THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 69/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC GIAI ĐOẠN 2019 -
2025
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng
6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ngày 25 tháng
11 năm 2009;
Căn cứ Luật giáo dục đại học ngày
18 tháng 6 năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại
học ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày
22 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ
triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế -
xã hội 5 năm 2016 - 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo tại Tờ trình số 1075/TTr-BGDĐT ngày 27 tháng 11 năm 2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại
học giai đoạn 2019 - 2025 (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu
sau đây:
I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO
1. Nhà nước giữ vai trò kiến tạo và hỗ
trợ thông qua việc xây dựng chính sách, tạo môi trường thuận lợi để phát triển
giáo dục đại học.
2. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và sử
dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học.
3. Chủ động hội nhập quốc tế giáo dục
đại học. Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học và người sử dụng lao động
trong toàn bộ quá trình đào tạo.
4. Bảo đảm công bằng, bình đẳng, cạnh
tranh lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục đại học trong đào tạo nguồn nhân lực.
Tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, công khai, minh bạch các điều kiện
này để người học và xã hội biết, giám sát.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất
về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của hệ thống
giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực; góp phần nâng cao chất lượng
và năng suất lao động, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường năng lực cạnh
tranh của quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025
a) Về chất lượng sinh viên tốt nghiệp:
- 100% sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn
đầu ra kể cả chuẩn trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm để sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động.
b) Về điều kiện bảo đảm chất lượng và
kiểm định chất lượng giáo dục:
- Phấn đấu 100% giảng viên đại học có
trình độ thạc sĩ hoặc tương đương trở lên, trong đó ít nhất 35% có trình độ tiến
sĩ;
- Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục đại học
(đủ điều kiện) thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó khoảng 10% được
kiểm định bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài có uy tín;
- Trên 35% chương trình đào tạo được
kiểm định trong nước hoặc nước ngoài, trong đó 100% chương trình đào tạo giáo
viên ở tất cả các trình độ được kiểm định;
c) Về tự chủ đại học:
- Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục đại học
thực hiện tốt cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình.
d) Về hội nhập quốc tế:
- Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục đại học
khai thác và sử dụng các chương trình đào tạo, học liệu mở được chia sẻ trực
tuyến bởi các trường đại học có uy tín trên thế giới;
- Trên 70% cơ sở giáo dục đại học có
hoạt động trao đổi giảng viên, sinh viên với các trường đại học trong khu vực
và trên thế giới;
- Trên 70% cơ sở giáo dục đại học có
ngành đào tạo trong số 8 ngành đã được công nhận lẫn nhau trong khu vực ASEAN
hoàn thành các thủ tục công nhận tương đương bằng cấp và chuyển đổi tín chỉ/học
phần với các trường đại học trong khu vực;
- Có ít nhất 02 cơ sở giáo dục đại học
được xếp hạng trong số 100 trường đại học tốt nhất Châu Á, 10 cơ sở giáo dục đại
học được xếp hạng trong số 400 trường đại học tốt nhất Châu Á, 04 cơ sở giáo dục
đại học được xếp hạng trong số 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới theo các
bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.
đ) Về nghiên cứu khoa học, chuyển
giao công nghệ và phục vụ cộng đồng:
- Trên 30% cơ sở giáo dục đại học có
ít nhất 03 đề tài, chương trình hoặc dự án hợp tác với nước ngoài trong nghiên
cứu khoa học hằng năm; trên 50% cơ sở giáo dục đại học thực hiện được ít nhất
02 đề tài nghiên cứu khoa học hoặc chuyển giao công nghệ cho các tổ chức trong
và ngoài nước;
- Trên 50% cơ sở giáo dục đại học tổ
chức được ít nhất 01 hội thảo quốc tế hằng năm;
- Có ít nhất 10 tạp chí khoa học của
các cơ sở giáo dục đại học trong nước được nâng cấp đạt chuẩn của các tạp chí
quốc tế trong khu vực ASEAN và thế giới.
e) Về chương trình đào tạo:
- Trên 50% cơ sở giáo dục đại học sử
dụng toàn bộ hoặc tích hợp một phần nội dung chương trình đào tạo và giáo trình
của nước ngoài vào các chương trình đào tạo của nhà trường;
- Phấn đấu 100% chương trình đào tạo
có mục tiêu, nội dung được thiết kế đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội
và thị trường lao động.
III. NHIỆM VỤ VÀ
GIẢI PHÁP
1. Đẩy mạnh thực hiện tự chủ, đổi mới
quản trị giáo dục đại học gắn với cơ chế quản lý và giám sát hiệu quả.
a) Lựa chọn, xây dựng và vận hành hiệu
quả một số mô hình quản trị đại học phù hợp với điều kiện của Việt Nam đáp ứng
yêu cầu hội nhập quốc tế. Đổi mới công tác quản trị, giảm can thiệp hành chính
từ các cơ quan nhà nước, bảo đảm tăng cường minh bạch, công khai; chuyển từ mô
hình quản lý sang quản trị có hiệu quả.
b) Phát huy mạnh mẽ nội lực của tất cả
các đơn vị trực thuộc cơ sở giáo dục đại học. Thực hiện giải thể hoặc sáp nhập
các cơ sở giáo dục đại học hoạt động không hiệu quả; rà soát và dừng tuyển sinh
các chương trình đào tạo chậm đổi mới hoặc không còn đáp ứng nhu cầu của xã hội.
2. Tăng cường các điều kiện bảo đảm
chất lượng và đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học
a) Về đội ngũ giảng viên và cán bộ quản
lý:
- Đổi mới và hoàn thiện hệ thống đào
tạo giáo viên, các tiêu chuẩn giảng viên đại học theo chức danh và trình độ Đổi
mới chương trình đào tạo giáo viên, ưu tiên đầu tư cho một số trường đại học sư
phạm trọng điểm;
- Quan tâm chế độ đãi ngộ, tôn vinh
nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện trả lương theo hiệu quả công việc.
Tăng cường công tác bồi dưỡng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng
viên và cán bộ quản lý;
- Lựa chọn, cử giảng viên đi đào tạo
nâng cao trình độ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí
khác; tăng cường các hoạt động trao đổi giảng viên và cán bộ quản lý giữa các
cơ sở giáo dục đại học Việt Nam với các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, đặc
biệt là ở các nước tiên tiến;
- Thu hút giảng viên là người nước
ngoài, Việt kiều hoặc người Việt Nam đang làm việc, giảng dạy ở nước ngoài tham
gia các chương trình giảng dạy và đào tạo trong nước, đặc biệt là các chương
trình đào tạo chất lượng cao.
b) Về cơ sở vật chất, trang thiết bị:
- Hỗ trợ đầu tư, nâng cấp cơ sở vật
chất, trang thiết bị cho một số cơ sở giáo dục đại học theo chuẩn quốc tế, có
nhiệm vụ đào tạo nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, đủ
sức cạnh tranh với các trường đại học có uy tín trong khu vực;
- Khuyến khích đầu tư ứng dụng công
nghệ thông tin trong quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng
của hệ thống giáo dục đại học;
- Hình thành một số trung tâm thực
hành, thí nghiệm hiện đại dùng chung cho các cơ sở giáo dục đại học; thí điểm
xây dựng một số làng đại học quốc tế thu hút các cơ sở giáo dục đại học có uy
tín của nước ngoài tham gia đào tạo và nghiên cứu quốc tế;
- Khuyến khích cơ sở giáo dục đại học
chủ động xây dựng, kết nối, chia sẻ tài nguyên và hợp tác nghiên cứu khoa học
và đào tạo với các cơ sở giáo dục đại học khác.
c) Về công tác bảo đảm và kiểm định
chất lượng giáo dục:
- Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm
định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam về số lượng và chất lượng phù hợp với
chuẩn mực và thông lệ của khu vực và thế giới. Chú trọng xây dựng và phát triển
văn hóa chất lượng trong các nhà trường;
- Đẩy mạnh công tác kiểm định cơ sở
giáo dục đại học và chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học bảo
đảm khách quan, công bằng; khuyến khích việc kiểm định theo các tiêu chuẩn của
các tổ chức khu vực và quốc tế có uy tín. Trước mắt, tập trung kiểm định chất
lượng theo hướng tiếp cận với tiêu chuẩn của Mạng lưới bảo đảm chất lượng các
trường đại học ASEAN;
- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc
gia về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Hình thành hệ thống xếp
hạng đại học Việt Nam gắn kết với khu vực và thế giới bảo đảm được tính độc lập,
minh bạch; nâng dần thứ hạng của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong các
bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.
3. Đổi mới quản lý đào tạo, chương
trình, phương pháp đào tạo
a) Xây dựng chuẩn đầu ra đối với tất
cả các chương trình đào tạo dựa trên Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Ký kết
thỏa thuận với các cơ sở giáo dục đại học có uy tín trên
thế giới nhằm công nhận tương đương chương trình, tín chỉ đào tạo.
b) Hỗ trợ và khuyến khích các cơ sở
giáo dục đại học đầu tư phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, đào
tạo bằng tiếng nước ngoài ở các lĩnh vực ưu tiên (như công nghệ thông tin, du lịch,
nông nghiệp xanh...) tạo nguồn nhân lực cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Xác định thời điểm và lộ trình giảm chỉ tiêu, chấm dứt đào tạo những ngành
không còn phù hợp hoặc không có nhu cầu.
c) Đa dạng hóa các chương trình đào tạo,
bồi dưỡng đối với lao động đã tốt nghiệp trình độ đại học trở lên theo nhu cầu
thị trường lao động. Phát triển các mô hình đào tạo, các hình thức học trực tuyến,
từ xa. Khuyến khích phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục, trung tâm đào tạo,
bồi dưỡng trực thuộc doanh nghiệp, bảo đảm yêu cầu cập nhật kiến thức, kỹ năng
thực tiễn.
4. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa
học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng
a) Huy động các nguồn lực cho nghiên
cứu khoa học và đầu tư có trọng điểm cho một số cơ sở giáo dục đại học có kết
quả nghiên cứu nổi bật, tạo ra những hướng nghiên cứu mũi nhọn, góp phần nâng
cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập
quốc tế của Việt Nam.
b) Khuyến khích các nghiên cứu có tính
ứng dụng cao, giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra; đẩy mạnh chuyển
giao các kết quả nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học cho doanh nghiệp, cộng
đồng và xã hội.
c) Thu hút các giảng viên, nhà khoa học
nước ngoài tham gia nghiên cứu khoa học ở các cơ sở giáo dục trong nước. Khuyến
khích các cơ sở giáo dục đại học trong nước hợp tác với các cơ sở giáo dục đại
học nước ngoài trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công
nghệ, đào tạo bồi dưỡng giảng viên, cán bộ khoa học và quản lý giáo dục; tăng số
lượng học bổng cho học sinh, sinh viên đi học nước ngoài.
5. Đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục đại
học
a) Chú trọng tăng cường năng lực tiếng
Anh cho người học thông qua việc triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án dạy và
học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 và tạo lập
môi trường sử dụng tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục đại học; thu hút sinh
viên quốc tế và giảng viên quốc tế học tập và giảng dạy; tăng cường các chương
trình đào tạo được giảng dạy bằng tiếng Anh.
b) Hình thành đội ngũ cán bộ chuyên
trách về hợp tác quốc tế trong cơ sở giáo dục đại học; khuyến khích cá nhân
trong và ngoài nước có năng lực, kinh nghiệm tham gia các hoạt động hợp tác quốc
tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học.
c) Tăng cường công tác truyền thông,
tổ chức hội nghị, hội thảo, chương trình giới thiệu quảng bá trong và ngoài nước
về giáo dục đại học Việt Nam.
6. Xây dựng và triển khai Hệ thống
thu thập thông tin, phân tích và dự báo cung - cầu nguồn nhân lực trình độ cao
a) Khảo sát, đánh giá thực trạng chất
lượng nguồn nhân lực trình độ cao ở Việt Nam, đề xuất các giải pháp nhằm nâng
cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao trong thời gian tới.
b) Xây dựng Hệ thống thu thập thông
tin, phân tích và dự báo cung - cầu nguồn nhân lực trình độ cao theo chuẩn đầu
ra của cơ sở giáo dục đại học và chuẩn nghề nghiệp của các hiệp hội nghề nghiệp,
cộng đồng doanh nghiệp.
c) Xây dựng hệ thống kết nối, chia sẻ
thông tin về nguồn nhân lực trình độ cao giữa các nhà quản lý, hoạch định chính
sách, cơ quan dự báo cung-cầu, các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp.
7. Xây dựng cơ chế, chính sách tạo
nguồn lực, động lực và môi trường cạnh tranh lành mạnh phát triển giáo dục đại
học
a) Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính
sách tạo động lực cho giảng viên cơ sở giáo dục đại học nâng cao chất lượng đào
tạo; chính sách tiền lương và chế độ làm việc của giảng viên, tạo môi trường
làm việc thuận lợi để phát triển năng lực cán bộ quản lý giáo dục và giảng viên
cơ sở giáo dục đại học.
b) Hoàn thiện cơ chế đầu tư cho cơ sở
giáo dục đại học theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung đầu tư xây dựng
một số ngành đào tạo mũi nhọn đạt trình độ khu vực, lấy hạt nhân là các chương trình
đào tạo cử nhân tài năng, chương trình chất lượng cao và chương trình tiên tiến.
c) Đề xuất cơ chế
phù hợp để tăng cường huy động nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài
nước cho phát triển giáo dục đại học; bảo đảm công bằng giữa cơ sở giáo dục
công lập và ngoài công lập; mở rộng các hình thức tín dụng ưu đãi đối với cơ sở
giáo dục đại học và sinh viên.
d) Có chính sách khuyến khích doanh
nghiệp trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng cơ sở giáo dục đại học trong các hoạt
động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng; cơ chế kết nối giữa
doanh nghiệp với cơ sở giáo dục đại học trong việc tham gia xây dựng, biên soạn,
thẩm định và thực hiện các chương trình đào tạo.
IV. KINH PHÍ, CƠ
CHẾ TÀI CHÍNH
1. Nguồn kinh phí
a) Kinh phí thực hiện Đề án được bảo
đảm từ nguồn ngân sách nhà nước, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và
ngoài nước; nguồn xã hội hóa và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của
pháp luật hiện hành.
b) Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ,
giải pháp của Đề án từ nguồn ngân sách nhà nước được giao
trong dự toán hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành, địa phương,
các cơ sở giáo dục đại học và các bên liên quan theo quy định của pháp luật
ngân sách nhà nước hiện hành.
2. Cơ chế tài chính
a) Cơ quan, đơn vị sử dụng nguồn kinh
phí ngân sách nhà nước có trách nhiệm lập dự toán, gửi cấp có thẩm quyền xem
xét, phê duyệt và quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.
b) Đơn vị chủ trì thực hiện các giải
pháp được quy định trong Đề án có trách nhiệm huy động các nguồn kinh phí hợp
pháp, kết hợp với phần ngân sách nhà nước để bảo đảm thực hiện Đề án phù hợp điều
kiện thực tế và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
c) Các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở
giáo dục đại học, tổ chức, đơn vị phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất
các hoạt động phù hợp với nhiệm vụ, giải pháp của Đề án; dự toán kinh phí
trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo phân cấp quản lý
ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật hiện hành.
d) Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp
có năng lực, điều kiện phù hợp đóng góp kinh phí và được khai thác, hưởng lợi từ
các hoạt động trong khuôn khổ Đề án theo quy định của pháp luật hiện hành.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện Đề án.
b) Phối hợp với Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội và các bên liên quan trong việc dự báo cung - cầu nhân lực trình
độ cao và đào tạo giáo viên trong phạm vi cả nước.
c) Hướng dẫn kiểm tra, giám sát, tổng
hợp kết quả thực hiện Đề án; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án, báo
cáo Thủ tướng Chính phủ; đề xuất điều chỉnh, bổ sung Đề án trong trường hợp cần
thiết.
2. Bộ Tài chính
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục
và Đào tạo và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan bố trí kinh phí thường
xuyên để thực hiện Đề án.
b) Giao phân bổ dự toán chi ngân
sách, cấp phát kinh phí thực hiện Đề án theo đúng quy định của pháp luật.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ
Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan trung ương, các địa phương có liên quan cân
đối nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện Đề án theo quy định của Luật ngân
sách nhà nước, Luật đầu tư công.
4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào
tạo và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan, định kỳ công bố Dự báo nhu cầu
nhân lực và thông tin thị trường lao động trong phạm vi cả nước.
5. Bộ Khoa học và Công nghệ
Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và
Đào tạo và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan có biện pháp theo dõi, kiểm
tra, giám sát và tổng kết thực hiện các đề tài, đề án theo đúng tiến độ.
6. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt
Nam (VCCI) và các hiệp hội nghề nghiệp
Tham gia xây dựng chuẩn đầu ra, chuẩn
nghề nghiệp theo từng ngành đào tạo; tham gia vào quá trình đào tạo nguồn nhân
lực, giám sát các điều kiện bảo đảm chất lượng và chất lượng đầu ra của các cơ
sở giáo dục đại học.
7. Các Bộ, ngành có liên quan
a) Các Bộ, ngành có liên quan hoặc có
cơ sở giáo dục đại học trực thuộc căn cứ theo chức năng nhiệm vụ, phối hợp với
Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề
án.
b) Tăng cường cải cách hành chính,
khuyến khích cơ sở giáo dục đại học trực thuộc đẩy mạnh tự chủ theo quy định của
pháp luật.
8. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương
a) Căn cứ theo chức năng nhiệm vụ phối
hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc dự báo nhu cầu nguồn nhân lực trình độ
cao tại địa phương;
b) Chỉ đạo cơ sở giáo dục đại học của
địa phương hoặc của các Bộ, ngành đóng trên địa bàn thực hiện tốt công tác phát
triển nguồn nhân lực trình độ cao.
9. Cơ sở giáo dục đại học
a) Cung cấp thông tin cần thiết cho Hệ
thống thu thập thông tin, phân tích và dự báo cung - cầu nguồn nhân lực trình độ
cao.
b) Thực hiện quản trị đại học hiệu quả;
tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng
viên và cán bộ quản lý; tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng và thực hiện
kiểm định chất lượng giáo dục; đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo,
nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
c) Đẩy mạnh giao lưu, trao đổi và hợp
tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
10. Các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng
lao động
a) Hỗ trợ kinh phí và phối hợp chặt
chẽ với cơ sở giáo dục đại học trong suốt quá trình đào tạo để bảo đảm sinh
viên tốt nghiệp đạt được chuẩn đầu ra; chủ động đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng
nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
b) Kết nối chặt chẽ
với Hệ thống thông tin thu thập, phân tích và dự báo cung - cầu nguồn nhân lực
trình độ cao để xây dựng kế hoạch chiến lược trong sản xuất, kinh doanh của
doanh nghiệp.
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các tổ chức, cơ
quan và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ
tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Ủy ban VHGDTTNNĐ của Quốc hội;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Cơ quan Trung ương của các
đoàn thể;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp
Việt Nam;
- Các cơ sở giáo dục đại học;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý
TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: PL, TCCV, KTTH, QHQT;
- Lưu: VT, KGVX (3b). ĐND
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Vũ Đức Đam
|