ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 279/QĐ-UBND
|
Bắc Giang, ngày
22 tháng 3 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG HOẠT ĐỘNG
CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22
tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Công chứng ngày
20 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số
29/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ Quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng;
Căn cứ Nghị quyết số
172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng
trên địa bàn tỉnh Bắc Giang;
Theo đề nghị của Sở Tư pháp
tại Tờ trình số 10/TTr-STP ngày 11 tháng 3 năm 2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án tăng cường quản
lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Điều 2.
Giám đốc các sở, thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh;
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ
Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- TAND tỉnh, VKSND tỉnh, Cục THADS tỉnh, Công an tỉnh;
- NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Giang;
- VP UBND tỉnh: LĐVP, các phòng, đơn vị;
- Lưu: VT, NC.Linh.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Mai Sơn
|
ĐỀ ÁN
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG
I. SỰ CẦN
THIẾT BAN HÀNH ĐỀ ÁN
1. Cơ sở pháp lý
- Luật Công chứng ngày
20/6/2014;
- Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15/6/2018;
- Nghị định số 29/2015/NĐ-CP
ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
của luật công chứng;
- Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày
19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng (Nghị quyết số
172/NQ-CP);
- Thông tư số 01/2021/TT-BTP
ngày 03/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện
pháp thi hành Luật Công chứng;
- Quyết định số 299/QĐ-BTP ngày
05/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị
quyết số 172/NQ-CP (Quyết định số 299/QĐ-BTP);
- Kế hoạch số 109/KH-UBND ngày
12/4/2021 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày
19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng trên địa bàn
tỉnh Bắc Giang (Kế hoạch số 109/KH-UBND).
Những văn bản pháp luật nêu
trên là cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng
trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đặc biệt, tại điểm b khoản 3 mục 1 Phần II Nghị
quyết số 172/NQ-CP đề ra nhiệm vụ, giải pháp: “Xây dựng Đề án tăng cường quản
lý nhà nước trong hoạt động công chứng tại địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp
tục xã hội hóa hoạt động công chứng, bảo đảm phát triển nghề công chứng phù hợp
với định hướng của Luật Công chứng, Nghị quyết này và tình hình phát triển kinh
tế - xã hội của địa phương” và tiết 6.1, mục 6 phần II Kế hoạch số
109/KH-UBND đề ra nội dung nhiệm vụ: “Xây dựng, ban hành Đề án tăng cường quản
lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”.
2. Cơ sở thực tiễn
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc
Giang có 17 Văn phòng công chứng với 34 công chứng viên được phân bổ trên địa
bàn 08/10 đơn vị hành chính cấp huyện1, còn 02/10 huyện chưa có Văn phòng công chứng (huyện Yên Thế và
huyện Sơn Động). Đối với 02 Phòng công chứng thuộc Sở Tư pháp, thực hiện chủ
trương sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa hoạt động
công chứng, UBND tỉnh đã ban hành quyết định giải thể, cụ thể: năm 2016 giải thể
Phòng công chứng số 2 và năm 2018 giải thể Phòng công chứng số 1.
Trong những năm gần đây, hoạt động
công chứng trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và
chất lượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu công chứng ngày càng tăng của cá nhân và tổ
chức trên địa bàn tỉnh, các hợp đồng, giao dịch do các tổ chức hành nghề công
chứng thực hiện tăng dần theo từng năm, góp phần tăng nguồn thu ngân sách và phục
vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Chỉ tính riêng trong năm
2021, các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng được 53.988 việc công chứng,
số phí, thù lao công chứng thu được hơn 30 tỷ đồng. Hoạt động công chứng trong
thời gian qua cơ bản đảm bảo tính hợp pháp, xác thực và an toàn pháp lý của các
hợp đồng, giao dịch, phòng ngừa tranh chấp và vi phạm pháp luật, qua đó đã tác
động tích cực đến nhận thức của xã hội nói chung và các cấp, các ngành, các tầng
lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động
công chứng trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội
hóa hoạt động công chứng, nhất là khi Quốc hội ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một
số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch, theo đó bãi bỏ quy hoạch về
công chứng, mặc dù đã được Bộ Tư pháp và UBND tỉnh quan tâm hướng dẫn chỉ đạo
nhưng hoạt động công chứng cũng như công tác quản lý nhà nước về công chứng còn
bộc lộ những tồn tại hạn chế như: (i) Một số cơ quan, tổ chức và bộ phận
Nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của hoạt động công chứng cũng như giá
trị pháp lý của văn bản công chứng; (ii) Văn phòng công chứng phân bổ
không đồng đều, chủ yếu tập trung tại trung tâm huyện, thành phố có điều kiện
kinh tế - xã hội phát triển, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn ít
có cơ hội thuận lợi để tiếp cận với dịch vụ công chứng; (iii) Công tác
phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quản lý nhà nước về công chứng còn
chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; chưa có công cụ hữu hiệu kết nối, chia sẻ thường
xuyên, kịp thời thông tin về những hành vi vi phạm trong hoạt động công chứng
giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức hành nghề công chứng; (iv)
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng chưa đáp ứng
được yêu cầu xu thế phát triển, chưa xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở dữ
liệu công chứng có khả năng kết nối với các cơ sở dữ liệu liên quan khác nhau
như: Cơ sở dữ liệu về đất đai, giao dịch bảo đảm, thuế, dân cư… nhằm ngăn chặn
những hành vi vi phạm trong hoạt động công chứng; (v) Vai trò tự quản của
tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên còn chưa tốt, chưa thực sự chủ
động trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan; (vi) Tình trạng
làm và sử dụng giấy tờ giả rồi thông qua hoạt động công chứng nhằm lừa đảo chiếm
đoạt tài sản hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác của tổ chức và cá
nhân đã được phát hiện, ngăn chặn nhưng chưa triệt để; (vii) hoạt động
hành nghề công chứng còn có những sai sót, vi phạm, trong đó tình trạng công chứng
“khống”, công chứng “treo”, cạnh tranh không lành mạnh vẫn chưa được phát hiện,
xử lý.
Từ thực tiễn hoạt động công chứng
trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, trên cơ sở Luật công chứng năm 2014 và
các văn bản hướng dẫn thi hành, Nghị quyết số 172/NQ-CP , Quyết định số
299/QĐ-BTP và Kế hoạch số 109/KH-UBND ; để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý
nhà nước trong hoạt động công chứng, đảm bảo vai trò định hướng, điều tiết của
nhà nước trong việc hỗ trợ phát triển các tổ chức hành nghề công chứng phù hợp
với Luật công chứng năm 2014, Nghị quyết số 172/NQ-CP và tình hình phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang thì việc ban hành Đề án tăng cường quản lý
nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là cần thiết.
II. QUAN ĐIỂM
VÀ MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN
1. Quan điểm
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả
công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng, đảm bảo vai trò định hướng,
điều tiết của nhà nước trong việc hỗ trợ phát triển nghề công chứng, gắn trách
nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về công chứng trong việc kiểm soát phát triển
tổ chức hành nghề công chứng và nâng cao chất lượng công chứng viên; tăng cường
ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng, tiến tới thực hiện
công chứng hợp đồng, giao dịch trên môi trường mạng.
- Nâng cao trách nhiệm của các
cơ quan liên quan trong việc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về công chứng,
đặc biệt là trong việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu công chứng
với các cơ sở dữ liệu khác có liên quan; đấu tranh phòng chống tội phạm, lợi dụng
công chứng để hợp pháp hóa các hợp đồng giao dịch bất hợp pháp. Phát huy trách
nhiệm tự quản của tổ chức xã hội- nghề nghiệp của công chứng viên trong việc
ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động
hành nghề công chứng.
2. Mục tiêu
Tăng cường quản lý nhà nước
trong hoạt động công chứng nhằm tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu
quả của dịch vụ công chứng; đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của các tổ
chức hành nghề công chứng gắn với sự phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu của
người dân trên từng địa bàn cấp huyện, có sự kiểm soát, định hướng, điều tiết của
nhà nước; tạo điều kiện cho tổ chức và cá nhân tiếp cận dịch vụ công chứng, đảm
bảo an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, phòng tranh chấp
vi phạm pháp luật trong hoạt động công chứng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã
hội và công cuộc cải cách tư pháp của tỉnh.
III. NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP
1. Tuyên
truyền, phổ biến pháp luật về công chứng, chính sách phát triển nghề công chứng
Tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên
truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức, doanh
nghiệp về vị trí, vai trò của hoạt động công chứng và định hướng phát triển nghề
công chứng theo tinh thần Nghị quyết số 172/NQ-CP .
- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
- Cơ quan phối hợp: Sở Thông
tin và Truyền thông, Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, UBND
các huyện, thành phố và các cơ quan có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Thường
xuyên.
2. Hoàn
thiện thể chế, chính sách pháp luật về công chứng
2.1. Rà soát, kiến nghị,
sửa đổi, bổ sung thay thế các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động
công chứng nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định pháp luật về công
chứng và quy định pháp luật có liên quan.
Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
Cơ quan phối hợp: Các cơ quan,
tổ chức có liên quan.
Thời gian thực hiện: Thường
xuyên.
2.2. Ban hành Quyết định
thay thế Quyết định số 473/2015/QĐ-UBND ngày 07/10/2015 của UBND tỉnh Bắc Giang
quy định mức trần thù lao công chứng và dịch thuật trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
Cơ quan phối hợp: Sở Tài chính
và các cơ quan có liên quan.
Thời gian thực hiện: Tháng
6/2022.
2.3. Theo dõi, rà soát,
kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Quyết định số 67/2021/QĐ-UBND
ngày 02/12/2021 của UBND tỉnh ban hành quy định tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị
thành lập Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (Quyết định số
67/2021/QĐ-UBND) đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực
tiễn tại địa phương.
Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
Cơ quan phối hợp: các cơ quan
có liên quan.
Thời gian thực hiện: Thường
xuyên.
2.4. Hỗ trợ, ưu đãi về
thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; nghiên cứu, quyết
định biện pháp hỗ trợ về trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc đối với tổ
chức hành nghề công chứng được thành lập ở địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội
khó khăn của tỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP
ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật Công chứng (Nghị định số 29/2015/NĐ-CP).
Cơ quan chủ trì: Cục Thuế tỉnh,
Sở Tài chính.
Cơ quan phối hợp: Sở Xây dựng,
Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan.
Thời gian thực hiện: Năm 2022
và các năm tiếp theo.
3. Phát triển
tổ chức hành nghề công chứng ổn định, bền vững; xây dựng đội ngũ công chứng
viên chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng
3.1. Phát triển tổ chức
hành nghề công chứng có kiểm soát căn cứ theo tình hình phát triển kinh tế - xã
hội và nhu cầu của người dân trên từng địa bàn cấp huyện; việc thành lập các
Văn phòng công chứng phải phù hợp với Luật công chứng năm 2014, Nghị quyết số
172/NQ-CP và Quyết định số 67/2021/QĐ-UBND ; đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu
công chứng của các tổ chức và cá nhân. Khuyến khích việc thành lập các văn
phòng công chứng ở địa bàn nông thôn xa trung tâm đô thị và địa bàn có điều kiện
kinh tế - xã hội khó khăn; đảm bảo cho tổ chức và cá nhân có cơ hội thuận lợi
được tiếp cận với dịch vụ công chứng.
Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
Cơ quan phối hợp: Hội công chứng
viên tỉnh và các cơ quan có liên quan.
Thời gian thực hiện: Thường
xuyên.
3.2. Quản lý chặt chẽ việc
tập sự hành nghề công chứng; tăng cường sự phối hợp trong việc tổ chức tập huấn,
bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng nhằm nâng cao kỹ năng hành nghề, đạo đức nghề
nghiệp cho công chứng viên và nhân viên nghiệp vụ của các Văn phòng công chứng;
thẩm định chặt chẽ việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, đăng ký hành nghề
công chứng của công chứng viên; hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng, đăng ký hoạt
động, thay đổi đăng ký hoạt động, chấm dứt hoạt động của các tổ chức hành nghề
công chứng theo quy định của Luật công chứng năm 2014 và các quy định pháp luật
có liên quan.
Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
Cơ quan phối hợp: Hội công chứng
viên tỉnh và các cơ quan có liên quan.
Thời gian thực hiện: Thường
xuyên.
3.3. Tạo điều kiện hỗ trợ
về trụ sở và cơ sở vật chất cho Hội công chứng viên tỉnh nhằm thực hiện tốt nhiệm
vụ tự quản theo tinh thần Kết luận số 102- KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị
về Hội quần chúng.
Cơ quan chủ trì: Sở Nội vụ, Sở
Tài chính, Sở Xây dựng.
Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp, Hội
công chứng viên tỉnh và các cơ quan có liên quan.
Thời gian thực hiện: Theo Kế hoạch
số 109/KH-UBND .
4. Đẩy mạnh
ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng
4.1. Tiếp tục hoàn thiện,
nâng cấp Cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực và dữ liệu ngăn chặn trên địa bàn
tỉnh đảm bảo kết nối với cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc sau khi được Bộ Tư
pháp xây dựng; nghiên cứu, khảo sát, trao đổi việc cập nhật, kết nối, chia sẻ
các dữ liệu có liên quan đến hoạt động công chứng với cơ sở dữ liệu quốc gia về
dân cư, đất đai, thuế, đăng ký biện pháp bảo đảm…
Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin
và Truyền thông; Sở Tài chính; Cục Thuế tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường; Công
an tỉnh; Hội Công chứng viên tỉnh và các cơ quan có liên quan.
Thời gian thực hiện: Năm 2022
và các năm tiếp theo.
4.2. Tập huấn, hướng dẫn
việc khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực và dữ liệu ngăn chặn
trên địa bàn tỉnh.
Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
Cơ quan phối hợp: Sở thông tin
và Truyền thông; Hội công chứng viên tỉnh; Cục thuế tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi
trường và các cơ quan có liên quan.
Thời gian thực hiện: Hàng năm.
4.3. Rà soát, sửa đổi, bổ
sung hoặc thay thế Quy chế quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu công chứng,
chứng thực và dữ liệu ngăn chặn trên địa bàn tỉnh.
Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
Cơ quan phối hợp: Hội công chứng
viên tỉnh; Sở thông tin và truyền thông; Sở Tài chính và các cơ quan có liên
quan.
Thời gian thực hiện: Thường
xuyên.
5. Tăng cường
công tác phối hợp quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công chứng
5.1. Đẩy mạnh hoạt động
thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động công chứng đặc biệt là
tình trạng công chứng “khống”, công chứng “treo”, cạnh tranh không lành mạnh
Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
Cơ quan phối hợp: Hội công chứng
viên tỉnh; Công an tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh,
Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Giang và các cơ quan có liên quan.
Thời gian thực hiện: Theo kế hoạch
hàng năm và kế hoạch tranh tra, kiểm tra đột xuất.
5.2. Thường xuyên cung cấp,
trao đổi thông tin về việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi giả mạo tổ
chức hành nghề công chứng, công chứng viên, người yêu cầu công chứng và phương
thức thủ đoạn làm, sử dụng giấy tờ tài liệu giả trong hoạt động công chứng nhằm
thực hiện hành vi trái pháp luật.
Cơ quan chủ trì: Công an tỉnh.
Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp; Sở
Tài nguyên và Môi trường, Toà án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Hội
công chứng viên tỉnh và các cơ quan có liên quan.
Thời gian thực hiện: Thường
xuyên.
5.3. Tăng cường sự phối
hợp và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc chia
sẻ, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động công chứng nhất là thông tin
liên quan đến tài sản là đất đai, nhà ở nhằm bảo đảm an toàn pháp lý của các hợp
đồng, giao dịch, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm, lợi dụng hoạt động
công chứng để hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp hoặc trốn thuế.
Cơ quan thực hiện: Các cơ quan
tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự, Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh
Bắc Giang, Cục Thuế tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Hội Công chứng
viên tỉnh và các cơ quan có liên quan.
Thời gian thực hiện: Thường
xuyên.
6. Nâng cao
vai trò, trách nhiệm tự quản của Hội công chứng viên tỉnh
6.1. Thực hiện tốt chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Công chứng; Nghị định số
45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Hội và các
văn bản hướng dẫn thi hành.
6.2. Tăng cường vai trò,
trách nhiệm tự quản của Hội công chứng viên trong việc giám sát hoạt động hành
nghề của công chứng viên, kịp thời phát hiện các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp
luật và quy tắc đạo đức hành nghề của công chứng viên; đồng thời xử lý nghiêm
các hành vi vi phạm pháp luật của công chứng viên hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước
có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật và điều lệ Hiệp hội công chứng
viên Việt Nam.
Cơ quan chủ trì: Hội công chứng
viên tỉnh.
Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp;
các tổ chức hành nghề công chứng và các cơ quan có liên quan.
Thời gian thực hiện: Thường
xuyên.
6.3. Định kỳ tổ chức các
lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chứng viên và nhân viên nghiệp vụ của
các tổ chức hành nghề công chứng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ,
kỹ năng hành nghề và đạo đức nghề nghiệp cho công chứng viên.
Cơ quan chủ trì: Hội công chứng
viên tỉnh.
Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp và
các tổ chức hành nghề công chứng. Thời gian thực hiện: Hàng năm.
7. Đảm bảo
các điều kiện để thi hành có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về công chứng
Rà soát, tham mưu, đề xuất UBND
tỉnh các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, kinh phí, nguồn nhân lực để đảm
bảo thi hành có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về công chứng trên địa bàn
tỉnh.
Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
Cơ quan phối hợp: Sở Tài chính,
Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có liên quan.
Thời gian thực hiện: Hàng năm.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Tư pháp
- Chủ động tham mưu thực hiện
có hiệu quả các nhiệm vụ được giao chủ trì, nhiệm vụ được giao phối hợp trong Đề
án; Kế hoạch số 109/KH-UBND và Quyết định số 25/2020/QĐ-UBND ngày 01/8/2020 của
UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về đăng ký thế chấp quyền
sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (Quyết định số
25/2020/QĐ-UBND).
- Có trách nhiệm theo dõi, đôn
đốc, kiểm tra, định kỳ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tư pháp kết quả thực
hiện Đề án; đồng thời tham mưu UBND tỉnh thực hiện sơ kết, tổng kết việc thực
hiện Đề án theo quy định.
2. Sở Tài chính
- Chủ động tham mưu thực hiện
có hiệu quả các nhiệm vụ được giao chủ trì, nhiệm vụ được giao phối hợp trong Đề
án và Kế hoạch số 109/KH-UBND .
- Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở
Tư pháp xây dựng các giải pháp hỗ trợ về trụ sở, trang thiết bị, phương tiện
làm việc đối với những Văn phòng công chứng được thành lập tại địa bàn có điều
kiện kinh tế- xã hội khó khăn theo quy định tại điều 16 Nghị định số
29/2015/NĐ-CP .
- Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí xây dựng hoàn thiện
cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn tỉnh và nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện
các nội dung của Đề án theo quy định.
3. Sở Nội vụ
- Chủ động tham mưu thực hiện
có hiệu quả các nhiệm vụ được giao chủ trì, nhiệm vụ được giao phối hợp trong Đề
án và Kế hoạch số 109/KH-UBND .
- Thực hiện quản lý nhà nước đối
với Hội công chứng viên tỉnh theo quy định.
- Phối hợp với Sở Tư pháp trong
việc tham mưu, đề xuất UBND tỉnh đảm bảo các điều kiện về nguồn nhân lực để tổ
chức thực hiện Đề án.
4. Công an tỉnh
- Chủ động tham mưu thực hiện
có hiệu quả các nhiệm vụ được giao chủ trì, nhiệm vụ được giao phối hợp trong Đề
án và Kế hoạch số 109/KH-UBND .
- Phối hợp với Sở Tư pháp trong
công tác quản lý nhà nước về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong
lĩnh vực công chứng; thường xuyên cung cấp thông tin về phương thức, thủ đoạn của
các đối tượng lợi dụng hoạt động công chứng để phạm tội, các dấu hiệu hành vi
vi phạm pháp luật của công chứng viên trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp cung cấp quyết định
kê biên tài sản, hủy bỏ lệnh kê biên tài sản trong giai đoạn điều tra; kịp thời
thông tin cho Sở Tư pháp về các trường hợp ngăn chặn giao dịch liên quan đến
tài sản, giả mạo người, sử dụng giấy tờ giả để giao dịch để Sở Tư pháp cập nhật
kịp thời vào cơ sở dữ liệu công chứng.
- Hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức
hành nghề công chứng phương pháp, kỹ năng nhận biết giấy tờ, tài liệu giả, giả
mạo người yêu cầu công chứng trong hoạt động công chứng nhằm phòng ngừa, ngăn
chặn vi phạm pháp luật và rủi ro có thể xảy ra.
5. Ngân hàng nhà nước Chi
nhánh tỉnh Bắc Giang
- Chủ động tham mưu thực hiện
có hiệu quả các nhiệm vụ được giao chủ trì, nhiệm vụ được giao phối hợp trong Đề
án và Kế hoạch số 109/KH-UBND .
- Rà soát các quy định của pháp
luật về quy trình nghiệp vụ tín dụng có liên quan đến hoạt động công chứng, đề
xuất các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tăng cường thể
chế pháp lý, đảm bảo chặt chẽ và thống nhất.
- Tăng cường công tác thanh
tra, giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn, xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng
và cán bộ làm công tác tín dụng vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động công
chứng.
6. Cục Thuế tỉnh
- Chủ động tham mưu thực hiện
có hiệu quả các nhiệm vụ được giao chủ trì, nhiệm vụ được giao phối hợp trong Đề
án và Kế hoạch số 109/KH-UBND .
- Phối hợp với các cơ quan liên
quan tuyên truyền, phổ biến đến các chủ dự án, doanh nghiệp kinh doanh bất động
sản, người dân khi chuyển nhượng bất động sản ghi trên hợp đồng là giá thực tế,
nhằm chống thất thu cho ngân sách nhà nước, mọi hành vi ghi không đúng giá thực
tế chuyển nhượng là vi phạm pháp luật.
- Hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức
hành nghề công chứng trong việc thực hiện các nghĩa vụ thuế, chế độ quản lý, sử
dụng biên lai, hóa đơn, chứng từ, sổ sách kế toán và chế độ báo cáo theo quy định
pháp luật về quản lý thuế.
- Phối hợp với Sở Tư pháp và
các cơ quan có liên quan kết nối, liên thông có cơ sở dữ liệu công chứng với cơ
sở dữ liệu về thuế khi có yêu cầu.
7. Sở Tài nguyên và môi trường
- Chủ động tham mưu thực hiện
có hiệu quả các nhiệm vụ được giao chủ trì, nhiệm vụ được giao phối hợp trong Đề
án và Kế hoạch số 109/KH-UBND .
- Thường xuyên cung cấp thông tin
về việc thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở
và tài sản khác gắn liền với đất cho Sở Tư pháp để cập nhật và cơ sở dữ liệu
công chứng nhằm hỗ trợ các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên khi
thực hiện công chứng các hợp đồng giao dịch, tránh rủi ro có thể xảy ra trong
hoạt động công chứng.
- Thường xuyên cung cấp, trao đổi
thông tin với Sở Tư pháp, Hội công chứng viên tỉnh và các loại giấy chứng nhận
quyền sử dụng, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, nhằm đảm bảo an
toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch có liên quan trong quá trình thực hiện
công chứng.
- Phối hợp với Sở Tư pháp tích
hợp kết nối cơ sở dữ liệu công chứng với cơ sở dữ liệu về đất đai khi có đề nghị.
- Phối hợp với Sở Tư pháp, Hội
công chứng viên tỉnh và các tổ chức hành nghề công chứng có giải pháp hoặc kiến
nghị cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn giữa
quy định của pháp luật về công chứng và quy định pháp luật có liên quan với các
quy định pháp luật về đất đai nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức,
cá nhân theo quy định của pháp luật.
8. Cục Thi hành án dân sự tỉnh
Thực hiện và chỉ đạo Chi cục
Thi hành án dân sự các huyện, thành phố có trách nhiệm thường xuyên thông tin về
việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu, thay đổi hiện trạng
tài sản, kê biên tài sản để thi hành án, chấm dứt việc tạm dừng đăng ký; chuyển
quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản; giải tỏa kê biên tài sản
cho Sở Tư pháp để kịp thời cập nhật vào cơ sở dữ liệu công chứng nhằm ngăn chặn
các hợp đồng giao dịch bất hợp pháp, phòng ngừa rủi ro trong hoạt động công chứng.
9. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh,
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh
- Chủ trì, phối hợp và chỉ đạo
các đơn vị thuộc ngành trên địa bàn tỉnh thường xuyên phối hợp cung cấp thông
tin về các biện pháp hạn chế quyền sở hữu liên quan đến tài sản, nhất là tài sản
là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và quyết định huỷ bỏ các biện
pháp hạn chế đó cho Sở Tư pháp để kịp thời cập nhật vào cơ sở dữ liệu công chứng
nhằm ngăn chặn các hợp đồng giao dịch bất hợp pháp, phòng ngừa rủi ro trong hoạt
động công chứng.
- Chủ trì, phối hợp và chỉ đạo
các đơn vị trong ngành thường xuyên phối hợp cung cấp thông tin về về các hành
vi vi phạm pháp luật trong hoạt động công chứng; việc truy tố, xét xử đối với
công chứng viên phạm tội cho Sở Tư pháp để xem xét thực hiện thủ tục liên quan
đến đăng ký hành nghề và miễn nhiệm công chứng viên theo quy định của Luật công
chứng năm 2014.
10. Các sở, ngành và các cơ
quan có liên quan
- Các sở, ngành và các cơ quan
có liên quan được phân công chủ trì và phối hợp trong việc thực hiện các nhiệm
vụ của Đề án này có trách nhiệm triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được
giao; đồng thời gắn việc triển khai thực hiện Đề án trong Kế hoạch công tác năm
của cơ quan, đơn vị mình.
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả
những nội dung có liên quan theo quy định tại Kế hoạch số 109/KH-UBND và Quyết
định số 25/2020/QĐ-UBND .
11. UBND các huyện, thành phố
Chỉ đạo các phòng, đơn vị liên
quan thuộc thẩm quyền quản lý và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
phổ biến các quy định pháp luật về công chứng nhằm nâng cao nhận thức của các tầng
lớp Nhân dân trên địa bàn về vị trí, vai trò của hoạt động công chứng và giá trị
pháp lý của các văn bản công chứng.
- Cung cấp thông tin, tài liệu
có liên quan đến việc thực hiện công chứng theo đề nghị của các tổ chức hành
nghề công chứng, công chứng viên theo quy định của pháp luật.
- Kịp thời thông tin cho Sở Tư
pháp các hành vi vi phạm pháp luật của công chứng viên; việc mở chi nhánh, văn
phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở của tổ chức hành
nghề công chứng trái quy định pháp luật về công chứng.
- Chỉ đạo UBND cấp xã kịp thời
cập nhật các hợp đồng, giao dịch đã chứng thực vào Cơ sở dữ liệu công chứng/chứng
thực và dữ liệu ngăn chặn.
12. Hội công chứng viên tỉnh
- Chủ động tham mưu thực hiện
có hiệu quả các nhiệm vụ được giao chủ trì, nhiệm vụ được giao phối hợp trong Đề
án và Kế hoạch số 109/KH-UBND .
- Thường xuyên phối hợp, thông
tin, trao đổi với Sở Tư pháp về tình hình tổ chức và hoạt động công chứng nhằm
phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt
động công chứng.
13. Các tổ chức hành nghề
công chứng và công chứng viên
- Thực hiện đúng các quyền và
nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên theo quy định của
pháp luật.
- Cung cấp các thông tin liên
quan trong quá trình hoạt động công chứng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà
nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Trưởng các tổ chức hành nghề
công chứng có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn đội ngũ công chứng viên, nhân viên
của tổ chức mình nâng cao tinh thần trách nhiệm, tuân thủ các quy định pháp luật,
quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; thường xuyên rà soát, kiểm tra, giám sát
hoạt động nội bộ tổ chức hành nghề công chứng.
14. Kinh phí thực hiện
- Kinh phí thực hiện Đề án được
bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách và các nguồn đóng
góp, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật.
- Hằng năm, Sở Tư pháp và các
cơ quan liên quan phối hợp với Sở Tài chính xây dựng dự toán kinh phí thực hiện
Đề án trình UBND tỉnh quyết định.
Trong quá trình triển khai thực
hiện Đề án, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các sở, ngành, địa phương và các
cơ quan, tổ chức liên quan kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) để xem
xét, giải quyết theo quy định./.
1 Thành phố Bắc Giang
có 07 Văn phòng công chứng; huyện Việt Yên có 02 Văn phòng công chứng; huyện Lạng
Giang có 01 Văn phòng công chứng; huyện Yên Dũng có 01 Văn phòng công chứng;
huyện Lục Nam có 01 Văn phòng công chứng; huyện Lục Ngạn có 02 Văn phòng công
chứng; huyện Tân Yên có 01 Văn phòng công chứng và huyện Hiệp Hòa có 02 Văn
phòng công chứng