BỘ GIÁO DỤC
VÀ ĐÀO TẠO
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
55/2012/TT-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày
25 tháng 12 năm 2012
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG, ĐẠI HỌC
Căn cứ Luật Giáo dục Đại học ngày 18 tháng 6
năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18
tháng 04 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ và cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19
tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02
tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật Giáo dục ; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5
năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Sau khi có ý kiến của Bộ Lao động – Thương
binh và Xã hội tại Văn bản số 4420/LĐTBXH-TCDN ngày 28 tháng 11 năm 2012 về việc
góp ý dự thảo Thông tư quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Thông tư quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học:
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư quy định đào tạo liên thông trình
độ cao đẳng, đại học.
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07 tháng 02 năm
2013. Thông tư này thay thế Quyết định số 06/2008/QĐ-BGDĐT ngày 13 tháng 02 năm
2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định đào tạo liên thông
trình độ cao đẳng, đại học; Thông tư liên tịch số 27/2010/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH
ngày 28 tháng 10 năm 2010 liên tịch Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động
-Thương binh và Xã hội hướng dẫn đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề,
cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng và đại học và Điều 2
Thông tư số 43/2011/TT-BGDĐT ngày 04 tháng 10 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 14/2009/TT-BGDĐT
ngày 28 tháng 5 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ
trường cao đẳng.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Thủ trưởng các
đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, giám đốc đại học quốc gia,
giám đốc đại học vùng, học viện; hiệu trưởng trường đại học, trường cao đẳng,
trường cao đẳng nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường trung cấp nghề chịu
trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Uỷ ban VHGD TNTN&NĐ của QH; (Để báo cáo);
- Hội đồng Quốc gia Giáo dục;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ có trường ĐH, CĐ;
- Các UBND tỉnh, TP trực thuộc TW (Để thực hiện) ;
- Như Điều 3;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ GD&ĐT;
- Lưu VT, Vụ PC, Vụ GDĐH.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Bùi Văn Ga
|
QUY ĐỊNH
ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG, ĐẠI HỌC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 55 /2012/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 12 năm 2012 của
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
và đối tượng áp dụng
1. Văn bản này quy định về đào tạo liên thông
trình độ cao đẳng, đại học bao gồm: điều kiện tổ chức, hồ sơ, trình tự, thủ tục
đăng ký và thẩm quyền quyết định đào tạo liên thông; tuyển sinh và tổ chức đào
tạo; nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học đào tạo liên thông; nghĩa
vụ và quyền của người học; chế độ báo cáo, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.
2. Quy định này áp dụng đối với các đại học quốc
gia, đại học vùng, học viện, trường đại học, trường cao đẳng trong hệ thống
giáo dục quốc dân (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục đại học); các tổ chức và
cá nhân có liên quan.
Điều 2. Đào tạo liên thông
1. Đào tạo liên thông là biện pháp tổ chức đào tạo
trong đó người học được sử dụng kết quả học tập đã có để học tiếp ở trình độ
cao hơn cùng ngành đào tạo hoặc khi chuyển sang ngành đào tạo hay trình độ đào
tạo khác.
2. Đào tạo liên thông được tổ chức theo hình thức
chính quy hoặc vừa làm vừa học.
3. Đào tạo liên thông từ xa được quy định trong
quy chế riêng.
Điều 3. Mục đích đào tạo
liên thông
Tạo cơ hội học tập cho người học và phát triển
ngành, nghề phù hợp với nhu cầu xã hội, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả
trong đào tạo và đảm bảo công bằng trong giáo dục.
Chương II
ĐIỀU KIỆN TỔ CHỨC, HỒ
SƠ, TRÌNH TỰ THỦ TỤC VÀ THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG
Điều 4. Điều kiện tổ chức
đào tạo liên thông
Cơ sở giáo dục đại học có đủ các điều kiện sau
đây được tổ chức đào tạo liên thông:
1. Có quyết định giao nhiệm
vụ mở ngành đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, đại học của ngành đào tạo liên
thông.
2. Có báo cáo tự đánh giá của cơ sở giáo dục đại
học và triển khai kiểm định chất lượng theo tiến độ do Bộ Giáo dục và Đào tạo
quy định.
3. Đã công bố chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo,
điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo trên trang thông tin của trường theo quy định.
4. Có Hội đồng để xem xét và công nhận giá trị
chuyển đổi kết quả học tập và các khối lượng kiến thức được miễn trừ khi học
chương trình đào tạo liên thông đối với từng người học (sau đây gọi là Hội đồng
đào tạo liên thông).
5. Đã tổ chức đào tạo theo tín chỉ trình độ cao
đẳng, đại học hệ chính quy đối với cơ sở giáo dục đại học đăng ký đào tạo liên
thông chính quy.
Điều 5. Hồ sơ, trình tự và
thủ tục đăng ký đào tạo liên thông
1. Hồ sơ đăng ký đào tạo liên thông từ trình độ
trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề lên trình độ đại học; từ trung cấp
nghề lên trình độ cao đẳng và từ trình độ cao đẳng nghề lên trình độ đại học gồm
có:
a) Tờ trình đăng ký đào tạo liên thông. Nội dung
tờ trình phải nêu rõ: ngành và trình độ đăng ký đào tạo liên thông; nhu cầu đào
tạo; tổ chức đào tạo; đối tượng, điều kiện tuyển sinh; hình thức đào tạo;
dự kiến chỉ tiêu đào tạo; điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và những cam kết
đảm bảo chất lượng;
b) Bản sao các quyết định mở ngành đối với những
ngành đăng ký đào tạo liên thông và quyết định thành lập Hội đồng đào tạo liên
thông để xem xét và công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập và khối lượng
kiến thức được miễn trừ của người học; báo cáo tự đánh giá của cơ sở giáo dục đại
học và triển khai kiểm định chất lượng theo tiến độ do Bộ Giáo dục và Đào tạo
quy định; minh chứng tổ chức đào tạo theo tín chỉ trình độ cao đẳng, đại học hệ
chính quy đối với cơ sở giáo dục đại học đăng ký đào tạo liên thông chính quy;
địa chỉ công bố chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo và điều kiện đảm bảo chất lượng
trong đào tạo;
c) Số bộ hồ sơ: 01 bộ.
2. Trình tự, thủ tục đăng ký đào tạo liên thông:
a) Hồ sơ đăng ký đào tạo liên thông từ trình độ
trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề lên trình độ đại học, trung cấp nghề
lên trình độ cao đẳng và cao đẳng nghề lên trình độ đại học được gửi về Bộ Giáo
dục và Đào tạo;
b) Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét ra quyết định
giao nhiệm vụ đào tạo liên thông hoặc trả lời bằng văn bản về việc chưa giao
nhiệm vụ đào tạo liên thông cho cơ sở giáo dục đại học trong thời gian không
quá 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Điều 6. Thẩm quyền quyết định
đào tạo liên thông
1. Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quyết định
đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp chuyên nghiệp lên trình độ cao đẳng hoặc
từ trình độ cao đẳng lên trình độ đại học.
2. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định
đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề lên
trình độ đại học, từ trình độ trung cấp nghề lên trình độ cao đẳng, từ trình độ
cao đẳng nghề lên trình độ đại học.
Chương III
TUYỂN SINH VÀ TỔ CHỨC
ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG
Điều 7. Điều kiện về văn bằng
dự thi đào tạo liên thông
1. Người dự thi đào tạo liên thông phải có một
trong các văn bằng sau:
a) Bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, cao
đẳng của các trường đã có báo cáo tự đánh giá và triển khai kiểm định chất lượng
theo tiến độ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định;
b) Bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, cao đẳng nghề
của các trường đã có báo cáo tự đánh giá và triển khai kiểm định chất lượng
theo tiến độ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định;
c) Bằng tốt nghiệp của các trường nước ngoài,
trường nước ngoài hoạt động hợp pháp ở Việt Nam thì văn bằng phải được công nhận
theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội;
2. Người có bằng tốt nghiệp
trung cấp nghề, cao đẳng nghề phải là người có bằng tốt nghiệp trung học phổ
thông hoặc đã học đủ khối lượng kiến thức và thi tốt nghiệp các môn văn hóa
trung học phổ thông đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Đối với các ngành, nghề đặc thù khi tổ chức
đào tạo liên thông, cơ sở giáo dục đại học hoặc bộ quản lý ngành có thể quy định
thêm các điều kiện khác để đảm bảo chất lượng đào tạo nhưng không thấp hơn các
quy định tại Thông tư này và phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận.
Điều 8. Chỉ tiêu tuyển sinh
liên thông
1. Chỉ tiêu tuyển sinh liên
thông chính quy nằm trong chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy, chỉ tiêu tuyển sinh
liên thông vừa làm vừa học nằm trong chỉ tiêu tuyển sinh vừa làm vừa học của cơ
sở giáo dục đại học. Chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy không vượt quá
20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy hằng năm của cơ sở giáo dục đại học.
2. Cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai
chỉ tiêu tuyển sinh, ngành đào tạo, hình thức đào tạo liên thông trong thông
báo tuyển sinh.
Điều 9. Tuyển sinh
1. Tuyển sinh đào tạo liên thông hình thức chính
quy:
a) Người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề,
trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng sau thời hạn 36 tháng kể từ
ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ cao đẳng hoặc
đại học phải dự thi 3 môn gồm: một môn cơ bản, một môn cơ sở ngành và một môn
chuyên ngành (hoặc thực hành nghề). Cơ sở giáo dục đại học tự ra đề thi và xác
định điểm trúng tuyển;
b) Người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề,
trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được
cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ cao đẳng hoặc đại học
phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh
đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học chính quy do Bộ
Giáo dục và Đào tạo tổ chức hằng năm;
c) Việc tổ chức tuyển sinh, xét tuyển và triệu tập
thí sinh trúng tuyển được thực hiện theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng
chính quy hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Tuyển sinh đào tạo liên thông hình thức vừa
làm vừa học:
a) Người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề,
trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng sau thời hạn 36 tháng kể từ
ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ cao đẳng hoặc
đại học phải dự thi 3 môn: Một môn cơ bản, một môn cơ sở ngành và một môn
chuyên ngành (hoặc thực hành nghề). Cơ sở giáo dục đại học tự ra đề thi và xác
định điểm trúng tuyển;
b) Người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề,
trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được
cấp bằng tốt nghiệp tính đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ cao đẳng hoặc đại
học phải dự thi các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh
đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học hình thức vừa
làm vừa học;
c) Việc tổ chức tuyển sinh, xét tuyển và triệu tập
thí sinh trúng tuyển được thực hiện theo Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng
hình thức vừa làm vừa học hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Cơ sở giáo dục đại học quy định và công bố
công khai cho các thí sinh dự thi liên thông về các tiêu chí và quy trình công
nhận kết quả học tập; các môn thi và các yêu cầu cụ thể đối với từng môn thi
cho từng đối tượng được quy định tại khoản 1, 2 Điều này.
Điều 10. Thời gian đào tạo
liên thông
1. Thời gian đào tạo được xác định trên cơ sở học
phần và khối lượng tích lũy quy định cho từng chương trình và trình độ đào tạo
theo niên chế hoặc tín chỉ.
2. Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học công bố
công khai thời gian đào tạo liên thông đối với các đối tượng tuyển sinh và
chương trình, trình độ đào tạo theo đề nghị của Hội đồng đào tạo liên thông.
Điều 11. Chương trình đào tạo
và công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập
1. Chương trình đào tạo đối với người học liên thông
theo hình thức chính quy là chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ đại
học chính quy đang áp dụng tại cơ sở giáo dục đại học. Chương trình đào tạo đối
với người học liên thông theo hình thức vừa làm vừa học là chương trình đào tạo
hình thức vừa làm vừa học đang áp dụng tại cơ sở giáo dục đại học.
2. Trên cơ sở đề nghị của Hội đồng đào tạo liên
thông, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào chuẩn đầu ra, chương trình
đào tạo, văn bằng, kết quả học tập đã có của người học để quyết định công nhận
giá trị chuyển đổi kết quả học tập và khối lượng kiến thức được miễn trừ khi học
chương trình đào tạo liên thông đối với từng người học và công bố công khai trước
khi tổ chức đào tạo.
Điều 12. Tổ chức đào tạo
liên thông
1. Đào tạo liên thông chính quy được tổ chức, quản
lý theo các quy định hiện hành của Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính
quy theo hệ thống tín chỉ. Đào tạo liên thông chính quy phải tập trung toàn bộ
thời gian tại cơ sở giáo dục đại học được phép đào tạo liên thông để thực hiện
chương trình đào tạo. Sinh viên hệ liên thông chính quy học chung, thi hết môn
và thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ luận văn tốt nghiệp, đồ án tốt nghiệp cùng với
sinh viên hệ chính quy.
2. Đào tạo liên thông hình thức vừa làm vừa học
được thực hiện theo Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hình thức vừa làm vừa học.
Điều 13. Văn bằng tốt nghiệp
và bảng điểm
1. Người học liên thông sau khi kết thúc chương
trình đào tạo, nếu đủ điều kiện theo quy định thì được công nhận tốt nghiệp và
được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học phù hợp với trình độ đào tạo.
2. Người học liên thông theo hình thức chính quy
được cấp bằng tốt nghiệp chính quy; Người học liên thông hình thức vừa làm vừa
học được cấp bằng tốt nghiệp vừa làm vừa học.
3. Bảng điểm của người học liên thông phải ghi đầy
đủ kết quả học tập trong thời gian đào tạo liên thông và các môn học, học phần
cùng số tín chỉ hay đơn vị học trình của trình độ trước đã được thủ trưởng cơ sở
giáo dục đại học công nhận.
Chương IV
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA
CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC TỔ CHỨC ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG; TRÁCH NHIỆM CUNG CẤP THÔNG
TIN
Điều 14. Nhiệm vụ và quyền
hạn của cơ sở giáo dục đại học tổ chức đào tạo liên thông
1. Tổ chức đào tạo liên thông theo các quy định
tại Thông tư này.
2. Quyết định công nhận giá trị chuyển đổi kết
quả học tập và khối lượng kiến thức được miễn trừ khi học chương trình đào tạo
liên thông đối với từng người học trên cơ sở so sánh, đối chiếu mục tiêu đào tạo,
chuẩn đầu ra của ngành/nghề đào tạo, nội dung chương trình đào tạo, khối lượng
kiến thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá của chương trình trung cấp nghề, cao
đẳng nghề.
3. Công bố trên trang thông tin điện tử của cơ sở
giáo dục đại học thông tin: các quy định về tuyển sinh, tổ chức đào tạo; các
ngành đào tạo liên thông; chuẩn đầu ra của ngành đào tạo; chương trình đào tạo;
kế hoạch đào tạo; phương pháp đánh giá; các điều kiện đảm bảo chất lượng; học
phí.
4. Thực hiện các yêu cầu đảm bảo chất lượng đào
tạo và triển khai kiểm định chất lượng theo tiến độ do Bộ Giáo dục và Đào tạo
quy định.
5. Tổ chức lấy ý kiến phản hồi của người học về
hoạt động giảng dạy của giảng viên và công tác quản lý, phục vụ của cơ sở giáo
dục đại học.
6. Báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo kết quả thực
hiện đào tạo liên thông qui định tại Điều 18 Quy định này.
7. Được tổ chức đào tạo liên thông khi đảm bảo
các điều kiện quy định tại Điều 4 của Quy định này.
8. Được liên kết đào tạo liên thông hình thức vừa
làm vừa học theo quy định về liên kết đào tạo trình độ cao đẳng, đại học hiện
hành.
Điều 15. Trách nhiệm cung cấp
thông tin
Các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp
nghề, cao đẳng nghề, cao đẳng có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin cho các
cơ sở giáo dục đại học đào tạo liên thông về: mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra,
chương trình đào tạo, các điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định chất
lượng giáo dục được cơ quan quản lý có thẩm quyền xác nhận, để làm cơ sở cho việc
công nhận giá trị kết quả học tập, miễn trừ các học phần đã học cho người học.
Chương V
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN CỦA
NGƯỜI HỌC
Điều 16. Nhiệm vụ của người
học
1. Nộp hồ sơ cho cơ sở giáo dục đại học theo quy
định; xuất trình bản chính các văn bằng hoặc chứng chỉ đã được cấp để đối chiếu
với bản sao.
2. Đóng học phí theo quy định của cơ sở giáo dục
đại học.
3. Tuân thủ những quy định hiện hành về đào tạo
liên thông quy định tại Thông tư này.
4. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của
pháp luật có liên quan.
Điều 17. Quyền của người học
1. Được cung cấp đầy đủ thông tin về: điều kiện
dự thi; chương trình đào tạo; kết quả chuyển đổi kết quả học tập để miễn trừ khối
lượng kiến thức đã có; hình thức thi kiểm tra; đánh giá; quy chế đào tạo; quy
chế học sinh, sinh viên; chuẩn đầu ra; học phí; văn bằng tốt nghiệp.
2. Được cơ sở giáo dục đại học bảo đảm các điều
kiện đào tạo với chất lượng như đã thông báo tuyển sinh và chuẩn đầu ra đã công
bố.
3. Được hưởng các quyền khác theo quy định của
pháp luật.
Chương VI
CHẾ ĐỘ BÁO CÁO, KIỂM
TRA, THANH TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 18. Chế độ báo cáo
1. Cơ sở giáo dục đại học phải báo cáo Bộ Giáo dục
và Đào tạo về lịch thi tuyển sinh liên thông trước 2 tháng để tổ chức giám sát,
kiểm tra.
2. Trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, cơ sở giáo dục
đại học báo cáo kết quả tuyển sinh, tổ chức đào tạo, cấp bằng tốt nghiệp trong
năm và kế hoạch tuyển sinh năm sau.
3. Cơ sở giáo dục đại học không thực hiện báo
cáo hoặc báo cáo không đúng sự thật theo yêu cầu tại khoản 1 và khoản 2 Điều 18
này sẽ bị đình chỉ tuyển sinh đào tạo liên thông.
Điều 19. Hoạt động kiểm
tra, thanh tra, giám sát
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, thanh tra
thi tuyển sinh và tổ chức đào tạo liên thông của các cơ sở giáo dục đại học
theo quy định hiện hành.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo là đầu mối giúp uỷ ban
nhân dân tỉnh/thành kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền việc thực hiện Quy định
về đào tạo liên thông hình thức vừa làm vừa học đối với các lớp liên kết đặt tại
địa phương; phát hiện và báo cáo kịp thời về Bộ Giáo dục và Đào tạo những trường
hợp vi phạm Quy định về đào tạo liên thông của các đơn vị tham gia liên kết tại
địa phương quản lý.
3. Các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm tự
thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo của cơ sở
mình theo quy định hiện hành.
Điều 20. Xử lý vi phạm
1. Việc xử lý các vi phạm trong tuyển sinh và
đào tạo liên thông cấp bằng cao đẳng, đại học thực hiện theo các quy định hiện
hành của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy, Quy chế đào tạo đại học
và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ, Quy chế tuyển sinh và đào tạo vừa
làm vừa học hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Người học bị phát hiện có sai phạm trong tuyển
sinh hoặc quá trình đào tạo, khai man hồ sơ bị buộc thôi học, thu hồi bằng tốt
nghiệp.
3. Cơ sở giáo dục đại học tổ chức đào tạo liên
thông, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh, thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học và những
người tham gia tuyển sinh, tổ chức đào tạo nếu vi phạm các quy định về tuyển
sinh, tổ chức đào tạo, cấp phát văn bằng, tùy theo mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý
theo quy định của pháp luật hiện hành.
4. Cơ sở giáo dục đại học tổ chức tuyển sinh và
đào tạo liên thông khi chưa có quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
quy định tại khoản 2 Điều 6 Quy định này sẽ bị đình chỉ đào tạo liên thông tùy
theo mức độ vi phạm, thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học sẽ bị xử lý kỷ luật theo
quy định của pháp luật hiện hành.
5. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố công khai
trên trang thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo các cơ sở giáo dục đại
học vi phạm quy định về đào tạo liên thông.
Điều 21. Chế độ lưu trữ
1. Tất cả bài thi, hồ sơ và kết quả tuyển sinh của
thí sinh, cơ sở giáo dục đại học phải bảo quản và lưu trữ theo quy định của
Pháp lệnh lưu trữ.
2. Kết quả công nhận giá trị chuyển đổi kết quả
học tập và khối lượng kiến thức được miễn trừ khi học chương trình đào tạo liên
thông đối với từng người học phải bảo quản và lưu trữ sau 3 năm kể từ ngày được
cấp bằng;
3. Bảng điểm và quyết định công nhận tốt nghiệp,
sổ gốc cấp văn bằng lưu trữ theo quy định hiện hành.
Điều 22. Quy định chuyển tiếp
1. Đối với các khóa tuyển sinh đào tạo liên
thông trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực, cơ sở giáo dục đại học thực hiện
đào tạo liên thông theo Quyết định số 06/2008/QĐ-BGDĐT ngày 13 tháng 02 năm
2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thông tư liên tịch số
27/2010/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 10 năm 2010 liên tịch Bộ Giáo dục và
Đào tạo và Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội.
2. Các cơ sở giáo dục đại học
rà soát đảm bảo các điều kiện tổ chức đào tạo liên thông quy định tại Điều 4
Quy định này, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 30 tháng 6 năm 2013.