiển phương tiện
giao thông và ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông đường bộ.
Việc xây dựng công trình quảng cáo
tạm thời trên đất hành lang an toàn đường bộ phải được cơ quan quản lý đường bộ
có thẩm quyền chấp thuận.
5. Chủ quản lý, sử dụng công
trình quảng cáo tạm thời trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ có các nghĩa
vụ sau:
a) Xây dựng, lắp đặt công trình quảng
cáo tạm thời theo thiết kế trong hồ sơ đã gửi cho cơ quan quản lý đường bộ và
nội dung văn bản chấp thuận, giấy phép thi công;
b) Khắc phục, bồi thường thiệt hại
cho tổ chức, cá nhân bị hại khi công trình tuyên truyền, quảng cáo hư hỏng, gãy,
đổ làm mất an toàn giao thông;
c) Tháo dỡ công trình quảng cáo tạm
thời, bàn giao mặt bằng khi có yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ để đầu tư
xây dựng, sửa chữa, bảo trì công trình đường bộ và các trường hợp khác theo quy
định của pháp luật.
6. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận, thi công xây dựng công trình quảng
cáo tạm thời trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ.
Điều 17. Phạm vi bảo vệ trên không và phía dưới đường bộ
1. Phạm vi bảo vệ trên
không của phần đường theo phương thẳng đứng không nhỏ hơn chiều cao tĩnh không
của đường. Đối với đoạn đường có dự phòng chiều cao tăng cường lớp mặt đường,
chiều cao bù lún và các trường hợp cần dự phòng tôn cao mặt đường thì phải
cộng chiều cao này với chiều cao tĩnh không.
2. Phạm vi bảo vệ trên
không của cầu:
a) Phạm vi bảo vệ trên
không của cầu tính từ điểm cao nhất của cầu trở lên theo phương thẳng đứng là
02 m nhưng không nhỏ hơn chiều cao tĩnh không quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Cầu xây dựng vượt
đường sắt, đường khác thì phải bảo đảm tĩnh không cho đường sắt, đường bộ bên
dưới;
c) Cầu xây dựng
qua sông, biển phải đảm bảo khổ thông thuyền cho tàu,
thuyền lưu thông an toàn theo quy định của pháp luật về đường
thủy nội địa và hàng hải.
3. Giới hạn theo phương
thẳng đứng đường dây thông tin đi phía trên đường bộ bảo
đảm quy định sau:
a) Không nhỏ hơn
5,5 m tính từ điểm thấp nhất của đường dây đi qua đường bộ tới điểm cao nhất
trên mặt đường;
b) Trường hợp đường
dây phía trên cầu phải đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Giới hạn theo phương
thẳng đứng đường điện đi phía trên đường bộ bảo đảm quy định như sau:
a) Theo quy định tại
điểm a khoản 3 Điều này cộng với khoảng cách an toàn phóng điện theo quy định
của pháp luật về điện lực;
b) Trường hợp đường
điện phía trên cầu phải đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều này cộng với khoảng cách an toàn toàn phóng điện được xác định theo quy định của pháp
luật điện lực và tiêu chuẩn kỹ thuật về điện lực;
c) Đường điện đi phía
trên cột điện chiếu sáng phải bảo đảm khoảng cách theo phương thẳng đứng không
nhỏ hơn 02 m cộng với khoảng cách an toàn phóng điện.
5. Trường hợp đường
dây thông tin, điện đi phía trên của cầu dây treo, ngoài việc bảo đảm quy định
tại khoản 3 và khoản 4 Điều này còn
phải bảo đảm an toàn cho hệ thống dây treo và trụ tháp của cầu.
6. Giới hạn khoảng cách an toàn trên
không đối với trạm thu phí và các hạng mục công trình đường bộ khác tính từ
điểm cao nhất của công trình trở lên theo phương thẳng đứng là 02 m; đối với đường dây tải
điện còn phải bảo đảm khoảng cách an toàn phóng điện.
7. Khi tiến hành xây
dựng, khai thác, bảo trì công trình ngầm bên dưới của công trình đường bộ phải
bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo đảm an toàn cho công trình
đường bộ đang khai thác và công trình liền kề.
Điều 18. Phạm vi bảo vệ đối với các công trình
khác thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Phạm vi bảo vệ của
trung tâm quản lý, điều hành giao thông; hệ thống kiểm soát tải trọng xe; trạm
thu phí đường bộ; nhà quản lý giao thông; kho vật tư dự phòng; bến xe, bãi đỗ
xe, trạm dừng nghỉ và các công trình phụ trợ phục vụ cho giao thông đường bộ là phạm vi vùng đất, vùng nước thuộc diện tích của công trình được cơ
quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, quy định trong dự án đầu tư được phê
duyệt, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác
gắn liền với đất.
Điều 19. Xây dựng, lắp đặt công trình hạ tầng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng
giao thông đường bộ
1. Trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao
thông đường bộ, không được xây dựng các công trình khác, trừ các trường hợp sau :
a) Công trình thuộc kết cấu hạ tầng
giao thông đường bộ;
b) Công trình hạ tầng
khác không thể bố trí ngoài phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ,
gồm công trình phục vụ quốc phòng, an ninh, thông tin, viễn thông, năng lượng,
cấp, thoát nước, công trình thủy lợi, thủy điện, băng tải phục vụ sản xuất, công trình tuyên truyền
theo yêu cầu của cơ quan nhà nước và các công trình
đặc biệt khác.
Công trình hạ tầng khác xây dựng
trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải bảo
đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm an toàn trong xây dựng và khi khai thác
sử dụng; bảo đảm quy định của pháp luật về môi trường.
2. Công trình quy định
tại khoản 1 Điều này trước khi xây dựng, lắp đặt trong phạm vi bảo vệ
kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải được cơ quan nhà nước có
thẩm quyền chấp thuận.
3. Đường dây tải điện,
đường dây thông tin viễn thông xây dựng bên trên đường bộ đáp ứng đồng thời các
quy định sau thì không cần có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm
quyền:
a) Cột công
trình hạ tầng nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ;
b) Chiều cao đường
dây đi bên trên đường bộ đáp ứng quy định tại Điều 17 Luật
này;
c) Công trình đường dây không ảnh hưởng đến an toàn trong vận hành khai thác công trình đường bộ.
4. Công trình hạ tầng
xây dựng, lắp đặt trong phạm vi đường chuyên dùng phải được sự đồng ý của chủ
sở hữu đường chuyên dùng.
5. Chủ sở hữu, hoặc người quản lý sử dụng công
trình hạ tầng quy định tại khoản 1 Điều này phải hoàn trả công
trình đường bộ bị ảnh hưởng, tổ chức di dời công trình khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp cần
thu hồi đất để đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, sửa chữa, bảo
trì công trình đường bộ; khi công trình hạ tầng ảnh hưởng đến an toàn giao
thông, an toàn công trình đường bộ mà không có biện pháp khắc phục, công trình xây dựng trái phép. Trường
hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
6. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh quy định nội dung, trình tự, thủ tục chấp thuận xây dựng công trình hạ tầng,
công trình tuyên truyền, quảng
cáo trong phạm vi bảo vệ
kết cấu hạ tầng của đường bộ thuộc phạm vi quản lý.
Điều 20. Bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
1. Bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông
đường bộ gồm các hoạt động bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và thiết
bị lắp đặt vào công trình đường bộ; thực hiện các công việc để bảo đảm an toàn
và duy trì tuổi thọ của công trình đường bộ, kiểm soát tải trọng, khổ giới hạn
của phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ; thực hiện tuần đường, tuần
kiểm đường bộ, các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm kết
cấu hạ tầng giao thông đường bộ và phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông
đường bộ.
2. Bộ Giao thông vận tải tổ chức
và hướng dẫn thực hiện việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; thanh tra,
kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; quy
định về tuần đường và tuần kiểm đường bộ để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông
đường bộ.
3. Bộ Công an chỉ đạo,
hướng dẫn lực lượng công an kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ kết cấu
hạ tầng giao thông đường bộ theo thẩm quyền.
4. Bộ, cơ quan ngang
bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện, phối
hợp thực hiện bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
5. Uỷ ban nhân dân
các cấp tổ chức bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phạm vi địa phương;
bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đất dành cho đường bộ theo quy định của Luật
này và pháp luật có liên quan; xử lý các hành vi vi
phạm lấn, chiếm, sử dụng trái phép và các hành vi vi phạm khác đối với đất của
đường bộ, hành lang an toàn đường bộ; tổ chức cưỡng chế, giải tỏa các công trình đã được bồi thường, công trình lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường
bộ mà không tự tháo dỡ.
6. Cơ quan quản lý
đường bộ, tổ chức quản lý, khai thác công trình đường bộ có
nghĩa vụ:
a) Tổ chức thực hiện
các nội dung bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
b) Thực hiện công tác
tuần kiểm đường bộ quy định tại khoản 1 Điều này;
c) Xử lý các hành vi
phá hoại, lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ, đất của đường
bộ, thi công trên đường đang khai thác, thi công xây dựng công trình trong phạm
vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trái quy định và các hành vi vi
phạm khác đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
d) Thông báo cho Ủy
ban nhân dân các cấp về các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng
trái phép và vi phạm khác đối với đất của đường
bộ, đất hành lang an toàn đường bộ để xử lý theo quy định tại khoản 5 Điều này.
7. Tổ chức, cá nhân
được giao bảo dưỡng, vận hành, khai thác công trình đường bộ có trách nhiệm
thực hiện nhiệm vụ tuần đường, kiểm tra để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông
đường bộ; phát hiện, xử lý hư hỏng công trình, thực hiện các biện pháp bảo đảm
an toàn kỹ thuật của công trình; tham gia giải quyết ùn tắc, tai nạn giao
thông; phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai gây ra đối với công trình
đường bộ.
8. Tổ chức, cá nhân
phát hiện công trình đường bộ bị hư hỏng hoặc bị xâm hại, đất của đường
bộ, hành lang an toàn đường bộ bị lấn chiếm phải kịp thời báo cho
Uỷ ban nhân dân, cơ quan quản lý đường bộ hoặc cơ quan Công
an nơi gần nhất để xử lý; trường hợp cần thiết có biện pháp báo hiệu ngay cho
người tham gia giao thông biết. Khi nhận được tin báo, cơ quan có trách nhiệm
phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục để bảo đảm giao thông thông
suốt, an toàn.
Mục 2. CÔNG TRÌNH PHỤ TRỢ GẮN LIỀN VỚI ĐƯỜNG BỘ VÀ TỔ
CHỨC GIAO THÔNG
Điều 21. Công trình phụ trợ gắn liền với đường bộ
1. Công trình phụ trợ gắn liền với đường bộ gồm:
a) Hệ thống báo hiệu đường bộ;
b) Công trình an toàn giao thông
đường bộ;
c) Hệ thống thoát nước đường bộ;
d) Tường chắn, kè bảo vệ đường bộ,
tường chống ồn;
đ) Điểm dừng xe, đỗ xe trên đường
bộ và các công trình phụ trợ khác.
2. Công trình an toàn giao thông
đường bộ gồm:
a) Đường cứu nạn, hốc cứu nạn là
công trình được thiết kế và thi công kèm theo đoạn đường đèo dốc, để xe mất kiểm
soát khi xuống dốc có thể rời khỏi đường chính đi vào, giảm tốc độ và bảo đảm
dừng lại;
b) Hầm cứu nạn là công trình gắn
liền với hầm đường bộ, phục vụ việc thoát hiểm, cứu hộ, cứu nạn khi hầm chính xảy
ra sự cố hoặc sử dụng trong công tác duy tu bảo trì hầm đường bộ. Không sử dụng
hầm cứu nạn phục vụ mục đích lưu thông của các phương tiện giao thông;
c)
Tường phòng vệ, hàng rào hộ lan là công trình đường bộ được bố trí tại vị trí nguy
hiểm, có tác dụng ngăn ngừa các phương tiện lao ra khỏi phần đường xe chạy khi
gặp sự cố không kiểm soát được phương tiện.
Trường hợp không đồng thời bố trí
cọc tiêu thì trên tường phòng vệ, hàng rào hộ lan phải được gắn
tiêu phản quang hoặc sơn phản quang, để cảnh báo cho người tham gia giao
thông về vị trí nguy hiểm và chỉ dẫn người tham gia giao thông đi đúng theo
hướng của phần đường xe chạy;
d)
Công trình chống chói được bố trí trên dải phân cách giữa, có tác dụng giảm bớt
tác động của ánh sáng đèn pha phương tiện lưu thông ngược chiều tới mắt người điều
khiển phương tiện;
đ)
Gương cầu lồi được lắp đặt tại đỉnh đường cong, là thiết bị có tác dụng phản chiếu
hình ảnh với thị trường rộng, giúp người điều khiển phương tiện quan sát được
tình trạng giao thông phía trước trên nhánh đường bị khuất tầm nhìn;
e)
Hệ thống điện chiếu sáng là công trình xây lắp trên đường bộ, bảo đảm về chiếu sáng
cho các đối tượng tham gia giao thông hoạt động về ban đêm; thời gian thắp sáng
trong hầm đường bộ theo quy trình vận hành khai thác của công trình hầm;
g)
Công trình an toàn giao thông khác.
3.
Đường bộ đang khai thác phải được điều chỉnh, bổ sung công trình phụ trợ gắn liền
với đường bộ để bảo đảm an toàn khi có thay đổi về tình trạng kỹ thuật, tình
hình giao thông đường bộ.
Điều 22. Hệ thống báo hiệu đường
bộ
1. Hệ thống báo hiệu đường bộ là
một bộ phận của đường bộ, gồm:
a) Đèn tín hiệu giao thông;
b) Biển báo hiệu đường bộ;
c) Vạch kẻ đường và các dấu hiệu
khác trên mặt đường;
d) Cọc tiêu, đinh phản quang, tiêu
phản quang, gương cầu lồi, tường bảo vệ, rào chắn, dải phân cách, cột kilômét,
cọc H.
2. Không được gắn vào hệ thống báo
hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của hệ thống
báo hiệu đường bộ.
3. Hệ thống báo hiệu đường bộ phải
tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ. Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ.
Điều 23. Đèn tín hiệu giao
thông
1. Tín hiệu đèn giao thông có 3 màu:
xanh, đỏ, vàng.
2. Đèn tín hiệu giao thông được bố
trí như sau:
a) Mặt đèn quay về hướng đối diện
chiều đi và phải đặt ở vị trí để người tham gia giao thông dễ quan sát;
b) Thứ tự lắp đặt đèn tín hiệu theo
chiều thẳng đứng: đèn đỏ ở trên, đèn vàng ở giữa và đèn xanh ở dưới;
c) Thứ tự lắp đặt đèn tín hiệu theo
chiều ngang: đèn đỏ ở phía bên trái, đèn vàng ở giữa và đèn xanh ở bên phải
theo chiều đi.
3. Hệ thống đèn tín hiệu giao thông
sau khi lắp đặt xong phải được chủ đầu tư, cơ quản lý đường bộ tổ chức vận hành
thử phù hợp với yêu cầu tổ chức giao thông trên đường bộ trước khi nghiệm thu,
đưa vào khai thác.
Điều 24. Biển báo hiệu đường bộ
1. Biển báo hiệu đường bộ gồm:
a) Biển báo cấm;
b) Biển báo nguy hiểm;
c) Biển hiệu lệnh;
d) Biển chỉ dẫn;
đ) Biển phụ để thuyết minh bổ sung
các loại biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh và biển chỉ dẫn hoặc
được sử dụng độc lập.
2. Nguyên tắc lắp đặt biển báo hiệu
đường bộ
a) Mặt biển quay về hướng đối diện
chiều đi;
b) Được đặt về phía bên phải hoặc
phía trên phần đường xe chạy. Trong một số trường hợp cụ thể có thể đặt bổ sung
biển báo ở bên trái theo chiều đi để chỉ dẫn, báo hiệu cho người tham gia giao
thông;
c) Đặt ở vị trí để người tham gia
giao thông dễ quan sát và thực hiện.
Điều 25. Vạch kẻ đường
1. Vạch kẻ đường là hình thức báo
hiệu đường bộ trên mặt đường và các công trình đường bộ để hướng dẫn giao
thông.
2. Vạch kẻ đường có thể dùng độc
lập và có thể kết hợp với các biển báo hiệu đường bộ hoặc đèn tín hiệu giao
thông.
Điều 26. Cọc tiêu, đinh phản quang,
tiêu phản quang, gương cầu lồi, tường bảo vệ, rào chắn, dải phân
cách, cột Km, cọc H
1. Cọc tiêu, đinh phản quang, tiêu
phản quang, tường phòng vệ, rào chắn, dải phân cách, cột Km, cọc H và các thiết
bị phục vụ an toàn giao thông khác được đặt ở các vị trí cần thiết để hướng
dẫn, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm an toàn giao thông.
2. Cọc tiêu được bố trí ở các đoạn
đường nguy hiểm, hướng dẫn cho người tham gia giao thông biết phần đường an
toàn và hướng đi của tuyến đường.
3. Đinh phản quang là thiết bị dẫn
hướng được lắp đặt trên mặt đường theo chiều dọc hoặc chiều ngang đường.
4. Tiêu phản quang là thiết bị dẫn
hướng được gắn các công cụ phản quang để dẫn hướng xe chạy vào ban đêm hoặc trong
điều kiện sương mù, điều kiện hạn chế tầm nhìn. Tiêu phản quang được bố trí tại
các nơi mà tuyến đường có thể gây nhầm lẫn về hướng đường.
5. Cột Km là cột ghi khoảng cách
tính bằng km từ điểm đặt cột đến điểm đầu của tuyến đường. Cột Km sử dụng trong
quản lý, vận hành khai thác, xây dựng, cải tạo, bảo trì đường bộ và xác định vị
trí sự cố công trình, ùn tắc, tai nạn giao thông; giúp người tham gia giao thông
xác định khoảng cách các đoạn đường.
Khoảng cách giữa hai cột Km liền
kề là 1000 m, trừ các trường hợp đặc biệt khoảng cách giữa hai cột liền kề có chiều
dài lớn hơn hoặc nhỏ hơn 1000m.
6. Cọc H là cọc lý trình 100 m trong
phạm vi giữa hai cột Km liền kề.
7. Dải phân cách là bộ phận của đường
để phân chia phần đường xe chạy thành hai chiều riêng biệt hoặc để phân chia
phần đường dành cho xe cơ giới và xe thô sơ hoặc của nhiều loại xe khác nhau
trên cùng một chiều đường. Dải phân cách gồm dải phân cách cố định và dải phân
cách di động.
Điều 27. Tổ chức giao thông
1. Tổ chức giao thông được thực hiện
từ giai đoạn quy hoạch, đầu tư xây dựng đến quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu
hạ tầng giao thông đường bộ nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, hiệu
quả.
2. Tổ chức giao thông bao gồm các
hoạt động sau:
a) Định hướng phân luồng, phân tuyến,
cấp kỹ thuật công trình, kết nối mạng lưới giao thông và các phương thức vận
tải trong giai đoạn quy hoạch mạng lưới đường bộ;
b) Phân luồng, phân làn, lắp đặt
báo hiệu đường bộ, hệ thống trang thiết bị quản lý, giám sát giao thông trong giai
đoạn thiết kế, đầu tư, xây dựng và cải tạo nâng cấp công trình đường bộ;
c) Quy định tốc độ, tải trọng khai
thác, thời gian đi lại, các đoạn đường cấm đi, đường đi một chiều, nơi cấm dừng,
cấm đỗ, cấm quay đầu xe, điểm dừng đón, trả khách, điều hành hệ thống trang thiết
bị quản lý giao thông, cung cấp thông tin hướng dẫn cho người tham gia giao
thông; phân lại luồng, phân lại tuyến, phân lại làn; thực hiện các biện pháp xử
lý khi có sự cố xảy ra nhằm duy trì an toàn, bền vững kết cấu công trình và bảo
đảm giao thông thông suốt, trật tự, an toàn trong giai đoạn khai thác;
d) Tạm thời đình chỉ đi lại ở một
số đoạn đường nhất định, tạm thời phân lại luồng, phân lại tuyến, nơi dừng xe,
đỗ xe và hướng dẫn, điều hành giao thông khi: thi công công trình trên đường bộ
đang khai thác; phòng, chống thiên tai, khắc phục hư hỏng kết cấu hạ tầng giao
thông đường bộ hoặc các tình huống đột xuất khác.
3. Trong quá trình khai thác, cơ
quan quản lý đường bộ điều chỉnh tổ chức giao thông, phân làn, phân luồng giao thông
để giải quyết các bất cập về tổ chức giao thông, phù hợp với hiện trạng kết cấu
hạ tầng giao thông đường bộ, lưu lượng phương tiện, nguồn lực và các điều kiện
khác để bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.
4. Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên hệ thống đường bộ thuộc
phạm vi quản lý.
5. Tổ chức, cá nhân quản lý khai
thác đường chuyên dùng chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên đường chuyên dùng;
trường hợp đường chuyên dùng có hoạt động giao thông công cộng phải tổ chức
giao thông theo quy định của Điều này.
6. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trình tự,
thủ tục lập, phê duyệt việc tổ chức giao thông của công trình đường bộ trước
khi đưa vào khai thác.
Điều 28. Làn đường
1. Làn đường là một phần
của phần đường xe chạy được chia theo chiều dọc của đường, có bề rộng đủ cho xe
chạy an toàn.
2. Trường hợp đường có từ hai làn
xe cơ giới trên một chiều đường trở lên, làn đường bao gồm làn ngoài cùng, làn
trong cùng và các làn giữa (nếu có).
3. Làn trong cùng là làn đường giáp
với lề đường hoặc vỉa hè phía bên phải theo chiều đi của đường.
4. Làn ngoài cùng là làn đường giáp
với tim đường hoặc dải phân cách giữa đối với đường đôi, đường hai chiều; giáp
với lề đường hoặc vỉa hè phía bên trái đối với đường một chiều theo chiều đi
của đường.
5. Làn đường phải đảm bảo yêu cầu
về mục đích sử dụng, bề rộng để lưu thông thông suốt, an toàn.
6. Việc sử dụng làn đường phải phù
hợp với đường bộ và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định.
Điều 29. Tốc độ và khoảng cách
an toàn giữa các xe trên đường bộ
1. Tốc độ thiết kế của đường bộ là
giá trị vận tốc được dùng để tính toán các chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu của đường
bộ trong điều kiện khó khăn. Tốc độ thiết kế được xác định trong giai đoạn đầu
tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường bộ nhằm bảo đảm cho phương tiện vận hành
an toàn.
2. Tốc độ lưu hành trên đường bộ:
a) Tốc độ lưu hành trên đường bộ
là giá trị giới hạn tốc độ (tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu) cho phép phương tiện
tham gia giao thông nhằm bảo đảm an toàn giao thông và khai thác hiệu quả tuyến
đường;
b) Tốc độ lưu hành trên đường bộ
được xác định trên cơ sở tốc độ thiết kế của tuyến đường bộ, hiện trạng kỹ thuật
của đường bộ, thời gian lưu thông trong ngày, điều kiện thời tiết, khí hậu, lưu
lượng, chủng loại phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ;
c) Đối với đường đôi, giá trị
giới hạn tốc độ cho từng chiều đường có thể khác nhau;
d) Trên cùng một chiều đường có nhiều
làn đường, giá trị giới hạn tốc độ của các làn đường có thể khác nhau.
3. Khoảng cách an toàn giữa các xe
trên đường bộ là cự ly tối giữa hai phương tiện tham gia giao thông liền nhau
trên cùng một làn đường; bảo đảm an toàn của phương tiện chạy sau với phương
tiện chạy trước.
Khoảng cách an toàn giữa các xe phụ
thuộc vào tốc độ lưu hành của tuyến đường, thời tiết, mật độ phương tiện và điều
kiện giao thông thực tế khác.
4. Đường cao tốc trước khi đưa vào
khai thác phải bố trí đầy đủ hệ thống báo hiệu tốc độ, cự ly tối thiểu giữa hai
xe; đối với các tuyến đường khác, căn cứ vào hiện trạng của công trình đường bộ
và tình hình giao thông thực tế của từng đoạn tuyến, cơ quan quản lý đường bộ
quyết định việc bố trí hệ thống báo hiệu để đảm bảo khả năng thông hành và an
toàn giao thông trên đường.
5. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
quy định về giới hạn tốc độ và khoảng cách an toàn giữa các xe trên đường bộ
đang khai thác; tổ chức thực hiện việc lắp đặt hệ thống báo hiệu tốc độ và khoảng
cách an toàn của phương tiện tham gia giao thông trên hệ thống quốc lộ.
6. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh
tổ chức thực hiện việc lắp đặt hệ thống báo hiệu tốc độ và khoảng cách an toàn
của phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường do địa phương quản lý.
Điều 30. Tải trọng và khổ giới
hạn của đường bộ
1. Người điều khiển phương tiện tham
gia giao thông phải tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường
bộ.
2. Trường hợp đặc biệt, xe quá tải
trọng, quá khổ giới hạn của đường bộ, xe bánh xích có khả năng gây hư hại công
trình đường bộ, gây mất an toàn giao thông có thể được lưu hành trên đường bộ
nhưng phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp giấy phép và phải thực
hiện các biện pháp bắt buộc để bảo vệ công trình đường bộ, bảo đảm an toàn giao
thông.
3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; trình tự, thủ
tục cấp giấy phép lưu hành cho xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của đường bộ,
xe bánh xích gây hư hại mặt đường; công bố tải trọng, khổ giới hạn của
đường bộ thuộc phạm vi quản lý.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh
công bố về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ do địa phương quản lý.
4. Tổ chức, cá nhân quản lý đường
chuyên dùng có hoạt động giao thông công cộng chịu trách nhiệm công bố về tải
trọng, khổ giới hạn của đường chuyên dùng.
Mục 3. ĐẦU TƯ, XÂY DỰNG, BẢO TRÌ,
VẬN HÀNH, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH ĐƯƠNG BỘ
Điều 31. Đầu tư xây dựng công trình đường bộ
1. Đầu tư xây dựng
công trình đường bộ là việc đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo công trình
đường bộ.
2. Việc đầu tư xây
dựng công trình đường bộ phải phù hợp với quy hoạch, nhu cầu vận tải,
công nghệ phát triển của phương tiện giao thông đường bộ, khả năng cân đối
nguồn lực và được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng; bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn, cấp kỹ thuật đường bộ, cảnh quan, bảo vệ
môi trường.
3. Công
trình đường bộ đang khai thác chưa đảm bảo cấp kỹ thuật, quá
thời hạn khai thác, không đáp ứng lưu lượng vận tải phải thực
hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trong khai thác và từng bước đầu tư, nâng
cấp, cải tạo để đảm bảo cấp kỹ thuật theo tiêu chuẩn đường bộ.
4. Khi đầu tư xây dựng đường cao tốc đô thị, đường
có thiết kế với lưu lượng và tốc độ lớn đi qua khu dân cư phải xây dựng đường
đường bên để phục vụ việc đi lại của người, phương tiện giao thông ở khu dân cư ven đường và ngăn không cho phương tiện giao
thông và người đi bộ tự do ra vào đường chính. Phương tiện giao thông chỉ được
đi vào đường chính ở những vị trí nhất định theo thiết kế được duyệt. Đường bên
được ngăn cách với đường chính bằng dải phân cách, tường bảo vệ hoặc rào chắn.
Tại nơi đã xây dựng
đường bên, có thể sử dụng đường bên thay chức năng của
đường gom trong trường hợp đường bên đáp ứng được việc kết
nối giao thông thay cho đường gom.
5. Việc xây dựng điểm dừng xe, đỗ
xe để đón trả khách được thực hiện trên các tuyến đường có vận tải bằng xe buýt
và vận tải hành khách công cộng, trừ đường cao tốc. Nguồn vốn xây dựng các hạng
mục này trong dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ hoặc nguồn vốn của tổ
chức, cá nhân khai thác điểm dừng xe, đỗ xe.
6. Tại đoạn, tuyến đường có khu vực
cổng trường học bị ùn tắc, mất an toàn giao thông thì phải mở rộng đường hoặc
xây dựng đường gom hoặc bố trí các điểm dừng, đỗ xe đưa đón học sinh, tổ chức
giao thông bảo đảm an toàn giao thông. Trách nhiệm thực hiện như sau:
a) Đối với trường xây dựng mới, chủ
đầu tư phải phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ để bố trí điểm đấu nối cho
phù hợp và xây dựng các điểm dừng, đỗ; trường hợp cần thiết phải xây dựng đường
gom;
b) Đối với những trường học đã xây
dựng, trong quá trình đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường bộ, chủ đầu tư,
đơn vị quản lý nghiên cứu để xây dựng các điểm dừng, đỗ xe đưa đón học sinh,
đường gom, cầu vượt.
Điều 32. Thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông
1. Đường bộ phải được thẩm tra, thẩm
định về an toàn giao thông trong quá trình đầu tư xây dựng, khai thác, sử dụng
công trình đường bộ.
2.
Thẩm tra an toàn giao thông đường bộ là việc tổ chức kinh doanh dịch vụ
thẩm tra an toàn giao thông nghiên cứu, phân
tích báo cáo đầu tư xây dựng công trình, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật,
thiết kế bản vẽ thi công, báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình, hồ sơ
hoàn công công trình, hồ sơ quản lý tuyến đường, hồ sơ các vụ tai nạn giao
thông và tiến hành kiểm tra hiện trường để phát hiện các khả năng tiềm ẩn tai
nạn giao thông hoặc đánh giá nguyên nhân gây tai nạn giao thông để đề xuất giải
pháp khắc phục nhằm bảo đảm giao thông trên tuyến an toàn, thông suốt.
3. Thẩm định an toàn giao thông là
việc cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền xem xét, phê duyệt báo cáo thẩm tra
an toàn giao thông của tổ chức kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông.
4. Tổ chức kinh doanh dịch vụ thẩm
tra an toàn giao thông thực hiện thẩm tra an toàn giao thông phải đáp ứng các
điều kiện về đầu tư kinh doanh và bảo đảm độc lập về tài chính với tổ chức tư
vấn thiết kế đã lập hồ sơ dự án, thiết kế công trình (đối với công trình đường
bộ xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp) hoặc tổ chức quản lý, bảo dưỡng thường
xuyên tuyến đường (đối với công trình đường bộ đang khai thác).
5. Chi phí thẩm tra an toàn giao
thông được tính vào tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình đối với công trình
đường bộ xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo; được sử dụng trong nguồn tài chính
dành cho quản lý, bảo trì đường bộ đối với công trình đường bộ đang khai thác.
6. Thẩm tra viên thực hiện việc thẩm
tra an toàn giao thông phải được đào tạo và cấp chứng chỉ theo quy định. Việc đào
tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ do cơ sở đào tạo thẩm tra viên an
toàn giao thông đường bộ có đủ năng lực, điều kiện thực hiện.
7. Chính phủ quy định chi tiết điều
kiện của tổ chức kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông; điều kiện,
trình tự, cấp giấy chứng nhận cơ sở đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông
đường bộ và chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ.
8. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
quy định nội dung về thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông đường bộ, khung chương
trình đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ.
Điều 33. Kết nối giao thông đường
bộ
1. Kết nối giao thông đường bộ gồm:
các hệ thống đường bộ nối với nhau tạo thành mạng lưới đường bộ; cảng hàng không,
cảng sông, biển, ga đường sắt, khu công nghiệp,
khu chế xuất, khu kinh tế, khu thương mại -
dịch vụ, khu đô thị, khu dân cư và các
khu vực, công trình khác đấu nối vào đường bộ.
2. Nguyên tắc kết nối giao thông
đường bộ
a) Kết nối giao thông đường bộ bảo
đảm kết nối với các phương thức vận tải khác; phục vụ phát triển kinh tế - xã
hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh;
b) Các tuyến đường bộ nối với nhau
thành mạng lưới phân bố hợp lý vùng miền, đô thị, nông thôn; cảng hàng không,
cảng sông, cảng biển, ga đường sắt đấu nối vào đường bộ, phù hợp với quy hoạch
mạng lưới đường bộ, được xác định trong quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông
đường bộ;
c) Việc nối các tuyến đường bộ khác với đường cao tốc
được thực hiện từ bước lập dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc, phù hợp với quy
hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trường hợp quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh của địa phương
có sự thay đổi, việc nối tuyến đường bộ khác với đường cao tốc phải được sự
chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải xây dựng nút giao khác mức
liên thông. Chủ đầu tư của tuyến đường chịu trách nhiệm xây dựng nút giao khác
mức liên thông để nối vào đường cao tốc.
d) Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu thương mại - dịch vụ, khu đô thị, khu
dân cư (dưới đây gọi tắt là khu kinh tế, khu dân
cư) và các khu vực,
công trình khác có nhu cầu
tham gia giao thông đường bộ phải xây dựng hệ thống đường gom ngoài hành lang an toàn đường bộ để
kết nối giao thông với đường nhánh, đường chính; bảo đảm lưu lượng phương tiện,
nhu cầu đi lại của người dân phù hợp với quy mô, khả năng thông hành của đường
bộ.
Đường gom, đường nhánh của khu kinh
tế, khu dân cư và của các công trình khác đấu nối vào quốc lộ, đường tỉnh tại các điểm đấu nối theo danh mục
điểm đấu nối được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Điểm đấu nối
a) Vị trí điểm đấu nối phù hợp với cấp kỹ thuật và bảo
đảm an toàn giao thông, năng lực thông hành của tuyến đường;
b) Nút giao điểm đấu nối phải được cơ quan quản lý nhà
nước có thẩm quyền về đường bộ chấp thuận thiết kế kỹ thuật, phương án tổ chức
giao thông và cấp phép thi công.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 34. Yêu cầu đối với công
trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông
đường bộ
1. Khi đầu tư xây dựng đường bộ có
hạng mục hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và có giải
pháp kỹ thuật phù hợp để bố trí, lắp đặt các đường dây, cáp và đường ống vào hạng mục hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.
2. Việc xây dựng công trình hạ tầng
kỹ thuật sử dụng chung trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
đang khai thác chỉ được thực hiện trong trường hợp không ảnh hưởng tới an toàn,
chất lượng, tuổi thọ của công trình đường bộ đang khai thác; không mất an toàn giao
thông đường bộ và an toàn khi vận hành khai thác công trình hạ tầng kỹ thuật sử
dụng chung.
3. Trường hợp công trình hạ tầng
kỹ thuật sử dụng chung xây dựng vào công trình đường bộ, công trình khác thuộc phạm
vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ làm gia tăng tải trọng, ảnh hưởng
đến an toàn phòng cháy chữa cháy thì phải thẩm định về an toàn và an toàn phòng
cháy chữa cháy.
4. Tổ chức, cá nhân trước khi xây
dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung vào phạm vi bảo vệ kết cấu hạ
tầng giao thông đường bộ phải thực hiện theo quy định tại Điều 19 và Điều 36 Luật
này.
Điều 35. Bàn giao, đưa công trình
đường bộ do Nhà nước đầu tư vào khai thác
1. Sau khi công trình đường bộ đã
hoàn thành và được nghiệm thu theo quy định của pháp luật về xây dựng, chủ đầu
tư có trách nhiệm bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ, tổ chức, cá nhân quản
lý, khai thác công trình để quản lý, vận hành khai thác, bảo trì; phối hợp với
cơ quan được giao tiếp nhận tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trình
cấp có thẩm quyền quyết định giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
hình thành sau khi hoàn thành dự án theo quy định của pháp luật về quản lý, sử
dụng tài sản công.
2. Đối với đường cao tốc; bến phà; cầu phao, hầm, cầu
quay, cầu có thiết bị nâng hạ, hệ thống quản lý, giám sát giao thông, hệ thống thu
phí tự động không dừng, hệ thống kiểm soát tải trọng xe, các công trình khác có
lắp đặt thiết bị vận hành khai thác, chủ đầu tư phải tổ chức lập và bàn giao
quy trình vận hành khai thác cho cơ quan quản lý đường bộ, tổ chức, cá nhân
quản lý, vận hành khai thác công trình đường bộ.
Điều 36. Thi công công trình trên đường bộ đang khai
thác
1. Thi công công trình trên đường
bộ đang khai thác gồm: xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, sửa chữa đường bộ
đang khai thác; thi công xây dựng công trình hạ tầng trong phạm vi đường bộ;
thi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trong phạm vi đường
bộ và các trường hợp được phép khác.
2. Tổ chức, cá nhân chỉ được thi
công công trình trên đường bộ đang khai thác khi có giấy phép thi công trên đường
đang khai thác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ các trường hợp quy định
tại khoản 7 Điều này; thực hiện theo đúng nội dung của giấy phép thi công.
3. Giấy phép thi công trên đường
bộ đang khai thác cấp cho nhà thầu thi công để quy định về bảo đảm an toàn giao thông,
an toàn lao động, bảo vệ môi trường và bảo đảm chất lượng công trình đang khai thác
trong thời gian thi công và sau khi hoàn thành việc thi công.
4.
Trong quá trình thi công, tổ chức, cá nhân thi công trên đường bộ đang khai thác
phải bố trí người cảnh báo, hướng dẫn giao thông, bố trí báo hiệu, rào chắn tạm
thời tại nơi thi công và thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông, các biện
pháp bảo vệ môi trường và các nội dung khác; người tham gia các hoạt động thi
công, bảo trì trên đường đang khai thác phải mặc trang phục bảo hộ lao động có
báo hiệu an toàn; máy móc thi công phải lắp thiết bị cảnh báo trên phương tiện.
5. Tổ chức, cá nhân thi công trên
đường bộ đang khai thác vi phạm giấy phép thi công, gây ùn tắc giao thông, mất
an toàn giao thông, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng người tham gia giao thông;
gây hư hỏng, hủy hoại công trình đang khai thác, vi phạm quy định về bảo vệ môi
trường và các hành vi vi phạm khác phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp
luật.
6. Các trường hợp thi công trên đường
bộ đang khai thác không phải cấp giấy phép:
a) Thi công công trình bí mật nhà
nước;
b) Thi công các dự án xây dựng mới,
nâng cấp, cải tạo công trình đường bộ trong phạm vi đất giành cho kết cấu hạ
tầng giao thông đường bộ do Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là
cấp quyết định đầu tư hoặc là chủ đầu tư;
c) Thi công trên đường chuyên
dùng;
d) Thi công trên đường thôn xóm;
đường ngõ, ngách, đường nội bộ khu dân cư tại các đô thị;
đ) Bảo hành, bảo dưỡng công trình đường bộ;
sửa chữa cấp bách đường bộ để khắc phục hậu quả thiên tai, bão, lũ; cứu hộ, cứu
nạn giao thông và các trường hợp cấp bách khác;
e) Thi công sửa chữa, thay thế các
bộ phận, hạng mục, thiết bị nhưng đáp ứng đồng thời các điều kiện gồm: không
đào, khoan, xẻ công trình đường bộ, không ảnh hưởng đến chất lượng, tải trọng,
khổ giới hạn đường bộ, không ảnh hưởng đến an toàn giao thông;
g) Thi công trên đường bộ đang khai
thác mà cơ quan cấp phép tự thực hiện hoặc là chủ đầu tư dự án thi công trên
đường bộ đang khai thác; cơ quan cấp phép trực thuộc cơ quan đầu tư dự án;
h) Thi công ở nơi đường bộ giao nhau
đồng mức với đường sắt hoặc thi công trên mặt cầu đường bộ đi chung với đường
sắt đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật
về đường sắt;
k) Xây dựng công trình trong
hành lang an toàn đường bộ đáp ứng đồng thời các quy định: không làm ảnh hưởng
tầm nhìn xe chạy và an toàn giao thông, không sử dụng đất của đường bộ và công trình
đường bộ làm mặt bằng thi công và đã được chấp thuận xây dựng theo quy định tại
khoản 3 Điều 16 và Điều 19 Luật này;
7. Trường hợp không phải cấp giấy
phép thi công trên đường đang khai thác, tổ chức, cá nhân thi công xây dựng có
trách nhiệm:
a) Thiết kế và thực hiện các biện
pháp đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng, an toàn cho người phương tiện tham
gia giao thông trên đường đang khai thác;
b) Trừ trường hợp quy định tại điểm
a khoản 6 Điều này, trước khi thi công không ít hơn 05 ngày phải gửi văn bản
thông báo với cơ quan quản lý đường bộ, chủ sở hữu hoặc người quản lý khai thác
đường bộ về thời gian thi công và nộp thiết kế và thực hiện các biện pháp đảm
bảo an toàn trong thi công xây dựng, an toàn cho người phương tiện tham gia
giao thông.
8. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
quy định trình tự, thủ tục, nội dung cấp giấy phép thi công công trình trên đường
bộ đang khai thác.
Điều 37. Xây dựng đoạn đường giao
nhau đồng mức giữa đường bộ với đường sắt; thi công mặt cầu đường bộ đi chung
với đường sắt, sửa chữa đường bộ giao cắt với đường sắt
1. Khi thi công xây dựng, sửa chữa
đường bộ ở nơi giao nhau đồng mức với đường sắt, sửa chữa mặt cầu đường bộ đi
chung với đường sắt phải được cấp phép theo quy định của pháp luật về đường sắt;
thực hiện theo quy định tại Điều 36 Luật này đối với trường hợp thi công xây
dựng, sửa chữa trên đường bộ đang khai thác, trừ quy định về cấp giấy phép thi
công.
2. Ngoài việc thực hiện các quy định
tại khoản 1 Điều này, khi sửa chữa, mặt cầu đường bộ đi chung với đường sắt,
sửa chữa ở nơi đường bộ giao cắt với đường sắt phải thực hiện các quy định sau:
a) Chủ đầu tư dự án sửa chữa đường
bộ thống nhất với cơ quan quản lý đường sắt về thời gian, phương án thi công và
phương án tổ chức giao thông, trừ trường hợp cần khắc phục sự cố nhằm ngăn ngừa
tai nạn giao thông; nguy cơ sập đổ công trình;
b) Thực hiện theo quy định khác
có liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông đường sắt theo quy định của pháp
luật về đường sắt.
Điều 38. Thi công công trình thủy
lợi, thủy điện trong phạm vi bảo vệ công trình đường bộ đang khai thác
1. Khi xây dựng công trình thủy lợi,
thủy điện trong phạm vi bảo vệ công trình đường bộ đang khai thác phải thực
hiện theo quy định tại Điều 19 và Điều 36 của Luật này.
2. Ngoài việc thực hiện quy định
tại khoản 1 Điều này, khi xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện giao cắt đường
bộ đang khai thác phải bảo đảm các quy định sau:
a) Vị trí xây dựng không ảnh hưởng
đến vận hành, khai thác và sự làm việc bình thường của các công trình đường bộ
hiện có trừ quy định tại điểm d khoản này;
b) Thực hiện biện pháp bảo đảm an
toàn cho công trình đường bộ hiện có, công trình liền kề, bảo đảm giao thông an
toàn, thông suốt và bảo vệ môi trường; bảo đảm các quy định về tĩnh không của
đường bộ, phạm vi bảo vệ trên không, phạm vi bảo vệ bên dưới của công trình đường
bộ;
c) Không được làm xói lở mố, trụ
cầu, tường chắn bảo vệ công trình đường bộ khi nạo vét và thi công trên sông, kênh,
mương trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
d) Trước khi xây dựng đập, kênh,
mương và các công trình thủy lợi, thủy điện cắt ngang, chồng lên vị trí đường bộ
hoặc ảnh hưởng đến công trình đường bộ đang khai thác, chủ đầu tư dự án xây dựng
công trình thủy lợi, thủy điện phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp
thuận theo quy định tại Điều 19 và Điều 36 Luật này và phải xây dựng công trình
đường bộ để bồi hoàn, thay thế cho công trình đường bộ bị ảnh hưởng. Công trình
bồi hoàn có cấp kỹ thuật, quy mô không thấp hơn công trình đường bộ bị ảnh
hưởng;
đ) Sau khi hoàn thành xây dựng công
trình bồi hoàn, chủ đầu tư dự án xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện có
trách nhiệm bàn giao công trình đường bộ bồi hoàn và hồ sơ hoàn thành công trình,
quy trình bảo trì cho cơ quan quản lý đường bộ, chủ sở hữu hoặc người quản lý
khai thác công trình đường bộ.
3. Chủ đầu tư và nhà thầu thi công
dự án thủy lợi, thủy điện có trách nhiệm thực hiện bảo hành công trình đường bộ
theo quy định của pháp luật về xây dựng.
4. Trách nhiệm bảo trì và vận
hành khai thác:
a) Cơ quan quản lý đường bộ, chủ
sở hữu hoặc người quản lý khai thác công trình đường bộ có trách nhiệm bảo trì,
vận hành khai thác đối với công trình đường bộ đã nhận bàn giao theo quy định tại
điểm đ khoản 2 Điều này;
b) Chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người
quản lý sử dụng công trình thủy lợi, thủy điện có trách nhiệm bảo trì, vận hành
khai thác công trình thủy lợi, thủy điện theo quy định của pháp luật về xây
dựng, pháp luật khác có liên quan;
c) Bộ phận, hạng mục công trình sử
dụng chung cho giao thông đường bộ và phục vụ công trình thủy lợi, thủy điện thì
trách nhiệm bảo trì, vận hành khai thác thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều
39 Luật này.
5. Trường hợp xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện
ảnh hưởng đến đường chuyên dùng thì các bên tự thỏa thuận hoặc thực hiện đền bù,
bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 39. Trách nhiệm quản lý,
vận hành, khai thác, bảo trì công trình đường bộ
1. Đối với công trình đường bộ sử
dụng vốn ngân sách nhà nước:
a) Bộ Giao thông vận tải tổ chức
quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì theo quy định của Luật này, pháp luật về quản
lý, sử dụng tài sản công, pháp luật có liên quan đối với hệ thống đường quốc lộ
và đường bộ khác thuộc phạm vi quản lý.
Trường hợp các đoạn đường quốc lộ
đi qua đô thị loại đặc biệt thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý đô thị đặc biệt
thực hiện việc tổ chức quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì đoạn đường quốc lộ
đó.
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức
quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì công trình đường bộ thuộc hệ thống đường
địa phương phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công,
Luật này và pháp luật có liên quan.
c) Trường hợp điều chuyển tài sản
kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ giữa các cơ quan nhà nước, cơ quan tiếp nhận
thực hiện việc vận hành khai thác và bảo trì kể từ khi cấp có thẩm quyền ban
hành quyết định điều chuyển tài sản.
2.
Đối với công trình đường bộ đầu tư theo hình thức đối tác công tư, doanh nghiệp
dự án có trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì công trình theo pháp
luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, pháp luật xây dựng và hợp đồng dự
án.
3. Đối với công trình đường bộ là
tài sản công trong thời hạn cho thuê quyền khai thác tài sản hoặc chuyển nhượng
có thời hạn quyền khai thác tài sản thì doanh nghiệp thuê quyền khai thác, nhận
chuyển nhượng quyền khai thác có trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác, bảo
trì theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định
của Luật này cho đến khi chuyển giao cho Nhà nước.
4. Chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân
quản lý, khai thác đường chuyên dùng tổ chức quản lý, vận hành, khai thác, bảo
trì công trình đường bộ do mình sở hữu hoặc quản lý, khai thác.
5. Công trình có nhiều chủ sở hữu
hoặc nhiều tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác chung, ngoài việc chịu trách
nhiệm quản lý khai thác, bảo trì phần công trình thuộc sở hữu riêng của mình,
các chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác có trách nhiệm quản lý,
vận hành, khai thác, bảo trì cả phần công trình thuộc sở hữu, sử dụng chung.
6. Đối với dự án đầu tư xây dựng
công trình đường bộ, hạng mục công trình đường bộ đã hoàn thành nhưng chưa bàn giao,
chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì công trình.
7. Khi xảy ra thiên tai và các sự
kiện bất khả kháng làm hư hỏng, đứt đoạn đường bộ đang khai thác, tổ chức, cá
nhân quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì công trình phải kịp thời khắc phục
sửa chữa. Trường hợp không thể khôi phục lại đoạn đường bị hư hỏng, đứt đoạn,
chính quyền địa phương và các lực lượng khác có trách nhiệm tham gia khắc phục
sửa chữa theo quy định của Luật này và pháp luật về phòng chống thiên tai.
Điều 40. Các hoạt động quản lý, vận
hành, khai thác, bảo trì công
trình đường bộ
1. Quản lý, vận hành, khai thác,
bảo trì công trình đường bộ bao gồm các công việc theo quy định của pháp luật về
xây dựng và các công việc sau:
a) Thực hiện công tác phòng, chống
và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ; đầu tư, mua sắm, bảo
quản, sử dụng vật tư dự phòng phục vụ phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên
tai trong lĩnh vực đường bộ;
b) Xử lý điểm đen tai nạn giao thông,
điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ; xây dựng công trình an toàn giao
thông; khắc phục các bất cập về tổ chức an toàn giao thông theo quy định pháp
luật có liên quan;
c) Quản lý, vận hành hệ thống cầu,
đường, bến phà, cầu phao, hầm, trung tâm quản lý điều hành giao thông; quản lý,
vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ; khảo sát, thu thập dữ liệu
giao thông đường bộ; quản lý, vận hành, khai thác các công trình khác thuộc kết
cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
d) Các công việc cần thiết khác phục
vụ công việc quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì công trình đường bộ.
2. Công việc quản lý, vận hành, khai
thác, bảo trì công trình đường bộ quy định tại khoản 1 Điều này được quy định
trong kế hoạch bảo trì công trình đường bộ hàng năm. Các hoạt động sửa chữa đột
xuất, khắc phục sự cố công trình, khắc phục điểm đen và các trường hợp khẩn
cấp, cấp bách khác được bổ sung vào kế hoạch bảo trì công trình đường bộ.
Điều 41. Nội dung vận hành, khai
thác, bảo trì công trình đường bộ
Việc vận hành, khai thác, bảo trì
công trình đường bộ thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật
về quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định sau:
1. Việc thực hiện công tác vận hành,
khai thác và bảo dưỡng công trình đường bộ bao gồm:
a) Vận hành, khai thác công trình
phục vụ giao thông thông suốt, an toàn theo quy định;
b) Thực hiện thường xuyên, định kỳ
công tác bảo dưỡng, sửa chữa hư hỏng nhỏ, thay thế các bộ phận thiết bị nhỏ lẻ
lắp đặt vào công trình theo tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình bảo trì để duy trì
công trình ở trạng thái khai thác, sử dụng bình thường, ổn định, hạn chế phát sinh
các hư hỏng;
c) Kiểm tra và thực hiện các biện
pháp bảo vệ công trình đường bộ và tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
thực hiện tuần kiểm, tuần đường để phát hiện các dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp
của công trình, các tồn tại về an toàn giao thông trên đường để kịp thời sửa
chữa, khắc phục;
d) Kết quả thực hiện
bảo dưỡng phải được ghi chép và lập hồ sơ; cơ quan quản lý đường bộ, tổ chức,
cá nhân quản lý, khai thác công trình có
trách nhiệm xác nhận việc hoàn thành bảo dưỡng và quản lý trong hồ sơ bảo trì
công trình đường bộ.
đ) Việc vận hành, khai thác và bảo
dưỡng công trình đường bộ được thực hiện theo kế hoạch bảo trì công trình đường
bộ được duyệt;
e) Việc áp dụng hình thức bảo dưỡng
theo chất lượng thực hiện đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
2. Sửa chữa công trình đường bộ gồm sửa chữa định
kỳ, sửa chữa đột xuất được thực hiện trong các trường hợp công trình đường bộ hư
hỏng, xuống cấp, thay thế thiết bị định kỳ về thời hạn hoặc tần suất khai thác,
sử dụng theo tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình bảo trì; khắc phục ùn tắc giao
thông. Giải pháp sửa chữa phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng lưu lượng
và tải trọng trên tuyến nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả công trình đường bộ.
a) Sửa chữa định kỳ bao gồm sửa chữa
khiếm khuyết, hư hỏng, thay thế bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công
trình bị hư hỏng được thực hiện định kỳ về thời hạn hoặc tần suất khai thác, sử
dụng theo tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình bảo trì được duyệt; sửa chữa cải thiện
tình trạng kỹ thuật của công trình đang khai thác; sửa chữa, khắc phục điểm
tiềm ẩn tai nạn giao thông; sửa chữa, nâng cấp hệ thống kiểm soát
tải trọng xe.
b) Sửa chữa đột xuất
công trình được thực hiện để khắc phục điểm đen về tai nạn giao thông hoặc khi
bộ phận công trình, công trình bị hư hỏng do thiên tai, va đập, cháy và những
tác động đột xuất khác hoặc khi bộ phận công trình, công trình có biểu hiện
xuống cấp, không bảo đảm an toàn cho khai thác, sử dụng.
3. Các công trình đường bộ có tính
chất kỹ thuật phức tạp, yêu cầu cao về an toàn trong khai thác, sử dụng, gồm:
đường cao tốc, cầu dây treo cấp II trở lên, hầm đường bộ cấp I trở lên và hầm
vượt sông, biển; phà và phương tiện đường bộ vượt sông; thiết bị vận hành khai
thác cầu quay và các công trình, hạng mục, thiết bị lắp đặt vào công trình đường
bộ có yêu cầu cao về an toàn, quá trình vận hành khai thác phải được kiểm soát
nghiêm ngặt về tải trọng khai thác, điều kiện an toàn công trình, an toàn phòng,
chống cháy, nổ; được kiểm tra, kiểm định, đánh giá định kỳ hoặc đánh giá khi có
dấu hiệu xuống cấp ảnh hưởng đến an toàn chịu lực, an toàn khai thác; sửa chữa,
thay thế bộ phận, hạng mục, thiết bị của công trình kịp thời khi hết thời hạn,
tần suất khai thác sử dụng hoặc khi có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp.
4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
quy định chi tiết nội dung, trình tự vận hành, khai thác, bảo trì công trình
đường bộ.
Điều 42. Sử dụng đường phố và
các hoạt động khác trên đường bộ
1. Lòng đường và hè phố chỉ được
sử dụng cho mục đích giao thông, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3
Điều này.
2. Các trường hợp sử dụng tạm thời
một phần lòng đường, hè phố như sau:
a) Điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ
các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội: thời gian sử dụng tạm thời
lòng đường không quá thời gian tổ chức hoạt động đó;
b) Điểm trung chuyển rác thải sinh
hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị: thời gian sử dụng từ 22 giờ
đêm ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
3. Vị trí lòng đường được phép sử
dụng tạm thời không vào mục đích giao thông phải đáp ứng các điều kiện dưới
đây:
a) Không thuộc tuyến quốc lộ đi qua
đô thị;
b) Phần lòng đường còn lại dành cho
các loại phương tiện có bề rộng tối thiểu bố trí đủ 02 làn xe cơ giới cho một
chiều đi.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều
này.
Điều 43. Sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ
1. Việc sử dụng tạm
thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ, trừ các
phương tiện chở nhiên liệu, chất dễ gây cháy, nổ, hóa chất ăn mòn kim loại, các
chất nguy hiểm khác và các phương tiện quá niên hạn sử dụng.
2. Việc sử dụng tạm
thời gầm cầu cạn theo quy định tại khoản 1 Điều này chỉ được
thực hiện trong trường hợp cầu không bị hư hỏng, không quá
thời hạn tuổi thọ khai thác, không trong thời gian thực hiện sửa chữa, kiểm
định, quan trắc công trình và phải đáp ứng các quy định tại khoản 3, khoản 4 và khoản 5
Điều này.
3. Khi sử dụng tạm
thời gầm cầu cạn có thời hạn làm nơi trông giữ phương tiện giao thông đường bộ
phải bảo đảm các quy định sau:
a) Phải bảo đảm an
toàn công trình đường bộ, an toàn giao thông; có thiết kế tổ chức giao thông đấu
nối nơi trông giữ xe với đường bộ trong khu vực;
b) Được cơ quan có
thẩm quyền chấp thuận về biện pháp phòng cháy chữa cháy;
c) Bảo đảm quy định
về bảo vệ môi trường;
d) Điểm cao nhất của
phương tiện đặt dưới gầm cầu phải cách điểm thấp nhất của dầm cầu không nhỏ hơn
1,5 m; phạm vi trông giữ phương tiện giao thông
đường bộ phải cách mố, trụ cầu một khoảng đủ để thực hiện bảo trì
công trình nhưng không nhỏ hơn 1,5 m;
đ) Phạm vi trông giữ
phương tiện giao thông đường bộ phải
được rào chắn, trừ các vị trí cho xe ra vào.
4. Đơn vị có nhu cầu sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ có văn bản đề nghị, kèm theo các tài liệu liên quan
quy định tại khoản 2 Điều này gửi cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ
tầng giao thông đường bộ để kiểm tra, chấp thuận khi đáp ứng các quy định tại
Điều này.
5. Đơn vị sử dụng tạm thời gầm cầu để trông giữ phương tiện giao thông phải di chuyển
ra khỏi phạm vi gầm cầu khi có yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ, cơ quan
nhà nước có thẩm quyền, chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác
công trình đường bộ mà không được yêu cầu bồi thường.
6. Trường hợp sử dụng tạm thời gầm
cầu vào việc trông giữ phương tiện giao thông đường bộ có thu phí, giá thì phải
thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
7. Chính phủ quy định trình tự, thủ
tục chấp thuận sử dụng tạm thời gầm cầu vào việc trông giữ phương tiện giao thông
đường bộ.
Điều 44. Trung tâm quản lý điều hành giao thông đường bộ
1. Trung tâm quản lý
điều hành giao thông đường bộ là nơi thu thập, lưu trữ, phân
tích, xử lý dữ liệu và hiển
thị thông tin về giao thông để phục vụ quản lý điều hành
giao thông đường bộ. Trung tâm quản lý điều hành giao thông đường bộ gồm: các công trình xây dựng phục vụ hoạt động quản lý điều hành
giao thông; các hệ thống thiết bị công nghệ quản lý điều hành giao thông.
2. Hệ thống thiết bị công nghệ quản
lý, điều hành giao thông đường bộ gồm các thiết bị công nghệ hiện đại để theo
dõi, thu thập dữ liệu về phương tiện tham gia giao thông, tình hình giao thông
trên đường, các thiết bị công nghệ truyền dẫn dữ liệu giao thông, các thiết bị
công nghệ lưu trữ, xử lý, phân tích dữ liệu và hiển thị để quản lý, điều hành
giao thông.
a) Các thiết bị công
nghệ lưu trữ, xử lý, phân tích dữ liệu và hiển thị được lắp đặt tại trung tâm
quản lý, điều hành giao thông;
b) Các thiết bị công
nghệ theo dõi, thu thập dữ liệu, hiển thị thông tin về giao thông được lắp đặt
trên đường bộ, nút giao, cầu, hầm và các vị trí cần thiết;
c) Các thiết bị truyền
dẫn kết nối từ các thiết bị công nghệ theo dõi, thu thập dữ liệu đến các thiết
bị công nghệ lưu trữ, xử lý, phân tích và hiển thị tại trung tâm quản lý điều
hành giao thông.
3. Trung tâm quản lý,
điều hành giao thông đảm bảo hoạt động liên tục 24/24 h. Khi có sự cố phải kịp
thời sửa chữa, khắc phục để nhanh chóng khôi phục để thực hiện quản lý điều
hành và giám sát giao thông.
Trung tâm quản lý điều
hành giao thông của các đoạn tuyến, tuyến được kết nối với trung tâm quản lý điều hành giao thông khu vực để quản lý điều hành giao thông đồng bộ, hiệu
quả.
Dữ liệu của trung tâm
quản lý điều hành giao thông đường bộ được kết nối với cơ sở dữ liệu giao thông
đường bộ.
4. Việc xây dựng trung
tâm quản lý điều hành giao thông phải được thực hiện khi đầu tư xây dựng đường
cao tốc, các tuyến đường có mật độ giao thông cao, hầm chiều dài lớn, quản lý
giao thông tại các đô thị và các trường hợp cần thiết khác.
5. Cơ quan quản lý
đường bộ, tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành, khai thác công trình đường
bộ vận hành khai thác trung tâm quản lý điều hành giao thông đường
bộ.
Điều 45. Bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, hệ thống kiểm soát tải trọng xe
trên đường bộ, trạm thu phí đường bộ
1. Trong đô thị, khi
xây dựng trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại - dịch vụ,
văn hóa và khu dân cư phải xây dựng đủ nơi đỗ xe phù hợp với quy mô của công
trình.
2. Bến xe, bãi đỗ xe,
trạm dừng nghỉ phải đầu tư xây dựng tại các vị trí phù hợp
đáp ứng các yêu cầu theo quy chuẩn kỹ thuật và phải
có các trạm sạc điện cho phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện.
3. Trạm thu phí đường
bộ là nơi thu tiền của người điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông
đường bộ theo cơ chế phí sử dụng đường bộ đối với đường được Nhà nước đầu tư,
theo cơ chế giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với đường được đầu tư để kinh
doanh.
Trạm thu phí đường
bộ thực hiện thu phí hoặc giá theo
hình thức thu phí tự động, trừ khi cần có làn ngoài cùng dành cho xe không phải
là đối tượng bị thu phí, giá, ô tô của nước ngoài được phép lưu thông ở một số
địa bàn theo hiệp định vận tải mà Việt Nam đã ký kết.
4. Hệ thống kiểm soát
tải trọng xe trên đường
bộ:
a) Hệ thống kiểm soát
tải trọng xe gồm các
thiết bị để xác định khối lượng, khổ giới hạn của phương tiện tham gia giao
thông trên đường bộ;
b) Hệ thống kiểm soát
tải trọng xe được xây dựng, lắp đặt tại khu vực
trạm thu phí và
vị trí cần thiết khác do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh quyết định đối đường thuộc phạm vi quản lý;
c) Cơ quan quản lý đường bộ, cơ quan chức năng
có thẩm quyền, tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì công trình đường
bộ sử dụng hệ thống kiểm soát tải trọng xe để thực hiện việc thu thập,
phân tích, đánh giá tác động của khối lượng xe, khổ giới hạn xe đến an toàn
đường bộ; kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định đối với xe quá
khổ giới hạn, quá tải trọng cho phép của đường bộ, xe cơi nới kích thước thùng
chứa hàng, xe chở hàng vượt quá khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở của xe.
5. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về hoạt động
của bến xe, trạm dừng nghỉ, bãi đỗ xe, hệ thống
kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ, trạm thu phí đường bộ; quy định trình tự, thủ tục công bố
đưa bến xe, trạm dừng nghỉ vào khai thác; ban hành quy chuẩn kỹ thuật về bến
xe, trạm dừng nghỉ; xây dựng tiêu chuẩn hệ thống
kiểm soát tải trọng xe.
Điều 46. Nguồn tài chính để
đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
1. Nguồn tài chính để đầu tư xây dựng, quản lý,
bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Nhà nước đầu tư được bảo đảm từ
ngân sách nhà nước; Ngân sách trung ương phân bổ cho hệ thống đường quốc lộ, Ngân sách địa
phương phân bổ cho hệ thống đường địa phương và được bố trí từ
các nguồn sau đây:
a) Nguồn phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách nhà
nước, gồm: phí sử dụng đường bộ thu
trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng ký lưu hành nộp ngân
sách trung ương; phí sử dụng đường bộ thu đối với phương tiện sử dụng cầu, hầm có quy mô lớn, đường bộ cao tốc, đường vành đai
đô thị được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc;
b) Các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ
và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật;
c) Trường hợp ngân sách trung ương chưa đáp ứng
nhu cầu đầu tư, cải tạo, nâng cấp, bảo trì quốc lộ và để ổn định, phát triển kinh
tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương,
ngân sách địa phương được hỗ trợ để đầu tư, cải tạo, nâng cấp, bảo trì quốc lộ đi qua địa bàn địa phương.
2. Nguồn tài chính để đầu tư xây dựng, quản lý,
bảo trì đường chuyên dùng, đường không do Nhà nước quản lý khai thác, đường được
đầu tư xây dựng không bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước do tổ chức, cá nhân
quản lý, khai thác công trình đường bộ chịu trách nhiệm.
Mục 4. ĐẦU TƯ, XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, BẢO TRÌ, VẬN HÀNH, KHAI
THÁC ĐƯỜNG CAO TỐC
Điều 47. Yêu cầu chung đối với đường cao tốc
Việc đầu tư xây dựng
đường cao tốc ngoài việc đáp ứng theo quy định tại Điều 31 của Luật này
còn phải đáp ứng các quy định sau:
1. Khi đầu tư xây dựng đường cao tốc phải:
a) Bảo đảm quy chuẩn,
tiêu chuẩn kỹ thuật,hiện đại, đồng bộ;
b) Xây dựng,
trang bị hệ thống kiểm soát tải trọng xe; trạm dừng nghỉ; trung tâm
quản lý, điều hành giao thông; hệ thống hàng rào bảo vệ; công trình phụ
trợ, thiết bị phục vụ quản lý vận hành, khai
thác đường cao tốc.
3. Giai đoạn
quản lý, vận hành, khai thác đường cao tốc phải:
a) Áp dụng công nghệ hiện đại
trong quản lý, vận hành, khai thác, tổ chức giao thông,
thu phí và bảo trì công trình;
b) Xây dựng quy chế phối hợp giữa
cơ quan quản lý đường bộ, lực lượng cảnh sát giao thông và chính quyền địa phương
trong tổ chức giao thông, vận hành, khai thác hiệu quả tuyến đường;
c) Xây dựng và thực hiện kế
hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả thiệt hại do thiên tai,
bão, lũ hàng năm;
d) Đầu tư, sửa chữa, thay thế kịp
thời bộ phận công trình, thiết bị hư hỏng, xuống cấp trong quá trình khai thác;
mua sắm thiết bị, vật tư, vật liệu xây dựng cần thiết để dự phòng cho việc sửa
chữa, thay thế.
4. Bảo đảm nguồn lực
cần thiết để quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì để bảo đảm chất lượng công
trình và an toàn trong suốt quá trình khai thác, sử dụng.
5. Kết cấu hạ tầng
giao thông đường cao tốc phải được bảo vệ nghiêm ngặt, chống mọi hành vi lấn chiếm,
sử dụng và xâm phạm trái phép.
Điều 48. Đầu tư xây dựng đường cao tốc để kinh doanh khai thác
1. Đầu tư xây dựng
đường cao tốc để kinh doanh khai thác thực hiện theo các hình thức đối tác công
tư và các hình thức khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Tổ chức, cá
nhân đầu tư xây dựng đường cao tốc quy
định tại khoản 1 Điều này được thu giá sử dụng đường cao tốc;
được thu giá khai thác sử dụng lắp đặt công trình đường dây, cáp điện, viễn
thông, ống cấp, thoát nước, ống dẫn năng lượng vào công trình hạ tầng kỹ thuật
sử dụng chung của đường cao tốc; được đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác
trạm dừng nghỉ của đường cao tốc và được thu các khoản khác theo quy định của
pháp luật.
3. Tổ chức, cá
nhân đầu tư xây dựng đường cao tốc quy
định tại khoản 1 Điều này có nghĩa vụ :
a) Thu giá sử dụng
đường cao tốc theo quy định của Nhà nước;
b) Bảo đảm chất lượng tuyến đường
cao tốc, chất lượng các công trình hạ tầng kỹ thuật chung do mình đầu tư khi
cho thuê lắp đặt các công trình hạ tầng kỹ thuật khác;
c) Đối xử bình đẳng với tổ chức,
cá nhân sử dụng dịch vụ đường cao tốc, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật
chung;
d) Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế
và các quy định khác của Nhà nước.
Điều 49. Quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc
Việc quản lý vận hành
khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc thực hiện theo quy định về
quản lý, vận hành, khai thác công trình đường bộ và các quy định
sau:
1. Sử dụng Hệ thống
quản lý, điều hành giao thông, trung tâm quản lý, điều hành giao thông để quản
lý, điều tiết giao thông, hướng dẫn cho người tham gia giao thông bảo đảm hiệu
quả giao thông trên toàn tuyến; phát hiện cảnh báo và xử lý tai nạn giao thông,
sự cố mất an toàn giao thông trên đường; theo dõi phương tiện vi phạm tốc độ,
tải trọng và dừng đỗ xe trái phép trên đường; theo dõi, thu thập dữ liệu khác
về tình trạng giao thông; lắp đặt biển báo hiệu đường bộ, biển báo hiệu điện tử
để thông báo về việc điều chỉnh tốc độ cho phép lưu thông khi cần thiết.
2. Công tác kiểm tra,
bảo vệ đường cao tốc được thực hiện thường xuyên liên tục; phải xử lý kịp thời
việc ùn tắc, hạn chế về tốc độ lưu thông, tai nạn giao thông, sự cố trên đường
cao tốc.
3. Cứu nạn trên
đường cao tốc
a) Đường cao tốc phải
được tổ chức thực hiện cứu nạn;
b) Tổ chức được giao
quản lý, vận hành khai thác đường cao tốc có trách nhiệm tuần tra, kiểm tra,
phát hiện tai nạn giao thông và tham gia cứu nạn kịp thời, thông báo đến cơ
quan, tổ chức có liên quan để tham gia cứu nạn, phân luồng, phân làn, điều chỉnh
và tổ chức lại giao thông khi cần. Chi phí cứu nạn do tổ chức được giao quản
lý, vận hành khai thác đường cao tốc thực hiện được tính trong chi phí vận hành
khai thác đường cao tốc.
4. Cứu hộ phương tiện
tham gia giao thông trên đường cao tốc
Khi phương tiện tham
gia trên đường cao tốc bị hư hỏng do tai nạn hoặc nguyên nhân khác thì phải kịp
thời di chuyển vào làn dừng xe khẩn cấp, sau đó đưa ra khỏi đường cao tốc.
Trường hợp người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện không thể di chuyển
kịp thời phương tiện theo quy định trên, tổ chức được giao quản lý, vận hành
khai thác tuyến đường phải tổ chức di chuyển phương tiện và được chủ phương
tiện thanh toán chi phí.
5. Đánh giá an toàn
khai thác sử dụng đường cao tốc
a) Mặt đường, sơn kẻ
đường, biển báo trên đường cao tốc, đèn đường, đèn trong hầm của đường cao tốc
phải được kiểm tra đánh giá định kỳ, đánh giá khi hết thời hạn theo thiết kế để
sửa chữa, khắc phục kịp thời các hạng mục xuống cấp, hư hỏng và thay thế thiết
bị bảo đảm chất lượng phục vụ giao thông cho các phương tiện đi trên đường cao
tốc thông suốt, an toàn;
b) Các công trình cầu,
hầm và các công trình khác phải được kiểm tra đánh giá tình trạng kỹ thuật công
trình và có biện pháp khắc phục kịp thời.
6. Lớp phủ mặt đường
cao tốc, vạch sơn trên mặt đường phải được sửa chữa, thay thế khi các chỉ tiêu
kỹ thuật không bảo đảm an toàn cho ô tô và các phương tiện giao thông được đi
vào đường cao tốc với tốc độ quy định cho tuyến đường.
7. Chi phí bảo trì
và quản lý vận hành khai thác phải được bố trí đảm bảo thực hiện các công việc nhằm
duy trì tình trạng kỹ thuật công trình theo yêu cầu của thiết kế trong suốt
thời gian sử dụng đường cao tốc, bảo đảm giao thông an toàn và thông suốt.
Chương III
PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Điều 50. Quản lý chất lượng an
toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường bộ
1. Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng
phải được quản lý về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường từ khi
sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và trong quá trình tham gia giao thông.
2. Xe cơ giới; xe máy chuyên dùng;
hệ thống, tổng thành, thiết bị, linh kiện của xe cơ giới phải đáp ứng các quy
định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ
môi trường.
Điều 51. Bảo đảm quy định về chất
lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới trong sản xuất, lắp
ráp, nhập khẩu
1. Xe ô tô phải được thiết kế, kiểm
tra, thử nghiệm, chứng nhận bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi
trường khi sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu theo quy định sau đây:
a) Có đủ hệ thống phanh có hiệu lực;
b) Có hệ thống lái có hiệu lực;
c) Vô lăng lái của xe ô tô ở bên
trái của xe; trường hợp xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có vô
lăng lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam thực hiện theo quy định của
Chính phủ;
d) Có đèn chiếu sáng phía trước gồm
đèn chiếu gần và đèn chiếu xa; đèn soi biển số, đèn phanh, đèn tín hiệu;
đ) Có tấm phản quang; có dải phản
quang đối với ô tô tải cỡ lớn;
e) Có vành, lốp đúng kích cỡ của
từng loại xe;
g) Có đủ gương chiếu hậu hoặc thiết
bị quan sát gián tiếp hoặc các trang bị, thiết bị khác bảo đảm khả năng quan
sát cho người điều khiển;
h) Kính chắn gió, kính cửa, kính
sau, kính nóc (nếu có) và kính ngăn cách các khoang (nếu có) phải là loại kính
an toàn;
i) Có còi với âm lượng phù hợp quy
định;
k) Có đồng hồ tốc độ phù hợp quy
định;
l) Có trang bị túi khí (ít nhất tại
vị trí người lái và vị trí người ngồi bên cạnh) và đệm tựa đầu đối với ô tô chở
người đến 09 chỗ;
m) Có ghế ngồi, giường nằm, dây đai
an toàn, cơ cấu neo giữ dây đai an toàn phù hợp quy định; có hướng dẫn để lắp
ghế ngồi, lắp dây đai an toàn dành cho trẻ em đối với ô tô con trong tài liệu
hướng dẫn sử dụng;
n) Các kết cấu (hệ thống, tổng thành,
linh kiện) phải có độ bền và bảo đảm tính năng vận hành ổn định;
o) Có bộ phận giảm thanh, giảm khói
và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm phát thải, tiếng ồn.
2. Rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo
bởi xe ô tô phải được thiết kế, kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận bảo đảm chất
lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu
theo quy định tại các điểm a, d (trừ đèn chiếu sáng phía trước), đ, e, h,
m và n khoản 1 Điều này; rơ moóc phải có cơ cấu chuyển hướng theo quy định.
3. Xe chở hàng bốn bánh có gắn động
cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ phải được kiểm tra, thử nghiệm, chứng
nhận bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật khi sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu theo
quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, n và o khoản 1 Điều này.
4. Xe mô tô, xe gắn máy phải được
kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận về hệ thống, tổng thành, linh kiện, an toàn kỹ
thuật chung và khí thải khi sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu theo quy định tại các
điểm a, b, d, đ, e, g, i, k, n và o khoản 1 Điều này. Xe mô tô, xe gắn máy phải
có đèn tín hiệu nhận diện khi tham gia giao thông.
5. Phương tiện giao thông công nghệ
mới, phương tiện giao thông đa tính năng phải được kiểm tra, thử nghiệm, chứng
nhận về hệ thống, tổng thành, linh kiện, an toàn kỹ thuật chung và khí thải khi
sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu theo quy định tại khoản 1 Điều này và các yêu cầu
đặc thù khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
6. Xe cơ giới phải đáp ứng mức khí
thải theo quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
7. Việc kiểm tra, thử nghiệm, chứng
nhận xe cơ giới, linh kiện, hệ thống, tổng thành, khí thải của xe cơ giới; quản
lý việc triệu hồi xe cơ giới; công nhận cơ sở thử nghiệm xe cơ giới, linh kiện,
hệ thống, tổng thành, khí thải của xe cơ giới; kiểm tra, hậu kiểm, giám sát
việc đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới
trong hoạt động sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu được cơ quan đăng kiểm phương tiện
tổ chức, thực hiện.
8. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
ban hành quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường
của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, hệ thống, tổng thành, linh kiện của xe cơ
giới; quy định nội dung, trình tự, thủ tục và tổ chức thực hiện kiểm soát thiết
kế, kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi
trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, hệ thống, tổng thành, linh kiện, an
toàn kỹ thuật chung và khí thải của xe cơ giới sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu; trừ
xe cơ giới của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.
Điều 52. Bảo đảm quy định về an
toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới để tham gia giao thông đường
bộ
1. Xe cơ giới tham gia giao thông
đường bộ phải bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định tại
Điều 51 của Luật này.
2. Xe ô tô; rơ moóc, sơ mi rơ moóc
được kéo bởi xe ô tô; xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ; xe chở người bốn
bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự khi tham gia giao thông đường bộ
phải được kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (sau đây gọi
là kiểm định). Các xe không tham gia giao thông đường bộ, nếu có nhu cầu có thể
đề nghị được kiểm định.
3. Xe cơ giới kiểm định đạt yêu cầu
được cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, tem
kiểm định. Trường hợp xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe ô tô hoạt động
trong phạm vi hạn chế, xe không được phép tham gia giao thông, xe không có nhu
cầu tham gia giao thông thì không cấp tem kiểm định.
4. Xe cơ giới đã có giấy tờ về chứng
nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, kiểm tra xuất xưởng từ nhà sản xuất
hoặc cơ quan đăng kiểm phương tiện thì không phải kiểm định trong các trường
hợp sau:
a) Xe mới được sản xuất, lắp ráp,
nhập khẩu di chuyển từ địa điểm sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kho, cảng, cửa
hàng về địa điểm cần thiết;
b) Xe cơ giới xuất khẩu di chuyển
từ cơ sở sản xuất, lắp ráp đến cảng để xuất khẩu.
5. Xe cơ giới tham gia giao thông
phải được bảo dưỡng định kỳ để đảm bảo duy trì tình trạng kỹ thuật của xe theo
hướng dẫn, khuyến cáo của nhà sản xuất.
6. Xe mô tô, xe gắn máy tham gia
giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải theo quy định về lộ
trình của Chính phủ.
7. Việc cải tạo, bảo dưỡng xe cơ
giới tham gia giao thông phải thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông
vận tải. Không được cải tạo các xe ô tô khác thành xe ô tô chở người.
8. Việc quản lý, tổ chức công tác
kiểm định, cải tạo xe cơ giới do cơ quan đăng kiểm phương tiện tổ chức, thực
hiện.
9. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
quy định trình tự, thủ tục, nội dung kiểm định, cải tạo xe cơ giới, kiểm tra
định kỳ về khí thải xe mô tô, xe gắn máy; tổ chức thực hiện kiểm định, cải tạo
xe cơ giới, kiểm tra định kỳ về khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng
Bộ Công an quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; trình
tự, thủ tục, nội dung và tổ chức kiểm định cho xe cơ giới của quân đội, công an
sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.
Điều 53. Niên hạn sử dụng của
xe cơ giới
1. Không quá 25 năm đối với xe ô
tô chở hàng (xe ô tô tải).
2. Không quá 20 năm đối với xe ô
tô chở người có số người cho phép chở, kể cả người lái, từ 10 người trở lên và xe
chở hàng bốn bánh có gắn động cơ.
3. Không quá 15 năm đối với xe chở
người bốn bánh có gắn động cơ.
4. Niên hạn sử dụng của xe được tính
bắt đầu từ năm sản xuất xe.
5. Niên hạn của xe cải tạo chuyển
đổi công năng thực hiện theo quy định sau:
a) Xe có niên hạn sử dụng cải tạo,
chuyển đổi công năng thành xe không có niên hạn sử dụng thì áp dụng quy định về
niên hạn của xe trước khi cải tạo;
b) Xe không có niên hạn sử dụng cải
tạo, chuyển đổi công năng thành xe có niên hạn sử dụng thì áp dụng quy định về
niên hạn của xe sau khi cải tạo.
6. Không áp dụng quy định tại khoản
1, khoản 2 và khoản 3 Điều này đối với xe của quân đội, công an phục vụ mục
đích quốc phòng, an ninh.
Điều 54. Trung tâm đăng kiểm xe
cơ giới; trạm kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy; bảo dưỡng, bảo hành xe cơ
giới
1. Việc kiểm định xe cơ giới do các
trung tâm đăng kiểm xe cơ giới thực hiện.
2. Các trung tâm đăng kiểm xe cơ
giới được thành lập theo quy định của pháp luật đảm bảo sự quản lý thống nhất của
nhà nước về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới.
3. Trung tâm đăng kiểm xe giới phải
tuân thủ các quy định của pháp luật; phải đáp ứng các điều kiện về diện tích
mặt bằng, nhà xưởng kiểm định, nhà văn phòng, thiết bị kiểm tra, dụng cụ kiểm
tra, hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống giám sát, truyền số liệu, đăng kiểm
viên và hệ thống quản lý chất lượng theo quy định.
4. Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới
phải sử dụng thiết bị kiểm tra, ứng dụng công nghệ thông tin để tự động hóa quá
trình kiểm định, kết nối và truyền dữ liệu kết quả kiểm định, hình ảnh giám sát
trực tiếp về cơ quan đăng kiểm phương tiện.
5. Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới
phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm đăng kiểm xe cơ giới do
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
6. Trung tâm đăng kiểm phải được
được cơ quan đăng kiểm phương tiện đánh giá và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện
hoạt động kiểm định xe cơ giới
7. Việc kiểm tra định kỳ khí thải
xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông được thực hiện tại các trạm kiểm tra
khí thải xe mô tô, xe gắn máy. Các trạm kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy
được thành lập theo quy định của pháp luật, phải đáp ứng các điều kiện về mặt
bằng, thiết bị kiểm tra, dụng cụ kiểm tra, hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống
giám sát, truyền số liệu, kiểm tra viên theo quy định; phù hợp quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia về trạm kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy do Bộ trưởng Bộ
Giao thông vận tải ban hành; được được cơ quan đăng kiểm phương tiện đánh giá
và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động.
8. Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất
lắp ráp, nhập khẩu xe cơ giới phải đảm bảo tổ chức thực hiện được việc bảo hành,
bảo dưỡng cho xe cơ giới sản xuất lắp ráp, nhập khẩu.
9. Chính phủ quy định chi tiết về
phân loại, điều kiện của trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và trạm kiểm tra khí thải
xe mô tô, xe gắn máy; quy định trình tự, thủ tục kiểm tra, đánh giá để cấp, cấp
lại, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động và duy trì đủ điều kiện
hoạt động kiểm định xe cơ giới cho trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và trạm kiểm
tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
10. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng
Bộ Công an quy định về cơ sở kiểm định xe cơ giới của quân đội, công an sử dụng
vào mục đích quốc phòng, an ninh.
Điều 55. Bảo đảm quy định về chất
lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe máy chuyên dùng
1. Xe máy chuyên dùng sản xuất, lắp
ráp, nhập khẩu phải được cơ quan đăng kiểm phương tiện kiểm tra, chứng nhận bảo
đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định sau đây:
a) Có đủ hệ thống phanh có hiệu lực;
b) Có hệ thống lái có hiệu lực;
c) Có đèn chiếu sáng;
d) Bảo đảm tầm nhìn cho người điều
khiển;
đ) Các bộ phận chuyên dùng phải lắp
đặt đúng vị trí, chắc chắn, bảo đảm an toàn khi di chuyển;
e) Bảo đảm khí thải, tiếng ồn theo
quy định;
g) Có kết cấu, hình dáng, bố trí,
tổng thành, hệ thống của xe đúng với thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế
cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chứng nhận.
2. Xe máy chuyên dùng tham gia giao
thông đường bộ phải được kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm
định. Xe máy chuyên dùng không tham gia giao thông đường bộ, nếu có nhu cầu thì
có thể đề nghị được kiểm định.
3. Xe máy chuyên dùng đã có giấy
tờ về chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, kiểm tra xuất xưởng từ nhà
sản xuất hoặc cơ quan đăng kiểm phương tiện có nhu cầu di chuyển từ địa điểm
sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kho, cảng, cửa hàng về về địa điểm cần thiết hoặc
để xuất khẩu thì không phải kiểm định.
4. Xe máy chuyên dùng phải được
bảo dưỡng định kỳ để đảm bảo duy trì tình trạng kỹ thuật của xe theo hướng dẫn,
khuyến cáo của nhà sản xuất.
5. Xe máy chuyên dùng hoạt động trong
phạm vi công trình thi công, khi tham gia giao thông phải có báo hiệu bằng đèn
và âm thanh để người, phương tiện khác cùng tham gia giao thông biết; phải có
phương án bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình đường bộ khi di
chuyển trên đường bộ.
6. Việc cải tạo, sửa chữa xe máy
chuyên dùng phải tuân theo quy định về bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo
vệ môi trường.
7. Việc kiểm tra, chứng nhận xe máy
chuyên dùng; quản lý việc triệu hồi xe máy chuyên dùng; quản lý, tổ chức công
tác kiểm định, cải tạo xe máy chuyên dùng được thực hiện bởi cơ quan đăng kiểm
phương tiện.
8. Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;
trình tự, thủ tục, nội dung và tổ chức kiểm định cho xe máy chuyên dùng của
quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.
Điều 56. Đăng kiểm viên
1. Đăng kiểm viên thực hiện các nhiệm
vụ sau:
a) Kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận
chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, xe máy chuyên dùng,
hệ thống, tổng thành, linh kiện của xe cơ giới trong sản xuất, lắp ráp, nhập
khẩu;
b) Kiểm định xe máy chuyên dùng;
c) Kiểm định xe cơ giới.
2. Điều kiện được cấp giấy chứng
nhận đăng kiểm viên thực hiện nhiệm vụ tại điểm a khoản 1 Điều này gồm:
a) Tốt nghiệp đại học trở lên các
chuyên ngành cơ khí động lực, cơ khí ô tô, xe máy chuyên dùng và tương đương;
b) Được tập huấn và thực tập nghiệp
vụ tối thiểu 12 tháng;
c) Được cơ quan đăng kiểm phương
tiện đánh giá đạt yêu cầu về thực hiện nghiệp vụ đăng kiểm viên.
3. Điều kiện được cấp giấy chứng
nhận đăng kiểm viên thực hiện nhiệm vụ tại điểm b khoản 1 Điều này là kỹ sư chuyên
ngành về cơ khí hoặc động cơ, được tập huấn nghiệp vụ.
4. Đăng kiểm viên kiểm định xe cơ
giới thực hiện nhiệm vụ tại điểm c khoản 1 Điều này có hai hạng: đăng kiểm viên
kiểm định xe cơ giới và đăng kiểm viên kiểm định xe cơ giới bậc cao.
5. Điều kiện được cấp giấy chứng
nhận hạng đăng kiểm viên kiểm định xe cơ giới:
a) Trình độ chuyên môn: tốt nghiệp
đại học chuyên ngành kỹ thuật về cơ khí, ô tô; trong chương trình đào tạo đại
học có các môn học về nội dung sau: lý thuyết ô tô, cấu tạo ô tô, kết cấu tính
toán ô tô, bảo dưỡng kỹ thuật ô tô, động cơ đốt trong và điện ô tô hoặc các nội
dung tương đương;
b) Được tập huấn và thực tập nghiệp
vụ tối thiểu 12 tháng;
c) Được cơ quan đăng kiểm phương
tiện đánh giá đạt yêu cầu về thực hiện nghiệp vụ đăng kiểm viên kiểm định xe cơ
giới;
d) Có giấy phép lái xe ô tô còn hiệu
lực.
6. Điều kiện được cấp giấy chứng
nhận hạng đăng kiểm viên kiểm định xe cơ giới bậc cao:
a) Là đăng kiểm viên kiểm định xe
cơ giới có kinh nghiệm tối thiểu 60 tháng;
b) Được tập huấn và được cơ quan
đăng kiểm phương tiện đánh giá đạt yêu cầu về thực hiện nghiệp vụ đăng kiểm viên
kiểm định xe cơ giới bậc cao;
c) Không bị đình chỉ đăng kiểm viên
trong vòng 12 tháng trước khi đánh giá.
7. Thời hạn hiệu lực của giấy chứng
nhận đăng kiểm viên kiểm định xe cơ giới là 36 tháng;
8. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
quy định về tập huấn và trình tự, thủ tục, nội dung, đánh giá để cấp, cấp lại,
thu hồi giấy chứng nhận đối đăng kiểm viên.
9. Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định về tiêu chuẩn của cán bộ, đăng kiểm viên
của cơ sở kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng của quân đội, công an
sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh
Điều 57. Điều kiện hoạt động của
xe thô sơ
1. Khi tham gia giao thông, xe
thô sơ phải bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định
cụ thể điều kiện, hoạt động của xe thô sơ tại địa phương mình.
Điều 58. Cơ sở dữ liệu xe cơ giới,
xe máy chuyên dùng
1. Cơ quan đăng kiểm phương tiện
chịu trách nhiệm quản lý cơ sở dữ liệu xe cơ giới, xe máy chuyên dùng sản xuất,
lắp ráp và nhập khẩu, cơ sở dữ liệu kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; thực
hiện lưu trữ, cập nhật đầy đủ thông tin, thông số kỹ thuật, lịch sử kiểm định
của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.
2. Cơ sở dữ liệu xe cơ giới, xe máy
chuyên dùng được quản lý tập trung, thống nhất, an toàn; duy trì, khai thác, sử
dụng hiệu quả và lưu trữ lâu dài; đảm bảo việc kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ
liệu dùng chung của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Điều 59. Trách nhiệm của chủ xe,
người lái xe; chủ đầu tư, cá nhân, doanh nghiệp thành lập trung tâm đăng kiểm;
người đứng đầu trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, đăng kiểm viên kiểm định xe cơ
giới
1. Chủ xe (chủ phương tiện) không
được tự thay đổi kết cấu, hình dáng, bố trí, tổng thành, hệ thống của xe không
đúng với thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có
thẩm quyền phê duyệt.
2. Chủ xe, người lái xe chịu trách
nhiệm bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ, duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ
môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng giữa 02 kỳ kiểm định.
3. Tổ chức, cá nhân thành lập trung
tâm đăng kiểm xe cơ giới chịu trách nhiệm đối với các hoạt động của trung tâm
đăng kiểm xe cơ giới.
4. Người đứng đầu trung tâm đăng
kiểm xe cơ giới và đăng kiểm viên kiểm định xe cơ giới trực tiếp thực hiện việc
kiểm định phải chịu trách nhiệm về việc xác nhận kết quả kiểm định.
5. Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất
lắp ráp, nhập khẩu xe cơ giới có trách nhiệm tuân thủ các quy định về kiểm tra,
chứng nhận, thử nghiệm, kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi
trường của xe cơ giới.
Chương IV
VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ
Mục 1. HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI ĐƯỜNG
BỘ
Điều 60. Hoạt động vận tải đường
bộ
1. Hoạt động vận tải đường bộ là hoạt động do tổ chức, cá nhân sử dụng xe thô sơ, xe
cơ giới để vận chuyển người, hàng hoá trên đường bộ trong nước, quốc tế; bao gồm hoạt động kinh doanh vận tải và hoạt động vận tải nội bộ.
2. Hoạt động vận tải đường bộ
trong nước là hoạt động do tổ chức,
cá nhân sử dụng xe thô sơ, xe cơ giới để
vận chuyển người, hàng hoá trên đường bộ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
3. Hoạt động vận tải đường bộ quốc
tế là hoạt động do tổ chức, cá nhân sử dụng xe ô tô để vận chuyển người, hàng
hoá qua lại giữa Việt Nam với các nước. Xe ô tô vận tải đường bộ quốc tế của nước khác không được hoạt động vận
chuyển người và hàng hóa có điểm bắt đầu và điểm kết thúc cùng nằm trên lãnh
thổ Việt Nam;
4. Kinh doanh vận tải
bằng xe ô tô là việc tổ chức, cá nhân thực hiện ít nhất một trong các
công đoạn gồm: điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định
giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích
sinh lợi. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện
gồm kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ô
tô.
5. Kinh doanh vận tải
hành khách bằng xe ô tô gồm: kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, kinh
doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp
đồng và loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới (nếu có).
6. Kinh doanh
vận tải hành khách bằng xe buýt là loại hình kinh doanh vận tải hành khách gồm:
a)
Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt liên tỉnh là việc sử dụng xe ô tô chở
khách để vận chuyển hành khách với hành trình, lịch trình nhất định, xuất phát
và kết thúc tại bến xe khách;
b)
Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt đô thị là việc sử dụng xe ô tô khách
thành phố để vận chuyển hành khách với hành trình, lịch trình nhất định, xuất phát
và kết thúc tại điểm đầu, điểm cuối nằm trong phạm vi địa giới hành chính cấp
tỉnh.
7. Kinh doanh
vận tải hành khách bằng xe taxi là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô con để thực hiện vận chuyển theo yêu cầu của
hành khách, phương thức tính tiền cước chuyến đi do hành khách lựa chọn theo
một trong các phương thức sau đây:
a) Tiền cước được tính thông qua
đồng hồ tính tiền;
b) Tiền cước được tính qua phần mềm
tính tiền có kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử;
c) Tiền cước được tính theo hợp đồng trọn gói trên cơ sở cự ly chuyến đi và thời gian vận chuyển.
8. Kinh doanh
vận tải hành khách theo hợp đồng là loại hình kinh doanh vận tải
hành khách sử dụng xe ô tô chở khách để thực hiện
theo hợp đồng vận chuyển hành khách (bằng văn bản giấy
hoặc điện tử) giữa đơn vị kinh doanh
vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm
cả thuê người lái xe).
9. Hoạt động vận tải
nội bộ là hoạt động vận chuyển người, hàng hóa nội bộ của chính đơn vị mình,
nguyên nhiên vật liệu, trang thiết bị và các động sản khác để phục vụ quá trình
sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ mà chi phí vận tải tính vào giá thành
sản phẩm hoặc dịch vụ đó.
10. Chính phủ quy định
cụ thể về loại hình kinh doanh vận tải; quy định về điều kiện kinh doanh, trình
tự, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; quy định về tổ chức
hoạt động và trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động vận tải nội bộ.
Điều 61. Thời gian làm việc của
người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ, người
lái xe ô tô kinh doanh vận tải
1. Thời gian làm việc
của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ
a) Người lái
xe chỉ được lái xe tối đa 10 giờ sau khoảng thời gian nghỉ liên tục không lái
xe tối thiểu là 08 giờ trước đó, đồng
thời không được lái xe liên tục quá 04 giờ;
b) Thời gian nghỉ giữa
hai lần lái xe liên tục tối thiểu là 15 phút.
2. Người lái xe ô tô kinh doanh vận tải
Người có giấy phép
lái xe ô tô muốn hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải phải được đào tạo nghiệp
vụ vận tải và được cấp Chứng chỉ hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải.
3. Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải quy định chương trình khung đào tạo nghiệp vụ vận tải.
4. Chính phủ quy định
về trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải.
Điều 62. Công tác quản lý an toàn giao thông
trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô của đơn vị vận tải
1. Công tác
quản lý an toàn giao thông trong hoạt
động vận tải bằng xe ô tô bao gồm các công việc tối thiểu
sau:
a) Theo dõi, giám sát hoạt động của
lái xe và phương tiện trong suốt quá trình hoạt động vận tải; thực hiện chế độ
bảo dưỡng sửa chữa phương tiện đúng quy định; kiểm tra điều kiện an toàn giao thông của xe và lái xe ô tô
trước khi thực hiện nhiệm vụ vận chuyển;
b) Giám sát việc chấp
hành quy định về tốc độ, thời gian của người lái xe khi
điều khiển phương tiện;
c) Quy định về kiểm tra, giám sát
để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe khi kết thúc hành trình (áp dụng đối
với xe vận tải hành khách); phương án xử lý khi xảy ra tai nạn giao thông;
d) Xây dựng phương án xử lý khi xảy
ra tan nạn giao thông;
đ) Phổ biến, hướng dẫn nghiệp vụ
vận tải và an toàn giao thông cho lái xe.
2. Trách nhiệm của đơn vị vận tải
bằng xe ô tô:
a) Xây dựng và thực
hiện các nội dung theo quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Doanh nghiệp,
hợp tác xã hoạt động vận tải phải có bộ phận quản lý an toàn giao thông; cá nhân,
hộ kinh doanh vận tải phải có người quản lý về an toàn giao thông hoặc được thuê người quản lý an toàn giao thông (nếu không
tự thực hiện) đảm bảo năng lực xây dựng và thực hiện được đầy đủ quy
trình đảm bảo an toàn giao thông theo quy định;
c) Tập huấn cho người đứng đầu bộ phận quản lý về an toàn
giao thông, người quản lý về an toàn giao thông theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành;
d) Sử dụng xe
ô tô tham gia vận tải phải đáp ứng các điều kiện tham gia giao thông theo quy
định; phải có dây đai an toàn tại các vị trí ghế ngồi, giường nằm, có hướng dẫn
cho hành khách về an toàn giao thông và thoát hiểm khi xảy ra sự cố trên xe theo quy định;
đ) Lập, cập
nhật đầy đủ các nội dung về quá trình hoạt động của phương tiện và lái xe thuộc
đơn vị vào lý lịch phương tiện, lý lịch hành nghề lái xe theo quy định.
3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
quy định về quản lý an toàn giao thông, tập huấn về công tác đảm
bảo an toàn giao thông và quy trình bảo đảm an toàn giao thông; lập, cập nhập
lý lịch phương tiện, lý lịch hành nghề lái xe.
Điều 63. Vận tải hành khách bằng
xe ô tô
1. Việc vận chuyển
hành khách bằng xe ô tô phải thực hiện quy định tại Điều 60,
Điều 61 và Điều 62 của Luật này và phải chấp hành các quy định sau đây:
a) Đón, trả hành khách đúng nơi quy
định; yêu cầu và hướng dẫn hành khách trên xe thắt dây đai an toàn trong suốt
quá trình xe chạy trên đường, hướng dẫn sử dụng trang thiết bị an toàn trên xe;
có biện pháp giữ gìn vệ sinh trong xe;
b) Không chở hành khách trên mui,
trong khoang chở hành lý hoặc để hành khách đu, bám bên ngoài xe;
c) Không chở hàng nguy hiểm, hàng
cấm lưu hành, hàng lậu, động thực vật hoang dã, hàng có mùi hôi thối hoặc động
vật, hàng hóa khác có ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách;
d) Không chở hành khách, hành lý,
hàng hóa vượt quá trọng tải, số người theo quy định;
đ) Không để hàng hóa trong khoang
chở hành khách;
e) Không được tự ý chuyển hành khách
sang phương tiện khác, trừ trường hợp bất khả kháng;
g) Không sử dụng xe ô tô khách có
giường nằm hai tầng để hoạt động trên các tuyến đường cấp V, VI miền núi;
h) Không sử dụng lái xe có dưới 02
năm kinh nghiệm để điều khiển xe giường nằm hai tầng; tổ chức khám sức khỏe định
kỳ cho người lái xe và sử dụng người lái xe đủ sức khỏe
theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
2. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô
a) Không được
để tổ chức, cá nhân không có giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thay mình thực hiện điều hành phương
tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước để vận chuyển hành khách;
b) Không được sử dụng
người lái xe đang trong thời kỳ bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật;
c) Xây dựng và công
bố tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải.
3. Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng
xe ô tô.
Điều 64. Vận tải hành khách công cộng bằng xe ô tô
1. Vận tải hành khách
công cộng bằng xe ô tô là hoạt động kinh doanh vận tải hành khách sử dụng
xe ô tô khách thành phố theo tuyến và lịch trình cố định trên
đường bộ với dịch vụ vận tải ổn định và tin cậy, đáp ứng
nhu cầu đi lại thường xuyên của người dân.
2. Hoạt động hành khách
công cộng bằng xe ô tô phải đáp ứng các quy định tại Điều 63 của Luật này.
3. Cơ chế, chính sách
phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe ô tô
a) Ưu đãi thuế nhập
khẩu đối với những loại phụ tùng, linh kiện mà trong nước chưa sản xuất được để
sản xuất, lắp ráp phương tiện theo quy định của pháp luật về thuế; lệ phí trước
bạ đối với phương tiện vận tải sử dụng năng lượng sạch theo quy định của Luật
phí và lệ phí;
b) Trợ giá cho người
sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng; chính sách miễn, giảm giá vé cho
một số đối tượng chính sách, người cao tuổi khi sử dụng dịch vụ vận tải khách
công cộng;
c) Ưu tiên tiếp cận
các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách
công cộng, đầu tư phương tiện;
d) Miễn, giảm
tiền thuê đất đối với phần diện tích bãi đỗ xe, xưởng bảo dưỡng
phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng theo quy định của pháp luật về
đất đai;
đ) Điểm đầu, điểm cuối
hoặc bến xe, trạm trung chuyển, điểm dừng đỗ đón, trả khách phải được ưu tiên
bố trí xây dựng tại các đầu mối giao thông, ga đường sắt, cảng hàng không, khu
đô thị có mật độ dân cư lớn để kết nối với các phương thức vận tải đường sắt,
hàng không và vận tải trong đô thị; ưu tiên đầu tư, xây dựng và bố trí đường,
làn đường dành riêng cho xe buýt.
4. Chính phủ ban hành
cơ chế, chính sách cụ thể phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe ô tô.
Điều 65. Quyền và nghĩa vụ của
đơn vị kinh doanh vận tải hành
khách bằng xe ô tô
1. Đơn vị kinh
doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có các quyền sau
đây:
a) Thu cước, phí vận tải;
b) Từ chối vận chuyển những người
đã có vé hoặc người trong danh sách hành khách có hành vi
gây rối trật tự công cộng, gây cản trở hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, ảnh hưởng
đến sức khoẻ, tài sản của người khác, gian lận vé hoặc hành khách đang bị dịch
bệnh nguy hiểm.
2. Đơn vị
kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có các nghĩa vụ
sau đây:
a) Chấp hành và thực hiện đầy đủ
quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; thực hiện đầy
đủ các cam kết về chất lượng vận tải, hợp đồng vận tải;
b) Mua bảo hiểm cho hành khách; phí
bảo hiểm được tính vào giá vé hành khách;
c) Cung cấp vé, chứng từ thu cước,
phí vận tải cho hành khách;
d) Bồi thường thiệt hại do người
làm công, người đại diện gây ra cho hành khách trong khi thực hiện công việc được
đơn vị kinh doanh vận tải hành khách giao;
đ) Chịu trách nhiệm về hậu quả mà
người làm công, người đại diện gây ra do thực hiện yêu cầu của đơn vị kinh doanh vận tải hành
khách trái quy định của Luật này.
Điều 66. Quyền và nghĩa vụ của
người lái xe, nhân viên phục
vụ trên xe ô tô kinh doanh vận
tải hành khách
1. Lái xe, nhân viên phục vụ
trên xe vận tải hành khách có các quyền sau đây:
a) Từ chối vận chuyển những người
đã có vé hoặc người trong danh sách hợp đồng có hành vi gây rối trật tự công
cộng, gây cản trở công việc của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, ảnh
hưởng đến sức khoẻ, tài sản của người khác, gian lận vé hoặc hành khách đang bị
dịch bệnh nguy hiểm phải cách ly theo quyết định của cơ quan y tế;
b) Từ chối điều khiển phương tiện
khi phát hiện phương tiện không đảm bảo các điều kiện về an toàn, không có hoặc
không có đủ dây đai an toàn cho hành khách trên xe; phương tiện không có thiết
bị giám sát hành trình, camera (đối với loại phương tiện quy định
phải lắp) hoặc có lắp nhưng thiết bị không hoạt động.
2. Lái xe, nhân viên phục vụ trên
xe vận tải hành khách có các nghĩa vụ sau đây:
a) Trước khi cho xe khởi hành phải
kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn của xe, hướng dẫn cho hành khách về an
toàn giao thông và thoát hiểm khi gặp sự cố, yêu cầu hành khách thắt dây đai an
toàn;
b) Có thái độ văn minh, lịch sự,
hướng dẫn hành khách ngồi đúng nơi quy định, bố trí chỗ ngồi ưu tiên cho người khuyết
tật, người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em;
c) Kiểm tra việc sắp xếp, chằng buộc
hành lý, hàng hóa bảo đảm an toàn;
d) Giữ gìn trật tự, vệ sinh
trong xe;
đ) Không được sử dụng các biện pháp
kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình
hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng định vị vệ tinh toàn cầu, sóng viễn thông
hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe.
Điều 67. Quyền và nghĩa vụ của
hành khách
1. Hành khách có các quyền sau
đây:
a) Được vận chuyển theo đúng vé,
hợp đồng vận tải, cam kết của người kinh doanh vận tải về chất lượng vận tải;
b) Được miễn cước hành lý với trọng
lượng không quá 20 kg và với kích thước phù hợp với thiết kế của xe;
c) Được nhận vé hoặc
chứng từ thay vé; được từ chối chuyến đi trước khi phương tiện khởi hành
và được trả lại tiền vé theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
2. Hành khách có các nghĩa vụ
sau đây:
a) Thanh toán tiền cước chuyến đi,
cước hành lý mang theo vượt quá mức quy định tại điểm b khoản 1 Điều này theo
giá vé niêm yết hoặc theo thoả thuận với đơn vị kinh doanh vận tải;
b) Có mặt tại nơi xuất phát đúng
thời gian đã thỏa thuận; chấp hành quy định về vận chuyển; thực hiện đúng hướng
dẫn của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe về các quy định bảo đảm trật tự, an
toàn giao thông;
c) Không mang theo hành lý, hàng
hóa mà pháp luật cấm lưu thông;
d) Thực hiện phòng chống dịch bệnh
theo quy định của pháp luật.
Điều 68. Vận tải hàng hóa bằng
xe ô tô
1. Việc vận chuyển
hàng hoá bằng xe ô tô phải thực hiện quy định tại Điều 60,
Điều 61 và Điều 62 của Luật này và phải chấp hành các
quy định sau đây:
a) Hàng vận chuyển trên xe phải được
xếp đặt gọn gàng và chằng buộc chắc chắn, đảm bảo không gây nguy hiểm cho người
và phương tiện tham gia giao thông; không cản trở tầm nhìn của lái xe, làm mất
thăng bằng của xe hoặc làm khó điều khiển xe; không được che khuất đèn, biển số
đăng ký của xe;
b) Khi vận chuyển hàng rời, vật liệu
xây dựng, phế thải phải che đậy kín, không để rơi vãi xuống đường hoặc gây ra
tiếng ồn, bụi bẩn trong suốt quá trình vận chuyển trên đường và chiều cao tối
đa của hàng phải thấp hơn mép trên thành thùng xe tối thiểu 10 cm;
c) Khi xếp hàng hoá
vượt phía trước và phía sau xe thì ban ngày phải có cờ báo hiệu màu đỏ tại điểm
đầu và điểm cuối cùng của hàng hoá, khi xe hoạt động vào ban đêm hoặc khi trời
tối phải có đèn đỏ báo hiệu;
d) Khi vận chuyển hàng hóa trên đường
phải có Giấy vận tải theo quy định.
2. Chứng từ vận chuyển
a) Chứng từ vận chuyển
bao gồm giấy vận tải và chứng từ vận chuyển khác. Mẫu giấy vận tải do đơn vị
kinh doanh vận tải phát hành;
b) Giấy vận tải là chứng từ vận chuyển
làm bằng chứng về việc người lái xe đã nhận hàng hóa với số lượng, chủng loại,
tình trạng hàng hoá để vận chuyển đến nơi trả hàng; là bằng chứng của hợp đồng
vận chuyển hàng hóa;
c) Chứng từ
vận chuyển khác là chứng từ do người vận chuyển và người thuê vận chuyển thỏa
thuận về nội dung, giá trị.
3. Đơn vị vận tải hàng hóa bằng xe
ô tô, người lái xe vận tải hàng hoá không được thực hiện các hành vi sau đây:
a) Chở hàng vượt quá khối lượng hàng
hoá cho phép tham gia giao thông hoặc vượt quá khổ giới giới hạn cho phép của
xe;
b) Chở người trong thùng xe, trừ
trường hợp pháp luật cho phép.
4. Hoạt động
vận chuyển xe đạp, xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự qua hầm đường
bộ bằng xe ô tô là hoạt động kinh doanh vận tải hàng hoá.
5. Đơn vị kinh doanh
vận tải hàng hoá bằng xe ô tô
a) Không được
để tổ chức, cá nhân không có giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thay mình thực hiện điều hành phương
tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước để vận chuyển hành khách;
b) Không được sử dụng
người lái xe đang trong thời kỳ bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật.
6. Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải hàng hoá bằng xe ô
tô.
Điều 69. Quyền và nghĩa vụ của
đơn vị kinh doanh vận tải hàng
hóa bằng xe ô tô
1. Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô có
các quyền sau đây:
a) Yêu cầu người thuê vận tải cung
cấp thông tin cần thiết về hàng hóa để ghi vào giấy vận chuyển và có quyền kiểm
tra tính xác thực của thông tin đó;
b) Yêu cầu người thuê vận tải thanh
toán đủ cước, phí vận tải và chi phí phát sinh; yêu cầu người thuê vận tải bồi
thường thiệt hại do vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng;
c) Từ chối vận chuyển nếu người thuê
vận tải không giao hàng hóa theo thỏa thuận trong hợp đồng;
d) Yêu cầu giám định hàng hóa khi
cần thiết;
đ) Lưu giữ hàng hoá trong trường
hợp người thuê vận tải không thanh toán đủ cước phí vận tải và chi phí phát sinh
theo thoả thuận trong hợp đồng.
2. Đơn vị kinh
doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô có các nghĩa vụ sau
đây:
a) Tổ chức khám
sức khỏe định kỳ cho người lái xe và sử dụng người lái xe
đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
b) Cung cấp
phương tiện đúng loại, thời gian, địa điểm và giao hàng hóa cho người nhận hàng
theo thỏa thuận trong hợp đồng; cấp giấy vận tải cho lái xe trước
khi thực hiện vận chuyển;
c) Hướng dẫn,
kiểm tra việc xếp, dỡ hàng hóa trên phương tiện đảm bảo không vượt quá khối
lượng hàng hoá cho phép tham gia giao thông hoặc khổ giới hạn cho phép của xe
và các chỉ dẫn an toàn trong quá trình vận chuyển, giao nhận hàng hóa;
d) Bồi thường
thiệt hại cho người thuê vận tải do mất mát, hư hỏng hàng hóa xảy ra trong quá
trình vận tải từ lúc nhận hàng đến lúc giao hàng, trừ trường hợp miễn bồi
thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
đ) Bồi thường
thiệt hại do người làm công, người đại diện gây ra trong khi thực hiện công
việc được đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá
bằng xe ô tô giao;
e) Chịu trách
nhiệm về hậu quả mà người làm công, người đại diện gây ra do thực hiện yêu cầu
của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ô tô trái quy định của Luật này.
Điều 70. Quyền và nghĩa vụ của
người lái xe vận tải hàng hoá bằng xe ô tô
1. Lái xe vận tải hàng hoá bằng xe ô tô có các quyền sau đây:
a) Từ chối điều khiển phương tiện
khi: phát hiện phương tiện không đảm bảo các điều kiện về an toàn; phương tiện
không có thiết bị giám sát hành trình, camera (đối với loại phương tiện bắt
buộc phải lắp) hoặc có lắp nhưng thiết bị không hoạt động; phương tiện xếp hàng
vượt quá khối lượng hàng hóa cho phép tham gia giao thông, vượt quá tải trọng,
khổ giới hạn cầu đường hoặc quá khổ giới hạn của xe; hàng hóa cấm lưu thông
theo quy định của pháp luật; không có
Giấy vận tải;
b) Trước khi thực hiện vận chuyển
hàng hóa, lái xe yêu cầu người chịu trách nhiệm xếp hàng hóa lên xe ký xác nhận
việc xếp hàng vào Giấy vận tải; từ chối vận chuyển nếu việc xếp hàng không đúng
quy định của pháp luật.
2. Lái xe vận tải hàng hoá bằng xe ô tô có các nghĩa vụ sau đây:
a) Kiểm tra các điều kiện bảo đảm
an toàn của xe trước khi tham gia giao thông;
b) Khi vận chuyển hàng hóa, lái xe
phải mang theo Giấy vận tải và các giấy tờ của lái xe và phương tiện theo quy
định của pháp luật;
c) Kiểm tra việc sắp xếp hàng hóa
bảo đảm an toàn; không chở quá khối lượng hàng hoá cho phép tham gia giao thông
hoặc vượt quá khổ giới hạn của xe;
d) Không được sử dụng các biện pháp
kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình
hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng định vị vệ tinh toàn cầu, sóng viễn thông
hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe.
Điều 71. Quyền và nghĩa vụ của
người thuê vận tải hàng hóa bằng xe ô tô
1. Người thuê vận tải hàng hóa bằng xe ô tô có các quyền sau đây:
a) Từ chối xếp hàng hóa lên phương
tiện mà phương tiện đó không đúng thỏa thuận trong hợp đồng;
b) Yêu cầu người kinh doanh vận tải
hàng hoá bằng xe ô tô giao hàng đúng thời gian, địa điểm
đã thỏa thuận trong hợp đồng;
c) Yêu cầu người kinh doanh vận tải
bằng xe ô tô bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp
luật.
2. Người thuê vận tải hàng hóa bằng xe ô tô có các nghĩa vụ sau đây:
a) Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ hợp pháp
về hàng hóa trước khi giao hàng hóa cho người kinh doanh vận tải; đóng gói hàng
hóa đúng quy cách, ghi ký hiệu, mã hiệu hàng hóa đầy đủ, rõ ràng; giao hàng hóa
cho người kinh doanh vận tải đúng thời gian, địa điểm và nội dung khác ghi
trong hợp đồng;
b) Không được
yêu cầu hoặc thực hiện việc xếp hàng hóa vượt quá khối lượng cho phép tham gia
giao thông hoặc vượt quá khổ giới hạn của xe;
c) Thanh toán
đủ cước, phí vận tải và chi phí phát sinh cho người kinh doanh vận tải hàng
hóa;
d) Cử người
áp tải hàng hóa trong quá trình vận tải đối với loại hàng hóa bắt buộc phải có người
áp tải.
Điều 72. Quyền và nghĩa vụ của
người nhận hàng
1. Người nhận hàng có các quyền
sau đây:
a) Nhận và kiểm tra hàng hóa nhận
được theo hợp đồng hoặc chứng từ tương đương khác;
b) Yêu cầu người kinh doanh vận tải
thanh toán chi phí phát sinh do giao hàng chậm;
c) Yêu cầu hoặc thông báo cho người
thuê vận tải để yêu cầu người kinh doanh vận tải bồi thường thiệt hại do mất
mát, hư hỏng hàng hóa;
d) Yêu cầu giám định hàng hóa khi
cần thiết.
2. Người nhận hàng có các nghĩa vụ
sau đây:
a) Nhận hàng hóa đúng thời gian,
địa điểm đã thỏa thuận; xuất trình hợp đồng và giấy tờ tùy thân cho người kinh doanh
vận tải trước khi nhận hàng hóa;
b) Thanh toán chi phí phát sinh do
nhận hàng chậm;
c) Thông báo cho người kinh doanh
vận tải về mất mát, hư hỏng hàng hoá ngay khi nhận hàng hoá hoặc chậm nhất là
ba ngày, kể từ ngày nhận hàng hoá nếu không thể phát hiện thiệt hại ngay khi
nhận hàng.
Điều 73. Vận chuyển hàng hoá siêu
trường, siêu trọng
1. Hàng hoá siêu trường, siêu trọng
là hàng có kích thước hoặc trọng lượng vượt quá giới hạn quy định nhưng không
thể tháo rời ra được.
2. Việc vận chuyển hàng hoá siêu
trường, siêu trọng phải sử dụng xe vận tải phù hợp với loại hàng và phải có giấy
phép sử dụng đường bộ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
3. Xe vận chuyển hàng hoá siêu trường, siêu trọng phải thực hiện
đúng các quy định trong giấy phép lưu hành đường bộ, chạy đúng hành trình, lịch
trình, tốc độ quy định và phải có báo hiệu kích thước của hàng, trường hợp cần
thiết phải bố trí người chỉ dẫn, điều tiết giao thông để bảo đảm an toàn giao
thông.
4. Xe vận chuyển hàng siêu trường,
siêu trọng được phép ghép, nối thành tổ hợp nhiều xe gồm ô tô đầu kéo, ô tô kéo
rơ moóc để kéo hoặc vừa kéo vừa đẩy các rơ moóc, sơ mi rơ moóc chuyên dùng, bao
gồm cả trường hợp ghép nối thông qua hàng được chở.
5. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
quy định về vận chuyển và trình tự, thủ tục cấp giấy phép vận chuyển hàng hoá siêu
trường, siêu trọng.
Điều 74. Vận chuyển động vật sống
1. Tùy theo loại động vật sống, người
kinh doanh vận tải yêu cầu người thuê vận tải bố trí người áp tải để chăm sóc
trong quá trình vận tải.
2. Người thuê vận tải chịu trách
nhiệm về việc xếp, dỡ động vật sống theo hướng dẫn của người kinh doanh vận tải;
trường hợp người thuê vận tải không thực hiện được thì phải trả cước, phí xếp,
dỡ cho người kinh doanh vận tải.
3. Việc vận chuyển động vật sống
trên đường phải tuân theo quy định của pháp luật về vệ sinh, phòng dịch và bảo vệ
môi trường.
Điều 75. Vận chuyển hàng hoá nguy
hiểm
1. Việc vận
chuyển hàng hoá nguy hiểm phải có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;
trong trường hợp cần thiết, đơn vị vận chuyển hàng hoá nguy hiểm phải bố trí
người áp tải để đảm bảo an toàn giao thông.
2. Xe vận chuyển hàng hoá nguy hiểm:
a) Không
được dừng, đỗ ở nơi đông người, những nơi dễ xảy ra nguy hiểm;
b) Chạy
đúng hành trình, lịch trình, tốc độ quy định và phải có báo hiệu nguy hiểm theo
quy định;
c) Được lắp
thiết bị giám sát hành trình, camera đảm bảo giám sát người lái xe, phía trước
và phía sau xe.
3. Người lái xe hoặc
người áp tải vận chuyển hàng hoá nguy hiểm phải được đào tạo và có chứng nhận
chuyên môn về vận chuyển hàng hoá nguy hiểm theo quy định.
4. Không được vận chuyển các loại
thuốc nổ, khí ga, xăng, dầu và các chất dễ cháy, nổ khác đi qua các công trình
hầm đường bộ có chiều dài từ 100 m trở lên.
5. Khi qua phà, phương tiện đã được
cấp phép vận chuyển hàng hoá nguy
hiểm đang thực hiện vận chuyển các loại thuốc nổ, khí ga, xăng, dầu và các chất
dễ cháy, nổ khác phải đi trên một chuyến phà riêng, không có phương tiện hoặc
người tham gia giao thông khác đi cùng trên chuyến phà đó.
6. Chính phủ quy định
về danh mục hàng hoá nguy hiểm, vận chuyển hàng hoá nguy hiểm và trình tự, thủ tục cấp giấy phép vận chuyển
hàng hoá nguy hiểm.
Điều 76. Hoạt động vận tải đường
bộ trong đô thị
1. Xe buýt, xe bốn bánh có gắn động
cơ phải chạy đúng tuyến, đúng lịch trình, thời gian được phép
hoạt động và dừng, đỗ đúng nơi quy định.
2. Người lái xe taxi đón, trả hành
khách theo thỏa thuận giữa hành khách và người lái xe nhưng phải chấp hành các
quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi đón, trả khách.
3. Xe chở hàng phải hoạt động theo
đúng tuyến, phạm vi và thời gian quy định đối với từng loại xe.
4. Xe vệ sinh môi trường, xe ô tô
chở phế thải, vật liệu rời phải được che phủ kín không để rơi, vãi trên đường
phố và có thời gian hoạt động theo quy định của Uỷ ban nhân dân
cấp tỉnh; trường hợp để rơi, vãi thì ngoài việc bị xử
lý theo quy định, đơn vị vận tải,
người lái xe phải chịu trách nhiệm thu dọn ngay.
5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định
về hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị và tỷ lệ phương tiện vận tải hành
khách công cộng cho người khuyết tật trong đô thị.
Điều 77. Vận chuyển hành
khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh
và các loại xe tương tự
1. Người sử dụng xe thô sơ, xe gắn
máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để kinh doanh
vận chuyển hành khách, hàng hóa phải chấp hành các quy định về quản lý và trật
tự, an toàn giao thông.
2. Phần mềm hỗ trợ
kết nối vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô
tô ba bánh và các loại xe tương tự là là giao thức kết nối giữa người lái xe với hành khách hoặc người thuê
vận tải; các hoạt động kết nối diễn ra trong môi trường số.
3. Đơn vị cung cấp
dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe gắn máy,
xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự thông qua phần mềm
hỗ trợ kết nối phải chấp hành các quy định theo pháp luật về giao dịch điện tử,
các pháp luật khác có liên quan và các quy định sau đây:
a) Đăng ký
kinh doanh (hoặc đăng ký doanh nghiệp) theo quy
định của pháp luật;
b) Ghi nhận
yêu cầu vận chuyển của khách hàng và chuyển yêu cầu vận chuyển đến người lái xe
đang tham gia trong phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối;
c) Có hợp đồng
cung cấp dịch vụ phần mềm với lái xe theo quy định của
pháp luật;
d) Ghi nhận
đánh giá của khách hàng về chất lượng phục vụ của lái xe để điều chỉnh dịch vụ kết
nối đã cung cấp;
đ) Đảm bảo an
toàn và bảo mật thông tin đối với các dữ liệu của hành khách và lái xe theo quy
định pháp luật;
e) Thực hiện
lưu trữ toàn bộ lịch sử các giao dịch và thông tin về chuyến đi đã thực hiện trên phần mềm hỗ trợ kết nối để phục vụ thanh tra,
kiểm tra; thời gian lưu trữ tối thiểu 02 năm;
g) Trước khi thực hiện cung cấp dịch vụ phải thông báo đến cơ quan quản lý
nhà nước về giao thông vận tải địa phương nơi hoạt động các thông
tin tối thiểu gồm: bản sao Giấy đăng ký kinh doanh
hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan có thẩm
quyền của địa phương nơi hoạt động cấp; biểu trưng (logo), ảnh màu về mẫu trang phục nhận diện của người
lái xe; hướng dẫn sử dụng phần mềm. Trường
hợp có sự thay đổi nội dung thông tin tại khoản này, đơn vị cung cấp dịch vụ
phần mềm hỗ trợ kết nối thực hiện thông báo bổ sung;
h) Phải gửi
thông tin của chuyến đi,
giá cước phải thanh toán đến tài khoản của hành
khách hoặc người thuê vận tải và cơ quan thuế theo quy
định của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
i) Phải xây
dựng và công bố công khai quy trình giải quyết khiếu nại của
khách hàng, lưu trữ tối thiểu 02 năm các dữ liệu
về khiếu nại và kết quả giải quyết.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy
định về sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô
tô ba bánh và các loại xe tương tự để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng
hóa trên địa bàn địa phương.
Điều 78. Vận tải đa phương thức
1. Vận tải đa phương thức quy định
trong Luật này là việc vận chuyển hàng hóa từ địa điểm nhận hàng đến địa điểm
trả hàng cho người nhận hàng bằng ít nhất 02 phương thức vận tải, trong đó có
phương thức vận tải bằng đường bộ trên cơ sở một hợp đồng vận tải đa phương thức.
2. Ưu tiên phát triển
vận tải đa phương thức, tổ chức giao thông hợp lý để kết nối hiệu quả các phương
thức vận tải.
3. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải bố trí sử dụng đất để đầu tư xây dựng
các trung tâm logstics, bến xe, đầu
mối trung chuyển hàng hóa tại các đô thị, khu công nghiệp, cảng biển, cảng hàng
không, ga đường sắt, cảng thuỷ nội địa.
Điều 79. Hàng hoá ký gửi
1. Hàng hóa ký gửi chỉ được nhận
vận chuyển khi không thuộc loại hàng hoá mà pháp luật cấm lưu thông, có kích thước,
trọng lượng phù hợp với phương tiện và được giao cho đơn vị kinh doanh vận tải trước khi phương tiện khởi hành theo thời
hạn do hai bên thoả thuận.
2. Người có hàng hoá ký gửi phải
lập tờ khai gửi hàng hoá, trong đó kê khai tên hàng hoá, số lượng, khối lượng, tên
và địa chỉ người gửi, tên và địa chỉ người nhận.
3. Đơn vị kinh doanh vận tải có trách nhiệm kiểm
tra hàng hoá ký gửi theo tờ khai gửi hàng hoá và xác nhận vào tờ khai gửi hàng
hoá. Tờ khai gửi hàng hoá được lập thành hai bản, mỗi bên giữ một bản.
4. Người nhận hàng hoá ký gửi phải
xuất trình giấy tờ tuỳ thân khi nhận hàng.
Điều 80. Bồi thường, miễn bồi
thường hư hỏng, mất mát, thiếu hụt hàng hoá, hàng hoá ký gửi
1. Đơn vị kinh doanh vận tải phải bồi thường hư hỏng, mất mát, thiếu hụt
hàng hoá, hành lý ký gửi, hàng hoá ký gửi như sau:
a) Việc bồi thường hàng hóa hư hỏng,
mất mát, thiếu hụt được thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hoặc theo thỏa thuận
giữa người kinh doanh vận tải và người thuê vận tải;
b) Trường hợp không thực hiện được
theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì thực hiện theo phán quyết của tòa
án hoặc trọng tài.
2. Đơn vị kinh doanh vận tải được miễn bồi thường mất mát, hư hỏng hàng
hoá, hành lý ký gửi, hàng hoá ký gửi trong các trường hợp sau đây:
a) Do đặc tính tự nhiên hoặc khuyết
tật vốn có của hàng hoá, hành lý ký gửi, hàng hoá ký gửi hoặc hao hụt ở mức cho
phép;
b) Do việc bắt giữ hoặc cưỡng chế
của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hàng hoá, hành lý ký gửi, hàng hoá
ký gửi;
c) Do nguyên nhân bất khả kháng;
d) Do lỗi của người thuê vận tải,
người nhận hàng hoặc người áp tải hàng hoá.
Điều 81. Kinh doanh vận tải khách
bằng xe bốn bánh có gắn động cơ và hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ
1. Điều kiện tham gia giao thông
của xe chở người bốn bánh có gắn động cơ:
a) Người điều khiển xe phải có Giấy
phép lái xe từ hạng B trở lên;
b) Đăng ký và gắn biển số theo quy
định;
c) Lắp thiết bị giám sát hành trình,
niêm yết tên và số điện thoại của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định;
d) Hoạt động đúng thời gian, phạm
vi, tuyến đường cụ thể.
2. Chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã,
hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật mới
được sử dụng xe chở người bốn bánh có gắn động cơ để kinh doanh vận tải chở
khách;
3. Tổ chức, cá nhân không được sử
dụng xe chở người bốn bánh có gắn động cơ để tham gia giao thông ngoài mục đích
kinh doanh vận tải khách.
4. Điều kiện
tham gia giao thông đối với xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ:
a) Người điều khiển xe phải có Giấy
phép lái xe từ hạng B trở lên;
b) Đăng ký và gắn biển số theo quy
định;
c) Hoạt động đúng thời gian, phạm
vi, tuyến đường cụ thể.
5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định
cụ thể tuyến đường, thời gian, phạm vi hoạt động cho xe chở hàng bốn bánh có
gắn động cơ và xe chở người bốn bánh có gắn động cơ trên địa bàn
địa phương.
Điều 82. Hoạt động vận chuyển bệnh nhân đối với xe ô tô cứu thương
1. Dịch vụ xe ô tô cứu thương là
việc tổ chức, cá nhân sử dụng xe ô tô có trang thiết bị hỗ trợ y tế khẩn cấp chuyên
dùng để chở bệnh nhân cấp cứu hoặc đi đón bệnh nhân cấp cứu.
2. Bệnh viện, trung tâm cấp cứu,
cơ sở y tế khám, chữa bệnh khi cung cấp dịch vụ và sử dụng xe ô tô cứu thương để
đi đón, vận chuyển cấp cứu bệnh nhân phải chấp hành theo quy định của pháp luật
về khám, chữa bệnh.
3. Tổ chức, cá nhân đầu tư xe ô tô
để kinh doanh dịch vụ xe ô tô cứu thương phải thực hiện các quy định kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và quy định của
pháp luật về khám, chữa bệnh.
4. Xe ô tô cứu thương được trang
bị thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, gồm đèn quay hoặc đèn chớp
phát sáng màu đỏ gắn trên nóc xe, còi phát tín hiệu ưu tiên. Trên xe phải có dấu
hiệu nhận diện, niêm yết thông tin, gắn
thiết bị giám sát hành trình, camera và truyền dữ liệu theo
quy định.
5. Người lái xe ô tô
cứu thương không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị
ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào hoạt động, phá
(hoặc làm nhiễu) sóng định vị vệ tinh toàn cầu, sóng viễn thông hoặc làm
sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe.
Điều 83. Hoạt động vận tải đưa
đón học sinh bằng xe ô tô
1. Hoạt động vận tải
đưa đón học sinh bằng xe ô tô là việc
đơn vị kinh doanh vận tải hoặc cơ sở giáo dục, đào tạo sử
dụng xe ô tô để đưa đón học sinh đi lại giữa nơi ở và nơi học tập
hoặc tham gia các hoạt động khác do cơ sở giáo dục, đào tạo tổ chức.
2. Xe ô tô đưa đón học sinh phải đáp ứng các yêu
cầu sau:
a) Đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ
thuật và bảo vệ môi trường theo quy định, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, có thiết bị đèn cảnh báo và đăng ký màu
sơn riêng để nhận diện;
b) Xe ô tô sử
dụng để đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù
hợp với lứa tuổi hoặc phải sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa
tuổi học sinh, kính xe đảm bảo có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên
ngoài.
3. Lái xe ô
tô đưa đón học sinh phải có 02 năm kinh nghiệm lái xe kinh doanh vận
tải hành khách; thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều 63
và Điều 66 của Luật này.
4. Cơ sở giáo dục,
đào tạo tự tổ chức hoạt động vận tải đưa đón học sinh và đơn vị kinh doanh vận tải
hoạt động vận tải đưa đón học sinh phải đáp ứng các quy định tại Điều 62, Điều 63 và Điều 65 của Luật này.
5. Trước khi tổ chức thực hiện, cơ sở giáo dục đào
tạo tổ chức hoạt động đưa đón học sinh phải thông báo đến
cơ quan cấp giấy phép các thông tin gồm: hành trình đưa
đón, các điểm dừng đón, trả học sinh; danh sách phương tiện, danh sách lái xe
kèm theo; hình ảnh của phương tiện và màu sơn đặc trưng. Trường hợp có
sự thay đổi nội dung thông tin tại khoản này, cơ sở giáo dục thực hiện thông
báo bổ sung.
6. Khi đưa đón học sinh tiểu học và mầm non phải bố trí tối thiểu 01 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì
trật tự và đảm bảo an toàn cho học sinh trong suốt chuyến đi. Trường hợp sử dụng xe ô tô có sức chứa trên 24 chỗ để
đưa đón học sinh mầm non, phải bố trí tối thiểu 02 người quản lý trên
mỗi xe ô tô.
7. Cơ sở giáo dục,
đào tạo phải xây dựng, tập huấn cho cho lái xe và người quản lý học sinh
nắm vững và thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn khi đưa đón học sinh.
8. Cơ sở giáo dục,
đào tạo khi tổ chức hoạt động đưa, đón học sinh chịu trách nhiệm về việc đón, trả
học sinh của đơn vị mình đảm bảo an toàn giao thông.
Mục 2.
DỊCH VỤ HỖ TRỢ VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ
Điều 84. Dịch vụ hỗ trợ vận tải
đường bộ
Dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ gồm
kinh doanh dịch vụ bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, đại lý vận tải, đại lý
bán vé, dịch vụ thu gom hàng, dịch vụ chuyển tải, dịch vụ kho bãi hàng hoá, dịch
vụ xếp dỡ hàng hoá, dịch vụ cho thuê xe ô tô, ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải
Điều 85. Dịch vụ bến xe, trạm dừng nghỉ
1. Hoạt động của bến xe khách, bến
xe hàng, trạm dừng nghỉ phải bảo đảm trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng,
chống cháy nổ và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở
địa phương.
2. Đăng ký kinh
doanh (hoặc đăng ký doanh nghiệp) theo quy định của pháp luật.
3. Bến xe, trạm dừng
nghỉ phải đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và
phải được công bố trước khi đưa vào hoạt động.
4. Đơn vị kinh
doanh dịch vụ bến xe khách có quyền,
nghĩa vụ: cho thuê nơi bán vé hoặc tổ chức bán vé cho hành khách theo hợp đồng
với người kinh doanh vận tải; sắp xếp xe ô tô có đủ điều kiện kinh doanh vận
tải vào bến đón, trả khách
5. Đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe hàng có quyền, nghĩa vụ: sắp xếp xe ô tô vào bến xếp dỡ
hàng hóa, dịch vụ kho bãi, ký gửi, đóng gói, bảo quản hàng hóa;
tổ chức xếp dỡ hàng hóa lên xe ô tô đảm bảo theo quy định tại Điều 90 của Luật này.
6. Đơn vị kinh
doanh dịch vụ trạm dừng nghỉ có
quyền, nghĩa vụ tổ chức dịch vụ phục vụ người và phương tiện tham gia giao
thông đường bộ; thực hiện công việc theo hợp đồng ủy thác với đơn vị kinh doanh vận tải.
Điều 86. Dịch vụ bãi đỗ xe
1. Yêu cầu đối
với bãi đỗ xe
a) Đảm bảo an
ninh, trật tự; đáp ứng yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ và vệ sinh môi trường;
b) Đường ra,
vào bãi đỗ xe phải được bố trí đảm bảo an toàn và không gây ùn tắc giao thông.
2. Bãi đỗ xe
được tổ chức
a) Dịch vụ trông
giữ phương tiện;
b) Dịch vụ bảo
dưỡng, sửa chữa phương tiện;
c) Dịch vụ khác
theo quy định của pháp luật.
3. Trách nhiệm của đơn vị kinh doanh dịch vụ bãi đỗ xe
a) Đăng ký kinh doanh (hoặc đăng ký doanh
nghiệp) theo quy định của pháp luật;
b) Đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và phòng, chống cháy,
nổ tại bãi đỗ xe;
c) Niêm yết công khai nội quy, giá các dịch vụ tại bãi đỗ xe, tên
và số điện thoại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để chủ xe phản ánh, khiếu
nại khi cần thiết;
d) Bồi thường thiệt hại cho người gửi xe nếu để xảy ra mất mát, hư
hỏng phương tiện nhận gửi;
đ) Kinh doanh
các loại dịch vụ quy định tại khoản 2 Điều này;
e) Thu tiền trông
giữ phương tiện;
g) Không được
để các chủ phương tiện kinh doanh vận tải sử dụng bãi đỗ xe để đón, trả khách
hoặc xếp dỡ hàng hóa, đóng gói, sang tải và bảo quản hàng hóa;
h) Có quyền từ
chối phục vụ đối với chủ phương tiện không chấp hành nội quy bãi đỗ xe;
i) Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 87. Dịch
vụ đại lý vận tải hàng hóa
1. Đăng ký kinh
doanh (hoặc đăng ký doanh nghiệp) theo quy định của pháp luật.
2. Được hưởng
tiền công dịch vụ đại lý vận tải theo thoả thuận với chủ hàng và được ghi trong
hợp đồng.
3. Đại lý vận tải hàng hoá khi xếp, dỡ hàng hóa lên
xe ô tô đảm bảo theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều
90 của Luật này.
Điều 88. Dịch
vụ đại lý bán vé
1. Đăng ký
kinh doanh (hoặc đăng ký doanh nghiệp) theo quy định của pháp luật.
2. Phải có hợp đồng đại lý bán vé với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách
bằng xe buýt.
3. Đơn vị kinh
doanh vận tải và dịch vụ đại lý bán vé không được tổ chức đón, trả khách tại
địa điểm nơi đặt đại lý bán vé.
Điều 89. Dịch vụ thu gom hàng, dịch vụ
chuyển tải, dịch vụ kho bãi hàng hoá
1. Đăng ký
kinh doanh (hoặc đăng ký doanh nghiệp) theo quy định của pháp luật.
2. Bảo quản hàng
hóa theo quy định của chủ hàng và phải có hợp đồng về việc gom hàng, chuyển tải
hàng hoặc cho thuê kho bãi hàng hoá với chủ hàng.
3. Đơn vị kinh doanh dịch vụ hoặc người xếp hàng khi xếp hàng hóa lên xe
ô tô phải đảm bảo theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4
Điều 90 của Luật này.
Điều 90.
Dịch vụ xếp, dỡ hàng hóa trên phương tiện tham gia giao thông đường bộ
1. Đăng ký
kinh doanh (hoặc đăng ký doanh nghiệp) theo quy định của pháp luật.
2. Việc xếp hàng hoá trên phương tiện phải đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Đảm bảo thực hiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 68 của Luật
này;
b) Hàng hoá xếp trên xe không được vượt quá khối lượng hàng chuyên chở cho
phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ
thuật và bảo vệ môi trường.
3. Người xếp hàng chịu trách nhiệm khi
vi phạm các quy định về xếp hàng hóa, trừ trường hợp chứng minh
được những lỗi đó không do người xếp hàng hoá gây ra hoặc
do đơn vị vận tải cung cấp
thông tin sai lệch.
4. Người xếp, dỡ hàng hoá chịu trách nhiệm bồi thường mất mát, hư hỏng hàng
hoá theo quy định tại Điều 80 của Luật
này.
5. Bộ trưởng
Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về xếp hàng hóa trên phương tiện giao
thông đường bộ.
Điều 91. Dịch vụ cho
thuê phương tiện
1. Dịch vụ cho phương
tiện bao gồm dịch vụ cho thuê phương tiện để tự lái, dịch vụ cho thuê phương tiện
để kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ.
2. Dịch vụ cho thuê phương tiện để tự
lái là việc tổ chức, cá nhân cho thuê xe ô tô con, xe gắn
máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để người thuê
xe tự điều khiển phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của mình.
3. Dịch vụ cho thuê phương tiện để kinh
doanh vận tải, vận tải nội bộ là việc tổ chức, cá nhân cho thuê xe ô
tô (không bao gồm thuê người lái xe) để bên thuê xe tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô hoặc vận tải nội bộ.
4. Đơn vị
kinh doanh cho thuê phương tiện để tự lái phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Đăng ký
kinh doanh (hoặc đăng ký doanh nghiệp) theo quy định của pháp luật;
b) Chỉ được
cho thuê xe ô tô con, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô
tô ba bánh và các loại xe tương tự khi người thuê có giấy phép lái xe hợp pháp, phù hợp với loại xe muốn thuê;
c) Phải lắp
thiết bị giám sát hành trình trên các xe ô tô cho thuê và truyền
dữ liệu theo quy định;
d) Không được
bố trí lái xe cho người thuê phương tiện;
đ) Không được
sử dụng phương tiện cho thuê để tự lái tham gia kinh doanh vận tải hành
khách có thu tiền hoặc tham gia hoạt động đó theo yêu cầu của bên thứ ba;
e) Trước khi
hoạt động kinh doanh, đơn vị kinh doanh cho thuê phương tiện để tự lái phải thông báo bằng văn bản đến Sở Giao thông vận tải
địa phương các thông tin tối thiểu gồm: tên, địa chỉ, số
điện thoại, người đại diện theo pháp luật; bản sao Giấy chứng nhận
đăng ký kinh doanh; danh sách các xe dùng để cho thuê. Trường hợp có sự thay đổi nội dung thông tin tại khoản này, đơn
vị kinh doanh cho thuê phương tiện thực hiện thông báo bổ sung.
g) Phải ký
kết hợp đồng cho thuê phương tiện để tự
lái với người thuê kèm theo bản phô tô giấy phép lái xe của người thuê và các
giấy tờ khác (nếu có).
5. Người thuê phương tiện để tự lái không được phép sử dụng phương tiện đi thuê để vận chuyển hành khách, hàng hoá có thu
tiền; không được cho bất kỳ bên thứ
ba nào thuê lại (trừ trường hợp có thoả thuận cụ thể với người
cho thuê). Trường hợp thuê xe ô tô để tự lái, không được sử dụng các
biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp
vào quá trình hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng định vị vệ tinh toàn cầu,
sóng viễn thông hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình lắp
trên xe.
6. Đơn vị kinh doanh dịch vụ cho thuê phương tiện để kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, vận tải
nội bộ phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Đăng ký kinh doanh (hoặc đăng ký doanh nghiệp) theo quy định của pháp luật. Riêng đối với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chỉ được cung cấp dịch vụ thông
qua thành lập liên doanh với đối tác Việt Nam theo tỷ lệ vốn góp theo quy định;
b) Không được bố trí người lái xe cho bên thuê dưới mọi hình thức;
c) Phải ký kết hợp đồng cho thuê phương tiện (không kèm người lái xe) với bên
thuê.
7. Chính phủ quy định tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong
doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cho thuê phương tiện để kinh doanh vận tải hoặc
vận tải nội bộ bằng xe ô tô.
Điều 92. Hoạt động kinh doanh dịch vụ cứu hộ giao thông đường bộ
1. Dịch vụ cứu hộ giao thông đường
bộ là việc tổ chức, cá nhân sử dụng xe ô tô chuyên dùng có các trang bị thiết
bị, dụng cụ dùng để cứu hộ, hỗ trợ di chuyển hoặc chuyên chở xe ô tô bị hư
hỏng, sự cố.
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch
vụ cứu hộ giao thông đường bộ phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Đăng ký
kinh doanh (hoặc đăng ký doanh nghiệp) theo quy định của pháp luật;
b) Phải đảm
bảo an toàn giao thông, an toàn lao động trong quá trình thực hiện cứu hộ;
c) Không được sử dụng xe cứu hộ tham gia hoạt động kinh doanh vận tải hàng hoá bằng
xe ô tô;
d) Trước khi
hoạt động kinh doanh, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ cứu hộ giao thông đường
bộ phải thông báo bằng văn bản đến Sở Giao thông vận tải và Công an cấp tỉnh
nơi đăng ký kinh doanh các thông tin tối thiểu gồm: tên,
địa chỉ, số điện thoại, người đại diện theo pháp luật; bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký
doanh nghiệp và danh sách xe cứu hộ. Trường hợp có sự thay đổi nội dung
thông tin tại khoản này, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ cứu hộ giao thông
đường bộ thực hiện thông báo bổ sung.
3. Xe cứu hộ
giao thông đường bộ phải có dấu hiệu nhận diện, niêm yết thông tin trên xe, gắn
thiết bị giám sát hành trình, camera và truyền dẫn dữ liệu theo quy định.
4. Xe cứu hộ
giao thông đường bộ phải tuân thủ quy định về trọng tải của xe cứu hộ và trọng tải của xe được cứu hộ ghi trên giấy chứng nhận kiểm định an
toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Điều 93. Sử dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô
1. Phần mềm hỗ
trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô là giao thức kết nối giữa đơn vị kinh doanh
vận tải, người lái xe với hành khách hoặc
người thuê vận tải diễn ra trong môi trường số.
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh vận
tải bằng xe ô tô xây dựng hoặc mua và sử dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải
bằng xe ô tô phải tuân thủ các quy định về kinh doanh, điều kiện
kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và, pháp luật về
giao dịch điện tử và pháp luật khác
có liên quan. Trường hợp cho đơn vị kinh doanh vận tải khác sử
dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô phải
thực hiện các quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô cho các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải tuân thủ các quy
định của pháp luật về giao dịch điện tử, pháp luật khác có liên quan và các quy
định sau:
a) Đăng ký
kinh doanh (hoặc đăng ký doanh nghiệp) theo quy định của pháp luật;
b) Cung cấp thông tin về yêu cầu vận chuyển của
khách hàng cho đơn vị kinh doanh vận tải;
c) Thực hiện
vai trò là đơn vị trung gian để kết nối giữa đơn vị kinh doanh vận tải với
khách hàng;
d) Ghi nhận
đánh giá của khách hàng về chất lượng phục vụ của người lái xe để thông tin đến
đơn vị kinh doanh vận tải điều chỉnh dịch vụ vận tải đã cung cấp;
đ) Có hợp đồng cung cấp dịch vụ phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô với
đơn vị kinh doanh vận tải theo quy định của pháp
luật;
e) Chỉ được
cung cấp dịch vụ phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải cho đơn vị kinh doanh
vận tải đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và phương tiện đã được cấp phù hiệu theo quy định;
g) Không được
cung cấp dịch vụ phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải cho đơn vị kinh doanh
vận tải hành khách theo hợp đồng sử dụng để xác nhận đặt chỗ cho từng hành
khách đi xe, bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình
thức;
h) Thực hiện lưu trữ toàn bộ lịch sử các giao dịch đã thực hiện trên phần
mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải để phục vụ thanh tra, kiểm tra;
thời gian lưu trữ tối thiểu 02 năm;
i) Phải cung cấp cho
đơn vị kinh doanh vận tải giao diện và công cụ để thực hiện được việc trực tiếp
điều hành phương tiện và lái xe, đàm phán, quyết định giá cước vận tải với hành
khách và người thuê vận tải trên phần mềm;
k) Thiết kế giao diện phần mềm ứng dụng đảm bảo người lái xe chỉ phải thao
tác một nút bấm để nhận chuyến xe khi xe đang di chuyển;
l) Đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin đối với các dữ liệu của hành khách,
đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe theo quy định pháp luật;
m) Cung cấp cho cơ quan có thẩm
quyền danh sách các đơn vị kinh doanh vận tải, danh sách xe ô tô và lái xe của các đơn vị kinh doanh vận tải sử
dụng phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải của đơn vị và tài khoản truy cập vào phần mềm ứng dụng khi có yêu
cầu;
n) Công bố quy
trình giải quyết khiếu nại của
khách hàng, trong đó nêu rõ đơn vị chịu trách nhiệm tiếp nhận và
giải quyết khiếu nại của khách hàng.
Chương V
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Điều 94. Nội dung quản lý nhà
nước về giao thông đường bộ
1. Xây dựng, ban hành hoặc trình
cơ quan có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát
triển giao thông đường bộ; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức
kinh tế - kỹ thuật về giao thông đường bộ.
2. Xây dựng, ban hành và tổ chức
thực hiện quy hoạch, kế hoạch về giao thông đường bộ.
3. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục
pháp luật về giao thông đường bộ.
4. Đầu tư xây dựng, quản lý, vận
hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
5. Quản lý, tổ chức thực hiện về
bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông
đường bộ, linh kiện, hệ thống tổng thành của xe cơ giới và xe máy chuyên
dùng.
6. Quản lý hoạt động vận tải và dịch
vụ hỗ trợ vận tải.
7. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa
học và công nghệ về giao thông đường bộ; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về
giao thông đường bộ.
8. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết
khiếu nại, tố cáo; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
9. Hợp tác quốc tế về giao thông
đường bộ; chứng nhận, thừa nhận, công nhận tiêu chuẩn quốc tế về giao thông đường
bộ.
Điều 95. Trách nhiệm của Chính
phủ
Chính phủ thống nhất quản lý nhà
nước về giao thông đường bộ và có các trách nhiệm sau đây:
1. Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả việc
thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.
2. Ban hành cơ chế, chính sách khuyến
khích xã hội hóa đầu tư, khai thác bến xe, bãi đỗ xe, trạm đón trả khách, trạm
dừng nghỉ; cơ chế chính sách về phát triển vận tải hành khách
công cộng.
3. Bảo đảm xây dựng
và thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong quy hoạch, kế hoạch phát triển giao
thông đường bộ.
4. Báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về giao thông đường bộ
theo yêu cầu của Quốc hội.
Điều 96. Trách nhiệm của Bộ Giao
thông vận tải
Bộ Giao thông vận tải
chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giao thông đường
bộ và có các trách nhiệm sau:
1. Ban hành
theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính
sách, pháp luật về giao thông đường bộ; quy hoạch, kế hoạch phát triển giao
thông đường bộ;
2. Xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật về kết
cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ và vận tải đường
bộ.
3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan trong việc xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu dùng chung về
giao thông đường bộ.
4. Chủ trì tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ.
5. Đầu tư xây dựng, quản lý, vận
hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
6. Quản lý, tổ chức thực hiện về
bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông
đường bộ, thiết bị, linh kiện, hệ thống, tổng thành của xe cơ giới và xe máy
chuyên dùng.
7. Quản lý hoạt động vận tải và dịch
vụ hỗ trợ vận tải.
8. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa
học và công nghệ về giao thông đường bộ; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về
giao thông đường bộ.
9. Phối hợp với Bộ Công an thực hiện
nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
10. Kiểm tra, thanh
tra, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về giao thông đường bộ; xử
lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thầm
quyền xử lý vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về giao thông
đường bộ.
11. Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan có liên quan hợp tác quốc tế về giao thông đường bộ; chứng nhận, thừa nhận,
công nhận tiêu chuẩn quốc tế về giao thông đường bộ.
Điều 97. Trách nhiệm Bộ Công
an
1. Thực hiện các nhiệm
vụ quản lý nhà nước về giao thông đường bộ theo quy định của Luật này và các
quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Phối hợp với Bộ Giao thông vận
tải và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông
đường bộ.
Điều 98. Trách nhiệm của các Bộ,
cơ quan ngang Bộ
1. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm
vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giao thông vận
tải thực hiện quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.
2. Bộ Quốc phòng thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông đường bộ
theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3.
Bộ Y tế xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe của người lái xe; có trách
nhiệm phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an trong việc cung cấp dữ
liệu về khám sức khỏe của người lái xe và cơ sở y tế khám sức khỏe của người
lái xe.
4. Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
quy định về quy định về vé và chứng từ thu cước vận tải đường bộ; phí, lệ phí,
giá dịch vụ trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
5. Bộ Xây dựng phải đảm bảo tỷ lệ
đất giành cho giao thông đô thị theo đúng quy định.
6. Bộ Tài nguyên và môi trường phải
đảm bảo tỷ lệ quỹ đất giành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Điều 99. Trách nhiệm của Hội
đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh
1. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong
phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau:
a) Ban hành giá
dịch vụ xe ra, vào bến xe khách;
b) Đặt tên đường
theo quy định của Chính phủ.
2. Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau:
a) Tổ chức thực hiện chính sách,
pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển về giao thông đường bộ tại địa
phương;
b) Xây dựng, quản lý, khai thác cơ
sở dữ liệu về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với đường địa phương;
c) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục
pháp luật về giao thông đường bộ;
d) Xây dựng, quản lý, bảo trì, bảo
vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do địa phương quản lý;
đ) Quản lý hoạt
động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải trên địa bàn địa phương; xây dựng,
trình Hội đồng nhân cấp tỉnh ban hành giá dịch vụ xe ra, vào bến xe khách;
e) Kiểm tra, thanh
tra, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về giao thông đường bộ; xử
lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thầm quyền
xử lý vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về giao thông đường bộ.
g) Chỉ đạo, hướng dẫn Uỷ ban nhân
dân cấp dưới thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tại địa phương;
h) Bảo đảm quỹ đất giành cho kết
cấu hạ tầng gia thông đường bộ theo đúng quy định.
Điều 100. Thanh tra giao thông
đường bộ
1. Thanh tra giao thông đường bộ thực hiện chức năng thanh
tra chuyên ngành, có nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm
hành chính đối với tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành quy định của pháp luật, quy trình, quy chuẩn, tiêu
chuẩn, định mức theo quy định của luật này và pháp luật thanh tra.
2.
Thanh tra giao thông đường bộ chỉ được dừng phương tiện để kiểm tra, xử lý vi phạm
và yêu cầu người điều khiển phương tiện thực hiện các biện pháp bảo vệ kết cấu
hạ tầng giao thông đường bộ khi phát hiện hoạt động của phương tiện có nguy cơ
gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong các trường hợp sau:
a)
Vượt quá tải trọng hoặc khổ giới hạn cho phép của đường bộ;
b)
Xe bánh xích lưu thông trực tiếp trên đường mà không thực hiện biện pháp bảo vệ
đường bộ theo quy định;
c)
Đổ đất, vật liệu xây dựng, các phế liệu khác trái phép hoặc đào đất trên đường bộ
hoặc vào hành lang an toàn đường bộ;
d)
Các trường hợp khác có nguy cơ làm hư hỏng hoặc phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông
đường bộ do phương tiện đường bộ gây ra.
3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc dừng phương tiện giao thông quy định tại khoản 2 Điều
này của Thanh tra giao
thông đường bộ.
4. Tổ chức và hoạt động của Thanh tra giao thông đường
bộ thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về thanh tra và pháp luật
khác có liên quan.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 101. Sửa đổi, bổ sung Danh mục phí, lệ
phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13
Sửa đổi, bổ sung mục
1.1 thuộc phần V- Phí thuộc lĩnh vực giao thông vận tải
trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí số
97/2015/QH13 như sau:
1.1
|
Phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện giao
thông cơ giới đường bộ đã đăng ký lưu hành
|
Bộ Tài chính
|
1.2
|
Phí sử dụng cầu, hầm có quy mô lớn, đường
bộ cao tốc, đường vành đai
đô thị được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc.
|
Bộ Tài chính đối với đường trung ương; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối
với đường địa phương
|
Điều 102. Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành
từ ngày tháng năm.
2. Luật này thay thế Luật Giao thông
đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008.
3. Luật này bãi bỏ Điều 1 Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14
ngày 20 tháng 11 năm 2018.
Luật này đã được Quốc hội nước
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá … , kỳ họp thứ ….thông qua ngày… tháng…
năm…
|
CHỦ
TỊCH QUỐC HỘI
Nguyễn Thị Kim Ngân
|