Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 75/2008/QĐ-BGDĐT Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo Người ký: Nguyễn Vinh Hiển
Ngày ban hành: 26/12/2008 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 75/2008/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH TIẾNG HMÔNG CẤP TIỂU HỌC

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục;
Căn cứ Chỉ thị số 14/2001/CT-TTg ngày 11 tháng 6 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội;
Theo Kết luận của Hội đồng Quốc gia thẩm định Chương trình tiếng Hmông cấp tiểu học, ngày 25 tháng 08 năm 2007;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình tiếng Hmông cấp tiểu học.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Chương trình tiếng Hmông ban hành kèm theo Quyết định này là cơ sở để biên soạn tài liệu giảng dạy và chỉ đạo dạy tiếng Hmông ở cấp tiểu học.

Điều 3. Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Sở giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Vinh Hiển

 

CHƯƠNG TRÌNH

TIẾNG HMÔNG CẤP TIỂU HỌC
(ban hành kèm theo Quyết định số 75/2008/QĐ-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

I. MỤC TIÊU

Môn Tiếng Hmông được dạy ở tiểu học vùng dân tộc Hmông nhằm:

1. Phát triển kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; chú trọng đọc và viết, nắm được những kiến thức sơ giản về ngôn ngữ và văn hóa dân tộc Hmông, góp phần rèn luyện tư duy để học tốt môn Tiếng Việt và các môn học khác ở tiểu học.

2. Dạy học tiếng Hmông, cung cấp cho học sinh những kiến thức sơ giản về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp tiếng Hmông, đáp ứng yêu cầu rèn luyện kỹ năng giao tiếp cơ bản bằng tiếng mẹ đẻ. Mở rộng hiểu biết về truyền thống của dân tộc Hmông và các dân tộc anh em.

3. Bồi dưỡng tình yêu tiếng mẹ đẻ cho học sinh; tạo điều kiện bảo tồn, phát triển góp phần xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa Hmông; phát triển nhân cách con người mới có kiến thức và khả năng hội nhập.

II. KẾ HOẠCH DẠY HỌC

1. Chương trình tiếng Hmông được dạy trong 3 năm học (lớp 3, lớp 4, lớp 5) ở cấp tiểu học. Mỗi năm học có 140 tiết dạy trong 35 tuần, mỗi tuần dạy 4 tiết.

2. Năm thứ nhất (lớp 3) dành cho dạy học – học âm, vần và một số bài cho phân môn tập đọc.

3. Năm thứ hai (lớp 4, lớp 5) dạy các phân môn Tập đọc – học thuộc lòng, Chính tả, Luyện từ và câu, Kể chuyện, Tập làm văn.

III. NỘI DUNG

NĂM THỨ NHẤT

1. Kiến thức

a) Tiếng Hmông

- Các âm, vần, các chữ ghi thanh điệu.

- Các chữ có phụ âm ghép.

- Mở rộng vốn từ ngữ, về gia đình, nhà trường, thiên nhiên, đất nước.

- Dấu giọng, dấu câu, dấu ngắt câu.

- Cung cấp cho học sinh khoảng 500 từ.

b) Văn học

- Nhận biết, làm quen với văn xuôi, văn vần, ca dao, tục ngữ.

2. Kỹ năng

a) Đọc

- Nhận biết các âm và chữ cái ghi âm, ghi thanh điệu, các vần.

- Cách ghép âm – vần thành tiếng, từ.

- Đọc trơn tiếng, từ; hiểu nghĩa của từ.

- Đọc đúng câu, hiểu nội dung diễn đạt trong câu, trong đoạn văn ngắn.

b) Viết

- Viết đúng nét các chữ, các từ ngữ, câu, vị trí dấu câu, dấu ngắt câu, dấu hiệu ngắt cụm từ.

c) Nghe

- Nhận biết sự khác nhau giữa các âm, vần.

- Nghe – hiểu các câu, câu hỏi đơn giản, lời hướng dẫn, yêu cầu của người đối thoại trong giao tiếp.

d) Nói

- Nói đủ to, rõ ràng, thành câu.

- Trả lời được các câu hỏi đơn giản.

- Biết nói lời chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi.

3. Ngữ liệu

Từ khóa, câu ứng dụng, thành ngữ, tục ngữ, ca dao của dân tộc Hmông có chứa các vần, từ ngữ cần học; đoạn văn xuôi, văn vần ngắn, đơn giản, dễ hiểu về gia đình, nhà trường, thiên nhiên, đất nước.

4. Yêu cầu cơ bản cần đạt

Học sinh đọc được câu chứa các âm, vần, chữ đã học (tốc độ khoảng 30 tiếng/phút); hiểu nghĩa của từ, nội dung của câu. Viết đúng các nét chữ. Chép đúng các từ trong câu (tốc độ khoảng 20 chữ/15 phút). Hiểu lời hướng dẫn của giáo viên. Nói đủ to, rõ ràng, trả lời được câu hỏi đơn giản. Phân biệt được các âm giống và khác nhau giữa tiếng Hmông và tiếng Việt.

NĂM THỨ HAI

1. Kiến thức

a) Tiếng Hmông

- Các bài tập đọc gồm các đoạn văn, bài văn, ca dao, dân ca ngắn (khoảng 40 – 60 tiếng).

- Mở rộng vốn từ ngữ (bao gồm thành ngữ và tục ngữ) về gia đình, nhà trường, thiên nhiên, đất nước.

- Đặt câu kể, câu hỏi đơn giản theo mẫu.

- Cung cấp cho học sinh khoảng 1000 từ.

b) Văn học

- Nhận biết, làm quen với một số đoạn văn ngắn, khổ thơ và vần trong thơ.

2. Kỹ năng

a) Đọc

- Đọc đúng, rõ ràng các từ ngữ trong bài.

- Đọc trôi chảy câu, đoạn văn ngắn khoảng 20 – 30 tiếng/phút. Biết ngắt nghỉ hơi sau các dấu câu (dấu ngắt câu, dấu hiệu ngắt cụm từ, các dấu câu khác).

- Biết đọc thầm.

- Hiểu nghĩa của từ, nội dung của câu, của đoạn văn ngắn. Trả lời được các câu hỏi đơn giản về nội dung bài tập đọc.

- Học thuộc lòng một số câu tục ngữ, ca dao và một số đoạn văn vần ngắn.

b) Viết

- Viết đúng, đủ nét các chữ, các từ ngữ, câu ngắn.

- Nhìn – chép, nghe – viết đúng chính tả đoạn văn có độ dài khoảng 30 – 40 tiếng quen thuộc. Trình bày bài viết đúng quy định.

c) Nghe

- Nhận biết sự khác nhau giữa các âm, vần.

- Nghe – hiểu câu hỏi, lời kể, lời hướng dẫn, yêu cầu của người đối thoại trong giao tiếp.

- Nghe – hiểu và nhớ nội dung những mẩu chuyện đơn giản.

d) Nói

- Trả lời được các câu hỏi đơn giản về nội dung bài đọc hoặc mẩu chuyện được nghe kể.

- Biết nói lời mời, lời đề nghị.

- Kể được mẩu chuyện vừa nghe thầy, cô kể.

3. Ngữ liệu

Từ khóa, câu ứng dụng, thành ngữ, tục ngữ, ca dao của dân tộc Hmông có chứa các vần, từ ngữ cần học; đoạn, bài văn vần ngắn, văn xuôi ngắn, đơn giản, dễ hiểu về gia đình, nhà trường, thiên nhiên, đất nước gần gũi với cuộc sống học sinh dân tộc Hmông.

4. Yêu cầu cơ bản cần đạt

Học sinh đọc được đoạn văn ngắn chứa các từ ngữ đã học (tốc độ khoảng 40, 50 tiếng/phút), không thừa hoặc sót tiếng, không dừng lại để đánh vần; hiểu nghĩa của từ; nội dung của đoạn văn. Viết đúng chính tả đoạn văn ngắn (tốc độ khoảng 25 chữ/15 phút). Không mắc quá 6 lỗi/40 chữ trong các bài tập chép hoặc chính tả. Hiểu những mẩu chuyện mà giáo viên kể. Kể lại được những mẩu chuyện đơn giản đã nghe, đã đọc.

NĂM THỨ BA

1. Kiến thức

a) Tiếng Hmông

- Các bài tập đọc gồm các đoạn văn, bài thơ, ca dao, dân ca ngắn (khoảng 60 – 80 tiếng).

- Mở rộng vốn từ ngữ (bao gồm thành ngữ và tục ngữ) về gia đình, nhà trường, thiên nhiên, đất nước.

- Những câu chuyện kể dân gian, truyện cổ tích tiêu biểu của người Hmông và các dân tộc khác.

- Viết được những đoạn văn ngắn về gia đình, bản thân, lớp học.

- Một số mẫu câu đơn cơ bản.

- Cung cấp cho học sinh khoảng 1000 từ.

b) Văn học

- Củng cố hiểu biết về vần trong thơ.

- Một số thể thơ truyền thống của đồng bào Hmông.

c) Tập làm văn

Tạo lập các đoạn văn đơn giản dựa vào câu hỏi gợi ý.

2. Kỹ năng

a) Đọc

- Đọc đúng, rõ ràng lưu loát đoạn văn, bài văn ngắn. Biết ngắt nghỉ hơi đúng sau các dấu câu (dấu ngắt câu, dấu hiệu ngắt cụm từ, các dấu câu khác).

- Biết đọc thầm với tốc độ nhanh hơn năm thứ hai.

- Hiểu nghĩa của từ, nội dung của câu, của đoạn văn, bài văn ngắn. Trả lời được các câu hỏi về nội dung bài tập đọc.

- Học thuộc lòng một số bài tục ngữ, ca dao và bài văn vần ngắn.

- Bước đầu biết nhận xét về hình ảnh, chi tiết, nhân vật.

- Biết đặt mở đầu đoạn văn.

b) Viết

- Viết đúng, rõ ràng, đều nét các chữ cỡ nhỏ.

- Nhìn – chép, nghe – viết đúng chính tả bài văn có độ dài khoảng 40 – 50 chữ/15 phút. Trình bày bài viết đúng quy định. Biết phát hiện và sửa lỗi chính tả khi viết.

- Biết sử dụng từ đúng, biết đặt câu theo mẫu.

c) Nghe

- Nhận biết sự khác nhau giữa các âm, vần để viết đúng chính tả.

- Hiểu nội dung của lời đối thoại trong giao tiếp.

- Hiểu những câu chuyện đơn giản khi nghe thầy, cô kể, hiểu nội dung những văn bản phổ biến khoa học đơn giản, những thông tin ngắn trên đài phát thanh, truyền hình bằng tiếng Hmông.

d) Nói

- Thuật lại được nội dung chính của các mẩu tin ngắn, văn bản phổ biến khoa học phù hợp với trình độ của học sinh.

- Biết dùng lời nói phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp.

- Kể lại được rõ ràng nội dung từng đoạn, câu chuyện đơn giản đã nghe, đã học.

3. Ngữ liệu

Truyện kể, văn miêu tả, văn vần, văn bản phổ biến kiến thức khoa học gần gũi với cuộc sống của dân tộc Hmông về gia đình, nhà trường, cộng đồng.

4. Yêu cầu cần đạt

Học sinh đọc được đoạn văn ngắn tương đối rõ ràng, mạch lạc; hiểu nghĩa của từ, nội dung của bài đọc. Trả lời đúng các câu hỏi theo mẫu. Tóm tắt được các ý chính của bài đọc. Viết được một đoạn văn ngắn (khoảng 50 chữ/15 phút) theo câu hỏi gợi ý về các chủ đề gần gũi với học sinh. Kể lại tóm tắt, có tình tiết hợp lý và diễn cảm nội dung những câu chuyện đơn giản đã đọc.

IV. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Quan điểm xây dựng chương trình

a) Chương trình được xây dựng trên cơ sở ngôn ngữ Hmông: cấu tạo âm, vần, các dạng chữ ghi âm và trên cơ sở nền văn hóa Hmông phong phú lâu đời.

b) Chương trình được xác định phù hợp với mục tiêu đào tạo của cấp tiểu học. Để việc học tập của học sinh dân tộc Hmông đạt hiệu quả, góp phần thực hiện tốt mục tiêu đào tạo của cấp học, việc dạy tiếng Hmông được đặt trong mối quan hệ với môn Tiếng Việt và một số môn học khác, nội dung tinh giản, mang bản sắc dân tộc Hmông hoặc những tài liệu có nội dung gần gũi với cuộc sống của học sinh Hmông.

c) Chương trình được xây dựng trên cơ sở kế thừa một số thành tựu và kinh nghiệm dạy tiếng mẹ đẻ cho người bản ngữ. Chương trình dựa vào vốn ngôn ngữ của học sinh, tổ chức các hoạt động giao tiếp cho học sinh để phát triển kỹ năng giao tiếp của người bản ngữ. Một số kiến thức sơ giản về tiếng và về văn được đưa vào chương trình nhằm tạo cơ sở cho việc thực hành các kỹ năng.

d) Chương trình thể hiện nguyên tắc dạy học tích hợp: Thông qua các bài học, dạy các kỹ năng sử dụng ngôn ngữ; kết hợp việc dạy tiếng với dạy kiến thức sơ giản về văn hóa dân tộc, với việc dạy kiến thức về tiếng; kết hợp việc dạy tiếng mẹ đẻ và dạy tiếng Việt trên cơ sở khai thác vốn tiếng Việt đã hình thành ở học sinh trong quá trình học ở lớp 1 và lớp 2 vào quá trình học tiếng Hmông.

2. Cấu trúc nội dung chương trình

a) Cấu trúc

- Chương trình Tiếng Hmông cấp tiểu học vùng Hmông được dạy từ lớp 3 đến lớp 5 chia làm 2 giai đoạn:

+ Giai đoạn một (lớp 3): dạy hệ thống các ký hiệu chữ viết giống và khác ký hiệu chữ viết tiếng Việt, bộ vần tiếng Hmông, cuối năm thứ nhất (lớp 3) là hệ thống bài khóa ngắn để luyện đọc, luyện viết nhằm củng cố âm, vần đã học. Bước đầu tập trả lời các câu hỏi đơn giản.

+ Giai đoạn hai (lớp 4, lớp 5): Tiếp tục hình thành và phát triển kiến thức ngôn ngữ và kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng đọc và viết cho học sinh. Qua các bài tập thực hành, học sinh sẽ dần hoàn thiện các kỹ năng đọc và viết một cách chủ động, sáng tạo và chuẩn mực. Các đơn vị học tập ở giai đoạn này cũng giống tiếng Việt là tập đọc, Kể chuyện, Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn. Ngoài ra, học sinh sẽ nhận biết thêm qua sự chú giải về 2 phương ngữ chủ yếu của 2 ngành Hmông là Hmông Đơ và Hmông Lềnh và tiếng Việt ở cuối mỗi bài.

Chương trình tiếng Hmông xây dựng theo năm học (3 năm học), nhằm tạo điều kiện cho cơ sở áp dụng chương trình một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và của học sinh.

Căn cứ vào chương trình, sách giáo khoa môn tiếng Hmông có các đơn vị học tập sau:

Học vần, tập đọc, học thuộc lòng;

Tập viết, tập chép, chính tả;

Kể chuyện;

Từ và câu;

Tập làm văn.

- Các đơn vị học tập trên không tách rời nhau mà được tích hợp trong mỗi bài học.

+ Học vần, tập đọc, học thuộc lòng có nhiệm vụ rèn luyện kỹ năng đọc; hiểu; trau dồi kiến thức từ ngữ và kiến thức văn; bồi dưỡng kiến thức đời sống, giáo dục tư tưởng, tình cảm và thẩm mĩ cho học sinh.

+ Tập viết, tập chép, chính tả giúp học sinh viết đúng, viết đẹp, rõ ràng các bài học trong sách và thể hiện mạch lạc các ý nghĩ của mình.

+ Kể chuyện nhằm rèn luyện kỹ năng nghe – nói của học sinh. Giúp các em biết tóm tắt những ý chính của câu chuyện và diễn đạt được một cách tình cảm, rõ ràng câu chuyện đó.

Các đơn vị học tập trên đều có hệ thống các bài tập giúp học sinh sử dụng và phát triển ngôn ngữ.

b) Nội dung

- Các kiến thức ngôn ngữ:

Cung cấp các kiến thức sơ giản, ban đầu về ngữ âm, chữ viết, từ vựng và ngữ pháp.

+ Ngữ âm: Giới thiệu hệ thống âm, vần, thanh điệu, chữ cái ghi âm, ghi thanh điệu, cách ghép âm, vần.

+ Từ vựng: Cung cấp vốn từ thông dụng, cơ bản và gần gũi (khoảng 2.500 từ), mở rộng vốn từ theo các chủ đề cơ bản, những đặc trưng cơ bản của từ vựng tiếng Hmông so với tiếng Việt.

+ Ngữ pháp: Cung cấp những kiến thức cơ bản về cấu tạo từ và câu; từ loại, câu, dấu câu, nhằm giúp học sinh nói đúng, viết đúng tiếng mẹ đẻ.

Việc dạy kiến thức từ vựng và ngữ pháp tiếng Hmông tập trung chủ yếu vào những đặc trưng của tiếng Hmông so với tiếng Việt.

- Các kỹ năng sử dụng ngôn ngữ:

+ Về kỹ năng sử dụng: Rèn luyện 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết trong đó chú trọng kỹ năng đọc và viết.

Kỹ năng nghe: rèn luyện ở mức độ nghe hiểu tương đối nhanh, chuẩn xác.

Kỹ năng nói: Rèn luyện cho học sinh phát âm đúng, diễn đạt lời nói rõ ràng, mạch lạc và có ngữ điệu của ngôn ngữ Hmông.

Kỹ năng đọc: đọc đúng, mạch lạc và đọc thầm.

Kỹ năng viết: Luyện viết đúng chính tả, viết đẹp, viết được các câu văn, đoạn văn ngắn.

Chương trình tiếng Hmông còn tích hợp giữa một đơn vị kiến thức mới, kỹ năng mới với những kiến thức, kỹ năng đã học theo nguyên tắc đồng tâm. Nghĩa là, càng lên các lớp trên kiến thức, kỹ năng đã học ở lớp dưới được mở rộng hơn, cao hơn, sâu hơn.

Chương trình được xây dựng lấy hoạt động học tập của học sinh làm trung tâm, giáo viên tổ chức, hướng dẫn giúp học sinh bộc lộ được khả năng tư duy và được phát triển.

Sách giáo khoa tiếng Hmông được xây dựng trên 2 trang mở với những hoạt động thể hiện phương pháp dạy học tích cực nhằm giúp học sinh thực hiện các hoạt động chiếm lĩnh kiến thức và phát triển kỹ năng giao tiếp ngôn ngữ.

c) Ngữ liệu

Ngữ liệu dùng để học tập mang tính tích hợp và hướng tới văn hóa, văn học Hmông bao gồm:

Văn học (văn học dân gian, văn học hiện đại);

Văn hóa dân tộc;

Các chủ đề xã hội khác.

Hệ thống bài gồm các chủ điểm: Nhà trường, Gia đình, Văn hóa – Xã hội, Quê hương – Đất nước.

3. Phương pháp và hình thức tổ chức dạy học

a) Phương pháp dạy học

- Các phương pháp dạy học tiếng Hmông xuất phát từ nguyên tắc:

+ Dạy tiếng Hmông cho học sinh Hmông là dạy tiếng mẹ đẻ cho người bản ngữ.

+ Môn Tiếng Hmông được đặt trong mối quan hệ với môn Tiếng Việt và các môn học khác.

+ Môn Tiếng Hmông cung cấp những tri thức cơ sở rèn luyện các kỹ năng ngôn ngữ: Nghe – nói – đọc - viết, thông qua các kỹ năng, học sinh có khả năng thực hành ngôn ngữ trong học tập và giao tiếp.

+ Các kiến thức và kỹ năng trong môn Tiếng Hmông được xuất phát từ những hiểu biết sẵn có và những nhu cầu sử dụng của học sinh.

- Để thực hiện được mục tiêu rèn luyện kỹ năng giao tiếp, trang bị kiến thức và giáo dục nhân cách trong dạy học tiếng Hmông cần kế thừa các phương pháp truyền thống trong việc dạy tiếng mẹ đẻ như: phân tích ngôn ngữ, quy nạp, suy diễn, giảng giải, so sánh, đối địch và phương pháp thực hành như: thực hành giao tiếp, rèn luyện theo mẫu, so sánh – đối chiếu. Đồng thời kết hợp sử dụng những phương pháp dạy học phát huy tính tích cực của học sinh.

b) Hình thức tổ chức dạy học

Để giờ học sinh động và có hiệu quả, hoạt động học tập của học sinh cũng cần vận dụng linh hoạt các hình thức dạy học khác nhau.

- Sử dụng nhiều hình thức thực hành luyện tập trong nhóm, trong lớp, ngoài cuộc sống.

- Học mà chơi, chơi mà học.

- Lặp lại theo mẫu và phát triển nâng cao.

- Sử dụng đồ dùng dạy học.

4. Đánh giá kết quả học tập

Trong quá trình dạy học, đánh giá kết quả học tập của học sinh nhằm động viên, khích lệ học sinh học tập, đồng thời giúp giáo viên kiểm soát, quản lý chất lượng dạy và học.

Về nguyên tắc, các nội dung học tập được nêu trong chương trình đều phải được đánh giá. Cách đánh giá cần được thực hiện khách quan, toàn diện và được đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ.

Đổi mới việc đánh giá kết quả học tập của học sinh là động lực quan trọng thúc đẩy học sinh học tập và là công cụ quản lý chất lượng môn học.

Đánh giá kết quả học tập của học sinh có những cách đánh giá khác nhau:

- Đánh giá bằng nhận xét những sản phẩm của học sinh đối với các kỹ năng nghe, nói, đọc thành tiếng, viết chữ.

- Đánh giá bằng các câu hỏi trắc nghiệm khách quan và câu hỏi mở đối với kỹ năng đọc hiểu, dùng từ, đặt câu, những kiến thức về quy tắc chính tả, từ vựng, ngữ pháp.

- Đánh giá bằng bài kiểm tra viết với những kỹ năng viết đoạn văn, bài văn …

Việc đánh giá kết quả học tập của học sinh không chỉ hoạt động đánh giá của giáo viên mà cần tạo điều kiện để học sinh tự đánh giá kết quả học tập của mình.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Vinh Hiển

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 75/2008/QĐ-BGDĐT ngày 26/12/2008 về Chương trình tiếng Hmông cấp tiểu học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.923

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.6.9
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!