ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 877/QĐ-UBND
|
Đắk
Lắk, ngày 19 tháng 4 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH ĐỀ ÁN SẮP XẾP, TỔ CHỨC LẠI MẠNG LƯỚI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM
NON, PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK GIAI ĐOẠN 2018-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN
NĂM 2030
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày
04/11/2013 Hội nghị lần thứ XIII Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới
căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại
hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập
quốc tế;
Căn cứ Quyết định số 286/QĐ-TTg
ngày 04/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch
tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến
năm 2030;
Căn cứ Chương trình số 26-CTr/TU
ngày 21/02/2018 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017
của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản
lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Quyết định số 756/QĐ-UBND ngày 12/4/2018 của UBND tỉnh về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số
08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ và Chương trình số 26-CTr/TU của Tỉnh ủy; Quyết định số 550/QĐ-UBND ngày 13/3/2019 của UBND tỉnh về
việc điều chỉnh một số nội dung quy định tại Quyết định số 756/QĐ-UBND ngày
12/4/2018;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở
Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 42/TTr-SGDĐT ngày
02/4/2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này Đề án sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ
thông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030.
Điều 2. Các cơ quan, đơn vị, địa
phương liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm được giao triển khai tổ
chức thực hiện Đề án đảm bảo mục tiêu, tiến độ đề ra.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh;
thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và
các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ
ngày ký./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT (b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Ủy ban MTTQ VN tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
- Ban VHXH - HĐND tỉnh;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Phòng KGVX;
- Lưu: VT, TH (Ph 65b).
|
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
H’Yim Kđoh
|
ĐỀ ÁN
SẮP XẾP, TỔ CHỨC LẠI MẠNG LƯỚI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON, PHỔ THÔNG
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK GIAI ĐOẠN 2018-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 877/QĐ-UBND ngày 43/4/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk)
Phần I
SỰ CẦN THIẾT VÀ
CƠ SỞ PHÁP LÝ CỦA VIỆC XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. Sự cần thiết của
việc xây dựng Đề án
Tỉnh Đắk Lắk nằm ở vị trí trung tâm của
vùng Tây Nguyên. Phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp tỉnh Khánh Hòa,
phía Tây giáp Campuchia với chiều dài biên giới khoảng 73 km, phía Nam giáp tỉnh
Đắk Nông. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh 13.125,5 km2. Tổ chức hành
chính gồm có 01 thành phố, 01 thị xã và 13 huyện, bao gồm: Thành phố Buôn Ma
Thuột, thị xã Buôn Hồ và các huyện Ea H’leo, Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Búk, Ea Kar, M’Drắk, Krông Bông,
Krông Pắc, Krông Ana, Lắk, Krông Năng
và Cư Kuin với 184 xã, phường, thị trấn. Đắk Lắk là đầu mối giao lưu rất quan trọng nối liền các trung tâm kinh tế của cả nước như thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ
Chí Minh. Đây là động lực lớn, thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh
cũng như toàn vùng Tây Nguyên phát hiện.
Theo số liệu điều tra dân số năm
2017, dân số tỉnh Đắk Lắk là 1.834.800 người, bình quân 139,68 người/1km2. Trong đó, dân số đô thị chiếm 24,25%, còn lại chủ yếu
là dân số nông thôn chiếm 75,75%. Cộng đồng dân cư Đắk Lắk gồm 47 dân tộc.
Trong đó, dân tộc Kinh chiếm trên 70%; các dân tộc thiểu số như E Đê, M'nông, Thái, Tày, Nùng,... chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh.
Trong những năm
qua giáo dục và đào tạo tỉnh Đắk Lắk
đã đạt được những thành tựu nổi bật như sau:
- Mạng lưới trường lớp học, quy mô
giáo dục và đào tạo đã được phê duyệt theo quy hoạch qua
quá trình triển khai thực hiện cơ bản phù hợp với tình
hình kinh tế, xã hội của tỉnh và quy hoạch dân cư, đáp ứng
cơ bản nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân.
- Các thôn, buôn được ưu tiên đầu tư
xây dựng điểm trường tiểu học, mầm non tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đi học, góp phần giảm tình trạng học sinh
bỏ học, giũ vững chất lượng phổ cập... 14/15 huyện có Trung tâm giáo dục thường
xuyên - hướng nghiệp dạy nghề, 99,46% xã, phường có Trung tâm học tập cộng đồng.
- Mạng lưới các trường trung học phổ
thông được xây dựng đến cụm xã, mỗi huyện đều có ít nhất
02 trường trung học phổ thông.
- Cơ sở vật chất trường, lớp được đầu
tư xây dựng theo hướng đồng bộ, các phòng được xây dựng kiên cố ngày càng tăng.
- 15/15 đơn vị cấp huyện có trường phổ
thông dân tộc nội trú cấp trung học cơ sở và được đầu tư đồng bộ.
- Phòng bộ môn, thí nghiệm ở các cơ sở
giáo dục được quan tâm chú trọng đầu tư.
Bên cạnh những mặt đạt được, mạng lưới
cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông thời gian qua vẫn còn những hạn chế bất cập
như sau: Định hướng chung về quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020 định
hướng đến 2025 qua quá trình triển khai thực hiện đã xuất hiện những bất cập nhất
định, vị trí của các cơ sở giáo dục và đào tạo tại một số xã, huyện chưa đáp ứng
được nhu cầu học tập của người dân và khoảng cách quy định
của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường mầm non, tiểu học có nhiều điểm lẻ (05 điểm
trường trở lên) vẫn còn nhiều đã ảnh hưởng đến việc đầu tư
cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học cũng như việc bố trí đội ngũ
lãnh đạo quản lý, giáo viên và nhân viên. Một số trường có quy mô lớp và học
sinh nhỏ, tỉ lệ học sinh trên lớp thấp, hiện tượng thừa
thiếu giáo viên cục bộ và thừa thiếu đội ngũ lãnh đạo quản lý đã dẫn đến những
khó khăn nhất định trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo cũng như công tác quản lý chung của ngành giáo dục và
đào tạo.
Việc xây dựng và triển khai thực hiện
Đề án sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới
các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030
(sau đây gọi là Đề án) năm trong lộ trình tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ lãnh đạo, công chức, viên
chức theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Ban chấp hành
Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ lãnh đạo, công chức,
viên chức; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban
chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao
chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số
108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; Kế hoạch số 4345/KH-UBND ngày
22/6/2015 của UBND tỉnh triển khai thực hiện chính sách
tinh giản biên chế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2021.
Việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án nhằm sắp xếp, tổ chức lại
mạng lưới các trường mầm non, trường phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo
dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, THCS, THPT) phù hợp với
nhu cầu thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể. Rà
soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học, số lớp, số
học sinh một cách hợp lý; thu gọn lại các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và điều kiện thực tế của mỗi địa
phương, mỗi vùng.
Việc xây dựng và triển khai thực hiện
Đề án nhằm tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý,
nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở
giáo dục và đào tạo; đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của học sinh, phụ
huynh, phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường lớp; đáp ứng được yêu cầu phát
triển kinh tế xã hội đảm bảo an ninh
quốc phòng tỉnh Đắk Lắk.
Việc xây dựng và triển khai thực hiện
Đề án cũng đồng thời giúp tinh giản bộ máy biên chế, cơ cấu lại đội ngũ lãnh đạo, công chức, viên chức, góp phần đổi mới công tác
cải cách hành chính. Đặc biệt, việc sáp nhập một số đơn vị
trường học sẽ nâng chất lượng giáo dục toàn diện và đảm bảo sự bình đẳng, công
bằng cho học sinh các xã, thị trấn
trên địa bàn trong việc thụ hưởng chương trình giáo dục,
cơ sở vật chất và thiết bị dạy học.
II. Cơ sở pháp lý
- Luật Giáo dục năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009;
- Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về
đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp
hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;
- Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày
10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về
tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ
lãnh đạo, công chức, viên chức;
- Quyết định số 286/QĐ-TTg ngày
04/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk
Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
- Quyết định số 286/QĐ-TTg ngày
03/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê
duyệt đề án phát triển giáo dục mầm
non giai đoạn 2018 - 2025;
- Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày
30/12/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ trường Tiểu học.
- Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày
28/3/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở,
trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học;
- Thông tư liên tịch số
06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội
vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập;
- Thông tư liên tịch số
01/2015/TTLT-BNV-BTC ngày 14/4/2015 của Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính về việc hướng
dẫn một số Điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về
chính sách tinh giản biên chế;
- Thông tư liên tịch số
11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 29/5/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ hướng
dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giáo dục và Đào tạo
thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng
Giáo dục và Đào tạo thuộc UBND huyện thị xã, thành phố;
- Văn bản hợp nhất số 04/VBHN-BGDĐT
ngày 24/12/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quyết định ban hành Điều lệ trường
mầm non;
- Thông tư số 01/2016/TT-BGDĐT ngày 15/01/2016
của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ
thông dân tộc nội trú;
- Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày
12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn danh mục khung vị trí việc
làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở
giáo dục phổ thông công lập;
- Công văn số 3712/BGDĐT-CSVC ngày 24/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn rà
soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ
thông;
- Nghị quyết số 94/NQ-HĐND
ngày 19/7/2013 của HĐND tỉnh về quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Đắk
Lắk giai đoạn 2011- 2020 định hướng đến năm 2025;
- Chương trình số 26-CTr/TU ngày
21/02/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban
chấp hành Trung ương Đảng về Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng
cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;
- Quyết định số 756/QĐ-UBND ngày
12/4/2018 của UBND tỉnh về Ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP
ngày 24/01/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực
hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và Chương trình số 26-CTr/TU
ngày 21/02/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW; Quyết định số 550/QĐ-UBND ngày 13/3/2019 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh một số nội
dung quy định tại Quyết định số
756/QĐ-UBND ngày 12/4/2018.
Phần II
THỰC TRẠNG MẠNG
LƯỚI TRƯỜNG, LỚP, HỌC SINH, ĐỘI NGŨ NHÂN SỰ, CƠ SỞ VẬT CHẤT TRƯỜNG HỌC VÀ CHẤT
LƯỢNG GIÁO DỤC NĂM 2018
I. Thực trạng mạng
lưới trường, lớp, học sinh, đội ngũ nhân sự, cơ sở vật chất từ bậc mầm non đến
phổ thông năm 2015 và năm 2018
1. Mạng lưới
trường, lớp, học sinh:
Năm 2015, toàn ngành có 949 trường,
1.235 điểm trường, 15.439 lớp, 434.361 học sinh từ mầm non đến THPT công lập
(trong đó học sinh dân tộc thiểu số: 154.830 học sinh).
Năm 2018, toàn
ngành có 965 trường, 1.470 điểm trường, 15.00 lớp, 434.821
học sinh từ mầm non đến THPT công lập (trong đó học sinh dân tộc thiểu số:
156.621 học sinh).
(Chi
tiết tại Phụ lục số 01)
2. Về đội ngũ
lãnh đạo quản lý, giáo viên và nhân viên:
Năm 2015, toàn ngành có 35.229 lãnh đạo
quản lý, giáo viên và nhân viên, thuộc các trường công lập. Trong đó: lãnh đạo
quản lý: 2.317 người, giáo viên: 27.053 người, nhân viên: 5.859 người. Có
99,75% lãnh đạo quản lý và giáo viên có trình độ đạt chuẩn
trở lên (trong đó trên chuẩn đạt 61,3%), chưa đạt chuẩn là
0,25%.
Năm 2018, toàn ngành có 32.767 lãnh đạo
quản lý, giáo viên, nhân viên. Trong đó: lãnh đạo quản lý: 2.399 người, giáo
viên: 25.958 người, nhân viên: 4,410 người. Đối với lãnh đạo
quản lý và giáo viên 100% đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn đạt 64,1%.
3. Quy mô phòng
học, cơ sở vật chất:
Cơ bản các cơ sở giáo dục đảm bảo số
phòng học 02 ca/ngày, nâng dần số trường tiểu học được học 02 buổi/ngày, không
còn tình trạng phải học 03 ca/ngày. Việc đầu tư xây dựng trường, lớp học được
thực hiện theo hướng kiên cố hóa, đạt chuẩn Quốc gia, các huyện đã xây dựng kế
hoạch về quỹ đất cho phát triển giáo dục đào tạo đến năm 2020. Tổng số phòng học
hiện có là 16.793 phòng học (trong đó có 10.870 phòng học kiên cố, đạt tỉ lệ
64,73%). Trong đó:
- Phòng học bộ môn, phòng thiết bị:
1.138 phòng.
- Nhà công vụ cho giáo viên: 1.334
phòng (trong đó có 560 phòng được đầu tư từ Chương trình Kiên cố hóa).
- Phòng thư viện: 475 phòng.
- Phòng y tế học đường: 420 phòng.
- Phòng hiệu bộ: 1.613 phòng.
- Phòng đa chức năng: 118 phòng.
II. Những thành
tựu, kết quả nổi bật:
1. Về quy hoạch
mạng lưới trường, lớp, đầu tư cơ sở vật chất:
- Phát triển mạng lưới và quy mô giáo dục và đào tạo
theo quy hoạch được duyệt và cơ bản phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh
và quy hoạch dân cư, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân.
- Các thôn, buôn được ưu tiên đầu tư
xây dựng điểm trường tiểu học, mầm non tạo điều kiện cho học sinh đi học nhất
là trong mùa mưa, góp phần giảm tình trạng học sinh bỏ học, giữ vững chất lượng
phổ cập...
- Mạng lưới các trường trung học phổ
thông được xây dựng đến cụm xã, quy mô học sinh, tỷ lệ lớp/trường hợp lý (31 lớp/trường).
- Cơ sở vật chất trường, lớp được xây
dựng theo hướng đồng bộ, các phòng được xây dựng kiên cố tăng, đủ phòng học để
học 02 ca/ngày, trang thiết bị ngày càng đáp ứng tốt hơn cho dạy
học.
- 15/15 đơn vị cấp huyện có trường Phổ
thông dân tộc nội trú cấp THCS và được đầu tư đồng bộ.
- 100% trường THPT được xây dựng
phòng bộ môn, thí nghiệm, phòng máy vi tính phục vụ dạy môn tin học.
2. Chất lượng
giáo dục:
- Việc duy trì sĩ số, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường ở các cấp học tăng, tỷ lệ học sinh yếu, kém giảm.
- Chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ
đã có chuyển biến tích cực.
- Chất lượng giáo dục phổ thông được giữ vững đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.
- Học sinh thi đậu vào các trường đại
học, cao đẳng ở mức cao.
- Chất lượng giáo dục mũi nhọn tăng.
- Hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ
tuổi.
3. Về chất lượng
đội ngũ giáo viên:
Đội ngũ giáo viên cơ bản đủ về số lượng,
tương đối đồng bộ về cơ cấu, trình độ trên chuẩn tăng nhanh, không còn giáo
viên không đạt chuẩn.
III. Khó khăn,
thách thức:
1. Thiếu giáo viên ở một số trường thuộc vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, thiếu giáo viên
và nhân viên cấp dưỡng mầm non.
2. Việc thực hiện đổi mới chương
trình giáo dục phổ thông và đổi mới phương pháp dạy học,
tuy đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Nguyên nhân là do vẫn còn thiếu về cơ sở vật chất, thiếu phòng học bộ môn để
phát huy hiệu quả của các thiết bị dạy học.
3. Cơ sở vật chất trường lớp mặc dù
đã được sự quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn thiếu, chưa đủ phòng học để đáp ứng
nhu cầu học 02 buổi/ngày ở các cấp học: Tiểu học, THCS; tỷ lệ thư viện, phòng
vi tính, phòng học bộ môn đạt chuẩn ở các cấp học còn thấp.
4. Một số trường mầm non có nhiều
phân hiệu nên việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, công trình vệ sinh, nước sạch
và tổ chức cho trẻ ăn bán trú còn gặp nhiều khó khăn.
5. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc
gia ở các cấp học mầm non, THPT vẫn còn thấp, số lượng trường hàng năm tăng
nhanh tập trung ở cấp học mầm non đã
làm giảm tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Việc đáp ứng yêu cầu các trường phải có nhà vệ sinh và nguồn nước hợp vệ sinh gặp nhiều khó khăn vì nguồn kinh phí còn hạn chế, các phòng học chủ yếu là bán kiên cố, phòng tạm... Nhiều trường học vẫn
chưa có nhà vệ sinh đạt chuẩn, nguồn nước chưa đảm bảo hợp
vệ sinh, các trường chủ yếu sử dụng nguồn nước từ giếng đào, giếng khoan nên thường thiếu nước vào mùa khô.
6. Cơ sở vật chất, giáo viên cho địa
bàn có di dân ngoài kế hoạch, tập quán sinh hoạt của học
sinh dân tộc thiểu số, tiếng dân tộc cho giáo viên dạy mầm non 05 tuổi còn nhiều
bất cập.
7. Việc thực hiện hướng nghiệp, phân
luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT vào hệ thống các trường dạy nghề còn
chậm, học sinh hoàn thành THCS vào các trường trung cấp chuyên nghiệp chiếm tỷ
lệ còn thấp (8%).
Phần III
NỘI DUNG PHƯƠNG
ÁN SÁP NHẬP MỘT SỐ ĐƠN VỊ TRƯỜNG HỌC
I. Mục tiêu, phạm
vi, nguyên tắc thực hiện
1. Mục
tiêu:
Sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới các cơ
sở giáo dục mầm non, trường phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục,
hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (Tiểu học, THCS, THPT) phù hợp với
nhu cầu thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể. Rà soát, sắp xếp, điều chỉnh
lại quy mô lớp học, số lớp, số học sinh một cách hợp lý; thu gọn lại các điểm
trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và điều kiện thực tế của mỗi địa
phương, mỗi vùng.
2. Phạm
vi thực hiện Đề án:
Đề án được thực hiện đối với 15 huyện,
thị xã, thành phố, từ bậc học mầm non đến phổ thông. Bắt đầu từ năm học
2018-2019 đến năm học 2029 - 2030.
3. Nguyên tắc thực hiện:
- Đảm bảo tính
kế thừa và phát triển bền vững; giữ vững tính ổn định về mạng lưới trường lớp,
chất lượng giáo dục đào tạo và đảm bảo nhu cầu học tập của người dân, phù hợp với
điều kiện thực tế; đảm bảo tính công bằng, bình đẳng, tiết kiệm ngân sách Nhà nước và Nhân dân.
- Việc dồn và dịch chuyển các điểm
trường, sáp nhập các điểm trường, trường có quy mô nhỏ phải được thực hiện trên
nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh;
phù hợp với quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa
phương, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng
cao chất lượng giáo dục.
- Khắc phục tình trạng trường lớp có
quy mô nhỏ và chất lượng giáo dục chưa cao, từ đó có điều
kiện tập trung đầu tư nguồn lực kể cả về đội ngũ lãnh đạo quản lý, giáo viên,
nhân viên và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục.
- Đảm bảo sĩ số học sinh/lớp theo quy
định; đồng thời, có giải pháp phù hợp thuận lợi, an toàn cho việc đi lại của học
sinh khi đến trường; không để xảy ra tình trạng học sinh bỏ học do phải đi lại
quá xa.
- UBND huyện, thị xã, thành phố có các cơ sở giáo dục
thuộc diện dồn và dịch chuyển điểm lẻ
cần chuẩn bị đủ cơ sở vật chất (phòng học, phòng ở bán trú nhà làm việc, nhà công vụ, các công trình
bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh, hệ thống điện nước...), nhất là đối với các
trường bán trú và cấp học mầm non, nhằm bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng
giáo dục.
- Chỉ sáp nhập đối với những trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thuận lợi về khoảng
cách giữa các điểm trường; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo
viên, lãnh đạo quản lý các trường sau sáp nhập.
- Chỉ sáp nhập các trường có quy mô
nhỏ ở cùng địa bàn cấp xã; các trường tiểu học có quy mô dưới 10 lớp, xem xét
ghép với trường trung học cơ sở trên cùng địa bàn xã; các xã có 02 đến 03 trường
tiểu học, xem xét sáp nhập thành một trường nhưng phải đảm
bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.
- Việc sáp nhập để hình thành các trường
có nhiều cấp học phải phân khu vực riêng biệt cho từng cấp học nhằm đảm bảo
tính đặc thù (về thời lượng tiết học, hình thức tổ chức dạy học...) tránh làm ảnh
hưởng đến hoạt động dạy và học của mỗi cấp học.
- Không sáp nhập các cơ sở giáo dục mầm
non với các cơ sở giáo dục phổ thông.
- Chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cơ
sở vật chất tại những điểm trường được chuyển đi đảm bảo
phù hợp với quy hoạch, hiệu quả, tránh lãng phí.
II. Nội dung
phương án sáp nhập
Giai đoạn 2018 - 2030, tổng số trường
sáp nhập là 115 trường (mầm non: 13 trường, tiểu học: 95
trường, THCS: 07 trường), số điểm trường
xóa bỏ là 223 điểm (mầm non: 146 điểm, tiểu học: 76 điểm,
THCS: 01 điểm), cụ thể:
- Đến 2021: Sáp nhập 61 trường (mầm
non: 07 trường, tiểu học: 52 trường, THCS: 02 trường), xóa
bỏ 184 điểm trường (mầm non: 122 điểm, tiểu học: 61 điểm,
THCS: 01 điểm).
- Đến 2025: Sáp
nhập 42 trường (mầm non: 05 trường, tiểu học: 32 trường, THCS: 05 trường), xóa
bỏ 33 điểm trường (mầm non: 20 điểm, tiểu học: 13 điểm).
- Đến 2030: Sáp nhập
42 trường (mầm non; 01 trường, tiểu học: 11 trường), xóa bỏ 06 điểm trường (mầm non: 04 điểm, tiểu học: 02 điểm).
(Chi
tiết của các huyện theo Phụ lục 2, 3, 4, 5 kèm theo)
III. Kế hoạch cụ thể theo địa
bàn huyện, thị xã, thành phố từng giai đoạn
1. Đến năm 2021:
1.1. Bậc học mầm non: Sáp nhập 07 trường, xóa bỏ 122 điểm trường, bao gồm:
- Thành phố Buôn Ma Thuột: Xóa bỏ 10
điểm trường;
- Thị xã Buôn Hồ: Sáp nhập 01 trường,
xóa bỏ 03 điểm trường;
- Huyện Cư Kuin: Xóa bỏ 35 điểm trường;
- Huyện Ba H’leo:
Sáp nhập 01 trường, xóa bỏ 15 điểm trường;
- Huyện Krông Năng: Sáp nhập 01 trường, xóa bỏ 07 điểm trường;
- Huyện Krông Búk: Xóa bỏ 03 điểm trường;
- Huyện Krông Ana: Xóa bỏ 03 điểm trường;
- Huyện Lắk: Sáp nhập 01 trường, xóa
bỏ 20 điểm trường;
- Huyện M’Drắk:
Xóa bỏ 03 điểm trường;
- Huyện Cư M'gar: Sáp nhập 02 trường,
xóa bỏ 06 điểm trường;
- Huyện Krông Pắc: Sáp nhập 01 trường;
- Huyện Ea Súp: Xóa bỏ 02 điểm trường;
- Huyện Buôn Đôn: Xóa bỏ 15 điểm trường.
1.2. Bậc học Tiểu học: Sáp nhập 52 trường, xóa bỏ 61 điểm trường, bao gồm:
- Thành phố Buôn Ma Thuột: Sáp nhập
03 trường;
- Huyện Buôn Đôn: Sáp nhập 02 trường,
xóa bỏ 03 điểm trường;
- Huyện Ea H’leo: Sáp nhập 04 trường,
xóa bỏ 04 điểm trường;
- Huyện Ea Súp: Sáp nhập 01 trường,
xóa bỏ 01 điểm trường;
- Huyện Krông Bông: Sáp nhập 05 trường;
- Huyện Krông Ana: Sáp nhập 03 trường,
xóa bỏ 03 điểm trường;
- Huyện Lắk: Sáp nhập 04 trường, xóa
bỏ 17 điểm trường;
- Huyện M’Drắk: Sáp nhập 03 trường,
xóa bỏ 01 điểm trường;
- Huyện Cư M'gar: Sáp nhập 05 trường,
xóa bỏ 05 điểm trường;
- Huyện Krông Pắc: Sáp nhập 12 trường;
- Huyện Ea Kar: Sáp nhập 05 trường:
- Huyện Krông Năng: Sáp nhập 05 trường,
xóa bỏ 02 điểm trường;
- Huyện Cư Kuin: Xóa bỏ 14 điểm trường;
- Huyện Krông Búk: Xóa bỏ 08 điểm trường;
- Thị xã Buôn Hồ: Xóa 03 điểm trường.
1.3. Bậc học THCS: Sáp nhập 02 trường, xóa bỏ 01 điểm trường, bao gồm:
- Huyện Cư M'gar: Sáp nhập 01 trường;
- Huyện Krông Ana: Sáp nhập 01 trường;
- Huyện Lắk: Xóa bỏ 01 điểm trường
(Điểm trường của trường TH- THCS Lê Quý Đôn, xã Buôn Triết).
2. Đến năm
2025:
2.1. Bậc học mầm non: Sáp nhập 05 trường, xóa bỏ 20 điểm trường, bao gồm:
- Thành phố Buôn Ma Thuột: Xóa bỏ 05
điểm trường;
- Thị xã Buôn hồ: Xóa bỏ 01 điểm trường;
- Huyện Cư Kuin:
Xóa bỏ 04 điểm trường;
- Huyện Ea H’leo: Sáp nhập 04 trường,
xóa bỏ 03 điểm trường;
- Huyện Krông Năng: Sáp nhập 01 trường;
xóa bỏ 03 điểm trường;
- Huyện Krông Búk: Xóa bỏ 03 điểm trường;
- Huyện Lắk: Xóa bỏ 01 điểm trường.
2.2. Bậc học Tiểu học: Sáp nhập 32 trường, xóa bỏ 13 điểm trường, bao gồm:
- Thành phố Buôn Ma Thuột: Sáp nhập
03 trường.
- Thị xã Buôn Hồ: Sáp nhập 01 trường,
xóa bỏ 01 điểm trường.
- Huyện Buôn Đôn: Sáp nhập 01 trường.
- Huyện Cư Kuin: Sáp nhập 05 trường,
xóa bỏ 02 điểm trường.
- Huyện Krông Búk: Sáp nhập 01 trường,
xóa bỏ 03 điểm trường.
- Huyện Ea Sup: Sáp nhập 01 trường,
xóa bỏ 01 điểm trường
- Huyện Krông Bông: Sáp nhập 03 trường.
- Huyện Krông Ana: Sáp nhập 04 trường.
- Huyện M’Drắk:
Sáp nhập 02 trường.
- Huyện Krông Pắc: Sáp nhập 05 trường.
- Huyện Krông Năng: Sáp nhập 06 trường;
xóa bỏ 03 điểm trường,
- Huyện Cư M'gar: Xóa bỏ 02 điểm trường.
- Huyện Lắk: Xóa bỏ 01 điểm trường
2.3. Bậc học THCS: Sáp nhập 05 trường, bao gồm:
- Huyện Cư Kuin: Sáp nhập 03 trường.
- Huyện Krông Pắc: Sáp nhập 02 trường.
3. Đến năm
2030:
3.1. Bậc học Mầm non: Sáp nhập 01 trường, xóa bỏ 04 điểm trường, bao gồm:
- Huyện Ea H’Leo: Xóa bỏ 04 điểm trường.
- Huyện Krông Năng: Sáp nhập 01 trường.
3.2. Bậc học Tiểu học: Sáp nhập 11 trường, xóa bỏ 02 điểm trường, bao gồm:
- Huyện Buôn Đôn: Sáp nhập 01 trường;
- Huyện Ea H’Leo: Xóa bỏ 02 điểm trường;
- Huyện Krông Búk: Sáp nhập 02 trường;
- Huyện Krông Bông: Sáp nhập 03 trường;
- Huyện M D’rắk: Sáp nhập 01 trường;
- Huyện Krông Năng: Sáp nhập 04 trường.
3.3. Bậc học THCS: Giữ nguyên không sáp nhập và không xóa bỏ trường, điểm trường.
(Danh mục chi tiết các đơn vị sáp
nhập, xóa bỏ theo các Phụ lục số 6,7,8, 9, 10)
IV. Kết quả đạt được
sau khi sáp nhập, xóa bỏ
1. Về mạng lưới
trường, điểm trường:
- Đến năm 2021 tổng
số trường là 906 trường (mầm non: 256 trường, tiểu học: 365 trường, THCS: 231
trường, THPT: 54 trường) và 1.210 điểm trường (mầm non:
719 điểm trường, tiểu học: 413 điểm trường; THCS: 78 điểm trường). So với năm
2015 giảm 42 trường và giảm 25 điểm trường.
- Đến năm 2025 tổng số trường là 864
trường (mầm non: 251 trường, tiểu học: 333 trường, THCS: 226 trường, THPT: 54
trường) và 1.180 điểm trường (mầm non: 699 điểm trường, tiểu học: 398 điểm trường; THCS: 83 điểm trường). So với năm 2021 giảm 42 trường và giảm 30
điểm trường.
- Đến năm 2030 tổng số trường là 852 trường (mầm non: 250 trường, tiểu học: 322 trường, THCS: 226 trường,
THPT: 54 trường) và 1.177 điểm trường (mầm non: 693 điểm trường, tiểu học: 401
điểm trường; THCS: 83 điểm trường). So với năm 2025 giảm 12 trường và giảm 3 điểm
trường.
2. Về đội ngũ
lãnh đạo, giáo viên và nhân viên
- Đến năm 2021, tổng số lượng lãnh đạo,
giáo viên và nhân viên giảm so với năm 2015 là 2.664 người. Trong đó: lãnh đạo
quản lý tăng 24 người, giáo viên giảm 1.019 người, nhân viên giảm 1.669 người.
- Đến năm 2025, tổng số lượng lãnh đạo,
giáo viên và nhân viên giảm so với năm 2021 là 239 người, trong đó lãnh đạo quản lý giảm 52 người, giáo viên giảm 165 người, nhân
viên giảm 22 người.
- Đến năm 2030, tổng số lượng lãnh đạo,
giáo viên và nhân viên tăng so với năm 2025 là 149 người. Trong đó: lãnh đạo quản
lý tăng 27 người, giáo viên tăng 139 người, nhân viên giảm
17 người.
(Chi tiết tại Phụ lục
số 1)
3. Kinh phí thực
hiện Đề án:
Kinh phí thực hiện Đề án từ năm 2018
đến 2030 bao gồm: Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương; lồng ghép từ nguồn
vốn của các chương trình, dự án (Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông
thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững,
các dự án ODA, vốn trái phiếu Chính phủ) được cấp có thẩm
quyền giao trong kế hoạch hàng năm theo phân cấp quản lý hiện hành; nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn huy động hợp
pháp khác để thực hiện các nội dung: xây mới, nâng cấp, cải
tạo sửa chữa và mua sắm trang thiết bị dạy học, nguồn liệu dạy học và các nội dung khác nhằm bảo đảm việc thực hiện
Đề án theo từng năm và giai đoạn.
4. Dự báo những
thuận lợi, khó khăn:
4.1. Thuận lợi:
Công tác sáp nhập, sắp xếp mạng lưới
trường lớp được Bộ Giáo dục và Đào tạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn triển khai kịp
thời; các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan có trách nhiệm trong việc rà
soát, phối hợp trong quá trình xây dựng Đề án.
4.2. Khó khăn:
- Đề án được xây
dựng dựa trên Kế hoạch sáp nhập, sắp xếp mạng lưới trường
lớp của 15 huyện, thị xã, thành phố. Chỉ tiêu về đầu mối các đơn vị sự nghiệp
công lập phấn đấu giảm theo từng giai đoạn (đến 2021, 2025
và 2030) không đạt theo yêu cầu của Kế
hoạch được ban hành theo Quyết định số 756/QĐ-UBND ngày
12/4/2018 của UBND tỉnh.
- Việc sắp xếp, bố trí đội ngũ lãnh đạo
quản lý, giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục được sáp nhập, xóa bỏ sẽ
có những khó khăn nhất định.
- Việc sáp nhập các trường sẽ giúp giảm
bớt được số trường nhưng lại làm tăng điểm trường tại một số huyện (do không thể
xóa bỏ mà chỉ chuyển từ trường chính thành
điểm trường lẻ).
V. CÁC GIẢI PHÁP
THỰC HIỆN
Để triển khai thực hiện Đề án trên phạm
vi toàn tỉnh theo từng giai đoạn đến năm 2021, năm 2025 và năm 2030 cần tiến hành những nhóm giải pháp chính sau:
1. Nhóm giải
pháp về quản lý:
1.1. Đổi mới cơ chế, chính sách
giáo dục:
- Thu hút và đào tạo nhân tài, phục vụ
cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh. Tiếp tục có chính sách
ưu đãi đối với học sinh, lãnh đạo quản lý, giáo viên có thành tích cao của trường
THPT chuyên Nguyễn Du và các trường THPT trong toàn tỉnh.
- Thực hiện chủ trương cải cách thủ tục
hành chính của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tăng cường
công tác phân cấp quản lý cho các cơ sở đào tạo theo hướng bảo đảm
quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài
công lập, đồng thời quản lý chặt chẽ chất lượng giáo dục đào tạo, bảo đảm quyền lợi của người học.
- Trên cơ sở đảm bảo vai trò chủ đạo
của ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục và đào tạo, có chính
sách và biện pháp huy động sự đóng góp từ nguồn xã hội
hóa, huy động từ các tổ chức cá nhân, các nguồn hợp pháp khác.
- Các huyện, thị xã, thành phố trong
kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội bảo đảm an ninh quốc phòng hàng năm hàng năm phải có kế hoạch bố
trí ưu tiên tạo điều kiện về tài chính, đất đai để xây dựng cơ sở giáo dục, các hạng mục phụ trợ nhằm đảm bảo cho các đơn
vị sáp nhập, xóa bỏ.
1.2. Tăng cường công tác quản lý:
- Đổi mới phương thức quản lý hướng tới
tăng cường tự chủ và tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục kết hợp tăng cường
công tác thanh tra và kiểm định chất lượng giáo dục.
- Tăng cường công tác thanh tra
chuyên môn, thanh tra quản lý giáo dục, thanh tra tài
chính, tài sản theo quy định. Tiếp tục chấn chỉnh nề nếp kỷ
cương trong nhà trường.
- Nâng cao chất lượng giáo dục học
sinh dân tộc thiểu số, tăng cường công tác quản lý học
sinh, thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ chính sách, hạn chế đến mức thấp nhất học sinh bỏ học.
1.3. Nâng cao nhận thức về vai
trò, vị trí của giáo dục:
Phối hợp với các
cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức chính trị - xã hội,
các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục tổ chức tuyên truyền để
các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các đơn vị công lập, ngoài công lập và
nhân dân có nhận thức đúng, đầy đủ, thực hiện có hiệu quả việc sáp nhập, xóa bỏ
trường, điểm trường đã được phê duyệt theo Đề án của tỉnh
và Kế hoạch cụ thể của từng địa phương đảm bảo mục tiêu của Đề án đã đề ra.
2. Nhóm giải
pháp về những điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ:
2.1. Tăng cường cơ sở vật chất,
trang thiết bị giáo dục:
Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới
phòng học, các công trình kiến trúc ngoài phòng học (phòng thí nghiệm, thư viện,
phòng để đồ dùng dạy học, nhà làm việc, nhà đa chức năng, công trình vệ sinh - nước sạch, v.v...) nhằm bảo đảm điều kiện tốt nhất về cơ
sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho việc sáp nhập, dồn ghép các trường và
điểm trường. Giảm thiểu tối đa và dần dần xóa bỏ hoàn toàn các phòng học tạm,
phòng học nhờ.
2.2. Các giải pháp về nguồn lực
tài chính:
- Tranh thủ các nguồn đầu tư của
Trung ương qua các chương trình mục tiêu, các dự án vay vốn quốc tế, liên doanh
nước ngoài, vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng đầu tư để tăng cường nguồn lực tài
chính thực hiện Đề án.
- Tăng nguồn đầu tư ngoài ngân sách
Nhà nước từ nguồn xã hội hóa cho giáo dục và đào tạo và các nguồn huy động hợp pháp khác.
2.3. Nâng cao năng lực đội ngũ nhà
giáo và lãnh đạo quản lý giáo dục:
- Tiếp tục đào tạo
lãnh đạo quản lý, giáo viên theo chuẩn đáp ứng đủ số lượng, chuẩn về chất lượng, từng bước
nâng cao tỷ lệ trình độ trên chuẩn. Tất cả lãnh đạo quản
lý đều được đào tạo về quản lý, có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.
- Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên nhằm
bảo đảm yêu cầu dạy đủ môn học ở các bậc học, thực hiện giáo dục toàn diện ở
các trường phổ thông bảo đảm cơ cấu giáo
viên. Bố trí đủ giáo viên, nhân viên và lãnh đạo quản lý giáo dục theo cơ cấu mô hình trường sau khi sắp xếp mạng
lưới; đảm bảo đủ về cơ cấu số lượng theo vị trí việc làm.
- Có kế hoạch triển khai tốt các
chương trình bồi dưỡng thường xuyên theo chu kỳ cho giáo viên mầm non, phổ
thông.
3. Nhóm giải
pháp về xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực hợp pháp:
3.1. Nâng cao nhận thức:
- Tuyên truyền sâu rộng chủ trương chính sách về xã hội hóa giáo dục để các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập, nhân dân có nhận thức đúng nhằm thực hiện
có hiệu quả chủ trương xã hội hóa giáo dục nhằm thực hiện tốt mục tiêu của Đề án.
- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước
về giáo dục, đẩy nhanh tiến độ xã hội hóa giáo dục, trước hết cần đổi mới cơ chế
chính sách, đổi mới tư duy và phương thức quản lý.
3.2. Huy động nguồn lực xã hội cho
phát triển giáo dục:
- Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố
đảm bảo kế hoạch và bố trí đủ diện tích đất cho các trường chuẩn quốc gia.
- Tăng cường đầu tư kinh phí xây dựng
kiên cố hóa trường, lớp học theo hướng chuẩn hóa và hiện đại
hóa, thu hút mọi nguồn lực đầu tư cho
giáo dục phát triển.
Phần IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các sở, ban, ngành:
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động
xây dựng kế hoạch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND
các huyện, thị xã, thành phố trong việc triển khai thực hiện Đề án.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo;
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban,
ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Đề án.
- Chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng văn bản
hướng dẫn việc sắp xếp bố trí lãnh đạo quản lý, giáo viên, nhân
viên dôi dư; phối hợp các Sở Tài chính tham mưu chính sách
đối với lãnh đạo quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh để triển khai thực hiện
Đề án.
- Phối hợp với các đơn vị mở các lớp
đào tạo, bồi dưỡng đối với giáo viên, nhân viên phải sắp xếp sang vị trí công
tác khác theo Đề án.
- Trong quá trình triển khai Đề án tiếp
tục rà soát, căn cứ điều kiện thực tế của các địa phương và quy định hiện hành,
tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh tỷ lệ sắp xếp, tổ chức lại mạng
lưới các cơ sở giáo dục, đảm bảo thực hiện đạt chỉ tiêu đã đề ra tại Quyết định số 756/QĐ-UBND ngày 12/4/2018 của UBND tỉnh.
- Tham mưu tổ chức kiểm tra, đánh giá
thực hiện Đề án. Cuối mỗi giai đoạn (năm 2021, năm 2025 và năm 2030), tổ chức tổng kết việc triển
khai Đề án, tham mưu UBND tỉnh có sự điều chỉnh, bổ sung (nếu có).
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Hướng dẫn thực
hiện công tác đầu tư và xây dựng cơ bản trong quá trình triển khai Đề án.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục
và Đào tạo, Sở Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh cân đối nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất để thực
hiện Đề án.
4. Sở Tài chính:
- Hướng dẫn xử lý tài chính, tài sản
của các cơ sở giáo dục khi thực hiện sáp nhập, xóa bỏ theo Đề án.
- Phối hợp các Sở Giáo dục và Đào tạo,
Sở Nội vụ tham mưu chính sách đối với lãnh đạo quản lý, giáo viên, người lao động,
học sinh triển khai thực hiện Đề án.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục
và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị xã,
thành phố tham mưu UBND tỉnh cân đối nguồn vốn sự nghiệp để
thực hiện Đề án.
5. Sở Nội vụ:
- Phối hợp với Sở
Giáo dục và Đào tạo xây dựng văn bản hướng dẫn việc sắp xếp
bố trí lãnh đạo quản lý, giáo viên, nhân viên sau khi sáp nhập trường, điểm trường;
phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính tham mưu chính sách đối với lãnh
đạo quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh triển khai thực hiện Đề án.
- Tổng hợp danh sách giáo viên, nhân
viên có nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng để bố trí, sắp xếp sang
vị trí công tác khác và nhu cầu tuyển dụng giáo viên mầm non báo cáo UBND tỉnh.
- Hàng năm, phối hợp với Sở Giáo dục
và Đào tạo và UBND các huyện, thị xã, thành phố xác định nhu cầu giáo viên cần bổ sung, báo cáo UBND tỉnh.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Hướng dẫn trình tự, thủ tục, hồ sơ
liên quan đến lĩnh vực đất đai trong quá trình thực hiện Đề án.
7. Đề nghị
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể tỉnh:
Xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh tuyên
truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân
dân đồng thuận, tích cực tham gia thực hiện Đề án.
8. UBND các huyện, thị xã, thành
phố:
- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền,
tạo sự đồng thuận trong đội ngũ lãnh đạo quản lý, giáo viên, nhân viên trong
ngành giáo dục và Nhân dân về sự cần thiết trong thực hiện Đề án để nâng cao chất lượng giáo dục.
- Ban hành Quyết định sáp nhập trường,
điểm trường; phê duyệt phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ; xây dựng phương án sắp xếp, quản lý, sử dụng tài sản đối với các trường,
điểm trường sáp
nhập, xóa bỏ. Có trách nhiệm bố trí ngân sách nhằm đảm bảo yêu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi
cho các trường, điểm trường sáp nhập hoặc xóa bỏ đã được phê duyệt theo phân cấp quản lý. Quyết định sáp nhập, tổ chức lại các
trường học phải được thực hiện khi đã kết thúc năm học (dịp nghỉ hè) để đảm bảo
tính ổn định cho học sinh và giáo viên.
- Tổng hợp danh sách giáo viên, nhân
viên có nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng để bố trí, sắp xếp sang vị trí công tác khác
và nhu cầu tuyển dụng giáo viên mầm non gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ tổng
hợp báo cáo UBND tỉnh.
- Ban hành Kế hoạch
triển khai thực Đề án đối với các nội dung liên quan đến địa phương. Đồng thời, tiếp tục rà soát, căn cứ điều kiện thực tế của
địa phương và quy định hiện hành, báo cáo, đề xuất Sở Giáo dục và Đào tạo xem
xét, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh tỷ lệ sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới các cơ
sở giáo dục, đảm bảo thực hiện đạt chỉ tiêu đã đề ra tại Quyết định số
756/QĐ-UBND ngày 12/4/2018 của UBND tỉnh.
- Cuối mỗi giai đoạn (năm 2021, năm
2025 và năm 2030), tổ chức tổng kết việc triển khai Đề án
tại địa phương, báo cáo kết quả thực hiện về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Trên đây là Đề án sắp xếp, tổ chức lại
các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2018
- 2030. Yêu cầu các sở, ban ngành, các UBND huyện, thị xã,
thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các đơn vị phản ánh kịp
thời về UBND tỉnh (qua Sở Giáo dục và Đào tạo) để xem xét điều chỉnh, bổ sung
cho phù hợp./.