BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO - BỘ NỘI VỤ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
19/2016/TTLT-BGDĐT-BNV
|
Hà Nội, ngày 22
tháng 6 năm 2016
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
QUY
ĐỊNH MÃ SỐ, TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP NHÂN VIÊN HỖ TRỢ GIÁO DỤC NGƯỜI
KHUYẾT TẬT TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC CÔNG LẬP
Căn cứ Luật Viên chức số 58/2010/QH12 ngày 15
tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật Người khuyết tật số 51/2010/QH12
ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng
4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật Người khuyết tật;
Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng
4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng
12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên
chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm
2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP
ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ,
công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng
3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 58/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng
6 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Nội vụ;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ
Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề
nghiệp nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công
lập.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối
tượng áp dụng
1. Thông tư liên tịch này quy định mã số, tiêu chuẩn
chức danh nghề nghiệp bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với
nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công lập.
2. Thông tư liên tịch này áp dụng đối với nhân viên
hỗ trợ giáo dục người khuyết tật làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập có
dạy người khuyết tật, gồm: cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ
sở giáo dục chuyên biệt và Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập có người
khuyết tật tham gia học tập.
Điều 2. Mã số và phân hạng chức
danh nghề nghiệp nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở
giáo dục công lập
Nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật (hạng
IV) - Mã số: V.07.06.16.
Chương II
TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ
NGHIỆP, BỔ NHIỆM VÀ XẾP LƯƠNG THEO CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP
Điều 3. Tiêu chuẩn chức danh
nghề nghiệp nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục
công lập
1. Nhiệm vụ
a) Thực hiện chương trình, kế hoạch hỗ trợ giáo dục
người khuyết tật theo yêu cầu và quy định của đơn vị;
b) Tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho
người khuyết tật;
c) Hỗ trợ người khuyết tật học tập và rèn luyện kĩ
năng đặc thù, kĩ năng sống phù hợp với khả năng và nhu cầu của người khuyết tật;
d) Hỗ trợ giáo viên trong các hoạt động chăm sóc,
giáo dục người khuyết tật;
đ) Tham gia huy động người khuyết tật đến trường học
tập;
e) Hỗ trợ, tư vấn cho gia đình người khuyết tật và
cộng đồng về kiến thức, kĩ năng chăm sóc, giáo dục người khuyết tật.
2. Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp
a) Có tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc,
tích cực cải tiến, đúc rút kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao;
b) Thương yêu, tôn trọng và đối xử công bằng đối với
người khuyết tật; hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật;
c) Có trách nhiệm hợp tác với đồng nghiệp, gia đình
người khuyết tật và các tổ chức, cá nhân khác trong việc hỗ trợ giáo dục người
khuyết tật;
d) Thực hiện lối sống lành mạnh, văn minh, phù hợp
với môi trường giáo dục.
3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành hỗ trợ
giáo dục người khuyết tật trở lên; hoặc có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên một
trong các ngành: sư phạm, y tế, công tác xã hội, tâm lí và có chứng chỉ nghiệp
vụ về hỗ trợ giáo dục người khuyết tật theo chương trình do Bộ Giáo dục và Đào
tạo ban hành;
b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 1 (A1) theo quy định tại
Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục
và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng
chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;
c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng
công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày
11 tháng 3 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn
kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin.
4. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Có kiến thức hiểu biết về pháp luật, thực hiện
pháp luật trong nhà trường và văn hóa học đường;
b) Có hiểu biết về đặc điểm, nhu cầu của người khuyết
tật; công tác hỗ trợ giáo dục người khuyết tật và các chính sách của Nhà nước,
của ngành, của địa phương liên quan đến công tác hỗ trợ giáo dục người khuyết tật;
c) Thực hiện hoặc phối hợp thực hiện được nội dung
chương trình hỗ trợ giáo dục người khuyết tật theo cấp học;
d) Vận dụng được kiến thức và kĩ năng chuyên môn cơ
bản vào thực tiễn hỗ trợ giáo dục cho người khuyết tật;
đ) Có kĩ năng hỗ trợ, tư vấn, tham gia, phối hợp với
giáo viên, gia đình và cộng đồng trong giáo dục người khuyết tật.
Điều 4. Nguyên tắc bổ nhiệm và
xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với nhân viên hỗ trợ giáo dục người
khuyết tật
1. Việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp đối với
nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật quy định tại Thông tư liên tịch này
phải căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, chuyên môn nghiệp vụ đảm
nhận của viên chức.
2. Khi bổ nhiệm từ ngạch hoặc chức danh nghề nghiệp
viên chức hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp nhân viên hỗ trợ giáo dục người
khuyết tật không được kết hợp nâng bậc lương.
Điều 5. Bổ nhiệm chức danh nghề
nghiệp nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công
lập
Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp nhân viên hỗ trợ
giáo dục người khuyết tật hạng IV (mã số V.07.06.16) đối với viên chức hiện
đang làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập có dạy người khuyết tật, đủ
tiêu chuẩn quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch này, hiện
đang xếp lương ở ngạch tương đương ngạch cán sự.
Điều 6. Cách xếp lương
Chức danh nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật
hạng IV (mã số V.07.06.16) quy định tại Thông tư liên tịch này được áp dụng hệ
số lương của viên chức loại B (từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06) theo
quy định tại Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong
các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định số
204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối
với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư liên tịch này là căn cứ để thực hiện
tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật tại
các cơ sở giáo dục công lập có dạy người khuyết tật.
2. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập có dạy người
khuyết tật được vận dụng quy định tại Thông tư liên tịch này để thực hiện việc
tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật tại
cơ sở.
3. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục công lập có dạy
người khuyết tật trực tiếp quản lý và sử dụng viên chức có trách nhiệm:
a) Rà soát các vị trí việc làm của đơn vị, lập
phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết
tật thuộc thẩm quyền quản lý, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc
quyết định theo thẩm quyền phân cấp;
b) Quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nhân
viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong cơ sở giáo dục công lập có dạy người
khuyết tật theo thẩm quyền hoặc theo phân cấp, ủy quyền sau khi phương án bổ
nhiệm chức danh nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Tạo điều kiện để viên chức bổ sung những tiêu
chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết
tật được bổ nhiệm theo quy định tại Thông tư liên tịch này.
4. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện
bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với nhân viên hỗ trợ giáo dục
người khuyết tật;
b) Phê duyệt phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp
và xếp lương đối với viên chức thuộc phạm vi quản lý từ ngạch hoặc chức danh
nghề nghiệp viên chức hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp nhân viên hỗ trợ giáo
dục người khuyết tật quy định tại Thông tư liên tịch này; giải quyết theo thẩm
quyền những vướng mắc trong quá trình bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp
lương;
c) Quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp
lương đối với viên chức thuộc diện quản lý vào chức danh nghề nghiệp nhân viên
hỗ trợ giáo dục người khuyết tật theo thẩm quyền;
d) Báo cáo kết quả bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp
và xếp lương đối với nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật thuộc phạm vi
quản lý gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ.
Điều 8. Hiệu lực thi hành
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 15 tháng 8 năm 2016.
Điều 9. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện Thông
tư liên tịch này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề
nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp
và chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ xem xét, giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Duy Thăng
|
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Nghĩa
|
Nơi nhận:
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các Hội, các đoàn thể;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo; Website Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp);
- Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo: Bộ trưởng, Thứ trưởng và các Cục, Vụ, tổ chức thuộc Bộ;
- Bộ Nội vụ: Bộ trưởng, Thứ trưởng và các Cục, Vụ, tổ chức thuộc Bộ;
- Website của Bộ Nội vụ; Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Lưu: BGDĐT (VT, Cục NGCBQLCSGD); Bộ Nội vụ (VT, Vụ CCVC, TL).