Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 4507/QĐ-UBND.VX Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An Người ký: Đinh Thị Lệ Thanh
Ngày ban hành: 06/10/2015 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4507/QĐ-UBND.VX

Nghệ An, ngày 06 tháng 10 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN "THÍ ĐIỂM CHƯƠNG TRÌNH SỮA HỌC ĐƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN NĂM HỌC 2015 - 2016"

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 226/QĐ-TTg ngày 22/02/2012 về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030;

Căn cứ Quyết định số 5438/QĐ-BYT ngày 30/12/2014 của Bộ Y tế về Ban hành Chương trình hành động của Ngành Y tế triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-CP về đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc trong lĩnh vực Y tế;

Căn cứ Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 04/4/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển sự nghiệp Y tế tỉnh Nghệ An đến năm 2020;

Căn cứ Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 08/8/2014 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tăng cường công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi trong tình hình mới;

Xét đề nghị của Sở Y tế Nghệ An tại Tờ trình số 2460/TTr-SYT ngày 05/10/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Đề án "Thí điểm Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm học 2015 - 2016" (Có Đề án kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Y tế; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Vinh và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Thị Lệ Thanh

 

ĐỀ ÁN

THÍ ĐIỂM CHƯƠNG TRÌNH SỮA HỌC ĐƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN NĂM HỌC 2015 - 2016
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4507/QĐ-UBND.VX ngày 06 tháng 10 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ BAN HÀNH ĐỀ ÁN

I. Sự cần thiết ban hành Đề án

1. Thực trạng dinh dưỡng của trẻ em

a) Tình hình suy dinh dưỡng

Trẻ em tuổi học đường của Việt Nam chiếm 1/3 dân số, trong đó lứa tuổi vàng là mầm non và tiểu học có 12.111.384 em (riêng Nghệ An có 428.648 em đang học tại 1.093 trường). Giai đoạn học đường là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa các tiềm năng di truyền liên quan đến tầm vóc, thể lực và trí tuệ, là giai đoạn trẻ tích lũy chất dinh dưỡng cần thiết chuẩn bị cho giai đoạn dậy thì tiếp theo, đây là giai đoạn có sự biến đổi nhanh cả về thể chất và tâm lý, nhưng cũng là giai đoạn rất dễ bị suy dinh dưỡng (SDD) ảnh hưởng đến tầm vóc sau này. Vì vậy cần phải đảm bảo sự phát triển toàn diện về thể lực và trí tuệ - cơ sở để tiếp nhận và phát triển khoa học kỹ thuật, cho trẻ em trong giai đoạn này.

Về thể lực, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khoảng 54% chiều cao tối đa của trẻ đã đạt được khi tròn 3 tuổi, 32% chiều cao tối đa vào tuổi 12 và 14% còn lại vào tuổi 18. Như vậy, giai đoạn từ khi sinh ra đến 12 tuổi là giai đoạn phát triển chiều cao chủ yếu của trẻ, đây là giai đoạn cần sự đáp ứng dinh dưỡng tối đa. Tuy nhiên, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn còn cao, theo thống kê của Viện Dinh dưỡng năm 2014, tỷ lệ trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị suy dưỡng thể nhẹ cân là 14,5%, thể thấp còi là 24,9% (riêng Nghệ An là 18% và 29%). Chiều cao nam thanh niên Việt Nam hiện nay trung bình chỉ đạt 163,7cm, thấp hơn 13,1cm so với chuẩn của WHO và chiều cao trung bình của nữ Việt Nam là 153cm, thấp hơn 10,7cm so với chuẩn của WHO. So với tầm vóc của thanh niên các nước trong khu vực thì tầm vóc của thanh niên nước ta kém hơn. Đây là một vấn đề ảnh hưởng sâu sắc tới nguồn nhân lực tương lai của đất nước, trong đó có thanh niên Nghệ An.

Tại nghệ An, trong những năm qua, công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi theo cân nặng giảm từ 21,7% (năm 2010) xuống 18% (năm 2014), theo chiều cao giảm từ 32,9% (năm 2010) xuống 29% (năm 2014). Tuy nhiên, so với mức trung bình toàn quốc năm 2014 thì tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ở tỉnh ta vẫn còn cao và có sự chênh lệch giữa các vùng, miền. Đặc biệt tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở các gia đình nghèo, cận nghèo vùng nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số vẫn còn ở mức rất cao (tỷ lệ suy dinh dưỡng theo chiều cao vùng nông thôn từ 20 - 30%, miền núi từ 28 - 44%; theo cân nặng vùng nông thôn trên 15%, miền núi trên 20%).

b) Tình hình thiếu vi chất dinh dưỡng

Các vi chất dinh dưỡng có vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển toàn vẹn về thể lực và trí tuệ của trẻ lứa tuổi học đường, đặc biệt trẻ vị thành niên. Các thiếu hụt vi chất dinh dưỡng phổ biến nhất và gây ảnh hưởng rõ rệt lên năng lực và thành tích học tập của trẻ lứa tuổi học đường bao gồm: sắt, kẽm, vitamin A, vitamin D và I ốt. Trong những năm gần đây, tuy được thế giới ghi nhận Việt Nam có nhiều thành tựu trong việc giảm tỷ lệ thiếu vitamin A, vitamin D, Fe, I ốt nhưng đây vẫn còn là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là đối với trẻ em.

Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng năm 2009 cho thấy có 29,4% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu. Theo kết quả khảo sát tình trạng dinh dưỡng trẻ em Việt Nam và khu vực Đông Nam Á năm 2011 (SEANUTS) tại 6 tỉnh thành cho thấy: Tỷ lệ thiếu máu trẻ em 6 tháng đến 60 tháng tuổi là 23%, trong đó ở nông thôn là 25% và thành thị là 20%, trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi có tỷ lệ thiếu máu cao nhất (25,9% ở thành thị và 54,3% ở nông thôn). Tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em tiểu học là 11,8% và tỷ lệ trẻ có dự trữ sắt cạn kiệt (Ferritin <15ug/L) là 6%; Tỷ lệ trẻ có dự trữ sắt thấp (Ferritin <30ug/L) là 28,8%. Thiếu máu không chỉ gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển thể lực, tới quá trình dậy thì bình thường của trẻ, mà còn làm giảm năng lực học tập. Trẻ bị thiếu máu thường có biểu hiện kém hoạt bát, giảm sự chú ý trong giờ học, kết quả học tập kém và làm giảm sút nghiêm trọng hiệu quả của giáo dục toàn diện.

Cùng với thiếu máu, thiếu kẽm cũng đang là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng ảnh hưởng tới một tỷ lệ không nhỏ trẻ em Việt Nam. Theo ước tính của tổ chức tư vấn quốc tế về kẽm khoảng 27,8% dân số Việt Nam bị thiếu kẽm. Kết quả điều tra về tình hình thiếu vi chất năm 2010 trên 586 trẻ 6 tháng đến 75 tháng tại Việt Nam kết quả cũng cho thấy tỷ lệ thiếu kẽm rất cao 51,9%.

Trong những năm gần đây, tuy được thế giới ghi nhận là Việt Nam có nhiều thành tựu trong việc giảm tỷ lệ thiếu vitamin A trên cộng đồng nhưng thiếu vitamin A tiền lâm sàng (retinol huyết thanh thấp) vẫn là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng ở trẻ em. Theo kết quả tổng điều tra vi chất năm 2009 của Viện Dinh dưỡng tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 14,2%. Theo số liệu điều tra SEANUTS năm 2011 tại 6 tỉnh thành: Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 7,7% và khoảng một nửa trẻ em (48,9%) có tình trạng thiếu vitamin A giới hạn (retinol huyết thanh ≥ 0,7 và <1,05 umol/L).

Thiếu vitamin D cũng là vấn đề lớn đối với sức khỏe cộng đồng ở trẻ em Việt Nam hiện nay. Kết quả điều tra SEANUTS 2011 tại 6 tỉnh thành cho thấy: Tỷ lệ thiếu vitamin D của trẻ em tiểu học khá cao dao động từ 46-58%. Kết quả điều tra về tình trạng thiếu đa vi chất dinh dưỡng ở trẻ nhỏ tại các vùng nông thôn Việt Nam 2008 cho thấy tỷ lệ thiếu kẽm, selenium, magnesium ở mức cao tương ứng 86,9%, 62,3% và 51,9%. Thiếu đồng thời từ 2 vi chất dinh dưỡng trở lên chiếm tới 79,4% số trẻ. Trẻ bị suy dinh dưỡng có nguy cơ cao bị thiếu vi chất dinh dưỡng, nghiên cứu trên trẻ 6-36 tháng tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi cho thấy những trẻ này có tỷ lệ thiếu máu, thiếu vitamin A và thiếu kẽm là 40,9%; 27,2% và 40,0%.

Như vậy tình hình thiếu vi chất dinh dưỡng của trẻ em vẫn còn ở mức cao và cần sớm quan tâm cải thiện.

2. Công tác chỉ đạo của Quốc gia và kinh nghiệm triển khai Chương trình Sữa học đường ở một số tỉnh

a) Chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế

Để thực hiện cam kết đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, trong đó có Mục tiêu số 1 xóa đói, giảm nghèo với chỉ tiêu giảm 50% tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi vào năm 2015, Chính phủ, các Bộ, Ngành liên quan của Việt Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện, trong đó có nhiều văn bản quan trọng đề cập đến vấn đề sữa học đường, như:

- Tại khoản a và b, mục 5 điều 1 của Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030. Trong đó Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Y tế chủ trì Chương trình 1 và Chương trình 2 “Chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan”. Một trong 6 nội dung quan trọng của Chương trình 2 mà chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế chủ trì thực hiện là xây dựng triển khai Chương trình Sữa học đường cho học sinh mầm non và tiểu học;

- Tại Quyết định số 226/QĐ-TTg, ban hành ngày 22/02/2012 về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn 2030. Trong khoản a, mục 2, điều 1 đã nêu rõ mục tiêu trọng tâm là cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, giảm suy dinh dưỡng thấp còi góp phần nâng cao tầm vóc của trẻ em Việt Nam. Đồng thời, việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và cung ứng các sản phẩm dinh dưỡng đặc thù hỗ trợ cho vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cũng được đề cập trong khoản a, mục 3, Điều 1;

- Tại Quyết định số 1962/QĐ-BYT ban hành ngày 06/6/2013 Bộ Y tế đã cụ thể hóa nội dung của Chiến lược bằng phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2015”. Trong khoản đ, mục 2, Điều 1 có nêu rõ xây dựng và triển khai chương trình dinh dưỡng học đường (từng bước thực hiện thực đơn tiết chế dinh dưỡng và sữa học đường cho lứa tuổi mầm non và tiểu học) là một trong những giải pháp về truyền thông vận động và truyền thông giáo dục;

- Tại Quyết định số 5438/QĐ-BYT ngày 30/12/2014 của Bộ Y tế về Ban hành Chương trình hành động của Ngành Y tế triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-CP về đy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc trong lĩnh vực Y tế đã giao Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em chủ trì, phối hợp với các Vụ, Cục và đơn vị có liên quan xây dựng Chương trình sữa học đường trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

b) Kinh nghiệm triển khai tại một số tỉnh

- Đề án Sữa học đường Đồng Nai giai đoạn 2014 - 2020 được Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai thông qua từ cuối năm 2013 và bắt đầu thí điểm từ tháng 9/2014. Đề án đã nhận được sự ủng hộ của người dân, phụ huynh và học sinh trong tỉnh. Qua khảo sát cho thấy, có đến 97% cha mẹ đồng ý đóng góp hàng tháng cho con em được uống sữa tại trường. Mặc dù chưa có đánh giá về tỷ lệ suy dinh dưỡng nhưng bước đầu ghi nhận số trẻ đến trường đã tăng cao, trong đó, trẻ 3-4 tuổi đến lớp đạt tỷ lệ 95,7%; trẻ 5 tuổi đạt 99,5% và tỷ lệ trẻ chuyên cần là 93%.

- Sau khi thí điểm triển khai chương trình Sữa học đường tại huyện Thuận Thành năm học 2014 - 2015, hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đã chính thức triển khai chương trình tại tất cả các trường mầm non trên toàn tỉnh với tổng số 158 trường, không phân biệt trường công lập hay dân lập. Nguồn kinh phí bảo đảm cho chương trình gồm ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, phụ huynh đóng góp và các nguồn xã hội hóa. Mục tiêu là đến cuối năm 2017, tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng và suy dinh dưỡng chiều cao tại tất cả các trường mầm non của tỉnh sẽ giảm xuống còn 3.5% và 4% tương ứng.

- Chương trình Sữa học đường được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai từ năm 2007, đến nay chương trình đã bước sang giai đoạn II. Kết quả cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em toàn tỉnh giảm trung bình 1,64% mỗi năm, so với trung bình toàn quốc là 0,7% và Nghệ An là 0,9%. Năm học 2014- 2015, Chương trình cung cấp sữa cho hơn 55.000 trẻ em đang học ở trường mầm non và 4.000 trẻ suy dinh dưỡng ngoài cộng đồng. Theo đó, trẻ em các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đều được uống sữa 2 lần/tuần trong năm học (9 tháng).

Qua kinh nghiệm triển khai của các địa phương trên đây, có thể thấy hiệu quả rõ rệt của sữa học đường trong cải thiện tình trạng dinh dưỡng học sinh. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu giảm nhanh tình trạng suy dinh dưỡng xuống ngang hoặc dưới mức trung bình của cả nước thì Nghệ An cần triển khai Đề án với quy mô lớn hơn, đặc biệt nguồn sữa phải là sữa tươi tiệt trùng được sản xuất theo tiêu chuẩn dành riêng cho lứa tuổi học đường.

3. Công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em tại Nghệ An và kết quả triển khai Chương trình thử nghiệm Sữa học đường tại huyện Nghĩa Đàn

a) Công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em tại Nghệ An

Trong những năm qua, công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chỉ đạo. Vì vậy, chỉ tiêu về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng luôn là chỉ tiêu quan trọng trong các Nghị quyết của Đảng, văn bản chỉ đạo của chính quyền:

- Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ lần thứ 16 đặt ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi xuống 15% vào năm 2015. Tuy nhiên, đến nay chỉ tiêu này chưa đạt được do có nhiều yếu tố tác động và cũng đã được điều chỉnh lại.

- Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 04/4/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển sự nghiệp y tế tỉnh Nghệ An đến năm 2020 đã đặt chỉ tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi xuống mức 17,5%.

- Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 08/8/2014 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tăng cường công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi trong tình hình mới.

Tuy được quan tâm chỉ đạo như vậy, song kết quả thực tế trong cải thiện tình trạng dinh dưỡng, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế. Kinh nghiệm cho thấy nếu chỉ tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân tự cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho các cháu mà thiếu đi một mô hình can thiệp cụ thể nhằm hỗ trợ dinh dưỡng và một lượng vi chất cần thiết cho trẻ thì hiệu quả phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em không cao.

b) Chương trình thử nghiệm Sữa học đường tại huyện Nghĩa Đàn

Thực hiện Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030; Quyết định số 5438/QĐ-BYT ngày 30/12/2014 của Bộ Y tế về Ban hành Chương trình hành động của Ngành Y tế triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-CP về đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc trong lĩnh vực Y tế. Để tham mưu trình Chính phủ ban hành Chương trình Sữa học đường cho học sinh mầm non và tiểu học, Bộ Y tế đã giao Viện Dinh dưỡng phối hợp với các địa phương và Doanh nghiệp sản xuất sữa triển khai thí điểm Chương trình Sữa học đường. Nhận thấy huyện Nghĩa Đàn có thế mạnh là Tập đoàn TH chuyên chăn nuôi bò sữa và sản xuất sữa tươi sạch đóng trên địa bàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan, chính quyền địa phương phối hợp với Viện Dinh Dưỡng triển khai thí điểm Chương trình. Sản phẩm được sử dụng trong Chương trình thí điểm là Sữa tươi tiệt trùng học đường (TH Schoolmilk).

Với mục đích đánh giá hiệu quả cải thiện tình trạng dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng thông qua sử dụng Sữa tươi tiệt trùng học đường (TH Schoolmilk) của học sinh mầm non và tiểu học của huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Chương trình đã tiến hành cho các trẻ từ 24 - 59 tháng tuổi đang học tại 6 trường mầm non và trẻ từ 6 - 11 tuổi đang học tại 6 trường tiểu học của huyện Nghĩa Đàn uống Sữa tươi tiệt trùng học đường do Tập đoàn TH True Milk sản xuất, mỗi ngày 1 ly sữa 180ml, 5 ngày/tuần và liên tục trong 5 tháng. Kết quả như sau:

- Tình trạng dinh dưỡng của học sinh trước can thiệp

+ Tình trạng dinh dưỡng của học sinh mầm non: Tỷ lệ SDD thể nhẹ cân là 12,3%, tỷ lệ SDD thể thấp còi khá cao là 21,5% và tỷ lệ SDD thể gầy còm là 2,8%, tỷ lệ thừa cân là 1,4% và tỷ lệ béo phì là 1,1%.

+ Tình trạng dinh dưỡng của học sinh tiểu học: Tỷ lệ SDD thể nhẹ cân cao nhất: 21,5 %, tỷ lệ SDD thể thấp còi là 17,8% và tỷ lệ SDD thể gầy còm cũng khá cao 10,1 %, tỷ lệ thừa cân là 3,4 % và tỷ lệ béo phì là 1,7%.

- Tình trạng dinh dưỡng của học sinh sau can thiệp

+ Đối với học sinh mầm non: Tỷ lệ SDD thể nhẹ cân đã giảm 2,8%, tỷ lệ SDD thấp còi giảm 1,4%, tỷ lệ SDD gầy còm giảm 1%. Sự thay đổi về cân nặng và chiều cao có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa thời điểm trước và sau can thiệp.

+ Đối với học sinh tiểu học:

Tỷ lệ SDD thể nhẹ cân đã giảm 3,1%, SDD thể thấp còi giảm 1,5% và SDD gầy còm giảm 1%, mức độ giảm nhiều hơn so với nhóm chứng không được uống sữa. Điều đáng lưu ý‎ là tỷ lệ SDD thấp còi ở nhóm chứng không những không giảm mà còn bị tăng 0,9%.

Sau 5 tháng triển khai, chiều cao của nhóm can thiệp được cải thiện hơn so với nhóm chứng (chiều cao nhóm can thiệp tăng 0,4 cm cao hơn so với nhóm chứng). Khẩu phần canxi và vitamin D ở nhóm can thiệp đã được cải thiện có ý nghĩa thống kê ở thời điểm kết thúc can thiệp so với nhóm chứng.

- Hiệu quả của sử dụng Sữa tươi tiệt trùng học đường” bổ sung vi chất đối với cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng

+ Hiệu quả đối với giảm tỷ lệ thiếu máu: Sau 5 tháng sử dụng Sữa tươi tiệt trùng học đường bổ sung vi chất của TH True milk, tỷ lệ thiếu máu của nhóm can thiệp đã giảm có ý nghĩa thống kê so với nhóm chứng (nhóm can thiệp giảm 7,6%, nhóm chứng tăng 0,9%). Giảm thiếu máu sẽ giúp trẻ khỏe mạnh, tập trung học tập tốt hơn.

+ Hiệu quả đối với giảm tỷ lệ thiếu vitamin A: Sau 5 tháng sử dụng Sữa tươi tiệt trùng học đường bổ sung vi chất của TH True milk, tỷ lệ thiếu vitamin A của nhóm can thiệp đã giảm có ý nghĩa thống kê so với nhóm chứng (nhóm can thiệp giảm 4,7%, nhóm chứng tăng 0,9%).

+ Hiệu quả đối với nồng độ kẽm và tỷ lệ thiếu kẽm: Sau 5 tháng sử dụng Sữa tươi tiệt trùng học đường bổ sung vi chất của TH True milk, nồng độ kẽm ở nhóm can thiệp tăng 0,78 µmol/L và tỷ lệ thiếu kẽm giảm 19,4%, trong khi nồng độ kẽm ở nhóm chứng bị giảm - 0,08 µmol/L và tỷ lệ thiếu kẽm ở nhóm này lại tăng 11,2%.

Như vậy can thiệp bằng sử dụng “Sữa tươi tiệt trùng học đường” bổ sung vi chất của TH True milk đã có hiệu quả cải thiện tình trạng dinh dưỡng (cân nặng và chiều cao) và vi chất dinh dưỡng của trẻ em, đặc biệt là bổ sung sắt cùng với acid folic giúp giảm tỷ lệ thiếu máu do thiếu sắt sẽ giúp trẻ tập trung học tập tốt hơn.

II. Căn cứ ban hành Đề án

- Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030.

- Quyết định số 226/QĐ-TTg ngày 22/02/2012 về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030.

- Quyết định số 1962/QĐ-BYT ngày 06/06/2013 Bộ Y tế về việc phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2015”.

- Quyết định số 5438/QĐ-BYT ngày 30/12/2014 của Bộ Y tế về Ban hành Chương trình hành động của Ngành Y tế triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-CP về đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc trong lĩnh vực Y tế.

- Quyết định số 14/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 03/5/2001 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế về giáo dục thể chất và y tế trường học;

- Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25/7/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình Giáo dục mầm non;

- Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 04/4/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển sự nghiệp y tế tỉnh Nghệ An đến năm 2020;

- Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 08/8/2014 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tăng cường công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi trong tình hình mới.

- Thông báo số 1644-TB/TU ngày 05/10/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc cho ý kiến dự thảo Đề án Sữa học đường tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020.

Từ thực tiễn và căn cứ nêu trên, việc ban hành "Đề án thí điểm Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm học 2015 - 2016" là phù hợp và cần thiết.

Phần II

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

Bổ sung dinh dưỡng và các vi chất cần thiết góp phần phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học, thông qua đó cải thiện tầm vóc thế hệ tương lai của thanh thiếu niên tỉnh Nghệ An.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Đạt tỷ lệ 100% trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học (bao gồm cả các trường trong và ngoài công lập) được uống sữa 5 lần/tuần, mỗi lần 180 ml và thực hiện 9 tháng.

- Góp phần làm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn tỉnh.

- 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế học đường, cộng tác viên chương trình được tham gia các lớp tập huấn, có kiến thức và kỹ năng thực hành chăm sóc dinh dưỡng (đặc biệt là về sữa học đường) cho trẻ em trong trường học.

- 100% phụ huynh học sinh được tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng thực hành đúng về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ, các vấn đề liên quan đến chế độ dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe trẻ em tại gia đình; có kiến thức về sữa học đường và hỗ trợ trẻ em được hưởng quyền lợi theo Đề án.

- 100% các trường thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức cho trẻ uống sữa tại trường; có cách thức vận hành, ghi chép sổ sách, lưu mẫu sữa theo quy định về an toàn thực phẩm.

II. Nhiệm vụ và giải pháp

1. Công tác tổ chức, chỉ đạo

- Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược quốc gia dinh dưỡng ở các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án Sữa học đường. Các địa phương rà soát lại thành phần Ban chỉ đạo, nếu cần thiết thì kiện toàn, bổ sung thành viên để đáp ứng được nhiệm vụ chỉ đạo triển khai Đề án Sữa học đường trên địa bàn.

- Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược quốc gia dinh dưỡng các cấp ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án.

2. Lựa chọn nguồn sữa thích hợp

Sữa phục vụ Đề án Sữa học đường tỉnh Nghệ An phải đáp ứng các tiêu chí sau:

- Được chế biến từ sữa tươi nguyên liệu là sữa tươi sạch lấy từ các trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung, thành phần có đường hoặc không đường, được bổ sung vi chất dinh dưỡng với hàm lượng như sau:

STT

Tên chỉ tiêu

Đơn vị tính

Hàm lượng

1

Vitamin A

IU/100ml

190 – 220

2

Vitamin D

IU/100ml

55 – 70

3

Axit folic

µg/100ml

28 – 34

4

Sắt

mg/100ml

1,4 - 1,8

5

Canxi

mg/100ml

110 – 145

6

Kẽm

mg/100ml

1,1 - 1,4

- Được sản xuất theo QCVN 5-1:2010/BYT

- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng.

- Có ghi nhãn đối với sữa cho Chương trình Sữa học đường (“Sữa phục vụ Chương trình Sữa học đường”) theo quy định tại Thông tư liên tịch số 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 27 tháng 10 năm 2014 của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bao gói sẵn; Thông tư số 43/2014/TT-BYT ngày 24 tháng 11 năm 2014 của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý thực phẩm chức năng và các quy định khác có liên quan.

- Có nghiên cứu lâm sàng về Sữa học đường, có kết quả đối chứng về hiệu quả sử dụng sản phẩm sữa học đường trên học sinh mầm non và tiểu học; sản phẩm đã được Bộ Y tế xác nhận hiệu quả trong nghiên cứu cải thiện tình trạng dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng của trẻ em.

3. Công tác khảo sát thực trạng suy dinh dưỡng trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học phục vụ đánh giá hiệu quả

- Tất cả trẻ em tại các trường mầm non và tiểu học được khảo sát thể lực thông qua đo chiều cao và cân nặng, kết quả được lưu và đối chiếu, so sánh với lần sau nhằm đánh giá hiệu quả của sữa học đường cho từng độ tuổi.

- Nhân viên y tế trường học phối hợp với các giáo viên để thực hiện việc đo thể lực học sinh một cách nghiêm túc và đảm bảo tính chính xác. Các trường chưa có nhân viên y tế trường học thì giáo viên dạy giáo dục thể chất thực hiện. Trạm Y tế xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm giám sát và hướng dẫn quy trình thực hiện.

- Kết quả khảo sát được tổng hợp báo cáo cho Trạm Y tế xã, Trung tâm Y tế cấp huyện để tổng hợp, đánh giá.

4. Công tác truyền thông và tập huấn (Phụ lục 1)

a) Công tác truyền thông, vận động

Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức các cấp ủy Đảng, chính quyền, giáo viên, phụ huynh và học sinh về tầm quan trọng của Sữa học đường trong việc phòng, chống suy dinh dưỡng, cải thiện tầm vóc, phát triển trí tuệ thế hệ tương lai của thanh thiếu niên Nghệ An; tuyên truyền, vận động các nhà tài trợ, phụ huynh học sinh tham gia đóng góp kinh phí cho việc triển khai Đề án bằng hình thức phù hợp:

- Các nhà trường lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp phụ huynh đầu năm, giữa năm. Thông qua cuộc họp, vận động phụ huynh tự nguyện đăng ký và ký cam kết tham gia Đề án.

- Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng và đưa tin, bài, phóng sự về tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi của trẻ em Nghệ An, đặc biệt là tại các vùng khó khăn; ý nghĩa của việc triển khai Đề án Sữa học đường trong các trường mầm non, tiểu học:

+ Phát Video tuyên truyền thông điệp về Sữa học đường trên Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An vào giờ vàng (trước thời sự Nghệ An lúc 19h45).

+ Xây dựng và phát tin, phóng sự tuyên truyền về Sữa học đường trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Nghệ An.

- Báo Nghệ An, các Báo có văn phòng đại diện và địa chỉ thường trú tại địa bàn thực hiện các bài viết tuyên truyền về các nội dung liên quan đến Sữa học đường.

- Chính quyền địa phương tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, quyền lợi và nghĩa vụ của phụ huynh và học sinh khi tham gia Đề án Sữa học đường trên tất cả các hệ thống phát thanh phường, xã.

- Xây dựng các cụm Pano tuyên truyền về Sữa học đường tại 21 huyện, thành, thị; xây dựng Biển bảng truyền thông về chương trình ở 2 đầu cửa ngõ vào thành phố Vinh.

- In và phát tờ rơi về Sữa học đường tới tận tay phụ huynh học sinh.

- Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Sữa học đường thu hút phụ huynh và học sinh tham gia tại 21 huyện, thành, thị. Tổ chức thi chung kết và truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình tỉnh Nghệ An.

b) Công tác tập huấn, nâng cao năng lực

- Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý, thực hiện Đề án; nâng cao kỹ năng truyền thông, vận động; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Sữa học đường cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ y tế phụ trách triển khai Đề án tại các trường mầm non, tiểu học.

- Tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên tại các trường mầm non và tiểu học về các nội dung liên quan đến Sữa học đường.

5. Vận chuyển và bảo quản Sữa học đường

- Vận chuyển sữa bằng các phương tiện chuyên dùng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo định kỳ 2 tuần/lần. Đối với vùng thành thị và đồng bằng, sữa được vận chuyển tới từng trường. Đối với các huyện miền núi, sữa được vận chuyển tới điểm trường chính (nếu có đường ô tô vào được), các trường bố trí tiếp nhận và chuyển tới từng điểm trường lẻ (nếu có); trong trường hợp ô tô không vào được điểm trường chính thì sữa được vận chuyển tới Phòng Giáo dục, sau đó doanh nghiệp cung ứng sữa bố trí phương án chuyển sữa đến điểm trường chính.

- Nhà trường bố trí tiếp nhận, bảo quản sữa tại nơi sạch sẽ, thoáng mát, an toàn và tối đa không quá 2 tuần cho mỗi đợt.

- Nhà trường huy động nhân lực tham gia bốc vác, vận chuyển sữa từ nơi phương tiện vận chuyển đến nơi bảo quản an toàn.

- Hỗ trợ kinh phí vận chuyển tại những điểm ô tô không vào được và kinh phí bốc chuyển sữa (Doanh nghiệp cung ứng sữa chịu trách nhiệm).

6. Thực hành cho học sinh uống Sữa

- Mỗi học sinh mầm non và tiểu học được uống Sữa 5 lần/tuần, trong 9 tháng của năm học, mỗi lần 180 ml, vào giờ nhất định: Đối vởi trẻ mầm non và tiểu học bán trú, thời gian uống sữa là từ 14h - 15h; đối với trẻ tiểu học không bán trú, thời gian uống sữa là giờ ra chơi giữa buổi học.

- Hiệu trưởng phân công giáo viên chịu trách nhiệm cho học sinh uống sữa đảm bảo số lượng, số lần, đúng giờ và an toàn thực phẩm trong quá trình uống, đồng thời theo dõi, ghi chép kết quả thực hiện của từng ngày để tổng hợp báo cáo. Có thể huy động một số em học sinh gương mẫu, có sức khỏe (đối với các lớp trên của cấp tiểu học) hỗ trợ trong quá trình thực hiện.

- Sữa sử dụng có quy cách đóng hộp 1 lít. Giáo viên trước khi bóc hộp sữa cần kiểm tra tình trạng hộp bằng cảm quan (còn nguyên dạng, đảm bảo chất lượng nhà sản xuất). Khi rót sữa ra ly giấy, cần kiểm tra màu sữa bằng cảm quan, đảm bảo là sữa còn trong tình trạng tốt.

- Ly cho học sinh uống sữa là ly giấy, ly nhựa. Với ly giấy, giáo viên không tái sử dụng ly giấy đã dùng. Với ly nhựa, nhà trường bố trí nhân lực vệ sinh ly đúng hướng dẫn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

7. Chính sách hỗ trợ

a) Cơ chế hỗ trợ học sinh

Từ nguồn xã hội hóa, các hỗ trợ được tính toán để tất cả trẻ mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh đều được uống sữa:

- Tài trợ toàn bộ 100% chi phí sản phẩm đối với trẻ mầm non và tiểu học thuộc diện hộ nghèo theo chuẩn nghèo hiện hành (Thông tư số 24/2014/TT-BLĐTBXH ngày 06/9/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2012/TT-BLĐTBXH ngày 05/9/2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm; Quyết định số 09/2011/QT-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015), con thương binh, con liệt sỹ, con người có công với cách mạng (xác nhận của địa phương). Đối tượng này gọi là Diện A.

- Tài trợ 50% chi phí sản phẩm đối với trẻ mầm non và tiểu học thuộc các gia đình thuộc hộ cận nghèo (theo hướng dẫn của Thông tư số 24/2014/TT-BLĐTBXH và Quyết định số 09/2011/QT-TTg). Đối tượng này gọi là Diện B.

- Tài trợ 30% chi phí sản phẩm đối với trẻ mầm non và tiểu học thuộc diện còn lại để khuyến khích phụ huynh cho trẻ uống sữa tại trường. Đối tượng này gọi là Diện C.

b) Cơ chế hỗ trợ các đối tượng vận hành Đề án (Phụ lục 2)

- Hỗ trợ hợp lý cho giáo viên, nhà trường, phòng giáo dục tham gia thực hiện Đề án.

- Hỗ trợ đầu mối cấp phát sữa là Phòng giáo dục các huyện vùng cao.

- Hỗ trợ vận chuyển các điểm vùng sâu.

- Hỗ trợ bốc dỡ tại các điểm nhận.

- Xây dựng chính sách hợp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp đóng góp tích cực cho việc triển khai Đề án.

8. Huy động nguồn lực kinh phí

a) Nguồn ngân sách tỉnh

Đảm bảo hỗ trợ 15% trên tổng kinh phí doanh nghiệp bỏ ra thực hiện thí điểm tại các địa bàn 3 huyện Kỳ Sơn, Quỳnh Lưu và thành phố Vinh (Phụ lục 5).

b) Nguồn xã hội hóa từ các nhà tài trợ (Phụ lục 5)

Thành lập Quỹ Sữa học đường - Vì Tầm vóc Việt tỉnh Nghệ An nhằm huy động nguồn lực xã hội của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân.

Doanh nghiệp chủ trì triển khai và tự cân đối tài chính để thực hiện thí điểm Chương trình Sữa học đường.

Huy động từ các nhà tài trợ khác.

c) Nguồn đóng góp từ phụ huynh (Phụ lục 4)

- Diện A: Miễn phí hoàn toàn.

- Diện B: Đóng góp 50% sản phẩm sữa.

- Diện C: Đóng góp 70% sản phẩm sữa.

9. Xử lý rác thải

Vỏ hộp, ly giấy được thu gom ngay sau khi sử dụng để tránh thu hút ruồi, kiến và côn trùng khác gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý vỏ hộp, ly giấy như các rác thải hữu cơ thông thường. Các trường mầm non có thể tận dụng để làm đồ chơi, làm các mô hình phục vụ công tác dạy và học như mô hình phương tiện giao thông, sân chơi bóng rổ, khu vườn tuổi thơ...vv.

10. Công tác giám sát, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện

- Nhà trường tổ chức bộ phận giám sát, đánh giá việc triển khai thực hành cho học sinh uống sữa tại các lớp học.

- Ban chỉ đạo huyện tổ chức giám sát định kỳ hàng tháng và đột xuất tại các trường học, lớp học.

- Ban chỉ đạo tỉnh tổ chức giám sát hàng quý và đột xuất việc triển khai Đề án tại các huyện, thành, thị và các trường học.

- Trường báo cáo kết quả thực hiện cho Phòng Giáo dục và Đào tạo 2 tuần/lần; Phòng Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban chỉ đạo tỉnh (qua Sở Y tế) hàng tháng vào trước ngày 10 của tháng tiếp theo. Ban chỉ đạo tỉnh báo cáo kết quả cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh theo học kỳ và năm học.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Lộ trình thực hiện

1. Năm học 2015 - 2016

Đề án Sữa học đường được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó:

- UBND tỉnh đảm bảo hỗ trợ 15% trên tổng kinh phí doanh nghiệp bỏ ra tại 3 huyện thí điểm: Kỳ Sơn (huyện thuộc Chương trình 30a), Quỳnh Lưu (huyện vùng đồng bằng) và thành phố Vinh.

- Doanh nghiệp cung ứng sữa (đảm bảo các tiêu chí sữa học đường trong Đề án) tham gia triển khai tại các huyện còn lại. Ngoài nguồn đóng góp của phụ huynh về chi phí sản phẩm, doanh nghiệp và các nguồn lực xã hội sẽ hỗ trợ toàn bộ phần chi phí còn lại. Ban chỉ đạo thực hiện Chiến lược quốc gia dinh dưỡng tỉnh sẽ cùng doanh nghiệp vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ chương trình.

- Kết thúc năm học, Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình tổ chức đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm.

2. Các năm học tiếp theo

Tùy kết quả và kinh nghiệm triển khai Đề án trong năm học 2015 - 2016 để phê duyệt và triển khai Đề án Sữa học đường giai đoạn 2016 - 2020.

II. Kinh phí thực hiện tại 3 huyện thí điểm năm học 2015 - 2016 (Phụ lục 5):

161.397.800.000 đồng

(Một trăm sáu mốt tỷ ba trăm chín bảy triệu tám trăm ngàn đồng)

1. Hạng mục kinh phí

- Chi phí mua sữa: 157.630.400.000 đồng (Chi tiết Phụ lục 3, 4,5)

- Chi phí hỗ trợ quản lý, thực hiện: 3.767.400.000 đồng (Chi tiết Phụ lục 2)

2. Nguồn kinh phí

- Nguồn đóng góp của phụ huynh học sinh: 97.099.200.000 đồng.

- Các nguồn hỗ trợ: 64.298.600.000 đồng, trong đó:

+ UBND tỉnh cấp 15% trên tổng mức kinh phí doanh nghiệp hỗ trợ thực hiện tại 03 huyện, tương đương: 9.644.790.000 đồng

+ Doanh nghiệp và các nhà tài trợ: 54.653.810.000 đồng.

III. Phân công thực hiện

1. Ban chỉ đạo thực hiện Chiến lược quốc gia dinh dưỡng tỉnh:

- Chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về việc chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị triển khai Đề án thí điểm Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm học 2015 - 2016.

- Có trách nhiệm cùng với Doanh nghiệp cung ứng sữa huy động các nguồn lực xã hội, vận động các Doanh nghiệp, các nhà tài trợ hỗ trợ kinh phí chi mua sản phẩm sữa cho các cháu.

- Giám sát việc triển khai thực hiện "Quỹ Sữa học đường - Vì Tầm vóc Việt tỉnh Nghệ An"

2. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tham mưu Ban chỉ đạo tỉnh chỉ đạo triển khai Đề án;

- Chịu trách nhiệm giám sát, đánh giá hiệu quả Đề án; giám sát việc triển khai thực hiện Đề án từ khâu sản xuất đến tiếp nhận và thực hành cho học sinh uống sữa nhằm đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo chịu trách nhiệm giám sát "Quỹ Sữa học đường - Vì Tầm vóc Việt tỉnh Nghệ An"

- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với các đơn vị cùng cấp thuộc ngành Giáo dục để triển khai Đề án đạt hiệu quả và đúng tiến độ.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và Doanh nghiệp cung cấp sản phẩm triển khai tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên, y tế trường học tham gia Đề án.

- Chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường mầm non và tiểu học triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án:

+ Hàng năm thông báo cho phụ huynh học sinh thuộc diện A và diện B phô tô xác nhận tương ứng nộp cho nhà trường vào đầu năm học để thống kê chính xác danh sách thụ hưởng thuộc các diện này.

+ Tổ chức tuyên truyền vận động trực tiếp tại trường học, tại các cuộc họp phụ huynh học sinh;

+ Tiếp nhận, bảo quản và thực hành cho học sinh uống sữa;

+ Thu kinh phí phần đóng góp từ phụ huynh học sinh;

+ Thống kê, báo cáo kết quả triển khai Đề án;

- Phối hợp với các Sở, ngành khác để triển khai các nội dung liên quan.

- Tiếp nhận, quản lý, giám sát, thanh quyết toán phần kinh phí cấp từ ngân sách tỉnh;

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Cung cấp số liệu chính xác về các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, chính sách được đề cập đến trong Đề án;

- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai các hoạt động liên quan thuộc phạm vi Đề án.

5. Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo và chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai công tác tuyên truyền về các nội dung liên quan của Đề án trên các phương tiện thông tin đại chúng như; Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Nghệ An...vv.

6. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách để triển khai Đề án.

7. Sở Khoa học và Công nghệ: Có trách nhiệm ưu tiên kinh phí nhằm nghiên cứu đánh giá hiệu quả cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu vi chất sau các giai đoạn triển khai Đề án.

8. Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh khác tùy theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm tham gia vào các hoạt động có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.

9. Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp tuyên truyền, vận động để các bà mẹ nâng cao nhận thức và tự giác tham gia Đề án.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị: Chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai các nội dung Đề án tại địa bàn; Phối hợp với các Sở, Ngành để triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả.

11. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp với các ban, ngành và Ban chỉ đạo tổ chức thực hiện đề án tại địa bàn đạt hiệu quả tốt.

Trên đây là Đề án thí điểm Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm học 2015 - 2016. Trong quá trình triển khai nếu gặp các vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc giao Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết kịp thời./.

 

PHỤ LỤC 1:

KẾ HOẠCH TRUYỀN THÔNG

Đề án thí điểm Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm học 2015 - 2016

A. KẾ HOẠCH TỔNG THỂ

I. Mục tiêu truyền thông

- Tuyên truyền về Đề án Sữa học đường tới các công chúng, cộng đồng và các đối tượng liên quan đến chương trình nhằm tạo sự ủng hộ của cộng đồng.

- Tuyên truyền sâu rộng tới các nhà trường, cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận của các đối tượng tham gia Chương trình Sữa học đường.

II. Đối tượng truyền thông

Bao gồm những đối tượng chính sau:

- Công chúng;

- Chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã;

- Hệ thống giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường mầm non, tiểu học);

- Cha mẹ học sinh.

III. Nội dung truyền thông

Thông điệp chính: Sữa học đường hôm nay, thế hệ vàng ngày mai

IV.Các kênh truyền thông

- Hệ thống truyền hình: Đài truyền hình TW, Đài Truyền hình Nghệ An: Phát Tv trailer;

- Hệ thống phát thanh: Đài Phát thanh Nghệ An, Đài phát thanh các huyện, thành, thị huyện, đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn;

- Hệ thống cổng thông tin điện tử của tỉnh, website của các huyện, của Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, các phòng GD&ĐT;

- Hệ thống báo chí TW, địa phương (Báo Nghệ An, Báo Công an Nghệ An, Báo Lao động Nghệ An);

- Hệ thống quảng cáo ngoài trời;

- Pano về Chương trình trước các cổng trường (bảng tin) + trang web của trường, xã;

- Hội thảo, tập huấn triển khai chương trình Sữa học đường cấp phòng giáo dục và đào tạo, cấp trường: Hội thảo đào tạo cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Y tế, Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng và các nhân sự liên quan tới sữa học đường tại các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn về nội dung Chương trình, cách thức triển khai;

- Thông báo gửi phụ huynh học sinh;

- Truyền thông trong các cuộc họp Ban Đại diện cha mẹ học sinh và họp phụ huynh đầu năm;

- Tờ rơi, các tài liệu hướng dẫn khác.

V. Các hoạt động triển khai cụ thể

- Sự kiện Lễ triển khai chương trình Sữa học đường Nghệ An - Vì tầm vóc Việt - truyền hình trực tiếp tại Hà Nội;

- Đài truyền hình: Đài Truyền hình Nghệ An: Phát TV Spot;

- Đài truyền hình TW phát tin, bài liên quan đến Chương trình Sữa học đường Nghệ An;

- Đài phát thanh: Đài phát thanh Nghệ An, Đài phát thanh của huyện, đài truyền thanh của xã phát tin, bài liên quan đến Chương trình;

- Hệ thống cổng thông tin điện tử của tỉnh, website của các huyện, của Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, các phòng GD&ĐT đăng tin, bài liên quan đến Chương trình;

- Hệ thống báo chí TW, địa phương: Báo Nghệ An, Báo Công an Nghệ An, Báo Lao động Nghệ An đăng tin, bài liên quan đến Chương trình

- Hệ thống quảng cáo ngoài trời về các nội dung liên quan đến Chương trình;

- Pano về Chương trình trước các cổng trường (bảng tin) + trang web của trường, xã;

- Hội thảo, tập huấn triển khai chương trình Sữa học đường cấp phòng giáo dục và đào tạo, cấp trường;

- Truyền thông trong các cuộc họp Ban Đại diện cha mẹ học sinh và họp phụ huynh đầu năm;

- Tờ rơi, các tài liệu hướng dẫn khác trong hệ thống nhà trường.

VI. Số lượng dự kiến trong năm học 2015 - 2016

1.Trailer trên đài truyền hình: 270 lần quảng cáo trên Đài TH Nghệ An vào khung giờ vàng

2.Radio Clip tuyên truyền trong hệ thống đài phát thanh của tỉnh, huyện, xã /mỗi ngày 1 lần

3.Trên 90 tin bài về chương trình trên hệ thống báo chí bao gồm báo mạng và báo giấy;

4. Lắp đặt 21 cụm Pano tuyên truyền về chương trình Sữa học đường tại trung tâm 21 huyện thành thị, riêng tại thành phố Vinh, các điểm thuộc đầu thành phố và cuối thành phố;

5. Hệ thống biển, băng rôn tuyên truyền tại các điểm trường chính,dự kiến 1093 trường;

6. Các chương trình tập huấn, đào tạo bao gồm:

- Tập huấn cho cán bộ chuyên trách: Tổ chức 3 lớp tập huấn (nâng cao năng lực quản lý, thực hiện Đề án; nâng cao kỹ năng truyền thông, vận động; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Sữa học đường) cho 21 Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Y tế phụ trách triển khai Đề án tại các huyện;

- Tập huấn nhà trường, giáo viên mầm non, tiểu học: Tổ chức 29 lớp tập huấn cho giáo viên tại các trường mầm non và tiểu học tại 21 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh về các nội dung liên quan đến Sữa học đường (dự kiến mỗi trường có 4 đại diện tham dự gồm: Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, kế toán, giáo viên phụ trách dinh dưỡng hoặc Tổng phụ trách đội);

- Hội thảo/cuộc họp triển khai nâng cao nhận thức cho hệ thống chính quyền, đoàn thể thông qua các cuộc họp Đảng, đoàn thể và chuyên môn về tầm quan trọng của Sữa học đường trong việc phòng, chống suy dinh dưỡng, cải thiện tầm vóc, phát triển trí tuệ thế hệ tương lai của Nghệ An;

7. Họp phụ huynh

a) Họp Ban Đại diện cha mẹ học sinh thống nhất chủ trương, cách thức thực hiện huy động sự tham gia của phụ huynh;

b) Họp Hội phụ huynh: Phối hợp với nhà trường lồng ghép tuyên truyền Đề án trong các cuộc họp phụ huynh đầu năm, giữa năm; kêu gọi sự tham gia tự nguyện, hỗ trợ triển khai và giám sát đề án.

8. Tờ rơi và các ấn phẩm truyền thông: 1000.000 tờ rơi và các ấn phẩm khác.

B. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHI TIẾT

I. Kế hoạch truyền thông trên báo đài

Phối hợp trực tiếp với các cơ quan báo chí trên địa bàn để chỉ đạo xây dựng nội dung phù hợp với từng đối tượng tiếp cận (các cơ quan truyền thông chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch nội dung này). Kế hoạch sẽ được xây dựng trong 1 khung thời gian cụ thể theo tháng.

II. Kế hoạch và nội dung các chương trình đào tạo về Sữa học đường

1. Kế hoạch

a) Tập huấn, đào tạo cán bộ chuyên trách cấp phòng:

- Thành phần tham gia: Phòng Giáo dục và Đào tạo: Trưởng phòng, Phó phòng, cán bộ phụ trách mầm non, cán bộ phụ trách tiểu học + Trưởng, Phó phòng Y tế.

- Quy mô: 40-42 người/lớp

- Số lượng lớp dự kiến: 6 người/huyện x 21 huyện = 126 người = 3 lớp tập huấn.

b) Tập huấn nhà trường, giáo viên mầm non, tiểu học

- Thành phần tham gia: Cán bộ chủ chốt: Hiệu trưởng, Hiệu phó, kế toán, giáo viên về dinh dưỡng (mầm non) hoặc Tổng phụ trách đội (tiểu học).

- Số lượng dự kiến gồm: 1.090 trường x 4 người = 4.360 người = 29 lớp tập huấn.

- Địa điểm: Hội trường Phòng GD&ĐT, UBND huyện (tập huấn theo cụm trường nếu khoảng cách quá xa)

- Quy mô: 150 người/lớp.

2. Nội dung tập huấn cụ thể

- Giới thiệu về Chương trình Sữa học đường tỉnh Nghệ An, lợi ích của Chương trình với từng đối tượng (học sinh, phụ huynh, nhà trường và tỉnh);

- Giới thiệu về loại sữa tươi học đường sử dụng trong chương trình và quy trình sản xuất.

- Các hoạt động triển khai chuyên môn:

+ Phân công tổ chức, nhiệm vụ của từng thành viên.

+ Khảo sát, lập kế hoạch, báo cáo.

+ Các hoạt động so sánh, đối chiếu.

+ Các hoạt động hướng dẫn uống sữa tại trường.

+ Các hoạt động giao nhận, lưu kho, bảo quản hàng hóa.

+ Các hoạt động liên quan tới tài chính, thu chi.

+ Quản lý sự cố phát sinh.

+ Sổ sách, biểu mẫu.

+ Kiểm tra, giám sát.

III. Xây dựng nội dung phác thảo các sự kiện hướng tới học sinh

Có kế hoạch riêng của từng trường tổ chức hoạt động

C. KINH PHÍ TRUYỀN THÔNG

ĐVT: Triệu đồng

Hạng mục

Kinh phí

Hoạt động quảng cáo, truyền thông trên Đài Truyền hình Nghệ An

3.000

Hoạt động hỗ trợ truyền thông trên Đài phát thanh

300

Hoạt động hỗ trợ truyền thông trên các Báo

200

Các hoạt động hỗ trợ đào tạo, tập huấn, hội thảo

500

Tờ rơi và các tài liệu hướng dẫn Chương trình Sữa học đường

500

Chi phí sản xuất quảng cáo ngoài trời: Hệ thống biển bảng, băng rôn…

400

Các chi phí dự phòng khác

100

Tổng chi phí

5.000

(Năm tỷ đồng chẵn)

Nguồn kinh phí này do doanh nghiệp cung ứng sữa chịu trách nhiệm.

 

PHỤ LỤC 2:

KINH PHÍ HỖ TRỢ QUẢN LÝ, VẬN HÀNH ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM CHƯƠNG TRÌNH SỮA HỌC ĐƯỜNG NĂM HỌC 2015 – 2016 TẠI 3 HUYỆN THÍ ĐIỂM (KỲ SƠN, QUỲNH LƯU VÀ THÀNH PHỐ VINH)

ĐVT: đồng

TT

Nội dung hỗ trợ

Đơn vị tính

Số lượng

Số tiền/tháng

Số tháng

Tổng số tiền/năm

1

Chi phí hỗ trợ giáo viên tham gia (1 giáo viên/lớp)

Lớp

3.472

100.000

9

3.124.800.000

2

Chi phí hỗ trợ quản lý tại trường (hiệu trưởng và kế toán)

Trường

218

300.000

9

588.600.000

3

Chi phí hỗ trợ quản lý tại Phòng giáo dục

Phòng

3

2.000.000

9

54.000.000

 

Tổng cộng

 

 

 

 

3.767.400.000

 


PHỤ LỤC 3:

KINH PHÍ CHI TRẢ SẢN PHẨM SỮA TƯƠI SẠCH HỌC ĐƯỜNG NĂM HỌC 2015 - 2016

(200 suất sữa 1 cháu/năm; Trị giá mỗi suất sữa 8000 đồng)

Đơn vị tính: 1000 đồng

STT

Huyện/

Thành

Tổng số lượng học sinh

Tổng chi phí sữa cho 1 năm học

Học sinh nghèo và chính sách (Diện A)

Học sinh cận nghèo (Diện B)

Học sinh bình thường (Diện C)

Tổng chi phí hỗ trợ sản phẩm sữa

Số lượng học sinh

Chi phí hỗ trợ sản phẩm sữa (Chương trình hỗ trợ 100%)

Số lượng học sinh

Chi phí hỗ trợ sản phẩm sữa (Chương trình hỗ trợ 50%)

Số lượng học sinh

Chi phí hỗ trợ sản phẩm sữa (Chương trình hỗ trợ 30%)

1

TP Vinh

48,281

77,249,600

362

579,200

552

441,600

47,367

22,736,160

23,756,960

2

H.Quỳnh Lưu

35,290

56,464,000

1,777

2,843,200

2,826

2,260,800

30,687

14,729,760

19,833,760

3

H. Kỳ Sơn

14,948

23,916,800

7,892

12,627,200

2,895

2,316,000

4,161

1,997,280

16,940,480

 

Tổng chung

98,519

157,630,400

10,031

16,049,600

6,273

5,018,400

82,215

39,463,200

60,531,200

 

PHỤ LỤC 4:

KINH PHÍ ĐÓNG GÓP CỦA PHỤ HUYNH HỌC SINH NĂM HỌC 2015 - 2016

(200 suất sữa 1 cháu/năm; Trị giá mỗi suất sữa 8000 đồng)

ĐVT: 1000 đồng

STT

Huyện/Thành/Thị

Tổng số lượng học sinh

Số học sinh cận nghèo (Diện B)

Đóng góp của phụ huynh học sinh cận nghèo (50%)

Số học sinh bình thường (Diện C)

Đóng góp của phụ huynh học sinh bình thường (70%)

Tổng kinh phí đóng góp của phụ huynh

1

TP Vinh

48,281

552

441,600

47,367

53,051,040

53,492,640

 

2

H. Quỳnh Lưu

35,290

2,826

2,260,800

30,687

34,369,440

36,630,240

 

3

H. Kỳ Sơn

14,948

2,895

2,316,000

4,161

4,660,320

6,976,320

 

 

Tổng chung

98,519

6,273

5,018,400

82,215

92,080,800

97,099,200

 

 

PHỤ LỤC 5:

DỰ TRÙ KINH PHÍ TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM CHƯƠNG TRÌNH SỮA HỌC ĐƯỜNG NĂM HỌC 2015 – 2016 TẠI 3 HUYỆN THÍ ĐIỂM (KỲ SƠN, QUỲNH LƯU VÀ THÀNH PHỐ VINH)

ĐVT: 1000 đồng

TT

Nội dung chi

Năm học 2015 - 2016

Kinh phí hỗ trợ từ các nguồn

Kinh phí do phụ huynh đóng góp

Tổng

1

Chi mua sữa

60,531,200

97,099,200

157,630,400

2

Chi hỗ trợ quản lý và thực hiện

3,767,400

 

3,767,400

 

Kinh phí

64,298,600

97,099,200

161,397,800

(Một trăm sáu mươi mốt tỷ ba trăm chín bảy triệu tám trăm ngàn đồng)

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 4507/QĐ-UBND.VX ngày 06/10/2015 về Đề án "Thí điểm Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm học 2015 - 2016"

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.033

DMCA.com Protection Status
IP: 3.142.98.5
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!