QUY CHẾ
PHỐI HỢP QUẢN LÝ
NHÀ NƯỚC VỀ GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 219/2013/QĐ-UBND ngày 31/5/2013 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Bắc Giang)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế quy định nguyên tắc, nội dung và trách
nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong công tác quản lý nhà
nước về giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế áp dụng đối với hoạt động quản lý nhà nước
về giám định tư pháp của các Sở: Tư pháp, Y tế, Nội vụ, Tài chính, Xây dựng,
Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Thông
tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Công Thương và các cơ quan: Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm
sát nhân dân tỉnh, Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Giang; các cơ quan, tổ
chức khác có liên quan.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Việc phối hợp thực hiện trên cơ sở chức năng,
nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, bảo đảm tính thống nhất,
liên ngành trong quản lý nhà nước về giám định tư pháp, đáp ứng tốt nhất yêu
cầu, trưng cầu giám định trên địa bàn tỉnh; xác định vai trò, trách nhiệm, quyền
hạn của cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp.
2. Bảo đảm tính khách quan và phù hợp với điều kiện
chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị trong quá trình phối hợp thực hiện chức
năng quản lý nhà nước về giám định tư pháp. Kịp thời giải quyết những vướng mắc
phát sinh theo quy định của pháp luật.
Chương II
NỘI DUNG PHỐI HỢP VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ
NHÀ NƯỚC, CƠ QUAN CHUYÊN MÔN QUẢN LÝ VỀ LĨNH VỰC GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
Điều 4. Nội dung phối hợp
1. Xây dựng,
trình HĐND, UBND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền liên
quan đến hoạt động giám định tư pháp. Thực hiện kiểm tra, rà soát và
theo dõi thi hành pháp luật về giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh.
2. Đánh giá tổ chức, chất lượng hoạt động của tổ
chức giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, người giám định
tư pháp theo vụ việc thuộc lĩnh vực quản lý;
3. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giám định
tư pháp;
4. Thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập
và ngoài công lập; bố trí kinh phí, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết
khác cho các tổ chức giám định tư pháp công lập;
5. Quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động của
Văn phòng giám định tư pháp, cấp giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng giám định
tư pháp;
6. Củng cố kiện toàn đội ngũ giám định viên tư pháp
và người giám định tư pháp theo vụ việc, bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư
pháp;
7. Lập và công bố danh sách tổ chức giám định tư
pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, giám định viên tư pháp và người giám
định theo vụ việc tại địa phương;
8. Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giám định
viên tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc;
9. Thanh tra, kiểm tra tổ chức và hoạt động của tổ
chức giám định tư pháp công lập và ngoài công lập; tổ chức giám định tư pháp theo
vụ việc; giải quyết khiếu nại, tố cáo về giám định tư pháp;
10. Thống kê, báo cáo định kỳ, đột xuất, sơ kết,
tổng kết công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp.
Điều 5. Trách nhiệm chủ trì của cơ quan quản lý
nhà nước và các cơ quan chuyên môn quản lý về lĩnh vực giám định tư pháp
Ngoài việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ nêu tại
Điều 4 Quy chế này, cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan chuyên môn quản lý
về lĩnh vực giám định tư pháp chủ trì thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Sở Tư pháp
a) Xây dựng, trình HĐND, UBND tỉnh ban hành văn bản
quy phạm pháp luật theo thẩm quyền liên quan đến hoạt động giám định tư pháp.
Thực hiện kiểm tra, rà soát và theo dõi thi hành pháp luật về giám định tư pháp
trên địa bàn tỉnh.
b) Đánh giá tổ chức, chất lượng hoạt động của tổ
chức giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, người giám định
tư pháp theo vụ việc trên địa bàn tỉnh;
c) Lập và công bố danh sách tổ chức giám định tư
pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, giám định viên tư pháp và người giám
định theo vụ việc tại địa phương;
d) Quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động của
Văn phòng giám định tư pháp, cấp giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng giám định
tư pháp;
đ) Thanh tra, kiểm tra tổ chức và hoạt động của tổ
chức giám định tư pháp công lập và ngoài công lập; tổ chức giám định tư pháp theo
vụ việc.
2. Sở Nội vụ
a) Thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định thành
lập tổ chức giám định tư pháp công lập và ngoài công lập;
b) Tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định
giao chỉ tiêu biên chế cho tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực
pháp y, pháp y tâm thần.
3. Sở Tài
chính
Tham mưu UBND
tỉnh bố trí kinh phí phục vụ công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp;
hướng dẫn thu, chi, quản lý kinh phí cho các tổ chức giám định tư pháp công
lập, cơ quan quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp.
4. Sở Y tế
a) Xây dựng
Đề án thành lập, củng cố, kiện toàn Trung tâm giám định pháp y tỉnh;
b) Bố trí đủ giám định viên tư pháp và dự nguồn
cán bộ đủ điều kiện tiêu chuẩn tham dự khóa bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tư
pháp, tạo nguồn bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y
tâm thần.
5. Công an tỉnh
a) Bố trí đủ giám định viên tư pháp thực hiện
nhiệm vụ giám định theo quy định và dự nguồn cán bộ có đủ điều kiện tiêu chuẩn
tham dự khóa bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tư pháp tạo nguồn bổ nhiệm giám định
viên tư pháp trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự và pháp y;
b) Bảo đảm kinh phí, hướng dẫn chi trả trưng cầu
giám định của các cơ quan điều tra.
6. Các cơ quan chuyên môn quản lý về lĩnh vực
giám định tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp lựa chọn người có đủ tiêu
chuẩn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp
theo quy định.
Điều 6. Trách nhiệm của Tòa án nhân dân tỉnh,
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh
1. Thực hiện
và hướng dẫn Tòa án nhân dân; Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trưng cầu giám
định đúng quy định của pháp luật;
2. Thực hiện
chế độ thống kê về trưng cầu, báo cáo đánh giá việc thực hiện giám định và sử
dụng kết luận giám định theo quy định;
3. Bố trí kinh
phí thực hiện việc chi trả chế độ cho việc trưng cầu giám định theo quy định.
4. Phối hợp
với các cơ quan chuyên môn trong việc quản lý hoạt động của giám định viên tư
pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc.
Điều 7. Chế độ thông tin, hội họp, báo cáo
1. Sở Tư pháp
chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan giúp UBND tỉnh tổ chức sơ
kết 6 tháng và tổng kết hàng năm về kết quả triển khai công tác quản lý nhà
nước về giám định tư pháp; báo cáo UBND tỉnh về tình hình tổ chức, hoạt
động giám định tư pháp ở địa phương.
2. Định kỳ 6 tháng và hàng năm các cơ quan quản
lý chuyên môn quản lý về lĩnh vực giám định tư pháp; các tổ chức giám định tư
pháp có trách nhiệm báo cáo về tổ chức và hoạt động giám định tư pháp qua Sở Tư
pháp.
Báo cáo 6 tháng được tính từ ngày 01/10 năm
trước đến ngày 31/3 của năm sau và gửi trước ngày 10/4 hàng năm; Báo cáo năm
được tính từ ngày 01/10 của năm trước đến ngày 30/9 của năm sau và gửi trước
ngày 10/10 hàng năm.
3. Ngoài báo cáo định kỳ theo quy định, các cơ
quan, đơn vị có trách nhiệm báo cáo đột xuất về hoạt động quản lý nhà nước về
giám định tư pháp theo đề nghị của Sở Tư pháp.
Điều 8. Giải quyết khiếu nại, tố cáo
Sở
Tư pháp và các cơ quan chuyên môn
quản lý về lĩnh vực giám định tư pháp có trách nhiệm giải
quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền quy định của pháp luật về giám định tư
pháp và pháp luật về khiếu nại, tố cáo; phối hợp chặt chẽ và cung cấp thông tin
kịp thời, đầy đủ trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo khi có yêu cầu.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Kinh phí thực hiện
Kinh phí được bố trí trong dự toán ngân sách
hàng năm của cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Điều 10. Điều khoản thi hành
1. Những nội dung quản lý nhà nước về giám định
tư pháp không quy định tại Quy chế này được thực hiện theo các quy định của
pháp luật hiện hành.
2. Sở Tư pháp có trách nhiệm giúp UBND tỉnh thực
hiện quản lý nhà nước về giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, đôn
đốc các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan thực hiện Quy chế này. Trong quá
trình thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị gửi Sở
Tư pháp để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.