BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
34/2001/QĐ-BNN-VP
|
Hà
Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2001
|
QUYẾT ĐỊNH
V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH TRONG MỘT SỐ
LĨNH VỰC THUỘC NGÀNH TRỒNG TRỌT VÀ CHĂN NUÔI
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG
NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 73/CP ngày 01-11-1995 của
chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ , quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 02/2000/NĐ-CP và Nghị định số
03/2000/NĐ-CP ngày 03/02/2000 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh và thi hành một
số điều của Luật Doanh nghiệp; Nghị định số 30/2000/NĐ-CP ngày 11 tháng 8 năm
2000 của Chính phủ về bãi bỏ một số giấy phép và chuyển một số giấy phép thành
điều kiện kinh doanh;
Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Pháp lệnh Thú y; Nghị định số
07/CP về quản lý giống cây trồng; Nghị định số 14/CP về quản lý giống vật nuôi
và Nghị định số 15/CP về quản lý thức ăn chăn nuôi,
Theo đề nghị của Chánh văn phòng Bộ và Thủ trưởng các Cục, Vụ có liên quan,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành Quy định 1, 2, 3 về điều kiện kinh doanh một số
lĩnh vực thuộc ngành trồng trọt và chăn nuôi như sau:
Quy định 1- Điều kiện kinh doanh, sản xuất, nhập
khẩu giống cây trồng; điều kiện sản xuất giống vật nuôi; điều kiện nhập khẩu
nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi mới;
Quy định 2- Điều kiện kinh doanh (mua bán ) thuốc
thú y; điều kiện dịch vụ giết mổ gia súc, gia cầm..
Quy định 3- Điều kiện kinh doanh, sản xuất, gia
công ( sang chai, đóng gói) và nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày
ký.
Những quy định trước đây trái với văn bản này đều
bãi bổ.
Điều 3. Các ông Chánh Văn phòng Bộ, Lãnh đạo các Cục, Vụ và Thanh
tra Bộ, Thủ trưởng các cơ quan, Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
|
KT.BỘ TRƯỞNG
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thiện Luân
|
QUY ĐỊNH 1
VỀ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH GIỐNG CÂY TRỒNG, GIỐNG VẬT NUÔI, THỨC
ĂN CHĂN NUÔI.
(Ban hành theo Quyết định số 34 /2001/QĐ-BNN/VP ngày 30 tháng 3 năm 2001 của
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Điều 1- giống cây trồng.
1- Kinh doanh giống cây trồng phải có đủ các điều
kiện sau:
a- Tổ chức, cá nhân phải đăng ký tên giống cây
trồng định buôn bán với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi cơ sở kinh
doanh đóng trụ sở chính.
b- Có địa điểm, kho, bãi đủ tiêu chuẩn kỹ thuật
phù hợp với từng loại giống cây trồng và từng cấp giống cây trồng theo quy định
của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn.
c- Giống cây trồng, khi kinh doanh phải ghi nhãn
giống cây trồng theo “Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng
hoá xuất khẩu, nhập khẩu “, ban hành theo Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg của Thủ
tướng Chính phủ và văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn.
d- Người kinh doanh giống cây trồng phải công bố
chất lượng giống cây trồng phù hợp với tiêu chuẩn đã quy định; phải bồi thường
thiệt hại do chất lượng giống cây trồng bán ra không đúng với chất lượng đã
công bố gây ra cho người mua.
đ- Nếu nhập khẩu giống cây trồng ngoài danh mục
quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì phải được Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn đồng ý bằng văn bản.
2- Sản xuất giống cây trồng để bán phải có các
điều kiên:
a- Giống cây trồng đã có tên trong danh mục cây
trồng được sử dụng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố. Phải đăng
ký tên cây giống sản xuất ra với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nơi cơ
sở sản xuất giống đặt trụ sở chính.
Đối với những giống cây trồng nhân bằng phương
pháp vô tính, phải sản xuất từ nguồn giống gốc đã được cơ quan có thẩm quyền
công nhận.
b- Cơ sở vật chất và thiết bị để sản xuất, phải bảo
đảm thực hiện đúng quy trình sản xuất và bảo quản đối với từng loại cây trồng
và từng cấp giống.
c- Có người và thiết bị kiểm nghiệm chất lượng
giống cẩy trồng hoặc hợp đồng thuê các đơn vị có chức năng kiểm dịch-kiểm nghiệm
để xác định chất lượng giống cây trồng sản xuất ra.
Phải công bố chất lượng giống cây trồng do cơ sở
sản xuất ra và bán đúng chất lượng giống cây trồng đã công bố.
d- Cơ sở sản xuất giống cây trồng phải có hoặc
thuê cán bộ kỹ thuật trung cấp trồng trọt trở lên và được đào tạo, bồi dưỡng về
công nghê - kỹ thuật sản xuất giống cây trồng.
ĐIỀU 2- Giống vật nuôi.
A- ĐIỀU KIÊN CHUNG VỀ GIỐNG.
1- Con giống phải có chứng chỉ ghi rõ tên hoặc
ký hiệu cá thể huyết thống, năng suất, chất lượng, tình trạng sức khẻo và xử lý
thú y.
2- Trứng giống phải có lý lịch huyết thống rõ
ràng.
3- Phải giới thiệu công khai lý lịch con đực giống
khai thác tinh dịch. Nhãn tinh dịch phải ghi rõ tên đực giống hoặc ký hiệu, các
chỉ số chất lượng tịnh, ngày sản xuất và có bao gói, bảo quản theo quy định.
4- Phôi giống phải có giấy chứng nhận nguồn gốc
bố mẹ và bao gói, bảo quản, vận chuyển đúng quy định.
5- Giống quy định tại mục 1, 2, 3, 4 đều phải có
Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của cơ quan thú y theo quy định.
B- SẢN XUẤT GIỐNG GỐC, GIỐNG ÔNG BÀ, GIỐNG BỐ MẸ
PHẢI BẢO ĐẢM CÁC ĐIỀU KIÊN.
Việc sản xuất giống gốc, giống ông bà, giống bố
mẹ ngoài việc bảo đảm các quy đinh về điều kiện chung cho từng loại, còn phải
có các điều kiện cụ thể sau:
1 - Giống vật nuôi phải có tên trong danh mục
tuyển chọn được công bố hàng năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2 - Có diện tích mặt bằng, chuồng trại phù hợp
yêu cầu kỹ thật nuôi con giống; bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y và môi trường
theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3 - Người làm kỹ thuật phải có trình độ đại học
chăn nuôi ( đối với giống gốc, giống ông bà), trình độ trung cấp chăn nuôi ( đối
với giống bố mẹ).
4 - Phải có hệ thống sổ sách và chương trình vi tính
để theo dõi năng suất cá thể, quần thể; ghi chép rõ ràng về huyết thống, sinh
trưởng, năng suất sinh sản, về thú y... theo mẫu quy định thống nhất của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
5 - Người kinh doanh giống chăn nuôi phải công bố
chất lượng con giống ; khi bán ra, con giống phải bảo đảm đúng chất lượng đã
công bố.
ĐIỀU 3- Thức ăn chăn nuôi
1- Nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi phải
bảo đảm có đủ các điều kiên sau:
a- Tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh thương
mại.
b- Có giấy chứng nhận đăng ký mã số doanh nghiệp
xuất khẩu do Cục Hải quan ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp.
c- Nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi đã có tên
trong danh mục được nhập khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố.
2- Điều kiện khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi mới.
a- Đăng ký tên thức ăn, nguồn gốc ( do nghiên cứu
hay nhập khẩu), công dụng, nguyên liệu và các chỉ tiêu chất lượng; các phương
pháp phân tích chất lượng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b- Phải khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi mới tại
các đơn vị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.
c- Kết quả khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi phải được
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá và công nhận thì mới được sản
xuất chính thức và lưu hành trong thị trường.
ĐIỀU 4- Trách nhiệm thực hiện
1- Tổ chức, cá nhân khi làm hồ sơ đăng ký kinh
doanh phải có đủ các điều kiện quy định tại Điều 1 (giống cây trồng ), tại Điều
2 (Giống vật nuôi) tại Điều 3 (Thức ăn chăn nuôi) bản Quy định này, tiến hành
kê khai và cam kết với Phòng đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2- Sau khi các doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng
nhận đăng ký kinh doanh và đi vào hoạt động, thì các cơ quan nông nghiệp có chức
năng quản lý Nhà nước được giao quản lý về giống cây trồng, giống vật nuôi, thức
ăn chăn nuôi sẽ tiến hành kiểm tra về điều kiện kinh doanh đối với từng cơ sở
kinh doanh, theo quy định của pháp luật.
3- Qua thực tế kiểm tra về điều kiện kinh doanh
đối với từng cơ sở kinh doanh, nếu phát hiện cơ sở kinh doanh không có đủ các
điều kiên như quy đinh, kê khai và cam kết, thì yêu cầu cơ sở kinh doanh phải
có trách nhiệm hiệu đính và bổ sung cho đủ. Sau 15 ngày, kiểm tra lại, nếu cơ sở
kinh doanh không hiệu đính, bổ sung và có hành vi giả mạo, thì tuỳ theo tính chất
và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm
quyền xử lý theo quy định pháp luật hiện hành./.
QUY ĐỊNH 2
ĐIỀU KIỆN KINH DOANH THUỐC THÚ Y; ĐIỀU KIÊN DỊCH VỤ GIẾT MỔ
GIA SÚC, GIA CẦM.
(Ban hành theo
Quyết định số 34/2001/QĐ-BNN/VP ngày 30 tháng 3 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn)
Điều 1. Điều Kiện kinh
doanh thuốc thú y.
A- QUY ĐỊNH CHUNG.
1- Thuốc Thú y là những sản phẩm có nguồn gốc từ
động vật, thực vật, khoáng chất, hoá dược, vi sinh vật được điều chế để dùng phòng
và chữa bệnh cho động vật.
2- Kinh doanh thuốc thú y trong Quy định này là
hoạt động mua, bán (kể cả bán buôn và bán lẻ) các loại thuốc, nguyên liệu làm
thuốc thú y có tên trong Danh mục thuốc, nguyên liệu thuốc thú y đã được phép
lưu hành và sử dụng tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công
bố.
3-Nghiêm cấm kinh doanh các loại thuốc thú y
ngoài danh mục, thuốc giả, thuốc kém phẩm chất, thuốc hết hạn sử dụng, thuốc
lưu hành với nhãn hàng hoá không đúng với quy định hiện hành về nhãn thuốc thú
y và thuốc thuộc quyền quản lý của ngành khác.
4- Điều kiện nêu trong Quy định này được áp dụng
cho các đối tượng sau:
a- Cửa hàng kinh doanh thuốc và vật tư thú y;
b- Cửa hàng giới thiệu sản phẩm cho các Công ty
thuốc thú y nước ngoài và cho các Tổ chức sản xuất thuốc thú y trong nước;
c- Các tổ chức kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu
thuốc và vật tư thú y.
B- ĐIỀU KIÊN CỤ THỂ VỀ MUA BÁN THUỐC THÚ Y.
I- VỀ ĐỊA ĐIỂM.
1-Phải có địa chỉ cố định theo đúng Giấy chứng
nhận đăng ký kinh doanh.
2- Phải đảm bảo các yêu cầu:
a- Không ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh
và không bị tác động bất lợi từ bên ngoài;
b-Có đủ diện tích cần thiết để mua bán;
c- Có kho chứa hàng riêng biệt;
d- Có biển hiệu với đủ các nội dung sau:
* Tên cơ sở kinh doanh hoặc tên chủ cơ sở, địa
chỉ.
* Số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
* Mã số quản lý chuyên môn.
Mã số quản lý chuyên môn do Chi cục Thú y cấp gồm
03 cụm ký hiệu cách nhau bằng dấu gạch nối :
+ Cụm 1: Số thứ tự Cửa hàng, doanh nghiệp,
+ Cụm 2: Chữ cái đầu của tên Xã (Phường).
+ Cụm 3: Chữ cái đầu của Huyện ( Quận).
Thí dụ:
Cửa hàng số 03 xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm được
ghi như sau: 03-TB-GL
II- VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT, KỸ THUẬT.
1- Cửa hàng phải có:
a- Hệ thống tủ, kệ bày hàng.
b- Có quầy bán hàng,
c- Có dụng cụ, phương tiện bao, gói hàng cho
khách
d- Có phương tiện bảo đảm chất lượng thuốc,
nguyên liệu thuốc lưu giữ tại cửa hàng ( Mành che mưa, nắng; quạt thông gió;
các thiết bị bảo quản riêng đối với các loại thuốc có yêu cầu bảo quản đặc biệt...)
2- Kho chứa hàng phải có:
a- Hệ thống kệ, giá chứa hàng đủ xếp các loại
thuốc trong kho.
b- Các thiết bị bảo quản các sản phẩm có yêu cầu
bảo quản đặc biệt.
c- Nhiệt kế, ẩm kế để tự kiểm tra điều kiện bảo
quản thuốc.
III- VỀ NHÂN SỰ.
1- Trình độ chuyên môn:
- Người quản lý cơ sở kinh doanh và người trực
tiếp bán hàng phải có Giấy chứng chỉ hành nghề kinh doanh thuốc thú y do cơ
quan Thú y có thẩm quyền cấp.
- Điều kiện để được cấp Giấy chứng chỉ hành nghề
kinh doanh thuốc thú y:
a- Phải có bằng chuyên môn về chăn nuôi-thú y từ
Trung cấp trở lên.
b- Phải qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về
thuốc thú y do cơ quan thú y tổ chức.
2- Các yêu cầu khác:
* Có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố nơi
đăng ký kinh doanh thuốc thu y.
* Có Giấy chứng nhận đủ sức khoẻ theo quy định của
Bộ y tế.
IV- VỀ QUẢN LÝ KINH DOANH.
1- Phải niêm yết công khai Giấy chứng nhận đăng
ký kinh doanh thuốc thú y
2- Người làm công tác quản lý phải có mặt tại cơ
sở kinh doanh ít nhất 50% thời gian hoạt động và theo một lịch thời gian xác định,
được niêm yết công khai để tiện cho việc giao dịch.
3- Phải niêm yết danh mục các loại thuốc thú y
có tại cửa hàng, danh mục này phải phù hợp với tên thuốc thú y trong danh mục
được phép lưu hành và sử dụng ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn công bố hàng năm.
4- Phải lập sổ sách theo dõi mua bán thuốc thú y
theo hướng dẫn của ngành thú y:
a- Thẻ nhập hàng.
b- Thẻ xuất bán ( cả bán buôn và bán lẻ ).
c- Sổ ghi chép phản ảnh của khách hàng về chất
lượng thuốc theo mẫu quy định.
d- Sổ xuất, nhập các loại nguyên liệu đôc, thuốc
độc theo quy định danh mục thuốc độc.
5- Chỉ có những cơ sở, được Cơ quan quản lý Nhà
nước về thuốc thú y, đồng ý ( bằng văn bản ) cho mua bán vác-xin, nguyên liệu
làm thuốc thú y thì mới được kinh doanh.
V- VỀ VỆ SINH THÚ Y.
1- Cơ sở kinh doanh thuốc thú y phải bảo đảm các
quy định về vệ sinh thú y theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn ( Quyết định 46/1999/QĐ-BNN-TY ngày 5 tháng 3 năm 1999 ).
2- Trường hợp cơ sở kinh doanh được phép kinh
doanh tổng hợp bao gồm thuốc thú y và các loại vật tư nông nghiệp khác như thức
ăn chăn nuôi, phân bón, cây giống, con giống.... thì khu vực kinh doanh thuốc
thú y phải có khu vực riêng biệt theo quy định tại Khoản 2, Điều 2.
Điều 2. Điều kiện dịch vụ
giết mổ gia súc, gia cầm.
1- Bảo đảm các quy định về điểm giết mổ, lò mổ
và vệ sinh thú y trong Chương III “Điều lệ Kiểm dịch, Kiểm soát giết mổ và Kiểm
tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật” ban hành theo Nghị định số 93/CP
ngày 27 tháng 11 năm 1993 của Chính phủ; bảo đảm về tiêu chuẩn điểm giết mổ. lò
mổ và vệ sinh thú y theo văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, của liên Bộ Thương mại và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2- Chủ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải đăng
ký cụ thể điểm giết mổ, lò mổ với Chi cục Thú y sở tại ( nếu giết mổ gia sức,
gia cầm để tiêu thụ trong nước ); với Trung tâm thú y vùng thuộc địa bàn quản
lý ( nếu giết mổ gia súc, gia cầm để xuất khẩu ) để thực hiện việc kiểm soát giết
mổ và kiểm tra vệ sinh thú y theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Ttrách nhiệm thực
hiện.
1- Tổ chức, cá nhân khi làm hồ sơ đăng ký kinh
doanh phải có đủ các điểu kiện quy định tại Điều 1 ( Mua bán thuốc thú y), tại Điều
2 ( Dịch vụ giết mổ gia súc, gia cầm ) bản Quy định này; tiến hành kê khai, cam
kết với Phòng đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2- Sau khi doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng
nhận đăng ký kinh doanh và đi vào hoạt động, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được
giao, các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác thú y ở các cấp ( Cục Thú y, Chi
cục Thú y ) có trách nhiệm kiểm tra điều kiện kinh doanh đối với các cơ sở kinh
doanh về thuốc thú y, về giết mổ gia súc, gia cầm
3- Trong quá trình kiểm tra, thanh tra nếu phát
hiện cơ sở kinh doanh không bảo đảm có đủ và đúng các điều kiện theo quy định,
không đúng như đã kê khai và cam kết với Phòng đăng ký kinh doanh hoặc giả mạo
các điều kiện, thì cơ quan Thú y có văn bản yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh phải
có biên pháp khắc phục trong một thời gian nhất định. Sau 15 ngày, kiểm tra lại,
nếu cơ sở kinh doanh không khắc phục, bổ sung đủ điều kiện theo quy định, thì
tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính theo thẩm quyền hoặc
đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật./.
QUY ĐỊNH 3
VỀ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH, SẢN XUẤT, GIA CÔNG, SANG CHAI, ĐÓNG
GÓI , NHẬP KHẨU THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT.
(Ban hành theo Quyết định số 34 /2001/QĐ-BNN-VP ngày 30 tháng 3 năm 2001 của
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Điều 1- Quy định chung.
1- Chỉ được kinh doanh, sản xuất, gia công, sang
chai, đóng gói các loại thuốc bảo vệ thực vật và nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật
đã có trong Danh mục thuốc được phép sử dụng và hạn chế sử dụng ở Việt Nam do Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố. Chỉ được nhập khẩu thuốc và nguyên
liệu thuốc bảo vệ thực vật chưa có trong danh mục được sử dụng ở Việt Nam, khi
có ý kiến bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2- Phải là thương nhân. ( Cá nhân, pháp nhân, tổ
hợp tác, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh hoạt động thương mại một cách độc lập
và thường xuyên).
Điều 2- Điều kiện cụ thể.
1- Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.
a- Có kho lưu chứa thuốc, cửa hàng bán thuốc
đúng tiêu chuẩn quy định và yêu cầu kỹ thuật về an toàn cho người, về vệ sinh
môi trường, về phòng chống cháy, nổ theo quy định của Bộ Khoa học-Công nghệ và
Môi trường, Bộ Công an và Bộ Y tế.
b- Người trực tiếp bán thuốc và bảo quản thuốc
phải đựơc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về quản lý và sử dụng thuốc bảo
vệ thực vật, có chứng chỉ chuyên môn về quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thành trực thuộc Trung ương cấp; có Giấy khám
sức khoẻ do cơ quan Y tế ở Quận, Huyện trở lên cấp theo quy định chuyên ngành.
2- Sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc
bảo vệ thực vật.
a- Có quy trình công nghệ, trang thiết bị để sản
xuất, gia công, sang chai, đóng gói theo quy định để bảo đảm chất lượng thuốc bảo
vệ thực vật.
b- Có địa điểm, nhà xưởng và trang thiết bị bảo
đảm vệ sinh lao động, an toàn sức khoẻ cho người, phòng chống cháy, nổ; có hệ
thống xử lý chất thải (kể cả việc tiêu huỷ) theo quy định của cơ quan có thẩm
quyền về môi trường.
c- Người quản lý, điều hành cơ sở sản xuất, gia
công, sang chai, đóng gói phải có văn bằng Đại học về hoá học hoặc bảo vệ thực
vật; có đội ngũ công nhân kỹ thuật đáp ứng yêu cầu sản xuất, gia công thuốc bảo
vệ thực vật.
d- Có phòng kiểm tra chất lượng sản phẩm hoặc
đăng ký với cơ sở kiểm tra chất lượng gần nhất để kiểm tra chất lượng thuốc trước
khi xuất xưởng.
3- Về nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật.
a- Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ghi rõ
ngành hàng kinh doanh là thuốc bảo vệ thực vật hoặc ghi hoạt động mua bán hàng
hóa và giấy đăng ký mã số doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu do cơ quan Hải quan
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp.
b- Nếu thuốc hoặc nguyên liệu thuốc ngoài danh mục
được phép sử dụng hoặc hạn chế sử dụng ở Việt Nam, thì phải có ý kiến bằng văn
bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép, doanh nghiệp mới được
nhập.
Điều 3- Trách nhiệm thực hiện.
1- Tổ chức, cá nhân khi nộp hồ sơ đăng ký kinh
doanh các ngành, nghề về thuốc bảo vệ thực vật phải có đủ các điều kiện như quy
định ở Điều 1, Điều 2 và tiến hành kê khai, cam kết với Phòng đăng ký kinh
doanh .
2- Sau khi tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng
nhận đăng ký kinh doanh và đi vào hoạt động; căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ
được giao, các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác bảo vệ thực vật có trách
nhiệm kiểm tra về điều kiện kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh.
3- Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện doanh
nghiệp không đủ các điều kiện nêu trong Quy định này hoặc giả mạo các điều kiện
thì Cơ quan bảo vệ thực vật có văn bản yêu cầu cơ sở kinh doanh phải bổ sung và
hiệu đính đủ điều kiện theo đúng quy định. Sau 15 ngày, kiểm tra lại, nếu cơ sở
kinh doanh không hiệu đính và bổ sung đủ các điều kiện, thì tuỳ theo tính chất
và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan
Nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật./.