BỘ TƯ PHÁP
-----
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc
lập - Tự do - Hạnh phúc
-------
|
Số: 05/2008/QĐ-BTP
|
Hà Nội, ngày 13
tháng 5 năm 2008
|
QUYẾT
ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY CHẾ CỘNG TÁC VIÊN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CỦA TRUNG TÂM TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NHÀ
NƯỚC
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29 tháng 6
năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;
Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này “Quy chế cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung
tâm trợ giúp pháp lý nhà nước”.
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định
số 358/2003/QĐ-BTP ngày 15 tháng 8 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc
ban hành Quy chế cộng tác viên của tổ chức trợ giúp pháp lý.
Điều 3. Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Thủ trưởng các đơn vị thuộc
Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp và Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có
trách nhiệm thi hành Quyết định này.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đinh
Trung Tụng
|
QUY
CHẾ
CỘNG
TÁC VIÊN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CỦA TRUNG TÂM TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NHÀ NƯỚC
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 05/2008/QĐ-BTP ngày 13 tháng 5 năm 2008 của
Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
Chương 1:
NHỮNG
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về điều kiện, thủ
tục công nhận, cấp và thu hồi thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý (sau đây gọi
là cộng tác viên); hợp đồng cộng tác thực hiện trợ giúp pháp lý; quyền và nghĩa
vụ của cộng tác viên; hình thức, lĩnh vực, phạm vi trợ giúp pháp lý, phương thức
hoạt động và quản lý nhà nước đối với cộng tác viên; khen thưởng, xử lý vi phạm
và giải quyết khiếu nại, tố cáo về các vấn đề có liên quan đến cộng tác viên.
Điều 2. Cộng
tác viên
1. Cộng tác viên của Trung tâm trợ
giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm (sau đây gọi chung là Trung
tâm, Chi nhánh) là người có đủ điều kiện, được công nhận và cấp thẻ cộng tác
viên theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý và quy định của Quy chế
này.
2. Sự tham gia trợ giúp pháp lý của cộng
tác viên giúp Trung tâm, Chi nhánh khắc phục tình trạng thiếu biên chế khi triển
khai các hoạt động trợ giúp pháp lý ngày càng phức tạp và đa dạng về nhu cầu;
giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, nâng cao hiểu
biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần phổ biến,
giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn
chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.
3. Cộng tác viên thực hiện trợ giúp
pháp lý theo phạm vi, hình thức và lĩnh vực trợ giúp pháp lý thể hiện trong hợp
đồng cộng tác được ký giữa cộng tác viên với Trung tâm hoặc Chi nhánh phù hợp với
pháp luật về trợ giúp pháp lý và Quy chế này.
4. Nhà nước khuyến khích cán bộ, công
chức, viên chức, luật sư, luật gia và các cá nhân có đủ tiêu chuẩn tham gia làm
cộng tác viên, bảo đảm huy động được nguồn lực từ xã hội thực hiện xã hội hoá
trợ giúp pháp lý.
5. Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm
vụ, quyền hạn của mình khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên
chức, thành viên, hội viên và cá nhân khác làm việc tại cơ quan, tổ chức mình
làm cộng tác viên.
Điều 3. Nguyên
tắc hoạt động
1. Cộng tác viên tham gia trợ giúp
pháp lý trên cơ sở tự nguyện, trong phạm vi năng lực, được hưởng các quyền và
thực hiện các nghĩa vụ phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Khi thực hiện trợ giúp pháp lý, cộng
tác viên phải tuân thủ các nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý quy định tại
Điều 4 Luật Trợ giúp pháp lý.
3. Nghiêm cấm mọi hình thức lợi dụng
thẻ cộng tác viên hoặc tư cách cộng tác viên vì mục đích tư lợi hoặc làm ảnh hưởng
đến uy tín của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm.
Chương 2:
ĐIỀU
KIỆN, THỦ TỤC CÔNG NHẬN, CẤP VÀ THU HỒI THẺ CỘNG TÁC VIÊN
Điều 4. Điều
kiện để làm cộng tác viên
1. Người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn
quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Trợ giúp pháp lý và tự nguyện tham gia trợ
giúp pháp lý thì được xem xét công nhận và cấp thẻ cộng tác viên.
2. Người có thời gian làm công tác
pháp luật là người đã hoặc đang đảm nhiệm các chức danh như thẩm phán, hội thẩm
nhân dân, thư ký toà án, kiểm sát viên, điều tra viên, thanh tra viên, chấp
hành viên, công chứng viên, thẩm tra viên ngành Toà án, kiểm tra viên ngành Kiểm
sát; chuyên viên pháp lý, cán sự pháp lý trong ngành Tư pháp hoặc tổ chức pháp chế các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp,
đơn vị lực lượng vũ trang; công chức tư pháp hộ tịch xã, phường, thị trấn.
Người có kiến thức pháp luật và có uy
tín trong cộng đồng là người đã hoặc đang là thành viên tổ hoà giải, thành viên
Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, già làng, trưởng bản, trưởng thôn,
trưởng các dòng họ, đại diện tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề
nghiệp ở cơ sở.
3. Người thuộc một trong các trường hợp
sau đây thì không được làm cộng tác viên:
a) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
đã bị kết án mà chưa được xoá án tích hoặc đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm
trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Đang bị áp dụng biện pháp xử lý
hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục hoặc quản chế hành chính;
c) Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị
hạn chế năng lực hành vi dân sự;
d) Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc
thôi việc mà chưa hết thời hạn ba năm, kể từ ngày quyết định buộc thôi việc có
hiệu lực;
đ) Đang bị tước quyền sử dụng Chứng chỉ
hành nghề luật sư; bị thu hồi Giấy chứng nhận tư vấn viên pháp luật.
Điều 5. Thủ tục
công nhận và cấp thẻ cộng tác viên
1. Người có đủ điều kiện quy định tại
Điều 4 Quy chế này và có nguyện vọng làm cộng tác viên gửi hồ sơ đề nghị làm cộng
tác viên đến Trung tâm hoặc Chi nhánh của Trung tâm ở địa phương nơi mình cư
trú hoặc công tác.
Hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên bao gồm:
a) Đơn đề nghị làm cộng tác viên (Mẫu
số 01-TP-TGPL-QCCTV ban hành kèm theo Quy chế này);
b) Bản sao bằng cử nhân luật hoặc bằng
đại học khác; bằng trung cấp luật hoặc giấy xác nhận thời gian làm công tác
pháp luật của cơ quan, tổ chức nơi người đó đã hoặc đang công tác;
c) Sơ yếu lý lịch cá nhân có xác nhận
của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người
đề nghị cộng tác làm việc;
d) Hai ảnh mầu chân dung cỡ 02 cm x 03
cm.
Trong trường hợp người đề nghị làm cộng
tác viên thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn,
vùng dân tộc thiểu số và miền núi mà có kiến thức pháp luật và có uy tín trong
cộng đồng thì ngoài các giấy tờ quy định tại điểm a và c nêu trên, trong hồ sơ
phải có ý kiến xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi
chung là cấp xã) hoặc công chức tư pháp hộ tịch cấp xã nơi người đó cư trú.
2. Thủ tục công nhận và cấp thẻ cộng
tác viên được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 Nghị định
số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và
hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý (sau đây gọi là Nghị định
số 07/2007/NĐ-CP).
Quyết định công nhận và cấp thẻ cộng
tác viên được ban hành theo Mẫu số 03-TP-TGPL-QCCTV kèm theo Quy chế này.
3. Trong trường hợp thiếu giấy tờ thì Trung
tâm hoặc Chi nhánh của Trung tâm nêu rõ những giấy tờ còn thiếu và đề nghị bổ
sung. Sau khi đã nhận đủ giấy tờ bổ sung, Trung tâm có trách nhiệm làm thủ tục
trình và đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp công nhận và cấp thẻ cộng tác viên cho người
đề nghị. Nếu hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên bị trả lại theo khoản 2 Điều 27
Nghị định số 07/2007/NĐ-CP, Trung tâm thông báo và nêu rõ lý do cho người đề
nghị làm cộng tác viên.
Điều 6. Thẻ cộng
tác viên và thời hạn sử dụng
1. Người được công nhận làm cộng tác
viên thì được cấp thẻ cộng tác viên theo mẫu thống nhất do Bộ Tư pháp phát hành
(Mẫu số 02-TP-TGPL-QCCTV ban hành kèm theo Quy chế này).
Thẻ cộng tác viên màu vàng nhạt, chiều
ngang 60mm, chiều dài 90mm gồm 2 mặt. Mặt trước có biểu tượng trợ giúp pháp lý;
phía bên trái có ảnh 02cm x 03 cm đóng dấu nổi của Sở Tư pháp; chữ thẻ cộng tác
viên và số thẻ in màu đỏ; phía dưới bên phải có chữ ký của Giám đốc Sở Tư pháp
và đóng dấu Sở Tư pháp. Mặt sau có hoa văn vàng nhạt, ở giữa có biểu tượng trợ
giúp pháp lý in chìm và quy định về việc sử dụng thẻ.
2. Thời hạn sử dụng của thẻ cộng tác
viên là 03 năm kể từ thời điểm được cấp, trừ trường hợp có quyết định thu hồi
thẻ của Giám đốc Sở Tư pháp. Việc sử dụng thẻ cộng tác viên được thực hiện theo
quy định tại Điều 29 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP.
Điều 7. Cấp lại
và thu hồi thẻ cộng tác viên
1. Trường hợp bị mất thẻ, thẻ hết thời
hạn sử dụng hoặc thẻ cộng tác viên bị hỏng không còn sử dụng được, cộng tác
viên làm đơn đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp cấp lại thẻ, kèm theo hai ảnh mầu chân
dung cỡ 02cm x 03cm gửi Giám đốc Trung tâm. Đơn đề nghị cấp lại thẻ phải ghi rõ
việc hết thời hạn, gửi kèm thẻ bị hư hỏng hoặc thẻ hết thời hạn. Trong trường hợp
thẻ bị mất phải có cam kết của cộng tác viên về vấn đề này.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ
ngày nhận được đơn đề nghị cấp lại thẻ, Giám đốc Trung tâm kiểm tra danh sách cộng
tác viên theo số thẻ đã cấp cho cộng tác viên và đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp quyết
định cấp lại thẻ cộng tác viên cho người đề nghị. Thẻ cộng tác viên được cấp lại
giữ nguyên số và ký hiệu của thẻ được cấp lần đầu.
2. Khi cộng tác viên thuộc một trong
các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 30, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP, trong
thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị thu hồi thẻ cộng tác
viên của Giám đốc Trung tâm, Giám đốc Sở Tư pháp ra quyết định thu hồi thẻ cộng
tác viên. Quyết định thu hồi thẻ được gửi cho cộng tác viên. Thẻ cộng tác viên của
người bị thu hồi hết giá trị sử dụng kể từ thời điểm Quyết định thu hồi thẻ cộng
tác viên có hiệu lực pháp luật.
Người bị thu hồi thẻ cộng tác viên được
quyền khiếu nại đối với Quyết định thu hồi thẻ của Giám đốc Sở Tư pháp. Việc giải
quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
Chương 3:
HỢP
ĐỒNG CỘNG TÁC THỰC HIỆN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ
Điều 8. Ký kết
hợp đồng cộng tác
1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày
được cấp thẻ cộng tác viên, Trung tâm mời cộng tác viên đến để ký kết hợp đồng
cộng tác. Hợp đồng cộng tác phải xác định rõ phạm vi, hình thức, lĩnh vực trợ
giúp pháp lý mà cộng tác viên sẽ thực hiện, quyền và nghĩa vụ của cộng tác viên
và cơ chế giải quyết tranh chấp trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý phù
hợp với quy định của pháp luật về trợ giúp
pháp lý (Mẫu số 04-TP-TGPL-QCCTV ban
hành kèm theo Quy chế này).
2. Giám đốc Trung tâm ký hợp đồng cộng
tác với cộng tác viên thực hiện trợ giúp pháp lý tại Trung tâm; uỷ quyền cho
Trưởng Chi nhánh ký hợp đồng cộng tác với cộng tác viên thực hiện trợ giúp pháp
lý tại Chi nhánh của Trung tâm. Trưởng Chi nhánh chịu trách nhiệm và báo cáo
Giám đốc Trung tâm về việc ký hợp đồng cộng tác với cộng tác viên, đồng thời gửi
01 bản hợp đồng cộng tác về Trung tâm để quản lý.
3. Hợp đồng cộng tác là cơ sở để xác định trách nhiệm và quyền hạn của
các bên trong quan hệ cộng tác. Hợp đồng cộng tác có hiệu lực kể từ thời
điểm hai bên cùng ký vào hợp đồng, trừ trường hợp trong hợp đồng có thoả thuận
khác. Cộng tác viên được thực hiện trợ giúp pháp lý từ thời điểm hợp đồng cộng
tác có hiệu lực pháp luật.
Điều 9. Thay
đổi, bổ sung hợp đồng cộng tác
1. Cộng tác viên được đề nghị Trung
tâm thay đổi, bổ sung nội dung hợp đồng cộng tác. Trong thời hạn 03 ngày làm việc,
kể từ ngày nhận được đề nghị của cộng tác viên, Giám đốc Trung tâm hoặc Trưởng
Chi nhánh được Giám đốc Trung tâm uỷ quyền tiến hành thanh lý hợp đồng cộng tác
đã ký trước đây và tiến hành ký hợp đồng cộng tác mới với cộng tác viên.
2. Trường hợp Giám đốc Trung tâm hoặc
Trưởng Chi nhánh không đồng ý với đề nghị thay đổi, bổ sung nội dung hợp đồng cộng
tác của cộng tác viên thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do trong thời
hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị. Trong trường hợp này, cộng
tác viên tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng cộng tác đã ký hoặc
thông báo cho Trung tâm bằng văn bản về việc chấm dứt hợp đồng cộng tác. Trong
thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng cộng
tác, cộng tác viên tiến hành bàn giao các hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý đang đảm
nhận và tiến hành thanh lý hợp đồng cộng tác với Trung tâm hoặc Chi nhánh.
Điều 10. Chấm
dứt hợp đồng cộng tác
1. Hợp đồng cộng tác bị chấm dứt trong
các trường hợp sau đây:
a) Cộng tác viên có đơn đề nghị Trung
tâm chấm dứt hợp đồng cộng tác;
b) Cộng tác viên có hành vi vi phạm các
quy định về sử dụng thẻ cộng tác viên theo Điều 29 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP
hoặc có hành vi vi phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý đến mức phải chấm dứt hợp
đồng cộng tác;
c) Cộng tác viên thuộc một trong các
trường hợp bị thu hồi thẻ cộng tác viên theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Nghị
định số 07/2007/NĐ-CP.
2. Trong thời hạn không quá 07 ngày
làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng cộng tác, các bên trong hợp đồng cộng
tác có trách nhiệm tiến hành thanh lý hợp đồng cộng tác. Cộng tác viên có trách
nhiệm nộp lại thẻ cộng tác viên và bàn giao toàn bộ các hồ sơ vụ việc trợ giúp
pháp lý đang thực hiện cho Trung tâm, Chi nhánh. Trung tâm có trách nhiệm thanh
toán tiền bồi dưỡng, các chi phí hợp lý cho cộng tác viên đối với vụ việc trợ
giúp pháp lý mà cộng tác viên đã hoàn thành theo quy định của pháp luật.
Cộng tác viên đã chấm dứt hợp đồng cộng
tác vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những vụ việc đã thực hiện
trong quá trình là cộng tác viên.
Chương 4:
QUYỀN
VÀ NGHĨA VỤ CỦA CỘNG TÁC VIÊN
Điều 11. Quyền
của cộng tác viên
1. Được cấp thẻ cộng tác viên và sử dụng
thẻ cộng tác viên theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP.
2. Được phân công thực hiện vụ việc trợ
giúp pháp lý phù hợp với phạm vi, hình thức, lĩnh vực trợ giúp pháp lý thể hiện
trong hợp đồng cộng tác ký kết với Trung tâm hoặc Chi nhánh của Trung tâm.
3. Được yêu cầu các cơ quan, tổ chức,
cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện vụ việc trợ giúp
pháp lý.
4. Được từ chối hoặc không tiếp tục thực
hiện trợ giúp pháp lý trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều
45 Luật Trợ giúp pháp lý và theo quy định của pháp luật tố tụng.
5. Được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ
và kỹ năng trợ giúp pháp lý.
6. Được hưởng chế độ bồi dưỡng và các
chi phí hành chính hợp lý khác theo quy định tại Điều 33 Nghị định số
07/2007/NĐ-CP và quy định của pháp luật.
7. Được đề xuất, kiến nghị về việc mở
rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm và Chi nhánh của Trung tâm.
8. Được biểu dương, khen thưởng, ghi
tên trong Sổ vàng danh dự của Trung tâm khi có thành tích trong công tác trợ
giúp pháp lý.
9. Khiếu nại về việc cấp, thu hồi thẻ
cộng tác viên, việc thực hiện chế độ, chính sách và các quyết định hành chính,
hành vi hành chính khác trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý.
Điều 12.
Nghĩa vụ của cộng tác viên
1. Thực hiện trợ giúp pháp lý theo
đúng các quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý và hợp đồng cộng tác được
ký kết với Trung tâm và Chi nhánh của Trung tâm.
2. Sử dụng và bảo quản thẻ cộng tác
viên khi thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 29 Nghị định
07/2007/NĐ-CP; nộp lại thẻ cộng tác viên khi bị thu hồi.
3. Tuân thủ nguyên tắc hoạt động trợ
giúp pháp lý và các quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý; tuân thủ nội quy, quy
chế của Trung tâm;
4. Chịu trách nhiệm trước Giám đốc
Trung tâm hoặc Trưởng Chi nhánh và trước pháp luật về việc trợ giúp pháp lý; thực
hiện việc bồi hoàn cho Trung tâm hoặc Chi nhánh của Trung tâm trong trường hợp
trợ giúp pháp lý sai gây thiệt hại cho người được trợ giúp pháp lý.
5. Báo cáo định kỳ và đột xuất theo
yêu cầu của Trung tâm, Chi nhánh; kịp thời báo cáo với Giám đốc Trung tâm, Trưởng
Chi nhánh những vấn đề phát sinh làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện trợ giúp
pháp lý và đề xuất biện pháp giải quyết.
Chương 5:
HÌNH
THỨC, LĨNH VỰC, PHẠM VI, PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG VÀ QUẢN LÝ CỘNG TÁC VIÊN
Điều 13. Hình
thức trợ giúp pháp lý
1. Cộng tác viên là luật sư được thực
hiện trợ giúp pháp lý thông qua các hình thức trợ giúp pháp lý được quy định tại
Điều 27 Luật Trợ giúp pháp lý, bao gồm tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại
diện ngoài tố tụng và các hình thức trợ giúp pháp lý khác phù hợp với hình thức
trợ giúp pháp lý được thể hiện trong hợp đồng cộng tác mà cộng tác viên đã ký kết
với Trung tâm hoặc Chi nhánh của Trung tâm.
2. Cộng tác viên không phải là luật sư
chỉ thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức tư vấn pháp luật. Trong trường hợp
cộng tác viên đã thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tư vấn pháp
luật mà đối tượng có nhu cầu cử chính cộng tác viên đó tham gia hoà giải và hướng
dẫn các thủ tục hành chính, khiếu nại gắn với vụ việc đã tư vấn thì Giám đốc
Trung tâm hoặc Trưởng Chi nhánh có thể cử cộng tác viên đó tiếp tục thực hiện vụ
việc trợ giúp pháp lý.
Điều 14. Lĩnh
vực trợ giúp pháp lý
1. Cộng tác viên được lựa chọn một hoặc
nhiều lĩnh vực trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 34 của Nghị định số
07/2007/NĐ-CP khi tiến hành ký kết hợp đồng cộng tác với Trung tâm phù hợp với
khả năng và trình độ chuyên môn nghề nghiệp của mình.
2. Cộng tác viên thực hiện trợ giúp
pháp lý đối với các lĩnh vực trợ giúp pháp lý đã ký kết trong hợp đồng cộng tác
với Trung tâm hoặc Chi nhánh của Trung tâm.
Điều 15. Phạm
vi trợ giúp pháp lý
1. Cộng tác viên chỉ thực hiện trợ
giúp pháp lý đối với các vụ việc thuộc phạm vi trợ giúp pháp lý quy định tại Điều
26 Luật Trợ giúp pháp lý; không thực hiện trợ giúp pháp lý đối với các vụ việc
kinh doanh thương mại.
2. Cộng tác viên được từ chối hoặc
không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý khi vụ việc trợ giúp pháp lý thuộc một
trong các trường hợp được quy định tại Điều 45 Luật Trợ giúp pháp lý. Việc từ
chối hoặc không tiếp tục thực hiện yêu cầu trợ giúp pháp lý phải được trả lời bằng
văn bản trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ yêu cầu trợ
giúp pháp lý và phải nêu rõ lý do cho người yêu cầu trợ giúp pháp lý biết, đồng
thời báo cáo lãnh đạo Trung tâm.
Điều 16. Phương
thức hoạt động
1. Cộng tác viên thực hiện trợ giúp
pháp lý theo phân công của Giám đốc Trung tâm, Trưởng Chi nhánh hoặc trực tiếp
nhận vụ việc do người được trợ giúp pháp lý yêu cầu theo hướng dẫn của Trung
tâm, Chi nhánh.
2. Trong quá trình thực hiện trợ giúp
pháp lý, nếu xét thấy cần thiết phải có sự hỗ
trợ, giúp đỡ về chuyên môn nghiệp vụ, cộng tác viên được phối hợp với các cộng
tác viên khác để cùng trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau tháo gỡ vướng mắc
khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý thông
qua phương thức Tổ cộng tác viên.
3. Giám đốc Trung
tâm quyết định
việc hình thành Tổ cộng tác viên tại các cơ
quan, tổ chức, địa phương khi có từ 03 cộng tác viên trở lên.
Điều 17. Quản
lý cộng tác viên
1. Cộng tác viên chịu sự quản
lý, theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Giám đốc Trung tâm hoặc của Trưởng Chi nhánh theo uỷ quyền của Giám đốc
Trung tâm. Cộng tác viên được Trung tâm hỗ trợ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ
và kỹ năng trợ giúp pháp lý. Trung tâm chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc
thực hiện trợ giúp pháp lý của cộng tác viên.
Trường hợp cộng tác viên thực hiện trợ giúp
pháp lý sai gây thiệt hại cho người được trợ giúp pháp lý, Trung tâm chịu trách
nhiệm bồi thường và được quyền yêu cầu cộng tác viên có lỗi phải bồi hoàn. Việc
bồi hoàn được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự và quy chế tổ chức
và hoạt động của Trung tâm.
2. Giám đốc Trung tâm trực tiếp quản lý và sử
dụng cộng tác viên, có trách nhiệm phân công vụ việc hoặc mời cộng tác viên
tham gia thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý ở cơ sở phù hợp với hình thức,
lĩnh vực, phạm vi trợ giúp pháp lý được thể hiện trong hợp đồng cộng tác. Trưởng
Chi nhánh được Giám đốc Trung tâm uỷ quyền quản lý và sử dụng cộng tác viên
trong phạm vi địa bàn, chịu trách nhiệm phân công, sử dụng cộng tác viên phù hợp
với Quy chế này và chịu trách nhiệm về quản lý, sử dụng cộng tác viên trước
Giám đốc Trung tâm.
Chương 6:
KHEN
THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VÀ ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Điều 18. Khen
thưởng, biểu dương
1. Cộng tác viên có thành tích xuất sắc
trong hoạt động trợ giúp pháp lý được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem
xét khen thưởng hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc khen
thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
2. Cộng tác viên có đóng góp cho công
tác trợ giúp pháp lý được Trung tâm, Chi nhánh của Trung tâm biểu dương, ghi nhận
và đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng. Trung tâm có
Sổ vàng ghi nhận những cống hiến, đóng góp của cộng tác viên cho hoạt động trợ
giúp pháp lý.
Điều 19. Xử
lý vi phạm
Cộng tác viên vi phạm pháp luật về trợ
giúp pháp lý và Quy chế này thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng
các hình thức: thu hồi thẻ cộng tác viên, chấm dứt hợp đồng cộng tác hoặc bị xử
lý vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc bị truy cứu
trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 20. Khiếu
nại, tố cáo và giải quyết tranh chấp
1. Cộng tác viên được quyền khiếu nại
đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến việc từ chối,
công nhận, thu hồi thẻ Cộng tác viên; chấm dứt hợp đồng cộng tác hoặc các vấn đề
khác có liên quan trong quá trình quản lý, sử dụng cộng tác viên. Việc giải quyết
khiếu nại được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
2. Người được trợ giúp pháp lý có quyền
khiếu nại khi có căn cứ cho rằng cộng tác viên có hành vi không thực hiện trợ
giúp pháp lý và từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý. Việc giải quyết khiếu nại được
thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Trợ giúp pháp lý;
3. Cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi
phạm pháp luật của cộng tác viên. Việc tố cáo và giải quyết tố cáo được thực hiện
theo quy định của pháp luật về tố cáo.
4. Việc giải quyết tranh chấp giữa cộng
tác viên với Trung tâm được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và
dựa trên cơ sở hợp đồng cộng tác. Việc giải quyết tranh chấp giữa cộng tác viên
với người được trợ giúp pháp lý được thực hiện theo quy định của pháp luật về
dân sự.
Điều 21. Điều
khoản thi hành
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng
mắc hoặc vấn đề mới phát sinh cần sửa đổi, bổ sung, Trung tâm, Chi nhánh của
Trung tâm, các cộng tác viên, phản ánh về Bộ Tư pháp xem xét, quyết định việc sửa
đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Mẫu
số 01-TP-TGPL-QCCTV
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------
(Địa danh), ngày tháng
năm 200……
Kính gửi: - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh
(thành phố)……………….
- Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh
(thành phố)…………
Tên tôi là:.....................................................................................................................
Sinh ngày……… tháng…….. năm..................................................................................
Dân tộc…………………………………….. Quốc tịch.........................................................
Địa chỉ thường trú.........................................................................................................
Nghề nghiệp.................................................................................................................
Nơi làm việc:................................................................................................................
Trình độ chuyên môn:....................................................................................................
Thời gian công tác pháp luật:........................................................................................
Điện thoại ………………………………….. Điện thoại di động...........................................
Email...........................................................................................................................
Sau khi nghiên cứu Luật Trợ giúp pháp lý, Quy
chế cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và
các văn bản hướng dẫn thi hành, tôi tự nhận thấy mình có đủ điều kiện để trở
thành cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (thành phố)
…………..Vì vậy, tôi trân trọng đề nghị được làm cộng tác viên của Trung tâm để thực
hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi sau đây:
Lĩnh vực trợ giúp pháp lý:.............................................................................................
Hình thức trợ giúp pháp lý cộng tác:..............................................................................
Phương thức thực hiện trợ giúp pháp lý:.......................................................................
Phạm vi thực hiện trợ giúp pháp lý:...............................................................................
Đối tượng trợ giúp pháp lý............................................................................................
Tôi cam đoan tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật
về trợ giúp pháp lý, Quy chế cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ
giúp pháp lý nhà nước và thực hiện trợ giúp pháp lý có chất lượng.
|
NGƯỜI ĐỀ NGHỊ
(Ký
và ghi rõ họ tên)
|
Mẫu
số 02-TP-TGPL-QCCTV
MẪU
THẺ CỘNG TRỢ GIÚP VIÊN PHÁP LÝ
1. Kích thước: 60mm x 90mm.
2. Đặc điểm: thẻ Cộng tác viên có
hai mặt được ghi bằng tiếng Việt, thẻ được in màu vàng nhạt.
a. Mặt trước:
+ Phía trên bên phải là Quốc hiệu;
+ Dòng chữ THẺ CỘNG TÁC VIÊN màu đỏ;
+ Dòng chữ: SỐ màu đỏ;
+ Họ và tên (của cộng tác viên);
+ Nơi công tác (của cộng tác viên);
+ Địa danh tỉnh, ngày, tháng, năm;
+ Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh (thành phố);
+ Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh (thành phố) và dấu
của Sở Tư pháp tỉnh (thành phố);
+ Ở giữa là biểu tượng trợ giúp pháp lý in
chìm;
+ Bên phải là ảnh màu 2 x 3 của cộng tác
viên;
+ Góc dưới bên trái là giá trị thẻ;
b. Mặt sau:
+ Phía trên là dòng chữ QUY ĐỊNH SỬ DỤNG THẺ
màu đỏ;
+ Phía đưới in nội dung quy định về sử dụng
thẻ cộng tác viên theo quy định.
+ Ở giữa là biểu tượng trợ giúp pháp lý in
chìm.
Nội dung cụ thể in trên mặt trước và mặt sau
của thẻ cộng tác viên theo mẫu đính kèm như sau:
Mẫu
số 03-TP-TGPL-QCCTV
ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH/THÀNH PHỐ………
SỞ TƯ PHÁP
------
|
CỘNG HOÀ XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc
lập - Tự do - Hạnh phúc
-------
|
Số…../QĐ-STP
|
(Địa danh) ngày…
tháng… năm 200…
|
QUYẾT
ĐỊNH
CÔNG
NHẬN VÀ CẤP THẺ CỘNG TÁC VIÊN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ
GIÁM ĐỐC SỞ TƯ PHÁP
Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29 tháng 6
năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;
Căn cứ Quyết định số…./QĐ-BTP ngày….tháng….năm….của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc
ban hành Quy chế cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý
nhà nước;
Xét đề nghị của Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ……….,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Công nhận ông/bà ……………………..là cộng
tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh .……. kể từ
ngày…tháng…..năm…..
Ông/bà……………………………………...được cấp thẻ cộng tác
viên theo quyết định này để thực hiện trợ giúp pháp lý, có trách nhiệm quản lý
và sử dụng thẻ theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý và Quy chế cộng
tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
Điều 2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp thẻ
cộng tác viên, ông (bà)………………………. có trách nhiệm đến Trung tâm trợ giúp pháp lý
nhà nước tỉnh (thành phố)… (hoặc Chi nhánh của Trung tâm) để ký kết hợp đồng cộng
tác và thực hiện trợ giúp pháp lý kể từ ngày hợp đồng cộng tác có hiệu lực pháp
luật.
Điều 3. Giám đốc
Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và ông/bà ……………………………………… chịu trách nhiệm
thi hành quyết định này.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước;
- Lưu
VT.
|
GIÁM ĐỐC
(Ký
và ghi rõ họ tên, đóng dấu)
|
Mẫu
số 04-TP-TGPL-QCCTV
SỞ TƯ PHÁP TỈNH
(THÀNH PHỐ)
TRUNG TÂM TGPL NHÀ NƯỚC
-----
|
CỘNG HOÀ XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc
lập - Tự do - Hạnh phúc
-------
|
Số…../QĐ-STP
|
(Địa danh) ngày
tháng năm 200…
|
HỢP
ĐỒNG CỘNG TÁC THỰC HIỆN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ
Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý và Nghị định số
07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và Quy chế cộng tác viên trợ giúp
pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước;
Căn cứ Quyết định số /QĐ-STP ngày…/…/200.. của Giám đốc
Sở Tư pháp tỉnh (thành phố)…..về việc công nhận và cấp thẻ cộng tác viên trợ
giúp pháp lý;
Hôm nay, ngày…./…./200…tại Trụ sở Trung tâm
trợ giúp pháp lý nhà nước (hoặc Chi nhánh của Trung tâm) tỉnh ………………………………….…
chúng tôi gồm có:
Bên A: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh
(thành phố):........................................
Địa chỉ:.........................................................................................................................
Điện thoại cố định:……….………… Fax:……………..…… Email:......................................
Đại diện là Ông (bà):.....................................................................................................
Chức vụ:......................................................................................................................
(Trường hợp Trưởng Chi nhánh ký hợp đồng cộng
tác với cộng tác viên theo uỷ quyền thì cần bổ sung thêm: Theo Giấy uỷ quyền ký
kết hợp đồng cộng tác thực hiện trợ giúp pháp lý của Giám đốc Trung tâm ngày
…./…./200..);
Bên B:
Ông (bà):......................................................................................................................
Nơi công tác hoặc địa chỉ nơi thường trú:......................................................................
Điện thoại:...…................................................
Email....................................................
Chứng minh nhân dân số:……………. cấp
ngày…..tháng....năm…..tại.............................
Hai bên đồng ý ký hợp đồng cộng tác thực hiện
trợ giúp pháp lý với các thoả thuận sau đây:
....................................................................................................................................
Điều 1. Thời hạn cộng tác
Ông/bà……………………….. làm việc theo Hợp đồng cộng
tác thực hiện trợ giúp pháp lý từ ngày……tháng……năm đến ngày……..tháng……năm…….
Điều 2. Hình thức, phương thức, đối tượng, phạm
vi và lĩnh vực trợ giúp pháp lý cộng tác:
- Hình thức trợ giúp pháp lý cộng tác:............................................................................
- Lĩnh vực trợ giúp pháp lý cộng tác:.............................................................................
- Phương thức cộng tác:...............................................................................................
- Đối tượng trợ giúp pháp lý:.........................................................................................
- Phạm vi trợ giúp pháp lý:............................................................................................
Điều 3. Quyền và nghĩa vụ của các bên
A. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TRUNG TÂM
1. Phân công vụ việc trợ giúp pháp lý phù hợp
với năng lực của cộng tác viên theo hình thức, lĩnh vực, phương thức, đối tượng
và phạm vi quy định tại Điều 2 của Hợp đồng này;
2. Tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ về nghiệp
vụ và cung cấp văn bản pháp luật có liên quan đến việc thực hiện trợ giúp pháp
lý cho cộng tác viên khi có yêu cầu phù hợp với khả năng và điều kiện của Trung
tâm;
3. Kiểm tra, theo dõi, đánh giá, thẩm định chất
lượng vụ việc trợ giúp pháp lý do cộng tác viên thực hiện theo quy định của
pháp luật;
4. Bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp
pháp lý cho cộng tác viên; hỗ trợ, tạo điều kiện cho cộng tác viên được tham
gia các hoạt động trợ giúp pháp lý do Trung tâm hoặc Chi nhánh của Trung tâm tổ
chức;
5. Nghiệm thu và thanh toán chế độ bồi dưỡng,
chi phí hành chính thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho cộng tác viên theo
quy định của pháp luật.
6. Thực hiện việc biểu dương, khen thưởng hoặc
đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc khen thưởng khi cộng tác
viên có thành tích hoặc có đóng góp tích cực cho công tác trợ giúp pháp lý.
B.QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CỘNG TÁC VIÊN
1. Thực hiện trợ giúp pháp lý theo hình thức,
lĩnh vực, phương thức, đối tượng và phạm vi quy định tại Điều 2 của Hợp đồng
này và được hưởng chế độ bồi dưỡng và chi phí hành chính hợp lý theo quy định của
pháp luật trợ giúp pháp lý;
2. Được đề xuất, kiến nghị nâng cao hiệu quả
hoạt động của Trung tâm và được biểu dương, khen thưởng, tôn vinh khi có thành
tích xuất sắc trong hoạt động trợ giúp pháp lý;
3. Được quyền từ chối hoặc không tiếp tục thực
hiện trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 45 Luật Trợ giúp pháp lý hoặc khi
thấy vụ việc vượt quá khả năng của mình;
4. Sử dụng thẻ cộng tác viên khi thực hiện trợ
giúp pháp lý;
5. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước
Giám đốc Trung tâm hoặc Trưởng Chi nhánh về việc thực hiện vụ việc trợ giúp
pháp lý; có trách nhiệm bồi hoàn cho Trung tâm về những thiệt hại do mình gây
ra theo quy định của pháp luật dân sự;
6. Báo cáo về việc thực hiện vụ việc trợ giúp
pháp lý theo định kỳ hoặc theo yêu cầu đột xuất của Giám đốc Trung tâm, Trưởng
Chi nhánh; bàn giao đầy đủ hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý cho Trung tâm, Chi
nhánh theo quy định của pháp luật;
7. Tuân thủ nguyên tắc hoạt động trợ giúp
pháp lý, nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý, Quy chế cộng tác viên trợ giúp
pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các quy định khác của pháp
luật về trợ giúp pháp lý.
Điều 4. Chấm dứt hợp đồng cộng tác
Hợp đồng cộng tác chấm dứt khi thuộc một
trong các trường hợp sau đây:
- Cộng tác viên không thực hiện trợ giúp pháp
lý trong thời gian 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng cộng tác mà không có lý do
chính đáng;
- Cộng tác viên có đơn đề nghị Trung
tâm chấm dứt hợp đồng cộng tác;
- Cộng tác viên có hành vi vi phạm các
quy định về sử dụng thẻ cộng tác viên theo Điều 29 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP
hoặc có hành vi vi phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý đến mức phải chấm dứt hợp
đồng cộng tác;
- Cộng tác viên thuộc một trong các
trường hợp bị thu hồi thẻ cộng tác viên theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Nghị
định số 07/2007/NĐ-CP.
Điều 5. Điều khoản
chung
Các nội dung khác không thỏa thuận
trong hợp đồng này được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp
lý và Quy chế cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà
nước.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu
phát sinh mâu thuẫn hay xung đột, các bên cùng nhau thương lượng, giải quyết
trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Nếu không thống nhất được biện
pháp giải quyết thì có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Hợp đồng này có hiệu lực kể từ ngày
ký. Hợp đồng này được lập thành hai bản có giá trị pháp lý như nhau, mỗi bên giữ
một bản.
CỘNG TÁC
VIÊN
(Ký và ghi rõ họ tên)
|
GIÁM ĐỐC
(TRƯỞNG CHI NHÁNH)
(Ký
và ghi rõ họ tên, đóng dấu)
|