THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1791/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 29 tháng 11
năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CƠ CHẾ THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM THIẾT KẾ, CHẾ TẠO TRONG NƯỚC THIẾT
BỊ CÁC NHÀ MÁY NHIỆT ĐIỆN TRONG GIAI ĐOẠN 2012 - 2025
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày
25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP
ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công
trình;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công
Thương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế
tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện (gọi tắt là Cơ chế) được xây dựng
và đưa vào vận hành giai đoạn 2012 - 2025 với nội dung như sau:
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung:
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ
khí chế tạo trong nước từng bước nâng cao năng lực, tiến tới làm chủ công nghệ
thiết kế và chế tạo thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện, thúc đẩy phát triển
ngành công nghiệp cơ khí trong nước.
b) Mục tiêu cụ thể:
Thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo
trong nước các hệ thống thiết bị phụ (bao gồm toàn bộ các thiết bị đồng bộ với
các thiết bị chính là lò hơi, turbin và máy phát điện) của 03 dự án nhà máy nhiệt
điện: Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1 và Quỳnh Lập 1, với mục tiêu:
- Bảo đảm tỷ lệ giá trị công tác tư vấn
thiết kế chế tạo và dịch vụ kỹ thuật do các đơn vị tư vấn trong nước thực hiện
đạt không dưới 40% cho dự án thứ nhất (dự kiến dự án Quảng Trạch 1), không dưới
60% cho dự án thứ hai (dự án Sông Hậu 1) và không dưới 80% từ dự án thứ ba (dự
án Quỳnh Lập 1) trở đi.
- Bảo đảm tỷ lệ giá trị thiết bị chế
tạo do các doanh nghiệp cơ khí trong nước thực hiện: Không dưới 50% cho dự án
thứ nhất và thứ hai (Quảng Trạch 1 và Sông Hậu 1), không dưới 70% từ dự án thứ
3 (Quỳnh Lập 1) trở đi.
2. Cơ chế thực hiện
a) Về phân chia gói thầu và lựa chọn
nhà thầu:
- Đối với các dự án nhà máy nhiệt điện
có sử dụng vốn nhà nước áp dụng Cơ chế này, các gói thầu được phân chia như
sau:
+ Gói thầu tư vấn lập dự án đầu tư;
+ Gói thầu tư vấn hỗ trợ chủ đầu tư thiết kế và tổ chức quản lý dự án;
+ Gói thầu các thiết bị chính (lò
hơi, turbin, máy phát);
+ Các gói thầu thiết bị phụ (gồm các
hạng mục thiết bị quy định tại Khoản 3 Điều này);
+ Các gói thầu xây lắp và gói thầu thực
hiện các công việc phụ trợ khác.
Chủ đầu tư dự án có trách nhiệm lập,
trình Bộ Công Thương xem xét, thông qua kế hoạch đấu thầu dự án trước khi phê
duyệt để triển khai thực hiện.
- Chủ đầu tư dự án thứ nhất được phép
chỉ định một liên danh tư vấn gồm một đơn vị tư vấn nước ngoài có đủ uy tín,
kinh nghiệm làm tư vấn chính và một số đơn vị tư vấn trong nước làm tư vấn phụ
để tư vấn hỗ trợ chủ đầu tư trong công tác thiết kế
và tổ chức quản lý dự án. Đối với dự án thứ hai và ba: Chủ đầu tư
được chỉ định một liên danh tư vấn gồm một đơn vị tư vấn trong nước làm tư vấn
chính và một số đơn vị tư vấn phụ
(trong đó có không quá một đơn vị tư vấn nước ngoài) để hỗ trợ chủ đầu tư thiết
kế và tổ chức quản lý dự án. Đối với các dự án tiếp theo, việc lựa chọn tư vấn
hỗ trợ chủ đầu tư thiết kế và tổ chức quản lý dự án được
thực hiện thông qua đấu thầu.
- Trên cơ sở đề xuất của chủ đầu tư
và Viện Nghiên cứu Cơ khí, Bộ Công Thương chỉ định liên danh gồm các doanh nghiệp
cơ khí có tên tại Khoản 5 Điều này để ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư thực
hiện hợp đồng thiết kế và chế tạo một hoặc một số hạng mục thiết bị phụ của 3 dự
án đầu tiên. Đối với các dự án khác, việc lựa chọn nhà thầu thiết kế, chế tạo
thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện về nguyên tắc được thực hiện thông qua đấu thầu
rộng rãi trong nước.
- Đối với các gói thầu được chỉ định
thầu, giá trị hợp đồng thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước
thấp hơn 5% giá trị dự toán gói thầu được phê duyệt. Trường hợp đặc biệt, Thủ tướng
Chính phủ xem xét, cho phép điều chỉnh tỷ lệ tiết kiệm ở mức thấp hơn.
- Các doanh nghiệp cơ khí được chỉ định
thực hiện hợp đồng thiết kế, chế tạo thiết bị cho 3 dự án
đầu tiên được nhập khẩu một số vật tư, thiết bị đơn lẻ của hạng mục thiết bị phụ
nhà máy nhiệt điện mang tính đặc thù trong nước chưa sản xuất được, để tổ hợp
và đồng bộ theo thiết kế chế tạo của hạng mục thiết bị. Việc nhập khẩu các loại
vật tư, thiết bị này được thực hiện theo hình thức chỉ định
thầu kèm theo điều kiện phải chuyển giao công nghệ chế tạo, thiết kế chế tạo cần
thiết.
- Đơn giá thiết kế, chế tạo các hạng
mục thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện thực hiện theo đơn giá do Bộ Công Thương
ban hành.
- Chủ đầu tư các dự án nhà máy nhiệt
điện thực hiện Cơ chế này có trách nhiệm yêu cầu nhà thầu cung cấp thiết bị
chính (lò hơi, turbin, máy phát) đưa ra các yêu cầu kỹ thuật - công nghệ của các hạng mục thiết bị phụ để làm cơ sở giao cho các doanh
nghiệp trong nước thực hiện thiết kế, chế tạo. Tư vấn hỗ trợ chủ đầu tư thiết kế
và tổ chức quản lý dự án chịu trách nhiệm về giao diện kết nối giữa các thiết bị
chính và các thiết bị phụ sản xuất trong nước nhằm đảm bảo
tính đồng bộ của nhà máy điện.
b) Các sản phẩm thuộc hợp đồng thiết kế, chế tạo trong nước các thiết bị nhà máy nhiệt điện được
áp dụng các cơ chế, chính sách theo các quy định tại các Khoản 1, 3 và 4 Điều 1 Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16
tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Danh mục các hạng mục thiết bị
phụ của nhà máy nhiệt điện thực hiện thiết kế và chế tạo trong nước:
- Hệ thống cung cấp than (Coal
handling system).
- Hệ thống thải tro, xỉ (Ash handling
system).
- Hệ thống lọc bụi tĩnh điện
(Electrostatic precipitator).
- Hệ thống khử lưu huỳnh (Flue gas
desulfurizatíon system).
- Hệ thống nước làm mát tuần hoàn
(Water cooling system).
- Hệ thống cung cấp dầu (Fuel oil
system).
- Hệ thống ống khói (Stack).
- Nhà máy xử lý nước và hệ thống xử
lý nước thải (Water treatment plant and waste water treatment plant).
- Trạm phân phối và máy biến áp chính
(Switchyard and Main transformer).
- Hệ thống phòng cháy, chữa cháy.
- Phần kết cấu
thép của nhà máy.
4. Các đơn vị tư vấn trong nước
tham gia thực hiện Cơ chế:
a) Tư vấn hỗ trợ
chủ đầu tư thiết kế và tổ chức quản lý thực hiện dự án:
- Tổng công ty Tư vấn thiết kế Dầu
khí (PVE).
- Viện Năng lượng.
- Các Công ty cổ phần tư vấn xây dựng
Điện 1, 2, 3, 4.
b) Tư vấn thiết kế chế tạo cơ khí:
- Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME).
- Các đơn vị tư vấn thiết kế chế tạo
thuộc các doanh nghiệp cơ khí tham gia thực hiện thiết kế, chế tạo trong nước
thiết bị các nhà máy nhiệt điện.
5. Các doanh nghiệp cơ khí trong
nước tham gia thực hiện thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt
điện:
- Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME).
- Tổng công ty Lắp máy Việt Nam
(LILAMA).
- Tổng công ty Máy và thiết bị công
nghiệp (MIE).
- Tổng công ty
Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON).
- Tổng công ty Cơ khí xây dựng
(COMA).
- Công ty cổ phần chế tạo thiết bị điện
Đông Anh (EEMC).
- Tổng công ty Cơ điện xây dựng nông
nghiệp và thủy lợi (AGRIMECO).
- Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC).
- Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật Dầu
khí (PTSC).
- Công ty trách nhiệm hữu hạn Doosan
Vina.
Khuyến khích các đơn vị liên doanh với các trường đại học Bách khoa: Hà Nội, Đà Nẵng,
thành phố Hồ Chí Minh và các trường đại học có chuyên ngành, năng lực phù hợp để thiết kế, chế tạo trong nước các thiết bị nêu tại Khoản 3 Điều
này.
6. Các dự án nhà máy nhiệt điện áp
dụng Cơ chế:
- Cơ chế này được áp dụng thí điểm
cho 3 dự án nhà máy nhiệt điện: Sông Hậu 1, Quảng Trạch 1 và Quỳnh Lập 1. Việc
áp dụng Cơ chế này (bao gồm cả mở rộng danh mục thiết bị đã chế tạo trong nước)
cho các dự án nhiệt điện khác tiếp theo do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Khuyến khích các dự án nhiệt điện
do các thành phần kinh tế khác làm chủ đầu tư áp dụng Cơ chế này nhằm thúc đẩy
công nghiệp chế tạo cơ khí trong nước phát triển.
Điều 2. Phân công thực hiện
1. Bộ Công Thương:
a) Thành lập, ban hành quy chế hoạt động
của Ban Chỉ đạo liên ngành chế tạo các thiết bị nhà máy nhiệt điện (gọi tắt là
Ban Chỉ đạo) do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng ban để chỉ đạo việc triển
khai thực hiện các dự án nhà máy nhiệt điện được áp dụng Cơ chế này. Tham gia
Ban Chỉ đạo gồm lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công Thương, Kế hoạch
và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng
Phát triển Việt Nam; Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam; Viện Nghiên cứu cơ
khí.
b) Xây dựng và ban hành đơn giá cho
công tác thiết kế và chế tạo trong nước các hạng mục thiết bị phụ nhà máy nhiệt
điện.
c) Quy định trình tự, thủ tục
lập, thẩm định và phê duyệt hợp đồng thiết kế và chế tạo trong nước các thiết bị
phụ nhà máy nhiệt điện.
d) Thông qua kế hoạch đấu thầu các dự
án nhiệt điện thực hiện theo Cơ chế này.
đ) Xem xét, quyết định việc bổ sung
các thiết bị khác ngoài danh mục quy định tại Khoản 3 Điều 1 theo đề nghị của
Chủ đầu tư; xem xét, bổ sung các doanh nghiệp cơ khí khác
có năng lực, ngoài các doanh nghiệp quy định tại Khoản 5 Điều 1.
e) Đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ
xem xét bổ sung các dự án nhà máy nhiệt điện được thực hiện theo Cơ chế này.
g) Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành liên quan kịp thời giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện các
dự án thí điểm; đề xuất bổ sung, sửa đổi cần thiết, trình Thủ tướng Chính phủ
xem xét, quyết định.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ:
Cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước
cho cơ quan tư vấn thiết kế cơ khí trong nước thực hiện các đề tài nghiên cứu
làm chủ công nghệ thiết kế chế tạo các thiết bị của nhà máy nhiệt điện và hỗ trợ việc mua bản quyền thiết kế, phần mềm chuyên dụng,
tiếp nhận chuyển giao công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị
quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 1.
3. Ngân hàng Phát triển Việt Nam:
Cho các chủ đầu
tư dự án có các gói thầu thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị nhà máy nhiệt điện
được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển để thực hiện các hợp đồng thiết kế, chế
tạo trong nước các hạng mục thiết bị nhà máy nhiệt điện
theo Quyết định này.
4. Viện Nghiên
cứu cơ khí (NARIME):
- Chủ trì, phối hợp với các doanh
nghiệp cơ khí để tiếp nhận chuyển giao công nghệ và thực hiện thiết kế, chế tạo
các hạng mục thiết bị các nhà máy nhiệt điện.
- Lựa chọn tư vấn nước ngoài có năng
lực, kinh nghiệm theo hình thức chỉ định thầu để tư vấn trong việc tiếp nhận
chuyển giao công nghệ và mua bản quyền thiết kế cho các hạng mục thiết bị cần
thiết; hỗ trợ thực hiện việc chuyển giao công nghệ thiết kế chế tạo cho các đơn
vị tư vấn thuộc các doanh nghiệp cơ khí trong nước.
- Giúp Ban Chỉ đạo kiểm tra, giám sát
việc lựa chọn công nghệ và thiết bị cho các hợp đồng thiết kế, chế tạo trong nước
các hạng mục thiết bị của nhà máy nhiệt điện.
- Định kỳ hàng quý gửi báo cáo tới
Ban Chỉ đạo để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và về tình hình thực hiện
thiết kế, chế tạo trong nước của các doanh nghiệp.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các
Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước là chủ đầu tư các dự án nhiệt điện, Tổng giám đốc
các doanh nghiệp thiết kế chế tạo cơ khí chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam;
- Các Tập đoàn: Điện lực VN, Dầu khí VN, CN Than - Khoáng sản VN;
- Viện Nghiên cứu cơ khí (NARIME);
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, KGVX, QHQT, TKBT,
PL;
- Lưu: Văn thư, KTN (3b).
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|