QUY ĐỊNH
VỀ KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ VÀ QUẢN LÝ KHU XỬ LÝ CHẤT THẢI TẠI XÃ TÓC
TIÊN, HUYỆN TÂN THÀNH, TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 92/2007/QĐ-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2007 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
a) Quy định này quy định về hoạt động
quản lý và xử lý chất thải trong khu xử lý chất thải;
b) Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể
liên quan đến khu xử lý chất thải.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Quy định này áp dụng đối với các tổ
chức, cá nhân trong và ngoài nước có hoạt động liên quan đến khu xử lý chất thải;
b) Các cơ quan chức năng liên quan của
tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Ủy ban nhân dân huyện Tân Thành.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. Khu xử lý chất thải: là khu xử lý
chất thải 100 hecta tại xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành.
2. Chủ đầu tư: là các tổ chức trong
và ngoài nước đầu tư các cơ sở xử lý chất thải trong khu xử lý chất thải.
3. Cơ sở xử lý chất thải: là nơi tổ
chức xử lý chất thải bằng biện pháp chôn lấp hợp vệ sinh, đốt, sản xuất phân hữu
cơ hoặc các biện pháp xử lý khác đảm bảo đạt tiêu chuẩn môi trường.
4. Chất thải: là vật chất ở thể rắn,
lỏng được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt, bao gồm các loại:
a) Chất thải rắn công nghiệp thông
thường;
b) Chất thải nguy hại;
c) Chất thải rắn sinh hoạt;
d) Nước thải từ các nhà vệ sinh.
5. Chất gây ô nhiễm: là chất khi xuất
hiện trong môi trường thì làm cho môi trường bị ô nhiễm.
6. Chất thải nguy hại: là chất thải
chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn, dễ lây nhiễm, gây ngộ
độc và được quy định cụ thể tại Danh mục chất thải nguy hại được ban hành kèm
theo Quyết định số 23/2006/QĐ-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài nguyên
và Môi trường về việc ban hành danh mục chất thải nguy hại.
7. Ô nhiễm môi trường: là sự biến đổi
của các thành phần môi trường không phù hợp với tiêu chuẩn môi trường, gây ảnh
hưởng xấu đến con người, sinh vật.
8. Tiêu chuẩn nước thải: là tiêu chuẩn
Việt Nam TCVN 5945:2005.
9. Tiêu chuẩn khí thải: là tiêu chuẩn
Việt Nam TCVN 5939:2005; TCVN 5940:2005.
10. Quan trắc môi trường: là quá
trình theo dõi có hệ thống về môi trường các yếu tố tác động lên môi trường nhằng
cung cấp thông tin phục vụ đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường
và các tác động xấu đối với môi trường.
11. Sự cố môi trường: là tai biến hoặc
rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi thất thường
của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng.
12. Quyết định 23/2007/QĐ-UBND: là
Quyết định 23/2007/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh ngày 19 tháng 4 năm 2007 về
việc ban hành Quy định về trình tự, thủ tục triển khai dự án đầu tư bên ngoài
các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bà Rịa
- Vũng Tàu.
Điều 3. Các hành vi bị
cấm
1. Lưu giữ chất thải trong khu xử lý
chất thải không đúng nơi quy định.
2. Chôn lấp chất thải trong khu xử lý
chất thải không đảm bảo hợp vệ sinh.
3. Các chất thải được xử lý tại các
cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải công nghiệp thông thường không
được phép lẫn chất thải nguy hại.
4. Nước rỉ rác, nước mưa chảy tràn lẫn
chất gây ô nhiễm chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn nước thải khi thải ra môi trường.
5. Khí thải phát sinh từ quá trình xử
lý chất thải bằng biện pháp đốt chưa đạt tiêu chuẩn khí thải khi thải ra môi
trường.
6. Mùi hôi phát sinh từ quá trình
chôn lấp chất thải rắn.
Chương II
CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ
Điều 4. Nguyên tắc đầu tư
1. Nhà nước khuyến khích mọi thành phần
kinh tế tham gia đầu tư cơ sở xử lý chất thải trong khu xử lý chất thải.
2. Đầu tư xử lý chất thải phải đồng bộ,
xử lý triệt để chất thải, bảo đảm đạt hiệu quả về kinh tế và các yêu cầu về bảo
vệ môi trường.
Điều 5. Ưu đãi đầu tư
Các chủ đầu tư tham gia đầu tư các cơ
sở xử lý chất thải trong khu xử lý chất thải được ưu đãi đầu tư, bao gồm:
1. Miễn tiền sử dụng đất, hỗ trợ chi
phí đền bù giải phóng mặt bằng.
2. Hỗ trợ đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng
kỹ thuật như hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, cấp điện, cấp nước, thoát
nước đến chân hàng rào các cơ sở xử lý chất thải.
3. Bảo đảm nguồn vốn vay tín dụng ưu
đãi bằng thế chấp các tài sản được hình thành từ vốn vay.
4. Được hưởng chính sách miễn thuế nhập
khẩu đối với trang thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ cho các dự án đầu tư cơ sở
xử lý chất thải, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định hiện hành của
pháp luật.
5. Ưu tiên lựa chọn các công nghệ
hoàn chỉnh trong nước có khả năng xử lý triệt để chất thải và có hiệu quả kinh
tế, kỹ thuật.
6. Hỗ trợ đào tạo lao động; hỗ trợ
nghiên cứu và phát triển công nghệ tái chế, tái sử dụng từ nguồn ngân sách nhà
nước.
7. Các ưu đãi khác đối với loại hình
xử lý chất thải theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Chuyển nhượng cơ sở xử lý chất thải
1. Chủ đầu tư được quyền chuyển nhượng
cơ sở xử lý chất thải và các công trình phụ trợ cho chủ đầu tư mới theo các quy
định của pháp luật.
2. Chủ đầu tư mới có trách nhiệm thực
hiện các quy định tại Điều 19 của Quy định này và các quy định khác của pháp luật
có liên quan.
Chương III
HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ TRONG KHU XỬ LÝ CHẤT THẢI
Điều 7. Bố trí các dự án đầu tư trong khu xử lý chất
thải
1. Các dự án đầu tư cơ sở xử lý chất
thải trong khu xử lý chất thải được giao đất thực hiện dự án theo đúng quy hoạch
đã được phê duyệt.
2. Trong trường hợp cần thiết phải
giao đất theo yêu cầu của chủ đầu tư không phù hợp với quy hoạch đã được phê
duyệt thì chỉ được phép giao đất để triển khai dự án khi quy hoạch chi tiết
1/2000 khu xử lý chất thải được cơ quan có thẩm quyền cho phép điều chỉnh quy
hoạch.
Điều 8. Công nghệ xử lý
1. Công nghệ đốt chất thải nguy hại.
2. Công nghệ đốt chất thải rắn sinh
hoạt tạo năng lượng.
3. Công nghệ sản xuất phân hữu cơ.
4. Công nghệ chôn lấp chất thải rắn
thông thường hợp vệ sinh.
5. Công nghệ chôn lấp chất thải nguy
hại hợp vệ sinh.
6. Công nghệ tái chế chất thải thành
các vật liệu và chế phẩm xây dựng.
7. Công nghệ cơ học, sinh học, hóa học
xử lý nước thải hầm cầu, nước rỉ rác, nước mưa lẫn chất gây ô nhiễm và khí thải.
Điều 9. Lựa chọn công nghệ xử lý
1. Việc lựa chọn công nghệ xử lý chất
thải phải căn cứ theo tính chất và thành phần của chất thải.
2. Khuyến khích lựa chọn công nghệ đồng
bộ, tiên tiến cho hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải để tạo ra nguyên liệu
và năng lượng.
3. Khuyến khích áp dụng công nghệ
tiên tiến để xử lý triệt để chất thải, giảm thiểu khối lượng chất thải rắn phải
chôn lấp, tiết kiệm quỹ đất sử dụng chôn lấp và bảo đảm vệ sinh môi trường.
Điều 10. Nội dung dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý
chất thải
Dự án đầu tư cơ sở xử lý chất thải
ngoài các nội dung theo yêu cầu của pháp luật về đầu tư xây dựng, nội dung của
dự án phải làm rõ các yêu cầu sau:
1. Giải pháp công nghệ xử lý chất thải
và công nghệ xử lý các chất thải phát sinh trong quá trình xử lý chất thải; hiệu
quả của công nghệ xử lý chất thải.
2. Các biện pháp bảo đảm an toàn
trong quá trình vận hành; giải pháp xử lý các tình huống sự cố môi trường.
3. Kế hoạch và chương trình quan trắc
môi trường.
4. Phương án phục hồi môi trường sau
khi đóng bãi chôn lấp hoặc kết thúc hoạt động cơ sở xử lý chất thải.
5. Nguồn chất thải đảm bảo cho hoạt động
của dự án.
6. Các đề xuất về ưu đãi đầu tư đối với
dự án.
7. Nội dung về kinh tế - tài chính:
a) Xác định tổng mức đầu tư xây dựng
cơ sở xử lý chất thải;
b) Nguồn vốn và cung cấp vốn theo tiến
độ của dự án;
c) Chi phí xử lý chất thải;
d) Kinh phí thu được từ việc kinh
doanh các sản phẩm tái chế, tái sử dụng;
e) Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh
để bù đắp chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt;
f) Chi phí phải trả cho chủ đầu tư xử
lý các chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại và nước thải hầm
cầu;
g) Khả năng thu hồi vốn đầu tư.
Điều 11. Chấp thuận chủ trương đầu tư
1. Quy trình tiếp nhận và chấp thuận
chủ trương đầu tư thực hiện đúng theo quy định tại Quyết định 23/2007/QĐ-UBND.
2. Để làm rõ các biện pháp xử lý chất
thải, các biện pháp bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành, giải pháp xử lý
các tình huống sự cố môi trường, kế hoạch và chương trình quan trắc môi trường
của các dự án xử lý chất thải, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm yêu cầu
chủ đầu tư trình bày cụ thể các nội dung nêu tại khoản 2, Điều 16 của Nghị định
59/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 09 tháng 4 năm 2007 về quản lý chất thải rắn
và trả lời bằng văn bản cho Sở Kế hoạch - Đầu tư nhưng đảm bảo thời gian không
quá 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản hỏi ý kiến của Sở Kế hoạch -
Đầu tư.
Điều 12. Thỏa thuận địa điểm và bàn giao mốc thực địa
để đầu tư xây dựng công trình
1. Sau khi có chủ trương chấp thuận đầu
tư của Ủy ban nhân dân tỉnh, căn cứ quy hoạch 1/2000 đã được duyệt, Công ty Môi
trường đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường thỏa thuận địa điểm để lập dự án đầu
tư xây dựng công trình.
2. Sau khi dự án được Ủy ban nhân dân
tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành bàn giao
mốc thực địa để chủ đầu tư tiến hành xây dựng công trình.
Điều 13. Tiếp nhận, thẩm tra và cấp giấy chứng nhận đầu
tư
Quy trình tiếp nhận, thẩm tra và cấp
giấy chứng nhận đầu tư thực hiện đúng theo quy định tại Quyết định
23/2007/QĐ-UBND.
Điều 14. Điều chỉnh dự án đầu tư
1. Khi điều chỉnh dự án đầu tư xử lý
chất thải liên quan đến mục tiêu, quy mô, địa điểm, hình thức và thời gian thực
hiện dự án, chủ đầu tư phải làm thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư.
2. Thủ tục xin điều chỉnh dự án đầu
tư do chủ đầu tư xây dựng, bao gồm dự án đầu tư, các bản vẽ, thiết kế cơ sở và
các tài liệu có liên quan và gửi toàn bộ hồ sơ xin điều chỉnh đầu tư đến Sở Kế
hoạch - Đầu tư.
3. Sở Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì,
phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng xem xét và
thống nhất trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Điều 15. Đình chỉ hoạt động của dự án đầu tư
1. Dự án đã được cho phép đầu tư
nhưng sau 12 tháng không triển khai hoặc dự án chậm tiến độ quá 12 tháng so với
tiến độ mà chủ đầu tư đã cam kết với tỉnh.
2. Dự án đi vào hoạt động nhưng không
có khả năng xử lý các chất thải phát sinh do quá trình vận hành không đạt tiêu
chuẩn môi trường, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
3. Vi phạm các quy định của pháp luật
mà theo đó pháp luật quy định phải đình chỉ hoạt động.
4. Việc cho phép dự án tiếp tục triển
khai hoặc hoạt động trở lại do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định trên cơ sở đề xuất
của Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành có liên quan.
Điều 16. Trách nhiệm của Công ty Môi trường trong khu
xử lý chất thải
1. Đầu mối cung cấp thông tin về khu
xử lý chất thải của tỉnh cho các nhà đầu tư cơ sở xử lý chất thải.
2. Đầu tư, nâng cấp, duy tu các công
trình phụ trợ, hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu xử lý chất thải.
3. Vận hành công trình xử lý nước thải
tập trung và theo dõi các hoạt động của các cơ sở xử lý chất thải trong khu xử
lý chất thải và kịp thời báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xử lý khi phát hiện
vi phạm.
4. Quản lý tài nguyên đất đai tại các
khu vực chưa giao cho các nhà đầu tư và các tài sản được đầu tư từ ngân sách tỉnh
trong khu xử lý chất thải.
5. Thu phí xử lý nước thải của các chủ
đầu tư xử lý chất thải.
6. Định kỳ 06 tháng/01 lần báo cáo Sở
Tài nguyên và Môi trường về tình hình hoạt động của toàn khu xử lý chất thải.
Điều 17. Trách nhiệm và quyền lợi của chủ đầu tư các
cơ sở xử lý chất thải trong khu xử lý chất thải
1. Trách nhiệm:
a) Thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở xử
lý chất thải theo đúng các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng;
b) Công nghệ xử lý chất thải của dự
án phải được thẩm định trước khi lắp đặt và đưa vào vận hành;
c) Khi có nhu cầu thay đổi nội dung đầu
tư xây dựng hoặc thay đổi công nghệ, chủ đầu tư phải thực hiện các nội dung và
trình tự về đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật;
d) Tổ chức vận hành cơ sở xử lý chất
thải theo đúng dự án và báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt;
e) Nước thải bao gồm nước rỉ rác, nước
làm vệ sinh nhà xưởng, nước mưa chảy tràn lẫn chất gây ô nhiễm đều phải thu gom
và xử lý đạt tiêu chuẩn nước thải trước khi thải. Trong trường hợp chủ đầu tư xử
lý nước thải chưa đạt tiêu chuẩn thải và phải tiếp tục xử lý nước thải tại hệ
thống xử lý nước thải tập trung do Nhà nước đầu tư thì chủ đầu tư phải trả chi
phí xử lý theo quy định.
f) Có trách nhiệm nộp các khoản thuế,
các nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước theo quy định của pháp luật;
g) Khi phát hiện sự có môi trường, chủ
đầu tư phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm an toàn
cho người và tài sản, kịp thời thông báo cho Ủy ban nhân dân huyện Tân Thành, Sở
Tài nguyên và Môi trường để phối hợp xử lý;
h) Trong trường hợp chấm dứt hoạt động
của cơ sở xử lý chất thải, chủ đầu tư phải gửi công văn tới Sở Tài nguyên và
Môi trường để thông báo thời gian chấm dứt hoạt động;
i) Ngay sau khi kết thúc hoạt động của
cơ sở xử lý chất thải, chủ đầu tư phải tiến hành phục hồi môi trường, ngăn ngừa
ô nhiễm môi trường và cải thiện cảnh quan khu vực;
j) Chậm nhất sau 02 năm kể từ ngày
đóng bãi chôn lấp và sau 01 năm kể từ ngày chấm dứt hoạt động của cơ sở xử lý
chất thải, chủ đầu tư phải hoàn tất các thủ tục bàn giao đất lại cho Nhà nước.
Trong thời gian chưa bàn giao đất cho Nhà nước, chủ đầu tư phải có trách nhiệm
quan trắc môi trường, theo dõi diễn biến môi trường.
2. Quyền lợi:
a) Hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ
của Nhà nước theo Điều 5 của Quy định này và các quy định khác của pháp luật có
liên quan;
b) Được ký kết các hợp đồng kinh tế về
xử lý chất thải đối với các tổ chức và cá nhân;
c) Được kinh doanh và hưởng lợi từ
các sản phẩm thu được của hoạt động xử lý chất thải;
d) Được chuyển nhượng cơ sở xử lý chất
thải.
Chương IV
VỐN ĐẦU TƯ VÀ CHI PHÍ XỬ LÝ CHẤT THẢI
Điều 18. Vốn đầu tư
1. Nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ
thuật đến chân hàng rào các cơ sở xử lý chất thải được hỗ trợ từ nguồn vốn ngân
sách tỉnh theo kế hoạch dự toán chi ngân sách hằng năm. Trong trường hợp chủ đầu
tư bỏ vốn để đầu tư, ngân sách tỉnh sẽ đảm bảo hoàn trả chi phí đầu tư này một
cách phù hợp.
2. Nguồn vốn đầu tư các cơ sở xử lý
chất thải trong khu xử lý chất thải được thực hiện theo chủ trương xã hội hóa.
Các chủ đầu tư tham gia đầu tư các cơ sở xử lý chất thải trong khu xử lý chất
thải được hưởng chính sách ưu đãi của tỉnh được quy định cụ thể tại Điều 5 của
Quy định này.
Điều 19. Chi phí xử lý chất thải
1. Đối với xử lý chất thải rắn sinh
hoạt, chi phí xử lý được bù đắp thông qua ngân sách tỉnh. Mức bù đắp chi phí xử
lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành về
đơn giá dịch vụ công ích trên địa bàn tỉnh. Trong trường hợp quy định này chưa
được ban hành, mức bù đắp chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt sẽ được xem xét
dựa vào vốn và công nghệ đầu tư.
2. Chi phí xử lý chất thải công nghiệp
thông thường, chất thải nguy hại và nước thải hầm cầu do các chủ nguồn thải
thanh toán chi phí cho chủ đầu tư các cơ sở xử lý chất thải thông qua hợp đồng
dịch vụ.
Điều 20. Hợp đồng dịch vụ
xử lý chất thải
1. Hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải gồm
các dạng sau:
a) Hợp đồng xử lý chất thải rắn sinh
hoạt;
b) Hợp đồng xử lý chất thải công nghiệp
thông thường;
c) Hợp đồng xử lý chất thải nguy hại;
d) Hợp đồng xử lý nước thải hầm cầu.
2. Giá trị hợp đồng dịch vụ:
a) Đối với chất thải rắn sinh hoạt,
giá trị hợp đồng dịch vụ được xác định trên cơ sở đơn giá do Ủy ban nhân dân tỉnh
ban hành;
b) Đối với chất thải công nghiệp
thông thường, chất thải nguy hại, nước thải hầm cầu được xác định trên cơ sở thỏa
thuận giữa chủ nguồn thải và chủ xử lý chất thải.
Chương V
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG KHU XỬ LÝ CHẤT THẢI
Điều 21. Bảo vệ môi trường trong quá trình vận hành
1. Các chất thải vận chuyển trong khu
xử lý chất thải theo đúng tuyến quy định.
2. Các chất thải lưu giữ tạm thời
trong khu xử lý chất thải theo đúng quy định. Chất thải nguy hại được lưu giữ
riêng với các chất thải thông thường.
3. Nước rỉ rác và nước mưa chảy tràn
chứa chất gây ô nhiễm được thu gom hoàn toàn và xử lý đạt tiêu chuẩn nước thải.
4. Khí thải phát sinh từ các lò đốt
chất thải phải được thu gom hoàn toàn và xử lý đạt tiêu chuẩn khí thải.
5. Chôn lấp chất thải phải đảm bảo
theo quy trình hợp vệ sinh, không để mùi hôi gây ảnh hưởng đến môi trường xung
quanh và nước rỉ rác gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước ngầm trong khu vực.
6. Các công trình về xử lý ô nhiễm phải
thường xuyên vận hành đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo hoạt động hiệu quả. Khi
các chủ đầu tư có nhu cầu duy tu, nâng cấp các công trình xử lý chất thải phải
có văn bản báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường.
Điều 22. Quan trắc chất lượng môi trường
1. Tại các cơ sở xử lý chất thải và
các công trình phụ trợ trong khu xử lý chất thải và các khu vực xung quanh khu
xử lý chất thải đều phải tổ chức quan trắc trong suốt thời gian hoạt động và 05
năm kể từ khi khu xử lý chất thải ngừng hoạt động.
2. Chủ đầu tư các cơ sở xử lý chất thải
có trách nhiệm quan trắc trong cơ sở xử lý thuốc trách nhiệm quản lý. Công ty
Môi trường có trách nhiệm quan trắc xung quanh các cơ sở xử lý chất thải và các
khu vực xung quanh khu xử lý chất thải.
3. Quan trắc môi trường bao gồm: môi
trường không khí, môi trường nước ngầm và nước mặt, môi trường đất, tiếng ồn và
độ rung. Vị trí các trạm quan trắc phải bố trí ở các điểm đặc trưng có thể xác
định được các diễn biến môi trường do ảnh hưởng của quá trình xử lý chất thải.
Tần suất và thông số quan trắc phải được xác định cụ thể trong báo cáo đánh giá
tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Sở Tài nguyên và Môi
trường phê duyệt theo quy định tại Nghi định 80/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 9 năm
2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật
Bảo vệ Môi trường.
4. Kết quả quan trắc phải báo cáo cho
Sở Tài nguyên và Môi trường định kỳ 03 tháng/01 lần.
Điều 23. Phục hồi, tái sử dụng diện tích đất sau khi
chấm dứt hoạt động các cơ sở xử lý chất thải hoặc khu xử lý chất thải
1. Toàn bộ khu xử lý chất thải hoặc từng
cơ sở xử lý chất thải trong khu xử lý chất thải khi chấm dứt hoạt động phải được
quản lý chặt chẽ, thực hiện phục hồi và cải thiện cảnh quan môi trường.
2. Quy trình đóng cửa, phục hồi, tái
sử dụng diện tích đất sau khi chấm dứt hoạt động của từng cơ sở xử lý chất thải
hoặc toàn khu xử lý chất thải phải được thực hiện theo đúng quy định tại Điều
34 của Nghị định 59/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về quản
lý chất thải rắn.
Chương VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 24. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
và các cơ quan có liên quan như sau
1. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Quản lý nhà nước về quản lý chất
thải trong khu xử lý chất thải;
b) Triển khai quy hoạch khu xử lý chất
thải đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, đảm bảo thỏa thuận địa điểm và bàn
giao mốc thực hiện để đầu tư công trình đúng theo quy hoạch đã được phê duyệt;
c) Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh mở rộng
khu xử lý chất thải khi cần thiết và sử dụng đất khu xử lý chất thải sau khi chấm
dứt hoạt động.
2. Sở Tài chính có trách nhiệm chủ
trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Kế hoạch - Đầu tư kiến nghị
Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ chi phí xử lý chất thải rắn thải sinh hoạt hàng năm
cho các nhà đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh.
3. Sở Kế hoạch - Đầu tư là đầu mối tiếp
nhận các dự án đầu tư, trình Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư;
tổ chức thẩm tra và trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đồng
thời, chịu trách nhiệm cân đối nguồn vốn xây dựng cơ bản để đầu tư mới hoặc
nâng cấp, duy tu các công trình phụ trợ trong khu xử lý chất thải theo dự án được
Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
4. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm quản
lý quy hoạch khu xử lý chất thải và kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh
quy hoạch theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường.
5. Sở Khoa học và Công nghệ có trách
nhiệm thẩm định công nghệ của các dự án đầu tư cơ sở xử lý chất thải trong khu
xử lý chất thải.
6. Ủy ban nhân dân huyện Tân Thành có
trách nhiệm thực hiện công tác đền bù giải tỏa khu xử lý chất thải và phối hợp
với các ngành có liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền.
Điều 25. Thanh tra, kiểm tra
1. Thanh tra các cấp và thanh tra
chuyên ngành thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về quản
lý, xử lý chất thải và các vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
2. Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm
phát hiện, ngăn chặn hoặc thông báo kịp thời cho Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc
Ủy ban nhân dân huyện Tân Thành những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động
quản lý chất thải.
Điều 26. Xử lý vi phạm
1. Các tổ chức, cá nhân có hành vi vi
phạm các quy định tại Quy định này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử
phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 81/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của
Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và các
văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan hoặc bồi thường thiệt hại theo quy
định của pháp luật.
2. Các tổ chức, cá nhân có hành vi cố
ý vi phạm và gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường sẽ bị truy cứu trách nhiệm
hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 27. Tổ chức thực hiện
Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài
chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân huyện Tân Thành và các
sở, ban, ngành, Công ty Môi trường, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu
trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy định này./.