BỘ
TÀI CHÍNH
*******
Số: 48 /2006/TT-BTC
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
Hà
Nội, ngày 06 tháng 6 năm 2006
|
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA THÔNG TƯ SỐ
26/2002/TT-BTC NGÀY 22/3/2002 CỦA BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN XỬ LÝ TÀI CHÍNH KHI
CHUYỂN ĐỔI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC, DOANH NGHIỆP CỦA TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ, TỔ CHỨC
CHÍNH TRỊ -XÃ HỘI THÀNH CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN.
Căn cứ Nghị
định số 145/2005/NĐ-CP ngày 21/11/2005 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều
của Nghị định số 63/2001/NĐ-CP ngày 14/9/2001 của Chính phủ về chuyển đổi doanh
nghiệp nhà nước, doanh nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội
thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi,
bổ sung một số quy định của Thông tư số 26/2002/TT-BTC ngày 22/3/2002 của Bộ
Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính khi chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước, doanh
nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành công ty trách
nhiệm hữu hạn một thành viên như sau:
1. Sửa đổi tên của Thông tư như sau:
Tên của Thông
tư 26/2002/TT-BTC được sửa đổi thành “Thông tư hướng dẫn xử lý tài chính khi
chuyển đổi công ty nhà nước (gồm tổng công ty, công ty mẹ), doanh nghiệp của tổ
chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên”
2. Sửa đổi, bổ sung Mục I phạm vi, đối tượng áp dụng như sau:
“Các công ty
nhà nước (gồm tổng công ty, công ty mẹ), doanh nghiệp của tổ chức chính trị, tổ
chức chính trị - xã hội, công ty thành viên hạch toán độc lập, đơn vị hạch toán
phụ thuộc, đơn vị phụ thuộc của công ty nhà nước được Nhà nước hoặc tổ chức
chính trị, tổ chức chính trị - xã hội quyết định chuyển đổi (sau đây gọi chung
là doanh nghiệp) thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và nắm giữ
100% vốn điều lệ (sau đây gọi chung là công ty TNHH)”.
3. Sửa đổi, bổ sung Mục II xử lý tài chính khi chuyển đổi
doanh nghiệp thành công ty TNHH như sau:
a) Sửa đổi, bổ
sung điểm 1.1 khoản 1 Mục II như sau:
“Kiểm kê, xác
định số lượng tài sản có tại doanh nghiệp (bao gồm tài sản cố định và đầu tư
dài hạn, tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn, tài sản đi thuê, cho thuê, giữ hộ,
ký gửi, chiếm dụng), đối chiếu với số liệu ghi sổ kế toán để xác định số thừa,
thiếu, tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng; tài sản không thuộc quyền quản lý,
sử dụng; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của những người có liên quan và đề
xuất hướng xử lý đối với tài sản thừa, thiếu, tài sản không thuộc quyền quản
lý, sử dụng. Đánh giá thực trạng và phân loại tài sản có nhu cầu sử dụng, tài sản
không có nhu cầu sử dụng, tài sản ứ đọng, tài sản chờ thanh lý, tài sản hình
thành từ quỹ khen thưởng, phúc lợi (nếu có), tài sản thuê ngoài, nhận giữ hộ,
nhận gia công, nhận đại lý, nhận ký gửi để kiến nghị biện pháp xử lý đối với từng
loại tài sản”.
b) Sửa đổi, bổ
sung gạch đầu dòng thứ hai điểm 1.2 khoản 1 Mục II như sau:
“- Đối với nợ
phải trả, phải lập danh sách chủ nợ và xác định từng khoản nợ phải trả. Trong
đó phân tích rõ các khoản nợ trong hạn, nợ quá hạn, nợ gốc, nợ lãi, nợ phải trả
không còn đối tượng trả, trách nhiệm của cá nhân và tập thể đối với từng khoản
nợ quá hạn để kiến nghị giải pháp xử lý”.
c) Sửa đổi, bổ
sung một số nội dung quy định tại điểm 2.1 khoản 2 Mục II như sau:
- Sửa đổi, bổ
sung quy định tại gạch đầu dòng thứ hai: “Đối với tài sản thuê, nhận giữ hộ, nhận
gia công, nhận đại lý, nhận ký gửi: tùy theo nhu cầu mà doanh nghiệp thỏa thuận
với người cho thuê, giữ hộ, gia công, đại lý, ký gửi để tiếp tục kế thừa hoặc
thanh lý các hợp đồng trước khi chuyển đổi.
Đối với tài sản
hình thành từ quỹ khen thưởng, phúc lợi thì doanh nghiệp chuyển giao cho công
ty TNHH quản lý, sử dụng để phục vụ tập thể người lao động công ty.
Đối với tài sản
doanh nghiệp chiếm dụng, không có quyền quản lý, sử dụng doanh nghiệp phải trả
lại tài sản cho chủ sở hữu tài sản đó”.
- Sửa đổi, bổ
sung quy định tại dấu cộng thứ hai của gạch đầu dòng thứ ba: “Chênh lệch thiếu
tài sản kiểm kê doanh nghiệp phải xác định rõ nguyên nhân và xử lý đối với tài
sản thiếu hụt, mất mát và các tổn thất khác về tài sản như sau:
+ Phải xác định
rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và yêu cầu đương sự bồi thường
theo quy định của pháp luật.
+ Khoản chênh
lệch giữa giá trị còn lại của tài sản theo sổ kế toán với tiền bồi thường của
cá nhân, tập thể có liên quan, của tổ chức bảo hiểm (nếu có) được bù đắp bằng
quỹ dự phòng tài chính; nếu thiếu thì hạch toán vào kết quả kinh doanh. Nếu do
hạch toán khoản chênh lệch thiếu này vào kết quả kinh doanh mà doanh nghiệp bị
lỗ thì được giảm vốn Nhà nước hoặc vốn của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị
- xã hội có tại doanh nghiệp, số vốn được giảm tối đa bằng số lỗ của doanh nghiệp”.
d) Sửa đổi, bổ
sung quy định đối với “ Các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi” tại điểm
2.2 khoản 2 Mục II như sau:
“Đối với khoản
nợ phải thu không có khả năng thu hồi (bao gồm các khoản nợ đã quy định tại
Thông tư số 13/2006/TT-BTC ngày 27/2/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ trích
lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu
tư tài chính, nợ khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp tại
doanh nghiệp) doanh nghiệp sử dụng khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi và quỹ dự
phòng tài chính để bù đắp sau khi trừ tiền bồi thường của cá nhân, tập thể có
liên quan. Nếu các khoản này không đủ bù đắp thì phần chênh lệch thiếu sẽ hạch
toán vào kết quả kinh doanh. Nếu do hạch toán khoản chênh lệch thiếu này vào kết
quả sản xuất kinh doanh mà doanh nghiệp bị lỗ thì được giảm vốn Nhà nước hoặc vốn
của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có tại doanh nghiệp, số vốn
được giảm tối đa bằng số lỗ của doanh nghiệp. Thủ tục và quy trình xử lý nợ phải
thu không có khả năng thu hồi doanh nghiệp thực hiện theo Thông tư số
13/2006/TT-BTC ngày 27/2/2006 của Bộ Tài chính”.
đ) Sửa đổi, bổ
sung khoản 3 Mục II như sau:
“Trong thời hạn
30 ngày kể từ ngày kết thúc quá trình chuyển đổi, doanh nghiệp lập báo cáo tài
chính tại thời điểm chuyển đổi để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và làm cơ sở
bàn giao cho công ty TNHH. Báo cáo tài chính lập theo
quy định hiện hành. Doanh nghiệp phải lập
phương án xử lý tài sản, tài chính, công nợ và thuyết minh rõ việc xử lý tài sản
tổn thất, nợ phải thu không thu hồi được hạch toán vào kết quả sản xuất kinh
doanh; tài sản dôi thừa, nợ không phải trả được ghi tăng vốn. Đối với trường hợp các doanh nghiệp chuyển đổi là đơn vị phụ
thuộc của công ty nhà nước, đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp chịu trách nhiệm
và quyết định việc xác định tài sản kiểm kê, vốn, công nợ, xử lý các vấn đề tài
chính theo quy định, phạm vi, nội dung xác định phải gắn với doanh nghiệp chuyển
đổi. Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng thẩm quyền của đại diện chủ sở hữu doanh
nghiệp để xử lý những vấn đề tồn tại tài chính cho cả công ty nhà nước khi chuyển
đổi đơn vị phụ thuộc.
Thẩm quyền
phê duyệt báo cáo tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm chuyển đổi:
+ Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đối với công ty nhà nước thuộc các Bộ, ngành Trung
ương.
+ Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với các công ty nhà nước
do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập.
+ Lãnh đạo đứng
đầu tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội đối với các doanh nghiệp do tổ
chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội quản lý.
+ Hội đồng quản
trị hoặc Giám đốc các công ty nhà nước (nếu công ty nhà nước đó không có Hội đồng
quản trị) đối với công ty thành viên hạch toán độc lập, đơn vị hạch toán phụ
thuộc, đơn vị phụ thuộc của công ty nhà nước”.
e) Sửa đổi, bổ
sung đoạn thứ nhất quy định tại khoản 5 Mục II như sau:
“Doanh nghiệp
bàn giao cho công ty TNHH toàn bộ tài sản, vốn, quỹ, công nợ có đến thời điểm
chuyển đổi và báo cáo tài chính đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cùng
các hồ sơ tài liệu liên quan. Việc giao, nhận từ doanh nghiệp sang công ty TNHH
phải có biên bản ký kết giữa đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp và đại diện chủ sở
hữu công ty TNHH được quy định tại khoản 4 điều 1 Nghị định số 145/2005/NĐ-CP của
Chính phủ làm căn cứ để quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát”.
4. Bổ sung quy định chi phí thực hiện chuyển đổi công ty TNHH
như sau:
“Chi phí thực
hiện chuyển đổi công ty TNHH là các khoản chi liên quan đến việc chuyển đổi
doanh nghiệp thành công ty TNHH từ thời điểm doanh nghiệp được quyết định chuyển
đổi thành công ty TNHH đến thời điểm bàn giao giữa doanh nghiệp và công ty
TNHH.
Chi phí thực
hiện chuyển đổi bao gồm:
- Chi phí cho
việc tập huấn nghiệp vụ trong nước về chuyển đổi công ty TNHH.
- Chi phí kiểm
kê, phân loại, xác định thực trạng tài sản, vốn, công nợ…
- Chi phí lập
phương án chuyển đổi, xây dựng Điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty TNHH.
- Các chi phí
khác có liên quan đến chuyển đổi công ty TNHH.
Chi phí thực
hiện chuyển đổi được hạch toán vào kết quả kinh doanh của công ty. Mức chi cụ
thể do đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp quyết định theo nguyên tắc tiết kiệm và
hiệu quả phù hợp với quy mô của doanh nghiệp chuyển đổi, tối đa không vượt quá
20 triệu đồng đối với doanh nghiệp chuyển đổi thành công ty TNHH có vốn điều lệ
dưới 20 tỷ đồng, đối với doanh nghiệp chuyển đổi có vốn điều lệ từ 20 tỷ đồng đến
dưới 50 tỷ đồng được chi không quá 30 triệu đồng, đối với doanh nghiệp chuyển đổi
có vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng trở lên được chi không quá 50 triệu đồng”.
5. Hiệu lực thi hành:
Thông tư có
hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Các quy định khác tại
Thông tư số 26/2002/TT-BTC của Bộ Tài chính không được bổ sung sửa đổi tại
Thông tư này vẫn có hiệu lực thi hành. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc,
đề nghị các Bộ, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp phản ánh kịp thời về Bộ
Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn giải quyết./.
Nơi nhận:
Văn phòng Chính phủ.
VPTW và các Ban của Đảng.
Văn phòng Quốc hội.
Văn phòng Chủ tịch nước.
Các Bộ, cơ quang ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
Tòa án Nhân dân tối cao.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW.
Sở Tài chính các tỉnh, thành phố.
Các Tổng công ty Nhà nước.
Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp).
Công báo
Các đơn vị thuộc Bộ.
Lưu VT (2), Vụ PC, Cục TCDN (4).
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Xuân Hà
|