CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 118/NQ-CP
|
Hà Nội, ngày
10 tháng 8 năm 2020
|
NGHỊ QUYẾT
PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 7 NĂM 2020
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ
chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức
chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của
Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;
Trên cơ sở thảo luận của các Thành viên Chính
phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ
tháng 7 năm 2020, tổ chức vào ngày 03 tháng 8 năm 2020,
QUYẾT NGHỊ:
1. Về tình hình triển khai thực
hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chỉ thị số 11/CT-TTg; tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2020;
công tác phòng, chống dịch Covid-19
Chính phủ thống nhất đánh giá: Mặc dù gặp nhiều
khó khăn, thách thức nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng
đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7
tháng năm 2020 chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục giữ ổn định; lạm
phát được kiểm soát, CPI bình quân có xu hướng giảm dần qua các tháng, bình
quân 7 tháng chỉ còn 4,07%. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá cơ bản ổn định,
mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm. Thị trường chứng khoán có dấu hiệu phục hồi. Sản
xuất nông nghiệp tuy gặp khó khăn do thiên tai nhưng vẫn phát triển ổn định;
chăn nuôi gia cầm tăng 5,5%; xuất khẩu một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản đã lấy
lại được đà tăng, trong đó giá trị xuất khẩu gạo tăng gần 11% so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Khu vực dịch vụ trong tháng 7 tăng khá, đặc biệt là du lịch nội địa, vận tải; tổng
mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 41,3% so với
cùng kỳ. Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước là điểm sáng, 7 tháng tăng
13,5%; xuất siêu 6,5 tỷ USD. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân
sách nhà nước tháng sau cao hơn tháng trước, 7 tháng đạt 41,3% kế hoạch và cao
hơn nhiều so với cùng kỳ các năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 đạt 32,27%). Tổng vốn đầu
tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (FDI) tháng 7 tăng 76,2% so với tháng
6 và tăng 79,8% so cùng kỳ năm 2019; vốn FDI thực hiện 7
tháng đạt 10,1 tỷ USD. Trong tháng 7 có 13,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập
mới với tổng vốn đăng ký tăng 72%. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được
quan tâm, đặc biệt là nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, Lãnh
đạo Đảng, Nhà nước cùng các cấp, các ngành cùng nhân dân cả nước tổ chức nhiều
hoạt động thiết thực, ý nghĩa, trang trọng để tri ân các anh hùng liệt sỹ,
thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong, người có công với cách mạng,
giáo dục truyền thống cách mạng, đã thu hút sự tham gia của toàn xã hội và trở
thành nét đẹp truyền thống trong đời sống văn hóa của nhân dân ta. Công tác
chăm sóc sức khỏe nhân dân, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt, đời sống
người dân tiếp tục được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được
giữ vững. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục đẩy mạnh, kể cả
trong bối cảnh dịch bệnh, thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy
viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, sau 99 ngày không có ca nhiễm mới
trong cộng đồng, chúng ta đã phát hiện một số ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng
ở Đà Nẵng và một số địa phương với nguy cơ lây nhiễm cao trên diện rộng đang
tác động mạnh đến đà phục hồi tích cực của nền kinh tế và toàn xã hội. Sản xuất
công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn; tiến độ thu ngân sách đạt thấp so với
dự toán và cùng kỳ; tình hình thiên tai diễn biến phức tạp... Trong khi đó, nước
ta tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức từ bên ngoài, đại dịch
Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường, gây ảnh hưởng nghiêm
trọng đến kinh tế thế giới, trong đó có những quốc gia, đối tác lớn của ta;
căng thẳng địa chính trị ngày càng phức tạp và xung đột thương mại giữa nhiều
nước tiếp tục leo thang.
Trước bối cảnh tình hình phức tạp, khó dự đoán
và có nhiều khó khăn, thách thức, trong thời gian tới đòi hỏi sự chung sức, đồng
lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm phấn đấu cao hơn nữa
của từng bộ, ngành, địa phương nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”
đã đề ra: vừa quyết liệt phòng, chống, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng;
vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; trong đó chú trọng thực hiện
một số nội dung chủ yếu sau:
a) Về phòng, chống dịch Covid-19:
- Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt
sâu sắc, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo tinh thần “chống dịch
như chống giặc”, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, huy động sự vào cuộc của cả hệ
thống chính trị và nhân dân, doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm người đứng đầu;
tuyệt đối không chủ quan, lơ là, theo dõi sát tình hình, bình tĩnh, chủ động ứng
phó, bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của người dân. Thực hiện nghiêm túc
chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia
triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời các biện pháp kiểm soát dịch
Covid-19, trước hết tập trung mọi nguồn lực khoanh vùng, dập dịch, xử lý kịp thời,
triệt để các ổ dịch, nhất là ổ dịch ở Thành phố Đà Nẵng, không để dịch bệnh lây
lan.
- Các địa phương xây dựng kịch bản ứng phó,
phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời giữ vững an ninh trật tự, đặc biệt là bảo
đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, không để tình trạng phức tạp
xảy ra trên địa bàn.
- Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các địa phương
phối hợp chặt chẽ bảo đảm năng lực cho hệ thống y tế, nhất là việc chuẩn bị sẵn
sàng vật tư, trang thiết bị y tế, phương tiện, công cụ xét nghiệm và nguồn nhân
lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
- Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính
phủ khẩn trương xây dựng dự thảo Chỉ thị về phòng, chống dịch Covid-19 trong
tình hình hiện nay, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành.
- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp kiểm
soát chặt hoạt động xuất nhập cảnh qua các đường mòn, lối mở trên các tuyến
biên giới đường bộ; xử lý nghiêm các trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái
phép, triệt phá các đường dây đưa người vượt biên nhập cảnh trái phép.
- Bộ Công an tăng cường kiểm tra, xử lý
nghiêm các hành vi tái chế vật tư, trang thiết bị y tế đã qua sử dụng, nhất là
đối với khẩu trang, găng tay y tế; vi phạm quy định về cách ly trong phòng, chống
dịch Covid-19.
- Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối
hợp với Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh tuyên
truyền về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, vận động toàn dân cài đặt ứng
dụng Bluezone - phần mềm hỗ trợ truy vết người nhiễm Covid-19.
b) Về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế
- xã hội:
Căn cứ tình hình và mức độ ảnh hưởng của dịch
Covid-19, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, xem xét thực hiện theo
thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền việc kéo dài thời gian thực hiện một
số chính sách, giải pháp hỗ trợ các thành phần kinh tế, người lao động nhằm giảm
thiểu tác động của đại dịch Covid-19, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và bảo đảm an
sinh xã hội; trong đó tập trung một số nội dung sau:
- Tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo điều
hành của Chính phủ, vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, vừa tập trung
tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội,
không để đứt gãy các hoạt động kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ
mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục đẩy
nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của năm
2020 và là tiêu chí để đánh giá cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các trường hợp
cố tình làm chậm, né tránh nhiệm vụ, trách nhiệm, vi phạm quy định.
- Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương
chủ động rà soát, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc
liên quan đến thủ tục đầu tư, xây dựng đối với các dự án đầu tư công; báo cáo
tình hình phân bổ, giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm
2020 cho dự án đến ngày 30 tháng 6 năm 2020 và đến ngày 31 tháng 7 năm 2020, dự
kiến giải ngân đến ngày 30 tháng 9 năm 2020 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước
ngày 10 tháng 9 năm 2020 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20
tháng 9 năm 2020 về việc cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách
Trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo đúng thời
gian quy định.
- Các bộ, cơ quan khẩn trương rà soát, cập
nhật thông tin đầu vào thuộc các ngành, lĩnh vực phụ trách, cung cấp thông tin
cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để rà soát, cập nhật số liệu tăng
trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm, xây dựng kịch bản tăng trưởng GDP quý III, quý
IV và cả năm 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25 tháng 8 năm 2020.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương giao các Cục Thống kê chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và
các sở, ngành có liên quan rà soát, cập nhật và thống nhất thông tin về tình
hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, ước tính quý III, IV năm 2020
gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để biên soạn và công bố chỉ tiêu
GRDP sơ bộ 6 tháng đầu năm; ước tính quý III, IV và cả năm 2020 cho
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước ngày 31 tháng 8 năm 2020.
- Các Bộ: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, cơ quan liên
quan rà soát, cập nhật kịch bản điều hành quý III, cả năm 2020 và chuẩn bị
phương án, giải pháp điều hành năm 2021; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trên cơ sở
đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các
nhiệm vụ, giải pháp điều hành để phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu phát triển
kinh tế-xã hội năm 2020 và chuẩn bị cho kế hoạch cho năm 2021 và 5 năm
2021-2025. Các bộ, cơ quan liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của
Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 211/LĐCP ngày 17 tháng 7 năm 2020; giao Bộ Kế
hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổng hợp các nội dung
liên quan theo chỉ đạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 8 năm
2020 để báo cáo Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị cho ý kiến để báo cáo Ủy
ban Thường vụ Quốc hội.
- Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh
cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận
lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Từng bộ, ngành, địa
phương thành lập Tổ công tác đặc biệt do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Tổ trưởng để phối hợp với Tổ công tác của Thủ
tướng Chính phủ tập trung giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy thu hút dòng vốn đầu
tư nước ngoài đang dịch chuyển, nhất là từ các công ty đa quốc gia, có công nghệ
tiên tiến. Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp tập
trung vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra, triển khai quyết liệt nhiệm vụ cổ
phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Tập trung lập
quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch, hoàn thành trong năm 2020. Khẩn
trương xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà
nước năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo quy
định tại các Chỉ thị số: 18/CT-TTg
ngày 13 tháng 4 năm 2020; 31/CT-TTg
ngày 29 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ
Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất giải pháp,
chính sách cần báo cáo Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Quốc hội cho
năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp để báo cáo
Chính phủ trong tháng 8 năm 2020.
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng các giải pháp về chính sách tài khóa, tiền tệ để
hỗ trợ nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực, các loại hình doanh nghiệp, hợp tác
xã, hộ kinh doanh cá thể, người lao động bị tác động tiêu cực của đại dịch
Covid-19; phối hợp điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích mạnh mẽ
tổng cầu, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo
dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế, chủ động, linh hoạt
trong điều hành các công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn
cho hoạt động sản xuất, kinh doanh do đại dịch Covid-19, đồng thời kiểm soát lạm
phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế. Tiếp tục triển
khai các giải pháp ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng. Chỉ đạo
tổ chức tín dụng tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận
vốn vay với lãi suất hợp lý; mở rộng tín dụng phù hợp, nhất là đối với các lĩnh
vực ưu tiên; khẩn trương thống nhất với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan về
các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13 tháng 3 năm 2020 của
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo hướng tiếp tục hỗ trợ tích cực cho khách hàng
gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
- Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất
các giải pháp về miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, lệ phí và cân đối thu chi
ngân sách nhà nước. Khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ
sung Nghị định số 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại
vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; nghiên cứu, đề xuất của Đài
Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam về giảm khấu hao tài sản, báo
cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các
bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện EVFTA sau
khi Thủ tướng ban hành. Theo dõi sát tình hình, có giải pháp tháo gỡ khó khăn,
hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, nâng cao năng lực ứng phó với các biện pháp
phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam; tiếp tục duy trì các
thị trường xuất khẩu truyền thống, tập trung đàm phán trực tuyến, tranh thủ cơ
hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để khơi thông và
thúc đẩy xuất khẩu, nhất là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Tập trung triển khai
hiệu quả chương trình kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước. Phối
hợp với Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia làm tốt công tác quản lý thị
trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần bảo vệ sản
xuất và tiêu dùng trong nước. Có giải pháp đồng bộ bảo đảm an ninh năng lượng
quốc gia, tập trung hoàn thiện quy hoạch điện VIII, báo cáo đề xuất Thủ tướng
Chính phủ cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo.
- Các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải,
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình
quan trọng thuộc các ngành, lĩnh vực.
- Bộ Giao thông vận tải tập trung đẩy nhanh
tiến độ hoàn thành các thủ tục đầu tư để sớm khởi công theo kế hoạch các dự án
hạ tầng giao thông quan trọng như: dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự
án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông... Khẩn trương rà soát nhu cầu phát triển
kết cấu hạ tầng giao thông, đề xuất giải pháp huy động nguồn lực để ưu tiên đầu
tư hạ tầng giao thông trọng điểm, bảo đảm phát triển đồng bộ. Phối hợp với Bộ
Công an và các địa phương liên quan tập trung xử lý nhanh, khắc phục các điểm
đen về mất an toàn giao thông.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập
trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp
và thủy sản; phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao tiếp tục đẩy mạnh thực
hiện các giải pháp cơ cấu lại, khơi thông thị trường xuất khẩu nông sản để đạt
được mục tiêu tăng trưởng và xuất khẩu đã đề ra. Theo dõi diễn biến thời tiết,
thiên tai chủ động chỉ đạo công tác ứng phó giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm an
toàn đê điều, hồ đập trước tình huống mưa lũ lớn. Kiểm soát dịch bệnh trên cây
trồng, vật nuôi, nhất là dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng,
châu chấu tre. Đẩy nhanh tái đàn, sớm bảo đảm nguồn cung, góp phần giảm giá thịt
lợn. Kịp thời phối hợp với các địa phương có liên quan tập trung giải quyết các
vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, khẩn trương thẩm định trình Thủ tướng
Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là đối
với các dự án năng lượng, dự án thủy lợi lớn. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài
nguyên và Môi trường khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Đề án kiểm kê rừng trong Quý III năm 2020 để quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả
tài nguyên đất đai và rừng, đồng thời phục vụ công tác xây dựng chiến lược, quy
hoạch đất đai và lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch cấp tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm
nhìn đến năm 2050; trong đó rà soát diện tích đất quy hoạch là đất rừng nhưng
thực tế không còn rừng và những diện tích rừng nghèo kiệt phân bố manh mún, xen
kẽ trong đất canh tác nông nghiệp và vùng quy hoạch bố trí di dân tự do, trình
cấp có thẩm quyền xem xét để chuyển mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật
để tạo thêm quỹ đất thực hiện các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do theo
đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 13-CT/TW ngày
12 tháng 01 năm 2017 và Kết luận số 82-KL/TW ngày
29 tháng 7 năm 2020.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập
trung triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp về an sinh xã hội, lao động,
việc làm, nhất là việc triển khai kịp thời, hiệu quả gói hỗ trợ cho người dân gặp
khó khăn do đại dịch Covid-19 và đề xuất, kiến nghị phù hợp, kịp thời các biện
pháp trong thời gian tới.
- Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung tháo gỡ
khó khăn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo; đẩy mạnh
ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh
tế - xã hội.
- Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, cơ quan
liên quan rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc, bất cập liên
quan đến các quy định pháp luật, nhất là lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai.
- Thanh tra Chính phủ cùng các bộ, cơ quan,
địa phương liên quan chủ động đổi mới trong xây dựng định hướng, kế hoạch thanh
tra và tổ chức thực hiện phù hợp với yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ, nhất là
trong bối cảnh đại dịch Covid-19; tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết
khiếu nại tố cáo ngay từ cấp cơ sở, không để phát sinh điểm nóng và khiếu kiện
vượt cấp lên trung ương, nhất là trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp
và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục đẩy mạnh công tác
phòng, chống tham nhũng, lãng phí; sơ kết, tổng kết công tác phòng, chống tham
nhũng theo kế hoạch, làm cơ sở tham mưu, đề xuất giải pháp thực hiện trong thời
gian tới.
- Bộ Quốc phòng chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm
vụ quân sự, quốc phòng, theo dõi sát tình hình, chủ động phương án ứng phó phù
hợp, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc theo
đúng đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước.
- Bộ Công an chỉ đạo lực lượng nắm chắc
tình hình, chủ động phương án ứng phó với các tình huống phát sinh, bảo đảm an
ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; tập trung trấn áp các loại tội phạm. Đẩy
nhanh tiến độ, kết thúc điều tra để đưa ra truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các
vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi,
chỉ đạo theo kế hoạch. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát phương tiện giao thông và
người điều khiển phương tiện giao thông, điều tra làm rõ nguyên nhân các vụ tai
nạn giao thông, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
- Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất chính sách
khuyến khích cho công chức, viên chức nghỉ hưu sớm.
- Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc
phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan đề xuất,
báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung vốn đầu tư công cho các công trình
xây dựng kè sông biên giới. Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, cơ quan rà soát
các kế hoạch hợp tác quốc tế, tổ chức triển khai trực tuyến các hoạt động đối
ngoại, thúc đẩy hợp tác quốc tế.
- Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các
cơ quan báo chí tăng cường thông tin, truyền thông về các biện pháp phòng, chống
dịch Covid-19, các giải pháp, chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất
kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục tăng cường kiểm soát, chấn chỉnh
thông tin trên mạng xã hội; xử lý nghiêm khắc các trường hợp thông tin sai sự
thật, tin độc, hại; báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp tổng thể tháo gỡ khó
khăn cho ngành báo chí trong bối cảnh dịch Covid-19. Chủ trì, phối hợp với các
bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh hơn nữa tiến trình chuyển đổi số, Chính phủ điện
tử, giao dịch điện tử để theo kịp xu thế, đáp ứng yêu cầu phát triển và góp phần
giảm thiểu rủi ro từ dịch bệnh.
2. Về việc đặt hàng thực
hiện xét nghiệm Covid-19
Chính phủ thống nhất với đề nghị của Bộ Y tế về
việc giao nhiệm vụ đặt hàng xét nghiệm Covid-19 cho các cơ sở y tế (không phân
biệt công lập hay tư nhân) được Bộ Y tế công bố đủ điều kiện làm xét nghiệm
này.
Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính
ban hành mức giá dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 theo quy định của pháp luật
về giá để thanh toán, quyết toán việc đặt hàng từ ngân sách nhà nước, Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh căn cứ quyết định ban hành mức giá của Bộ Y tế để quyết định
mức giá đặt hàng từ ngân sách địa phương theo quy định. Thời gian áp dụng giao
nhiệm vụ đặt hàng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ công bố dịch cho đến khi công bố
hết dịch Covid-19.
3. Về phương án thi tốt
nghiệp trung học phổ thông trong bối cảnh dịch Covid-19
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tổ chức thi tốt
nghiệp trung học phổ thông theo quy định của Luật
Giáo dục năm 2019. Giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định về thời
gian, nội dung và các vấn đề có liên quan khác của kỳ thi tốt nghiệp trung học
phổ thông. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức
tốt kỳ thi, bảo đảm chặt chẽ, khoa học, an toàn, không để xảy ra sơ xuất, xử lý
nghiêm các vi phạm theo quy định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và các bộ, cơ
quan liên quan có phương án cụ thể, hướng dẫn chi tiết, thống nhất để các địa
phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên tinh thần bảo đảm
an toàn sức khỏe cho học sinh, giáo viên trong kỳ thi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền
thông phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương trong công tác thông tin,
tuyên truyền để tạo đồng thuận trong xã hội.
Trường hợp cần phải sửa đổi, bổ sung các văn bản
quy phạm pháp luật có liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Bộ
Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên
quan xây dựng và trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm
pháp luật đó theo trình tự, thủ tục rút gọn.
4. Về tình hình thực hiện
nhiệm vụ; ban hành văn bản quy định chi tiết; xây dựng Chính phủ điện tử
a) Về tình hình thực hiện nhiệm vụ:
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp
chỉ đạo, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình các đề án nợ đọng trước
ngày 15 tháng 8 năm 2020; đồng thời bảo đảm tiến độ trình các đề án trong
chương trình công tác tháng 8 (23 đề án), không để nợ đọng.
b) Về tình hình ban hành văn bản quy định
chi tiết:
- Các bộ, cơ quan nghiêm túc chấn chỉnh, xử
lý dứt điểm tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết; thực hiện nghiêm các
chỉ đạo và giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác xây dựng,
ban hành các văn bản quy định chi tiết, đặc biệt là chỉ đạo của Thủ tướng Chính
phủ tại văn bản số 288/TTg-PL ngày 13 tháng 2 năm 2020; khẩn trương trình ban
hành các văn bản nợ đọng trước ngày 15 tháng 8 năm 2020.
- Tập trung nguồn lực soạn thảo, trình ban
hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định chi tiết các Luật sẽ có hiệu
lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, bảo đảm đúng tiến độ theo phân công,
không để nợ đọng văn bản trước khi diễn ra Kỳ họp thứ 10 Quốc hội
Khóa XIV.
- Tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát,
đánh giá việc thực hiện pháp luật chuyên ngành thuộc phạm vi bộ, ngành mình quản
lý, kịp thời phát hiện vướng mắc, bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn để đề xuất điều
chỉnh, xử lý, tháo gỡ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ.
- Chính phủ thống nhất cắt giảm tối đa văn
bản quy định chi tiết, nhất là Thông tư theo hướng một Nghị định chỉ ban hành
01 Thông tư hướng dẫn để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá
trình thực thi pháp luật.
c) Về tình hình xây dựng Chính phủ điện tử:
- Các bộ, cơ quan tiếp tục thực hiện nghiêm
việc gửi, nhận văn bản điện tử và đổi mới phương thức làm việc thông qua xử lý
hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, đặc biệt đề cao vai trò của lãnh đạo
các cấp gương mẫu, đi đầu trong sử dụng chữ ký số cá nhân để phê duyệt hồ sơ,
văn bản điện tử, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra. Khẩn trương ban hành
hướng dẫn về mẫu kết quả thủ tục hành chính thuộc ngành, lĩnh vực theo dõi
trong tháng 9 năm 2020 để làm cơ sở cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ
tục hành chính cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử theo quy định
tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP.
- Các bộ, cơ quan tập trung tái cấu trúc
quy trình, hoàn thành việc xây dựng, tích hợp, cung cấp trên cổng Dịch vụ công
quốc gia các dịch vụ công ưu tiên năm 2020 và 30% dịch vụ công trực tuyến đang
triển khai theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị
quyết số: 01/NQ-CP, 02/NQ-CP và Quyết định số 411/QĐ-TTg; khẩn trương hoàn thành tích hợp đồng
bộ kết quả xử lý hồ sơ và tích hợp thanh toán trực tuyến các nghĩa vụ tài chính
trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trên cổng Dịch vụ công quốc
gia.
- Các bộ, cơ quan được giao báo cáo chỉ
tiêu kinh tế - xã hội tại Quyết định số 293/QĐ-TTg
ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và các địa phương khẩn trương
nâng cấp, hoàn thiện các chỉ tiêu, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia,
cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối và cung cấp dữ liệu về các chỉ tiêu kinh tế
- xã hội, thông tin báo cáo hàng ngày trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ
và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.
- Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối
hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan nghiên
cứu, xây dựng Chương trình đầu tư công về xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến
Chính phủ số giai đoạn 2021-2025 thay cho nhiệm vụ xây dựng Đề án xây dựng
Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025, bảo đảm tuân thủ theo các quy định của Luật đầu tư công và các văn bản hướng dẫn, báo
cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
- Bộ Tư pháp khẩn trương ban hành văn bản
hướng dẫn thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính.
- Bộ Nội vụ hướng dẫn, đôn đốc các bộ,
ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 25 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng
Chính phủ về phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ công chức,
viên chức trong các cơ quan nhà nước.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công an
khẩn trương hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và cơ sở dữ liệu quốc
gia về dân cư theo phân công.
5. Về vướng mắc trong giải
quyết thủ tục đất đai đối với các lô đất của Công ty cổ phần Trục vớt cứu hộ Việt
Nam trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Chính phủ thống nhất cho phép Bộ Giao thông vận
tải được vận dụng trình tự, thủ tục thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo
quy định tại Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31
tháng 12 năm 2017 của Chính phủ để chủ trì, phê duyệt phương án sử dụng đất đối
với các lô đất của Công ty CP Trục vớt cứu hộ Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bà Rịa
- Vũng Tàu nhằm hoàn tất các thủ tục cổ phần hóa tại Công ty TNHH một thành
viên Trục vớt cứu hộ Việt Nam theo đúng quy định pháp luật.
6. Về việc xử lý ưu đãi đối
với các dự án đầu tư trong KCN Bá Thiện II, tỉnh Vĩnh Phúc
Để đảm bảo tính nhất quán, ổn định trong quá
trình thực thi pháp luật, đồng thời không tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các
doanh nghiệp cùng đầu tư trong các khu công nghiệp, Chính phủ thống nhất cho
phép các dự án đâu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng
ký đầu tư trong khu công nghiệp Bá Thiện II, tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian còn
thiếu quyết định thành lập khu công nghiệp của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc
được hưởng ưu đãi đầu tư như doanh nghiệp trong khu công nghiệp theo quy định của
pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận
đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
7. Về hỗ trợ người lao động do
tinh giản biên chế thuộc đối tượng được quy định tại Khoản 4
và 5 Điều 6 Nghị định 108/2014/NĐ-CP (đã được sửa đổi,
bổ sung tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định 113/2018/NĐ-CP)
Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Tài
chính về việc sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp để hỗ trợ
kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với các đối tượng được quy
định tại Khoản 4 và 5 Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP (đã
được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số
113/2018/NĐ-CP) cho đến khi Nghị định của Chính phủ về quản lý, sử dụng nguồn
thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị công lập và chuyển nhượng vốn nhà
nước có hiệu lực thi hành.
- Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện cụ thể
và quyết định cấp kinh phí từ Quỹ để thực hiện.
- Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của
Bộ Tư pháp trong quá trình xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP và Nghị định về quản lý, sử dụng
nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và chuyển
nhượng vốn nhà nước để quy định về nguồn kinh phí thực hiện chính sách tinh giản
biên chế, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của pháp luật.
8. Về dự thảo Nghị định sửa
đổi, bổ sung Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016
Chính phủ thống nhất giao Bộ trưởng Bộ Tài chính
thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ
Quốc hội giải thích quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 5 Luật thuế
xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định tại Khoản 3 Điều 3
và Điểm a Khoản 2 Điều 16 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật như đề
nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 95/BC-BTC ngày 31 tháng 7 năm 2020; chủ
trì, phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng dự thảo Nghị quyết giải thích luật theo
yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
9. Về chính sách thuế thu
nhập doanh nghiệp đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25 tháng 8
năm 2014
Chính phủ thống nhất dừng thực hiện giải pháp
chưa truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa
nêu tại Khoản 13 Mục I Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25 tháng 8
năm 2014. Trong thời gian tạm thời chưa truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp
theo Nghị quyết số 63/NQ-CP, cơ sở thực hiện
xã hội hoá không bị phạt vi phạm pháp luật về thuế và không tính tiền chậm nộp.
Giao Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thực
hiện. Sau thời điểm Thông tư có hiệu lực thi hành, cơ sở thực hiện xã hội hóa nếu
chậm nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp thì bị tính tiền chậm nộp và xử phạt
vi phạm pháp luật về thuế theo quy định.
10. Về Dự thảo Nghị định
quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế
Chính phủ thống nhất hiệu lực thi hành của toàn
bộ nội dung Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế là sau 45 ngày kể từ ngày ký
ban hành theo đề xuất của Bộ Tài chính và ý kiến thống nhất của Bộ Tư pháp.
Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn
phòng Chính phủ hoàn thiện dự thảo Nghị định, bổ sung quy định chuyển tiếp từ
thời điểm hiệu lực thi hành của Luật Quản lý
thuế đến thời điểm hiệu lực thi hành của Nghị định chi tiết một số điều của
Luật Quản lý thuế, trình Thủ tướng Chính phủ
xem xét, ký ban hành.
11. Về dự thảo Nghị định
quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia
Chính phủ cơ bản thống nhất với dự thảo Nghị định
quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với
Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp
thu ý kiến Thành viên Chính phủ bằng văn bản và tại phiên họp, hoàn thiện dự thảo
Nghị định quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm đổi mới sáng tạo
quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư
Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ,
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN; Trợ lý, Thư ký TTg, PTTg;
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo, TGĐ Cổng TTĐT CP;
Lưu: Văn thư, TH (2b).B
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|