ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số :20/2005/CT-UBND
|
Long Xuyên , ngày
21 tháng 10 năm 2005
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH
THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY VÀ HỌC GIAI ĐOẠN 2005 – 2010
Trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo
của tỉnh tiếp tục phát triển về quy mô, đáp ứng yêu cầu học tập ngày càng cao
của nhân dân; chất lượng giáo dục từng bước có chuyển biến, nhiều mặt được nâng
lên, nhiều trường có tỉ lệ học sinh tốt nghiệp hàng năm ở mức cao, số lượng học
sinh trúng tuyển vào các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học ngày
càng nhiều; đó là tiền đề quan trọng để tạo ra nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp
công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh. Tuy nhiên, nhìn chung chất lượng
dạy-học chưa đáp ứng yêu cầu, còn thấp hơn mặt bằng chung của cả nước, mức
chênh lệch giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn còn lớn; mặt khác, ở nơi này,
nơi khác chất lượng chưa thể hiện đúng thực chất năng lực của học sinh.
Để nâng cao chất lượng dạy và học cần phải có những
giải pháp mang tính tổng hợp, có quá trình, kiên trì tổ chức thực hiện. Do đó,
căn cứ vào những việc đã làm được, chưa làm được, những bài học kinh nghiệm đã
qua, yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học trong tình hình mới, Ủy ban nhân
dân tỉnh chỉ thị :
1). Tăng cường công tác tuyên truyền vận động
nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí quan trọng của công tác giáo dục-đào
tạo:
- Vấn đề quan trọng nhất là phải thống nhất về nhận
thức từ trong nội bộ Đảng, chính quyền ra đến nhân dân là phải xem công tác
giáo dục-đào tạo thực sự là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục-đào
tạo là đầu tư cho phát triển chứ không phải là công việc phúc lợi xã hội đơn
thuần. Phát triển giáo dục-đào tạo phải đi trước một bước để tạo ra nguồn
nhân lực phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà theo hướng
công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong thời gian tới.
- Từ thống nhất về mặt nhận thức nêu trên, từ việc
rút kinh nghiệm về phát triển, đầu tư cho công tác giáo dục-đào tạo khu vực
đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh An Giang nói riêng trong thời gian
qua là chưa đạt yêu cầu; các cấp chính quyền, các ngành liên quan cần xem xét,
đầu tư thích đáng cho lĩnh vực này trong giai đoạn 2006-2010. Trong đó, cần bảo
đảm đủ định mức chi kinh phí/học sinh-sinh viên-học viên/năm học, đảm bảo đủ
các điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu theo qui định; tiến tới thực hiện cơ cấu
chi kinh phí thường xuyên 70% cho con người và 30% cho hoạt động.
- Tiếp tục giáo dục để nâng cao nhận thức trong
nhân dân về vai trò của giáo dục - đào tạo trong công cuộc phát triển kinh tế –
xã hội của tỉnh nói chung, trong việc xoá đói giảm nghèo, phát triển làm giàu
của từng gia đình nói riêng; từ đó nâng cao lòng hiếu học, tiến tới xây dựng xã
hội học tập, trong đó cha mẹ phải toàn tâm toàn ý chăm lo việc học cho con trẻ.
Thực hiện khen thưởng, biểu dương gương người tốt việc tốt qua thực hiện công
tác chống bỏ học, gương vượt khó học tập; đồng thời phê phán hành vi cản trở
việc học tập của con em, thực hiện nghiêm túc Nghị định số 49/CP-2005 của Chính
phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục .
2). Thực hiện đổi mới công tác quản lý từ
Sở đến cơ sở trường học :
Cần mạnh dạn đổi mới công tác quản lý từ Sở
GD-ĐT đến các Phòng GD và trường học, không theo lối mòn, cập nhật
phương pháp quản lý phù hợp yêu cầu tình hình mới. Cần xem xét cải tiến ngay
những việc mang tính hình thức theo tinh thần Chỉ thị số 19/2005/CT-UBND, ngày
21/7/2005 của UBND tỉnh "Về việc hạn chế các qui định, hoạt động mang tính
hình thức, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong ngành giáo dục-đào tạo".
Kiên quyết xử lý những cán bộ quản lý thiếu tinh
thần trách nhiệm, hoặc không làm tròn nhiệm vụ được giao. Thực hiện luân
chuyển, bổ nhiệm lại cán bộ quản lý theo qui định để tạo sinh khí mới trong
hoạt động của các trường học.
Quan tâm đề bạt các cán bộ, giáo viên có tâm huyết
với sự nghiệp đổi mới giáo dục-đào tạo.Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nâng cao
nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý để có
"đủ tầm, đủ tâm" thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
3). Củng cố, xây dựng đội ngũ giáo viên :
- Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng,
giáo dục ý thức nghề nghiệp cho giáo viên các cấp theo tinh thần "Tất
cả vì học sinh thân yêu", từ đó tạo ra sự chuyển biến về nhận thức,
tình cảm nghề nghiệp, nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách của
nhà giáo. Phải làm cho mọi giáo viên nhận thức được việc thông qua "dạy
chữ để dạy người", trong đó đòi hỏi mỗi thầy, cô giáo phải là "tấm
gương sáng cho học sinh noi theo". Việc này cần được thực hiện tốt
ngay trong quá trình sinh viên (khoa Sư phạm) đang học ở Trường Đại học An
Giang; chất lượng đào tạo sư phạm sẽ quyết định phần lớn đến chất lượng giảng
dạy sau này của giáo viên, nên việc nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm của
trường Đại học An Giang là rất quan trọng.
- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện,
xử lý kịp thời các biểu hiện tiêu cực trong công tác giảng dạy của giáo viên.
Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 04/2005/KH-UB, ngày 23/02/2005 của
UBND tỉnh về "Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ
quản lý ngành giáo dục theo tinh thần Chỉ thị 40-CT/TW của Ban bí thư Trung ương
Đảng giai đoạn 2005-2010". Trong đó, chú ý việc chuẩn hoá, nâng chuẩn
trình độ nghiệp vụ chuyên môn và rà soát, sàng lọc đội ngũ theo qui định. Thực
hiện điều động một số giáo viên giỏi của các trường mạnh sang các trường khác
để điều hoà chất lượng, trong đó có các trường ngoài công lập, không để chất
lượng giáo dục của các trường chênh lệch quá lớn
4). Đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên:
- Cần phải xem việc đổi mới phương pháp giảng dạy
là khâu quan trọng nhất trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, do đó cần
phải có những giải pháp tích cực, cụ thể để đổi mới phương pháp giảng dạy của
giáo viên.Trong đó, Trường Đại học An Giang (Khoa Sư phạm) phải đi đầu trong
nghiên cứu, xây dựng, hướng dẫn phương pháp giảng dạy mới từng bộ môn cho giáo sinh
đang học trong trường và cả giáo viên đã ra trường đang giảng dạy ở các trường phổ
thông. Phương pháp giảng dạy mới phải lấy học sinh làm trung tâm, tạo sự gợi
mở, chủ động tiếp thu kiến thức của học sinh, không để học sinh thụ động, học
vẹt.
- Nâng cao chất lượng hoạt động của các hội đồng,
tổ bộ môn, các cuộc hội thảo, bồi dưỡng chuyên đề kết hợp với tự nghiên cứu học
tập của từng giáo viên, với sử dụng sách giáo khoa, sách nghiên cứu, đồ dùng
dạy học ... Các công việc này phải được Sở GD-ĐT, Phòng GD hướng dẫn cụ thể, có
kiểm tra, không hô hào chung chung. Mặt khác, việc đổi mới phương pháp giảng
dạy là yêu cầu khó, đòi hỏi trình độ, năng lực nhất định của giáo viên. Để thực
hiện được điều này cần tăng cường công tác bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng thường
xuyên nhằm nâng cao năng lực chuyên môn thật sự của từng đối tượng cụ thể, nhất
là phải đi sâu vào những vấn đề cốt lõi của bộ môn, chú ý đến việc thực hành.
5). Tăng cường cơ sở vật chất trường học:
- Cơ sở vật chất trường học là một bộ phận cấu thành
rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Việc xây dựng cơ sở
vật chất trường học phải được thực hiện trên cơ sở có quy hoạch tổng thể, đảm
bảo mức chất lượng tối thiểu, tiến tới đạt chuẩn quốc gia theo qui định.
- Trong những năm tới cần quan tâm đầu tư cơ sở vật
chất ngành GD-ĐT theo hướng: Tăng cường đầu tư cho ngành học mầm non để xoá xã
trắng trường mẫu giáo theo Đề án Phổ cập mẫu giáo 5 tuổi; thay thế phòng học
xuống cấp và thực hiện mục tiêu mức chất lượng tối thiểu ở trường tiểu học; xây
dựng phòng học phục vụ nhu cầu phát triển về số lượng học sinh bậc trung học và
ở những phường, xã mới tách chưa có trường; xây dựng phòng ốc để mở rộng qui mô
các trường trung học phổ thông và tách cấp trung học cơ sở ra khỏi cấp trung học
phổ thông; ; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các Trung tâm Giáo dục thường
xuyện huyện, thị, thành phố theo chủ trương của UBND tỉnh. Không để xảy ra tình
trạng học ca 3 hoặc quá tải học sinh/lớp ở tất cả các cấp, bậc học. Bên cạnh đó
cần chú ý đầu tư trang thiết bị và đồ dùng dạy học cho các trường, nhất là
sách, thiết bị phục vụ chương trình thay sách của Bộ GD-ĐT theo tiến độ hàng năm;
trong đó có sách, thiết bị bổ sung cho các lớp đã thực hiện thay sách. Sách,
thiết bị phải được cung cấp kịp thời cho năm học mới.
- Hoàn thành Chương trình Kiên cố hoá trường, lớp
học theo đúng tiến độ. Tiến hành thực hiện Đề án "Thực hiện mục tiêu mức
chất lượng tối thiểu trường tiểu học tỉnh An Giang từ nay đến năm 2008" và
Kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia đến năm 2010. Trong đầu tư xây dựng chú
ý có các phòng bộ môn, thí nghiệm thực hành, phòng phụ đạo học sinh, nhà vệ
sinh, điện, nước, đảm bảo diện tích sân chơi, bãi tập ..., tạo vẽ mỹ quan cho
trường học.
- Trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học
cần huy động mọi nguồn lực xã hội, trong đó ngân sách nhà nước đóng vai trò
chính đối với các trường công lập, vùng khó khăn. Bên cạnh đó phải đẩy mạnh xã
hội hoá theo tinh thần Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP, ngày 18/4/2005 của Chính
phủ, Quyết định số 20/2005/QĐ-BGDĐT, ngày 24/6/2005 của Bộ GD-ĐT và Quyết định
số 2737/2005/QĐ-UBND, ngày 03/10/2005 của UBND tỉnh.
6)- Hướng dẫn đổi mới phương pháp học tập của
học sinh:
- Việc hướng dẫn phương pháp học tập cho học sinh
các cấp, bậc học có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng học
tập của học sinh, việc này lâu nay nhà trường, thầy cô giáo chưa quan tâm đúng
mức. Song song với việc đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên phải hướng
dẫn đổi mới phương pháp học tập của học sinh cho phù hợp. Học sinh phải được
tiếp thu kiến thức một cách chủ động, không học vẹt, chú ý đến các học sinh cá
biệt.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số
18/2004/CT-UB, ngày 21/6/2004 của UBND tỉnh về việc chống bỏ học, dạy thêm, học
thêm không đúng qui định. Trong đó chú ý đến việc tổ chức phụ đạo cho học sinh
yếu kém, bồi dưỡng cho học sinh các lớp cuối cấp để dự thi tốt nghiệp và tuyển
sinh đại học, bố trí giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy ở các lớp cuối cấp. Tổ
chức trao đổi về phương pháp học tập (học nhóm, bộ môn ...), rút kinh nghiệm về
cách làm bài thi của học sinh, tuyên dương khen thưởng kịp thời những học sinh
học giỏi. ...
Trên đây là một số giải pháp cơ bản để nâng
cao chất lượng dạy và học của các trường học trong tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu Giám
đốc Sở GD – ĐT và các Sở, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành
phố trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn, tổ chức thực hiện tốt tinh thần chỉ
thị này để tạo ra sự chuyển biến thực sự về chất lượng giáo dục-đào tạo từ nay
đến năm 2010./.
Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục & Đào tạo (báo cáo);
-TT.TU, HĐND, UBND tỉnh (báo cáo);
- Ban Tuyên giáo TU;
- Sở GD-ĐT, Sở Tài chính, Sở KH-ĐT, Hội Khuyến học tỉnh;
-UBND các huyện, thị, thành phố;
-Lãnh đạo VP.UBND tỉnh;
-Phòng VHXH, TH, NC, XDCB;
-Lưu: VP.
|
TM.ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Minh Tùng
|