Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Kế hoạch 6390/KH-BNN-KTHT 2018 liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm giữa hợp tác xã doanh nghiệp

Số hiệu: 6390/KH-BNN-KTHT Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Người ký: Trần Thanh Nam
Ngày ban hành: 17/08/2018 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6390/KH-BNN-KTHT

Hà Nội, ngày 17 tháng 8 năm 2018

KẾ HOẠCH

LIÊN KẾT SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP GIỮA HỢP TÁC XÃ, LIÊN HIỆP HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP VỚI CÁC DOANH NGHIỆP ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch Liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp với các doanh nghiệp” gồm những nội dung sau:

I. TÌNH HÌNH LIÊN KẾT SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ NÔNG SẢN TRONG NÔNG NGHIỆP HIỆN NAY

Đến hết năm 2017, cả nước có 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện xây dựng cánh đồng lớn với khoảng 579,3 nghìn ha (trong đó chủ yếu là diện tích trồng lúa 516,9 nghìn ha và một số loại cây trồng khác). Việc tổ chức liên kết được thực hiện hầu hết là do các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tiến hành ký hợp đồng liên kết sản xuất với các HTX, tổ hợp tác, trang trại và trực tiếp với hộ nông dân theo thỏa thuận giá cả tại thời điểm thu mua.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản sự liên kết chủ yếu là trực tiếp giữa hộ nông dân với doanh nghiệp. Các HTX nông nghiệp tham gia vào sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều.

Việc tổ chức liên kết đã mang lại hiệu quả kinh tế, trung bình tăng khoảng 17-25% so với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm truyền thống. Mặt khác, quá trình liên kết giúp nhiều HTX củng cố hoạt động có hiệu quả hơn, doanh nghiệp thu mua nông sản được ổn định, hạn chế được rủi ro do giá cả thị trường biến động.

Tuy nhiên, việc thực hiện liên kết còn nhiều bất cập: Quy mô liên kết còn rất hạn chế (diện tích cánh đồng lớn chỉ chiếm 3,9% so với tổng số diện tích cây trồng). Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là giữa hộ nông dân với hộ kinh doanh, doanh nghiệp: số HTX tham gia liên kết ít, tỷ lệ bao tiêu sản phẩm qua hợp đồng thấp dẫn đến tình trạng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do nông dân sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, không tạo được vùng nguyên liệu để cung cấp nông sản ổn định cho doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ. Tình trạng bẻ kèo, tranh chấp trong mua bán giữa người sản xuất và các đầu mối tiêu thụ chưa chấm dứt. Nguyên nhân là do ở nhiều nơi, nhiều ngành hàng năng lực của các tổ chức nông dân, nòng cốt là các HTX còn có nhiều hạn chế. Trong đó, nhiều lĩnh vực ngành hàng chưa tập hợp được người sản xuất vào các tổ hợp tác, HTX, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức này thiếu minh bạch chưa tạo được sự tin cậy đối với các doanh nghiệp trong liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Do đó, việc xây dựng môi trường thuận lợi để phát triển các HTX làm nòng cốt trong chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm là hết sức cần thiết.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Mục tiêu.

a) Mục tiêu chung

Đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp, trong đó, hợp tác xã làm nòng cốt nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm nông sản khó khăn. Qua đó góp phần thực hiện mục tiêu 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020 theo Nghị quyết số 32/NQ-QH14 của Quốc hội khóa 14 ngày 22/11/2016.

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:

- Xây dựng trên 30 mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp cho các ngành hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, cà phê, chè, hồ tiêu, cây ăn quả, chăn nuôi, thủy sản... theo hình thức liên kết với doanh nghiệp, tập đoàn lớn để củng cố, phát triển HTX theo chuỗi giá trị nông sản an toàn, chất lượng cao.

- Tại mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn các mặt hàng chủ lực của địa phương để hỗ trợ phát triển liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, bảo đảm thành lập mới và huy động trên 50% các HTX nông nghiệp để tham gia có hiệu quả các chuỗi giá trị nông sản.

- Cả nước củng cố và xây dựng mới từ 1.000 hợp tác xã nông nghiệp trở lên là đại diện sở hữu sản phẩm OCOP của các địa phương.

- Trên phạm vi cả nước, số các hợp tác xã nông nghiệp có liên kết với doanh nghiệp được đánh giá hoạt động khá, tốt1 đạt tỷ lệ từ 90% trở lên.

2. Nội dung.

a) Xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị các sản phẩm dựa trên liên kết doanh nghiệp, tổng công ty với hợp tác xã.

- Số lượng mô hình thí điểm liên kết: Khoảng 30 mô hình trở lên

- Sản phẩm và địa bàn thí điểm: Là những địa phương có vùng nguyên liệu thuộc nhóm các mặt hàng nông sản chủ lực.

- Nội dung thí điểm:

+ Xây dựng và triển khai thực hiện các hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Tùy theo điều kiện cụ thể liên kết để xác định các nội dung hợp tác, liên kết như: Liên kết trong cung ứng vật tư, giống, vốn, phân bón; đầu tư hạ tầng phục vụ liên kết như kho bãi, cơ sở chế biến hệ thống tưới, tiêu...; liên kết tiêu thụ sản phẩm.

+ Xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, tiêu thụ nông sản của các doanh nghiệp hợp tác xã tham gia thí điểm.

+ Xây dựng mới hoặc hỗ trợ củng cố nâng cao năng lực quản lý, năng lực sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã tham gia các chuỗi giá trị nông sản an toàn, chất lượng cao.

+ Tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, khả năng áp dụng tiến bộ kỹ thuật, các quy trình sản xuất an toàn (GAP) cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia thí điểm mô hình liên kết.

+ Hỗ trợ xác nhận, chứng nhận sản phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã.

+ Theo dõi, tổng kết đánh giá, trao đổi kinh nghiệm và nhân rộng mô hình.

+ Tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn từ nguồn tín dụng của Ngân hàng thương mại và các Quỹ đầu tư phát triển khác.

- Tổ chức thực hiện:

+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, giao Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, các Tổng cục, Cục, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các Viện, trường nghiên cứu trực thuộc Bộ theo chức năng chuyên ngành lựa chọn sản phẩm ở các vùng miền, phối hợp với các doanh nghiệp là các tổng công ty, doanh nghiệp lớn, các Hiệp hội ngành hàng và địa phương để thực hiện.

+ Lựa chọn các doanh nghiệp, tổng công ty lớn có nhu cầu và uy tín tham gia mô hình thí điểm liên kết để thực hiện cung cấp các dịch vụ về vốn, khoa học kỹ thuật, vật tư đầu vào và đặc biệt là bao tiêu sản phẩm các hợp tác xã.

b) Hỗ trợ phát triển liên kết theo chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở các địa phương.

- Các địa phương chủ động rà soát các sản phẩm chủ lực theo định hướng đề án tái cơ cấu ngành để tập trung hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu và tổ chức lại sản xuất để xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã với các mục tiêu, kế hoạch từng lĩnh vực như sau:

+ Đối với sản xuất lúa, gạo: Hỗ trợ thành lập mới, củng cố và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của khoảng 7.500 HTX sản xuất lúa gạo, tập trung ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ cho tiêu thụ và xuất khẩu. Phấn đấu mở rộng diện tích các cánh đồng lớn lên trên 700.000 ha.

+ Đối với sản xuất cà phê: Đẩy mạnh việc thành lập các HTX để quản lý được chất lượng phục vụ cho chế biến, tiêu thụ cà phê của doanh nghiệp trên diện tích khoảng 654.500 ha sản xuất ở trên địa bàn các tỉnh có vùng nguyên liệu cà phê. Mục tiêu kế hoạch đến năm 2020: Cả nước có khoảng 300 HTX nông nghiệp sản xuất và kinh doanh cà phê (gấp 3 lần hiện nay) và có tối thiểu 50% diện tích cà phê được canh tác theo các tiêu chuẩn an toàn, chất lượng cao theo quy định trong nước và quốc tế.

+ Đối với cây điều và hồ tiêu: Đây là 2 sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng hiện nay HTX còn chưa được quan tâm phát triển trong lĩnh vực này. Việc sản xuất tiêu thụ một phần nhỏ là các doanh nghiệp, nhà máy thu mua trực tiếp từ hộ nông dân, phần còn lại đa số được thu gom tiêu thụ qua hệ thống đại lý thương lái. Do đó, mục tiêu kế hoạch đến 2020: Phấn đấu thành lập và phát triển mới từ 100 HTX chuyên ngành điều hoặc hồ tiêu tại các tỉnh có diện tích nguyên liệu lớn trồng điều và hồ tiêu; phát triển vùng nguyên liệu chiếm tối thiểu 50% diện tích canh tác theo tiêu chuẩn an toàn, bền vững phục vụ chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu, đảm bảo về chất lượng, ổn định về số lượng.

+ Đối với cây mía đường: Trên diện tích gần 300.000 ha sản xuất tại địa bàn 25 tỉnh, hiện có 33.000 hộ và 1,5 triệu lao động tham gia sản xuất mía đường. Cần thực hiện liên kết để tổ chức lại sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu mía đường cho các nhà máy chế biến. Phấn đấu đến năm 2020 giữ ổn định diện tích sản xuất với sản lượng mía đạt trên 20 triệu tấn (theo Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030) và thành lập mới tối thiểu 300 hợp tác xã để tham gia hiệu quả vào chuỗi liên kết.

+ Đối với canh tác rau xanh và cây ăn trái: Hiện nay diện tích rau xanh cả nước ước tính khoảng trên dưới 1,0 triệu ha và có 40 tỉnh trồng cây ăn quả với tổng diện tích khoảng 700.000 ha các cây có sản lượng xuất khẩu lớn như: Nhãn, vải, cây có múi, chuối, thanh long, xoài. Tuy nhiên, mới có khoảng 240 hợp tác xã chuyên ngành rau quả (số liệu năm 2016) và khoảng gần 1000 HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp đang hỗ trợ nông dân sản xuất rau, quả.

Mục tiêu đến năm 2020, trong lĩnh vực cây ăn quả thành lập được tối thiểu 500 HTX để tham gia chuỗi liên kết với các doanh nghiệp, quy mô liên kết từ 50.000 ha ở ĐBSCL; 30.000 ha ở Đông Nam Bộ và 10.000 ha Trung du miền núi phía Bắc. Đối với lĩnh vực sản xuất rau xanh: Hỗ trợ củng cố và phát triển khoảng 300 HTX chuyên ngành sản xuất và tiêu thụ rau xanh an toàn, chất lượng cao thuộc các tỉnh/thành phố lớn. Phấn đấu nâng tỷ lệ diện tích sản xuất rau theo quy trình GAP và hữu cơ liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ từ 10% hiện nay lên 30% năm 2020.

+ Chăn nuôi bò sữa: Định hướng phát triển đàn bò sữa đến năm 2020 khoảng 450-500 nghìn con. Hiện nay, thực hiện liên kết sản xuất chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm vẫn chủ yếu do các nhà máy, doanh nghiệp liên kết trực tiếp với hộ gia đình. Do đó, mục tiêu phát triển các HTX nhằm tổ chức sản xuất theo kế hoạch, quy hoạch để quản lý chất lượng và là đầu mối liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sữa. Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50 HTX trở lên thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sữa và chăn nuôi bò sữa với các doanh nghiệp.

+ Lĩnh vực thủy sản: Nuôi trồng thủy sản hiện nay chủ yếu là các tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình sản xuất, tình trạng phát triển vùng nguyên liệu thiếu ổn định, việc quản lý chất lượng còn hạn chế; tổ chức đánh bắt, khai thác thủy hải sản chưa đúng quy định còn khá phổ biến... do đó, việc củng cố, thành lập mới các HTX để khắc phục tình trạng trên và là đầu mối liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp tại các địa phương là cần thiết. Phấn đấu đến năm 2020 có từ 1.000 HTX trở lên để thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp có quy mô trên 300.000ha và tập trung ở các tỉnh khu vực ven biển miền Trung và ĐBSCL.

+ Lĩnh vực lâm nghiệp: Diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp, đất rừng trồng là 4,136 triệu ha, chủ yếu được giao cho các hộ nông dân thực hiện trồng và khai thác. Hiện nay, cả nước mới có khoảng 100 HTX lâm nghiệp (chủ yếu là trồng và bảo vệ rừng). Các cơ sở chế biến, tiêu thụ gỗ rừng trồng liên kết trực tiếp với các hộ để thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ gỗ rừng. Kế hoạch dự kiến đến năm 2020 là củng cố, thành lập mới khoảng 300 hợp tác xã trong lĩnh vực lâm nghiệp, tập trung ở các tỉnh Miền núi phía bắc, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Ưu tiên phát triển các HTX trồng dược liệu dưới tán rừng. Việc tổ chức liên kết giữa doanh nghiệp và HTX tập trung vào công tác trồng, bảo vệ, sơ chế, dịch vụ giống, vật tư, tiêu thụ sản phẩm gỗ, dược liệu và sản phẩm ngoài gỗ.

+ Lĩnh vực chăn nuôi: Việc củng cố, thành lập HTX được thực hiện theo hướng: Xác định vùng chăn nuôi, sản xuất tập trung vận động các tổ hợp tác, chủ trang trại, người sản xuất giỏi, có kinh nghiệm và uy tín với cộng đồng làm sáng lập viên vận động thành lập các hợp tác xã với quy mô phù hợp cho công tác quản lý. Phấn đấu đến năm 2020 phát triển được trên 500 HTX chăn nuôi có tham gia liên kết để sản xuất theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Đối với các sản phẩm nông sản khác, tùy theo điều điện, lợi thế các địa phương chủ động lựa chọn dịch vụ, sản phẩm, ngành hàng để hỗ trợ phát triển liên kết theo chuỗi giá trị nhằm phát triển các hợp tác xã nông nghiệp tại địa phương.

- Về chính sách hỗ trợ: Căn cứ quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ- CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ, về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, và cơ chế chính sách của địa phương để có kế hoạch hỗ trợ cụ thể cho từng loại hình liên kết ở trên.

c) Chương trình OCOP: Căn cứ Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, các địa phương vận động các hộ gia đình, các tổ nhóm tại thôn bản, thành lập các HTX nhằm phát triển sản phẩm nông sản đặc sản theo 06 nhóm đã được phê duyệt như: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, sản phẩm may mặc, đồ lưu niệm. Phấn đấu đến năm 2020 có trên 300 HTX được củng cố, thành lập để tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đặc thù có giá trị kinh tế cao ở địa phương.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Đẩy mạnh tuyên truyền.

Thông qua các giải pháp, hình thức tuyên truyền, đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng để làm rõ sự cần thiết về chuỗi giá trị và vai trò nòng cốt của hợp tác xã nông nghiệp trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện nay.

2. Nâng cao năng lực cho HTX và doanh nghiệp để thực hiện liên kết có hiệu quả.

Căn cứ nội dung quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ, về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, và các quy định khác để thực hiện hỗ trợ đào tạo cho HTX về: Nâng cao năng lực quản trị, tiếp cận và áp dụng khoa học công nghệ, năng lực về thông tin; về thương mại và tiếp cận thị trường.

3. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy phát triển liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã.

Căn cứ nội dung quy định tại các Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018; Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 03/5/2018; Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018; Nghị định 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ; Quyết định số 923/QĐ-TTg , ngày 28/06/2017 của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách khác của địa phương để thực hiện kế hoạch này.

4. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các Chương trình, dự án như: Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nạm (VnSATp); Chương trình “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020” theo Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018- 2020 theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình OCOP) và các chương trình, đề án của các địa phương để thúc đẩy phát triển các HTX nông nghiệp.

5. Phối hợp với các tổ chức quốc tế để hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như Socodevi, WB, FAO, GIZ...để hỗ trợ nâng cao năng lực, cơ sở hạ tầng sản xuất cho hợp tác xã và các địa phương nhằm thực hiện tốt liên kết với doanh nghiệp.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn

- Là đầu mối, tổng hợp, tham mưu cho Bộ để hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị chức năng thuộc Bộ tổ chức xây dựng và triển khai các chuỗi liên kết ngành hàng chủ lực theo Quyết định số 1607/QĐ-BNN-KTHT ngày 09/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Phối hợp với một số Hiệp hội, doanh nghiệp, tổng công ty và các địa phương lựa chọn địa bàn tổ chức xây dựng mô hình điểm chuỗi liên kết một số ngành hàng chủ lực.

b) Các Tổng cục, Cục chuyên ngành:

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công, xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai các chuỗi liên kết ngành hàng theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1607/QĐ- BNN-KTHT ngày 09/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Hướng dẫn các địa phương triển khai chương trình liên kết theo lĩnh vực được phân công phụ trách.

c) Trung tâm Khuyến nông Quốc gia:

- Phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thực hiện Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các HTX tham gia liên kết; xây dựng mô hình khuyến nông về chuỗi liên kết để đánh giá và nhân rộng.

d) Nguồn vốn hỗ trợ thí điểm:

Ngoài quy định tại các chính sách đã có, các đơn vị thuộc Bộ sử dụng một phần nguồn ngân sách sự nghiệp được phân bổ hàng năm để bố trí, lồng ghép, hỗ trợ xây dựng mô hình. Ngoài ra, thông qua các dự án đang thực hiện để bố trí, lồng ghép nguồn vốn nhằm thực hiện hoàn thành kế hoạch.

2. Các địa phương:

Căn cứ nội dung quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và các cơ chế chính sách đã được Chính phủ ban hành, các địa phương chủ động bố trí nguồn lực của địa phương để hỗ trợ phát triển HTX và thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng mô hình liên kết.

3. Triển khai thực hiện.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

+ Căn cứ Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 và Kế hoạch này, các đơn vị của Bộ phối hợp với Hiệp hội, doanh nghiệp, tổng công ty và địa phương để xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện đến năm 2020.

+ Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc trong quá trình chỉ đạo thực hiện và kịp thời báo cáo kết quả thực hiện với Lãnh đạo Bộ.

- Các địa phương:

UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 và Kế hoạch này để chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển liên kết của địa phương và tổ chức triển khai nhằm đạt các mục tiêu kế hoạch./.


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (để b/c);
- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (b/c);
- VP BCĐ đổi mới, phát triển KTTT, HTX;
- Liên minh HTX Việt Nam;
- Hội Nông dân Việt Nam;
- UBND các tỉnh, thành phố;
- BCS Đảng Bộ;
- Các đơn vị liên quan thuộc Bộ;
- Lưu: VT, KTHT, (100b)

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Thanh Nam

PHỤ LỤC 01

DANH SÁCH CÁC DOANH NGHIỆP DỰ KIẾN VẬN ĐỘNG THAM GIA CHUỖI LIÊN KẾT

1. Lĩnh vực Trồng trọt:

- Công ty TNHH MTV Tổng công ty lương thực Miền Nam-Vinafood 2 (Thành phố Hồ Chí Minh).

- Công ty TNHH Nông nghiệp Hạt Ngọc Việt (Cần Thơ).

- Công ty Cổ phần Gentraco (Cần Thơ).

- Công ty TNHH MTV kinh doanh chế biến lương thực Hiếu Nhân (Cần Thơ).

- CÔNG TY TNHH OLAM Việt Nam (Đăk Nông).

- Công ty TNHH Công Bình (Long An).

- Công ty Cổ phần nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ).

- Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương - Vinaseed (Hà Nội).

Một số doanh nghiệp đang triển khai thực hiện liên kết: Công ty TNHH Toản Xuân (Nam Định).

- Công ty Cổ phần kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh (Hà Nội).

2. Mía đường: Các Công ty, doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Mía đường Việt Nam như:

- Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa).

- Công ty Cổ phần mía đường tại các tỉnh như: Tuyên Quang, Sơn La, Cao Bằng, Nghệ An....

- Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai.

- Công ty Cổ phần đường Việt Nam (Khánh Hòa).

- Công ty Cổ phần mía đường Cần Thơ, Trà Vinh, Thành Thành Công Tây Ninh.

3. Lĩnh vực Chăn nuôi:

- Công ty TNHH Deheus.

- Công ty Cổ phần Hùng Nhơn (Bình Phước).

- Công ty Trách nhiệm hữu hạn San Hà (Thành phố Hồ Chí Minh).

- Công ty Cổ phần tập đoàn Masan (Thành phố Hồ Chí Minh).

- Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam.

- Công ty Cổ phần Chuỗi Thực phẩm TH (TH True Milk).

- Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

4. Lĩnh vực Lâm Nghiệp:

- Công Ty TNHH Scansia Pacific (Thành phố Hồ Chí Minh)

- Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (VINAFOR)

5. Thủy sản:

- Công ty cổ phần tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau)

- Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng - Stapimex

- Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Cao Lãnh, Đồng Tháp).

- Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (An Giang).

- Công ty Cổ phần Hùng Vương (Mỹ Tho, Tiền Giang).



1 Theo tiêu chí phân loại tại Thông tư 09/2017/TT-BNN-KTHT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 6390/KH-BNN-KTHT ngày 17/08/2018 về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp với doanh nghiệp đến năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.296

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.242.149
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!