BỘ
KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
18/2010/TT-BKH
|
Hà
Nội, ngày 27 tháng 07 năm 2010
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ ĐẶC THÙ VỀ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN TẠI
11 XÃ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH NÔNG THÔN MỚI
TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA”
Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7
Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày
28/10/2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông
nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 116/2008/NĐ-CP ngày
14/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Căn cứ văn bản số 238-TB/TW ngày 07/4/2009 thông báo kết luận của Ban Bí thư về
Đề án “Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh
công nghiệp hóa, hiện đại hóa”;
Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày
04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về
xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
Căn cứ thông báo số 33-TB/BCĐNTM ngày 07/6/2010 của Ban Chỉ đạo Trung ương
Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới;
Để tạo thuận lợi cho các địa phương trong đầu tư xây dựng cơ bản; Bộ Kế hoạch
và Đầu tư hướng dẫn cơ chế đặc thù về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại 11 xã
thực hiện Đề án “Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong thời
kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” như sau:
Phần 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều
1. Phạm vi và đối tượng áp dụng:
1. Thông tư này hướng dẫn thủ tục
quản lý đầu tư và xây dựng cơ bản các công trình xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp
cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống văn hóa - xã hội, bảo vệ môi
trường tại 11 xã thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới trong Đề án “Chương
trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại
hóa” theo kết luận của Ban Bí thư tại văn bản số 238-TB/TW ngày 07/4/2009.
2. Các đối tượng công trình cụ thể
bao gồm:
a) Hệ thống đường giao thông từ
liên gia đến liên thôn, hệ thống điện đến hộ gia đình, hệ thống thủy lợi, đường
nội đồng và nâng cấp các chợ.
b) Trung tâm văn hóa xã và các nhà
văn hóa thôn, sân vận động xã, các khu thể thao thôn, tôn tạo các công trình
văn hóa lịch sử, trường học các cấp (từ mầm non đến trung học cơ sở), trạm y tế,
điểm bưu điện xã.
c) Hệ thống thoát nước thải các khu
dân cư, hệ thống cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đến các hộ, hạ tầng các khu
chăn nuôi, khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung để chuyển những hộ chăn
nuôi quy mô lớn và sản xuất nghề tiểu thủ công nghiệp có ô nhiễm ra khỏi khu
dân cư, hạ tầng nghĩa địa.
d) Phát triển cải tạo hệ thống ao,
hồ sinh thái kết hợp phát triển kinh tế, trồng cây xanh, cây hoa cảnh nơi công
cộng.
Điều 2. Nguyên
tắc chỉ đạo:
1. Việc đầu tư xây dựng các công
trình cơ sở hạ tầng tại các xã thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới được thực
hiện theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng địa phương là chính, Nhà nước
hỗ trợ một phần trực tiếp cho các xã thông qua Chương trình đầu tư thí điểm xây
dựng mô hình các xã nông thôn mới, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương
trình hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ, đồng thời với việc huy động đóng góp
tích cực của nhân dân, của các doanh nghiệp để xây dựng làng quê của mình.
2. Việc lựa chọn các công trình cụ
thể, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư của từng mô hình do chính người dân địa
phương bàn bạc dân chủ, công khai và quyết định trên cơ sở các quy chuẩn của
Nhà nước, khả năng huy động nguồn lực đầu tư và có sự tư vấn của cán bộ chuyên
môn; các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội địa phương chủ
yếu đóng vai trò chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, nguồn lực, tổ chức
điều hành quá trình xây dựng kế hoạch, tổ chức và kiểm tra thực hiện, tạo điều
kiện, động viên tinh thần, vận động người dân thực hiện vai trò làm chủ thông
qua cộng đồng.
Phần 2.
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Chủ đầu
tư các dự án cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã
1. Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới
xã là chủ đầu tư các dự án xây dựng công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã.
Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã do Ủy ban nhân dân (sau đây viết tắt là
UBND) xã quyết định thành lập. UBND tỉnh và UBND huyện có trách nhiệm hướng dẫn
và tăng cường cán bộ chuyên môn giúp các Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã
thực hiện nhiệm vụ này.
2. Ban quản lý xây dựng nông thôn mới
xã hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm, trực thuộc UBND xã, có tư cách pháp
nhân, có tài khoản riêng, sử dụng con dấu của UBND xã để giao dịch. Thành phần
gồm: Trưởng ban là Chủ tịch UBND xã (hoặc Phó Chủ tịch UBND xã) làm việc kiêm
nhiệm; Kế toán; các thành viên khác gồm một số cán bộ đại diện các ban ngành
trong xã, các Trưởng thôn bản, các hộ đại diện cho các cộng đồng dân cư trong
xã (do các cộng đồng dân cư đề cử).
Ban quản lý xây dựng nông thôn mới
xã được UBND xã, Ban Chỉ đạo Chương trình cấp trên chỉ đạo về mặt chủ trương,
đường lối; cơ quan chuyên môn các cấp hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ. Hoạt động
của Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã được UBND xã, các cấp quản lý, các cộng
đồng tại thôn, ban giám sát theo các phương thức khác nhau.
3. Ban quản lý xây dựng nông thôn mới
xã có các nhiệm vụ và quyền hạn chủ yếu sau đây:
a) Tổ chức xây dựng kế hoạch tổng
thể và kế hoạch đầu tư hàng năm xây dựng cơ sở hạ tầng đưa xã trở thành xã nông
thôn mới, lấy ý kiến các cộng đồng dân cư trong toàn xã và trình cấp có thẩm
quyền phê duyệt.
b) Tổ chức các cộng đồng tham gia
thực hiện, giám sát các hoạt động thực thi các dự án đầu tư xây dựng công trình
cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã.
c) Quản lý và triển khai thực hiện
các dự án, bao gồm việc thực hiện các bước từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu
tư, nghiệm thu bàn giao và đưa dự án vào khai thác, sử dụng.
d) Được ký các hợp đồng kinh tế với
các đơn vị có tư cách pháp nhân, cộng đồng hoặc cá nhân cung cấp các hàng hóa,
xây lắp và dịch vụ để thực hiện các công trình, dự án đầu tư công trình cơ sở hạ
tầng.
Trong trường hợp, đối với các công
trình có yêu cầu kỹ thuật cao, đòi hỏi có trình độ chuyên môn mà Ban quản lý xã
không đủ năng lực và không nhận làm chủ đầu tư thì UBND huyện giao cho một đơn
vị có đủ năng lực làm chủ đầu tư và có sự tham gia của UBND xã.
Điều 4. Công
tác lập kế hoạch tổng thể và kế hoạch hàng năm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng
xã theo các tiêu chí nông thôn mới.
1. Sau khi Đề án xây dựng thí điểm
mô hình nông thôn mới xã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND xã chỉ đạo Ban
quản lý xây dựng nông thôn mới có sự giúp đỡ của cán bộ tư vấn tiến hành xây dựng
kế hoạch tổng thể đầu tư cải tạo, nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản
xuất, đời sống văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường xã.
2. Nội dung kế hoạch tổng thể đầu
tư phải đảm bảo phù hợp với Đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới xã và
quy hoạch xây dựng nông thôn xã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có tính khả
thi về kỹ thuật và có khả năng huy động nguồn lực đầu tư, gồm các nội dung cơ bản
sau: danh mục các công trình cần xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp; địa điểm
xây dựng; quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật từng công trình; nguồn vốn đầu tư; cơ chế,
chính sách huy động nguồn lực đầu tư; phương thức tổ chức thực hiện dự án,
phương thức lựa chọn nhà thầu thi công cho từng công trình/dự án.
3. Việc xây dựng kế hoạch tổng thể
đầu tư cơ sở hạ tầng xã phải có sự tham gia của cộng đồng dân cư trong xã, được
bàn bạc thống nhất với sự hướng dẫn của chính quyền địa phương.
Quy trình lấy ý kiến của cộng đồng
nhân dân như sau: Sau khi Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã dự thảo xong kế
hoạch tổng thể đầu tư cải tạo, nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng xã, bản kế hoạch
được công bố công khai treo tại trụ sở UBND xã và được chuyển cho các Trưởng
thôn, bản để chủ trì tổ chức họp với tất cả các hộ dân trong thôn, có sự tham
gia của các đoàn thể xã hội để thảo luận lấy ý kiến đóng góp. Các ý kiến đóng
góp của nhân dân được ghi thành biên bản và được chuyển tới Ban quản lý xây dựng
nông thôn mới xã và Hội đồng nhân dân xã. Trong vòng 15 ngày sau khi bản kế hoạch
được công bố công khai và sau khi đã họp lấy ý kiến nhân dân, Hội đồng nhân dân
xã tổ chức cuộc họp nghe ý kiến đại diện các thôn bản, ý kiến giải trình, tiếp thu
của Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã, trên cơ sở đó xem xét ban hành Nghị
quyết thông qua kế hoạch hoặc yêu cầu Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã chỉnh
sửa lại theo ý kiến của đại đa số người dân địa phương.
4. Sau khi bản kế hoạch đầu tư tổng
thể đã tiếp thu, chỉnh sửa theo Nghị quyết của cuộc họp Hội đồng nhân dân xã,
UBND xã phê duyệt Kế hoạch tổng thể đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để xây dựng
xã thành xã nông thôn mới, công bố công khai cho các cộng đồng thôn bản để tổ
chức triển khai thực hiện. Đối với những công trình không được phê duyệt trong
kế hoạch đầu tư, UBND xã phải thông báo rõ lý do không được duyệt để người dân
biết.
5. Kinh phí thực hiện kế hoạch đầu
tư phát triển cơ sở hạ tầng các xã chủ yếu từ nguồn đóng góp công sức và tiền bạc
của nhân dân địa phương, nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp,
các nguồn vốn hợp pháp khác, nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ được bố trí hàng
năm thông qua Chương trình đầu tư thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới.
Cùng với các nguồn vốn nêu trên, để
mô hình có thể sớm định hình nhân rộng trong cả nước, UBND các tỉnh chỉ đạo bố
trí từ nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ
trợ có mục tiêu đang triển khai trên địa bàn nông thôn và tiếp tục triển khai
trong những năm tiếp theo cho 11 xã thí điểm.
6. Cơ chế, chính sách huy động các
nguồn vốn đầu tư; chính sách hỗ trợ vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước cho
từng loại công trình cụ thể thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.
Điều 5. Công
tác chuẩn bị đầu tư, thủ tục trình và phê duyệt các dự án
1. Trên cơ sở kế hoạch đầu tư được
UBND xã phê duyệt, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã tổ chức triển khai
công tác chuẩn bị đầu tư các công trình, dự án, trước hết tập trung cho các dự
án cấp thiết cần triển khai thi công ngay.
2. Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại
các xã, thôn, bản có thời gian thực hiện dưới 2 năm hoặc có giá trị công trình
đến 3 tỷ đồng chỉ cần lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật. Nội dung báo cáo kinh tế
kỹ thuật bao gồm: tên công trình, mục tiêu đầu tư, địa điểm xây dựng, quy mô kỹ
thuật công trình, thời gian thi công, thời gian hoàn thành, nguồn vốn đầu tư và
cơ chế huy động nguồn vốn đầu tư, kèm theo thiết kế, bản vẽ thi công và dự
toán.
3. Chủ đầu tư có thể tự lập Báo cáo
kinh tế - kỹ thuật và thiết kế, bản vẽ thi công và dự toán nếu có đủ năng lực
và kinh nghiệm; riêng đối với công trình quy mô từ 3 tỷ đồng trở lên hoặc có
yêu cầu kỹ thuật cao, như trường học, đường giao thông lớn, cầu cống lớn, chợ
(do người quyết định đầu tư quyết định), việc lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật và
thiết kế, bản vẽ thi công và dự toán phải do đơn vị tư vấn có tư cách pháp nhân
thực hiện và theo quy định hiện hành.
4. Trong quá trình lập Báo cáo kinh
tế - kỹ thuật và thiết kế, bản vẽ thi công và dự toán các công trình cơ sở hạ tầng
xã (nêu trên), chủ đầu tư (trong trường hợp tự lập) hoặc đơn vị tư vấn cần bàn
bạc với dân, lấy ý kiến tham gia của cộng đồng dân cư (những người hưởng lợi trực
tiếp và có trách nhiệm trong đóng góp xây dựng công trình) về các nội dung đầu
tư cũng như cơ chế huy động nguồn lực đầu tư thực hiện dự án. Quy trình tổ chức
lấy ý kiến người dân tương tự quy định tại Điểm 3, Điều 4, phần
II.
5. Một số vấn đề cần lưu ý trong
Báo cáo kinh tế - kỹ thuật:
a) Bản vẽ không nên quá phức tạp để
thuận lợi cho quá trình giám sát của cộng đồng.
b) Biện pháp thi công cần đơn giản
để người dân địa phương có thể tự thi công hoặc nếu cần thuê một tổ chức chuyên
nghiệp thi công thì phải có cam kết thuê lại người dân địa phương thực hiện những
phần việc đơn giản và được trả công theo đơn giá thị trường, sử dụng tối đa
nguyên vật liệu khai thác tại địa phương.
c) Các bản dự toán cũng cần lập đơn
giản, dễ hiểu. Nếu cần dân đóng góp thì phải phân chia rõ giá trị phần dân góp
(công lao động, nguyên vật liệu gì, khối lượng và giá trị cụ thể là bao nhiêu).
6. Cấp quyết định đầu tư:
a) UBND huyện là cấp quyết định đầu
tư, phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật các công trình có mức vốn đầu tư từ 3
tỷ đồng trở lên có nguồn gốc từ ngân sách và các công trình có yêu cầu kỹ thuật
cao.
b) UBND xã là cấp quyết định đầu
tư, phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật các công trình có mức vốn đầu tư đến 3
tỷ đồng có nguồn gốc từ ngân sách.
7. Thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ
thuật:
a) Người quyết định đầu tư có trách
nhiệm tổ chức thẩm định trước khi quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật
dự án đầu tư.
Đối với dự án do huyện quyết định đầu
tư, UBND huyện thành lập Ban thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật dự án với các
thành phần: Lãnh đạo UBND huyện, đại diện các phòng ban chuyên môn của huyện, nếu
là công trình có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, mời thêm một kỹ sư chuyên
ngành tham gia thẩm định dự án.
Đối với những công trình do UBND xã
quyết định đầu tư: UBND xã thành lập Tổ thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật dự
án với các thành phần gồm: Lãnh đạo UBND xã làm Tổ trưởng, đại diện Hội đồng
nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, kế toán xã, cán bộ chuyên môn, đại diện người dân
có trình độ chuyên môn do cộng đồng lựa chọn. Trong trường hợp cần thiết, xã có
thể mời các cán bộ có chuyên môn của huyện tham gia Tổ thẩm định để hỗ trợ.
b) Thời gian thẩm định báo cáo kinh
tế - kỹ thuật dự án: Không quá 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ
đối với các công trình thuộc đối tượng do UBND huyện quyết định đầu tư và không
quá 7 ngày làm việc đối với các công trình do UBND xã quyết định đầu tư.
8. Nội dung thẩm định báo cáo kinh
tế - kỹ thuật dự án:
a) Sự phù hợp của dự án với kế hoạch
tổng thể chung phát triển cơ sở hạ tầng xã, của huyện (đối với các dự án nằm trong
quy hoạch huyện).
b) Tính khả thi về kỹ thuật, khả
năng giải phóng mặt bằng, khả năng huy động vốn đáp ứng tiến độ dự án, các yếu
tố có thể ảnh hưởng đến dự án.
c) Xem xét chi phí dự án tính toán
có hợp lý không (so sánh với giá cả của địa phương, so sánh với các công trình,
dự án tương tự)
9. Hồ sơ trình thẩm định và phê duyệt
Báo cáo kinh tế - kỹ thuật:
a) Tờ trình xin phê duyệt dự án của
Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã gồm các nội dung: Tên dự án, chủ đầu tư,
mục tiêu đầu tư, quy mô và địa điểm xây dựng, tổng mức đầu tư, nguồn vốn đầu
tư, phương án huy động vốn đầu tư, thời gian khởi công và hoàn thành, các nội
dung khác (nếu thấy cần giải trình);
b) Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết
kế, bản vẽ thi công và dự toán (nội dung như tại khoản 2, khoản 5, Điều 5 của Thông
tư);
c) Các văn bản pháp lý có liên
quan.
Điều 6. Thực hiện
đầu tư xây dựng công trình:
1. Thủ tục chọn nhà thầu xây dựng:
1.1. Nguyên tắc chung:
a) Việc chọn nhà thầu xây dựng dự
án công trình cơ sở hạ tầng các xã thí điểm thực hiện theo 3 hình thức: (i)
Giao các cộng đồng dân cư thôn, bản (những người hưởng lợi trực tiếp từ công
trình) tự thực hiện xây dựng; (ii) Lựa chọn nhóm thợ, cá nhân trong xã có đủ
năng lực để xây dựng; (iii) Lựa chọn nhà thầu thông qua hình thức đấu thầu theo
quy định hiện hành.
b) Khuyến khích thực hiện hình thức
giao cộng đồng dân cư hưởng lợi trực tiếp từ công trình tự thực hiện xây dựng,
chỉ áp dụng hình thức lựa chọn nhóm thợ, cá nhân trong xã, hình thức đấu thầu
xây dựng các công trình trong trường hợp công trình đòi hỏi kỹ thuật cao, sử dụng
nhiều thiết bị thi công phức tạp, các cộng đồng không thể tự thực hiện, chủ đầu
tư đã đề nghị giao cho cộng đồng tự thực hiện nhưng cộng đồng từ chối không thực
hiện.
c) Quá trình lựa chọn nhóm thợ, tổ
chức, cá nhân thi công phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, người dân địa
phương được cung cấp đầy đủ thông tin về các quyết định liên quan đến quá trình
lựa chọn.
d) Việc áp dụng hình thức lựa chọn
nhà thầu xây dựng các công trình phục vụ trực tiếp cho cộng đồng do người dân
bàn bạc và tự quyết định.
1.2. Quy trình lựa chọn nhóm thợ,
cá nhân trong xã có đủ năng lực để xây dựng:
Thủ tục tiến hành như sau:
a) Chủ đầu tư thông báo mời thầu
trên hệ thống truyền thanh của xã, niêm yết tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa xã,
đồng thời phổ biến cho các trưởng thôn/xóm để thông báo cho người dân được biết.
b) Chủ đầu tư (có đại diện các cộng
đồng dân cư trong xã) xây dựng hồ sơ mời thầu bao gồm các tiêu chuẩn đánh giá,
tiêu chí để lựa chọn nhà thầu trình UBND xã phê duyệt. Tiêu chuẩn đánh giá phải
phù hợp với yêu cầu tính chất của từng công trình cũng như điều kiện cụ thể của
xã và thôn xóm.
c) Các nhóm thợ, cá nhân có tối thiểu
10 ngày để chuẩn bị hồ sơ dự thầu gửi Chủ đầu tư.
d) Sau khi hết hạn nhận hồ sơ dự thầu,
Chủ đầu tư tổ chức mở thầu đánh giá, lựa chọn nhóm thợ/tổ chức/cá nhân thi
công. Thành phần mời tham gia đánh giá: đại diện UBND xã, các tổ chức đoàn thể
xã hội, Ban Giám sát cộng đồng, trưởng thôn/xóm, đại diện các cộng đồng dân cư
của thôn xóm sẽ xây dựng công trình.
Trên cơ sở các tiêu chuẩn đánh giá
đã được UBND xã phê duyệt, các đại diện tham gia họp để đánh giá và bỏ phiếu bầu
chọn nhóm thợ, cá nhân có đủ năng lực để thi công. Kết quả cuộc họp được thư ký
ghi vào Biên bản họp, có chữ ký của các thành phần tham dự và trình UBND xã phê
duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
đ) Trong trường hợp nếu hết thời hạn
quy định mà chỉ có một nhóm/tổ chức/cá nhân tham gia dự thầu thì chủ đầu tư đàm
phán và ký kết hợp đồng với nhóm thợ/tổ chức/cá nhân đó.
2. Phê duyệt kết quả lựa chọn
nhà thầu xây dựng:
Chủ tịch UBND xã phê duyệt kết quả
lựa chọn đơn vị thi công các gói thầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã thí
điểm, trên cơ sở đề nghị của Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã.
3. Giám sát xây dựng:
a) Chủ đầu tư tổ chức thực hiện
giám sát thi công và chịu trách nhiệm về quyết định của mình theo quy định.
b) Thực hiện giám sát của cộng đồng:
Tất cả các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng các xã thí điểm xây dựng mô hình
nông thôn mới phải thực hiện giám sát cộng đồng. UBND xã thành lập Ban giám sát
cộng đồng với sự tham gia của đại diện Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc, các
tổ chức xã hội, đại diện cộng đồng dân cư hưởng lợi công trình do các thôn bản
bầu. Ban giám sát thực hiện công việc theo quy định của Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 14/5/2005 của Thủ tướng
Chính phủ về quy chế giám sát đầu tư cộng đồng.
Điều 7. Nghiệm
thu, bàn giao, khai thác, vận hành:
1. Nghiệm thu, bàn giao công
trình:
a) Chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu
công trình hoàn thành. Các thành phần tham gia nghiệm thu gồm:
+ Đại diện Ban quản lý xây dựng
nông thôn mới xã;
+ Đại diện nhóm thợ, tổ chức, cá
nhân thi công xây dựng;
+ Đại diện giám sát của chủ đầu tư,
đại diện Ban giám sát cộng đồng;
+ Đại diện tổ chức, cá nhân quản lý
sử dụng công trình;
+ Đại diện cộng đồng dân cư hưởng lợi
công trình do thôn bản bầu.
Tùy từng trường hợp cụ thể, Chủ đầu
tư có thể mời thêm thành phần có liên quan tham gia nghiệm thu.
b) Sau khi nghiệm thu, Chủ đầu tư
bàn giao công trình cho UBND xã để giao cho tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản
lý sử dụng (Bàn giao tay ba: Chủ đầu tư - Bên thi công - Người hưởng lợi) và
bàn giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến công trình cho UBND xã.
2. Quản lý, vận hành và bảo dưỡng
công trình
- Những công trình hạ tầng phục vụ
lợi ích chung toàn xã (đường liên thôn, trường học, trạm xá, trạm biến thế,
kênh mương chính…) do xã chịu trách nhiệm quản lý, vận hành và bảo trì. Hàng
năm, UBND xã chỉ đạo lập kế hoạch duy tu bảo dưỡng các công trình do xã quản
lý, huy động công sức của nhân dân địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác để
đầu tư duy tu, bảo dưỡng công trình. Ngân sách nhà nước không đầu tư.
- Những công trình (còn lại) phục vụ
lợi ích hộ và nhóm cộng đồng do các hộ và nhóm cộng đồng được hưởng lợi trực tiếp
quản lý, vận hành và tự huy động vốn bảo trì với sự kiểm tra của chính quyền
xã.
Phần 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều
8. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ
ngày ký và thay thế cho văn bản số 6867/BKH-KTNN ngày 08/9/2009 của Bộ Kế hoạch
và Đầu tư về việc hướng dẫn cơ chế đặc thù quản lý đầu tư và xây dựng tại 11 xã
thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn
đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức phản ánh về Bộ Kế
hoạch và Đầu tư để kịp thời bổ sung, sửa đổi./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND, Sở KH&ĐT 11 tỉnh, thành phố trực thuộc TW, UBND 11 huyện và
11 xã (địa phương thực hiện mô hình thí điểm);
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Các Vụ: TH; KHĐP< PC;
- Lưu: VT, KTNN.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Cao Viết Sinh
|