BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số:
06/2010/TT-BGDĐT
|
Hà
Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2010
|
THÔNG TƯ
BAN HÀNH QUY CHẾ CÔNG NHẬN TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ, TRƯỜNG TRUNG HỌC
PHỔ THÔNG VÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG CÓ NHIỀU CẤP HỌC ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số
178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Quyết định:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế công nhận trường
trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học
đạt chuẩn quốc gia.
Điều 2.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 12 tháng 4 năm 2010.
Thông tư này thay thế Quyết định
số 27/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 05/7/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
ban hành Quy chế công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia (giai đoạn từ
năm 2001 đến năm 2010) và Quyết định số 08/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 14/3/2005 của
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy
chế công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia (giai đoạn từ năm 2001 đến
năm 2010) ban hành kèm theo Quyết định số 27/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 05/7/2001
của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 3.
Chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương, Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Thủ trưởng các đơn vị
có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc sở giáo dục và đào tạo chịu
trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- UBVHGD-TNTNNĐ của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Như Điều 3;
- Công báo;
- Lưu VT, Vụ PC, Vụ GDTrH.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Vinh Hiển
|
QUY CHẾ
CÔNG NHẬN TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ, TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
VÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG CÓ NHIỀU CẤP HỌC ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA
(Ban hành kèm theo Thông tư số 06 /2010/QĐ-BGDĐT ngày 26 tháng 02 năm 2010 của
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
1. Quy chế này quy định tiêu chuẩn,
việc tổ chức xét và công nhận trường trung học cơ sở, trường trung học phổ
thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (sau đây gọi chung là trường trung học)
đạt chuẩn quốc gia, bao gồm: những quy định chung; tiêu chuẩn trường trung học
đạt chuẩn quốc gia; hồ sơ, quy trình tổ chức công nhận trường đạt chuẩn quốc
gia; tổ chức thực hiện.
2. Quy chế này áp dụng cho các
trường trung học đạt chuẩn quốc gia.
Điều 2.
Nguyên tắc và thẩm quyền công nhận
1. Căn cứ vào tiêu chuẩn quy định,
các trường trung học đạt danh hiệu tiên tiến năm liền kề với năm đề nghị công
nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia được quyền tự đánh giá và đề nghị cấp
có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn quốc gia.
2. Chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Chủ tịch UBND tỉnh) quyết
định công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia.
Điều 3. Thời
hạn công nhận
1. Thời hạn công nhận trường
trung học đạt chuẩn quốc gia là 5 năm kể từ ngày ký quyết định công nhận.
2. Trong thời hạn 5 năm, việc kiểm
tra định kỳ và kiểm tra công nhận lại thực hiện theo quy định tại Điều 12 và 13
của Quy chế này.
Chương II
TIÊU CHUẨN TRƯỜNG TRUNG
HỌC ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA
Điều 4. Tiêu
chuẩn 1 - Tổ chức nhà trường
1. Lớp học:
a) Có đủ các khối lớp của cấp học.
b) Có nhiều nhất là 45 lớp.
c) Mỗi lớp có không quá 45 học
sinh.
2. Tổ chuyên môn:
a) Các tổ bộ môn được thành lập
và hoạt động theo đúng các quy định của Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung
học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (sau đây gọi chung là Điều lệ
trường trung học).
b) Hàng năm giải quyết được ít
nhất hai chuyên đề chuyên môn có tác dụng nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy -
học.
c) Có kế hoạch bồi dưỡng nâng
cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mỗi giáo viên và của cả tổ chuyên môn; đạt
các quy định về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.
3. Tổ văn phòng:
a) Đảm nhận các công việc: văn
thư, kế toán, thủ quỹ, y tế trường học được thành lập và hoạt động đúng theo
các quy định của Điều lệ trường trung học.
b) Quản lý hệ thống hồ sơ, sổ
sách của nhà trường. Hướng dẫn sử dụng theo quy định tại Điều lệ trường trung học
và những quy định trong hướng dẫn sử dụng của từng loại sổ.
4. Hội đồng trường và các hội đồng
khác trong nhà trường :
Hội đồng trường và các hội đồng
khác trong nhà trường được thành lập và thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo đúng
Điều lệ trường trung học và các quy định hiện hành; hoạt động có kế hoạch, nền
nếp, đạt hiệu quả thiết thực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng nền
nếp kỷ cương của nhà trường.
5. Tổ chức Đảng và các đoàn thể:
a) Tổ chức Đảng trong nhà trường
phải đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh. Những trường chưa có tổ chức Đảng phải
có kế hoạch và đạt chỉ tiêu cụ thể về phát triển đảng viên trong từng năm học
và xây dựng tổ chức cơ sở Đảng.
b) Các đoàn thể, tổ chức xã hội
trong nhà trường được công nhận vững mạnh về tổ chức, tiên tiến trong hoạt động
ở địa phương.
Điều 6. Tiêu
chuẩn 2 - Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên
1. Hiệu trưởng và các phó Hiệu
trưởng đạt tiêu chuẩn quy định theo Điều lệ trường trung học; thực hiện tốt quy
chế dân chủ trong hoạt động của nhà trường; được cấp quản lý giáo dục trực tiếp
xếp loại từ khá trở lên theo quy định về chuẩn hiệu trưởng trường trung học.
2. Có đủ giáo viên các bộ môn đạt
trình độ chuẩn đào tạo theo quy định, trong đó ít nhất có 30% giáo viên đạt
tiêu chuẩn dạy giỏi từ cấp cơ sở trở lên; có 100% giáo viên đạt chuẩn loại khá
trở lên theo quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học.
3. Có đủ giáo viên hoặc viên chức
phụ trách thư viện, phòng học bộ môn, phòng thiết bị dạy học được đào tạo hoặc
bồi dưỡng về nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Điều 7. Tiêu
chuẩn 3 - Chất lượng giáo dục
Một năm trước khi được công nhận
và trong thời hạn được công nhận đạt chuẩn quốc gia, tối thiểu phải đạt các chỉ
tiêu sau :
1. Tỷ lệ học sinh bỏ học và lưu
ban hàng năm không quá 6%, trong đó tỷ lệ học sinh bỏ học không quá 1%.
2. Chất lượng giáo dục:
a) Học lực:
- Xếp loại giỏi đạt từ 3% trở
lên
- Xếp loại khá đạt từ 35% trở
lên
- Xếp loại yếu, kém không quá 5%
b) Hạnh kiểm:
- Xếp loại khá, tốt đạt từ 80%
trở lên
- Xếp loại yếu không quá 2%
3. Các hoạt động giáo dục:
Được đánh giá xếp loại tốt về
tiêu chuẩn ‘’Trường học thân thiện, học sinh tích cực’’ trong năm học liền trước
khi công nhận. Thực hiện đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thời gian
tổ chức, nội dung các hoạt động giáo dục ở trong và ngoài giờ lên lớp.
4. Hoàn thành nhiệm vụ được giao
trong kế hoạch phổ cập giáo dục trung học của địa phương.
5. Đảm bảo các điều kiện cho cán
bộ quản lý, giáo viên và học sinh sử dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong
công tác quản lý nhà trường, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Tất
cả cán bộ quản lý, giáo viên đều sử dụng được máy vi tính trong công tác, học tập.
Điều 8. Tiêu
chuẩn 4 - Cơ sở vật chất và thiết bị
1. Khuôn viên nhà trường là một
khu riêng biệt, có tường rào, cổng trường, biển trường, tất cả các khu trong
nhà trường được bố trí hợp lý, luôn sạch, đẹp. Đủ diện tích sử dụng để đảm bảo
tổ chức tốt các hoạt động quản lý, dạy học và sinh hoạt.
a) Đối với trường trung học được
thành lập trước năm 2002 phải đảm bảo :
- Các trường nội thành, nội thị
và các vùng khó có diện tích sử dụng ít nhất từ 6m2/học sinh trở lên.
- Các trường khu vực nông thôn
có diện tích sử dụng ít nhất từ 10m2/học sinh trở lên.
b) Đối với trường trung học được
thành lập từ sau năm 2001 phải đảm bảo có diện tích mặt bằng theo đúng quy định
tại Điều lệ trường trung học.
2. Có đầy đủ cơ sở vật chất theo
quy định tại Điều lệ trường trung học.
Cơ cấu các khối công trình trong
trường gồm:
a) Khu phòng học, phòng bộ môn:
- Có đủ số phòng học cho mỗi lớp
học (không quá 2 ca mỗi ngày); diện tích phòng học, bàn ghế học sinh, bàn ghế
giáo viên, bảng đúng quy cách hiện hành; phòng học thoáng mát, đủ ánh sáng, an
toàn.
- Có phòng y tế trường học đảm bảo
theo quy định hiện hành về hoạt động y tế trong các trường tiểu học, trường
trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
- Có các phòng học bộ môn đảm bảo
Quy định về phòng học bộ môn tại Quyết định số 37/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16/7/2008
của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
b) Khu phục vụ học tập:
- Có thư viện đúng theo tiêu chuẩn
quy định về tổ chức và hoạt động của thư viện trường học; chú trọng phát triển
nguồn tư liệu điện tử gồm: Tài liệu, sách giáo khoa, giáo án, câu hỏi, bài tập,
đề kiểm tra, đề thi; cập nhật thông tin về giáo dục trong và ngoài nước;... đáp
ứng yêu cầu tham khảo của giáo viên và học sinh
- Có phòng truyền thống, khu luyện
tập thể dục thể thao, phòng làm việc của Công đoàn, phòng hoạt động của Đoàn
Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.
c) Khu văn phòng:
Có đủ phòng làm việc của Hiệu trưởng,
phòng làm việc của từng Phó Hiệu trưởng, văn phòng nhà trường, phòng họp từng tổ
bộ môn, phòng thường trực, kho.
d) Khu sân chơi sạch, đảm bảo vệ
sinh và có cây bóng mát.
e) Khu vệ sinh được bố trí hợp
lý, riêng cho giáo viên, học sinh nam, học sinh nữ, không làm ô nhiễm môi trường
ở trong và ngoài nhà trường.
g) Có khu để xe cho giáo viên,
cho từng lớp trong khuôn viên nhà trường, đảm bảo trật tự, an toàn.
h) Có đủ nước sạch cho các hoạt
động dạy - học, các hoạt động giáo dục và nước sử dụng cho giáo viên, học sinh;
có hệ thống thoát nước hợp vệ sinh.
3. Có hệ thống công nghệ
thông tin kết nối internet đáp ứng yêu cầu quản lý và dạy học; có Website thông
tin trên mạng internet hoạt động thường xuyên, hỗ trợ có hiệu quả cho công tác
dạy học và quản lý nhà trường.
Điều 9. Tiêu
chuẩn 5 - Công tác xã hội hoá giáo dục
1. Nhà trường chủ động phối hợp
với các cơ quan quản lý nhà nước, các đoàn thể, tổ chức ở địa phương đề xuất những
biện pháp cụ thể nhằm thực hiện chủ trương và kế hoạch phát triển giáo dục địa
phương.
2. Ban đại diện cha mẹ học sinh
được thành lập và hoạt động theo đúng quy chế hiện hành, hoạt động có hiệu quả
trong việc kết hợp với nhà trường và xã hội để giáo dục học sinh.
3. Mối quan hệ và thông tin giữa
Nhà trường, Gia đình và Xã hội được duy trì thường xuyên, kịp thời, chặt chẽ, tạo
nên môi trường giáo dục lành mạnh, phòng ngừa, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực
vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội xâm nhập vào nhà trường.
4. Huy động hợp lý và có hiệu quả
sự tham gia của gia đình và cộng đồng vào các hoạt động giáo dục, tăng cường cơ
sở vật chất, thiết bị và điều kiện nâng cao hiệu quả giáo dục của nhà trường.
5. Thực hiện đúng các quy định về
công khai điều kiện dạy học, chất lượng giáo dục, các nguồn kinh phí được đầu tư,
hỗ trợ của nhà trường theo đúng quy định hiện hành.
Chương III
HỒ SƠ, QUY TRÌNH TỔ CHỨC
CÔNG NHẬN TRƯỜNG ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA
Điều 10. Hồ
sơ
Hồ sơ công nhận trường trung học
đạt chuẩn quốc gia gồm:
1. Văn bản của nhà trường đề nghị
được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
2. Báo cáo thực hiện các tiêu
chuẩn quy định trong Chương II của quy chế này, kèm theo sơ đồ cơ cấu các khối
công trình của nhà trường.
3. Biên bản tự kiểm tra của trường
và biên bản kiểm tra của đoàn kiểm tra cấp tỉnh.
Điều 11.
Đoàn kiểm tra
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ra
quyết định thành lập đoàn kiểm tra công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc
gia.
1. Thành phần: Có tối thiểu 09 ủy
viên, gồm :
- Đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục
và Đào tạo làm trưởng đoàn.
- Đại diện Ban thường vụ Công
đoàn ngành giáo dục đào tạo.
- Mời đại diện một số cơ quan có
liên quan gồm: Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch.
- Hiệu trưởng một số trường
trung học phổ thông, trung học cơ sở khác.
- Trưởng phòng Giáo dục trung học
làm thư ký.
2. Nhiệm vụ :
- Nội dung kiểm tra và đánh giá
kết quả thực hiện xây dựng trường căn cứ vào các tiêu chuẩn quy định trong Quy
chế công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia.
- Kiểm tra toàn bộ hồ sơ, các loại
sổ quản lý của nhà trường theo quy định.
- Lập biên bản về kết quả kiểm
tra.
Điều 12.
Quy trình tổ chức công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia
1. Nhà trường tự kiểm tra, đánh
giá theo các tiêu chuẩn được quy định tại Chương II của quy chế này.
a) Đối với trường trung học cơ sở :
sau khi tự kiểm tra, xét thấy đủ điều kiện đạt chuẩn, nhà trường báo cáo, Phòng
Giáo dục và Đào tạo xem xét, xác nhận, xin ý kiến chuẩn y của Uỷ ban nhân dân cấp
huyện và nộp hồ sơ về Sở Giáo dục và Đào tạo.
b) Đối với trường trung học phổ
thông : sau khi tự kiểm tra, xét thấy đủ điều kiện đạt chuẩn, nhà trường
báo cáo và nộp hồ sơ về Sở Giáo dục và Đào tạo.
c) Đối với trường phổ thông có
nhiều cấp học : thực hiện quy trình đối với từng loại hình trường được quy
định tại mục a và b Điều này. Nhà trường báo cáo và nộp hồ sơ về Sở Giáo dục và
Đào tạo.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp
nhận hồ sơ trường trung học và đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh thành lập đoàn kiểm
tra công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
3. Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm
tra, đánh giá theo các tiêu chuẩn quy định tại Chương II của Quy chế này và kết
quả tự kiểm tra của nhà trường. Nếu thấy đủ điều kiện đạt chuẩn, Trưởng đoàn kiểm
tra báo cáo Chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh.
4. Chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh
ra quyết định công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia. Trong trường hợp cần
thiết, Chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ tổ chức thẩm tra báo cáo của đoàn kiểm
tra để quyết định công nhận hay không công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc
gia.
Điều 13. Việc
kiểm tra định kỳ và kiểm tra công nhận lại trường trung học đạt chuẩn quốc gia
sau thời hạn 5 năm
1. Trong quá trình theo dõi việc
duy trì, giữ vững và phát huy các kết quả đã đạt được sau khi được công nhận
trường đạt chuẩn quốc gia, phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với trường trung học
cơ sở), Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với trường trung học phổ thông) thực hiện
việc kiểm tra định kỳ (1 lần/2,5 năm) đối với các trường trung học đã được công
nhận đạt chuẩn quốc gia. Nếu xét thấy trường trung học đã được công nhận đạt
chuẩn nhưng không giữ vững và phát huy được kết quả thì tham mưu với cấp có thẩm
quyền đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi quyết định và Bằng công nhận
đạt chuẩn quốc gia.
2. Hết thời hạn 5 năm kể từ khi
quyết định và trao Bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia, các trường trung học làm
các thủ tục đề nghị các cấp quản lý kiểm tra công nhận lại trường trung học đạt
chuẩn quốc gia cho nhà trường.
Quy trình kiểm tra công nhận thực
hiện theo Điều 12 của quy chế này.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIÊN
Điều 14.
Trách nhiệm của nhà trường
1. Tham mưu với cấp ủy, chính
quyền địa phương, lập kế hoạch phấn đấu xây dựng và phát triển nhà trường để đạt
các tiêu chuẩn trường trung học đạt chuẩn quốc gia.
2. Tổ chức tự đánh giá và đề nghị
cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn quốc gia nếu xét thấy đảm bảo các tiêu
chuẩn theo quy chế này.
3. Duy trì, giữ vững và phát huy
các kết quả đã đạt được sau khi được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Điều 15.
Trách nhiệm của phòng Giáo dục và Đào tạo
1. Tham mưu với Ủy ban nhân dân
cấp huyện trong việc lập kế hoạch xây dựng, đầu tư cho các trường trung học
trên địa bàn để đạt chuẩn quốc gia.
2. Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm
tra các trường trung học cơ sở trong việc phấn đấu đạt chuẩn quốc gia và duy
trì các tiêu chuẩn đã đạt được.
3. Hướng dẫn làm hồ sơ, tiếp nhận,
xem xét, báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp huyện và chuyển hồ sơ đề nghị trường trung
học cơ sở đạt chuẩn quốc gia lên Sở Giáo dục và Đào tạo để đề nghị Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh thành lập đoàn kiểm tra công nhận.
4. Tham mưu với Ủy ban nhân dân
cấp huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo về việc đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
thu hồi quyết định và Bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với những trường đã
được công nhận đạt chuẩn nhưng không giữ vững và phát huy được kết quả.
5. Hàng năm tiến hành tổng kết,
đánh giá phong trào xây dựng trường chuẩn quốc gia ở huyện.
Điều 16.
Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo
1. Tham mưu với Ủy ban nhân dân
tỉnh trong việc lập kế hoạch, quy hoạch việc xây dựng trường trung học đạt chuẩn
quốc gia.
2. Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm
tra các trường trung học phổ thông, các phòng Giáo dục và Đào tạo trong việc
xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và duy trì kết quả xây dựng trường đạt chuẩn
quốc gia.
3. Tiếp nhận, xem xét và chuyển
hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn quốc gia của các trường trung học phổ thông,
của phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện lên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
4. Tham mưu với Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh thu hồi quyết định và Bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với
những trường đã được công nhận đạt chuẩn nhưng không giữ vững và phát huy được
kết quả.
5. Tổ chức sơ kết, tổng kết hàng
năm về công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia của địa phương và báo cáo kết quả
xây dựng trường trung học đạt chuẩn quốc gia trong từng năm học lên Ủy ban nhân
dân tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 17.
Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo
1. Xây dựng hệ thống văn bản hướng
dẫn về công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Ban hành mẫu bằng công nhận trường
trung học đạt chuẩn quốc gia.
2. Chỉ đạo, kiểm tra các tỉnh,
thành phố trong việc xây dựng, đánh giá và công nhận trường trung học đạt chuẩn
quốc gia.
3. Tổng kết, đánh giá công tác
xây dựng trường trung học chuẩn quốc gia trên phạm vi toàn quốc.