ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 60/KH-UBND
|
Nghệ An, ngày 24
tháng 01 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
TRỢ
GIÚP PHÁP LÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN NĂM 2024
Để thực hiện có hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý năm
2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Trợ giúp pháp lý, UBND tỉnh ban
hành Kế hoạch Trợ giúp pháp lý năm 2024 trên địa bàn tỉnh với các nội dung cụ
thể sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách trợ giúp
pháp lý miễn phí, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công
lý và bình đẳng trước pháp luật của các đối tượng được trợ giúp pháp lý;
b) Tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp, các
tổ chức, đoàn thể để hoạt động trợ giúp pháp lý được triển khai sâu rộng, đáp ứng
nhu cầu của người được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước về trợ giúp pháp lý
trong năm 2024;
c) Xác định cụ thể nội dung công việc, thời gian thực
hiện và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai
công tác trợ giúp pháp lý; đảm bảo cung cấp dịch vụ pháp lý kịp thời, có chất
lượng theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản pháp luật
có liên quan.
2. Yêu cầu
a) Việc thực hiện trợ giúp pháp lý phải đúng phạm
vi, đối tượng, nội dung theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản
liên quan;
b) Công tác trợ giúp pháp lý phải đáp ứng yêu cầu
phục vụ nhiệm vụ chính trị và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa
phương;
c) Sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn kinh phí được
cấp; vụ việc trợ giúp pháp lý phải đảm bảo chất lượng, đúng quy định của pháp
luật.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Tham mưu ban hành các kế hoạch
và tổ chức thực hiện công tác trợ giúp pháp lý
Chủ động tham mưu xây dựng các Chương trình, Kế hoạch
hoạt động liên quan đến công tác trợ giúp pháp lý: Kế hoạch hoạt động của Hội đồng
phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh năm 2024;
Kế hoạch thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn
về tài chính năm 2024; Kế hoạch thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý theo
chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025...
Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ
giúp pháp lý Nhà nước tỉnh).
Đơn vị phối hợp: các cơ quan tố tụng, các Sở,
Ban, Ngành có liên quan.
Thời gian thực hiện: Quý I/2024 và theo chỉ
đạo, yêu cầu của Bộ Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý.
2. Đảm bảo việc cung cấp dịch vụ
trợ giúp pháp lý đáp ứng đầy đủ yêu cầu trợ giúp pháp lý của đối tượng thụ hưởng
Thực hiện đồng bộ các hình thức trợ giúp pháp lý,
trong đó chú trọng thực hiện có hiệu quả hình thức tư vấn pháp luật tại trụ sở,
tư vấn tiền tố tụng, đặc biệt là hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố
tụng; đảm bảo 100% đối tượng được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu. Cụ thể:
a) Tư vấn pháp luật: Tăng số lượng và chất lượng
các vụ việc trợ giúp pháp lý thực hiện bằng hình thức tư vấn pháp luật; đẩy mạnh
hoạt động tư vấn tiền tố tụng đảm bảo quyền trợ giúp pháp lý của người được trợ
giúp pháp lý.
b) Tham gia tố tụng: Tập trung khai thác, thực hiện
vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng, đặc biệt là trong
lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự và hôn nhân và gia đình; ưu tiên hỗ trợ đối tượng
đặc thù là người dưới 18 tuổi, người khuyết tật có khó khăn về tài chính, người
dân tộc thiểu số là người nghèo, người cao tuổi, nạn nhân của nạn mua bán người
……
c) Đại diện ngoài tố tụng: Theo yêu cầu của đối tượng
được trợ giúp pháp lý, Trung tâm cử người thực hiện trợ giúp pháp lý làm đại diện
ngoài tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp
lý.
d) Duy trì đường dây nóng về trợ giúp pháp lý để tiếp
nhận các thông tin yêu cầu trợ giúp pháp lý.
Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ
giúp pháp lý Nhà nước tỉnh).
Đơn vị phối hợp: các cơ quan tố tụng, các Sở,
Ban, Ngành cấp tỉnh và UBND các cấp.
Thời gian thực hiện: Trong năm 2024.
3. Nâng cao hiệu quả hoạt động
tư vấn pháp luật ngoài trụ sở
Thực hiện khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý tại các
huyện, thị xã để định hướng nội dung tư vấn pháp luật một cách thiết thực, hiệu
quả; đảm bảo triển khai được 10-12 đợt tư vấn pháp luật ngoài trụ sở theo ngân
sách địa phương; xử lý kịp thời, có hiệu quả các vụ việc trợ giúp pháp lý đã tiếp
nhận, hoàn thiện hồ sơ nghiệp vụ theo đúng quy định.
Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ
giúp pháp lý Nhà nước tỉnh).
Đơn vị phối hợp: UBND các huyện, UBND các xã
trên địa bàn tỉnh.
Thời gian thực hiện: Trong năm 2024.
4. Triển khai các hoạt động
truyền thông về trợ giúp pháp lý
a) Tổ chức các đợt truyền thông trực tiếp đến người
dân, đặc biệt là người dân ở các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số
và miền núi.
Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ
giúp pháp lý Nhà nước tỉnh).
Đơn vị phối hợp: UBND các huyện, UBND các xã
trên địa bàn tỉnh.
Thời gian thực hiện: Trong năm 2024.
b) Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, các chương
trình, phóng sự về trợ giúp pháp lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông: Báo, Đài
Phát thanh - Truyền hình tỉnh kịp thời viết bài, đưa tin, ảnh, phóng sự về hoạt
động trợ giúp pháp lý.
Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ
giúp pháp lý Nhà nước tỉnh).
Đơn vị phối hợp: Đài Phát thanh - Truyền hình
tỉnh và các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh thực hiện.
Thời gian thực hiện: Trong năm 2024.
c) Xây dựng tờ gấp, tài liệu pháp luật cấp phát cho
các cơ quan đơn vị liên quan và người dân.
Biên soạn, in ấn, phát hành tờ gấp trợ giúp pháp
lý, sách bỏ túi trợ giúp pháp lý, cẩm nang pháp luật trợ giúp pháp lý và các
tài liệu pháp luật khác về chính sách, pháp luật trợ giúp pháp lý cấp phát cho
người dân ở các địa phương, chú ý người dân ở huyện nghèo, xã biên giới, xã đặc
biệt khó khăn theo kinh phí được phê duyệt.
Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ
giúp pháp lý Nhà nước tỉnh).
Đơn vị phối hợp: UBND các huyện, UBND các xã
trên địa bàn tỉnh.
Thời gian thực hiện: Quý I, II /2024.
d) Công bố và niêm yết danh sách người thực hiện trợ
giúp pháp lý trên trang thông tin điện tử Sở Tư pháp và trụ sở của cơ quan tiến
hành tố tụng để người được trợ giúp pháp lý biết và lựa chọn khi có nhu cầu.
Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ
giúp pháp lý Nhà nước tỉnh).
Đơn vị phối hợp: Các cơ quan tiến hành tố tụng.
Thời gian thực hiện: Quý I/2024.
5. Thực hiện có hiệu quả công
tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý
Tổ chức thực hiện tốt các nội dung Kế hoạch phối hợp
liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2024. Đặc biệt, chú
trọng công tác phối hợp với Tòa án nhân dân các cấp và cơ quan Công an trong việc
cử người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tiếp nhận vụ việc, đảm bảo việc tiếp cận
kịp thời dịch vụ trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý.
Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ
giúp pháp lý Nhà nước tỉnh).
Đơn vị phối hợp: Các cơ quan tiến hành tố tụng.
Thời gian thực hiện: Trong năm 2024.
6. Nâng cao chất lượng trợ giúp
pháp lý
a) Cử viên chức, người thực hiện trợ giúp pháp lý của
Trung tâm tham dự các lớp tập huấn do Bộ Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý, Sở Tư
pháp tổ chức; đảm bảo 100% trợ giúp viên pháp lý hoàn thành nghĩa vụ tập huấn
nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc của trợ giúp viên pháp lý.
Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ
giúp pháp lý Nhà nước tỉnh).
Thời gian thực hiện: Trong năm 2024.
b) Tổ chức 02 - 04 lớp tập huấn chuyên sâu về nội
dung Luật Trợ giúp pháp lý cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, người
tiến hành tố tụng của các cơ quan tố tụng và cán bộ, công chức thực hiện quản
lý nhà nước về trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn
nghiệp vụ, kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người thực hiện trợ giúp pháp lý
Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ
giúp pháp lý Nhà nước tỉnh).
Thời gian thực hiện: Quý II, III/2024.
c) Tổ chức thẩm định chất lượng, đánh giá hiệu quả
vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng
Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ
giúp pháp lý Nhà nước tỉnh).
Thời gian thực hiện: Trong năm 2024.
d) Tổ chức các đoàn học tập kinh nghiệm để đổi nghiệp
vụ và học tập mô hình, cách làm hay về công tác trợ giúp pháp lý.
Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ
giúp pháp lý Nhà nước tỉnh).
Thời gian thực hiện: Quý II/2024.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện Kế hoạch được cấp từ nguồn ngân
sách tỉnh; việc sử dụng, quản lý kinh phí đối với hoạt động trợ giúp pháp lý phải
tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật về tài chính, kế toán.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm của Sở Tư pháp
- Tổ chức triển khai các nội dung của Kế hoạch theo
phân công; chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh phối hợp với các
đơn vị liên quan triển khai thực hiện đầy đủ nội dung Kế hoạch bảo đảm tiến độ,
chất lượng;
- Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá
việc thực hiện Kế hoạch; đề xuất các giải pháp để thực hiện Kế hoạch có hiệu quả;
- Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện hoạt động trợ
giúp pháp lý theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành có liên
quan
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin
và Truyền thông, Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ban, ngành, tổ chức liên quan
trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của mình tiến hành lồng ghép, bổ sung các nội
dung của Kế hoạch vào việc triển khai kế hoạch hoạt động năm 2024 của cơ quan,
đơn vị mình và phối hợp với Sở Tư pháp để tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch
này, đồng thời tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đã được UBND tỉnh giao.
- Sở Tài chính cân đối nguồn ngân sách để tham mưu
cấp có thẩm quyền cấp kinh phí cho các hoạt động hoạt động trợ giúp pháp lý đã
nêu tại Kế hoạch; hướng dẫn sử dụng kinh phí đúng quy định để triển khai hiệu
quả.
4. Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã, thành
phố
- Chỉ đạo Phòng Tư pháp và UBND cấp xã giải thích
quyền được trợ giúp pháp lý và giới thiệu các trường hợp thuộc diện được trợ
giúp pháp lý có nhu cầu đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh; phối hợp
tổ chức các hoạt động tuyên truyền về trợ giúp pháp lý tại cơ sở; phản hồi kiến
nghị của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các hoạt động khác thuộc kế hoạch
này.
- Chỉ đạo các phòng, ban liên quan tổ chức thực hiện
kế hoạch này ở địa phương và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện.
5. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát
nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh: Phối hợp với Sở Tư
pháp và Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh trong việc quán triệt, triển
khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Kế hoạch hoạt động trợ giúp pháp
lý trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện thực hiện
nghiêm túc công tác phối hợp trợ giúp pháp lý.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
và các tổ chức thành viên, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp của
tỉnh: Quan tâm, tạo điều kiện phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch thông
qua việc khuyến khích các hội viên, đoàn viên và nhân dân tham gia hoạt động trợ
giúp pháp lý bằng hình thức phù hợp, theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý
năm 2017; tích cực phối hợp với Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước
tỉnh thực hiện các nội dung thuộc Kế hoạch.
Trên đây là Kế hoạch triển khai công tác trợ giúp
pháp lý trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2024; trong quá trình tổ chức triển khai
thực hiện Kế hoạch nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp
thời phản ánh về Sở Tư pháp (Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh) để tổng
hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- UB MTTQ VN tỉnh;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- PCT TT UBND tỉnh;
- VKSND tỉnh, TAND tỉnh;
- CVP, PCVP TH UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND cấp huyện;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu VT, TH (H)
|
T.M ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Hồng Vinh
|