ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 951/QĐ-UBND
|
Quảng Nam, ngày 15 tháng 03 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CƠ CHẾ KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH CẤP
NƯỚC SẠCH TẬP TRUNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP
ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Nghị
định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 của Chính phủ
về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của
Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;
Căn cứ Quyết định số
131/2009/QĐ-TTg ngày 02/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu
đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công
trình cấp nước sạch nông thôn;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 37/2014/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT ngày 31/10/2014 của Liên Bộ: Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn - Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện
Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 02/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số
chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước
sạch nông thôn;
Căn cứ Nghị quyết số
180/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 của Hội đồng nhân
dân tỉnh Khóa VIII, Kỳ họp thứ 15 về Cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng các
công trình cấp nước sạch tập trung giai đoạn 2016 - 2020;
Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ
trình số 76/TTr-SXD ngày 14/3/2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Triển khai thực hiện Cơ chế khuyến khích đầu tư
xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung giai đoạn 2016 - 2020 trên địa
bàn tỉnh Quảng Nam (sau đây gọi tắt là Cơ chế) đã được Hội đồng nhân dân tỉnh
ban hành tại Nghị quyết số 180/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/2015.
Điều 2. Tổng mức đầu tư, điều kiện và nguyên tắc hỗ trợ
đầu tư của các dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung
1. Tổng mức đầu tư đối với 01 dự án
được hưởng chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư theo quy định tại Khoản 1 Điều
3 Nghị quyết số 180/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh như
sau:
a) Vùng 1: Không quá 50.000.000.000 đồng
(Năm mươi tỷ đồng);
b) Vùng 2: Không quá 30.000.000.000 đồng
(Ba mươi tỷ đồng);
c) Vùng 3: Không quá 25.000.000.000 đồng
(Hai mươi lăm tỷ đồng);
d) Vùng 4: Không quá 20.000.000.000 đồng
(Hai mươi tỷ đồng);
đ) Vùng 5: Không quá 15.000.000.000 đồng
(Mười lăm tỷ đồng).
e) Đối với các dự án có nhiều vùng cấp
nước thì mức ưu đãi, hỗ trợ xác định theo nguyên tắc tính riêng cho từng vùng,
tương ứng với giá trị đầu tư trên từng
vùng cấp nước.
f) Đối với dự án có tổng mức đầu tư
vượt quá quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này và không quá 100 tỷ, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành và địa
phương liên quan tham mưu UBND tỉnh quyết định mức hỗ trợ
đối với từng dự án cụ thể.
2. Điều kiện và nguyên tắc hỗ trợ:
a) Điều kiện hỗ
trợ:
- Nhà đầu tư phải có phương án tổ chức
sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ; có năng lực tài chính, năng lực quản lý
khai thác và cam kết cung cấp dịch vụ nước sạch phục vụ sinh hoạt và mục đích
khác hoặc cam kết cung cấp dịch vụ nước sạch, hợp vệ sinh đối với công trình cấp
nước tự chảy tại nông thôn theo dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt.
- Các dự án cấp nước phải phù hợp với
quy hoạch cấp nước hoặc quy hoạch xây dựng được Ủy ban
nhân dân tỉnh phê duyệt.
b) Nguyên tắc hỗ
trợ: Hỗ trợ đầu tư theo tiến độ xây dựng công trình, chia làm 02 đợt:
- Đợt 01: Sau khi thực hiện được 70%
khối lượng thi công xây dựng, nhà đầu tư báo cáo Sở Xây dựng
để tổ chức mời các Sở, ngành liên
quan và địa phương nơi có công trình xây dựng kiểm tra tiến độ, khối lượng, chất
lượng thi công. Sở Tài chính hướng dẫn nhà đầu tư lập thủ tục giải ngân 50% số
tiền được ưu đãi, hỗ trợ;
- Đợt 02: Sau khi công trình hoàn
thành công tác xây lắp, nghiệm thu đưa vào sử dụng đảm bảo đúng thủ tục đầu tư,
quy trình quản lý chất lượng theo quy định, nhà đầu tư lập thủ tục gửi Sở Tài chính đề nghị giải ngân 50% số tiền được ưu đãi, hỗ trợ
còn lại.
Điều 3. Việc quản lý thực hiện đầu tư xây dựng công
trình cấp nước sạch tập trung theo Cơ chế được thực hiện theo quy định hiện
hành của Nhà nước về đầu tư công và xây dựng.
Điều 4. Tổ chức thực hiện:
1. Sở Xây dựng:
a) Là cơ quan đầu mối tham mưu UBND tỉnh
chỉ đạo, triển khai thực hiện Cơ chế khuyến khích đầu tư
xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung giai đoạn 2016 - 2020 trên địa
bàn tỉnh.
b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý sau đầu tư các công trình cấp nước sạch tập trung thực
hiện theo Cơ chế.
c) Chủ trì thẩm
định, tham mưu UBND tỉnh quyết định mức hỗ trợ cụ thể đối với từng dự án đảm bảo
phù hợp với điều kiện thực tế.
d) Tham mưu UBND tỉnh về quản lý nhà nước đối với các hoạt động cung cấp nước sạch ở các khu
đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp (không bao gồm
khu vực nông thôn) trên địa bàn tỉnh theo nội dung Cơ chế.
đ) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn rà soát quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết về cung cấp
nước sạch nông thôn để tránh chồng lấn về phạm vi phục vụ cấp nước của các nhà
máy cấp nước đô thị (trong đó ưu tiên đầu tư các nhà máy cấp nước đô thị).
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn:
a) Tham mưu UBND tỉnh về quản lý nhà
nước đối với các hoạt động cung cấp nước sạch ở nông thôn trên địa bàn tỉnh.
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan trình UBND tỉnh các cơ chế
chính sách khuyến khích đặc thù ở địa phương (nếu có).
Tuyên truyền, phổ biến các chính sách ưu đãi của Nhà nước, của địa phương đối với
hoạt động cấp nước sạch ở nông thôn.
c) Rà soát, kiểm tra hoạt động của
các đơn vị cấp nước; tổng kết kinh nghiệm các mô hình quản lý, đề xuất các biện
pháp đảm bảo đơn vị cấp nước hoạt động hiệu quả, bền vững.
d) Chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành liên quan hướng dẫn quy trình thực hiện xã hội hóa, kế hoạch chuyển đổi
mô hình hoạt động, quản lý, vận hành và khai thác các công trình cấp nước sạch
nông thôn đã đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
3. Sở Tài chính:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng,
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, thẩm định phương án giá tiêu thụ
nước sạch đô thị và nông thôn phù hợp với khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt
do Bộ Tài chính ban hành và thực tế của địa phương.
b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định cụ thể
các trường hợp trích nộp khấu hao cơ bản tài
sản cố định theo đúng quy định hiện hành.
c) Căn cứ điều
kiện thực tế, Sở Tài chính hướng dẫn cụ thể hồ sơ, thủ tục hỗ trợ, quyết toán
kinh phí hỗ trợ phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước.
d) Xem xét, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ
giá nước sạch ghi vào kế hoạch ngân sách trình cấp có thẩm quyền
phê duyệt.
đ) Hướng dẫn các thành phần kinh tế tổ
chức quản lý tài chính ở các đơn vị cấp nước.
e) Hướng dẫn công tác trích khấu hao
cơ bản tài sản cố định theo quy định (tính trên phần vốn
do ngân sách Nhà nước đầu tư vào các công trình cấp nước).
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập
danh mục đầu tư các công trình cấp nước sạch đô thị và nông thôn và các công
trình phải chuyển đổi mô hình quản lý, vận hành; trình UBND
tỉnh phê duyệt để kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh.
b) Hướng dẫn các ngành, các cấp thực
hiện các phương thức tham gia hoạt động cấp nước sạch đô thị và nông thôn trong
đầu tư xây dựng và quản lý khai thác vận hành công trình cấp nước sạch (như thỏa
thuận, đấu thầu, đặt hàng).
c) Chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn cho công
trình cấp nước sạch được đầu tư xây dựng theo Cơ chế.
d) Phối hợp với Sở Tài chính, Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc phân bổ vốn nước sạch
nông thôn; tổ chức thực hiện lồng ghép với các chương trình có cùng mục tiêu
trên địa bàn.
đ) Tham mưu cấp
thẩm quyền phê duyệt kế hoạch trung hạn và dài hạn cấp nước sạch đô thị và nông
thôn (sau khi lấy ý kiến của Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn), trong đó các nội dung chính như: Chủ trương đầu tư, danh mục dự án đầu
tư, nguồn vốn đầu tư...
e) Thực hiện giám
sát, đánh giá đầu tư các dự án, công trình do tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư
theo quy định. Kiểm tra, giám sát phần vốn của Nhà nước đầu
tư vào các dự án, công trình từ khi đầu tư xây dựng và trong quá trình vận
hành, khai thác theo quy định.
5. Sở Y tế: Tổ chức giám sát, kiểm
tra định kỳ chất lượng nước tại các công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh theo
quy định của Bộ Y tế.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Tham mưu UBND
tỉnh cấp, gia hạn, điều chỉnh giấy phép thăm dò, khai
thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định.
b) Thực hiện công tác quản lý nhà nước
về bảo vệ môi trường, kiểm tra, theo dõi và xử lý công tác
bảo vệ môi trường của nhà đầu tư; thẩm định, hướng dẫn nhà đầu tư lập thủ tục về
môi trường theo quy định.
c) Hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các
thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất theo quy định hiện hành của Nhà nước.
7. Cục Thuế tỉnh:
Hướng dẫn nhà đầu tư các thủ tục để được hưởng các chính
sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất theo quy định.
8. Các Sở, ngành
có liên quan: Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tổ chức
thực hiện các nội dung của Cơ chế.
9. Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố:
a) Tổ chức thu hồi,
đền bù, giải phóng mặt bằng và giao đất cho nhà đầu tư khi triển khai dự án được
cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Phổ biến cơ chế, chính sách đến
các địa phương, tổ chức, cá nhân và các nhà đầu tư có nhu
cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh dịch vụ nước.
d) Bố trí vốn để thực hiện hỗ trợ cho
các dự án đầu tư xây dựng công trình nước sạch tập trung trên địa bàn theo quy
định tại điểm c Khoản 1 Điều 3 Nghị
quyết số 180/2015/NQ-HĐND .
10. Nhà đầu tư:
a) Có trách nhiệm xây dựng, quản lý,
khai thác, sửa chữa, nâng cấp và kinh doanh công trình cấp
nước theo đúng dự án được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư.
b) Lập đầy đủ thủ tục, hồ sơ cần thiết
theo quy định để được hưởng cơ chế hỗ trợ, ưu đãi về thuế, về đất đai theo quy
định của pháp luật.
c) Thực hiện cam kết cung cấp dịch vụ
nước sạch cho người dân đảm bảo số lượng, chất lượng và giá bán nước sạch theo
quy định.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 6. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Xây dựng,
Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu
tư, Tài chính, Y tế; Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai; Trưởng Ban Quản
lý các khu công nghiệp tỉnh; Trưởng Ban Quản lý Phát triển đô thị mới Điện Nam
- Điện Ngọc; Trưởng Ban Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh; Giám đốc
Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng
các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan và tổ chức, cá
nhân liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như điều 6;
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Website Chính phủ;
- TTTU, TT HĐND, UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Cục KTVB QPPL Bộ tư pháp;
- VPTU, VP UBND, VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Báo Quảng Nam, Đài PT-TH tỉnh;
- Trung tâm Cổng TTĐT tỉnh;
- CPVP;
- Lưu: VT, TH, KTN, KTTH.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Đinh Văn Thu
|