Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 10/2009/TT-BGDĐT quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ

Số hiệu: 10/2009/TT-BGDĐT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo Người ký: Nguyễn Thiện Nhân
Ngày ban hành: 07/05/2009 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 10/2009/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 07 tháng 05 năm 2009

 

THÔNG TƯ

BAN HÀNH QUY CHẾ ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ TIẾN SĨ

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định như sau:

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 22 tháng 6 năm 2009 và thay thế các quy định về tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ tại các quyết định: Quyết định số 18/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 08/6/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế đào tạo sau đại học; Quyết định số 02/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 29/01/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế tuyển sinh sau đại học; Quyết định số 19/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 09/4/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quy chế tuyển sinh sau đại học, Quyết định số 16/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 09/4/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh sau đại học; Quyết định số 11/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 21/4/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quy chế tuyển sinh sau đại học.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc các đại học, học viện, Hiệu trưởng các trường đại học, Viện trưởng các viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Tuyên giáo TW;
- Ủy ban VHGD, TN, TNNĐ của QH;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Như điều 3 (để thực hiện);
- Website Bộ GD&ĐT;
- Lưu: VT, Vụ GDĐH, Vụ PC.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Thiện Nhân

 

QUY CHẾ

ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ TIẾN SĨ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 10 /2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về đào tạo trình độ tiến sĩ bao gồm: cơ sở đào tạo; tuyển sinh; chương trình và tổ chức đào tạo; luận án và bảo vệ luận án; thẩm định luận án và cấp bằng tiến sĩ; khiếu nại, tố cáo, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

2. Quy chế này áp dụng đối với các đại học, học viện, trường đại học và viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo).

Điều 2. Mục tiêu đào tạo

Đào tạo trình độ tiến sĩ là đào tạo những nhà khoa học, có trình độ cao về lý thuyết và năng lực thực hành phù hợp, có khả năng nghiên cứu độc lập, sáng tạo, khả năng phát hiện và giải quyết được những vấn đề mới có ý nghĩa về khoa học, công nghệ và hướng dẫn nghiên cứu khoa học.

Điều 3. Thời gian đào tạo

1. Thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ đối với người có bằng thạc sĩ là 3 năm tập trung liên tục; đối với người có bằng tốt nghiệp đại học là 4 năm tập trung liên tục.

2. Trường hợp nghiên cứu sinh không theo học tập trung liên tục được và được cơ sở đào tạo chấp nhận thì chương trình đào tạo và nghiên cứu của nghiên cứu sinh phải có tổng thời gian học và nghiên cứu như quy định tại khoản 1 Điều này, trong đó có ít nhất 12 tháng tập trung liên tục tại cơ sở đào tạo để thực hiện đề tài nghiên cứu.

Chương II

CƠ SỞ ĐÀO TẠO

Điều 4. Điều kiện đăng ký mở chuyên ngành đào tạo

1. Các cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ được đăng ký mở chuyên ngành đào tạo khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Tên chuyên ngành đào tạo có trong Danh mục chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Trường hợp tên chuyên ngành đào tạo chưa có trong Danh mục, cơ sở đào tạo phải trình bày luận cứ khoa học về chuyên ngành đào tạo mới đã được Hội đồng Khoa học – Đào tạo của cơ sở đào tạo thông qua; thực tiễn và kinh nghiệm đào tạo của một số nước trên thế giới, kèm theo chương trình đào tạo tham khảo của một số trường đại học nước ngoài.

b) Có đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học cơ hữu của cơ sở đào tạo đáp ứng yêu cầu đào tạo, cụ thể:

- Có ít nhất một phó giáo sư và 4 tiến sĩ cùng ngành, trong đó ít nhất có ba người cùng chuyên ngành đăng ký;

- Trong vòng 3 năm tính đến khi lập hồ sơ đăng ký mở ngành, mỗi năm có ít nhất 3 công trình nghiên cứu của các giảng viên, cán bộ khoa học cơ hữu của bộ môn hoặc khoa, phòng chuyên môn đào tạo nghiên cứu sinh (sau đây gọi chung là đơn vị chuyên môn) công bố trên các tạp chí khoa học có phản biện độc lập, có uy tín ở trong nước hoặc nước ngoài;

- Có khả năng xây dựng chương trình và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, hướng dẫn nghiên cứu sinh thực hiện luận án tiến sĩ và tổ chức hội đồng đánh giá luận án.

c) Có cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị, thư viện, phòng thí nghiệm bảo đảm đáp ứng yêu cầu đào tạo; có chỗ làm việc dành riêng cho nghiên cứu sinh;

d) Có kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu khoa học; đã thực hiện những nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp nhà nước, cấp Bộ, ngành, cấp tỉnh, thành phố; có kinh nghiệm trong đào tạo, bồi dưỡng những người làm công tác nghiên cứu khoa học; thường xuyên tổ chức hội thảo, hội nghị khoa học chuyên ngành; thường xuyên có những trao đổi hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, đào tạo;

đ) Đối với cơ sở đào tạo là trường: phải là cơ sở đào tạo thạc sĩ và đã đào tạo được ít nhất hai khoá thạc sĩ tốt nghiệp ở ngành hay chuyên ngành phù hợp với chuyên ngành dự định đăng ký đào tạo trình độ tiến sĩ.

2. Đối với chuyên ngành đặc thù, cơ sở giáo dục đặc thù, trên cơ sở Quy chế này Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét quyết định giao chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ.

Điều 5. Thẩm quyền, hồ sơ và quy trình giao chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ

1. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (hoặc Giám đốc Đại học Quốc gia

Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đối với các đơn vị trực thuộc) quyết định giao chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ cho các cơ sở đào tạo khi có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 4 của Quy chế này.

2. Hồ sơ đăng ký mở chuyên ngành đào tạo gồm có:

a) Công văn đề nghị mở chuyên ngành đào tạo của cơ sở đào tạo.

b) Đề án đăng ký mở chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ gồm các nội dung sau: Mở đầu (giới thiệu về cơ sở đào tạo và lý do đăng ký mở chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ mới); Mục tiêu đào tạo; Lực lượng cán bộ khoa học, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo trình độ tiến sĩ và khả năng thành lập hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ thuộc chuyên ngành đăng ký; Chương trình và kế hoạch đào tạo của chuyên ngành đăng ký (Phụ lục I, mỗi chuyên ngành một bản đề án).

3. Quy trình giao chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ :

a) Cơ sở đào tạo gửi ba bộ hồ sơ đến cấp có thẩm quyền để xem xét và tổ chức thẩm định đề án trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

b) Trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thẩm định, nếu cơ sở đào tạo đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 4 của Quy chế này, cấp có thẩm quyền ra quyết định giao chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ cho cơ sở đào tạo. Trong trường hợp cơ sở đào tạo không đáp ứng đủ các điều kiện quy định, cấp có thẩm quyền có văn bản thông báo kết quả thẩm định cho cơ sở đào tạo.

Điều 6. Thu hồi quyết định giao chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ

1. Việc thu hồi quyết định giao chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ cho cơ sở đào tạo được thực hiện khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

a) Cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ không duy trì được các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 4 của Quy chế này;

b) Cơ sở đào tạo không tuyển sinh được trong 3 năm liên tiếp;

c) Cơ sở đào tạo không được công nhận đạt tiêu chuẩn tại các kỳ kiểm định chất lượng (kiểm định cơ sở đào tạo hoặc kiểm định chương trình đào tạo) do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

2. Cấp có thẩm quyền giao chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ có thẩm quyền thu hồi quyết định giao chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ.

Chương III

TUYỂN SINH

Điều 7. Thời gian và hình thức tuyển sinh

1. Thời gian tuyển sinh: mỗi năm, tùy theo nhu cầu và chỉ tiêu tuyển sinh, cơ sở đào tạo tổ chức từ một đến hai kỳ tuyển nghiên cứu sinh vào tháng 2 và tháng 8.

2. Hình thức tuyển sinh: xét tuyển.

Điều 8. Điều kiện dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ

Người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ phải có các điều kiện sau:

1. Có bằng thạc sĩ phù hợp với chuyên ngành đăng ký dự tuyển. Trường hợp chưa có bằng thạc sĩ thì phải có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại khá trở lên, ngành phù hợp với chuyên ngành đăng ký dự tuyển.

Thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định chi tiết các điều kiện về văn bằng, ngành học, điểm trung bình chung học tập toàn khóa ở trình độ đại học hoặc thạc sĩ để được dự tuyển vào các chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ của cơ sở mình và nêu rõ trong thông báo tuyển sinh.

2. Có một bài luận về dự định nghiên cứu, trong đó trình bày rõ ràng đề tài hoặc lĩnh vực nghiên cứu, lý do lựa chọn lĩnh vực nghiên cứu, mục tiêu và mong muốn đạt được, lý do lựa chọn cơ sở đào tạo; kế hoạch thực hiện trong từng thời kỳ của thời gian đào tạo; những kinh nghiệm, kiến thức, sự hiểu biết cũng như những chuẩn bị của thí sinh trong vấn đề hay lĩnh vực dự định nghiên cứu; dự kiến việc làm sau khi tốt nghiệp; đề xuất người hướng dẫn (phần I Phụ lục II).

3. Có hai thư giới thiệu của hai nhà khoa học có chức danh khoa học như giáo sư, phó giáo sư hoặc học vị tiến sĩ cùng chuyên ngành; hoặc một thư giới thiệu của một nhà khoa học có chức danh khoa học hoặc học vị tiến sĩ cùng chuyên ngành và một thư giới thiệu của thủ trưởng đơn vị công tác của thí sinh. Những người giới thiệu này cần có ít nhất 6 tháng công tác hoặc cùng hoạt động chuyên môn với thí sinh. Thư giới thiệu phải có những nhận xét, đánh giá về năng lực và phẩm chất của người dự tuyển, cụ thể:

a) Phẩm chất đạo đức, đặc biệt đạo đức nghề nghiệp;

b) Năng lực hoạt động chuyên môn;

c) Phương pháp làm việc;

d) Khả năng nghiên cứu;

đ) Khả năng làm việc theo nhóm;

e) Điểm mạnh và yếu của người dự tuyển;

g) Triển vọng phát triển về chuyên môn;

h) Những nhận xét khác và mức độ ủng hộ, giới thiệu thí sinh làm nghiên cứu sinh.

4. Có đủ trình độ ngoại ngữ để tham khảo tài liệu, tham gia hoạt động quốc tế về chuyên môn phục vụ nghiên cứu khoa học và thực hiện đề tài luận án quy định tại Điều 9 của Quy chế này.

5. Đối với những chuyên ngành có yêu cầu về kinh nghiệm làm việc, Thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định cụ thể về thời gian làm việc chuyên môn mà thí sinh cần có trước khi dự tuyển và nêu rõ trong thông báo tuyển sinh.

6. Được cơ quan quản lý nhân sự (nếu là người đã có việc làm), hoặc trường nơi sinh viên vừa tốt nghiệp giới thiệu dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ. Đối với người chưa có việc làm cần được địa phương nơi cư trú xác nhận nhân thân tốt và hiện không vi phạm pháp luật.

7. Cam kết thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với quá trình đào tạo theo quy định của cơ sở đào tạo (đóng học phí; hoàn trả kinh phí với nơi đã cấp cho quá trình đào tạo nếu không hoàn thành luận án tiến sĩ).

Điều 9. Yêu cầu về trình độ ngoại ngữ của người dự tuyển

Thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định môn ngoại ngữ và trình độ ngoại ngữ của người dự tuyển trên cơ sở yêu cầu của chuyên ngành và chương trình đào tạo và khả năng đạt yêu cầu về trình độ ngoại ngữ trước khi bảo vệ luận án quy định tại Điều 22 của Quy chế này.

Điều 10. Thông báo tuyển sinh

1. Chậm nhất ba tháng trước mỗi kỳ tuyển sinh, cơ sở đào tạo phải ra thông báo tuyển sinh và gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo để báo cáo

2. Thông báo tuyển sinh phải niêm yết tại cơ sở đào tạo, gửi đến các cơ quan đơn vị có liên quan, đăng trên trang web của cơ sở đào tạo và trang web của Bộ Giáo dục và Đào tạo (gửi đến địa chỉ: duatin@moet.edu.vn) và trên các phương tiện thông tin đại chúng khác, trong đó nêu rõ:

a) Chỉ tiêu tuyển sinh của từng chuyên ngành đào tạo do Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định căn cứ tổng chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở đào tạo và trên cơ sở năng lực chuyên môn, yêu cầu nghiên cứu, cơ sở vật chất… của từng chuyên ngành;

b) Kế hoạch tuyển sinh;

c) Hồ sơ dự tuyển và thời gian nhận hồ sơ;

d) Thời gian xét tuyển, thời gian công bố kết quả tuyển chọn và thời gian nhập học;

đ) Danh mục các hướng nghiên cứu, lĩnh vực nghiên cứu hoặc đề tài nghiên cứu kèm theo danh sách các nhà khoa học có thể nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh, số lượng nghiên cứu sinh có thể tiếp nhận theo từng hướng nghiên cứu hoặc lĩnh vực nghiên cứu (mẫu 6 Phụ lục I);

e) Các yêu cầu, thông tin cần thiết khác đối với thí sinh trong kỳ tuyển sinh.

Điều 11. Hội đồng tuyển sinh

1. Thủ trưởng cơ sở đào tạo ra quyết định thành lập Hội đồng tuyển sinh.

Thành phần của Hội đồng tuyển sinh gồm: Chủ tịch, Uỷ viên thường trực và các uỷ viên.

a) Chủ tịch: Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng được Thủ trưởng cơ sở đào tạo uỷ quyền;

b) Uỷ viên thường trực: Trưởng đơn vị hoặc Phó trưởng đơn vị phụ trách công tác đào tạo nghiên cứu sinh của cơ sở đào tạo (sau đây gọi chung là phòng Sau đại học);

c) Các uỷ viên: Trưởng khoa hoặc phòng chuyên môn (sau đây gọi chung là khoa) của các chuyên ngành có thí sinh đăng ký dự tuyển.

Những người có người thân (vợ, chồng, con, anh chị em ruột) dự tuyển không được tham gia Hội đồng tuyển sinh và các ban giúp việc cho Hội đồng tuyển sinh.

2. Trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng tuyển sinh: thông báo tuyển sinh; tiếp nhận hồ sơ dự tuyển; tổ chức xét tuyển và công nhận trúng tuyển; tổng kết công tác tuyển sinh; quyết định khen thưởng, kỷ luật; báo cáo kịp thời kết quả công tác tuyển sinh cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Trách nhiệm và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh:

a) Phổ biến, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các quy định về tuyển sinh quy định tại Chương III của Quy chế này;

b) Quyết định và chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng cơ sở đào tạo toàn bộ các mặt công tác liên quan đến tuyển sinh theo quy định tại Chương III của Quy chế này; đảm bảo quá trình tuyển chọn được công khai, minh bạch, có trách nhiệm trước xã hội, chọn được thí sinh có động lực, năng lực, triển vọng nghiên cứu và khả năng hoàn thành tốt đề tài nghiên cứu, theo kế hoạch chỉ tiêu đào tạo và các hướng nghiên cứu của cơ sở đào tạo;

c) Quyết định thành lập các ban giúp việc cho Hội đồng tuyển sinh bao gồm Ban Thư ký và các Tiểu ban chuyên môn. Các ban này chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh.

Điều 12. Ban Thư ký Hội đồng tuyển sinh

1. Thành phần Ban Thư ký Hội đồng tuyển sinh gồm có: Trưởng ban do Uỷ viên thường trực Hội đồng tuyển sinh kiêm nhiệm và các uỷ viên.

2. Trách nhiệm và quyền hạn của Ban Thư ký Hội đồng tuyển sinh:

a) Nhận và xử lý hồ sơ của thí sinh dự tuyển; thu lệ phí dự tuyển;

b) Lập danh sách trích ngang các thí sinh đủ điều kiện dự tuyển cùng hồ sơ hợp lệ của thí sinh gửi tới khoa chuyên môn;

c) Tiếp nhận kết quả đánh giá xét tuyển của các tiểu ban chuyên môn, tổng hợp trình Hội đồng tuyển sinh xem xét;

d) Gửi giấy báo kết quả xét tuyển cho tất cả các thí sinh dự tuyển.

3. Trách nhiệm của Trưởng ban Thư ký:

Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trong việc điều hành công tác của Ban Thư ký.

Điều 13. Tiểu ban chuyên môn

1. Căn cứ hồ sơ dự tuyển, chuyên ngành và hướng nghiên cứu của các thí sinh, Trưởng khoa chuyên môn đề xuất các tiểu ban chuyên môn và thành viên của từng tiểu ban chuyên môn xét tuyển nghiên cứu sinh trình Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh quyết định.

2. Tiểu ban chuyên môn xét tuyển nghiên cứu sinh có ít nhất 5 người có trình độ tiến sĩ trở lên, am hiểu lĩnh vực và vấn đề dự định nghiên cứu của thí sinh, là thành viên của đơn vị chuyên môn, cán bộ khoa học, giảng viên trong khoa thuộc cơ sở đào tạo hoặc ngoài cơ sở đào tạo do Trưởng khoa mời (nếu cần) và người dự kiến hướng dẫn nếu thí sinh trúng tuyển. Thành phần Tiểu ban chuyên môn gồm có Trưởng tiểu ban và các thành viên tiểu ban.

3. Tiểu ban chuyên môn có trách nhiệm tổ chức xem xét đánh giá hồ sơ dự tuyển, bài luận về dự định nghiên cứu và việc trình bày, trao đổi xung quanh dự định nghiên cứu của thí sinh, xếp loại các thí sinh dự tuyển theo mức độ xuất sắc, khá, trung bình hoặc không tuyển; gửi kết quả về Ban Thư ký tổng hợp báo cáo Hội đồng tuyển sinh.

Điều 14. Quy trình xét tuyển nghiên cứu sinh

1. Thành viên tiểu ban chuyên môn xét tuyển nghiên cứu sinh đánh giá phân loại thí sinh thông qua hồ sơ dự tuyển, kết quả học tập ở trình độ đại học, thạc sĩ; trình độ ngoại ngữ; thành tích nghiên cứu khoa học đã có; kinh nghiệm hoạt động chuyên môn; chất lượng bài luận về dự định nghiên cứu; ý kiến nhận xét đánh giá và ủng hộ thí sinh trong hai thư giới thiệu.

2. Thí sinh trình bày về vấn đề dự định nghiên cứu và kế hoạch thực hiện trước tiểu ban chuyên môn xét tuyển nghiên cứu sinh. Vấn đề dự định nghiên cứu của thí sinh phải phù hợp với các lĩnh vực, hướng nghiên cứu mà đơn vị chuyên môn đang thực hiện, có người đủ tiêu chuẩn theo quy định đồng ý nhận hướng dẫn. Các thành viên Tiểu ban chuyên môn đặt các câu hỏi phỏng vấn để đánh giá thí sinh về các mặt: tính cách, trí tuệ, sự rõ ràng về ý tưởng đối với các mong muốn đạt được sau khi hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ, tính khả thi trong kế hoạch để đạt những mong muốn đó và những tư chất cần có của một nghiên cứu sinh. Tiểu ban chuyên môn phải có văn bản nhận xét, đánh giá phân loại thí sinh về các nội dung này (xem phần II Phụ lục II).

3. Căn cứ các yêu cầu đánh giá, tiểu ban chuyên môn xây dựng thang điểm đánh giá, tổng hợp kết quả đánh giá của các thành viên, lập danh sách thí sinh xếp thứ tự theo điểm đánh giá từ cao xuống thấp và chuyển kết quả về Ban Thư ký Hội đồng tuyển sinh.

4. Ban thư ký Hội đồng tuyển sinh có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ dự tuyển, chuyển kết quả xếp loại xét tuyển cho Hội đồng tuyển sinh. Hội đồng tuyển sinh quy định nguyên tắc xét tuyển và xác định danh sách thí sinh trúng tuyển căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh đã được Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định cho từng chuyên ngành đào tạo và kết quả xếp loại các thí sinh, trình Thủ trưởng cơ sở đào tạo phê duyệt.

Điều 15. Triệu tập thí sinh trúng tuyển

1. Căn cứ danh sách thí sinh trúng tuyển đã được Thủ trưởng cơ sở đào tạo phê duyệt, cơ sở đào tạo gửi giấy gọi nhập học đến các thí sinh được tuyển chọn.

2. Sau khi thí sinh đăng ký nhập học chính thức, Thủ trưởng cơ sở đào tạo ra quyết định công nhận nghiên cứu sinh, hướng nghiên cứu hoặc đề tài nghiên cứu (nếu đã xác định), chuyên ngành, người hướng dẫn và thời gian đào tạo của nghiên cứu sinh.

Chương IV

CHƯƠNG TRÌNH VÀ TỔ CHỨC ĐÀO TẠO

Điều 16. Chương trình đào tạo

1. Chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ nhằm giúp nghiên cứu sinh hoàn chỉnh và nâng cao kiến thức cơ bản, có hiểu biết sâu về kiến thức chuyên ngành; có kiến thức rộng về các ngành liên quan; hỗ trợ nghiên cứu sinh rèn luyện khả năng nghiên cứu, khả năng xác định vấn đề và độc lập giải quyết các vấn đề có ý nghĩa trong lĩnh vực chuyên môn, khả năng thực hành cần thiết. Nội dung chương trình phải hỗ trợ nghiên cứu sinh tự học những kiến thức nền tảng, vững chắc về các học thuyết và lý luận của ngành, chuyên ngành; các kiến thức có tính ứng dụng của chuyên ngành; phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu, phương pháp viết các bài báo khoa học và trình bày kết quả nghiên cứu trước các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.

2. Phương pháp đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện chủ yếu bằng tự học, tự nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của nhà giáo, nhà khoa học; coi trọng rèn luyện thói quen nghiên cứu khoa học, phát triển tư duy sáng tạo trong phát hiện, giải quyết những vấn đề chuyên môn.

3. Chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ gồm ba phần:

a) Phần 1: Các học phần bổ sung;

b) Phần 2: Các học phần ở trình độ tiến sĩ, các chuyên đề tiến sĩ và tiểu luận tổng quan;

c) Phần 3: Nghiên cứu khoa học và luận án tiến sĩ.

Chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ do các cơ sở đào tạo xây dựng trên cơ sở khối lượng kiến thức và yêu cầu quy định tại Điều 17, 18, 19 và 20 của Quy chế này.

Điều 17. Các học phần bổ sung

Các học phần bổ sung là các học phần giúp nghiên cứu sinh có đủ kiến thức và trình độ chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ của nghiên cứu sinh.

1. Đối với nghiên cứu sinh chưa có bằng thạc sĩ: các học phần bổ sung bao gồm các học phần ở trình độ thạc sĩ thuộc chuyên ngành tương ứng, được học trong hai năm đầu của thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ, có khối lượng từ 27 đến 36 tín chỉ, chưa kể các môn triết học và ngoại ngữ.

2. Đối với nghiên cứu sinh đã có bằng thạc sĩ nhưng ở chuyên ngành gần với chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, hoặc có bằng thạc sĩ đúng chuyên ngành nhưng tốt nghiệp đã nhiều năm hoặc do cơ sở đào tạo khác cấp thì trên cơ sở đối chiếu với chương trình đào tạo hiện tại, cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ yêu cầu nghiên cứu sinh học bổ sung các học phần cần thiết theo yêu cầu của chuyên ngành đào tạo và lĩnh vực nghiên cứu.

3. Trường hợp cần thiết, nếu chương trình đào tạo trình độ đại học của nghiên cứu sinh còn thiếu những môn học, học phần có vai trò quan trọng cho việc đào tạo trình độ tiến sĩ, Thủ trưởng cơ sở đào tạo có thể yêu cầu nghiên cứu sinh học bổ sung một số học phần ở trình độ đại học.

4. Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định các học phần nghiên cứu sinh cần học bổ sung; khối lượng tín chỉ cần bổ sung cho trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Điều 18. Các học phần ở trình độ tiến sĩ, các chuyên đề tiến sĩ và tiểu luận tổng quan

1. Các học phần ở trình độ tiến sĩ giúp nghiên cứu sinh cập nhật các kiến thức mới trong lĩnh vực chuyên môn; nâng cao trình độ lý thuyết, phương pháp luận nghiên cứu và khả năng ứng dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học quan trọng, thiết yếu của lĩnh vực nghiên cứu. Mỗi học phần được thiết kế với khối lượng từ 2 đến 3 tín chỉ. Mỗi nghiên cứu sinh phải hoàn thành từ 3 đến 5 học phần với khối lượng từ 8 đến 12 tín chỉ thuộc trình độ tiến sĩ.

2. Các học phần ở trình độ tiến sĩ bao gồm các học phần bắt buộc và các học phần lựa chọn, trong đó các học phần bắt buộc là những học phần căn bản, liên quan đến những kiến thức cốt lõi ở mức độ cao của ngành và chuyên ngành. Các học phần lựa chọn có nội dung chuyên sâu phù hợp với đề tài nghiên cứu sinh hoặc hỗ trợ rèn luyện các phương pháp nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành, cách viết bài báo khoa học.

3. Các chuyên đề tiến sĩ đòi hỏi nghiên cứu sinh tự cập nhật kiến thức mới liên quan trực tiếp đến đề tài của nghiên cứu sinh, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, giúp nghiên cứu sinh giải quyết một số nội dung của đề tài luận án. Mỗi nghiên cứu sinh phải hoàn thành từ 2 đến 3 chuyên đề tiến sĩ với khối lượng từ 4 đến 6 tín chỉ.

4. Bài tiểu luận tổng quan về tình hình nghiên cứu và các vấn đề liên quan đến đề tài luận án đòi hỏi nghiên cứu sinh thể hiện khả năng phân tích, đánh giá các công trình nghiên cứu đã có của các tác giả trong và ngoài nước liên quan mật thiết đến đề tài luận án, nêu những vấn đề còn tồn tại, chỉ ra những vấn đề mà luận án cần tập trung nghiên cứu giải quyết.

5. Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định và công bố công khai trước khi khai giảng khóa đào tạo các nội dung: danh mục, mục tiêu, yêu cầu, nội dung các học phần ở trình độ tiến sĩ và các chuyên đề tiến sĩ của từng chuyên ngành đào tạo; cách đánh giá, yêu cầu điểm tối thiểu cho mỗi học phần mà nghiên cứu sinh cần đạt; cách báo cáo, cách đánh giá các báo cáo chuyên đề và đánh giá tiểu luận tổng quan của nghiên cứu sinh.

Điều 19. Nghiên cứu khoa học

1. Nghiên cứu khoa học là giai đoạn đặc thù, mang tính bắt buộc trong quá trình nghiên cứu thực hiện luận án tiến sĩ. Tùy theo tính chất của lĩnh vực nghiên cứu thuộc khoa học xã hội nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, công nghệ mà cơ sở đào tạo có các yêu cầu khác nhau đối với việc đánh giá hiện trạng tri thức, giải pháp công nghệ liên quan đến đề tài luận án, yêu cầu điều tra, thực nghiệm để bổ sung các dữ liệu cần thiết, yêu cầu suy luận khoa học hoặc thiết kế giải pháp, thí nghiệm để từ đó nghiên cứu sinh đạt tới tri thức mới hoặc giải pháp mới. Đây là các cơ sở quan trọng nhất để nghiên cứu sinh viết luận án tiến sĩ.

2. Nội dung, quy mô nghiên cứu khoa học phải phù hợp với mục tiêu của luận án tiến sĩ. Tùy theo tính chất của đề tài nghiên cứu mà cơ sở đào tạo, người hướng dẫn phải đầu tư đủ kinh phí và cơ sở vật chất thí nghiệm, đội ngũ để nghiên cứu sinh tiến hành xong các nghiên cứu cần thiết. Nghiên cứu sinh phải đảm bảo về tính trung thực, chính xác, tính mới của kết quả nghiên cứu khoa học của mình, chấp hành các quy định về sở hữu trí tuệ của Việt Nam và quốc tế.

3. Thời gian nghiên cứu khoa học được bố trí trong thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ. Nếu vì lý do khách quan hay chủ quan, việc nghiên cứu khoa học không thể hoàn thành trong thời gian dự kiến thì để đảm bảo chất lượng luận án nghiên cứu sinh được đăng ký kéo dài thời gian nghiên cứu. Các chi phí đào tạo trong thời gian kéo dài do nghiên cứu sinh chịu hoặc do đơn vị cử đi học hoặc cơ sở đào tạo hỗ trợ nếu có điều kiện.

Điều 20. Luận án tiến sĩ

Luận án tiến sĩ phải là một công trình nghiên cứu khoa học độc đáo, sáng tạo trong lĩnh vực nghiên cứu, có đóng góp về mặt lý luận, chứa đựng những tri thức hoặc giải pháp mới có giá trị trong việc phát triển, gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu hoặc giải quyết sáng tạo các vấn đề đang đặt ra với một ngành khoa học hoặc thực tiễn xã hội.

Luận án tiến sĩ có khối lượng khoảng 100 trang A4, trong đó trên 50% là trình bày các kết quả nghiên cứu và biện luận của riêng nghiên cứu sinh.

Điều 21. Tổ chức giảng dạy, đánh giá các học phần và các chuyên đề tiến sĩ

1. Khi tiếp nhận nghiên cứu sinh, căn cứ trình độ của từng nghiên cứu sinh, văn bằng nghiên cứu sinh đã có, các học phần nghiên cứu sinh đã học ở trình độ đại học và thạc sĩ (nếu có), người hướng dẫn nghiên cứu sinh và Hội đồng Khoa học – Đào tạo cấp khoa (hay cấp viện đối với cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ là viện nghiên cứu khoa học) sẽ đề xuất các học phần bổ sung cần thiết ở trình độ đại học, thạc sĩ; các học phần ở trình độ tiến sĩ và các chuyên đề tiến sĩ sao cho phù hợp, thiết thực với quá trình đào tạo và thực hiện đề tài luận án của nghiên cứu sinh, trình Thủ trưởng cơ sở đào tạo phê duyệt. Đơn vị phụ trách công tác đào tạo nghiên cứu sinh của cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch học tập theo đề xuất của các Hội đồng Khoa học – Đào tạo cấp khoa hay cấp viện và thông báo cho nghiên cứu sinh thực hiện.

2. Đối với các học phần bổ sung ở trình độ đại học, thạc sĩ, nghiên cứu sinh phải theo học cùng các lớp đào tạo trình độ tương ứng của cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ hoặc cơ sở đào tạo khác do cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ gửi đến học. Đối với các học phần ở trình độ tiến sĩ do cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ tổ chức thực hiện.

3. Trong thời gian tối đa là 24 tháng kể từ khi trúng tuyển, cơ sở đào tạo phải tổ chức để nghiên cứu sinh hoàn thành phần 1 và phần 2 của chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ.

4. Việc tổ chức giảng dạy, đánh giá các học phần và tiểu luận tổng quan của nghiên cứu sinh phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:

a) Khuyến khích và đòi hỏi chủ động tự học, tự nghiên cứu của nghiên cứu sinh ;

b) Việc đánh giá các học phần ở trình độ tiến sĩ và các chuyên đề tiến sĩ thực hiện theo quy trình đánh giá khách quan, liên tục trong quá trình đào tạo. Thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định cụ thể thang đánh giá.

5. Những nghiên cứu sinh có kết quả các học phần, các chuyên đề tiến sĩ hoặc tiểu luận tổng quan không đủ điều kiện tiếp tục làm nghiên cứu sinh thì có thể được xem xét bổ sung một số học phần hoặc kết quả nghiên cứu để được cấp bằng thạc sĩ nếu nghiên cứu sinh chưa có bằng thạc sĩ và có đơn đề nghị.

6. Hội đồng Khoa học - Đào tạo cấp khoa hay cấp viện có nhiệm vụ xây dựng chương trình đào tạo, định kỳ hai năm một lần bổ sung, điều chỉnh danh mục và nội dung các học phần, các chuyên đề tiến sĩ theo yêu cầu của ngành đào tạo và quy định của cơ sở đào tạo, trình Thủ trưởng cơ sở đào tạo phê duyệt.

7. Thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định chi tiết việc tổ chức giảng dạy, đánh giá các học phần, các chuyên đề tiến sĩ và tiểu luận tổng quan của nghiên cứu sinh; điều kiện để được tiếp tục đào tạo khi kết thúc các học phần và tiểu luận tổng quan; điều kiện để xem xét cấp bằng thạc sĩ cho các trường hợp chưa có bằng thạc sĩ mà không được tiếp tục làm nghiên cứu sinh.

Điều 22. Yêu cầu về trình độ ngoại ngữ trước khi bảo vệ luận án

1. Trước khi bảo vệ luận án, nghiên cứu sinh phải có một trong các văn bằng, chứng chỉ sau đây:

a) Có bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ hoặc tiến sĩ tại nước ngoài mà ngôn ngữ sử dụng trong đào tạo là tiếng Anh;

b) Có bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ hoặc tiến sĩ ở trong nước mà ngôn ngữ sử dụng trong đào tạo là tiếng Anh không qua phiên dịch.

c) Có bằng tốt nghiệp đại học ngành tiếng Anh.

d) Có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT 61 điểm hoặc TOEFL ITP (nội bộ) 500 điểm hoặc IELTS 5.0 trở lên hoặc tương đương. Trình độ ngoại ngữ tương đương được xác định theo chuẩn B1, B2 của Khung Châu Âu Chung (Common European Framework – CEF, Phụ lục III).

2. Chứng chỉ ngoại ngữ của những trung tâm khảo thí ngoại ngữ trong nước có uy tín, có kết quả đánh giá năng lực người học tương đương với kết quả đánh giá của các trung tâm khảo thí ngoại ngữ quốc tế có thẩm quyền theo các loại bài kiểm tra cấp chứng chỉ nêu tại điểm d khoản 1 Điều này, sau khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá và công nhận, có giá trị sử dụng trong đào tạo nghiên cứu sinh.

3. Các trung tâm khảo thí hoặc đào tạo ngoại ngữ nếu tự đánh giá đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều này có thể gửi văn bản đến Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị được đánh giá và công nhận.

Việc đánh giá và công nhận chứng chỉ ngoại ngữ dùng trong đào tạo nghiên cứu sinh được thực hiện theo chu kỳ 3 năm.

Điều 23. Những thay đổi trong quá trình đào tạo

1. Việc thay đổi đề tài luận án chỉ thực hiện trong nửa đầu thời gian đào tạo.

2. Việc bổ sung hoặc thay đổi người hướng dẫn thực hiện chậm nhất một năm trước khi nghiên cứu sinh bảo vệ luận án.

3. Khi có lý do chính đáng, nghiên cứu sinh có thể xin chuyển cơ sở đào tạo với điều kiện thời hạn học tập theo quy định còn ít nhất là một năm, được cơ sở đang đào tạo đồng ý, được cơ sở chuyển đến tiếp nhận và ra quyết định công nhận là nghiên cứu sinh của cơ sở chuyển đến. Thủ trưởng cơ sở đào tạo chuyển đến quyết định các học phần hoặc các chuyên đề tiến sĩ mà nghiên cứu sinh đó cần bổ sung (nếu có).

4. Nghiên cứu sinh được xác định là hoàn thành chương trình đào tạo đúng hạn nếu trong thời hạn quy định, luận án đã được thông qua ở Hội đồng đánh giá luận án cấp cơ sở.

Nếu nghiên cứu sinh không có khả năng hoàn thành chương trình đào tạo đúng thời hạn quy định thì chậm nhất 6 tháng trước khi hết hạn phải làm đơn xin phép gia hạn học tập, có ý kiến của đơn vị cử đi học (nếu có). Việc gia hạn học tập chỉ giải quyết khi có lý do chính đáng với các điều kiện đảm bảo trong phạm vi thời gian gia hạn nghiên cứu sinh hoàn thành được nhiệm vụ học tập, nghiên cứu. Nghiên cứu sinh có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ tài chính phát sinh khi gia hạn theo thông báo của cơ sở đào tạo. Thời gian gia hạn không quá 24 tháng. Đối với nghiên cứu sinh không tập trung, khi được gia hạn phải làm việc tập trung tại cơ sở đào tạo để hoàn thành luận án trong thời gian được gia hạn.

5. Khi nghiên cứu sinh hoàn thành xuất sắc chương trình đào tạo và đề tài nghiên cứu thể hiện ở kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước hoặc nước ngoài có uy tín, nghiên cứu sinh có thể đề nghị được bảo vệ sớm luận án. Thủ trưởng cơ sở đào tạo xem xét quyết định việc bảo vệ sớm căn cứ kết quả học tập và nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh, đề nghị của người hướng dẫn, đề nghị của thủ trưởng đơn vị công tác và ý kiến đánh giá, đề nghị của Hội đồng Khoa học – Đào tạo cấp khoa hay cấp viện.

6. Khi nghiên cứu sinh hết thời gian đào tạo (kể cả thời gian gia hạn nếu có) hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo (kể cả khi nghiên cứu sinh bảo vệ sớm trước thời hạn), Thủ trưởng cơ sở đào tạo có văn bản thông báo cho đơn vị cử nghiên cứu sinh đi học biết và có đánh giá về kết quả nghiên cứu và thái độ của nghiên cứu sinh trong quá trình học tập tại cơ sở đào tạo.

7. Sau khi hết thời gian đào tạo, nếu chưa hoàn thành luận án, nghiên cứu sinh vẫn có thể tiếp tục thực hiện đề tài luận án và trở lại cơ sở đào tạo trình luận án để bảo vệ nếu đề tài luận án và các kết quả nghiên cứu vẫn đảm bảo tính thời sự, giá trị khoa học; được người hướng dẫn, Thủ trưởng cơ sở đào tạo đồng ý. Thời gian tối đa cho phép trình luận án để bảo vệ là 7 năm (84 tháng) kể từ ngày có quyết định công nhận nghiên cứu sinh. Quá thời gian này, nghiên cứu sinh không được bảo vệ luận án và các kết quả học tập thuộc chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ không được bảo lưu.

8. Thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định chi tiết về thủ tục, trình tự giải quyết và quyết định về các thay đổi trong quá trình đào tạo nghiên cứu sinh.

Điều 24. Giảng viên giảng dạy chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ

Giảng viên giảng dạy chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ phải có các tiêu chuẩn sau đây:

1. Có phẩm chất đạo đức và tư cách tốt.

2. Có bằng tiến sĩ hoặc chức danh giáo sư, phó giáo sư ở chuyên ngành hoặc ngành phù hợp với học phần sẽ đảm nhiệm trong chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ.

3. Có năng lực chuyên môn tốt và hiện đang hoạt động nghiên cứu khoa học, thể hiện ở các bài báo, công trình được công bố trước và trong thời gian tham gia giảng dạy chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ.

Điều 25. Người hướng dẫn nghiên cứu sinh

1. Người hướng dẫn nghiên cứu sinh phải có các tiêu chuẩn quy định tại Điều 24 của Quy chế này và các tiêu chuẩn sau:

a) Có chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư hoặc có bằng tiến sĩ. Nếu có bằng tiến sĩ nhưng chưa có chức danh khoa học thì phải sau khi nhận bằng tiến sĩ tròn 3 năm;

b) Có các bài báo, công trình nghiên cứu khoa học công bố trong 5 năm trở lại đây;

c) Có tên trong thông báo của cơ sở đào tạo về danh mục các đề tài, hướng nghiên cứu, lĩnh vực nghiên cứu dự định nhận nghiên cứu sinh vào năm tuyển sinh;

d) Có khả năng đặt vấn đề và hướng dẫn nghiên cứu sinh giải quyết vấn đề khoa học đã đặt ra;

đ) Sử dụng tốt tiếng Anh phục vụ nghiên cứu chuyên ngành và trao đổi khoa học quốc tế;

e) Có trách nhiệm cao để thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn nghiên cứu sinh.

g) Hiện không trong thời gian phải tạm dừng nhận nghiên cứu sinh mới theo quy định tại khoản 5 Điều này.

2. Mỗi nghiên cứu sinh có không quá hai người cùng hướng dẫn. Trường hợp có hai người hướng dẫn, cơ sở đào tạo quy định rõ vai trò, trách nhiệm của người hướng dẫn thứ nhất (người hướng dẫn chính) và người hướng dẫn thứ hai.

3. Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, có nhiều kinh nghiệm trong hướng dẫn nghiên cứu sinh có thể độc lập hướng dẫn nghiên cứu sinh nếu được cơ sở đào tạo chấp thuận.

4. Giáo sư hoặc tiến sĩ khoa học được hướng dẫn cùng lúc không quá 5 nghiên cứu sinh, phó giáo sư hoặc tiến sĩ được hướng dẫn cùng lúc không quá 3 nghiên cứu sinh ở tất cả các cơ sở đào tạo mà người đó được mời hướng dẫn, kể cả đồng hướng dẫn và kể cả nghiên cứu sinh đã hết hạn đào tạo nhưng còn trong thời gian được phép quay lại cơ sở đào tạo xin bảo vệ luận án theo quy định tại khoản 7 Điều 23 của Quy chế này. Mỗi người hướng dẫn có không quá hai nghiên cứu sinh của cùng một khoá.

5. Khi một người hướng dẫn có hai nghiên cứu sinh không hoàn thành luận án vì lý do chuyên môn thì sẽ tạm thời không được nhận thêm nghiên cứu sinh. Khi có đến ba nghiên cứu sinh không hoàn thành luận án mà không có lý do chính đáng, người hướng dẫn này sẽ không được nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh trong thời gian ít nhất là 2 năm.

6. Khuyến khích các cơ sở đào tạo mời các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài có đủ các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh.

Điều 26. Nhiệm vụ của người hướng dẫn nghiên cứu sinh

1. Duyệt kế hoạch học tập và nghiên cứu của nghiên cứu sinh.

2. Xác định các học phần cần thiết trong chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ bao gồm: các học phần ở trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ, các chuyên đề tiến sĩ cho nghiên cứu sinh; đề xuất với đơn vị chuyên môn để trình Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định.

3. Lên kế hoạch tuần, tháng, quý, năm làm việc với nghiên cứu sinh. Tổ chức, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra và đôn đốc nghiên cứu sinh học tập và thực hiện đề tài luận án, tham gia hội nghị khoa học, duyệt và giúp nghiên cứu sinh công bố các kết quả nghiên cứu.

4. Giúp đỡ nghiên cứu sinh chuẩn bị báo cáo chuyên đề theo lịch trình của đơn vị chuyên môn; chuẩn bị bài giảng, tài liệu giảng dạy để tham gia giảng dạy, trợ giảng; hướng dẫn sinh viên thực hành, thực tập và nghiên cứu khoa học.

5. Có nhận xét về tình hình học tập, nghiên cứu, tiến độ đạt được của nghiên cứu sinh trong các báo cáo định kỳ của nghiên cứu sinh gửi đơn vị chuyên môn.

6. Duyệt luận án của nghiên cứu sinh, xác nhận các kết quả đã đạt được và đề nghị cho nghiên cứu sinh bảo vệ, nếu luận án đã đáp ứng các yêu cầu quy định.

7. Các nhiệm vụ khác theo quy định của Thủ trưởng cơ sở đào tạo.

Điều 27. Trách nhiệm của nghiên cứu sinh

1. Trong quá trình đào tạo, nghiên cứu sinh là thành viên chính thức của đơn vị chuyên môn, có trách nhiệm báo cáo kế hoạch để thực hiện chương trình học tập, nghiên cứu và đề cương nghiên cứu với đơn vị chuyên môn.

2. Trong quá trình học tập và thực hiện đề tài luận án, nghiên cứu sinh phải thường xuyên gặp gỡ xin ý kiến và trao đổi chuyên môn với người hướng dẫn theo kế hoạch và lịch đã định; tham gia đầy đủ và có báo cáo chuyên đề tại các buổi sinh hoạt khoa học của đơn vị chuyên môn; viết báo cáo khoa học; viết ít nhất hai bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học có phản biện độc lập, theo danh mục tạp chí do đơn vị chuyên môn quy định; tham gia các sinh hoạt khoa học có liên quan đến nhiệm vụ nghiên cứu của mình ở trong và ngoài cơ sở đào tạo; định kỳ báo cáo kết quả học tập, nghiên cứu của mình với người hướng dẫn và đơn vị chuyên môn theo lịch do đơn vị chuyên môn quy định, ít nhất 4 lần một năm.

3. Trong quá trình học tập, nghiên cứu sinh phải dành thời gian tham gia vào các hoạt động chuyên môn, trợ giảng, nghiên cứu, hướng dẫn sinh viên thực tập hoặc nghiên cứu khoa học tại cơ sở đào tạo theo sự phân công của đơn vị chuyên môn.

4. Vào đầu mỗi năm học, nghiên cứu sinh phải nộp cho đơn vị chuyên môn báo cáo kết quả học tập và tiến độ nghiên cứu của mình bao gồm: những học phần, số tín chỉ đã hoàn thành; kết quả nghiên cứu, tình hình công bố kết quả nghiên cứu; đề cương nghiên cứu chi tiết, kế hoạch học tập, nghiên cứu của mình trong năm học mới để đơn vị chuyên môn xem xét đánh giá.

5. Nghiên cứu sinh không được tìm hiểu hoặc tiếp xúc với phản biện độc lập, không được liên hệ hoặc gặp gỡ với các thành viên Hội đồng cấp trường hoặc viện trước khi bảo vệ luận án; không được tham gia vào quá trình chuẩn bị tổ chức bảo vệ luận án như đưa hồ sơ luận án đến các thành viên Hội đồng; không được tiếp xúc để lấy các bản nhận xét luận án của các thành viên Hội đồng, các nhà khoa học, các tổ chức khoa học.

Điều 28. Trách nhiệm của đơn vị chuyên môn

1. Tổ chức để Tiểu ban chuyên môn xét tuyển nghiên cứu sinh, đánh giá hồ sơ đăng ký dự tuyển và năng lực, tư chất của thí sinh. Lập biên bản đánh giá, xếp loại kết quả xét tuyển nghiên cứu sinh trình Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định tuyển chọn.

2. Xem xét và thông qua Hội đồng Khoa học - Đào tạo cấp khoa hay cấp Viện trước khi trình Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định các học phần cần thiết trong chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ bao gồm: các học phần ở trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ; các chuyên đề tiến sĩ; kế hoạch đào tạo đối với từng nghiên cứu sinh; giám sát và kiểm tra việc thực hiện chương trình và kế hoạch đào tạo của nghiên cứu sinh đó.

3. Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn định kỳ cho giảng viên và nghiên cứu sinh, ít nhất mỗi tháng một lần, để nghiên cứu sinh báo cáo chuyên đề và kết quả nghiên cứu; phân công nghiên cứu sinh giảng dạy; phân công hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, đưa sinh viên đi thực hành, thực tập.

4. Quy định lịch làm việc của nghiên cứu sinh với người hướng dẫn; lịch của đơn vị chuyên môn nghe nghiên cứu sinh báo cáo kết quả học tập, nghiên cứu trong năm học, đảm bảo ít nhất 4 lần một năm. Tổ chức xem xét đánh giá kết quả học tập, nghiên cứu; tinh thần, thái độ học tập, nghiên cứu; khả năng và triển vọng của nghiên cứu sinh và đề nghị Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định việc tiếp tục học tập đối với từng nghiên cứu sinh.

5. Đề xuất với Thủ trưởng cơ sở đào tạo danh mục các tạp chí khoa học chuyên ngành có phản biện độc lập mà nghiên cứu sinh phải gửi công bố kết quả nghiên cứu của mình, phù hợp với quy định tại khoản 7 Điều 30 của Quy chế này; hướng dẫn, liên hệ và hỗ trợ nghiên cứu sinh gửi công bố kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước.

6. Đề nghị Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định việc thay đổi tên đề tài luận án, bổ sung hoặc thay đổi người hướng dẫn, rút ngắn hoặc kéo dài thời gian đào tạo, chuyển cơ sở đào tạo của nghiên cứu sinh.

7. Có các biện pháp quản lý và thực hiện quản lý chặt chẽ nghiên cứu sinh trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu. Định kỳ 6 tháng một lần báo cáo Thủ trưởng cơ sở đào tạo về tình hình học tập, nghiên cứu của nghiên cứu sinh; đồng thời thông qua Thủ trưởng cơ sở đào tạo gửi báo cáo này cho Thủ trưởng đơn vị công tác của nghiên cứu sinh.

8. Tổ chức đánh giá luận án của nghiên cứu sinh ở cấp cơ sở, xem xét thông qua hoặc hoãn lại việc đề nghị cho nghiên cứu sinh bảo vệ luận án cấp trường hoặc viện.

Điều 29. Trách nhiệm của cơ sở đào tạo

1. Xây dựng và ban hành quy định chi tiết của cơ sở đào tạo về tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, quản lý nghiên cứu sinh, về luận án, bảo vệ luận án, cấp bằng tiến sĩ và các hoạt động liên quan đến quá trình đào tạo trình độ tiến sĩ trên cơ sở các quy định của Quy chế này.

2. Xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của cơ sở đào tạo theo từng chuyên ngành đào tạo và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Xây dựng chương trình đào tạo, giáo trình, kế hoạch giảng dạy đối với các chuyên ngành được phép đào tạo; lập hồ sơ gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo đăng ký chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ; phê duyệt danh mục các tạp chí khoa học uy tín, có phản biện độc lập mà nghiên cứu sinh phải gửi công bố kết quả nghiên cứu theo từng chuyên ngành đào tạo và hướng dẫn nghiên cứu sinh thủ tục, quy trình gửi bài cho các tạp chí trong nước và tạp chí nước ngoài.

4. Tổ chức tuyển sinh hàng năm theo chỉ tiêu đã được xác định và theo quy định tại Chương III của Quy chế này.

5. Ra quyết định công nhận nghiên cứu sinh, đề tài nghiên cứu, chuyên ngành, người hướng dẫn và thời gian đào tạo của nghiên cứu sinh; quyết định xử lý những thay đổi trong quá trình đào tạo nghiên cứu sinh như thay đổi đề tài, người hướng dẫn, thời gian đào tạo, hình thức đào tạo hay chuyển cơ sở đào tạo cho nghiên cứu sinh.

6. Tổ chức đào tạo theo chương trình đào tạo đã được duyệt. Tạo điều kiện để nghiên cứu sinh được đi thực tập, tham gia hội nghị khoa học quốc tế ở nước ngoài.

7. Cung cấp thiết bị, vật tư, tư liệu và các điều kiện cần thiết khác đảm bảo cho việc học tập và nghiên cứu của nghiên cứu sinh như đối với cán bộ khoa học kỹ thuật của cơ sở đào tạo.

8. Tổ chức cho nghiên cứu sinh bảo vệ luận án theo quy định của Quy chế này và quy định của cơ sở đào tạo. Đảm bảo đủ nhân lực có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ tốt để thực hiện các nhiệm vụ phục vụ việc bảo vệ luận án của nghiên cứu sinh.

9. Quản lý quá trình đào tạo, học tập và nghiên cứu của nghiên cứu sinh; quản lý việc thi và cấp chứng chỉ các học phần, bảng điểm học tập; cấp giấy chứng nhận cho nghiên cứu sinh đã hoàn thành chương trình đào tạo, đã bảo vệ luận án tiến sĩ trong thời gian thẩm định luận án; cấp bằng tiến sĩ và quản lý việc cấp bằng tiến sĩ theo quy định hiện hành.

10. Tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học thường niên; các hội thảo khoa học quốc tế. Xuất bản thường kỳ tạp chí khoa học chuyên ngành có phản biện độc lập của cơ sở đào tạo.

11. Xây dựng trang web và công bố công khai, cập nhật và duy trì trên trang web toàn văn luận án, tóm tắt luận án, những điểm mới của từng luận án (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) từ khi chuẩn bị bảo vệ; danh sách nghiên cứu sinh hàng năm; các đề tài nghiên cứu đang thực hiện; danh sách nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sĩ.

12. Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo và lưu trữ bao gồm:

a) Sau kỳ tuyển sinh, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình và kết quả tuyển sinh, các quyết định công nhận nghiên cứu sinh trúng tuyển (Phụ lục IV);

b) Tháng 10 hàng năm, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác đào tạo tiến sĩ của cơ sở, những thay đổi về nghiên cứu sinh trong năm, xác định chỉ tiêu và kế hoạch tuyển nghiên cứu sinh năm sau (Phụ lục V);

c) Vào ngày cuối cùng của các tháng chẵn, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo danh sách trích ngang nghiên cứu sinh bảo vệ trong hai tháng vừa qua (Phụ lục VI).

d) Trước ngày 30/6 và 31/12 hàng năm, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình cấp bằng tiến sĩ của cơ sở đào tạo. Hồ sơ báo cáo gồm:

- Báo cáo tổng quan tình hình cấp bằng tiến sĩ của cơ sở đào tạo trong thời gian từ sau lần báo cáo trước.

- Danh sách nghiên cứu sinh được cấp bằng (Phụ lục VII).

- Bản sao quyết định cấp bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh đã hoàn thành chương trình đào tạo và bảo vệ luận án đạt yêu cầu quy định.

- Bản sao quyết định công nhận nghiên cứu sinh có tên trong danh sách cấp bằng.

d) Các tài liệu, hồ sơ của mỗi nghiên cứu sinh, của cơ sở đào tạo liên quan đến tuyển sinh, đào tạo, xét tốt nghiệp và cấp bằng tiến sĩ phải được bảo quản và lưu trữ tại cơ sở đào tạo theo quy định hiện hành về công tác lưu trữ;

13. Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định của cơ sở trong đào tạo trình độ tiến sĩ và chịu trách nhiệm về toàn bộ các hoạt động đào tạo tại cơ sở.

14. Đăng ký kiểm định chất lượng đào tạo với cơ quan có thẩm quyền.

Chương V

LUẬN ÁN VÀ BẢO VỆ LUẬN ÁN

Điều 30. Yêu cầu đối với luận án tiến sĩ

1. Luận án tiến sĩ phải do nghiên cứu sinh thực hiện và đáp ứng được những mục tiêu và yêu cầu quy định tại Điều 20 của Quy chế này. Luận án phải có những đóng góp mới về mặt học thuật, được trình bày bằng ngôn ngữ khoa học, vận dụng những lý luận cơ bản của ngành khoa học để phân tích, bình luận các luận điểm và kết quả đã đạt được trong các công trình nghiên cứu trước đây liên quan đến đề tài luận án, trên cơ sở đó đặt ra vấn đề mới, giả thuyết mới có ý nghĩa hoặc các giải pháp mới để giải quyết các vấn đề đặt ra của luận án và chứng minh được bằng những tư liệu mới. Tác giả luận án phải có cam đoan danh dự về công trình khoa học của mình.

Khuyến khích nghiên cứu sinh viết và bảo vệ luận án bằng tiếng Anh.

2. Nội dung luận án tiến sĩ gồm có: mở đầu; tổng quan tình hình nghiên cứu, mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu; cơ sở lý luận và giả thuyết khoa học; phương pháp nghiên cứu; kết quả nghiên cứu, bàn luận; kết luận và kiến nghị về những nghiên cứu tiếp theo; danh mục các công trình đã công bố của tác giả có liên quan đến đề tài luận án; danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục (nếu cần).

3. Luận án tiến sĩ phải đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Luật sở hữu trí tuệ.

4. Nếu luận án là công trình khoa học hoặc một phần công trình khoa học của một tập thể trong đó tác giả đóng góp phần chính thì phải xuất trình với cơ sở đào tạo các văn bản của các thành viên trong tập thể đó đồng ý cho phép nghiên cứu sinh sử dụng công trình này trong luận án để bảo vệ lấy bằng tiến sĩ.

5. Việc sử dụng hoặc trích dẫn kết quả nghiên cứu của người khác, của đồng tác giả phải được dẫn nguồn đầy đủ và rõ ràng. Nếu sử dụng tài liệu của người khác (trích dẫn bảng, biểu, công thức, đồ thị cùng những tài liệu khác) mà không chú dẫn tác giả và nguồn tài liệu thì luận án không được duyệt để bảo vệ.

6. Danh mục công trình đã công bố của tác giả có liên quan đến đề tài luận án và danh mục tài liệu tham khảo được trình bày theo thứ tự bảng chữ cái họ tên tác giả theo thông lệ quốc tế. Tài liệu tham khảo bao gồm các tài liệu được trích dẫn, sử dụng và đề cập trong luận án.

7. Nội dung chủ yếu và các kết quả nghiên cứu của luận án phải đã được báo cáo tại các hội nghị khoa học toàn quốc hàng năm của ngành khoa học, được công bố ít nhất trong hai bài báo trên tạp chí khoa học chuyên ngành có phản biện độc lập. Các tạp chí khoa học trong nước thuộc nhóm các tạp chí chuyên ngành được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đánh giá điểm công trình đến 1 điểm, đồng thời thuộc danh mục các tạp chí khoa học mà cơ sở đào tạo quy định cho mỗi chuyên ngành đào tạo.

Khuyến khích nghiên cứu sinh đăng bài trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, các tạp chí do Viện Thông tin khoa học quốc tế ISI liệt kê tại địa chỉ http://scientific.thomson.com/isi/ hoặc các kỷ yếu Hội nghị khoa học quốc tế do một Nhà xuất bản quốc tế có uy tín ấn hành.

8. Cơ sở đào tạo quy định cụ thể quy cách trình bày luận án theo từng chuyên ngành của cơ sở mình, đảm bảo luận án được trình bày khoa học, rõ ràng, mạch lạc; không tẩy xoá.

Điều 31. Đánh giá và bảo vệ luận án

1. Luận án tiến sĩ được tiến hành đánh giá qua hai cấp:

a) Cấp cơ sở (đơn vị chuyên môn);

b) Cấp trường hoặc viện.

2. Điều kiện để nghiên cứu sinh được đề nghị bảo vệ luận án:

a) Đã hoàn thành luận án và chương trình học tập quy định tại các Điều 17, 18, 19 và 20 của Quy chế này trong thời gian quy định;

b) Luận án đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 20 và Điều 30 của Quy chế này và quy định của cơ sở đào tạo;

c) Tập thể hoặc người hướng dẫn có văn bản khẳng định chất lượng luận án; nhận xét về tinh thần, thái độ, kết quả học tập, nghiên cứu của nghiên cứu sinh và đề nghị cho nghiên cứu sinh được bảo vệ luận án;

d) Nghiên cứu sinh hiện không bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

3. Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định về các điều kiện, yêu cầu cụ thể đối với luận án của từng chuyên ngành đào tạo khi đưa ra bảo vệ ở cấp trường hoặc viện.

Điều 32. Đánh giá luận án cấp cơ sở (đơn vị chuyên môn)

1. Sau khi nghiên cứu sinh đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 31 của Quy chế này, Trưởng đơn vị chuyên môn đề nghị Thủ trưởng cơ sở đào tạo ra quyết định thành lập Hội đồng đánh giá luận án cấp cơ sở.

2. Hội đồng đánh giá luận án cấp cơ sở gồm 7 thành viên, có chức danh khoa học, có bằng tiến sĩ khoa học hoặc tiến sĩ, am hiểu lĩnh vực đề tài nghiên cứu, trong đó có 5 thành viên là cán bộ khoa học của đơn vị chuyên môn và của cơ sở đào tạo; hai nhà khoa học, chuyên gia ở ngoài cơ sở đào tạo. Hội đồng gồm Chủ tịch, Thư ký, hai phản biện và các ủy viên Hội đồng. Mỗi thành viên Hội đồng chỉ đảm nhiệm một trách nhiệm trong Hội đồng. Khuyến khích mời các nhà khoa học giỏi là người nước ngoài hoặc người Việt Nam ở nước ngoài làm phản biện trong Hội đồng.

3. Luận án được gửi đến các thành viên của Hội đồng trước thời gian tổ chức họp Hội đồng đánh giá ít nhất là 15 ngày làm việc. Các thành viên Hội đồng phải đọc luận án và viết nhận xét trước khi dự phiên họp của Hội đồng đánh giá luận án .

4. Hội đồng không tổ chức họp đánh giá luận án nếu xảy ra một trong những trường hợp sau đây:

a) Vắng mặt Chủ tịch Hội đồng;

b) Vắng mặt Thư ký Hội đồng;

c) Vắng mặt người phản biện có ý kiến không tán thành luận án;

d) Vắng mặt từ hai thành viên Hội đồng trở lên;

đ) Nghiên cứu sinh đang bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

5. Phiên họp đánh giá luận án cấp cơ sở là một buổi sinh hoạt khoa học của đơn vị chuyên môn, được tổ chức để các thành viên đơn vị chuyên môn và những người quan tâm có thể tham dự. Trước khi luận án được đưa ra bảo vệ ở cấp trường hoặc viện, Hội đồng đánh giá luận án cấp cơ sở tổ chức từ một đến nhiều phiên họp khi luận án vẫn còn những điểm cần sửa chữa, bổ sung. Các thành viên Hội đồng đánh giá luận án cấp cơ sở phải có nhận xét chỉ ra những kết quả mới của luận án, những hạn chế, thiếu sót của luận án và yêu cầu nghiên cứu sinh sửa chữa, bổ sung.

Luận án chỉ được thông qua để đưa ra bảo vệ ở Hội đồng cấp trường hoặc viện khi đã được hoàn chỉnh trên cơ sở các ý kiến đóng góp trong các phiên họp trước của Hội đồng và được từ ba phần tư số thành viên Hội đồng cấp cơ sở có mặt tại phiên họp cuối cùng bỏ phiếu tán thành.

6. Hội đồng đánh giá luận án cấp cơ sở thông qua danh sách các đơn vị và cá nhân được gửi tóm tắt luận án của nghiên cứu sinh và trình Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định, đảm bảo luận án được phổ biến đến tất cả các cơ quan, đơn vị, cá nhân có trình độ tiến sĩ trở lên, cùng ngành hoặc chuyên ngành, đã và đang nghiên cứu hoặc có thể ứng dụng những vấn đề trong luận án, trong đó số lượng cá nhân thuộc cơ sở đào tạo không quá một phần tư tổng số các cá nhân được gửi tóm tắt luận án.

7. Việc đánh giá luận án phải tập trung chủ yếu vào việc thực hiện mục tiêu nghiên cứu, nội dung và chất lượng của luận án, đảm bảo sự chính xác, khách quan, khoa học, tranh thủ được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong việc xem xét đánh giá luận án của nghiên cứu sinh. Thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của Hội đồng đánh giá luận án cấp cơ sở.

Điều 33. Hồ sơ đề nghị cho nghiên cứu sinh bảo vệ luận án cấp trường hoặc viện

1. Trên cơ sở ý kiến kết luận của Hội đồng đánh giá luận án cấp cơ sở, Trưởng đơn vị chuyên môn lập hồ sơ gửi Thủ trưởng cơ sở đào tạo đề nghị cho nghiên cứu sinh bảo vệ luận án cấp trường hoặc viện.

2. Hồ sơ đề nghị bảo vệ luận án của nghiên cứu sinh:

a) Biên bản chi tiết nội dung thảo luận tại các phiên họp đánh giá luận án cấp cơ sở, có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng và Thư ký;

b) Bản giải trình các điểm đã bổ sung và sửa chữa của nghiên cứu sinh sau mỗi phiên họp của Hội đồng, có chữ ký xác nhận và đồng ý của Chủ tịch Hội đồng, hai người phản biện luận án, những thành viên có ý kiến đề nghị bổ sung sửa chữa và Trưởng đơn vị chuyên môn;

c) Hai bản nhận xét của hai người phản biện luận án;

d) Danh sách các đơn vị và cá nhân được gửi tóm tắt luận án;

đ) Bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ (nếu có);

e) Bản sao hợp lệ bảng điểm các học phần của chương trình đào tạo thạc sĩ, các học phần bổ sung (nếu có), các học phần của chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ, các chuyên đề tiến sĩ, điểm tiểu luận tổng quan và chứng chỉ ngoại ngữ của nghiên cứu sinh;

g) Bản sao quyết định công nhận nghiên cứu sinh và quyết định về những thay đổi trong quá trình đào tạo (nếu có);

h) Bản kê khai danh mục và sao chụp những bài báo, công trình công bố liên quan đến đề tài luận án của nghiên cứu sinh;

i) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả (nếu có công trình đồng tác giả);

k) Luận án và tóm tắt luận án;

l) Trang thông tin về những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án (bằng tiếng Việt và tiếng Anh). Nội dung gồm: tên luận án; tên chuyên ngành và mã số; tên nghiên cứu sinh và khoá đào tạo; chức danh khoa học, học vị, tên người hướng dẫn; tên cơ sở đào tạo; nội dung ngắn gọn những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận, những luận điểm mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án; chữ ký và họ tên của nghiên cứu sinh.

m) Các tài liệu khác theo quy định của Thủ trưởng cơ sở đào tạo.

Điều 34. Phản biện độc lập

1. Trước khi thành lập Hội đồng đánh giá luận án cấp trường hoặc viện, Thủ trưởng cơ sở đào tạo xin ý kiến của hai phản biện độc lập về luận án. Phản biện độc lập là những nhà khoa học trong hoặc ngoài nước, có trình độ chuyên môn vững vàng trong lĩnh vực đề tài nghiên cứu của nghiên cứu sinh, có phẩm chất và đạo đức tốt, có uy tín khoa học cao, có chính kiến và bản lĩnh khoa học.

Ý kiến của phản biện độc lập có vai trò tư vấn cho Thủ trưởng cơ sở đào tạo trong việc xem xét đánh giá chất lượng của luận án tiến sĩ và quyết định cho nghiên cứu sinh bảo vệ luận án. Khuyến khích lấy ý kiến của phản biện độc lập ở nước ngoài, nhất là đối với những luận án thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghệ.

2. Danh sách phản biện độc lập là tài liệu mật của cơ sở đào tạo. Đơn vị chuyên môn, người hướng dẫn và nghiên cứu sinh không được tìm hiểu về phản biện độc lập. Các phản biện độc lập phải có trách nhiệm bảo mật nhiệm vụ, chức trách của mình, kể cả khi đã hoàn thành việc phản biện luận án hay khi tham gia vào Hội đồng đánh giá luận án cấp trường hoặc viện.

3. Khi cả hai phản biện độc lập tán thành luận án, Thủ trưởng cơ sở đào tạo ra quyết định thành lập Hội đồng đánh giá luận án cấp trường hoặc viện cho nghiên cứu sinh. Khi có một phản biện độc lập không tán thành luận án, Thủ trưởng cơ sở đào tạo gửi luận án xin ý kiến của phản biện độc lập thứ ba. Nếu phản biện độc lập thứ ba tán thành luận án thì luận án được đưa ra bảo vệ ở cấp trường hoặc viện.

4. Luận án bị trả về để đánh giá lại ở cấp cơ sở nếu cả hai phản biện độc lập đầu tiên không tán thành luận án, hoặc phản biện thứ ba không tán thành khi luận án phải lấy ý kiến của phản biện thứ ba. Trường hợp này, luận án phải được chỉnh sửa và tổ chức bảo vệ lại ở cấp cơ sở. Nghiên cứu sinh chỉ được phép trình lại hồ sơ đề nghị bảo vệ sớm nhất sau sáu tháng và muộn nhất là hai năm. kể từ ngày luận án bị trả lại. Luận án sau khi sửa chữa phải được lấy ý kiến của các phản biện độc lập lần đầu.

5. Thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định chi tiết yêu cầu đối với phản biện độc lập; trình tự, quy trình lựa chọn, gửi lấy ý kiến và xử lý ý kiến phản biện độc lập; yêu cầu về trách nhiệm bảo mật đối với các cá nhân có liên quan trong việc bảo vệ sự độc lập cho phản biện độc lập.

Điều 35. Đánh giá luận án cấp trường hoặc viện

1. Hội đồng đánh giá luận án cấp trường hoặc viện gồm 7 thành viên, bao gồm những nhà khoa học có chức danh khoa học, có bằng tiến sĩ khoa học hoặc tiến sĩ; có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín chuyên môn; am hiểu vấn đề nghiên cứu của luận án; có công trình liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của nghiên cứu sinh công bố trong vòng ba năm tính đến khi được mời tham gia Hội đồng. Số thành viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư ít nhất là 4 người; thành viên là tiến sĩ phải sau khi nhận bằng tròn ba năm. Số thành viên thuộc cơ sở đào tạo không quá ba người.

2. Hội đồng gồm chủ tịch, thư ký, ba người phản biện và các uỷ viên. Mỗi thành viên Hội đồng chỉ đảm nhận một trách nhiệm trong Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng phải là người có năng lực và uy tín chuyên môn, có chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư, đúng chuyên ngành với luận án. Các phản biện phải là người am hiểu sâu sắc luận án, có uy tín chuyên môn cao trong lĩnh vực khoa học đó. Người phản biện phải có trách nhiệm cao trong đánh giá chất lượng khoa học của luận án. Các phản biện phải là người ở các đơn vị khác nhau, không là cấp dưới trực tiếp của nghiên cứu sinh, không là đồng tác giả với nghiên cứu sinh trong các công trình công bố có liên quan đến đề tài luận án; không sinh hoạt trong cùng đơn vị chuyên môn với nghiên cứu sinh.

3. Người hướng dẫn nghiên cứu sinh; người có quan hệ cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh chị em ruột với nghiên cứu sinh không tham gia Hội đồng đánh giá luận án cấp trường hoặc viện.

4. Thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định chi tiết về các yêu cầu, điều kiện đối với từng chức danh trong Hội đồng đánh giá luận án cấp trường hoặc viện.

Điều 36. Yêu cầu, điều kiện tổ chức bảo vệ và đánh giá luận án cấp trường hoặc viện

1. Thủ trưởng cơ sở đào tạo có trách nhiệm bố trí đủ nhân lực thực hiện các công việc tổ chức bảo vệ luận án cho nghiên cứu sinh.

2. Thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định các điều kiện tổ chức cho nghiên cứu sinh bảo vệ luận án, đảm bảo nguyên tắc:

a) Thời gian, địa điểm bảo vệ luận án, tên đề tài luận án của nghiên cứu sinh đã được công bố công khai, rộng rãi trên trang web của cơ sở đào tạo, trang web của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trên bảng tin của cơ sở đào tạo và của đơn vị chuyên môn, trên báo địa phương hoặc trung ương, trước ngày bảo vệ ít nhất 10 ngày để những người quan tâm có thời gian tìm hiểu luận án và tham dự phiên bảo vệ (trừ các luận án bảo vệ mật);

b) Luận án, tóm tắt luận án đã được gửi đến các thành viên Hội đồng, các nhà khoa học, các tổ chức khoa học theo danh sách đã được Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định và đã được trưng bày ở phòng đọc của thư viện cơ sở đào tạo ít nhất 30 ngày trước ngày bảo vệ. Toàn văn luận án, tóm tắt luận án (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) và trang thông tin những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận, luận điểm mới về khoa học và thực tiễn của luận án (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) đã được đăng tải công khai trên trang web của cơ sở đào tạo và trang web của Bộ Giáo dục và Đào tạo (gửi đến địa chỉ duatin@moet.edu.vn) trước ngày bảo vệ 30 ngày, trừ các đề tài thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và các đề tài bảo vệ mật;

c) Các thành viên Hội đồng phải có nhận xét về luận án bằng văn bản gửi đến cơ sở đào tạo 15 ngày trước ngày bảo vệ luận án của nghiên cứu sinh;

d) Văn bản nhận xét luận án của các thành viên Hội đồng phải đánh giá đầy đủ, cụ thể về bố cục và hình thức của luận án; về nội dung, phương pháp, kết quả, ý nghĩa, độ tin cậy của các kết quả đạt được, trong đó phải nêu bật được những luận điểm mới của luận án. Thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định chi tiết về yêu cầu đối với bản nhận xét luận án của các phản biện và thành viên của Hội đồng.

3. Hội đồng không tổ chức họp để đánh giá luận án nếu xảy ra một trong những trường hợp sau đây:

a) Vắng mặt chủ tịch hội đồng;

b) Vắng mặt thư ký hội đồng;

c) Vắng mặt người phản biện có ý kiến không tán thành luận án;

d) Vắng mặt từ hai thành viên hội đồng trở lên;

đ) Nghiên cứu sinh đang bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên;

e) Không đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định về việc thay đổi thành viên Hội đồng chấm luận án trong trường hợp cần thiết và chỉ vì lý do bất khả kháng (như thành viên Hội đồng đi công tác nước ngoài dài hạn, ốm nặng không thể tham gia Hội đồng, hoặc khi có thành viên Hội đồng không đảm bảo các điều kiện yêu cầu quy định). Các thời hạn quy định, liên quan đến hoạt động của các thành viên Hội đồng và việc tổ chức bảo vệ luận án, được tính kể từ ngày ký quyết định cuối cùng về việc thay đổi, bổ sung thành viên Hội đồng đánh giá luận án cấp trường hoặc viện.

5. Trong thời hạn tối đa là ba tháng kể từ khi có quyết định thành lập, Hội đồng phải tiến hành họp đánh giá luận án cho nghiên cứu sinh. Quá thời hạn này, Hội đồng tự giải tán. Sau thời gian này, nghiên cứu sinh có quyền tiếp tục đề nghị được bảo vệ luận án nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 7 Điều 23 và khoản 2 Điều 31 của Quy chế này. Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định việc đưa luận án ra bảo vệ. Trình tự, thủ tục bảo vệ luận án thực hiện như đối với nghiên cứu sinh bảo vệ luận án lần đầu.

Điều 37. Tổ chức bảo vệ luận án

1. Luận án phải được tổ chức bảo vệ công khai. Những đề tài liên quan tới bí mật quốc gia được tổ chức bảo vệ theo quy định tại Điều 39 của Quy chế này. Việc bảo vệ luận án phải mang tính chất trao đổi học thuật, phải bảo đảm tính nguyên tắc và nêu cao đạo đức khoa học, qua đó tác giả luận án thể hiện trình độ và sự hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực chuyên môn của mình trước những thành viên trong Hội đồng và những người quan tâm. Mọi thành viên Hội đồng phải có trách nhiệm tìm hiểu đầy đủ về bản luận án trước khi đánh giá.

Toàn bộ diễn biến của phiên họp đánh giá luận án phải được ghi thành biên bản chi tiết, đặc biệt phần hỏi và trả lời của nghiên cứu sinh cho từng câu hỏi. Biên bản phải được toàn thể Hội đồng thông qua, có chữ ký của Chủ tịch và Thư ký Hội đồng.

2. Luận án được đánh giá bằng hình thức bỏ phiếu kín. Các thành viên Hội đồng chỉ được bỏ phiếu tán thành hoặc không tán thành. Phiếu trắng được coi là phiếu không tán thành. Luận án đạt yêu cầu khi có 6/7 hoặc 5/6 thành viên Hội đồng có mặt bỏ phiếu tán thành.

Thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định cụ thể về thủ tục, trình tự, yêu cầu đối với phiên họp của Hội đồng và đối với việc đánh giá luận án của từng thành viên Hội đồng; cách thức đánh giá; nội dung đánh giá cụ thể về mức độ đạt được so với các yêu cầu về nội dung, kết quả nghiên cứu và hình thức luận án theo quy định đã có của cơ sở đào tạo.

3. Hội đồng phải có nghị quyết về luận án, trong đó nêu rõ:

a) Kết quả bỏ phiếu đánh giá luận án của Hội đồng;

b) Những kết luận khoa học cơ bản, những điểm mới, đóng góp mới của luận án;

c) Cơ sở khoa học, độ tin cậy của những luận điểm và những kết luận nêu trong luận án;

d) Ý nghĩa về lý luận, thực tiễn và những đề nghị sử dụng các kết quả nghiên cứu của luận án;

đ) Những thiếu sót về nội dung và hình thức của luận án;

e) Mức độ đáp ứng các yêu cầu của luận án;

g) Những điểm cần bổ sung, sửa chữa (nếu có) trước khi nộp luận án cho Thư viện Quốc gia Việt Nam;

h) Kiến nghị của Hội đồng về việc công nhận trình độ và cấp bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh.

4. Nghị quyết của Hội đồng phải được các thành viên Hội đồng nhất trí thông qua bằng biểu quyết công khai.

5. Sau khi nghiên cứu sinh hoàn thành việc bổ sung, sửa chữa luận án theo nghị quyết của Hội đồng (nếu có) và có văn bản báo cáo chi tiết về các điểm đã bổ sung, sửa chữa, Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm xem lại luận án và ký xác nhận văn bản báo cáo của nghiên cứu sinh để lưu tại cơ sở đào tạo và nộp cho Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Điều 38. Bảo vệ lại luận án

1. Nếu luận án không được Hội đồng đánh giá luận án cấp trường hoặc viện thông qua thì nghiên cứu sinh được phép sửa chữa luận án và đề nghị bảo vệ lần thứ hai muộn nhất trước 24 tháng kể từ ngày bảo vệ lần thứ nhất.

2. Thành phần Hội đồng đánh giá luận án như Hội đồng đánh giá luận án lần thứ nhất. Nếu có thành viên vắng mặt, Thủ trưởng cơ sở đào tạo bổ sung thành viên khác thay thế.

3. Không tổ chức bảo vệ luận án lần thứ ba.

4. Quá thời hạn 24 tháng kể ngày bảo vệ lần thứ nhất, luận án không được đưa ra bảo vệ.

5. Thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định chi tiết thủ tục và trình tự tổ chức cho nghiên cứu sinh bảo vệ lại luận án.

Điều 39. Bảo vệ luận án theo chế độ mật

1. Trong trường hợp đặc biệt nếu đề tài nghiên cứu liên quan đến bí mật quốc gia, thuộc danh mục bí mật nhà nước của Bộ, Ngành thì Thủ trưởng Bộ, Ngành có văn bản đề nghị Thủ trưởng cơ sở đào tạo xác định tính chất mật của luận án ngay từ khi bắt đầu triển khai để sau này có cơ sở xem xét cho luận án bảo vệ theo chế độ mật; quản lý hồ sơ, tài liệu liên quan đến nghiên cứu và thực hiện luận án theo chế độ mật trong suốt quá trình đào tạo. Việc xem xét cho một luận án bảo vệ theo chế độ mật phải được tiến hành trước khi đánh giá luận án ở cấp cơ sở. Cơ sở đào tạo phải báo cáo và được Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý bằng văn bản trước khi tổ chức cho nghiên cứu sinh bảo vệ luận án theo chế độ mật.

2. Danh sách Hội đồng đánh giá luận án cấp cơ sở và cấp trường hoặc viện, danh sách các cán bộ tham dự ngoài Hội đồng, danh sách những đơn vị và cá nhân được gửi luận án và tóm tắt luận án phải được Bộ, Ngành quản lý bí mật đó đề nghị Thủ trưởng cơ sở đào tạo xem xét.

3. Khi tổ chức cho một luận án bảo vệ theo chế độ mật, cơ sở đào tạo không phải thông báo công khai về buổi bảo vệ của nghiên cứu sinh trên các phương tiện truyền thông. Thời gian và địa điểm bảo vệ chỉ những người có trách nhiệm và những người được phép tham dự biết. Trình tự bảo vệ luận án theo chế độ mật thực hiện như bảo vệ luận án theo chế độ công khai.

4. Số lượng bản thảo luận án và tóm tắt luận án cũng như các bản chính thức phải được xác định và phải đóng dấu mật. Tất cả hồ sơ buổi bảo vệ mật phải được quản lý chặt chẽ theo quy chế bảo mật của Nhà nước.

5. Ngoài các quy định tại các khoản 2, 3, 4 của Điều này, người bảo vệ luận án theo chế độ mật vẫn phải thực hiện các quy định chung đối với nghiên cứu sinh.

Chương VI

THẨM ĐỊNH LUẬN ÁN VÀ CẤP BẰNG TIẾN SĨ

Điều 40. Thẩm định luận án

1. Cuối các tháng chẵn trong năm, Thủ trưởng cơ sở đào tạo gửi báo cáo đến Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc bảo vệ luận án của nghiên cứu sinh của cơ sở đào tạo. Báo cáo gồm:

a) Công văn của cơ sở đào tạo, trong đó có danh sách trích ngang các nghiên cứu sinh bảo vệ trong hai tháng (mẫu tại Phụ lục VI);

b) Bản sao quyết định của Thủ trưởng cơ sở đào tạo về việc thành lập Hội đồng đánh giá luận án;

c) Bản sao biên bản và nghị quyết của từng Hội đồng đánh giá luận án;

d) Trang thông tin những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của các luận án.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xác định các luận án cần thẩm định theo cách lựa chọn ngẫu nhiên hoặc khi luận án bị khiếu nại, tố cáo hoặc khi có nghi vấn trong quá trình đào tạo, quá trình hoạt động của Hội đồng đánh giá luận án.

Số lượng luận án được chọn thẩm định đảm bảo ít nhất 30% số luận án bảo vệ trong năm của cơ sở đào tạo. Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ sở đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản thông báo về trường hợp cần thẩm định và yêu cầu hồ sơ cần gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo để thẩm định.

3. Sau ngày bảo vệ ít nhất là 3 tháng, nếu nghiên cứu sinh không bị khiếu nại tố cáo, không có tên trong danh sách cần thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng cơ sở đào tạo xem xét cấp bằng cho nghiên cứu sinh theo quy trình và thủ tục quy định tại Điều 43 và Điều 44 của Quy chế này. Đối với những trường hợp cần thẩm định, việc xét cấp bằng tiến sĩ chỉ tiến hành sau khi có kết luận của Thủ trưởng cơ sở đào tạo căn cứ ý kiến của Hội đồng thẩm định theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 42 của Quy chế này.

4. Trong thời gian không quá 60 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ thẩm định theo yêu cầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành kiểm tra hồ sơ, quá trình đào tạo, quy trình bảo vệ luận án, thành lập Hội đồng thẩm định luận án nếu cần.

Điều 41. Hội đồng thẩm định luận án

1. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định luận án. Hội đồng gồm 7 nhà khoa học trong hoặc ngoài nước, có chức danh khoa học và học vị tiến sĩ, có công trình công bố trong 3 năm gần đây về lĩnh vực của đề tài luận án, am hiểu về đề tài và lĩnh vực nghiên cứu của nghiên cứu sinh, có chính kiến và bản lĩnh khoa học, khách quan, trung thực. Hội đồng có Chủ tịch Hội đồng, Thư ký Hội đồng và các ủy viên Hội đồng. Thành viên Hội đồng thẩm định là những người chưa tham gia Hội đồng đánh giá luận án cấp cơ sở và cấp trường hoặc viện.

2. Trước khi họp Hội đồng, các thành viên Hội đồng thẩm định đọc và viết nhận xét về luận án, có ý kiến khẳng định về những thành công và hạn chế của luận án, khẳng định kết quả của luận án đã đáp ứng yêu cầu của một luận án tiến sĩ hay chưa. Hội đồng họp khi có mặt ít nhất 5 thành viên Hội đồng, trong đó Chủ tịch Hội đồng và Thư ký Hội đồng không được vắng mặt. Hội đồng phải có biên bản chi tiết các ý kiến thảo luận, trao đổi và kết luận về luận án. Luận án đạt yêu cầu thẩm định khi có trên ba phần tư số thành viên Hội đồng có mặt tán thành luận án.

3. Trong thời gian không quá 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được kết luận của Hội đồng thẩm định luận án, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản thông báo kết quả thẩm định cho cơ sở đào tạo. Trong thời gian không quá hai tháng kể từ ngày nhận được kết quả thẩm định, cơ sở đào tạo có văn bản báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về quyết định xử lý kết quả thẩm định của Thủ trưởng cơ sở đào tạo theo các nội dung nêu tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 42 của Quy chế này, cùng với báo cáo trích ngang của đợt thẩm định mới (nếu có).

Điều 42. Xử lý kết quả thẩm định

1. Đối với luận án đạt yêu cầu thẩm định và không có yêu cầu bổ sung, chỉnh sửa của Hội đồng thẩm định, Thủ trưởng cơ sở đào tạo thực hiện việc cấp bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh theo quy định tại Điều 43 và Điều 44 của Quy chế này.

2. Đối với luận án đạt yêu cầu thẩm định nhưng có ý kiến yêu cầu phải sửa chữa của Hội đồng thẩm định, Hội đồng đánh giá luận án cấp trường hoặc viện cùng với người hướng dẫn và nghiên cứu sinh xem xét và quyết định các điểm cần bổ sung chỉnh sửa. Sau khi nghiên cứu sinh hoàn thành việc sửa chữa, Chủ tịch Hội đồng đánh giá luận án cấp trường hoặc viện kiểm tra và xác nhận chi tiết những nội dung đã bổ sung chỉnh sửa, báo cáo Thủ trưởng cơ sở đào tạo cấp bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh theo các yêu cầu quy định tại Điều 43 và Điều 44 của Quy chế này.

3. Đối với luận án không đạt yêu cầu thẩm định, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản yêu cầu Thủ trưởng cơ sở đào tạo tổ chức họp lại Hội đồng đánh giá luận án để xem xét. Tuỳ theo mức độ đánh giá của Hội đồng, Thủ trưởng cơ sở đào tạo sẽ ra quyết định xử lý đối với luận án của nghiên cứu sinh theo một trong các hình thức: yêu cầu nghiên cứu sinh sửa chữa luận án mà không cần bảo vệ lại; yêu cầu nghiên cứu sinh sửa chữa và bảo vệ lại; yêu cầu nghiên cứu sinh tiến hành nghiên cứu bổ sung, sửa chữa và bảo vệ lại.

4. Thời gian cho phép nghiên cứu sinh hoàn thành việc bổ sung, chỉnh lý luận án nhiều nhất là 12 tháng kể từ ngày Hội đồng đánh giá luận án cấp trường hoặc viện họp và quyết định. Việc tổ chức cho nghiên cứu sinh bảo vệ lại thực hiện theo Điều 38 của Quy chế này. Sau khi nghiên cứu sinh hoàn thành yêu cầu theo quyết định xử lý, Thủ trưởng cơ sở đào tạo có văn bản báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả thực hiện của nghiên cứu sinh. Những nghiên cứu sinh phải bảo vệ lại, quy trình tiếp theo thực hiện như nghiên cứu sinh bảo vệ lần đầu.

5. Cơ sở đào tạo có từ 30% trở lên số luận án không đạt yêu cầu thẩm định trong năm sẽ bị dừng tuyển sinh ít nhất trong một năm kế tiếp; có từ 30% trở lên số luận án không đạt yêu cầu thẩm định trong hai năm liên tiếp sẽ bị dừng việc thành lập Hội đồng đánh giá luận án và cấp bằng tiến sĩ ít nhất trong một năm kế tiếp. Việc dừng các hoạt động này được thông báo công khai trên trang web của cơ sở đào tạo và của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong thời gian bị dừng các hoạt động tuyển sinh, thành lập Hội đồng đánh giá luận án và cấp bằng tiến sĩ, cơ sở đào tạo phải có các giải pháp khắc phục, báo cáo kết quả với Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét việc cho phép tiếp tục tuyển sinh, tổ chức Hội đồng đánh giá luận án và cấp bằng tiến sĩ.

Điều 43. Hoàn thiện hồ sơ cấp bằng tiến sĩ

1. Khi đến thời hạn xét cấp bằng tiến sĩ, nghiên cứu sinh thuộc diện quy định tại khoản 3 Điều 40 của Quy chế này phải nộp cho Thư viện của cơ sở đào tạo và Thư viện Quốc gia Việt Nam một bản luận án và một bản tóm tắt luận án (bao gồm bản in trên giấy và bản ghi trên đĩa mềm hoặc đĩa CD), kể cả các luận án bảo vệ mật và các luận án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

2. Bản luận án nộp các Thư viện gồm hai phần:

a) Phần một là toàn văn bản luận án đã được bổ sung, sửa chữa theo yêu cầu của Hội đồng đánh giá luận án cấp trường hoặc viện (nếu có);

b) Phần hai là các tài liệu của phiên họp bảo vệ, đánh giá luận án cấp trường hoặc viện, đóng quyển cùng với luận án, bao gồm:

- Quyết định thành lập Hội đồng đánh giá luận án cấp trường hoặc viện và danh sách thành viên Hội đồng.

- Các bản nhận xét của tất cả các thành viên Hội đồng.

- Biên bản và nghị quyết của Hội đồng đánh giá luận án cấp trường hoặc viện.

- Văn bản báo cáo chi tiết về các điểm đã bổ sung, sửa chữa trong luận án (nếu có) theo nghị quyết của Hội đồng cấp trường hoặc viện, có xác nhận của Chủ tịch Hội đồng đánh giá luận án cấp trường hoặc viện.

3. Hồ sơ xét cấp bằng tiến sĩ của nghiên cứu sinh bao gồm:

a) Biên bản chi tiết diễn biến của buổi bảo vệ luận án, câu hỏi của các thành viên Hội đồng đánh giá luận án và những người tham dự, trả lời của nghiên cứu sinh cho từng câu hỏi;

b) Nghị quyết của Hội đồng;

c) Các bản nhận xét của tất cả các thành viên của Hội đồng, của các cơ quan và các nhà khoa học gửi tới Hội đồng;

d) Biên bản kiểm phiếu và các phiếu đánh giá;

đ) Bản nhận xét, đánh giá của tập thể hướng dẫn nghiên cứu sinh;

e) Danh sách Hội đồng có chữ ký của các thành viên tham dự buổi bảo vệ;

g) Giấy biên nhận luận án và tóm tắt luận án của Thư viện Quốc gia Việt Nam;

h) Tờ báo đăng tin hay bản sao chụp bản tin đăng báo ngày bảo vệ (trừ những luận án bảo vệ theo chế độ mật);

i) Bản in trang thông tin Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án trên trang web của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

k) Các tài liệu khác theo quy định của Thủ trưởng cơ sở đào tạo. Hồ sơ này phải được lưu trữ lâu dài tại cơ sở đào tạo.

Điều 44. Cấp bằng tiến sĩ

1. Hồ sơ bảo vệ luận án được đưa ra xem xét tiến hành các thủ tục cấp bằng tiến sĩ bao gồm hồ sơ của các luận án không phải thẩm định và hồ sơ của các luận án đã đạt yêu cầu thẩm định theo quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 42 của Quy chế này.

2. Thủ trưởng cơ sở đào tạo có trách nhiệm tổ chức thẩm tra quá trình đào tạo, chất lượng luận án, việc tổ chức và hoạt động của Hội đồng đánh giá luận án trước khi tổ chức cuộc họp thường kỳ Hội đồng Khoa học và Đào tạo của cơ sở đào tạo để thông qua danh sách nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ và ra quyết định cấp bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh.

Chương VII

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, THANH TRA, KIỂM TRA, VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 45. Khiếu nại, tố cáo

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân và người bảo vệ luận án có thể khiếu nại, tố cáo về những vi phạm trong quá trình tuyển sinh, đào tạo, thực hiện luận án, tổ chức bảo vệ và đánh giá luận án, trong thời gian hai tháng kể từ ngày bảo vệ.

Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.

Điều 46. Thanh tra, kiểm tra

Hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo trình độ tiến sĩ của các cơ sở đào tạo theo các quy định hiện hành.

Nội dung thanh tra, kiểm tra bao gồm công tác tuyển sinh; công tác tổ chức đào tạo và quản lý đào tạo; chương trình và quy trình đào tạo; quy trình tổ chức đánh giá luận án các cấp; việc cấp bằng tiến sĩ của Thủ trưởng các cơ sở đào tạo; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ sở đào tạo. Kết luận thanh tra, kiểm tra và các kiến nghị (nếu có) sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo bằng văn bản cho cơ sở đào tạo.

Điều 47. Xử lý vi phạm

1. Trường hợp nghiên cứu sinh bị phát hiện đã có những vi phạm, gian lận trong hồ sơ dự tuyển, trong quá trình dự tuyển, dự kiểm tra và đánh giá kết quả học tập nghiên cứu, trong quá trình thực hiện và bảo vệ luận án thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, tạm ngừng học tập, đình chỉ học tập đến thu hồi văn bằng đã được cấp hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Nghiên cứu sinh vi phạm các quy định tại khoản 5 Điều 27 của Quy chế này sẽ bị xử lý từ khiển trách, cảnh cáo đến hủy bỏ kết quả học tập, hủy bỏ quyền được bảo vệ luận án. Nếu thông tin về người phản biện độc lập bị tiết lộ thì những người liên quan đến quá trình gửi luận án đi xin ý kiến phản biện độc lập bị xem xét kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo đến buộc thôi việc.

3. Trường hợp phát hiện có vi phạm, sai sót trong quá trình tuyển sinh, đào tạo hay đánh giá luận án, cấp bằng tiến sĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có văn bản đề nghị cơ sở đào tạo xử lý hoặc trực tiếp xử lý theo thẩm quyền.

Chương VIII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 48. Tổ chức thực hiện

1. Trước ngày 31/12/2009, Thủ trưởng cơ sở đào tạo phải hoàn thành việc xây dựng và ban hành các văn bản quy định tại khoản 1 Điều 29 của Quy chế này để thực hiện từ kỳ tuyển sinh tháng 02/2010, gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo để báo cáo. Những cơ sở đào tạo chưa ban hành các văn bản quy định tại khoản 1 Điều 29 của Quy chế này sẽ chưa được tổ chức tuyển sinh.

2. Chậm nhất đến ngày 30/8/2010, các cơ sở đào tạo phải hoàn thành việc xây dựng chương trình đào tạo và bắt đầu tổ chức đào tạo nghiên cứu sinh theo chương trình đã được xây dựng theo quy định tại Điều 18 của Quy chế này.

3. Cơ sở đào tạo đạt yêu cầu trong kỳ kiểm tra đánh giá cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ năm 2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 34, 35, 36, 43 của Quy chế này ngay sau khi có văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận đạt yêu cầu kiểm tra đánh giá đối với từng chuyên ngành đào tạo của cơ sở.

Cơ sở đào tạo chưa đạt yêu cầu kiểm tra đánh giá cần liên hệ với các cơ sở đã đạt yêu cầu kiểm tra đánh giá để thực hiện nhiệm vụ quy định tại các Điều 34, 35, 36 của Quy chế này đối với nghiên cứu sinh của cơ sở mình và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố danh sách cơ sở đào tạo đạt yêu cầu và chưa đạt yêu cầu kỳ kiểm tra đánh giá cơ sở đào tạo năm 2009.

4. Đối với nghiên cứu sinh bảo vệ luận án cấp cơ sở  trước ngày 31/12/2011 thực hiện theo chương trình đào tạo quy định tại Điều 14 Quy chế đào tạo sau đại học ban hành theo Quyết định số 18/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 08/6/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ tháng 01/2012, trước khi bảo vệ luận án ở cấp cơ sở, nghiên cứu sinh phải đáp ứng điều kiện yêu cầu về trình độ ngoại ngữ và chương trình đào tạo quy định tại các Điều 16, 17, 18, 22 của Quy chế này.

 

PHỤ LỤC I

ĐỀ ÁN ĐĂNG KÝ
MỞ CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ TIẾN SĨ
(Kèm theo Thông tư số 10 /2009/TT-BGDĐT ngày 07 / 5 /2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Đề án đăng ký mở chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ gồm các nội dung sau:

I. MỞ ĐẦU:

1) Giới thiệu về cơ sở đào tạo: ngày thành lập; quá trình hình thành và phát triển; các thành tựu trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học; quyết định giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; những chuyên ngành đã được giao đào tạo. Về Khoa hoặc đơn vị chuyên môn sẽ trực tiếp nhận nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ ở chuyên ngành đăng ký.

2) Lý do đăng ký mở chuyên ngành đào tạo tiến sĩ (nhu cầu đào tạo của ngành, của khu vực, đội ngũ cán bộ có trình độ sau đại học của cơ sở, của ngành...).

II. MỤC TIÊU ĐÀO TẠO:

1) Kiến thức và kĩ năng trang bị cho người học về chuyên ngành; năng lực nghiên cứu khoa học đạt được sau quá trình đào tạo và vị trí công tác của người học sau khi tốt nghiệp.

2) Đối tượng, nguồn tuyển chọn (vị trí, nhiệm vụ công việc đang đảm nhiệm; điều kiện văn bằng; lĩnh vực chuyên môn; kinh nghiệm công tác...)

3) Điều kiện dự tuyển và trúng tuyển.

4) Điều kiện tốt nghiệp.

III. KHẢ NĂNG ĐÀO TẠO VÀ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG ĐÁNH GIÁ LUẬN ÁN:

1) Đội ngũ cán bộ cơ hữu của khoa hoặc đơn vị chuyên môn thuộc cơ sở đào tạo và đội ngũ cán bộ cộng tác với cơ sở được lập thành bảng riêng (mẫu 1), kèm theo lý lịch khoa học (mẫu 2) và bản sao văn bằng cao nhất của từng người.

2) Trang thiết bị hiện có phục vụ cho đào tạo: phòng thí nghiệm; trang thiết bị (mẫu 3), thư viện (tên sách, tạp chí, số lượng, nhà xuất bản, năm xuất bản) (mẫu 4), phòng đọc của thư viện, phòng học, phòng sinh hoạt khoa học, phòng làm việc cho nghiên cứu sinh...

3) Những đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến chuyên ngành đăng ký đào tạo do cơ sở đào tạo đã và đang thực hiện (cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp ngành...). Các đề tài nghiên cứu khoa học cụ thể, năm thực hiện, năm nghiệm thu, biên bản nghiệm thu (mẫu 5).

4) Các hướng nghiên cứu, lĩnh vực hoặc đề tài nghiên cứu đang thực hiện, có khả năng nhận nghiên cứu sinh và số lượng NCS có khả năng tiếp nhận hàng năm; họ tên người hướng dẫn cho từng đề tài nghiên cứu (mẫu 6).

5) Trích ngang những công trình công bố của cán bộ khoa học thuộc khoa hoặc đơn vị chuyên môn trong 5 năm gần nhất (mẫu 7).

6) Trích ngang báo cáo về các hội nghị hội thảo khoa học chuyên ngành đã tổ chức từ khi bắt đầu đào tạo tiến sĩ (mẫu 8).

III. CHƯƠNG TRÌNH VÀ KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO.

1) Cơ sở đào tạo xác định danh mục các học phần của chương trình đào tạo tiến sĩ cho chuyên ngành đăng ký đào tạo, theo yêu cầu quy định tại các Điều 16, 17, 18 của Quy chế này và thích hợp với các hướng đề tài nghiên cứu.

2) Nếu nghiên cứu sinh chưa có bằng thạc sĩ được tuyển chọn vào cơ sở đào tạo là viện nghiên cứu khoa học thì viện cần lập kế hoạch gửi nghiên cứu sinh đến trường đại học đang đào tạo thạc sĩ chuyên ngành tương ứng để nghiên cứu sinh học các học phần ở trình độ thạc sĩ.

3) Kế hoạch đào tạo.

IV. DỰ KIẾN KINH PHÍ ĐÀO TẠO (cần nêu rõ trong đó bao nhiêu phần trăm từ ngân sách nhà nước, bao nhiêu phần trăm từ các nguồn khác như nghiên cứu khoa học, các dự án...).

 

Mẫu 1: Đội ngũ cán bộ của cơ sở đào tạo (lập thành bảng riêng cho cán bộ cơ hữu và cán bộ cộng tác của CSĐT)

Số TT

Họ và tên, năm sinh, chức vụ hiện tại

Chức danh khoa học, năm công nhận, bổ nhiệm

Học vị, cơ sở đào tạo, năm tốt nghiệp

Chuyên ngành

Tham gia đào tạo SĐH (năm, CSĐT)

Thành tích khoa học (số lượng đề tài, các bài báo)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mẫu 2:

LÝ LỊCH KHOA HỌC

I. LÝ LỊCH SƠ LƯỢC

Họ và tên:                                                         Giới tính:

Ngày, tháng, năm sinh:                                      Nơi sinh:

Quê quán:                                                         Dân tộc:

Học vị cao nhất:            Năm, nơi công nhận học vị: Chức danh khoa học (GS, PGS...):  Năm công nhận, bổ nhiệm: Chức vụ (hiện tại hoặc trước khi nghỉ hưu):

Đơn vị công tác (hiện tại hoặc trước khi nghỉ hưu): Chỗ ở riêng hoặc địa chỉ liên lạc:

Điện thoại liên hệ:          CQ:                              NR:

Fax:                              DĐ:

E-mail:

II. QUÁ TRÌNH ĐÀO TẠO

1. Đại học:

Ngành học:                                                       Hệ đào tạo:

Nơi đào tạo:                                                     Năm tốt nghiệp:

Bằng đại học thứ hai: Ngành học:

Nơi đào tạo:                                                     Năm tốt nghiệp:

2. Sau đại học

- Bằng Thạc sĩ chuyên ngành:                            Năm cấp bằng: Nơi đào tạo:

- Bằng Tiến sĩ/Tiến sĩ khoa học chuyên ngành:

Nơi đào tạo:                                                     Năm cấp bằng:

- Tên đề tài luận án bậc cao nhất:

3. Ngoại ngữ:

1. Mức độ sử dụng:

2. Mức độ sử dụng:

III. QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC

Thời gian

Nơi công tác

Công việc đảm nhiệm

 

 

 

 

 

 

IV. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

1. Các đề tài nghiên cứu khoa học đã tham gia:

TT

Tên đề tài nghiên cứu/ Lĩnh vực ứng dụng

Năm hoàn thành

Đề tài cấp (NN, Bộ, ngành, trường)

Trách nhiệm tham gia trong đề tài

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2. Các công trình khoa học (bài báo khoa học, báo cáo hội nghị khoa học, sách chuyên khảo…) đã công bố: (tên công trình, năm công bố, nơi công bố...)

 


Xác nhận của cơ quan

……………………, ngày             tháng    năm
Người khai kí tên
(Ghi rõ chức danh khoa học, học vị)

 

Mẫu 3: Trang thiết bị phục vụ cho đào tạo trình độ tiến sĩ

Số TT

Tên gọi của máy, thiết bị, kí hiệu, mục đích sử dụng

Nước sản xuất, năm sản xuất

Số lượng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mẫu 4: Thư viện

Số TT

Tên sách, tên tạp chí (chỉ ghi những sách, tạp chí xuất bản trong 5 năm trở lại đây)

Nước xuất bản

Năm xuất bản

Số lượng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mẫu 5: Các đề tài nghiên cứu khoa học (liên quan đến ngành đăng kí đào tạo) do cơ sở đào tạo thực hiện (kèm theo bản liệt kê có bản sao quyết định, bản sao biên bản nghiệm thu)

Số TT

Tên đề tài

Cấp quyết định, mã số

Số QĐ, ngày tháng năm
QĐ, ngày nghiệm thu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mẫu 6: Các hướng NC, lĩnh vực hoặc đề tài NC nhận NCS trong năm học 200… - 200… và số lượng NCS tiếp nhận

Số TT

Hướng nghiên cứu, lĩnh vực nghiên cứu hoặc đề tài nghiên cứu cần nhận nghiên cứu sinh

Họ tên, học vị, chức danh KH người có thể hướng dẫn NCS

Số lượng NCS có thể nhận

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mẫu 7: Các công trình công bố của cán bộ khoa học thuộc khoa hoặc đơn vị chuyên môn trong 5 năm trở lại đây

Số TT

Tên công trình

Tên tác giả

Nguồn công bố

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mẫu 8: Các hội nghị hội thảo khoa học chuyên ngành đã tổ chức từ khi bắt đầu đào tạo tiến sĩ

Số TT

Tên hội nghị, hội thảo

Số lượng đại biểu/đại biểu nước ngoài

Số lượng báo cáo

Địa điểm và thời gian tổ chức

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC II

YÊU CẦU ĐỐI VỚI BÀI LUẬN VỀ DỰ ĐỊNH NGHIÊN CỨU CỦA THÍ SINH VÀ CÁC ĐIỂM CẦN ĐÁNH GIÁ THÍ SINH CỦA TIỂU BAN CHUYÊN MÔN
(Kèm theo Thông tư số 10 /2009/TT-BGDĐT ngày 07 / 5 /2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo)

I. YÊU CẦU ĐỐI VỚI BÀI LUẬN VỀ DỰ ĐỊNH NGHIÊN CỨU CỦA THÍ SINH DỰ TUYỂN:

Bài luận về dự định nghiên cứu cần phản ánh trí tuệ, những điểm mạnh và tích cực của người viết, trình bày bằng một văn phong trong sáng, rõ ràng, qua đó cung cấp một hình ảnh rõ nét về thí sinh, với những thông tin mới mẻ (không lặp lại những thông tin có thể thấy trong hồ sơ như kết quả học tập, nghiên cứu…). Bài luận dài 3 - 4 trang, gồm những nội dung chính sau đây:

1. Lý do lựa chọn đề tài, lĩnh vực nghiên cứu.

2. Mục tiêu và mong muốn đạt được khi đăng ký đi học nghiên cứu sinh.

3. Lý do lựa chọn cơ sở đào tạo (nơi thí sinh đăng ký dự tuyển).

4. Những dự định và kế hoạch để đạt được những mục tiêu mong muốn.

5. Kinh nghiệm (về nghiên cứu, về thực tế, hoạt động xã hội và ngoại khóa khác); kiến thức, sự hiểu biết và những chuẩn bị của thí sinh trong vấn đề dự định nghiên cứu, phản ảnh sự khác biệt của cá nhân thí sinh trong quá trình học tập trước đây và những kinh nghiệm đã có. Lý giải về những khiếm khuyết hay thiếu sót (nếu có) trong hồ sơ như kết quả học đại học, thạc sĩ chưa cao…

6. Dự kiến việc làm và các nghiên cứu tiếp theo sau khi tốt nghiệp.

7. Đề xuất người hướng dẫn (nếu có).

II. NHỮNG ĐIỂM CẦN ĐÁNH GIÁ VỀ THÍ SINH DỰ TUYỂN NGHIÊN CỨU SINH CỦA TIỂU BAN CHUYÊN MÔN

Các thành viên tiểu ban chuyên môn thông qua các câu hỏi phỏng vấn đề đánh giá tính cách, trí tuệ, sự rõ ràng về ý tưởng của thí sinh đối với các mong muốn sẽ đạt được sau khi hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ, tính khả thi trong kế hoạch để đạt những mong muốn đó và những tư chất cần có của một nghiên cứu sinh như:

1. Tính nghiêm túc của mục đích (theo học chương trình đào tạo tiến sĩ).

2. Khả năng trí tuệ (để học chương trình đào tạo tiến sĩ).

3. Sự ham hiểu biết (về lĩnh vực mà thí sinh muốn nghiên cứu).

4. Tính sáng tạo (thể hiện cách suy nghĩ của thí sinh khi giải quyết vấn đề trong lĩnh vực chuyên môn mà thí sinh lựa chọn).

5. Tính tiếp thu cái mới (khả năng tiếp thu những ý kiến, những con người và điều kiện mới).

6. Sự chín chắn (thể hiện thí sinh là người có trách nhiệm và đáng tin cậy).

7. Sự nhiệt tình (thể hiện bằng việc sẵn sàng tham gia các hoạt động).

8. Sự tự tin (khả năng giải quyết những tình huống khó khăn và thách thức).

9. Khả năng sắp xếp công việc (khả năng giải quyết nhiều công việc một lúc).

10. Tính kiên định (thể hiện khả năng theo đuổi một công việc cho đến khi hoàn tất; điều này đặc biệt quan trọng cho chương trình đòi hỏi phải viết luận án tiến sĩ).

11. Khả năng lãnh đạo (thể hiện khả năng truyền cảm hứng cho những người khác hợp tác cùng nhau để đạt được mục tiêu chung).

12. Khả năng làm việc theo nhóm.

13. Chấp nhận rủi ro (khả năng giải quyết những tình huống bất ổn để đạt được mục đích của mình).

14. Tính lạc quan (khả năng tìm những mặt tích cực trong những tình huống có vẻ tiêu cực).

15. Khả năng thương lượng (khả năng thoả hiệp những tư tưởng đối lập nhau hoặc khả năng biện chứng với những người khác hoặc với chính mình).

16. Vượt qua nghịch cảnh (khả năng đối mặt và vượt qua những vấn đề nghiêm trọng gặp phải trong cuộc sống)./.

 

PHỤ LỤC III

KHUNG CHÂU ÂU CHUNG
(Common European Framwork of Reference for Languages – CEF)
(Kèm theo Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT ngày 07 / 5 /2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Khung Châu Âu Chung dưới đây là cơ sở tổng quát để chi tiết hoá các chương trình chi tiết, hướng dẫn chương trình, thi kiểm tra, giáo trình, v.v trên toàn lãnh thổ Châu Âu.

Proficient User

Sử dụng thành thạo

C2

Có thể hiểu một cách dễ dàng hầu hết văn nói và viết. Có thể tóm tắt thông tin từ các nguồn thông tin nói hoặc viết, sắp xếp lại thông tin và trình bày lại một cách logic. Có thể diễn đạt tức thì, rất trôi chảy và chính xác, phân biệt được được các ý nghĩa tinh tuý khác nhau trong các tình huống phức tạp.

C1

Có thể hiểu được các văn bản dài với phạm vi rộng và nhận biết được hàm ý. Có thể diễn đạt trôi chảy và tức thì mà không phải khó khăn lắm tìm từ ngữ diễn đạt. Có thể sử dụng ngôn ngữ linh hoạt và hiệu quả phục vụ các mục đích xã hội, học thuật và chuyên môn. Có thể viết rõ ràng, chặt chẽ, chi tiết về các chủ đề phức tạp, thể hiện được khả năng sử dụng tốt bố cục văn bản, từ ngữ nối câu và các công cụ liên kết từ ngữ.

Independent User

Sử dụng độc lập

B2

Có thể hiểu ý chính của văn bản phức tạp về các chủ đề cụ thể và trừu tượng kể cả những trao đổi kỹ thuật thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình. Có thể giao tiếp ở mức độ trôi chảy và tự nhiên để có thể giao tiếp thường xuyên với người bản ngữ mà không làm cho bên giao tiếp nào bị căng thẳng. Có thể viết văn bản rõ ràng, chi tiết với nhiều chủ đề khác nhau và có thể giải thích quan điểm của mình về một vấn đề, nêu ra được những ưu điểm, nhược điểm của các phương án lựa chọn khác nhau.

B1

Có thể hiểu được các ý chính của một diễn ngôn tiêu chuẩn (standard input), rõ ràng về các vấn đề quen thuộc trong công việc, trường học, giải trí, v.v. Có thể xử lý hầu hết các tình huống có thể xảy ra khi đi đến nơi sử dụng ngôn ngữ. Có thể viết đơn giản nhưng liên kết về các chủ đề quen thuộc hoặc cá nhân quan tâm. Có thể mô tả được những kinh nghiệm, sự kiện, giấc mơ, hy vọng và hoài bão và có thể trình bày ngắn gọn các lý do, giải thích cho ý kiến và kế hoạch của mình.

Basic User

Sử dụng cơ bản

A2

Có thể hiểu được các câu và cấu trúc thường xuyên được sử dụng liên quan đến nhu cầu giao tiếp tối cần thiết (chẳng hạn như các thông tin về gia đình, bản thân, đi mua hàng, hỏi đường, việc làm. Có thể giao tiếp về những chủ đề giao tiếp đơn giản, sự vụ cần trao đổi thông tin về những vấn đề quen thuộc hàng ngày. Có thể mô tả đơn giản về bản thân mình, môi trường xung quanh và những vấn đề thuộc nhu cầu thiết yếu.

A1

Có thể hiểu và sử dụng các cấu trúc quen thuộc thường nhật và các từ ngữ cơ bản đáp ứng nhu cầu giao tiếp cụ thể. Có thể tự giới thiệu bàn thân và người khác và có thể trả lời những thông tin về bản thân mình như sống ở đâu, biết ai và có cái gì. Có thể giao tiếp đơn giản nếu người đối thoại nói chậm và rõ ràng và sẵn sàng hợp tác giúp đỡ.

Nguồn: Khung Châu Âu Chung để tham khảo về ngoại ngữ: học tập, giảng dạy, kiểm tra đánh giá, Hội đồng Châu Âu, Strasbourg, 2001.

 

PHỤ LỤC IV

MẪU BÁO CÁO TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ TUYỂN SINH
(Kèm theo Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT ngày 07/ 5 /2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo)

TÊN CƠ SỞ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------------

 

……, ngày         tháng    năm……

 

Kính gửi: Bộ Giáo dục và Đào tạo

BÁO CÁO TUYỂN SINH NGHIÊN CỨU SINH NĂM ....

Nội dung cần báo cáo:

- Tình hình hồ sơ đăng kí dự tuyển (như số lượng, chuyên ngành, nghề nghiệp, chất lượng hồ sơ nói chung…).

- Công tác tổ chức xét tuyển (việc thành lập tiểu ban chuyên môn, hoạt động của tiểu ban, chất lượng và hiệu quả hoạt động của tiểu ban chuyên môn trong quá trình xét tuyển...).

- Đánh giá chung về công tác tuyển nghiên cứu sinh của năm (tuyển đủ chỉ tiêu hay không, chất lượng nghiên cứu sinh được tuyển chọn…) và những đề xuất, kiến nghị (nếu có). Kèm theo:

- Các quyết định công nhận nghiên cứu sinh.

- Báo cáo tổng hợp tình hình xét tuyển nghiên cứu sinh theo bảng dưới đây:

 

TỔNG HỢP TÌNH HÌNH XÉT TUYỂN NGHIÊN CỨU SINH NĂM …

Số TT

Họ và tên thí sinh.

Ngày sinh. Giới tính.

Nghề nghiệp. Nơi làm việc.

Bằng tốt nghiệp đại học

Bằng thạc sĩ

Số năm kinh nghiệm công tác

Kết quả đánh giá

Kết quả tuyển chọn (trúng tuyển hay không)

Mã số và tên chuyên ngành đào tạo NCS.

Số năm đào tạo

GHI CHÚ

Ngành ĐT

Hệ ĐT

Năm TN Loại TN

Chuyên ngành

Điểm TBC các môn học

Đề cương NC

Thư giới thiệu

Ngoại ngữ (tiếng? chứng chỉ? điểm số?)

Công trình đã công bố

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thủ trưởng cơ sở đào tạo
(Kí tên, đóng dấu)

 

PHỤ LỤC V

MẪU BÁO CÁO
CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHIÊN CỨU SINH HÀNG NĂM
(Kèm theo Thông tư số 10 /2009/TT-BGDĐT ngày 07 / 5 /2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo)

TÊN CƠ SỞ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

 

……, ngày         tháng    năm……

 

Kính gửi: Bộ Giáo dục và Đào tạo

BÁO CÁO CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHIÊN CỨU SINH NĂM …

I. Số lượng nghiên cứu sinh hiện có:

Khoá đào tạo

(năm bắt đầu ĐT)

Số, ngày quyết định công nhận NCS

Số lượng nghiên cứu sinh hiện có mặt

Số sẽ tốt nghiệp năm sau

Ghi chú

Tổng

Loại 3 năm

Loại 4 năm

Loại 5 năm

Tổng

Loại 3 năm

Loại 4 năm

Loại 5 năm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

II. Kế hoạch chỉ tiêu tuyển mới năm 20....:

(Báo cáo và lập biểu theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh)

III. Báo cáo về các hướng nghiên cứu và người hướng dẫn nghiên cứu sinh cho kế hoạch tuyển mới:

STT

Chuyên ngành đào tạo

Các hướng nghiên cứu, lĩnh vực NC cần nhận NCS

Họ tên, học vị, chức danh KH người có thể hướng dẫn

Số lượng NCS có thể nhận

 

 

 

 

 

 

 

Thủ trưởng cơ sở đào tạo
(Ký tên và đóng dấu)

 

PHỤ LỤC VI

MẪU BÁO CÁO
DANH SÁCH NGHIÊN CỨU SINH BẢO VỆ TRONG HAI THÁNG
(Kèm theo Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT ngày 07 / 5 /2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo)

BÁO CÁO

DANH SÁCH NGHIÊN CỨU SINH BẢO VỆ TRONG HAI THÁNG

Từ ngày 01/…./….... đến ngày 31/…./……..

Số TT

Họ và tên NCS

Số, ngày QĐ công nhận NCS

Đề tài luận án

Chuyên ngành

Mã số

Ngày bảo vệ

Kết quả bảo vệ

Ghi chú

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thủ trưởng cơ sở đào tạo
(Kí tên, đóng dấu)

 

PHỤ LỤC VII

MẪU BÁO CÁO
DANH SÁCH NGHIÊN CỨU SINH ĐƯỢC CẤP BẰNG
(sau khi có quyết định cấp bằng của Thủ trưởng cơ sở đào tạo)
(Kèm theo Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT ngày 07 / 5 /2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo)

TÊN CƠ SỞ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

 

……, ngày         tháng    năm……

 

Kính gửi: Bộ Giáo dục và Đào tạo

BÁO CÁO

DANH SÁCH NGHIÊN CỨU SINH ĐƯỢC CẤP BẰNG TIẾN SĨ

Đợt cấp bằng tháng ….. năm ….

Số TT

Họ và tên NCS

Số, ngày QĐ công nhận NCS

Đề tài luận án

Chuyên ngành

Mã số

Ngày bảo vệ Kết quả bảo vệ

Số, ngày QĐ công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ

Số bằng

Ghi chú

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thủ trưởng cơ sở đào tạo
(Kí tên, đóng dấu)

 

 

MINISTRY OF EDUCATION AND TRAINING
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
--------------

No. 10/2009/TT-BGDDT

Hanoi, May 07, 2009

 

CIRCULAR

PROMULGATING THE REGULATION ON DOCTORAL TRAINING

Pursuant to the Government's Decree No. 178/2007/ND-CP dated December 03, 2007 defining the functions, tasks, powers and organizational structure of Ministries and ministerial agencies;

Pursuant to the Government's Decree No. 32/2008/ND-CP dated March 19, 2008, defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Education and Training;

Pursuant to the Government's Decree No. 75/2006/ND-CP dated August 02, 2006, specifying and guiding the implementation of a number of articles of the Law on Education;

At the request of the Director of the Department of Higher Education,

Article 1. Promulgating the Regulation on Doctoral training together with this Circular.  

Article 2. This Circular takes effect on June 22, 2009 and supersede the regulations on doctoral training and enrolment in the Decision No. 18/2000/QD-BGD&DT dated June 08, 2000 of the Minister of Education and Training promulgating the Regulation on Postgraduate Education, the Decision No. 02/2001/QD-BGD&DT dated January 29, 2011 of the Minister of Education and Training promulgating the Regulation on Postgraduate Enrolment, the Decision No. 19/2002/QD-BGD&DT dated April 09, 2002 of the Minister of Education and Training on the amendments to the Regulation on Postgraduate Enrolment, the Decision No. 16/2003/QD-BGD&DT dated April 09, 2003 of the Minister of Education and Training on the amendment to the Regulation on Postgraduate Enrolment, the Decision No. 11/2004/QD-BGD&DT dated April 21, 2003 of the Minister of Education and Training on the amendment to the Regulation on Postgraduate enrolment.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

THE MINISTER




Nguyen Thien Nhan

 

REGULATION

ON DOCTORAL TRAINING
(promulgated together with the Circular No. 10/2009/TT-BGDDT dated May 07, 2009 of the Minister of Education and Training)

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope of regulation and subjects of application

1. This Regulation deals with the doctoral training, including training institutions, enrolment, programs, training organization, dissertation, dissertation defense, dissertation assessment, and award of doctorate degrees; complaints, accusations, inspections, and penalties.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 2. Training targets

Doctorate training is to train scientists accomplished in theories and practice, capable of independent study, creative, and able to discover and solve new issues important to science and technology, and guidance on scientific research.

Article 3. Training duration

1. The duration of doctoral training is 3 consecutive full-time years for master’s degrees holders, and 4 consecutive full-time years for bachelor’s degrees holders.

2. If postgraduate students that are not able to study full-time and the training institution approves, the total duration of the training program of such postgraduate students must be the same as the duration in Clause 1 of this Article, including at least 12 consecutive full-time months at the training institution to do the research project.

Chapter II

TRAINING INSTITUTIONS

Article 4. Conditions for opening new disciplines

1. The institutions that provide doctoral training may apply for opening a new discipline when the following conditions are satisfied:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

If the discipline is not in that list, the training institution shall present scientific foundation for this new discipline that is approved by the Science and Training Council of the training institution; the training practice and experience of other countries, together with the reference training programs of some foreign universities.

b) The full-time teaching staff and science staff satisfy training requirements, in particular:

- At least an associate professor and 4 doctors in the same field, including at least 3 persons in the same discipline;

- Within 3 years until the application for opening the new discipline is made, at least 3 research works of tenured lecturers and academic staff of the academic department or postgraduate training department (hereinafter referred to as academic departments) published in reputable academic journals subject to peer review in Vietnam or overseas;

- Able to develop new programs and organize the implementation of the training program, provide guidance for postgraduate students to do doctoral dissertation and hold dissertation assessment councils.

c) The facilities, equipment, library, and laboratory meet the training requirements; postgraduate students are provided with separate workplaces;

d) Experienced in scientific research; national, ministerial, provincial researches are completed; experienced in training researchers; regularly holding science conferences and conventions; regularly participate in international cooperation in scientific research and training;

dd) For training institutions being schools must have completed at least 02 courses of master’s training in the fields or disciplines suitable for the registered disciplines.

2. For special disciplines and special educational institutions, the Minister of Education and Training shall consider assigning doctoral training pursuant to this Regulation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The Minister of Education and Training (or the Director of Vietnam National University of Hanoi and Vietnam National University of Ho Chi Minh city, for affiliated units) shall assign doctoral training to the training institutions that satisfy the business in Clause 1 Article 4 of this Regulation.

2. The application for opening a new discipline includes:

a) A written request for opening a new discipline made by the training institution.

b) The plan for the opening of the new discipline, including: the introduction of the training institution and the reasons for opening the new discipline); the training targets, academic staff, equipment serving doctoral training, the establishment of the doctoral dissertation assessment council; the training program and training plan (Appendix 1, 01 plan for each discipline).

3. Procedure for assigning doctoral training

a) The training institution shall send 03 dossiers to competent authorities for considering and assessing the plan within 60 working days from the day on which the complete and valid dossier is received.

b) Within 15 working days from the end of the assessment, if the training institution satisfies the conditions in Clause 1 Article 4 of this Regulation, competent authorities shall issue a decision to assign the doctoral training to the training institution. If the training institution fails to satisfy all conditions, competent authorities shall send the assessment result to the training institution.

Article 6. Annulling the decision to assign doctoral training

1. The decision to assign doctoral training shall be annulled in one of the following cases:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The training institution fails to recruit for 3 consecutive years;

c) The training institution fails to meet the standards of the Ministry of Education and Training during quality assessment (assessment of the training institution or the training program).

2. The authorities competent to assign doctoral training are also competent to annul the decisions on assigning doctoral training.

Chapter III

ENROLMENT

Article 7. Method and time of enrolment

1. Enrolment time: every year, depending on the demand and enrolment target, the training institution shall hold one to two postgraduate student enrolments in February and August.

2. Enrolment method: profile assessment.

Article 8. Conditions for enrolling in doctoral training

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Have a master’s degree (or a decent bachelor’s degree if the master’s degree is not obtained) suitable for the doctoral discipline enrolled in.

The Director of the training institution shall specify the conditions of qualifications, field of study, average marks at bachelor’s or master’s level for enrolling in doctoral training in the notice of enrolment.

2. Have an essay on the intended research, presenting the research topic or field of study, the reasons for choosing the field of study and targets, the reason for choosing this training institution; the plan for each stage of the training; the experience, knowledge, understanding, as well as the candidate’s preparation for their intended researches or fields of study; the plan for working after the graduation; suggestion for instructors (Part I Appendix II).

3. Have two letters of introductions from two scientists that hold academic ranks such as professors or associate professors in the same discipline, or a letter of introduction from a scientist that hold an academic rank or a doctorate degree in the same discipline, and a letter of introduction from the candidate’s employer. The introducers must have at least 06 months’ experience or have engaged in the same discipline with the candidate. The letter of introduction must assess the capability and qualities of the candidate, in particular:

a) The ethics, especially professional ethics

b) Professional proficiency;

c) Working method;

d) Research ability;

dd) Teamwork skills;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

g) Potential for professional development;

h) Other assessments and recommendations.

4. Have skills in foreign languages to study documentation, participate in international activities serving scientific research, and do dissertations according to Article 9 of this Regulation.

5. For the disciplines that require working experience, the Director of the training institution shall specify the necessary working duration that a candidate needs before the enrolment in the notice of enrolment.

6. Be introduced by the personnel department (for employed candidates) or the school from which the candidate graduates. The unemployed candidates must be certified by their local governments that they have clean records and have not violated law.

7. Commit to fulfill financial obligations to the training as required by the training institution (tuition fee, refund to the sponsor if the doctoral dissertation is not completed).

Article 9. Requirements of foreign language skills of candidates

Directors of training institutions shall specify the necessary foreign languages and the necessary foreign language skills of candidates according to the requirements of the discipline and the training program, and the ability to meet the requirements of foreign language skills before the dissertation defense according to Article 22 of this Regulation.

Article 10. Notice of enrolment

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The notice of enrolment shall be posted at the training institution, sent to relevant agencies, and posted on the websites of the training institution and the Ministry of Education and Training (duatin@moet.edu.vn) and on other mass media, specifying:

a) The enrolment target of each discipline shall be decided by the Director of the training institution according to the target of the whole training institution and the professional capacity, research requirements, equipment, etc. of each discipline;

b) The enrolment plan;

c) The application and the intended time when dossiers are received;

d) The recruitment duration, date of result announcement, and the commencement date;

dd) The list of research orientations, fields of study or research projects enclosed with the list of scientists that may instruct postgraduate students; the number of postgraduate students that may be admitted according to each research orientation or field of study (Form 6 in Appendix I);

e) Other requirements and information necessary for candidates.

Article 11. Enrolment Council

1. The Director of the training institution shall issue the decision to establish the Enrolment Council

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The President: the Director of the training institution or the Deputy Director delegated by the Director;

b) The standing member: the manager or deputy manager of the Postgraduate Training Department of the training institution;

c) Members: the deans or managers of faculties of the recruiting disciplines.

Relatives (spouses, children, brothers and sisters) of candidates must not join the Enrolment Council and the boards that assist the Enrolment Council.

2. Rights and obligations of the Enrolment Council: announce the enrolment; receive applications; assess profiles and certify admission; summarize the enrolment; decide the commendation and disciplinary actions; report the enrolment result to the Ministry of Education and Training.

3. Rights and obligations of the President of the Enrolment Council:

a) Provide guidance and organize the implementation of the regulations on enrolment in Chapter III of this Regulation;

b) Make decisions and take responsibility before the Director of the training institution for the issues relating to the enrolment according to Chapter III of this Regulation; ensure the openness and responsibility of the enrolment process, select motivated, proficient, and potential candidates capable of completing their research projects according to the training targets and research orientations of the training institution;

c) Decide the establishment of committees that assist the Enrolment Council, including the Secretariat and academic committees. Such committees are subject to the direction of the President of the Enrolment Council.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The composition of the Secretariat of the Enrolment Council includes: the chief secretary is the standing member of the Enrolment Council, and the members.

2. Rights and obligations of the Secretariat of the Enrolment Council:

a) Receive, process the applications submitted by candidates and collect enrolment fees;

b) Make a list of eligible candidates and send it together with their profiles to the faculty;

c) Receive and summarized the profile assessment results from the academic committees and submit it to the Enrolment Council for consideration;

d) Send the notice of recruitment result to all candidates.

3. Responsibilities of the Chief Secretary:

Take responsibility before the President of the Enrolment Council for the tasks of the Secretariat.

Article 13. Academic committees

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. An academic committee has at least 5 holders of doctorate degrees or higher that are conversant with candidates’ intended researches and fields of study, and are members of academic departments, science workers or lecturers of the training institution or invited by the dean, and the intended instructors of admitted candidates. An academic committee includes the chief and the members

3. Academic committees shall assess applications, essays about intended researches, discuss about candidates’ intended researches, classify candidates as excellent, good, average, or failed, and send the result to the Secretariat. The Secretariat shall summarize and send a report to the Enrolment Council.

Article 14. The procedure for recruiting postgraduate students

1. Members of academic committees shall assess and classify candidates according to their applications and study results at bachelor’s level or master’s level; their skills in foreign languages, their research accomplishments; their professional experience; the quality of the essays on their intended researches; remarks and recommendations of the candidates in the introduction letters.

2. Candidates shall present their intended researches and research plans before the academic committees. The intended researches of candidates must be suitable for the fields of study and research orientations of the academic department, and instructed and competent persons. Members of academic committees shall ask questions to assess the personality, intelligence of candidates, the clarity of the ideas and the goals after completing the doctoral course, the feasibility of their plans, and the necessary attributes in a postgraduate student.  Academic committees shall issue written remarks and assessments (part II of Appendix II).

3. According to the assessment, academic committees shall build an assessment scale, summarize assessments given by members, make a list of candidates sorted by their marks in descending order, and send the results to the Secretariat of the Enrolment Council.

4. The Secretariat of the Enrolment Council shall check the applications again, and send the ranking result to the Enrolment Council. The Enrolment Council shall define the recruitment principles and make a list of admitted candidates according to the enrolment targets decided by the Director of the training institution and the ranking of candidates, then submit it to the Director of the training institution for approval.

Article 15. Summoning admitted candidates

1. Pursuant to the list of admitted candidates approved by the Director of the training institution, the training institution shall send admission letters to admitted candidates.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter IV

TRAINING ORGANIZATION AND PROGRAMS

Article 16. Training program

1. The doctoral training program is to help postgraduate students complete and improve their basic knowledge, study deeply in professional knowledge, obtain a wide range of knowledge about relevant fields of study, assist postgraduate students in practicing their skills in studying, identifying and solving professional problem, and necessary practical skills. The program must assist postgraduate students in self-learning of fundamental knowledge about professional theories and arguments of the fields of study and the discipline, applied professional knowledge of the discipline; methodology, research method, method of writing academic articles and presenting research result before Vietnamese and international researchers.

2. Doctoral training is primarily self-learning and self-studying under the guidance of instructors and scientists; it values scientific research habit and creative thinking for discovering and solving professional problems.

3. The doctoral training program is composed of three parts:

a) Part 1: Supplementary modules;

b) Part 2: Doctoral modules, doctoral subjects, and the dissertation proposal;

c) Part 3: Scientific research and doctoral dissertation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 17. Supplementary modules

Supplementary modules are modules that help postgraduate students acquired sufficient knowledge and professional skills to perform their tasks.

1. For postgraduate students without master’s degrees, supplementary modules include master’s modules in the corresponding discipline in the first two years of the doctoral training, composed of 27 – 36 credits, not including philosophy and foreign languages.

2. For postgraduate students that already have master’s degrees in a similar discipline with the doctoral training program, or have master’s degrees in the same discipline but have graduated for many years, or have master’s degrees awarded by other training institutions, the training institution shall request the postgraduate students to do the necessary modules according to the discipline and field of study.

3. If the bachelor’s training program of a postgraduate student omits important subjects and modules important to the doctoral training, the Director of the training institution may request such postgraduate student to do some bachelor’s modules.

4. The Director of the training institution shall decide the supplementary modules and necessary number of credits in the cases in Clause 2 and Clause 3 of this Article.

Article 18: Doctoral modules, doctoral subjects, and the dissertation proposal

1. The doctoral modules help postgraduate students update new knowledge about their fields of study; improve the theoretical understanding, methodology, and ability to apply important research methods. Each module contains 2 – 3 credits. Each postgraduate student must complete 3 – 5 modules with 8 – 12 doctoral credits.

2. Doctoral modules include compulsory modules and optional modules. The compulsory modules are the basic part and relating to crucial knowledge at higher levels. The optional modules are intensive and suitable for the research projects, or help practice the methods of professional research and academic article writing.  

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The dissertation proposal on the research development and issues relating to the dissertation topic requires postgraduate students to demonstrate their skills in analyzing and assessing the finished researches in Vietnam and overseas that are closely relating to their dissertation topic, raise the unresolved issues that the dissertation must resolve.

5. Before the course, the Director of the training institution shall decide and announce the list, targets, requirements, and contents of doctoral modules and subjects of each discipline; the assessment method and minimum requirements for each module; the methods of reporting, assessing reports and dissertation proposals of postgraduate students.

Article 19. Scientific research

1. Scientific research is a typical and mandatory stage in when doing doctoral dissertation. Depending on the characteristics of the field of study (social science, natural science, technology), the training institution shall set down various requirements for the assessment of intelligence and technological solutions relating to the dissertation, the need for investigation and experiments to provide necessary information, the need for scientific reasoning or solution design and experiment necessary for postgraduate students to reach new knowledge of solutions.  These are the most important bases for postgraduate students to write their doctoral dissertations.

2. The contents and scale of the scientific research must be suitable for the targets of the doctoral dissertation. Depending on the characteristics of the research projects, the training institution and the instruction shall provide budget, equipment, and personnel for postgraduate students to complete their necessary researches. Postgraduate students shall ensure the truthfulness, accuracy, and novelty of their research result; comply with the Vietnam’s and international regulations on intellectual property.

3. Scientific research shall be conducted during the doctoral training. If the scientific researches cannot be done by the intended deadline for some subjective or objective reasons, postgraduate students may apply for the extension of the deadline to ensure the quality of their dissertation. The training cost of during the extension shall be incurred by postgraduate students, their employers, or the training institution if possible.

Article 20. Doctoral dissertation

A doctoral dissertation must be a unique and creative scientific research, provide new knowledge or solutions valuable to development and growth of professional knowledge, or creatively resolve the issues for a profession or the society.

A doctoral dissertation consists approximately 100 A4 pages, over 50% of which shall present the research result and ratiocination of the postgraduate student.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Depending on the competence of each postgraduate student, their qualifications, completed bachelor’s and master’s modules (if any), the instructors and the Science and Training Council of the faculty (or of the institution – if the training institution is a research institute) shall suggest additional bachelor’s or master’s modules the Director of the training institution; the doctoral modules and doctoral subjects must be practical and suitable for the training and the dissertation topic of the postgraduate student. The postgraduate student-training department of the training institution shall make a study plan according to the suggestions of the Science and Training Council and notify it to postgraduate students.

2. For supplementary bachelor’s and master’s modules, postgraduate students shall attend the corresponding classes of the doctoral training institution or other training institutions appointed by the doctoral training institution. Doctoral modules shall be provided by the doctoral training institution.

3. Within 24 months from the admission, the training institution shall enable postgraduate students to complete part 1 and part 2 of the doctoral training program.

4. The teaching and assessment of modules and dissertation proposals of postgraduate students meet the following requirements:

a) Encouraging and requiring postgraduate students to study actively;

b) The assessment of doctoral modules and doctoral subjects must be objective and constant throughout the training process. The Director of the training institution shall specify the assessment scale.

5. Postgraduate students of whom the doctoral modules, doctoral subjects or dissertation proposals fail to meet the requirements for postgraduate students may applies for some additional modules or research to obtain master’s degrees if they have not had any.

6. The Science and Training Council of the faculty or the institution shall formulate the training program, adjust the list and contents of modules and doctoral subjects every 2 years according to the requirements of the profession and the regulations of the training institution, and then submit them to the Director of the training institution.

7. The Director of the training institution shall specify the teaching and assessment of doctoral modules, doctoral subjects, and dissertation proposals of postgraduate students; the conditions for keeping studying after the end of modules and dissertation proposals; the conditions for awarding master’s degrees to the students that fail to follow the doctoral training and have not had master’s degrees.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Before the dissertation defense, every postgraduate student must obtain one of the following qualifications:

a) A bachelor’s degree, master’s degree, or doctorate degree in a country where English is used for training;

b) A bachelor’s degree, master’s degree, or doctorate degree in Vietnam provided English is used for training without translation.

c) A bachelor’s degree in English language.

d) TOEFL iBT (61) or TOEFL ITP (500) or IELTS (5.0) or the equivalent. The skill in foreign language is equivalent to level B1 and B2 of Common European Framework - CEF (Appendix III).

2. The foreign language certificates of reputable Vietnamese foreign language testing centers that assess achievements of learners similarly to the assessment of the testing centers that issue the qualifications in Point d Clause 1 of this Article, which are assessed and recognized by the Ministry of Education and Training, may be used for postgraduate student training.

3. The foreign language testing centers or training centers may send applications for assessment and recognition to the Ministry of Education and Training if they consider themselves to satisfy the requirements in Clause 2 of this Article.

The assessment and certification of a foreign language certificate in postgraduate student training are carried out every 3 years.

Article 23. Changes in the training process

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The addition or replacement of instructors shall be done at least one year before the dissertation defense.

3. With rational explanation, a postgraduate student may transfer to another training institution provided the remaining training duration is at least one year, the current training institution and the new training institution accept and issue a decision to admit the transferred postgraduate student. The Director of the new training institution shall decide necessary additional doctoral modules or doctoral subjects (if any).

4. A training program is considered completed on schedule if the dissertation is approved by the Dissertation Assessment Council at the grassroots level (hereinafter referred to as Grassroots Assessment Council) if the institution.

If a postgraduate student fails to complete the training program on schedule, he or she shall apply for an extension at least 06 months before the deadline, enclosed with the opinions of his or her employer (if any). The extension is only given when satisfactory explanation is provided, and the postgraduate student’s study or research must be done by the end of the extension. Postgraduate student shall fulfill the financial obligations that arise during the extension at the request of the training institution. The extension must not exceed 24 months. Part-time postgraduate students must work full-time at the training institution during the extension to complete their dissertation by the end of the extension.

5. The postgraduate students that excellently complete the training program and research projects, according to the research findings published in reputable academic journals in Vietnam or overseas, may request for an early dissertation defense. The Director of the training institution shall decide the early dissertation defense according to the result of study and research of the postgraduate student, recommendations of the instructor and his or her employer, assessments and recommendations of the Science and Training Council of the faculty or the institution (hereinafter referred to as Science and Training Council).

6. After the end of the training (including any extension) or when the training program is completed (even the postgraduate student requests the early dissertation defense), the Director of the training institution shall send a written notification to the postgraduate student’s employer and assess the research result and the attitude of the postgraduate student during the training at the training institution.

7. If the dissertation is not completed by the end of the training period, the postgraduate student may keep doing the dissertation and return to the training institution to submit the dissertation provided such dissertation and the research findings are still topical and scientifically valuable, and accepted by the instructor and the Director of the training institution. The time limit for submitting a dissertation is 7 years (84 months) from the day on which the decision to admit the postgraduate student is made. After this deadline, postgraduate students may not do dissertation defenses and the study results of the doctoral training program shall not be retained.

8. The Director of the training institution shall specify the procedure and order for settling and deciding the changes during the training of postgraduate students.

Article 24. Lecturers of doctoral training program

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Have good ethics and qualities.

2. Hold doctorate degree or a title of professor or associate professor in a discipline or field of study suitable for the modules they teach in the doctoral training program.

3. Have great proficiency and have been engaging in scientific research according to the articles and works published before and during the doctoral training program.

Article 25. Instructors of postgraduate students

1. Article 24. Instructors of postgraduate students must meet the standards in Article 24 of this Regulation and the following standards:

a) Hold a title of professor or associate professor or a doctorate degree. A lecturer that has a doctorate degree without an academic rank shall only give instruction after 3 years from the award of the doctorate degree;

b) Have articles and research works that are published within the last 5 years;

c) Have his or her name in the list of topics, research orientations and fields of study that need recruiting postgraduate students in the year;

d) Able to raise scientific issues and instruct postgraduate students to resolved such issues;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) Highly responsible for instructing postgraduate students.

g) Not suspended from recruiting postgraduate students according to Article 5 of this Article.

2. Each postgraduate student shall be instructed by no more than two instructors. If a postgraduate student is instructed by two instructors, the training institution shall specify the roles and responsibilities of the primary and secondary instructor.

3. Processors, associate professors, and doctors of science that have done valuable researches and are experienced in instructing postgraduate students may instruct postgraduate students independently with the permission of the training institution.

4. A professor and or doctor of science may instruct no more than 5 postgraduate students at the same time, an associate professor or doctor may instruct no more than 3 postgraduate students at all training institutions that invite them, including postgraduate students instructed in cooperation and the postgraduate students allowed to defense their dissertations after the training period according to Clause 7 Article 23 of this Regulation. Each instructor shall instruct no more than two postgraduate students in the same course.

5. When two postgraduate students of an instructor fail to complete their dissertation due to professional reasons, such instructor may not receive more postgraduate students.  When three postgraduate students of an instructor fail to complete their dissertation without satisfactory explanation, such instructor may not receive more postgraduate students for at least 2 years.

6. Training institutions are encouraged to invite Vietnamese scientists overseas or foreign scientists that meet the standards in Clause 1 of this Article to instruct postgraduate students.

Article 26. Duties of instructors

1. Approve the study and research plans of postgraduate students.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Make weekly, monthly, quarterly, and annual plans for working with postgraduate students. Supervise and instruct postgraduate students to study and doe their dissertation, attend science conventions, give assessment and help postgraduate students in having their research findings published.

4. Help postgraduate students prepare reports according to the schedule of the academic department; prepare lectures and teaching materials; instruct students to practice and do scientific research.

5. Make remarks on the study, research, and progress of postgraduate students in the periodic reports sent by postgraduate students.

6. Examine postgraduate students’ dissertation, certify the results and call for the dissertation defense if the dissertation meet the requirements.

7. Other duties defined by the Director of the training institution.

Article 27. Responsibilities of postgraduate students

1. During the training, postgraduate students are official of the academic department and responsible for reporting the study plan and the research outline to the academic department.

2. While studying and doing the dissertation, postgraduate students must regularly seek opinions and have discussions with their instructors according to plans and schedule; participate in science activities of the academic department and write reports; write at least two academic articles that are published on academic journals subject to peer review according to the list of journals made by the academic department; participate in the science activities relating to their research; periodically report their study result and research findings to the instructors and the academic department according to the schedule made by the academic department at least 4 times a year.

3. During the study, postgraduate students shall participate in professional activities, teaching, research, and instructing interns and students that do research at the training institution under the appointment of the academic department.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Postgraduate student must not contact peer reviewers and members of the Institutional Assessment Council before the dissertation defense; must not participate in the organization of the dissertation defense such as sending dissertation documents to Council members; must not take remarks on the dissertation from Council members, scientists, and scientific organizations.

Article 28. Responsibilities of the academic department

1. Enable academic committees to recruit postgraduate students, assess applications and candidates’ capability and attributes. Make and send a record on the assessment and ranking of candidates to the Director of the training institution for decision.

2. Consider and seek opinions from the Science and Training Council before requesting the Director of the training institution to decide necessary modules in the doctoral training program, including bachelor’s modules, master’s modules, and doctoral modules; doctoral subjects; training plan for each postgraduate student; the supervision and inspection of the implementation of the training program and plan for such postgraduate student.

3. Organize academic curricular activities for lecturers and postgraduate students at least once per month for postgraduate students to report their research findings; assign postgraduate students to teach and instruct students to do scientific research and to practice.

4. Specify the working schedule of postgraduate students and instructors; and the schedules for reporting study result at least 4 times per year.  Assess the study and research result, attitude, capability and potential of postgraduate students; request the Director of the training institution to decide the sustention of the study of each postgraduate student.

5. Suggest the list of academic journals subject to peer review to the Director of the training institution in which postgraduate students have their research findings published according to Clause 7 Article 30 of this Regulation; instruct and assist postgraduate students in having their research findings published in Vietnam and overseas.

6. Request the Director of the training institution to change the dissertation names, add or replace instructors, contract or extend the training duration, or change the training institution of the postgraduate student.

7. Strictly supervise postgraduate students throughout their study. Send reports on the study and research of postgraduate student to the Director of the training institution every 6 months and request the Director of the training institution to send such reports to the postgraduate students’ employers.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 29. Responsibilities of the training institution

1. Formulate and issue the charter of the training institution on enrolment, training organization and management, postgraduate student management, dissertations, dissertation defenses, doctorate degree award, and activities relating to the doctoral training based on this Regulation.

2. Formulate plans and annual enrolment targets of the training institution for each discipline and report them to the Ministry of Education and Training.

3. Formulate training programs, textbooks, and teaching plans for the permitted disciplines; make and send applications to provide doctoral training to the Ministry of Education and Training; approve the list of reputable academic journals subject to peer review in which postgraduate students have their research findings published; instruct postgraduate students to follow the procedure for sending their articles to such Vietnamese and foreign journals.

4. Organize annual enrolment according to the set targets and Chapter III of this Regulation.

5. Issue decisions to admit postgraduate students, research projects, discipline, instructors, and training durations; deal with the changes during the training such as the change of topics, instructors, training method, or training institution.

6. Provide training in accordance with the approved training programs. Facilitate the internship and participation in international science conventions overseas.

7. Provide equipment, supplies, materials, and other conditions necessary for the study of postgraduate student and for academic staff of the training institution.

8. Organize dissertation defenses in accordance with this Regulation and the charter of the training institution. Appoint competent and experienced personnel to serve the dissertation defenses of postgraduate students.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

10. Hold annual science conventions and international science conferences. Periodically publish academic journals subject to peer review of the training institution.

11. Develop websites and update all dissertations, their abstracts, and their novelties (in Vietnamese and English) from their preparation; the list of postgraduate students every year; the research projects in progress; and the list of postgraduate students awarded doctorate degrees.

12. Comply with the reporting regime:

a) Send reports to the Ministry of Education and Training on the enrolment result and the decisions to admit postgraduate students (Appendix IV) after the enrolment;

b) In every November: send reports to the Ministry of Education and Training on the doctoral training of the institution and the changes in postgraduate students in the year, determine the targets and plans for recruiting postgraduate students in the next year (Appendix V);

c) On the last day of even months: send the Ministry of Education and Training the list of postgraduate students that do dissertation defenses over the last 2 months (Appendix VI).

d) Before the 30th of June and 31st of December every year: send the Ministry of Education and Training reports on the award of doctorate degrees. A report includes:

- The overall report on the award of doctorate degrees from the previous report.

- The list of postgraduate students awarded doctorate degrees (Appendix VII).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Copies of decisions to admit the postgraduate students in the awarding list.

dd) The documents and profiles of all postgraduate students relating to the recruitment, training, graduation, and award of degrees must be preserved and stored at the training institution according to current regulations on storage;

13. Inspect the conformity with the Regulation on doctoral training of the Ministry of Education and Training and the charter of the training institution; take responsibility for the training provided by the training institution.

14. Apply for training quality assessment.

Chapter V

DISSERTATION AND DISSERTATION DEFENSE

Article 30. Requirements for a doctoral dissertation

1. The doctoral dissertation must be done by the postgraduate student and meet the targets and requirements in Article 20 of this Regulation. The dissertation must make new academic contributions, presented in academic languages, make use of basic arguments of the discipline to analyze and comment on the arguments and the results of previous researches relating to the dissertation, and on that basis raise new issues, hypotheses or new solutions to resolve the issues of the dissertation, and prove them by new materials.  The dissertation writer shall make a commitment on his or her scientific work.

Postgraduate students are recommended to write and defend their dissertations in English.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The doctoral dissertation must comply with the regulations on intellectual property right protection in the Law on Intellectual property.

4. If the dissertation is a scientific work or part of a scientific work of a collective, the main part of which is done by the author, it is required to submit the written permissions of the collective members for the postgraduate student to use this work to do the dissertation defense.

5. The authors or co-authors of the research findings that are used must be clearly cited. If the authors and sources of documents (tables, formulas, diagrams, and other materials) are not cited, the dissertation shall not be approved and defended.

6. The list of published works of the author that relate to the dissertation and the reference list shall be enumerated in alphabetical order of the authors’ names in conformity with international practice. The reference list shall enumerate the documents quoted, used, and mentioned in the dissertation.

7. The primary contents and research findings of the dissertation must be reported at annual national science conferences and and announced in at least two articles on academic journals subject to peer review. The Vietnamese academic journals are in the list of academic journals that are rated 1, and concurrently enumerated in the list of academic journals defined by the training institution.

Postgraduate students are encouraged to have their articles published on reputable international academic journals and the journals enumerated by International Science Institute (ISI) at http://scientific.thomson.com/isi/ or memoranda of International Science Conferences published by reputable international publishers.

8. The training institution shall specify the way of presenting dissertations of each discipline, ensuring that dissertations are scientifically, clearly, and coherently presented.

Article 31. Assessing and defending dissertations

1. A doctoral dissertation shall be assessed by:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The Institutional Assessment Council.

2. Conditions for doing a dissertation defense:

a) The dissertation and the study program are completed according to Article 17, 18, 19, 20 of this Regulation by the deadline;

b) The dissertation meets the requirements in Article 20 and Article 30 of this Regulation and the regulations of the training institution;

c) The collective or instructors shall write assessment of the dissertation quality, the attitude and result of the postgraduate student, and request the dissertation defense;

d) The postgraduate student does not receive any warning nor carry a heavier penalty

3. The Director of the training institution shall decide the specific conditions and requirements for dissertations of each discipline when they are defended before the Institutional Assessment Council.

Article 32. Assessment of dissertation at the grassroots level (by the academic department)

1. After the postgraduate student satisfies the conditions in Clause 2 Article 31 of this Regulation, the chief of the academic department shall request the Director of the training institution to issue a decision to establish a Grassroots Assessment Council.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The dissertation shall be sent to Council members before the Council meeting at least 15 working days. The Council members shall read the dissertation and write the review before attending the Dissertation Assessment Council.

4. The Council shall not hold the assessment meeting if:

a) The Council President is not present;

B The secretary of the Council is not present;

c) The reviewers that disapprove the dissertation are not present;

d) Two Council members or more are not present;

dd) The postgraduate student receives a warning or carries a heavier penalty.

5. The grassroots assessment meeting is an academic activity of the academic department that is attended by members of the academic department and people concerned. Before the dissertation is defended before the Institutional Assessment Council, the Grassroots Assessment Council shall hold one or some meetings if the dissertation needs amending or supplementing. Members of the Grassroots Assessment Council must indicate the new results of the dissertations, the limitations and defects of the dissertation, and request the postgraduate student to make amendments.

The dissertation shall be defended before the Institutional Assessment Council after it is completed according to the opinions provided in the previous meetings of the Council, and approved by at least ¾ of the members of the Grassroots Assessment Council that are present at the last meeting.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7. The dissertation assessment shall focus on the research, contents and quality of the dissertation; ensure the accuracy, objectivity, scientific, and seek opinions from scientists when assessing the dissertation. The Director of the training institution shall specify the organization and operation of the Grassroots Assessment Council.

Article 33. Application for dissertation defense before the Institutional Assessment Council

1. Based on the conclusion of the Grassroots Assessment Council, the chief of the academic department shall send the Director of the training institution an application for the dissertation defense before the Institutional Assessment Council.

2. The application for a dissertation defense includes:

a) The detailed minutes of the meetings of the Grassroots Assessment Council that are signed by the President and Secretary of the Council;

b) An explanation for the amendments to the dissertation after each meeting that is signed and approved by the President of the Council, two reviewers, the members that request such amendments, and the chief of the academic department;

c) Two reviews of two reviewers;

d) The list of units and individuals that receive the dissertation summary;

dd) A copy of the bachelor’s degree or master’s degree (if any);

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

g) The copy of the decision to admit postgraduate student and decisions on the changes during the training process (if any);

h) The list and photocopies of published articles and works relating to the dissertation;

l) The written assents of co-authors (if any);

k) The dissertation and dissertation summary;

l) The information about new academic contributions of the dissertation (in both Vietnamese and English). The contents: name of the dissertation, name and code of the discipline; name of the postgraduate student and the course; academic rank, degree, and name of the instructor; name of the training institution, summary of the new academic contributions, new arguments from the research findings and survey result of the dissertation, signature and full name of the postgraduate student.

m) Other documents required by the Director of the training institution.

Article 34. Peer reviewers

1. Before the Institutional Assessment Council is established, the Director of the training institution shall seek opinions from the two peer reviewers. Peer reviewers are Vietnamese or foreign scientists that are accomplished in the field into which the postgraduate student is researching, have good qualities and ethics, are reputable, and independent, and experienced.

Opinions of peer reviewers are advice for the Director of the training institution to assess the quality of the doctoral dissertation and decide to allow the postgraduate student to do dissertation defense. It is encouraged to seek opinions from peer reviewers overseas, especially the dissertations on fundamental science and technology.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. When both peer reviewers approve the dissertation, the Director of the training institution shall issue a decision to establish the Institutional Assessment Council. When one peer reviewer disapproves the dissertation, the Director of the training institution shall seek opinions from a third peer reviewer. If the third peer reviewer approves the dissertation, the dissertation shall be defended before the Institutional Assessment Council.

4. The dissertation shall be rejected and reassessed by the Grassroots Assessment Council if it is disapproved by the both initial reviewers or the first and the third reviewer. In this case, the dissertation must be revised and defended before the Grassroots Assessment Council. The postgraduate student may only reapply for dissertation defense after at least 06 months and no later than 02 years from the day on which the dissertation is rejected. The edited dissertation must be reviewed by the initial peer reviewers.

5. The Director of the training institution shall specify the requirements for peer reviewers: the order, selection procedure, seeking and processing opinions from peer reviewers; requirements of the relevant individuals for the confidentiality and independence of the peer reviewers.

Article 35. Assessing and defending dissertations before the Institutional Assessment Council

1. The Institutional Assessment Council consists of 7 members, including scientists that hold academic ranks and doctorate degrees, have positive moral virtues; are reputable and accomplished in the dissertations, have works relating to the fields of study of postgraduate students that are published over the last three years before being invited to the Council. At least 4 members are professors or associate professors; the members being doctors must have held their degrees for at least 3 years. No more than 3 members are personnel of the training institution.

2. The Council includes a President, a Secretary, three reviewers and members. Each Council member shall undertake one task of the Council. The President of the Council must be a competent and reputable person, hold a title of professor or associate professor in the same discipline with that of the dissertation. Reviewers must be accomplished in the dissertation and highly reputable in that field of study. Reviewers must be highly responsible for the assessment of the scientific quality of the dissertation. Reviewers are people from various units who are not direct subordinates of the postgraduate student, nor collaborators of the postgraduate student in the published works that are relating to the dissertation; nor working in the same academic department with the postgraduate student.

3. The postgraduate student’s instructors, parents, spouse, children, brothers and sisters may not participate in the Institutional Assessment Council.

4. The Director of the training institution shall specify the conditions and requirements for each position in the Institutional Assessment Council.

Article 36. Requirements and conditions for holding institutional dissertation assessment and defense

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The Director of the training institution shall specify the conditions for holding the dissertation defense, ensuring that:

a) The time and location of the dissertation defense, and the name of the dissertation are publicly posted on the websites of the training institution and the Ministry of Education and Training, on the bulleting of the training institution and the academic department, on local or central newspapers before the defense at least 10 days for people concerned to study the dissertation and participate in the dissertation defense (except for classified dissertations)

b) The copies of the dissertation and dissertation summary are sent to the Council members, scientists, and science organizations according to the list decided by the Director of the training institution and displayed at the library of the training institution at least 30 days before the defense. The whole dissertation, its summary (in Vietnamese and English) and information about new academic contributions, scientific and practical arguments of the dissertations (in Vietnamese and English) must be publicly posted on the websites of the training institution and the Ministry of Education and Training (to the email duatin@moet.edu.vn) 30 days before the defense, except for dissertations relating to National defense and security and classified dissertations;

c) Council members shall send written remarks about the dissertation to the training institution 15 days before the defense.

d) Those remarks must particularly assess the disposition of the dissertation, the contents, method, result, meaning, and reliability of results, and indicate the new arguments of the dissertation. The Director of the training institution shall specify the requirements for remarks about the dissertation made by reviewers and Council members.

3. The Council shall not hold the assessment meeting if:

a) The Council President is not present;

b) The secretary of the Council is not present;

c) The reviewers that disapprove the dissertation are not present;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) The postgraduate student receives a warning or carries a heavier penalty;

e) One of the conditions in Article 2 of this Article is not satisfied.

4. The Director of the training institution shall decide the replacement of Council members where necessary and in inevitable cases (such as Council members are going on a long-term business trip abroad, or terribly ill, or not satisfying the conditions).  The time limits relating to the activities of the Council members and the dissertation defense starts from the day on which the last decision on the replacement or addition of members of the Institutional Assessment Council is signed.

5. Within three months from the day on which the Decision on Establishment is made, the Council shall hold the dissertation assessment conference. When this deadline expires, the Council shall dismiss. After this deadline, the postgraduate student is entitled to request for the dissertation defense if the conditions in Clause 7 Article 23 and Clause 2 Article 31 of this Regulation are satisfied. The Director of the training institution shall decide to hold the dissertation defense. The procedure for dissertation defense is similar to that for the first dissertation defense.

Article 37. Organizing the dissertation defense

1. The dissertation must be defended publicly. The dissertations relating to national secrets shall be defended in accordance with Article 39 of this Regulation. The dissertation defense must be academic, ensuring the scientific ethics and principles, by which the author presents his or her competence and deep knowledge about their field of study before the Council members and the people concerned. All Council members shall carefully study the dissertation before the assessment.

The developments of the dissertation assessment meeting must be recorded in writing, especially the questions and answers of the postgraduate student to such questions. The minutes of meeting must be ratified by the whole Council and signed by the President and Secretary of the Council.

2. The dissertation shall be assessed by ballot. Council members shall only vote for or against the dissertation.  Abstentions are considered votes against the dissertation. A dissertation is accepted when it is voted for by 6/7 or 5/6 of the Council members that are present.

The Circular of the training institution shall specify the procedure and requirements for the meetings of the Council and the dissertation assessment; the assessment method; the assessment of the progress in comparison with the requirements, the research findings and dissertation presentation according to the regulations of the training institution.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The voting result;

b) The fundamental scientific conclusions, new points, and new contributions of the dissertation;

c) The scientific basis, reliability of the arguments and conclusions in the dissertation;

d) The theoretical and practical meaning, recommendations for the application of the research findings of the dissertation;

dd) The defects in the contents and disposition of the dissertation;

e) The fulfillment of requirements for the dissertation;

g) Necessary revisions (if any) before the dissertation is submitted to the National Library of Vietnam;

h) Recommendations of the Council for the award of the doctorate degree.

4. The Resolution of the Council must be ratified by the Council members by public voting.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 38. Redefending dissertations

1. If the dissertation is not approved by the Institutional Assessment Council, the postgraduate student may revise it and request the second dissertation defense within 24 months from the first dissertation defense.

2. The composition of the second Dissertation Assessment Council is similar to the first one. Absent members shall be replaced with other people appointed by the Director of the training institution.

3. No third dissertation defense shall be held.

4. The dissertation shall not be defended after 24 months from the first dissertation defense.

5. The Director of the training institution shall specify the procedure for second dissertation defense.

Article 39. Defending classified dissertations

1. If the research project is relating national secrets or in the list of national secrets of Ministries and state agencies, the head of such Ministries and agencies shall request the Director of the training institution to determine the confidentiality of the dissertation from the beginning as the basis for holding a classified dissertation defense, managing the documents and materials relating to the research doing the dissertation confidentially throughout the training. The decision to hold a classified dissertation defense must be made before the dissertation assessment by the Grassroots Assessment Council. The training institution shall send a report to the Ministry of Education and Training and obtain a written approval before holding a classified dissertation defense.

2. The list of the Grassroots Assessment Council and Institutional Assessment Council, the list of external personnel, the list of units and individuals that receive the dissertation and dissertation summary must be suggested by the Ministry or agency in charge of that major to the Director of the training institution.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The number of dissertation drafts, summaries, and the original copies must be defined and bear the “classified” seal. The documentation of the classified dissertation defense must be strictly managed according to the regulations of the State.

5. Apart from the regulations in Clause 2, 3, and 4 of this Article, the postgraduate student that defenses the classified dissertation must comply with the general regulations on postgraduate students.

Chapter VI

DISSERTATION INSPECTION AND DOCTORATE DEGREE AWARDING

Article 40. Dissertation inspection

1. At the end of even months in the year, the Director of the training institution shall send reports to the Ministry of Education and Training on dissertation defenses at the training institution. A report includes:

a) An dispatch of the training institution enclosed with the list of postgraduate students that do dissertation defenses over the last two months (the form in Appendix VI);

b) Copies of the decisions to establish Assessment Councils made by the Director of the training institution;

c) Copies of the minutes of meeting and Resolutions of each Assessment Council;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The Ministry of Education and Training shall inspect dissertations randomly or when they complaints or accusations are made, or suspicion is raised during the training or the operation of the Dissertation Assessment Council.

At least 30% of the dissertations defended in the year shall be inspected. Within 10 days from the day on which the report from the training institution is received, the Ministry of Education and Training shall issue a written notification of the dissertations that need inspection and necessary documentation.

3. At least 3 months after the defense, if the postgraduate student does not face any accusation or complaint, and is not in the inspection list of the Ministry of Education and Training, the Director of the training institution shall consider awarding the doctorate degree to the postgraduate student in accordance with the procedure in Article 43 and Article 44 of this Regulation. in the cases where inspection is necessary, the doctorate degree shall be awarded after the Director of the training institution gives a conclusion according to the opinions of the Dissertation Inspection Council in Articles 1, 2, and 3 Article 42 of this Regulation.

4. Within 60 working days from the day on which the complete documentation is received, the Ministry of Education and Training shall inspect the dossier, the training process, defense procedure, and establish a Dissertation Inspection Council if necessary.

Article 41. Dissertation Inspection Council

1. The Minister of Education and Training shall decide the establishment of the Dissertation Inspection Council. The Dissertation Inspection Council consists of 7 Vietnamese or foreign scientists that hold academic ranks and doctorate degrees, have published works relating to the dissertation over the last 3 years, are accomplished in the field of study of the postgraduate student, independent, experienced, objective and honest. The Dissertation Inspection Council includes a President, a Secretary, and members. Members of the Dissertation Inspection Council are the persons that have not participated in the Grassroots Assessment Council and the Institutional Assessment Council.

2. Before the meeting, members of the Dissertation Inspection Council shall read and make remarks about the dissertation, the success and failure of the dissertation, and conclude whether the dissertation meet the requirements of a doctoral dissertation. The meeting shall be held when at least 5 members of the Council, including the President and the Secretary, are present. The Council shall make a detailed record on the opinions, discussions, and conclusion about the dissertation. A dissertation is accepted when it is approved by three fourth of the Council members that are present.

3. Within 10 working days from the day on which the Dissertation Inspection Council gives the conclusion, the Ministry of Education and Training shall notify the inspection result to the training institution in writing. Within 02 months from the day on which the inspection result is given, the training institution shall send a written report to the Ministry of Education and Training on the decision of the Director of the training institution according to Clauses 1, 2, 3, and 4 Article 42 of this Regulation, together with the report of the new inspection (if any).

Article 42. Inspection result

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. For the accepted dissertations that are required to be revised by the Dissertation Inspection Council, the Institutional Assessment Council and the instructor shall consider and decide the revisions. After the postgraduate student finishes revising, the President of the Institutional Assessment Council shall check and inspect the revisions, and request the Director of the training institution to award the doctorate degree to the postgraduate student in accordance with Article 43 and Article 44 of this Regulation.

3. For the unsatisfactory dissertations, the Ministry of Education and Training shall request the Director of the training institution in writing to hold the Dissertation Assessment Council to reconsider. Depending on the assessment of the Council, the Director of the training institution shall request the postgraduate student to make revisions without doing another defense, or to revise and do another defense, or to do more research, make revisions, and do another defense.

4. A dissertation must be revised and completed within 12 months from the day on which the Institutional Assessment Council holds the meeting and makes the decision. The redefense shall be held in accordance with Article 38 of this Regulation. After the postgraduate student fulfills the requirements, the Director of the training institution shall report the results to the Ministry of Education and Training. The procedure for redefense is similar to the first defense.

5. If 30% of the dissertations of a training institution or more are not satisfactory in a year, the training institution shall be suspended from enrolment for at least one year; if 30% of the dissertations of a training institution or more are not satisfactory in two consecutive year, the training institution shall be suspended from establishing the Dissertation Assessment Council and awarding doctorate degrees for at least one year Such suspension shall be announced on the websites of the training institution and the Ministry of Education and Training. During the suspension, the training institution shall take remedial measures and report the result to the Ministry of Education and Training in order to resume the enrolment, dissertation assessment, and award of doctorate degrees.

Article 43. Completing the application for the doctorate degree

1. By the deadline for considering awarding doctorate degrees, the eligible postgraduate students according to Clause 3 Article 40 of this Regulation, shall send their dissertations and dissertations summaries (printed or digital copies) to the library of the training institution and the National Library of Vietnam, including classified dissertations and dissertations relating to National defense and security.

2. A dissertation sent to the libraries consists of two parts:

a) The dissertation in full, revised at the request of the Institutional Assessment Council (if any);

b) Documents in the institutional dissertation defense and assessment, bound with the dissertation, including:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- The remarks of all Council members.

- The meeting minutes and the Resolution of the Institutional Assessment Council;

- A detailed report on the revisions of the dissertation (if any) according to the Resolution of the Institutional Assessment Council, certified by the President of the Institutional Assessment Council.

3. An application for the doctorate degree includes:

a) The minutes of the dissertation defense, questions raised by members of the Dissertation Assessment Council and participants, and answers of the postgraduate student to each of them;

b) The Resolution of the Council;

c) The remarks of all Council members, agencies, and scientists that are sent to the Council;

d) The vote counting record and assessment sheets;

dd) The remarks of the instructors;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

g) The note of receipt of the dissertation and dissertation summary of the National Library;

h) The journal or the photocopy of the journal that announces the date of dissertation defense (except for classified dissertation defense);

i) The print of the article about new academic contributions of the dissertation on the website of the Ministry of Education and Training;

k) Other documents required by the Director of the training institution. These documents must be kept at the training institution.

Article 44. Awarding doctorate degrees

1. The dissertations that are not subject to inspection and the dissertations that pass the inspection according to Clauses 1, 2, and 3 Article 42 of this Regulation shall be considered for the award of doctorate degrees.

2. The Director of the training institution shall inspect the training process, dissertation quality, the organization and operation of the Dissertation Assessment Council before the periodic meeting of the Science and Training Council of the training institution to approve the list of postgraduate students awarded doctorate degrees and decide to award doctorate degrees to postgraduate students.

Chapter VII

COMPLAINTS, ACCUSATIONS, INSPECTION, AND PENALTIES FOR VIOLATIONS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Organizations, individuals, and dissertation defenders may make complaints and accusations against the violations during the enrolment, training, preparation of the dissertation, dissertation defense, and dissertation assessment within 02 months from the defense.

The making and settlement of complaints and accusations shall comply with the Law on Complaints and Denunciations.

Article 46. Inspection

The Ministry of Education and Training shall inspect the doctoral training of training institutions annual according to current regulations.

The inspection shall cover the enrolment, the training management, the training program, the procedure for assessing dissertations, the award of doctorate degrees, and the settlement of complaints and accusations. The Ministry of Education and Training shall notify the inspection conclusion and suggestions to the training institution in writing.

Article 47. Penalties for violations

1. If a postgraduate student is discovered committing violations or fraud when making the application or during the enrolment, examination, study assessment, or dissertation defense, he or she shall receive a reprimand, warning, or be suspended from study, or have his or her qualification revoked, or face a criminal prosecution, depending on the seriousness of the violations.

2. The postgraduate students that violate Clause 5 Article 27 of this Regulation shall receive reprimands, warnings, or have their academic record annulled, or have the right to do dissertation defenses annulled. If the information about peer reviewers is revealed, the persons involved in the process in which the dissertation is sent to peer reviewers shall receive reprimands, warnings, or be dismissed.

3. When violations or errors are discovered during the enrolment, training, dissertation assessment, and award of doctorate degrees, the Ministry of Education and Training shall handle the case itself or request the training institution in writing to handle the case.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

IMPLEMENTATION

Article 48. Organizing the implementation

1. By December 31, 2009, the Director of the training institution shall finish making and issuing the documents in Clause 1 Article 29 of this Regulation from the enrolment in February 2010, and send them to the Ministry of Education and Training. The enrolment shall not take place if the documents in Clause 1 Article 29 are not issued by the training institution.

2. By August 30 2010, all training institutions shall finish formulating their training programs and commence the postgraduate student training in accordance with the programs that are formulated according to Article 18 of this Regulation.

3. The training institutions that pass the assessment of doctoral training institutions in 2009 by the Ministry of Education and Training shall be assigned the tasks in Articles 34, 35, 36, and 43 of this Regulation after the Ministry of Education and Training certifies in writing their eligibility for each discipline.

The ineligible training institutions shall contact the eligible institutions to fulfill the obligations in Articles 34, 35, and 36 of this Regulation to their postgraduate students, and send reports to the Ministry of Education and Training.

The Ministry of Education and Training shall announce the list of eligible and ineligible training institutions in the assessment 2009.

4. The postgraduate students that defend their dissertations before the Grassroots Assessment Council before December 31, 2011 shall comply with the training program in Article 14 of the Regulation on postgraduate training promulgated together with the Decision No. 18/2000/QD-BGD&DT dated June 08, 2000 of the Minister of Education and Training. From January 2012, before defending the dissertations before the Grassroots Assessment Council, postgraduate students must meet the requirements for foreign language skills and training programs according to Article 16, 17, 18, and 22 of this Regulation.

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

THE PLAN FOR OPENING A DOCTORAL DISCIPLINE
(to Circular No. 10/2009/TT-BGDDT dated May 07, 2009 of the Ministry of Education and Training)

The plan for opening a doctoral discipline includes:

I. INTRODUCTION:

1) Introduction of the training institution: the establishment date; the development; achievements in training and scientific research; the decision to provide master’s training and doctoral training in the assigned disciplines. The faculty or academic department in charge of the doctoral training in this discipline.

2) The reason for opening the doctoral discipline (demand of the major, the region, the postgraduate personnel of the institution and the major, etc.)

II. TRAINING TARGETS:

1) The professional knowledge and skills provided for learners; the capacity for scientific research after the training, and the position of the learner after graduation.

2) Subjects of enrolment (positions, jobs, qualifications, fields of study, work experience, etc.)

3) Conditions for application and admission.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

III. TRAINING CAPACITY AND ESTABLISHMENT OF DISSERTATION ASSESSMENT COUNCIL:

1) The tenured personnel of the faculty or the academic department of the training institution and the collaborators (form 1) enclosed with their academic profiles (form 2) and copies of their highest qualifications.

2) Equipment serving the training: laboratories, equipment (form 3), library (names of books and journals, quantity, publishers, date of publishing) (form 4), reading rooms, classrooms, academic rooms, and working rooms for postgraduate students, etc.

3) The scientific research projects relating to the discipline registered by the training institution (national, ministerial, etc.) Specific scientific research projects, date of conduction, date of assessment, and assessment records (form 5).

4) The research orientations, the research projects in progress, the capacity for admitting postgraduate students, and the number of postgraduate students could be admitted annually; full names of instructors of every research projects (form 6).

5) The summaries of published works of the academic personnel of the faculty or the academic department over the last 5 years (form 7).

6) The reports on the science conferences and conventions that have been held since doctoral training was first provided (form 8).

III. TRAINING PROGRAMS AND PLANS

1) The training institution shall make a list of the doctoral modules that are suitable for the research projects according to Articles 16, 17, and 18 of this Regulation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3) The training plan.

IV. ESTIMATE OF THE TRAINING COST (specify the proportion funded by the State budget and other sources such as scientific research, projects, etc.)

 

Form 1: Personnel of the training institution (tenured personnel and collaborators of the training institution shall be listed in separate tables)

No.

Full name, year of birth, current position

Academic rank, year of recognition or designation

Degree, school, year of graduation

Discipline

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Academic achievements (number of topics, articles)

 

 

 

 

 

 

 

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

 

 

 

 

Form 2:

ACADEMIC PROFILE

I. GENERAL INFORMATION

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Date of birth:                                                    Birthplace:

Hometown:                                                       Ethnic group:

Highest degree: Year of degree awarding: Academic rank (professor, associate professor, etc.)   Year of recognition or designation: Position (current or before retirement):

Employer (current or before retirement):                  Home address:

Phone number:  Workplace:                               Home:

Fax:                              Cell phone:

E-mail:

II. TRAINING PROCESS

1. University:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Training place:                                                   Year of graduation:                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                              

Second bachelor’s degree:                                  Major:

Training place:                                                   Year of graduation:

2. Postgraduate education:

- Master’s degree in:                            Awarding year:                        Training place:

- Doctorate degree in:

Training place:                                                   Awarding year:

- Name of the highest dissertation:

3. Foreign language:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Level:

III. WORK EXPERIENCE

Time

Employer

Tasks

 

 

 

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

IV. Research findings

1. Participated scientific research projects:

No.

Name of research project/field of study

Year of completion

Level of research (national, ministerial, institutional)

Tasks in the research

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

 

 

 

 

 

 

2. Published scientific works (scientific articles, science conventions reports, monographs, etc):                              (name, year of publishing, publishing media, etc.)

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66


Certification of the employer

[Location and date]

Declarant’s signature

(specify the academic rank and degree)

 

Form 3: Equipment for doctoral training

No.

Name, symbol, purposes of equipment or device

Country of origin, manufacturing date

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

 

 

 

 

 

 

Form 4: Library

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Name of book/journal (published over the last 5 years)

Country of origin

Year of publishing

Quantity

 

 

 

 

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

 

 

Form 5: Scientific research projects (relating to the registered discipline) done by the training institution (enclosed with a list and copies of decisions and finalization records)

No.

Name of research

Deciding agency, code

Number and date of decision, date of finalization

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

 

 

 

 

 

Form 6: Research orientations, fields of study or research topics that need recruiting postgraduate students in … [school year] and the number of admitted postgraduate students

No.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Full name, degree, academic rank of postgraduate students’ instructor

Number of admitted postgraduate students

 

 

 

 

 

 

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Form 7: Published works of academic personnel of the faculty or academic department over the last 5 years

No.

Name of work

Name of author

Publishing media

 

 

 

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

 

Form 8: Academic conferences and conventions that have been held since doctoral training was first provided

No.

Name of conferences

Number of delegates/foreign delegates

Number of reports

Time and location

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

 

 

 

 

 

 

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

APPENDIX II

REQUIREMENT FOR THE ESSAY ON THE RESEARCH INTENTION OF THE CANDIDATE AND THE CRITERIA FOR ASSESSING CANDIDATES
(to Circular No. 10/2009/TT-BGDDT dated May 07, 2009 of the Ministry of Education and Training)

I. REQUIREMENTS FOR THE ESSAY ON THE RESEARCH INTENTION OF THE CANDIDATE:

The essay on the intended research must reflect the intelligence, the strength and positive qualities of the writer, expressed in a plain and clear writing style, and provide an evident image of the candidate with new information (do not repeat the information found in the profile such as study records, etc.) The essay consists of 3 – 4 pages, including:

1. The reasons for choosing the topic or the field of study.

2. The intended target when applying for postgraduate student training.

3. The reason for choosing the training institution (where the candidate applies)

4. The intentions and plans for achieving targets.

5. Experience (of research, practice, other social and extracurricular activities); knowledge, understanding, and preparation of the candidate for the intended research, which reflect the difference of the candidate in the previous study and the gained experience.  The explanation for weaknesses (if any) in the profile such as unimpressive bachelor’s or master’s result, etc.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7. Suggested instructors (if any).

II. CRITERIA FOR ASSESSING CANDIDATES

Members of academic committee shall use interview questions to assess the personality, intelligence, the clarity of ideas of candidates as well as their goals after the doctoral training program is completed, the feasibility of their plans for achieving such goals, and necessary attributes of a postgraduate student, such as:

1. The seriousness of the purposes (following doctoral training programs).

2. Intelligence (for following doctoral training program).

3. Aspiration for knowledge (about the field of study into which the candidate wishes to research).

4. Creativity (expressing the way of thinking of the candidate when solving problems in his or her field of study).

5. Adaptability (ability to adopt new ideas, adapt to new people, and new conditions).

6. Maturity (showing that the candidate is responsible and reliable).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

8. Confidence (in resolving difficulties and challenges)

9. Work management (ability to do multiple works simultaneously).

10. Persistence (ability to pursue a work until it finishes; this is especially important for the programs that require doctoral dissertations).

11. Leadership (ability to inspire other people to work together and achieve common targets).

12. Teamwork skills.

13. Risk acceptability (ability to deal with risky situations to reach targets).

14. Optimism (ability to find positive aspects of seemingly negative situations).

15. Negotiation skills (ability to moderate opposite ideas or to debate with other people or with himself or herself).

16. Fortitude (ability to face and overcome serious problem in life)./.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

APPENDIX III

 COMMON EUROPEAN FRAMEWORK OF REFERENCE FOR LANGUAGES – CEF
(enclosed with the Circular No. 10/2009/TT-BGDDT dated May 07, 2009 of the Ministry of Education and Training)

This Common European Framework is the basis for elaborating programs, providing guidance, giving tests, compiling textbooks, etc. across Europe.

Proficient User

C2

Can understand with ease virtually everything heard or read. Can summaries information from different spoken and written sources, reconstructing information in a coherent presentation.

 Can express him/herself spontaneously, very fluently and precisely, differentiating finer shades of meaning even in the most complex situations.

C1

Can understand a wide range of demanding, longer texts, and recognize implicit meaning. Can express ideas fluently and spontaneously without much obvious searching for expressions. Can use language flexibly and effectively for social, academic and professional purposes. Can produce clear, well-structured, detailed text on complex subjects, showing controlled use of organizational patterns, connectors and cohesive devices.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

B2

Can understand the main ideas of complex text on both concrete and abstract topics, including technical discussions in his/her field of specialization Can interact with a degree of fluency and spontaneity that makes regular interaction with native speakers quite possible without strain for either. Can produce clear, detailed text on a wide range of subjects and explain a viewpoint on a topical issue giving the advantages and disadvantages of various options.

B1

Can understand the main points of clear standard input on familiar matters regularly encountered in work, school, leisure, etc. Can deal with most situations likely to arise while traveling in an area where the language is spoken. Can produce simple connected text on topics that are familiar or of personal interest. Can describe experiences and events, dreams, hopes and ambitions and briefly give reasons and explanations for opinions and plans.

Basic User

 

A2

Can understand sentences and frequently used expressions related to areas of most immediate relevance (e.g. very basic personal and family information, shopping, local geography, employment). Can communicate in simple and routine tasks requiring a simple and direct exchange of information on familiar and routine matters. Can describe in simple terms aspects of his/her background, immediate environment and matters in areas of immediate need.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Can understand and use familiar everyday expressions and very basic phrases aimed at the satisfaction of needs of a concrete type. Can introduce himself/herself and others and can ask and answer questions about personal details such as where he/she lives, people he/she knows and things he/she has. Can interact in a simple way provided the other person talks slowly and clearly and is prepared to help.

Source: Common European Framework of Reference for Languages: Learning, Teaching, Council of Europe - Strasbourg, 2001.

 

APPENDIX IV

REPORT ON ENROLMENT RESULT
(To the Circular No. 10/2009/TT-BGDDT dated May 07, 2009 of the Ministry of Education and Training)

NAME OF THE TRAINING INSTITUTION

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
--------------

 

[Location and date]

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

To: The Ministry of Education and Training

POSTGRADUATE STUDENT ENROLMENT REPORT IN …

Report contents:

- Information about applications (quantity, disciplines, jobs, application quality, etc.)

- The organization of recruitment (the establishment of academic committees, their activities, their quality and efficiency during the recruitment, etc.)

- Overall assessment of the postgraduate student enrolment in the year (target achievement, quality of admitted postgraduate students, etc), suggestions and recommendations (if any). Attachments:

- Decisions to admit postgraduate students.

- The report on postgraduate student recruitment according to the table below:

SUMMARY OF POSTGRADUATE STUDENT SELECTION IN …

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Full name of candidate

Date of birth Gender

Occupation. Employer.

Bachelor’s degree in

Master’s degree

Work experience (years)

Assessment result

Selection result (admitted or rejected)

Code and name of major

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

NOTES

Discipline

Training regime

Year of graduation – Graduation rank

Discipline

Average marks of subjects

Research outline

Letter of introduction

Foreign language (language, qualification, mark)

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

 

 

 

 

 

 

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

 

 

 

 

 

 

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

 

 

 

 

 

 

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

Director of the training institution
[Signature and seal]

 

APPENDIX V

REPORT ON ANNUAL POSTGRADUATE STUDENT TRAINING
(to the Circular No. 10/2009/TT-BGDDT dated May 07, 2009 of the Ministry of Education and Training)

NAME OF THE TRAINING INSTITUTION

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
--------------

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

To: The Ministry of Education and Training

REPORT ON POSTGRADUATE STUDENT TRAINING IN …

I. Number of current postgraduate students:

Course

(first year of training)

Number and date of decision to admit postgraduate student

Number of present postgraduate students

Number of postgraduate students that graduate in the next year

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Total

3-year

4-year

5-year

Total

3-year

4-year

5-year

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

 

 

 

 

 

 

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(The report and table are made in accordance with current regulations of the Ministry of Education and Training on setting enrolment targets)

III. Report on new research orientations and instructors serving the new enrolment plan:

No.

Discipline

Research orientations and fields that need recruiting postgraduate students

Full name, degree, academic rank of instructor

Number of admitted postgraduate students

 

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

 

 

Director of the training institution
(Signature and seal)

 

APPENDIX VI

LIST OF POSTGRADUATE STUDENTS THAT DO DISSERTATION DEFENSE IN TWO MONTHS
(to the Circular No. 10/2009/TT-BGDDT dated May 07, 2009 of the Ministry of Education and Training)

LIST OF POSTGRADUATE STUDENTS THAT DO DISSERTATION DEFENSE IN TWO MONTHS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

No.

Full name of postgraduate student

Number and date of decision to admit postgraduate student

Dissertation topic

Discipline

Code

Date of defense

Defense result

Notes

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

 

 

 

 

 

 

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

 

 

 

 

 

 

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

 

 

 

Director of the training institution
(Signature and seal)

 

APPENDIX VII

LIST OF AWARDED POSTGRADUATE STUDENTS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(to the Circular No. 10/2009/TT-BGDDT dated May 07, 2009 of the Ministry of Education and Training)

NAME OF THE TRAINING INSTITUTION

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
--------------

 

[Location and date]

 

To: The Ministry of Education and Training

LIST OF AWARDED POSTGRADUATE STUDENTS

Date:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Full name of postgraduate student

Number and date of decision to admit postgraduate student

Dissertation topic

Discipline

Code

Defense date - Defense result

Number and date of decision on degree recognition and award of doctorate degree

Degree number

Notes

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

 

 

 

 

 

 

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

 

 

 

 

 

 

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

 

 

 

Director of the training institution
(Signature and seal)

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 10/2009/TT-BGDĐT ngày 07/05/2009 ban hành quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


29.019

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.39.176
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!