Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 80/2020/NĐ-CP quản lý sử dụng viện trợ không hoàn lại cơ quan nước ngoài dành cho Việt Nam

Số hiệu: 80/2020/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 08/07/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 80/2020/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 08 tháng 7 năm 2020

NGHỊ ĐỊNH

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VIỆN TRỢ KHÔNG HOÀN LẠI KHÔNG THUỘC HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NƯỚC NGOÀI DÀNH CHO VIỆT NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Chính phủ ban hành Nghị định quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam.

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho các cơ quan, tổ chức được thành lập hợp pháp tại Việt Nam nhằm mục đích phát triển kinh tế xã hội, hỗ trợ nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận, thương mại.

2. Các trường hợp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này:

a) Các khoản viện trợ không hoàn lại của các cơ quan, tổ chức nước ngoài mà việc tiếp nhận phải được ký kết chính thức theo quy định của Luật Điều ước quốc tế và các khoản viện trợ không hoàn lại trong các thỏa thuận về vốn ODA phải được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Các khoản quà biếu, quà tặng cho cơ quan, tổ chức không vì mục đích hỗ trợ nhân đạo, từ thiện;

c) Các khoản tài trợ theo các hình thức thỏa thuận hợp tác, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng chuyển giao công nghệ có phát sinh lợi nhuận để phân chia;

d) Các cá nhân tiếp nhận tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học thực hiện theo Luật Khoa học Công nghệ số 29/2013/QH13;

đ) Viện trợ quốc tế khẩn cấp của Chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, cá nhân nước ngoài để cứu trợ được phê duyệt và thực hiện trong thời gian 03 tháng kể từ khi xảy ra thiên tai và viện trợ quốc tế khẩn cấp để khắc phục hậu quả thiên tai được phê duyệt và thực hiện trong thời gian 09 tháng kể từ khi thiên tai xảy ra.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức (sau đây gọi tắt là viện trợ) thuộc phạm vi điều chỉnh nêu tại Điều 1 Nghị định này.

2. Bên cung cấp viện trợ trong Nghị định này là các tổ chức, cá nhân nước ngoài có thiện chí, tôn trọng và chấp hành luật pháp Việt Nam, bao gồm:

a) Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức phi lợi nhuận, các quỹ xã hội, quỹ tư nhân được thành lập theo luật pháp nước ngoài;

b) Các cá nhân nước ngoài, bao gồm cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

c) Các doanh nghiệp, công ty được thành lập theo luật pháp nước ngoài, không bao gồm các tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật Đầu tư;

d) Các tổ chức nghiên cứu và đào tạo được thành lập theo luật pháp nước ngoài (bao gồm cả các viện nghiên cứu, tổ chức hợp tác thuộc chính phủ nước ngoài);

đ) Các bộ, cơ quan, tổ chức thuộc chính phủ nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao của các nước tại Việt Nam trực tiếp cung cấp khoản viện trợ, hoặc ủy quyền cho các tổ chức pháp nhân nước ngoài quản lý các khoản viện trợ mà việc tiếp nhận và thực hiện khoản viện trợ không yêu cầu phải ký kết chính thức theo quy định của Luật Điều ước quốc tế hoặc không yêu cầu bên Việt Nam ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Bên tiếp nhận viện trợ trong Nghị định này là các cơ quan, tổ chức Việt Nam được thành lập theo pháp luật Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ và hoạt động phù hợp với mục tiêu và nội dung của khoản viện trợ tiếp nhận:

a) Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động;

b) Các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ và quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập hợp pháp theo các quy định của pháp luật Việt Nam về hội, tổ chức khoa học và công nghệ, quỹ xã hội, quỹ từ thiện;

c) Doanh nghiệp xã hội tiếp nhận viện trợ để thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường;

d) Các đối tượng khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Ban quản lý chương trình, dự án” (sau đây gọi là “Ban quản lý dự án”) là tổ chức được thành lập để giúp chủ khoản viện trợ, chủ dự án quản lý thực hiện một hoặc một số chương trình, dự án.

2. Các phương thức viện trợ bao gồm: chương trình, dự án, phi dự án, trong đó:

a) “Chương trình” là tập hợp các hoạt động liên quan đến một hoặc nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều vùng lãnh thổ, nhiều chủ thể khác nhau nhằm đạt được một hoặc một số mục tiêu xác định, được thực hiện trong một hoặc nhiều giai đoạn.

b) “Dự án” là tập hợp các hoạt động có liên quan đến nhau nhằm đạt được một hoặc một số mục tiêu, được thực hiện trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định, dựa trên nguồn lực xác định.

c) “Phi dự án” là khoản viện trợ thực hiện một lần, riêng lẻ bằng tiền, hiện vật, hàng hoá, chuyên gia (kể cả chuyên gia tình nguyện), cung cấp các đầu vào để tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, nghiên cứu, khảo sát, đào tạo.

3. “Cơ quan chủ quản” bao gồm:

a) Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị và các cơ quan trực thuộc; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tối cao; cơ quan trực thuộc Quốc hội; Kiểm toán Nhà nước; Văn phòng Chủ tịch nước; bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh);

b) Trường hợp các khoản viện trợ nhân đạo không có địa chỉ cụ thể, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan chủ quản;

c) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định thành lập các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khoa học - công nghệ, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện theo quy định của pháp luật Việt Nam về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện và tổ chức khoa học và công nghệ;

d) Cơ quan trung ương của các tổ chức hội hoặc Liên hiệp hội được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

đ) Trường hợp bên tiếp nhận khoản viện trợ là doanh nghiệp xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh là cơ quan chủ quản.

4. “Chủ khoản viện trợ” là đơn vị được giao trách nhiệm quản lý, thực hiện khoản viện trợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ khoản viện trợ được gọi là “Chủ Dự án” trong trường hợp khoản viện trợ thực hiện theo phương thức chương trình, dự án.

5. “Khoản viện trợ” thuộc phạm vi của Nghị định này là hỗ trợ tài chính hoặc hàng hóa và dịch vụ không phải hoàn lại mà Bên cung cấp viện trợ dành cho Bên tiếp nhận viện trợ để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nhân đạo, không nhằm mục đích thương mại, lợi nhuận.

6. “Văn kiện chương trình, dự án” là tài liệu chính thức thể hiện cam kết giữa Bên cung cấp viện trợ và Bên tiếp nhận viện trợ về một chương trình, dự án cụ thể, trong đó xác định rõ: mục tiêu, các hoạt động, kết quả cần đạt được, nguồn lực được sử dụng, thời gian và kế hoạch thực hiện, tổ chức quản lý thực hiện chương trình, dự án, nghĩa vụ, quyền lợi của các bên liên quan.

7. “Viện trợ khắc phục hậu quả” bao gồm:

a) Các khoản cứu trợ khẩn cấp, các khoản viện trợ có mục đích khắc phục hậu quả của các trường hợp khẩn cấp (không bao gồm các khoản viện trợ quốc tế nêu tại điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị định này);

b) Các khoản cứu trợ sau thời gian 03 tháng kể từ khi xảy ra thiên tai, các khoản viện trợ khắc phục hậu quả thiên tai được thực hiện sau 09 tháng kể từ khi xảy ra thiên tai.

8. “Viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước” là các khoản viện trợ nếu bên tiếp nhận là các cơ quan, tổ chức:

a) Các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và các pháp nhân thuộc và trực thuộc; Ủy ban nhân dân các cấp và các pháp nhân trực thuộc;

b) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;

c) Các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và các đối tượng khác thuộc phạm vi quản lý thu, chi theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

d) Các đối tượng tiếp nhận khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

9. “Vốn đối ứng” là khoản vốn đóng góp của phía Việt Nam (bằng hiện vật hoặc tiền) để tiếp nhận và thực hiện khoản viện trợ. Vốn đối ứng được bố trí từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, chủ khoản viện trợ tự bố trí, vốn đóng góp của đối tượng thụ hưởng và các nguồn vốn hợp pháp khác. Vốn đối ứng được sử dụng cho quá trình chuẩn bị và thực hiện các khoản viện trợ theo yêu cầu cụ thể của chương trình, dự án.

Điều 4. Nguyên tắc trong quản lý và sử dụng viện trợ

1. Quản lý và sử dụng viện trợ phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Các khoản viện trợ chỉ được tiếp nhận, thực hiện, sử dụng khi đã được cấp có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt. Nguồn tiền viện trợ phải là nguồn tiền, tài sản hợp pháp.

2. Không tiếp nhận những hàng hóa (kể cả vật tư, thiết bị) thuộc danh mục các mặt hàng cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

3. Cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm toàn diện trong quản lý và sử dụng hiệu quả khoản viện trợ.

4. Dòng tiền tiếp nhận và chi ra cho khoản viện trợ phải được thực hiện thông qua tài khoản tiếp nhận viện trợ, đảm bảo tính công khai, minh bạch, được báo cáo đầy đủ theo quy định tại các Chương III, IV, V Nghị định này.

5. Viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước phải được dự toán, hạch toán, quyết toán đầy đủ vào ngân sách nhà nước.

6. Đối với các khoản viện trợ không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước, Chủ khoản viện trợ được phép tự quản lý và chịu trách nhiệm về mục đích sử dụng viện trợ, kết quả sử dụng viện trợ, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và cam kết với các nhà tài trợ. Chủ khoản viện trợ định kỳ báo cáo Cơ quan chủ quản để tổng hợp, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp chung.

7. Sau 06 tháng kể từ ngày khoản viện trợ được phê duyệt, trường hợp khoản viện trợ vẫn chưa triển khai mà không có lý do chính đáng, cấp có thẩm quyền phê duyệt được thu hồi quyết định phê duyệt tiếp nhận khoản viện trợ đã ban hành. Cơ quan chủ quản có trách nhiệm thông báo cho Bên cung cấp viện trợ về việc thu hồi quyết định phê duyệt khoản viện trợ.

Điều 5. Hành vi bị cấm trong sử dụng viện trợ

1. Sử dụng viện trợ để phục vụ mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, trốn thuế, xâm hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xâm hại đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc.

2. Sử dụng viện trợ để tìm kiếm lợi nhuận phân chia, tư lợi cá nhân, không vì mục đích nhân đạo, phát triển kinh tế xã hội, không vì lợi ích cộng đồng.

3. Các hành vi tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí trong quản lý và sử dụng viện trợ.

Điều 6. Vốn chuẩn bị khoản viện trợ

1. Đối với các khoản viện trợ do cơ quan chủ quản là các đơn vị được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoặc một phần kinh phí hoạt động, cơ quan chủ quản lập kế hoạch vốn chuẩn bị để tổng hợp vào kế hoạch ngân sách chung hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Đối với các khoản viện trợ không thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước (trung ương và địa phương), chủ khoản viện trợ tự cân đối và bố trí vốn chuẩn bị khoản viện trợ.

3. Trường hợp Bên cung cấp viện trợ cung cấp hỗ trợ tài chính đề chuẩn bị chương trình, dự án, chủ khoản viện trợ đưa nguồn vốn chuẩn bị vào tổng vốn chung của khoản viện trợ.

Chương II.

THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT KHOẢN VIỆN TRỢ

Điều 7. Thẩm quyền phê duyệt

1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt:

a) Các khoản viện trợ có nội dung liên quan đến an ninh, quốc phòng, tôn giáo và các khoản viện trợ có mục tiêu trực tiếp hỗ trợ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật;

b) Hàng hóa nhập khẩu thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật có liên quan;

c) Các trường hợp khác không quy định tại các khoản 2,3,4 Điều này.

2. Người đứng đầu cơ quan chủ quản phê duyệt:

a) Các khoản viện trợ không quy định tại khoản 1 Điều này và các khoản viện trợ khắc phục hậu quả được viện trợ trực tiếp cho một bộ, ngành, địa phương không phụ thuộc vào quy mô khoản viện trợ.

b) Các khoản viện trợ mà bên tiếp nhận là các tổ chức do cơ quan chủ quản ra quyết định cho phép thành lập hoặc phê duyệt điều lệ hoặc cấp Giấy đăng ký hoạt động, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của bên tiếp nhận viện trợ, trừ các tổ chức do Bộ Nội vụ ra quyết định thành lập.

3. Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt các khoản viện trợ của các hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện do Bộ Nội vụ quyết định cho phép thành lập và phê duyệt điều lệ.

4. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phê duyệt các khoản cứu trợ nhân đạo không có địa chỉ cụ thể (Bên cung cấp viện trợ không ấn định cứu trợ cho một địa phương cụ thể).

5. Người đúng đầu các tổ chức hội hoặc Liên hiệp hội được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khoản viện trợ cho cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Hồ sơ khoản viện trợ

Hồ sơ khoản viện trợ được lập thành 6 bộ, các tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt đã được công chứng kèm theo.

1. Hồ sơ chương trình, dự án gồm các tài liệu sau:

a) Văn bản đề nghị phê duyệt chương trình, dự án;

b) Văn bản nhất trí cung cấp viện trợ của Bên cung cấp viện trợ.

c) Văn kiện chương trình, dự án;

d) Giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân (không áp dụng với trường hợp Bên cung cấp viện trợ là các cơ quan đại diện ngoại giao, các cơ quan thuộc chính phủ, chính quyền địa phương nước ngoài).

Đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã đăng ký tại Việt Nam: Bản sao Giấy đăng ký do cơ quan nhà nước Việt Nam có thẩm quyền cấp;

Đối với cá nhân cung cấp viện trợ: Bản sao có chứng thực hộ chiếu còn hiệu lực;

Đối với các bên cung cấp viện trợ khác: Bản sao có chứng thực giấy tờ hợp lệ chứng minh địa vị pháp lý của tổ chức.

2. Hồ sơ phi dự án gồm các tài liệu sau:

a) Văn bản đề nghị phê duyệt phi dự án;

b) Văn bản nhất trí cung cấp viện trợ của Bên cung cấp viện trợ;

c) Văn kiện khoản viện trợ phi dự án do chủ khoản viện trợ phối hợp với bên cung cấp viện trợ xây dựng, bao gồm các nội dung chủ yếu: Mục đích, nội dung, danh mục hàng hóa (đối với khoản viện trợ bằng hàng hóa, hiện vật), kết quả dự kiến của khoản viện trợ; thời gian thực hiện; trị giá của khoản viện trợ phi dự án; phương thức tổ chức thực hiện và cơ chế phối hợp trong quá trình thực hiện; nghĩa vụ báo cáo kết quả sau khi tiếp nhận, sử dụng viện trợ;

d) Giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân (không áp dụng với trường hợp Bên cung cấp viện trợ là các cơ quan đại diện ngoại giao, các cơ quan thuộc chính phủ, chính quyền địa phương).

Đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã đăng ký tại Việt Nam: Bản sao Giấy đăng ký do cơ quan nhà nước Việt Nam có thẩm quyền cấp;

Đối với cá nhân cung cấp viện trợ: Bản sao có chứng thực hộ chiếu còn hiệu lực;

Đối với các bên cung cấp viện trợ khác: Bản sao có chứng thực giấy tờ hợp lệ chứng minh địa vị pháp lý của tổ chức.

đ) Đối với các khoản viện trợ phi dự án thực hiện theo hình thức cung cấp chuyên gia, hồ sơ khoản viện trợ bao gồm: các tài liệu nêu tại các điểm a, b,c, d khoản này; sơ lược lý lịch chuyên gia có cam kết chịu trách nhiệm đối với thông tin cung cấp của chuyên gia; chương trình hoạt động; giấy phép lao động và các giấy tờ pháp lý về hoạt động chuyên môn của chuyên gia theo quy định của pháp luật có liên quan.

3. Hồ sơ khoản viện trợ phi dự án là hàng hóa, thiết bị, phương tiện vận tải đã qua sử dụng, thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ:

a) Ngoài các yêu cầu nêu tại khoản 2 Điều này, cần có thêm chứng thư giám định chất lượng hàng hóa được cấp bởi tổ chức giám định hợp pháp và đủ năng lực được Việt Nam hoặc nước sở tại công nhận. Chứng thư giám định phải nêu kết luận về chất lượng của hàng hóa, thiết bị, phương tiện vận tải đạt yêu cầu của tiêu chuẩn Việt Nam hoặc đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn tương đương được Việt Nam chấp nhận.

b) Đối với khoản viện trợ phi dự án là các phương tiện vận tải đã qua sử dụng, cần có thêm các văn bản sau: bản dịch tiếng Việt đã được công chứng của bản đăng ký hoặc Giấy chứng nhận sở hữu phương tiện của Bên cung cấp viện trợ; bản dịch tiếng Việt đã được công chứng của giấy Chứng nhận đăng kiểm của cơ quan có thẩm quyền của nước Bên cung cấp viện trợ. Trong trường hợp có phương tiện tạm nhập tái xuất thì cần có Giấy Chứng nhận đăng kiểm của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

4. Văn kiện chương trình, dự án và văn kiện khoản viện trợ phi dự án được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Nghị định này.

5. Đối với dự án viện trợ có nội dung đầu tư công, đầu tư xây dựng phải được xây dựng theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư công và đầu tư xây dựng công trình.

6. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ:

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Đối với khoản viện trợ thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

b) Cơ quan chủ quản: Đối với khoản viện trợ không thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 9. Cơ quan chủ trì thẩm định

1. Văn kiện chương trình, dự án, phi dự án phải được thẩm định để làm cơ sở phê duyệt, ký kết và thực hiện.

2. Đối với khoản viện trợ thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì thẩm định.

3. Đối với khoản viện trợ thuộc thẩm quyền phê duyệt của người đứng đầu cơ quan chủ quản nêu tại khoản 2, 3, 4, 5 Điều 7 Nghị định này thực hiện tại cấp trung ương, cơ quan chủ quản giao đơn vị chuyên môn trực thuộc phù hợp chủ trì tổ chức thẩm định; ở cấp địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì thẩm định.

4. Tùy thuộc vào quy mô, tính chất nội dung dự án, cơ quan chủ trì thẩm định có thể mời các cơ quan chuyên môn ở trung ương và địa phương, các tổ chức tư vấn và chuyên gia tư vấn độc lập để hỗ trợ thẩm định chương trình, dự án.

5. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thẩm định chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thẩm định có liên quan đến phạm vi trách nhiệm quản lý của mình.

Điều 10. Trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt văn kiện chương trình, dự án, khoản viện trợ phi dự án

1. Đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ thẩm định trên cơ sở các quy định tại Điều 8 Nghị định này.

2. Lấy ý kiến góp ý bằng văn bản của các cơ quan có liên quan:

a) Đối với các khoản viện trợ quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này, Bộ Kế hoạch và Đầu gửi bộ hồ sơ đề nghị góp ý kiến thẩm định tới Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (trong trường hợp Bên cung cấp viện trợ là tổ chức phi chính phủ nước ngoài) và các cơ quan chuyên môn liên quan.

b) Đối với các khoản viện trợ quy định tại khoản 2, 3, 4, 5 Điều 7 Nghị định này thực hiện ở cấp trung ương: cơ quan chủ quản gửi bộ hồ sơ đề nghị góp ý kiến tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (trong trường hợp Bên cung cấp viện trợ là tổ chức phi chính phủ nước ngoài) và các cơ quan chuyên môn liên quan.

c) Đối với các khoản viện trợ thuộc thẩm quyền phê duyệt quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 7 Nghị định này thực hiện tại địa phương: Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi bộ hồ sơ tới Sở Tài chính, Công an tỉnh và các sở, ban, ngành có chức năng liên quan ở địa phương để xin ý kiến. Trường hợp nội dung khoản viện trợ vượt quá thẩm quyền quản lý của địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để gửi lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan.

3. Thẩm định khoản viện trợ

Tùy thuộc vào quy mô, tính chất và nội dung của khoản viện trợ, cơ quan chủ trì thẩm định tổ chức thẩm định bằng hình thức tổng hợp ý kiến hoặc tổ chức hội nghị thẩm định. Ý kiến kết luận của cơ quan chủ trì thẩm định là cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phê duyệt tiếp nhận khoản viện trợ.

Trong trường hợp khoản viện trợ không đủ điều kiện tiếp nhận, cơ quan chủ quản thông báo cho bên cung cấp viện trợ về quyết định không tiếp nhận viện trợ.

4. Đối với viện trợ khắc phục hậu quả, khi phê duyệt văn kiện dự án, phi dự án, người đứng đầu cơ quan chủ quản không bắt buộc phải lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan.

5. Nội dung thẩm định

a) Tính phù hợp của mục tiêu chương trình, dự án, mục đích tiếp nhận phi dự án với mục tiêu phát triển cụ thể của bộ, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện và thụ hưởng chương trình, dự án;

b) Tư cách pháp nhân của các bên cung cấp viện trợ và bên tiếp nhận viện trợ và tính hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam của các tổ chức, cá nhân có liên quan; sự phù hợp giữa mục đích viện trợ và chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của bên tiếp nhận viện trợ;

c) Khả năng tiếp nhận, tổ chức thực hiện của Chủ khoản viện trợ; khả năng đóng góp đối ứng của phía Việt Nam;

d) Các nội dung về cơ chế tài chính trong nước đối với viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước; tính hợp lý trong cơ cấu ngân sách của chương trình, dự án dành cho các hạng mục chủ yếu của chương trình, dự án;

đ) Những cam kết, điều kiện tiên quyết và các điều kiện khác của các bên tham gia;

e) Hiệu quả, tác động về kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự xã hội, khả năng vận dụng kết quả chương trình, dự án vào thực tiễn và tính bền vững của chương trình, dự án sau khi kết thúc; hiệu quả sử dụng khoản viện trợ phi dự án.

6. Thời hạn thẩm định không quá 20 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Điều 11. Quyết định phê duyệt

1. Quyết định phê duyệt gồm những nội dung chính sau:

a) Tên chương trình, dự án, phi dự án;

b) Tên cơ quan chủ quản, chủ khoản viện trợ; Bên cung cấp viện trợ, đồng cung cấp viện trợ nước ngoài;

c) Mục tiêu và kết quả chủ yếu của khoản viện trợ; đối với khoản viện trợ phi dự án bằng hàng hóa, hiện vật kèm theo Danh mục hàng hóa, hiện vật.

d) Thời gian và địa điểm thực hiện;

đ) Tổng vốn của chương trình, dự án hoặc khoản viện trợ phi dự án (vốn viện trợ không hoàn lại, vốn đối ứng); vốn viện trợ không hoàn lại do Bên tiếp nhận viện trợ quản lý, thực hiện, vốn viện trợ không hoàn lại do Bên tài trợ quản lý, thực hiện;

e) Cơ chế tài chính áp dụng đối với khoản viện trợ: thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước; không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước.

g) Phương thức quản lý thực hiện.

2. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày cấp có thẩm quyền ban hành quyết định phê duyệt khoản viện trợ, cơ quan chủ quản thông báo cho Bên cung cấp viện trợ về quyết định phê duyệt khoản viện trợ, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan Quyết định phê duyệt của cơ quan chủ quản để giám sát và phối hợp thực hiện.

Chương III.

QUẢN LÝ THỰC HIỆN VIỆN TRỢ

Điều 12. Tổ chức quản lý chương trình, dự án

Căn cứ quy mô, tính chất, điều kiện cụ thể thực hiện chương trình, dự án, năng lực tổ chức quản lý chương trình, dự án, cơ quan chủ quản quyết định áp dụng một trong các hình thức tổ chức quản lý chương trình, dự án sau:

1. Sử dụng bộ máy chuyên môn trực thuộc có đủ điều kiện, năng lực quản lý và thực hiện dự án đối với dự án quy mô dưới 200.000 USD (hai trăm nghìn đô la Mỹ).

2. Sử dụng Ban quản lý đang hoạt động để quản lý chương trình, dự án mới.

3. Thành lập Ban quản lý riêng cho từng chương trình, dự án.

Điều 13. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản

1. Vận động viện trợ trên cơ sở nhu cầu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và năng lực tiếp nhận viện trợ.

2. Phê duyệt các khoản viện trợ theo thẩm quyền.

3. Quyết định tổ chức bộ máy quản lý thực hiện chương trình, dự án.

4. Phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình, dự án; lập kế hoạch tài chính, dự toán thu chi ngân sách nhà nước hằng năm trên cơ sở đề xuất của Chủ khoản viện trợ, phù hợp quy định của pháp luật có liên quan.

5. Chỉ đạo công tác đấu thầu theo quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp các khoản viện trợ không thuộc nguồn thu ngân sách, việc thực hiện công tác đấu thầu theo thỏa thuận với Bên cung cấp viện trợ.

6. Chịu trách nhiệm về quản lý tài chính, báo cáo đầy đủ các nguồn vốn, tài sản tiếp nhận, sử dụng các khoản viện trợ. Phê duyệt quyết toán hàng năm và khi kết thúc dự án.

7. Chịu trách nhiệm định kỳ tổng hợp báo cáo tài chính các khoản viện trợ do cơ quan chủ quản phê duyệt.

8. Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện dự án, việc chấp hành các quy định hiện hành về quản lý dự án.

9. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình giải ngân, sử dụng viện trợ; báo cáo tổng hợp hàng năm về kết quả vận động viện trợ, tình hình thực hiện, giám sát, đánh giá các khoản viện trợ thuộc thẩm quyền quản lý, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan chậm nhất vào ngày 15 tháng 01 của năm tiếp sau; gửi báo cáo kết thúc khoản viện trợ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong vống 06 tháng sau khi kết thúc khoản viện trợ.

10. Chịu trách nhiệm về thất thoát, lãng phí, tham nhũng và các sai phạm khác trong công tác quản lý và sử dụng viện trợ thuộc thẩm quyền quản lý.

Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của chủ khoản viện trợ

1. Chủ khoản viện trợ phải được xác định trong quyết định phê duyệt tiếp nhận viện trợ.

2. Chủ khoản viện trợ chịu trách nhiệm:

a) Tổ chức bộ máy quản lý và thực hiện chương trình, dự án trên cơ sở quyết định của cơ quan chủ quản. Quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn viện trợ, vốn đối ứng của chương trình, dự án. Trường hợp không thành lập Ban quản lý dự án, chủ khoản viện trợ phải mở tài khoản để tiếp nhận và giải ngân khoản viện trợ tại kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại được thành lập và hoạt động theo pháp luật của Việt Nam. Thực hiện các hoạt động thu, chi cho khoản viện trợ qua tài khoản trên cơ sở kế hoạch tài chính đã được phê duyệt;

b) Xây dựng kế hoạch hoạt động, kế hoạch tài chính hằng năm trình cấp thẩm quyền phê duyệt; xây dựng dự toán thu chi ngân sách nhà nước hàng năm đối với các khoản viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Thực hiện công tác đấu thầu theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu;

d) Giám sát việc thực hiện các hợp đồng và xử lý vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền;

đ) Thực hiện giám sát và đánh giá chương trình, dự án.

3. Chịu trách nhiệm hạch toán, quyết toán, báo cáo đầy đủ các nguồn vốn, tài sản tiếp nhận và sử dụng.

4. Báo cáo tình hình tiếp nhận viện trợ, tình hình thực hiện, giải ngân khoản viện trợ 06 tháng và hàng năm cho cơ quan chủ quản. Báo cáo kết thúc khoản viện trợ phải gửi cơ quan chủ quản chậm nhất không quá 06 tháng sau khi kết thúc thực hiện.

5. Chịu trách nhiệm về thất thoát, lãng phí, tham nhũng và sai phạm thuộc thẩm quyền trong công tác tổ chức quản lý thực hiện chương trình, dự án, phi dự án gây thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường, ảnh hưởng đến mục tiêu và hiệu quả chung của chương trình, dự án;

6. Nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý dự án

1. Đại diện cho chủ dự án, chịu trách nhiệm trước chủ dự án, cơ quan chủ quản và trước pháp luật về các quyết định của mình.

2. Ban quản lý dự án phải mở tài khoản tại hệ thống Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch hoặc ngân hàng thương mại được thành lập và hoạt động theo pháp luật của Việt Nam. Thực hiện các hoạt động thu, chi cho khoản viện trợ qua tài khoản trên cơ sở kế hoạch tài chính đã được phê duyệt.

3. Ban quản lý dự án thực hiện các nhiệm vụ trong khuôn khổ dự án, trong đó:

a) Lập kế hoạch thực hiện tổng thể và hằng năm, kế hoạch tài chính của dự án trình người đứng đầu cơ quan chủ quản phê duyệt;

b) Đàm phán, ký kết các hợp đồng;

c) Thực hiện các hoạt động đấu thầu và quản lý hợp đồng trong phạm vi được giao;

d) Quản lý tài chính, tài sản và thực hiện các thủ tục giải ngân, hạch toán, quyết toán theo quy định về quản lý tài chính của Nghị định này và phù hợp với quy định của Bên cung cấp viện trợ.

4. Xây dựng kế hoạch chi tiết giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình, dự án.

5. Định kỳ 06 tháng một lần và hàng năm báo cáo tình hình thực hiện chương trình, dự án, tình hình quản lý tài chính cho chủ dự án và cơ quan chủ quản.

6. Nghiệm thu, bàn giao, quyết toán chương trình, dự án. Sau khi kết thúc chương trình, dự án, trong vống 06 tháng, Ban quản lý dự án phải hoàn thành báo cáo kết thúc chương trình, dự án gửi Chủ Dự án.

7. Các nhiệm vụ khác được giao.

Điều 16. Điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung chương trình, dự án trong quá trình thực hiện

1. Đối với các chương trình, dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định:

Cơ quan chủ quản tiến hành thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ khi có các điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung dẫn đến thay đổi các nội dung trong Quyết định phê duyệt khoản viện trợ.

2. Đối với chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan chủ quản:

a) Những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung làm cho chương trình, dự án trở thành một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này thì phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt;

b) Các điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung không thuộc quy định tại điểm a khoản này do cơ quan ban hành quyết định phê duyệt khoản viện trợ.

3. Trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định tại Điều 8, Điều 10, Điều 11 Nghị định này.

Điều 17. Bán hàng hóa thuộc các khoản viện trợ

Hàng hóa thuộc các khoản viện trợ được các Bên tiếp nhận viện trợ và Bên cung cấp viện trợ thoả thuận đưa vào Việt Nam bán phải được cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 7 Nghị định này quyết định đồng thời với việc phê duyệt các khoản viện trợ, trên cơ sở ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ Tài chính. Hàng hóa đã qua sử dụng khi được phép nhập khẩu vào Việt Nam không phải là hàng hóa thương mại, không được phép tổ chức bán đấu giá. Hàng hoá mới 100%, còn hạn sử dụng phải được tổ chức bán đấu giá theo quy định hiện hành về bán đấu giá tài sản.

Điều 18. Bàn giao kết quả thực hiện viện trợ

Sau khi kết thúc, chủ dự án tổ chức nghiệm thu, đánh giá, và tiến hành các biện pháp cần thiết để khai thác và bàn giao kết quả đạt được cho đối tượng thụ hưởng dự án và gửi báo cáo kết thúc dự án đến cơ quan chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

Điều 19. Xử lý tranh chấp

Trường hợp xảy ra tranh chấp liên quan đến hợp đồng trong quá trình thực hiện chương trình, dự án, các bên có trách nhiệm thương lượng giải quyết. Trường hợp không đạt được sự thỏa thuận giữa các bên, việc giải quyết tranh chấp được thực hiện thông qua hòa giải, trọng tài hoặc tòa án phù hợp với quy định của pháp luật theo quy định của hợp đồng mà hai bên đã ký kết.

Chương IV.

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH VIỆN TRỢ

Điều 20. Nguyên tắc quản lý tài chính đối với vốn viện trợ

1. Nguyên tắc quản lý tài chính đối với vốn viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước chỉ áp dụng đối với các khoản viện trợ do chủ dự án tự quản lý và thực hiện.

2. Đối với khoản viện trợ do Bên cung cấp viện trợ trực tiếp quản lý, thực hiện: Cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm quản lý văn kiện chương trình, dự án đã được phê duyệt; thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản; tuân thủ các quy định về kế toán, thuế và các quy định pháp luật có liên quan. Trường hợp, Bên cung cấp viện trợ bàn giao quyền sở hữu đối với các tài sản, trang thiết bị của chương trình, dự án cho Chủ dự án, Chủ dự án thực hiện việc xác lập sở hữu tài sản theo quy định hiện hành.

3. Viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước được dự toán, kiểm soát chi, hạch toán, ghi thu ghi chi, quyết toán theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quản lý tài chính quy định tại Nghị định này. Trường hợp phát sinh mới chưa tổng hợp trong dự toán được cấp có thẩm quyền phân bố và giao kế hoạch, chủ dự án lập dự toán bổ sung theo quy định pháp luật về quản lý nhà nước và pháp luật có liên quan.

4. Đối với vốn viện trợ không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước, Bên tiếp nhận viện trợ quản lý, sử dụng theo văn kiện chương trình, dự án, phi dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; điều lệ tổ chức và hoạt động của Bên tiếp nhận viện trợ và tuân thủ các quy định về kế toán, thuế và các quy định pháp luật có liên quan.

5. Đối với khoản viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước cho các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn thực hiện, tùy theo tính chất của khoản viện trợ được ghi tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoặc thu khác của doanh nghiệp.

Điều 21. Mở tài khoản cho chương trình, dự án sử dụng vốn viện trợ

1. Tài khoản vốn đối ứng:

a) Tài khoản vốn đối ứng sử dụng vốn ngân sách nhà nước: Chủ dự án mở tài khoản tại hệ thống Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để thực hiện việc kiểm soát, thanh toán đối với nguồn vốn đối ứng của dự án;

b) Tài khoản vốn đối ứng ngoài ngân sách nhà nước: Chủ dự án mở tài khoản tại hệ thống Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch hoặc ngân hàng thương mại được thành lập và hoạt động theo pháp luật của Việt Nam.

2. Tài khoản vốn viện trợ: Chủ dự án mở tài khoản tiếp nhận vốn viện trợ tại hệ thống Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch hoặc ngân hàng thương mại được thành lập và hoạt động theo pháp luật của Việt Nam.

a) Trình tự, thủ tục mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và việc quản lý, sử dụng tài khoản thực hiện theo quy định hiện hành;

b) Kho bạc Nhà nước tổ chức việc kiểm soát, thanh toán cho dự án từ nguồn vốn viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước;

c) Trình tự, thủ tục mở tài khoản tại ngân hàng thương mại được thành lập và hoạt động theo pháp luật của Việt Nam thực hiện theo các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 22. Lập kế hoạch tài chính vốn viện trợ không hoàn lại thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước

1. Căn cứ vào quyết định phê duyệt Văn kiện dự án, phi dự án hoặc quyết định đầu tư chương trình, dự án, chủ dự án lập kế hoạch thu chi vốn viện trợ 03 năm và dự toán thu chi vốn viện trợ hăng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật liên quan gửi cơ quan chủ quản tổng hợp.

2. Việc lập dự toán thu chi vốn viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước hằng năm được chi tiết theo từng nhà tài trợ, theo từng chương trình, dự án hoặc phi dự án.

3. Lập, tổng hợp, trình, phê duyệt, giao và điều chỉnh bổ sung kế hoạch vốn viện trợ:

a) Đối với vốn viện trợ sử dụng cho chi đầu tư công thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công;

b) Đối với vốn viện trợ sử dụng cho chi thường xuyên thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

4. Trên cơ sở hạn mức vốn hàng năm được cơ quan thẩm quyền giao, cơ quan chủ quản phân bổ chi tiết cho từng chương trình, dự án, phi dự án và thông báo cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về phương án phân bổ chi tiết.

5. Cơ quan chủ quản chỉ đạo, tổ chức việc thực hiện dự toán và báo cáo việc thực hiện kế hoạch thu chi vốn viện trợ theo quy định hiện hành.

Điều 23. Kiểm soát chi, giải ngân, hạch toán và ghi thu ghi chi vốn viện trợ không hoàn lại bằng tiền

1. Chủ dự án thực hiện kiểm soát chi tại Kho bạc Nhà nước theo quy định về quản lý ngân sách nhà nước đối với vốn viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước. Trình tự, thủ tục kiểm soát chi, hạch toán, ghi thu ghi chi thực hiện theo quy định pháp luật về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.

2. Hồ sơ kiểm soát chi gửi đến Kho bạc Nhà nước lần đầu gồm:

a) Quyết định giao dự toán hoặc bổ sung giao dự toán của cấp có thẩm quyền;

b) Bản sao có chứng thực văn bản trao đổi về việc cam kết và tiếp nhận vốn viện trợ;

c) Bản sao có chứng thực Quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án hoặc Quyết định đầu tư chương trình và Văn kiện dự án được phê duyệt;

d) Hợp đồng mua sắm hàng hóa, dịch vụ liên quan (nếu có). Trường hợp ký bằng tiếng nước ngoài thì gửi kèm bản dịch sang tiếng Việt có chữ ký và đóng dấu của chủ dự án. Chủ dự án chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, chính xác về nội dung bản dịch tiếng Việt;

đ) Giấy đề nghị xác nhận chi phí hợp lệ vốn sự nghiệp hoặc giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư của Chủ dự án theo quy định của Chính phủ về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.

3. Hồ sơ từng lần thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước thực hiện theo quy định khoản chi nguồn vốn ngân sách nhà nước.

4. Giải ngân vốn viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước bằng tiền cho chương trình, dự án: Căn cứ kết quả kiểm soát chi, trên cơ sở yêu cầu của chủ dự án, Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại thực hiện giải ngân cho dự án theo quy định; hằng tháng, thông báo số giải ngân vốn viện trợ không hoàn lại của từng chủ tài khoản theo từng chương trình, dự án cho Bộ Tài chính.

5. Hạch toán ghi thu ghi chi cho dự án sử dụng vốn viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước:

a) Hàng tháng hoặc theo từng lần phát sinh, trên cơ sở kết quả kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước đồng thời thực hiện ghi thu ghi chi theo quy định. Trường hợp Chủ dự án mở tài khoản nguồn vốn viện trợ tại ngân hàng thương mại, ngoài hồ sơ nêu trên, Chủ dự án gửi kèm theo bản sao kê chứng từ thanh toán từ tài khoản nguồn vốn viện trợ tại ngân hàng thương mại;

b) Kho bạc Nhà nước hạch toán vào ngân sách nhà nước theo nội dung chi viện trợ tại mục lục ngân sách nhà nước theo quy định. Các khoản tạm ứng theo chế độ thực hiện hạch toán ghi chi tạm ứng. Các khoản thu hồi tạm ứng thực hiện hạch toán giảm ghi chi tạm ứng. Các khoản thanh toán khối lượng hoàn thành hạch toán ghi thu ghi chi thực chi và thực hiện quyết toán ngân sách hàng năm;

c) Thời gian hạch toán theo các quy định hiện hành đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước.

6. Việc thanh toán tạm ứng, kiểm soát chi từ nguồn vốn viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước bằng tiền thực hiện theo các quy định hiện hành đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước.

7. Lãi tiền gửi vốn viện trợ phát sinh trên tài khoản tiền gửi phải được hạch toán theo dõi riêng và được sử dụng để thanh toán phí dịch vụ ngân hàng theo quy định. Phí dịch vụ ngân hàng là khoản chi thuộc dự án.

8. Khi kết thúc hoạt động chi tiêu trên tài khoản vốn viện trợ không hoàn lại tại ngân hàng thương mại, trường hợp không có cam kết tại văn kiện dự án đã được phê duyệt về sử dụng lãi tiền gửi viện trợ, Chủ dự án nộp toàn bộ số dư lãi phát sinh trên tài khoản tiền gửi vào ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành. Việc sử dụng số dư lãi phát sinh thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và ngân sách nhà nước.

9. Đối với viện trợ không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước:

a) Việc hạch toán, kế toán và quyết toán đối với các khoản viện trợ không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định pháp luật về kế toán và điều lệ tổ chức và hoạt động của Bên tiếp nhận viện trợ. Chủ dự án lập báo cáo quyết toán khoản viện trợ hàng năm và khi kết thúc dự án trên cơ sở số liệu giải ngân hàng quý đã được đối chiếu với ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản tiếp nhận viện trợ và Bên cung cấp viện trợ để gửi cơ quan chủ quản phê duyệt quyết toán;

b) Cơ quan chủ quản phê duyệt quyết toán, tổng hợp, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan;

Thời điểm cơ quan chủ quản phê duyệt báo cáo quyết toán năm đối với dự án và tổng hợp, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan: không muộn hơn ngày 30 tháng 6 hằng năm.

Điều 24. Tiếp nhận vốn viện trợ bằng hàng hóa và dịch vụ

1. Việc tiếp nhận hàng viện trợ nhập khẩu từ nước ngoài được thực hiện theo Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩuLuật Quản lý thuế. Hồ sơ gửi đến cơ quan hải quan làm thủ tục thông quan hàng viện trợ nhập khẩu gồm:

a) Quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án, khoản viện trợ phi dự án và văn kiện chương trình, dự án, phi dự án: 01 bản chụp có xác nhận sao y bản chính của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan;

b) Hồ sơ khác theo quy định pháp luật về thủ tục hải quan.

2. Hồ sơ hoàn thuế hoặc miễn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ mua trong nước bằng nguồn vốn viện trợ gửi đến cơ quan thuế gồm:

a) Quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án, khoản viện trợ phi dự án và văn kiện chương trình, dự án, phi dự án: 01 bản chụp;

b) Giấy đề nghị xác nhận chi phí hợp lệ vốn sự nghiệp và giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư của chủ dự án theo quy định của Chính phủ về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước (đối với trường hợp tiếp nhận viện trợ không hoàn lại thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước).

c) Các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật liên quan tới hoàn thuế hoặc miễn thuế.

3. Các khoản thuế, phí và lệ phí thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về thuế, phí và lệ phí.

4. Đối với trường hợp tiếp nhận viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước, sau khi giao nhận hàng hóa, Chủ dự án lập hồ sơ gửi Kho bạc Nhà nước để ghi thu ghi chi ngân sách nhà nước theo quy định. Hồ sơ ghi thu ghi chi gồm có:

a) Quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án, khoản viện trợ phi dự án và văn kiện chương trình, dự án, phi dự án: 01 bản chụp có xác nhận sao y bản chính của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan;

b) Giấy đề nghị ghi thu, ghi chi theo quy định của Chính phủ về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước;

c) Trường hợp hàng hóa nhập khẩu: Hợp đồng, vận đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương, hóa đơn thương mại hoặc tờ khai hàng hóa nhập khẩu đối với trường hợp không có hóa đơn thương mại: 01 bản chụp có xác nhận sao y bản chính của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan. Trường hợp hàng hóa mua trong nước: Hợp đồng mua bán, hóa đơn thuế giá trị gia tăng, biên bản bàn giao hàng hóa: 01 bản chụp có xác nhận sao y bản chính của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan;

d) Quyết định giao dự toán vốn viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước hoặc dự toán điều chỉnh bổ sung trong năm của cấp có thẩm quyền.

5. Kho bạc Nhà nước thực hiện hạch toán ghi thu ghi chi giá hàng hóa nhập khẩu là giá không bao gồm các khoản thuế, phí, và lệ phí theo quy định.

6. Quản lý tài sản đối với tài sản của khoản viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước: thực hiện theo quy định của Luật Quản lý tài sản công và các văn bản hướng dẫn. Trong trường hợp có thỏa thuận khác với Bên cung cấp viện trợ, chủ dự án lấy ý kiến Bộ Tài chính trước khi thực hiện.

7. Đối với tài sản của khoản viện trợ không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước:

a) Chủ khoản viện trợ mở sổ theo dõi riêng;

b) Việc quản lý và sử dụng tài sản của chương trình, dự án và tài sản được hình thành từ dự án được thực hiện theo thỏa thuận với Bên cung cấp viện trợ nêu tại văn kiện dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Khi kết thúc dự án, tài sản của chương trình, dự án và tài sản hình thành từ chương trình, dự án được coi là tài sản của chủ dự án; không được mua, bán, biếu, tặng, chuyển nhượng dưới mọi hình thức;

d) Trường hợp thay đổi chủ sở hữu hoặc chia, tách, sáp nhập, phá sản, tài sản của dự án viện trợ được chuyển cho một tổ chức có chức năng tương tự theo quy định của cấp có thẩm quyền để tiếp tục thực hiện chương trình, dự án (nếu chương trình, dự án chưa kết thúc) hoặc được chuyển lại cho cơ quan chủ quản trên cơ sở ý kiến chấp thuận của cơ quan chủ quản. Trong trường hợp không thực hiện được theo các phương án trên, cơ quan chủ quản có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính để có phương án xử lý.

Điều 25. Thuế đối với các khoản viện trợ

Thuế đối với các khoản viện trợ thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

Điều 26. Kiểm toán các khoản viện trợ

1. Viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước là đối tượng của kiểm toán nhà nước.

2. Viện trợ không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước: thực hiện kiểm toán độc lập theo yêu cầu của Bên cung cấp viện trợ.

Chương V.

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VIỆN TRỢ

Điều 27. Nội dung quản lý nhà nước về viện trợ

1. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng viện trợ theo luật pháp Việt Nam.

2.Cung cấp thông tin về quản lý và sử dụng viện trợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

3. Giám sát, đánh giá tình hình, kết quả quản lý, sử dụng viện trợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này theo quy định hiện hành của pháp luật.

4. Xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động quản lý và sử dụng viện trợ.

5. Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và Bên cung cấp viện trợ có thành tích trong hoạt động cung cấp, quản lý và sử dụng khoản viện trợ.

Điều 28. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

1. Là cơ quan đầu mối có nhiệm vụ quản lý nhà nước về viện trợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

2. Chủ trì soạn thảo, trình ban hành hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng viện trợ theo thẩm quyền.

3. Chủ trì thẩm định và tổng hợp ý kiến của các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt các khoản viện trợ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

4. Trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo tổng hợp hằng năm về tình hình quản lý và sử dụng viện trợ; kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng viện trợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

5. Kiểm tra việc tuân thủ quy định về tiếp nhận, phê duyệt, triển khai thực hiện theo thẩm quyền đối với các cơ quan, đơn vị tiếp nhận viện trợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Điều 29. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng chế độ hướng dẫn về quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ.

2. Tham gia ý kiến đối với các khoản viện trợ theo quy định.

3. Quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước.

4. Tổng hợp tình hình quản lý tài chính đối với khoản viện trợ. Định kỳ hàng năm gửi báo cáo tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

5. Kiểm tra giám sát tình hình quản lý tài chính và tuân thủ quy định tài chính đối với các tổ chức, đơn vị tiếp nhận viện trợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Điều 30. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Ngoại giao

1. Tham gia góp ý kiến các khoản viện trợ theo quy định.

2. Tham gia giám sát việc thực hiện các khoản viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài theo cam kết viện trợ và thực hiện đúng hoạt động đã đăng ký của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Cung cấp thường xuyên, đầy đủ thông tin về tình hình cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung Giấy đăng ký và hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để làm cơ sở cho việc tiến hành vận động và thẩm định viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài theo quy định tại Nghị định này.

Điều 31. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an

1. Hướng dẫn và hỗ trợ các cơ quan, tổ chức Việt Nam trong quá trình tiếp nhận và sử dụng các khoản viện trợ thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

2. Tham gia thẩm định và góp ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các khoản viện trợ liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; tham gia thẩm định và góp ý kiến.

3. Phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận và sử dụng viện trợ đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

4. Tiến hành các nhiệm vụ theo thẩm quyền khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan tới việc tiếp nhận và sử dụng các khoản viện trợ.

5. Cung cấp các thông tin liên quan làm cơ sở xem xét trong quá trình thẩm định khoản viện trợ tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ.

Điều 32. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nội vụ

1. Chủ trì thẩm định theo thẩm quyền phê duyệt; tham gia thẩm định và góp ý kiến về việc tiếp nhận các khoản viện trợ có nội dung liên quan.

2. Hướng dẫn và hỗ trợ các cơ quan, tổ chức Việt Nam chấp hành thực hiện đường lối, chính sách tôn giáo của Nhà nước trong quá trình tiếp nhận và sử dụng các khoản viện trợ.

3. Tổng hợp hàng năm về tình hình quản lý và sử dụng viện trợ của các tổ chức thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật Việt Nam về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Báo cáo định kỳ hằng năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Kiểm tra, giám sát tình hình tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ của các tổ chức hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện theo thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ.

Điều 33. Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan chủ quản

Ngoài các nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại các Chương I, II, III, IV Nghị định này, cơ quan chủ quản có nhiệm vụ và quyền hạn:

1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp trong công tác quản lý và sử dụng viện trợ thuộc lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật.

2. Tham gia ý kiến trong quá trình thẩm định, phê duyệt các khoản viện trợ về lĩnh vực chuyên môn do cơ quan quản lý theo phân công của Chính phủ.

3. Người đứng đầu cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm phê duyệt khoản viện trợ theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định này và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định phê duyệt của mình.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối về quản lý và sử dụng các khoản viện trợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

5. Ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ trong nội bộ cơ quan trên cơ sở quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

6. Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các đơn vị trực thuộc trong việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ theo các quy định hiện hành, thực hiện đúng cam kết với Bên cung cấp viện trợ.

7. Giám sát, đánh giá việc tiếp nhận và thực hiện các khoản viện trợ do Thủ trưởng cơ quan phê duyệt; kịp thời phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vướng mắc, khó khăn, những vi phạm trong quá trình triển khai công tác tiếp nhận và sử dụng viện trợ hoặc thông báo với các cơ quan quản lý nhà nước về viện trợ liên quan được nêu tại Chương này để xử lý.

8. Bố trí đầy đủ, kịp thời vốn chuẩn bị và vốn đối ứng thực hiện các chương trình, dự án viện trợ phù hợp với những quy định trong văn kiện chương trình, dự án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

9. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ về chất lượng, hiệu quả và tiến độ thực hiện các chương trình, dự án viện trợ phù hợp với các quy định của pháp luật.

10. Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo quy định.

Chương VI.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 34. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành các văn bản hướng dẫn mẫu biểu báo cáo thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của Nghị định này.

2. Bộ Tài chính ban hành các văn bản hướng dẫn mẫu biểu báo cáo về quản lý tài chính theo quy định của Nghị định này.

Điều 35. Xử lý chuyển tiếp

1. Các khoản viện trợ đã gửi cơ quan phê duyệt khoản viện trợ hoặc Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt việc tiếp nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục được thực hiện theo quy định của Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài.

2. Các khoản viện trợ được phê duyệt trước ngày Nghị định có hiệu lực thì thực hiện quản lý tài chính và chế độ báo cáo theo quy định tại Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài và các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ đến thời điểm kết thúc khoản viện trợ được nêu trong Quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Điều 36. Hiệu lực thi hành và trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 17 tháng 9 năm 2020 và thay thế Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, QHQT(3).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

PHỤ LỤC I

NỘI DUNG VĂN KIỆN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN HỖ TRỢ KỸ THUẬT SỬ DỤNG VIỆN TRỢ
(Kèm theo Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ)

(Tên dự án)

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN

1. Tên dự án:................................................................................................................

2. Mã ngành dự án1:................................... Mã số dự án2:..............................................

3. Tên Bên cung cấp viện trợ:.........................................................................................

4. Cơ quan phê duyệt khoản viện trợ:

a) Địa chỉ liên lạc:..........................................................................................................

b) Số điện thoại/Fax:......................................................................................................

5. Cơ quan chủ quản:

a) Địa chỉ liên lạc:..........................................................................................................

b) Số điện thoại/Fax:......................................................................................................

6. Chủ dự án3:

a) Địa chỉ liên lạc:..........................................................................................................

b) Số điện thoại/Fax:......................................................................................................

7. Thời gian dự kiến thực hiện dự án4:

8. Địa điểm thực hiện dự án (ghi rõ tới cấp huyện, nếu có thể áp dụng được):

9. Tổng vốn của dự án:............................... nguyên tệ, tương đương......................... USD

Trong đó:

a) Vốn viện trợ không hoàn lại: .................. nguyên tệ, tương đương ......USD

(Theo tỷ giá chuyển đổi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xây dựng Văn kiện chương trình, dự án)

b) Vốn đối ứng:

- Tiền mặt:........................... VND tương đương..................... USD

- Hiện vật: tương đương.................. VND tương đương................. USD

c) Vốn do các bên quản lý, thực hiện:

- Chủ dự án:

+ Tiền mặt:.......................... VND tương đương..................... USD

+ Hiện vật: tương đương................. VND tương đương................. USD

- Bên tài trợ:

+ Tiền mặt:.......................... VND tương đương..................... USD

+ Hiện vật: tương đương................. VND tương đương................. USD

d) Vốn viện trợ:

- Thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước

- Không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước

10. Mục tiêu và kết quả chủ yếu của dự án

Khái quát mục tiêu và các kết quả của dự án

Chủ Dự án ký tên và đóng dấu
(Ngày...tháng...năm…)


Đại diện Bên cung cấp viện trợ ký tên và đóng dấu (nếu cần)
(Ngày...tháng...năm…)


______________________

1 Mã ngành kinh tế quốc dân của dự án, phân theo Danh mục Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam 2007 (Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ).

2 Mã dự án - Không bắt buộc - có thể do Bên cung cấp viện trợ quy định.

3 Chủ Dự án chính là Chủ khoản viện trợ.

4 Xác định số năm hoặc số tháng cần thiết để thực hiện dự án kể từ ngày dự án có hiệu lực.

NỘI DUNG VĂN KIỆN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN HỖ TRỢ KỸ THUẬT

I. CĂN CỨ HÌNH THÀNH DỰ ÁN

1. Cơ sở pháp lý của dự án

a) Quyết định về chức năng, nhiệm vụ của Chủ dự án, Cơ quan chủ quản

b) Các văn bản pháp lý liên quan khác.

2. Bối cảnh của dự án

a) Mô tả chi tiết vai trò, vị trí và sự cần thiết của dự án trong khung khổ quy hoạch, kế hoạch phát triển của lĩnh vực có liên quan và của đơn vị thụ hưởng viện trợ (cơ quan, ngành, lĩnh vực, địa phương).

b) Nêu các chương trình, dự án tương tự đã và đang thực hiện trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan chủ quản và các chương trình, dự án đã được tiếp nhận trong cùng một lĩnh vực để tránh trùng lặp và đảm bảo sự phối hợp, chia sẻ kết quả giữa các dự án với nhau nhằm phát huy hiệu quả tối đa.

3. Các vấn đề sẽ được giải quyết trong khuôn khổ dự án.

4. Nêu rõ những đối tượng thụ hưởng trực tiếp của dự án.

II. CƠ SỞ ĐỀ XUẤT BÊN CUNG CẤP VIỆN TRỢ

1. Mô tả tính phù hợp của mục tiêu dự án với chính sách và định hướng ưu tiên của Bên cung cấp viện trợ.

2. Nêu các điều kiện ràng buộc theo quy định của Bên cung cấp viện trợ (nếu có) và khả năng đáp ứng các điều kiện này của phía Việt Nam.

III. MỤC TIÊU VÀ KẾT QUẢ DỰ KIẾN CỦA DỰ ÁN

Mô tả đích mà dự án cần đạt được khi kết thúc để đáp ứng nhu cầu trực tiếp của đối tượng thụ hưởng, từ đó đóng góp vào sự phát triển của xã hội, ngành, lĩnh vực, địa phương.

IV. NHỮNG CẤU PHẦN VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA DỰ ÁN

Mô tả chi tiết kế hoạch thực hiện các cấu phần hoặc tiểu dự án (nếu có) và hoạt động tương ứng của dự án theo các nội dung sau:

1. Mục đích

2. Các kết quả dự kiến, bao gồm Danh mục hàng hóa (nếu có)

3. Tổ chức thực hiện

4. Thời gian bắt đầu và kết thúc

5. Dự kiến nguồn lực

V. NGÂN SÁCH DỰ ÁN

1. Tổng vốn của dự án: ... nguyên tệ, tương đương........................ USD

Trong đó:

a) Vốn viện trợ không hoàn lại: .... nguyên tệ, tương đương.... USD

(Theo tỷ giá chuyển đổi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xây dựng Văn kiện dự án)

b) Vốn đối ứng:........................... VND tương đương với.................................. USD

Trong đó:

- Hiện vật: tương đương....................... VND

- Tiền mặt:................. VND

c) Vốn do các bên quản lý, thực hiện:

- Chủ dự án:

+ Tiền mặt:........................... VND tương đương..................... USD

+ Hiện vật: tương đương.................. VND tương đương................. USD

- Bên tài trợ:

+ Tiền mặt:........................... VND tương đương..................... USD

+ Hiện vật: tương đương.................. VND tương đương................. USD

d) Vốn viện trợ:

- Thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước

- Không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước

2. Cơ cấu vốn theo: dịch vụ tư vấn (ước tính tỷ trọng chuyên gia trong nước/chuyên gia quốc tế), đào tạo (trong nước, nước ngoài); thiết bị và vật tư (trong nước, nhập khẩu), kinh phí tạo lập các quỹ triển khai hoạt động trong dự án (nếu có), các chi phí quản lý; chi phí theo dõi và đánh giá dự án, kiểm toán dự án và các chi phí khác.

3. Cơ chế tài chính áp dụng:

a) Cơ chế tài chính áp dụng đối với vốn viện trợ

b) Cơ chế tài chính áp dụng đối với vốn đối ứng

- Vốn ngân sách nhà nước cấp phát......................... VND (... %) tổng vốn đối ứng

(Trong đó: vốn ngân sách trung ương ............................................. %,... vốn ngân sách địa phương……….. %)

- Vốn của cơ quan chủ quản........................... VND (... %) tổng vốn đối ứng

- Vốn tự cân đối của chủ dự án...................... VND (... %) tổng vốn đối ứng.

- Vốn đóng góp của các đối tượng thụ hưởng (nếu có).............................. VND (... %) tổng vốn đối ứng.

VI. CÁC QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CỦA DỰ ÁN

1. Hình thức giải ngân (qua kho bạc, tài khoản đặc biệt hay tài khoản tạm ứng...)

2. Tổ chức công tác kế toán, thanh quyết toán

3. Trách nhiệm quản lý vốn (mở tài khoản, chủ tài khoản...)

4. Kiểm toán dự án

VII. TỔ CHỨC QUẢN LÝ THỰC HIỆN DỰ ÁN

1. Cơ cấu tổ chức

2. Hoạt động của Ban quản lý dự án

VIII. THEO DÕI VÀ ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN

1. Xây dựng kế hoạch theo dõi, đánh giá thực hiện dự án

2. Xây dựng chi tiết kế hoạch đánh giá tình hình thực hiện dự án

a) Đánh giá ban đầu

b) Đánh giá giữa kỳ

c) Đánh giá kết thúc

3. Chế độ kiểm tra, báo cáo của dự án

4. Cơ chế báo cáo

Tuân theo quy định tại Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2020.

IX. ĐÁNH GIÁ TÍNH BỀN VỮNG CỦA DỰ ÁN SAU KHI KẾT THÚC

Đánh giá tính bền vững của dự án trên các phương diện:

1. Bền vững về kết quả: kết quả của dự án được duy trì và phát triển sau khi dự án kết thúc.

2. Bền vững về tổ chức: cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực của dự án được đảm bảo để có thể tiếp tục sau khi dự án kết thúc.

3. Bền vững về tài chính: sau khi hết khoản viện trợ, các hoạt động của dự án có thể tự tạo ra kinh phí để tiếp tục các hoạt động cần thiết khác.

4. Bền vững về môi trường: môi trường tự nhiên quanh khu vực thực hiện dự án được bảo tồn sau khi dự án kết thúc.

PHỤ LỤC II

NỘI DUNG VĂN KIỆN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ĐẦU TƯ SỬ DỤNG VIỆN TRỢ
(Kèm theo Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ)

(Tên dự án)

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN

1. Tên dự án:

2. Mã ngành dự án1:

3. Tên Bên cung cấp viện trợ:

4. Cơ quan phê duyệt khoản viện trợ:

a) Địa chỉ liên lạc:..........................................................................................................

b) Số điện thoại/Fax:......................................................................................................

5. Cơ quan chủ quản:

a) Địa chỉ liên lạc:..........................................................................................................

b) Số điện thoại/Fax:......................................................................................................

6. Chủ dự án dự kiến:

a) Địa chỉ liên lạc:..........................................................................................................

b) Số điện thoại/Fax:......................................................................................................

7. Thời gian dự kiến thực hiện dự án2:

8. Địa điểm thực hiện dự án:

9. Tổng vốn của dự án:................ nguyên tệ, tương đương................... USD

Trong đó:

a) Vốn viện trợ không hoàn lại: ... nguyên tệ, tương đương... USD

(Theo tỷ giá chuyển đổi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xây dựng Văn kiện dự án)

b) Vốn đối ứng:

- Tiền mặt:.......................... VND tương đương với..................................... USD

- Hiện vật: tương đương................. ...VND tương đương với............................ USD

c) Vốn do các bên quản lý, thực hiện:

- Chủ dự án:

+ Tiền mặt:.......................... VND tương đương...................... USD

+ Hiện vật: tương đương................. VND tương đương................. USD

- Bên tài trợ:

+ Tiền mặt:.......................... VND tương đương...................... USD

+ Hiện vật: tương đương................. VND tương đương................. USD

d) Vốn viện trợ:

- Thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước

- Không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước

10. Mục tiêu và kết quả chủ yếu của dự án

Khái quát mục tiêu và các kết quả của dự án

Đại diện Chủ dự án ký tên và đóng dấu
(Ngày... tháng... năm….)

Đại diện Bên cung cấp viện trợ ký tên và đóng dấu (nếu cần)
(Ngày...tháng...năm…)

____________________

1 Mã ngành kinh tế quốc dân của dự án, phân theo Danh mục Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam 2007 (Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ).

2 Xác định số năm hoặc số tháng cần thiết để thực hiện dự án kể từ ngày dự án có hiệu lực.

NỘI DUNG VĂN KIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ SỬ DỤNG VỐN VIỆN TRỢ

I. BỐI CẢNH VÀ SỰ CẦN THIẾT CỦA DỰ ÁN

1. Mô tả tóm tắt quy hoạch, kế hoạch phát triển của đơn vị thụ hưởng (cơ quan, ngành, lĩnh vực) liên quan đến nội dung của dự án và sự cần thiết, vai trò, vị trí của dự án trong quy hoạch, kế hoạch đó.

2. Khái quát các chương trình, dự án khác đã và đang thực hiện bằng những nguồn vốn khác nhau nhằm mục đích hỗ trợ giải quyết các vấn đề có liên quan của đơn vị đề xuất dự án.

3. Khái quát những vấn đề cần giải quyết trong phạm vi của dự án đề xuất.

4. Nêu rõ những đối tượng thụ hưởng trực tiếp của dự án đề xuất.

II. CƠ SỞ ĐỀ XUẤT BÊN CUNG CẤP VIỆN TRỢ

1. Tính phù hợp của mục tiêu dự án với chính sách và định hướng ưu tiên của Bên cung cấp viện trợ.

2. Phân tích lý do lựa chọn và lợi thế của Bên cung cấp viện trợ về công nghệ, kinh nghiệm quản lý, tư vấn chính sách thuộc lĩnh vực được viện trợ.

3. Các điều kiện ràng buộc theo quy định của Bên cung cấp viện trợ (nếu có) và khả năng đáp ứng các điều kiện này của phía ViệtNam.

III. CÁC MỤC TIÊU CỦA DỰ ÁN

1. Mục tiêu dài hạn

2. Mục tiêu ngắn hạn

IV. CÁC KẾT QUẢ CHỦ YẾU CỦA DỰ ÁN

Kết quả dự kiến đạt được của dự án và các chỉ số đo lường các kết quả đó (theo từng cấu phần, hạng mục nếu có).

V. CẤU PHẦN, HẠNG MỤC, HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU VÀ DỰ KIẾN PHÂN BỔ NGUỒN LỰC CỦA DỰ ÁN

Mô tả tóm tắt các cấu phần, hạng mục, hoạt động chủ yếu theo từng kết quả dự kiến của dự án (trong đó nêu rõ từng kết quả theo từng cấu phần, hạng mục) và nguồn lực dự kiến tương ứng.

VI. NGÂN SÁCH CỦA DỰ ÁN

1. Đối với vốn viện trợ

Vốn viện trợ:...................... nguyên tệ, tương đương........................... USD

2. Đối với vốn đối ứng

Vốn đối ứng:...................... VND

Trong đó:

- Hiện vật: tương đương......................... VND

- Tiền mặt:................ VND

Nguồn vốn đối ứng được huy động theo một hoặc một số hình thức sau:

a) Vốn ngân sách trung ương cấp phát........................................ VND. (...%) tổng vốn đối ứng

b) Vốn khác (nêu rõ nguồn vốn): ............................................ VND (...%) tổng vốn đối ứng

3. Vốn do các bên quản lý, thực hiện:

- Chủ dự án:

+ Tiền mặt: ……………… VND tương đương ..................USD

+ Hiện vật: tương đương................. VND tương đương................. USD

- Bên tài trợ:

+ Tiền mặt: …………………………… VND tương đương....................USD

+ Hiện vật: tương đương................. VND tương đương................. USD

4. Vốn viện trợ:

- Thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước

- Không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước

5. Cơ chế tài chính áp dụng:

a) Cơ chế tài chính áp dụng đối với vốn viện trợ

b) Cơ chế tài chính áp dụng đối với vốn đối ứng

- Vốn ngân sách nhà nước cấp phát.................... VND (... %) tổng vốn đối ứng

(Trong đó: vốn ngân sách trung ương ............................................ %,.... vốn ngân sách địa phương ……… %)

- Vốn của cơ quan chủ quản.......................... VND (... %) tổng vốn đối ứng

- Vốn tự cân đối của chủ dự án...................... VND (... %) tổng vốn đối ứng

- Vốn đóng góp của các đối tượng thụ hưởng (nếu có)............................... VND (... %) tổng vốn đối ứng.

VII. TỔ CHỨC QUẢN LÝ THỰC HIỆN DỰ ÁN

Phương thức tổ chức quản lý thực hiện dự án.

VIII. PHÂN TÍCH SƠ BỘ HIỆU QUẢ DỰ ÁN

1. Đánh giá hiệu quả trực tiếp đối với đơn vị thực hiện.

2. Đánh giá tác động kinh tế, xã hội và môi trường đối với ngành, lĩnh vực và địa phương.

3. Đánh giá tính bền vững của dự án sau khi kết thúc.

PHỤ LỤC III

NỘI DUNG VĂN KIỆN PHI DỰ ÁN SỬ DỤNG VỐN VIỆN TRỢ
(Kèm theo Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ)

(tên phi dự án)

I. CĂN CỨ TIẾP NHẬN PHI DỰ ÁN

1. Cơ sở pháp lý của phi dự án

a) Quyết định về chức năng, nhiệm vụ của Chủ khoản viện trợ, Cơ quan chủ quản

b) Các văn bản pháp lý liên quan khác.

2. Bối cảnh của dự án

a) Mô tả chi tiết vai trò, vị trí và sự cần thiết tiếp nhận phi dự án trong khung khổ quy hoạch, kế hoạch phát triển của lĩnh vực có liên quan và của đơn vị thụ hưởng viện trợ (cơ quan, ngành, lĩnh vực, địa phương).

b) Nêu các chương trình, dự án, phi dự án tương tự đã và đang thực hiện trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan chủ quản và các khoản viện trợ đã được tiếp nhận trong cùng một lĩnh vực để tránh trùng lặp và đảm bảo sự phối hợp, chia sẻ kết quả nhằm phát huy hiệu quả tối đa.

3. Nêu rõ những đối tượng thụ hưởng trực tiếp của phi dự án.

II. CƠ SỞ ĐỀ XUẤT BÊN CUNG CẤP VIỆN TRỢ

1. Mô tả tính phù hợp

2. Nêu các điều kiện ràng buộc theo quy định của Bên cung cấp viện trợ (nếu có) và khả năng đáp ứng các điều kiện này của phía Việt Nam.

III. MỤC TIÊU TIẾP NHẬN PHI DỰ ÁN

Mô tả đích cần đạt được để đáp ứng nhu cầu trực tiếp của đối tượng thụ hưởng, từ đó đóng góp vào sự phát triển của xã hội, ngành, lĩnh vực, địa phương.

IV. CÁC THÔNG SỐ CƠ BẢN CỦA PHI DỰ ÁN

Mô tả chi tiết về các thông số kỹ thuật, hoặc hoạt động cụ thể của phi dự án

Danh mục hàng hóa (nếu có)

V. NGÂN SÁCH HOẶC TRỊ GIÁ VIỆN TRỢ CỦA PHI DỰ ÁN

1. Tổng vốn của phi dự án:................................ USD

Trong đó:

a) Vốn viện trợ không hoàn lại:.... nguyên tệ, tương đương.... USD

(Theo tỷ giá chuyển đổi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xây dựng Văn kiện phi dự án)

b) Vốn đối ứng:.......................... VND tương đương với...................................... USD

Trong đó:

- Hiện vật: tương đương....................... VND

- Tiền mặt:.................... VND

Nguồn vốn được huy động theo một hoặc một số các hình thức sau:

- Vốn ngân sách nhà nước cấp phát........................ VND (...%) tổng vốn đối ứng

(Trong đó: vốn ngân sách trung ương..................... %, vốn ngân sách địa phương .......... %)

- Vốn của cơ quan chủ quản........................... VND (...%) tổng vốn đối ứng

- Vốn tự cân đối của chủ dự án....................... VND (... %) tổng vốn đối ứng

- Vốn đóng góp của các đối tượng thụ hưởng (nếu có)................................ VND (... %) tổng vốn đối ứng.

2. Vốn do các bên quản lý, thực hiện:

a) Chủ dự án:

- Tiền mặt: ………………… VND tương đương........................USD

- Hiện vật: tương đương................. VND tương đương................. USD

b) Bên tài trợ:

- Tiền mặt: ………………… VND tương đương........................USD

- Hiện vật: tương đương................. VND tương đương................. USD

3. Vốn viện trợ:

a) Thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước

b) Không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước

VI. CÁC QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ PHI DỰ ÁN

1. Quy định về quản lý tài sản, chuyển giao tài sản

2. Quy định về chế độ báo cáo.

THE GOVERNMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom – Happiness
---------

No. 80/2020/ND-CP

Hanoi, July 8, 2020

 

DECREE

ON MANAGEMENT AND USE OF GRANT AID NOT IN THE FORM OF OFFICIAL DEVELOPMENT ASSISTANCE OF FOREIGN AGENCIES, ORGANIZATIONS, AND INDIVIDUALS FOR VIETNAM

Pursuant to the Law on Organization of the Government dated June 19, 2015;

Pursuant to the Law on Promulgation of Legislative Documents dated June 22, 2015;

At the request of the Minister of Planning and Investment;

The Government promulgates a Decree on management and use of grant aid not in the form of official development assistance of foreign agencies, organizations, and individuals for Vietnam.

Chapter 1. 

GENERAL PROVISIONS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. This Decree sets forth management and use of grant aid not in the form of official development assistance of foreign agencies, organizations, and individuals for agencies and organizations legally incorporated in Vietnam for the purposes of socio-economic development, humanitarian aid, not for profit and commercial purposes.

2. Cases not governed by this Decree:

a) Grant aid of foreign agencies and organizations which has been officially signed under regulations of the Law on treaties and grant aid in agreements on ODA signed on behalf of the state or the Government of the Socialist Republic of Vietnam;

b) Gifts to agencies and organizations not for humanitarian and charitable purposes;

c) Grants under agreements on cooperation, services contracts, contracts for technology transfer earning profit for distribution;

d) Individuals receiving grants for research work under the Law on Science and Technology No. 29/2013/QH13;

dd) Urgent international aids of the Government, international organizations, foreign non-governmental organizations and individuals for relief approved and provided within 3 months from the occurrence of the natural disaster and urgent international aids for disaster recovery approved and provided within 9 months from the occurrence of the natural disaster.

Article 2. Regulated entities

1. This Decree applies to agencies, organizations and individuals participating in or related to the management and use of grant aid not in the form of official development assistance (below referred to as aid) covered by Article 1 of this Decree.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Foreign non-governmental organizations, non-profit organizations, social funds and private funds established under foreign laws;

b) Foreign individuals, including overseas Vietnamese;

c) Enterprises and companies established under foreign laws, excluding foreign-invested economic organizations operating in Vietnam under the provisions of the Investment Law;

d) Research and training organizations established under foreign laws (including research institutes and cooperation organizations of foreign governments);

dd) Ministries, agencies and organizations affiliated to foreign governments, diplomatic missions of countries in Vietnam which directly provide aid, or authorize foreign legal entities to manage aid that the reception and implementation of aid does not require official signing under the provisions of the International Treaty Law or does not require the Vietnamese party to sign on behalf of the State or Government of the Socialist Republic of Vietnam.

3. Eligible aid recipients include organizations established under Vietnamese law and having functions and tasks and operating in line with the objectives and contents of received aid (below referred to as recipients), including:

a) Regulatory agencies and public sector entities that are fully or partially funded by the state budget;

b) Socio-political, socio-political-professional organizations, social organizations, socio-professional organizations, science and technology organizations, social funds and charity funds that are legally established according to the provisions of Vietnamese law on associations, scientific and technological organizations, social funds and charity funds;

c) Social enterprises that receive aid to achieve the objective of solving social and environmental issues;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 3. Interpretation of terms

For the purposes of this Decree, the following term has the meaning attributed as follows:

1. "Program or project management board" (hereinafter referred to as "project management board") means an organization established to assist aid owners or project owners in implementing one or several programs or projects.

2. Forms of aid provision include: programs, projects, non-projects, in which:

a) "Program" means a combination of activities related to one or more branches, sectors, territories or target groups for the attainment of one or certain defined objectives, which are performed in one or multiple periods.

b) “Project” means a combination of interrelated activities aimed at achieving one or more specific objectives, which is implemented in a given administrative division and given period with specified resources.

c) "Non-project" means donation of money, objects, goods and experts (including volunteer experts), at one time or on separate occasions, and provision of inputs for organizing conferences and associations, seminars, research, surveys, and training.

3. "Managing agencies" include:

a) Central agencies of political organizations and affiliated agencies; the Supreme People's Procuracy; the Supreme People's Court; agencies affiliated to the National Assembly; State Audit; Office of the President; ministries, ministerial-level agencies, agencies affiliated to the Government; central agencies of the Vietnam Fatherland Front and socio-political organizations; the People's Committees of provinces or central-affiliated cities (hereinafter referred to as provincial People's Committees);

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Ministries, ministerial-level agencies, governmental agencies and provincial People's Committees shall promulgate decisions on establishment of socio-political, socio-political-professional organizations, social organizations, socio-professional organizations, science and technology organizations, social funds and charity funds that are legally established according to the provisions of Vietnamese law on associations, scientific and technological organizations, social funds and charity funds;

d) Central agencies of associations or unions of associations set up under the Prime Minister's Decision;

dd) If the recipient is a social enterprise, the People's Committee of the province where the business is registered is the managing agency.

4. "Aid owner" means the unit assigned to manage and implement aid approved by a competent authority. The aid owner is called the "Project Owner" in case the aid is provided in the form of program or project.

5. "Aid amounts" for the purpose of this Decree refer to financial support or goods and services requiring no repayment provided by the aid donor to the aid recipient to realize socio-economic development and humanitarian objectives, not for commerce or profit purpose.

6. “Program or project document” means an official document expressing the commitment between the recipient's and the donor's representatives on a specific program or project, which states the objectives, activities, to-be-achieved outcomes, to-be-used resources, implementation duration and plan, and obligations, benefits and responsibilities of related parties.

7. “Aid for consequence relief” includes:

a) Emergency relief and aid intended to remedy consequences of emergencies (excluding international aid mentioned at Point dd Clause 2 Article 1 of this Decree);

b) Relief amounts after 03 months from the occurrence of the disaster, aid for disaster recovery shall be made after 09 months from the occurrence of the disaster.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Party and National Assembly agencies, the Supreme People's Procuracy, the Supreme People's Court; ministries, ministerial-level agencies, governmental agencies and affiliated juridical persons; provincial-level People's Committees and affiliated juridical persons;

b) The Vietnam Fatherland Front, the Vietnam General Confederation of Labor, the Ho Chi Minh Communist Youth Union, the Vietnam Peasants' Association, the Vietnam War Veterans' Association, the Vietnam Women's Union;

c) Wholly state-owned enterprises and other entities under the scope of revenue and expenditure management according to the provisions of law on state budget;

d) Other recipients as decided by the Prime Minister.

9. “Counterpart fund” means an amount contributed by the Vietnamese party in resources (in kind or cash) for the preparation and implementation of aid. Counterpart fund shall be allocated from the central budget, local budgets, self-allocated fund of aid owners, contributed capital of beneficiaries and other lawful capital sources. Counterpart fund is used for the process of preparation and implementation of aids according to specific requirements of programs or projects.

Article 4. Principles of aid management and use

1. Aid management and use must comply with Vietnamese law. The aids shall be received, implemented and used only after it has been approved by the Vietnamese competent authorities. The aid money must come from a lawful source of money and assets.

2. Not to receive goods (including supplies and equipment) on the list of goods banned from import as per the law.

3. The managing agency is fully responsible for managing and using aid effectively.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Aid classified as state budget revenues must be fully estimated, accounted and settled into the state budget.

6. For aid not belonging to the state budget revenues, aid owners may manage by themselves and take responsibility for aid use purposes, aid use results, ensuring compliance with regulations of Vietnam and commitment to donors. The aid owner shall periodically report to the managing agency for consolidating and reporting to the Ministry of Planning and Investment for general consolidation.

7. After 06 months from the date the aid is approved, if the aid has not been implemented without plausible reasons, the approval authority may revoke the decision on approval for receiving aid. The managing agency shall notify the donor of such revocation.

Article 5. Prohibited acts in the use of aid

1. Using aid to serve the purpose of money laundering, financing terrorism, evading taxes, infringing upon national security and social order and safety, undermining the great unity bloc of the entire nation; violating social morality, traditions, customs and national cultural identity.

2. Using aid to seek shared profits or personal interests, not for humanitarian purposes, socio-economic development, or for community benefits.

3. Acts of corruption, causing loss and waste in aid management and use.

Article 6. Capital prepared for aid

1. With regard to aid amounts which are managed by managing agencies fully or partially funded by the state budget, the managing agencies shall prepare and aggregate into the annual general budget plan as prescribed in the Law on State Budget.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. In case donors provide financial assistance for preparing programs or projects, aid owners shall include capital for preparing programs or projects in the total aid.

Chapter II.

APPRAISAL AND APPROVAL FOR AID AMOUNTS

Article 7. Competence to approve

1. The Prime Minister may approve:

a) Aid amounts related to security, national defense and religion, and aid targeted to directly support the development of legal documents;

b) Imported goods subject to decision of the Prime Minister in accordance with relevant laws;

c) Other cases not prescribed in Clauses 2,3,4 of this Article.

2. The head of the managing agency may approve:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The aid that the recipient is the organization whose establishment decision or charter or certificate of registration is issued by the managing agency, consistent with the functions and duties of the recipient, except for organizations established by the Ministry of Home Affairs.

3. The Minister of Home Affairs shall approve aid amounts of associations, social funds and charity funds subject to decision of the Ministry of Home Affairs to permit the establishment and approve the charter.

4. The President of the Central Committee of the Vietnam Fatherland Front may approve humanitarian relief with no specific address (The aid donor does not assign relief to a specific locality).

5. Heads of associations or unions of associations set up under the Prime Minister's decision may approve aid amounts for agencies under their management according to law provisions.

Article 8. Aid documentation

The aid documentation is made in 6 sets, documents in foreign languages ​​must have a certified Vietnamese translation attached.

1. A program or project file consists of the following documents:

a) A program/project proposal;

b) A written agreement on the provision of aid by the aid donor.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Documents proving legal status (not applicable to aid donors being diplomatic missions, governmental agencies, foreign local governments).

For foreign non-governmental organizations registered in Vietnam: A copy of the registration certificate issued by the Vietnamese competent authority;

For individual aid donors: submit a certified true copy of the passport;

For other aid donors: submit certified true copies of the organization's legal status.

2. A non-project file consists of the following documents:

a) A non-project proposal;

b) A written agreement on the provision of aid by the aid donor;

c) The non-project aid document, which is formulated by the aid owner in coordination with the aid donor, including the following main contents: Purpose, content, list of goods (for aid in form of goods or objects), expected results of the aid; time performance; value of non-project aid; implementation method and coordination mechanism in the implementation process; obligations to report results after receiving and using aid;

d) Documents proving legal status (not applicable to aid donors being diplomatic missions, governmental agencies, foreign local governments).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

For other aid donors: submit certified true copies of the organization's legal status.

dd) For non-project aid provided in the form of providing experts, the aid dossier comprises: documents stated at Points a, b, c and d of this Clause; resume of experts with commitment to be responsible for the information supplied; operational program; work permit and legal documents on professional practices of experts in accordance with relevant laws.

3. Non-project aid dossiers are used goods, equipment and means of transport, which are subject to approval by the Prime Minister:

a) In addition to the requirements set out in Clause 2 of this Article, a certificate of goods quality assessment issued by a legal and qualified verifying organization that is accredited by Vietnam or the host country. The assessment certificate must state the conclusion regarding the quality of goods, equipment and means of transport meeting Vietnamese standards or meeting the requirements of equivalent standards accepted by Vietnam.

b) For non-project aid being used transport means, the following documents are required: a certified Vietnamese translation of the registration or certificate of vehicle ownership of the aid donor; certified Vietnamese translation of the Registration Certificate of the competent authorities of the country of the aid donor. In case of temporarily imported means of transport, a registration certificate of the competent Vietnamese agency is required.

4. Program and project documents and non-project aid documents are made according to the forms prescribed in Appendices I, II and III to this Decree.

5. Aid projects related to public investment or construction investment must be formulated according to the provisions of law on management of public investment and work construction investment.

6. Receiving authorities:

a) The Ministry of Planning and Investment: For aid amounts subject to the Prime Minister's approval.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 9. Appraising agency

1. Program or project documents and non-project documents must be appraised as a basis for approval, signing and implementation.

2. For aid subject to the approval of the Prime Minister specified in Clause 1, Article 7 of this Decree, the Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for appraisal.

3. For aid subject to the approval of the head of the managing agency specified in Clauses 2, 3, 4 and 5, Article 7 of this Decree to be implemented at the central level, the managing agency shall assign the relevant subordinate units to assume the prime responsibility for appraisal; at the local level, the Department of Planning and Investment is the lead appraising agency.

4. Depending on the size and nature of the project, the appraising agency may invite central and local specialized agencies or consultancy organizations and independent consultants to assist them in the appraisal.

5. Concerned agencies, organizations and individuals participating in the appraisal shall take legal responsibility for the appraisal checklist of non-project aid within the scope of their management responsibilities.

Article 10. Procedures for appraisal and approval of non-project aid program or project documents

1. Evaluate the validity of the appraisal dossier based on the provisions of Article 8 of this Decree.

2. Seek consultation in writing from relevant agencies:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) For the aids specified in Clauses 2, 3, 4 and 5, Article 7 of this Decree to be implemented at the central level: the managing agency shall seek the consultation for approval in writing to the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance, the Ministry of Public Security, the Ministry of Foreign Affairs and the Union of Vietnamese friendship organizations (in case the aid donor is a foreign non-governmental organization) and relevant professional agencies.

c) For aid subject to the approval specified in Clauses 2, 3 and 4, Article 7 of this Decree, implemented in localities: the Department of Planning and Investment shall send a dossier to the Department of Finance and the Police Department of provinces and departments, agencies and relevant local authorities to seek consultation. In case the aid content exceeds the local management competence, the Planning and Investment Department of province shall report it to the People's Committee of province seek consultation from concerned ministries and branches.

3. Appraisal of aid amounts

Depending on the size, nature and content of the aid, the agency in charge of appraisal shall carry out the appraisal by consolidating opinions or hold an appraisal meeting. The conclusion of the appraising agency is the basis for the competent authority to consider approving the aid.

In case the aid does not meet the receipt requirement, the managing agency shall notify the aid donor of its decision on refusal to receive the aid.

4. For aid for consequence relief, when approving a project or non-project document, the head of the managing agency is not required to seek appraisal from the concerned agencies.

5. Content of appraisal

a) The conformity of the program's or project's objectives with specific development objectives of ministries, branches, localities, implementing units and program or project beneficiaries;

b) The legal status of aid donors and aid recipients and the legality according to Vietnamese law provisions of concerned organizations and individuals; appropriateness between aid purposes and the functions, tasks and competence of the aid recipient;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Contents of domestic financial mechanism for aid classified as state budget revenues; rationality in the budget structure of programs or projects for major items of programs or projects;

dd) Commitments, preconditions and other conditions of the parties involved;

e) Efficiency and impact on socio-economy, security, social order, the ability to apply program or project results into practice and the sustainability of the program or project after completion ; effective use of non-project aid.

6. The time limit for appraisal must not exceed 20 days after receiving a duly complete dossier.

Article 11. Approval decision

1. The approval decision includes the following main contents:

a) name of program, project, non-project;

b) Name of managing agency, aid owner; aid donor, co-donor of foreign aid;

c) Key objectives and results of the aid; the list of goods and objects for non-project aid.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Total capital of the program, project or non-project aid (grant aid, counterpart fund); grant aid shall be managed and implemented by the aid recipient, and managed and implemented by the aid donor;

e) Financial mechanism applied to aid: belong to state budget revenue; or not belong to the state budget revenue.

g) Implementation management method.

2. Within 05 days from the date on which the competent authority issues a decision on approval for the aid, the managing agency shall notify the aid donor of the aid approval decision and concurrently send it to the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance and relevant agencies the approval decision of the managing agency for supervision and coordination.

Chapter III. 

MANAGEMENT OF AID PROVISION

Article 12. Organization of management of programs or projects

Based on the scale, nature and specific conditions for implementing a program or project, the capacity of managing the program or project, the managing agency may decide to apply one of the forms of management below:

1. Using a subordinate specialized apparatus that is fully qualified, capable of managing and executing projects of a scale of under USD 200,000 (two hundred thousand US dollars).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Establishing a separate management board for each program or project.

Article 13. Tasks and powers of managing agencies

1. Mobilize aid on the basis of demands and orientations for socio-economic development and aid receiving capacity.

2. Approving aid according to their competence.

3. Deciding the management apparatus for the implementation of the program or project.

4. Approving the program/project implementation plan; making financial plan, annual state budget revenues and expenditures on the basis of the aid owner's proposal, in accordance with relevant provisions of law.

5. Directing the bidding work according to current law provisions. In case the aids are not part of the budget revenue, the implementation of bidding shall comply with the agreement with the aid donor.

6. Taking responsibility for financial management, fully reporting sources of capital and assets to receive and use aid amounts. Approving financial statements on annual basis and upon completion of the project.

7. Taking responsibility for periodically summarizing financial statements of aid amounts approved by the managing agencies.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

9. Send annual report on aid disbursement and use; annual general report on aid mobilization results, implementation, supervision and appraisal of aids under their management, to the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance and relevant agencies no later than January 15 of the following year; send the final report on aid amounts to the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance within 06 months after the completion of the aid.

10. Take responsibility for loss, waste, corruption and other violations in aid management and use under their management.

Article 14. Tasks and powers of aid owners

1. The aid owner must be identified in the decision on approval for aid receipt.

2. The aid owner is responsible for:

a) Organizing the apparatus to manage and implement the program or project based on the decision of the managing agency. Managing and using effectively aid sources and counterpart fund of the program or project. If a project management board is not established, the aid owner must open accounts to receive and disburse aid at state treasuries or commercial banks established and operating under Vietnamese law. Performing revenue and expenditure activities for the aid through accounts on the basis of the approved financial plan;

b) Developing annual operation and financial plans and submitting them to competent authorities for approval; elaborating annual state budget revenues and expenditures for aid classified as state budget revenues and submitting them to competent authorities for approval;

c) Directing the bidding work according to current law provisions on bidding;

d) Supervising the implementation of contracts and handle arising problems according to its competence;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Take responsibility for accounting, final accounts, and reporting on all sources of capital and properties received and used.

4. Report on aid receipt, implementation, disbursement of aid every 6 months and annually to the managing agency. The report on completion of aid must be sent to the managing agency no later than 06 months after the end of implementation.

5. Take responsibility for losses, wastefulness, corruption and violations within their competence in the organization and management of the implementation of the program or project and non-project, which causes economic, social and environmental damage and affects the overall goals and effectiveness of the program or project;

6. Other duties and powers as prescribed by law.

Article 15. Tasks and powers of the project management board

1. Represent the project owner, be held accountable to the project owner, managing agency and take legal responsibility for their decisions.

2. The project management board must open accounts at the State Treasury system where transactions are made or commercial banks that are established and operate under Vietnamese law. Perform revenue and expenditure activities for the aid through accounts on the basis of the approved financial plan.

3. The project management board\ shall perform tasks within the project framework, including:

a) Make the overall and annual implementation plan, the financial plan of the project and submit it to the head of the managing agency for approval;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Carry out bidding works and manage contracts within their assigned scope;

d) Manage finance and assets and carry out procedures for disbursement, accounting and settlement in accordance with the financial management regulations of this Decree and in accordance with provisions of the aid donor.

4. Formulate detailed plans to supervise and evaluate the implementation of program or project.

5. Report on the implementation of the program or project, every 6 months and every year, and financial management status to the project owner and the managing agency.

6. Carry out taking-over inspection, transfer and final accounts of program or project. After finishing the program or project, within 06 months, the project management board must complete the report on completion of the program or project and send it to the project owner.

7. Other duties assigned.

Article 16. Modification and supplementation of program or project during the implementation process

1. For programs or projects subject to approval of the Prime Minister:

The managing agency shall carry out the procedure to submit to the Prime Minister when there are any adjustments, modifications or additions that lead to changes in the contents of the aid approval decision.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Modifications or supplementations that will make a program or project fall into any of the cases specified in Clause 1 Article 7 of this Decree must be submitted to the Prime Minister for consideration and approval;

b) Modifications or supplementation not mentioned at Point a Clause 1 of this Article shall be approved by approving agency.

3. Procedures shall conform to Articles 8, 10 and 11 of this Decree.

Article 17. Sale of goods of aid amounts

Goods belonging to aid amounts agreed to be sold in Vietnam by the aid recipient and aid donor must be decided by competent authorities defined in Article 7 of this Decree concurrently with the approval of aid amounts, based on written consent of the Ministry of Finance. Used goods, when permitted to be imported into Vietnam, are not commercial goods and shall be not auctioned. Wholly new and unexpired goods must be auctioned according to current regulations on property auction.

Article 18. Handover of aid implementation results

After completion, the project owner shall conduct the taking-over inspection, appraisal, and take necessary measures to exploit and hand over the achieved results to the project beneficiaries and send the project completion report to the managing agency, Ministry of Planning and Investment, and Ministry of Finance.

Article 19. Handling of disputes

In case of any dispute related to a contract during the process of implementing a program or project, the parties shall negotiate and settle it. In case no agreement is reached between the parties, the settlement of disputes shall be made through conciliation, arbitration or court in accordance with the provisions of law and the contract signed by two parties. .

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

AID-RELATED FINANCIAL MANAGEMENT

Article 20. Financial management principles for aid capital

1. The principle of financial management of aid capital belonging to the state budget revenues shall apply only to aid amounts managed and implemented by project owners themselves.

2. For aid directly managed by the aid donor: The managing agency is responsible for managing the approved program or project documents; performing according to their functions and tasks; and complying with the provisions of accounting, taxation and other relevant laws. In case the aid donor hands over ownership of the properties and equipment of the program or project to the project owner, the project owner shall establish the property ownership according to current regulations. .

3. Aid classified as state budget revenues shall be estimated, controlled, accounted, and settled according to the provisions of law on state budget and financial management prescribed in this Decree. Any new item that has not been aggregated in the estimate shall be allocated by the competent authority, the project owner shall make additional estimates in accordance with the law on state management and relevant laws.

4. For aid capital not belonging to the state budget revenue, the aid recipient shall manage and use it according to program, project or non-project documents already approved by the competent authorities; the charter of organization and operation of the recipient and compliance with regulations on accounting and tax and relevant law provisions.

5. For aids belonging to the state budget revenue to enterprises where the State wholly holds the capital for implementation, depending on the nature of the aid, it shall be recorded as increasing state capital of the enterprise or other revenues of the enterprise.

Article 21. Opening accounts for aid program or project

1. Counterpart fund account:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Counterpart fund account not funded by the state budget: The project owner shall open accounts at the State Treasury system where transactions are made or commercial banks that are established and operate under Vietnamese law.

2. Aid capital account: The project owner shall open aid capital accounts at the State Treasury system where transactions are made or commercial banks that are established and operate under Vietnamese law.

a) Procedures for opening an account at the State Treasury and the management and use of accounts shall comply with current regulations;

b) The State Treasury shall organize the control and payment for projects funded by aid capital classified as the state budget revenues;

c) The procedures for opening an account at a commercial bank established and operating under Vietnam's law shall comply with relevant provisions of law.

Article 22. Financial planning of grant aid capital classified as the State budget revenue

1. Based on the decision on approval for project or non-project documents or decision on investment in program or project, the project owner shall elaborate 3-year aid capital expenditure estimates and grant aid spending and expenditure estimates in accordance with the Law on State Budget and relevant laws and send them to the managing agency for consolidation.

2. The estimation of revenue and expenditure estimates of aid classified as annual state budget revenues shall be detailed according to each donor, program, project or non-project.

3. Making, synthesizing, submitting, approving, assigning and adjusting plans of aid capital:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Aid capital used for regular spending shall comply with the provisions of law on state budget.

4. On the basis of the annual capital limit assigned by the competent agencies, the managing agencies shall make detailed allocation for each program, project and non-project and notify the Ministry of Finance and the Ministry of Planning and Investment on the detailed allocation plan.

5. The managing agency shall direct and organize the implementation of cost estimates and report on the implementation of aid budget revenue and expenditure plans according to current regulations.

Article 23. Control of expenditures, disbursement, accounting and recording of revenues and expenditures of grant aid capital in cash

1. Project owners shall control expenditures at the State Treasury according to the regulations on state budget management of aid capital classified as state budget revenues. Procedures for controlling expenditures, accounting, recording revenues and expenditures comply with the law on administrative procedures in the sector of the State Treasury.

2. A dossier of expenditure control sent to the State Treasury for the first time comprises:

a) A decision on budget estimate assignment or supplementation of budget estimate assignment by the competent authority;

b) A certified true copy of the written agreement on commitment and receipt of aid capital;

c) A certified true copy of the decision on approval for program/project documents or the approved program investment decision and project documents;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd') A written request for certification of valid non-business capital expenditure, or a written request for payment of investment capital of the project owner according to the Government's regulations on administrative procedures in the field of State Treasury.

3. Dossier of installment payment sent to the State Treasury complies with regulations on expenditures of state budget capital.

4. Disbursement of aid capital classified as state budget revenue in cash for program or project: Based on the results of expenditure control, at the request of the project owner, the State Treasury or commercial bank shall disburse for the project as prescribed; send monthly notification of the aid capital disbursement amount of each account holder for each program or project to the Ministry of Finance.

5. Recording of revenues and expenditures for projects funded by aid classified as state budget revenues:

a) Monthly or from time to time, based on the results of expenditure control, the State Treasury shall concurrently record revenue and expenditure as prescribed. In case the project owner opens an aid capital account at a commercial bank, in addition to the above-mentioned dossier, the project owner encloses with a list of payment statements from the aid capital account at the commercial bank;

b) The State Treasury shall account it into the state budget according to aid spending contents in the state budget entries according to regulations. Advances shall be recorded according to the regime of making advance payment entries. The advances recovered shall be recorded as decrease in advance payments. The payment of completed volumes of shall be recorded as revenues and expenditures actually spent and made the annual budget settlement;

c) Time of accounting shall conform to current regulations on state budget capital.

6. The advance payment and control of expenditures from aid capital sources classified as state budget revenues in cash comply with current regulations on state budget capital.

7. Interests on aid capital deposit accounts must be separately accounted and used to pay banking service charges according to regulations. Banking service fee is a project expense.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

9. For aid not classified as state budget revenue:

a) The accounting, accounting and settlement of aid amounts not classified as state budget revenue shall comply with the law provisions on accounting and the organization and operation regulations of the aid recipient. The project owner shall prepare an annual report on aid settlement and upon completion of the project on the basis of quarterly disbursement data, which have been collated with the commercial bank where the aid-receiving account is opened and the aid donor, to send to the managing agency for approval of settlements;

b) The managing agency shall approve settlements, sum up and send to the Ministry of Finance, the Ministry of Planning and Investment and relevant agencies;

The time when the managing agency approves the annual settlement report for the project and summarize and send to the Ministry of Finance, Ministry of Planning and Investment and relevant agencies: no later than June 30 every year.

Article 24. Receipt of aid capital in form of goods and services

1. The receipt of aid imported from abroad shall comply with the Customs Law, the Law on Export and Import Duty and the Law on Tax Administration. A dossier to be sent to the customs authority to carry out procedures for clearance of imported aid goods comprises:

a) A decision on approval for program/project documents, non-project aid and program, project, non-project documents: 01 copy with certification true copy of the original by competent authority as per provisions of relevant laws;

b) Other documents in accordance with regulations of law on customs procedures.

2. A dossier of claim for tax refund or exemption for goods and services purchased domestically using aid capital sent to the tax authority comprises:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) A written request for certification of valid non-business capital expenditure, or a written request for payment of investment capital of the project owner according to the Government's regulations on administrative procedures in the field of State Treasury (for cases of receiving grant aid classified as state budget revenue).

c) Other documents prescribed by law related to tax refund or exemption.

3. Taxes, fees and charges comply with current laws on taxes, fees and charges.

4. For cases of receiving aid classified as state budget revenues, after delivery, the project owner shall make a dossier and send it to the State Treasury to record the State budget revenues and expenditures as prescribed.. A record of revenue and expenditure includes:

a) A decision on approval for program/project documents, non-project aid and program, project, non-project documents: 01 copy with certification true copy of the original by competent authority as per provisions of relevant laws;

b) The written request for recording revenues and expenditures according to the Government's regulations on administrative procedures in the field of the State Treasury;

c) In case of imported goods: Contract, bill of lading or other equivalent transport documents, commercial invoice or import goods declaration in case of no commercial invoice: 01 copy with certification true copy of the original by competent authority as per provisions of relevant laws. In case of goods purchased domestically: Sales contract, VAT invoice, goods transfer note: 01 copy with certification true copy of the original by competent authority as per provisions of relevant laws;

d) Decision on allocation of estimates of aid capital classified as state budget revenue or modified estimates in the year by competent authorities.

5. The State Treasury shall record price of imported goods as the price excluding taxes, fees and charges as prescribed.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7. With regard to the aid properties not classified as state budget revenue:

a) The aid owner opens a separate monitoring book;

b) The management and use of assets of the program, project and properties formed from the project shall be implemented in accordance with the agreement with the aid donor mentioned in the project document approved by the competent authority;

c) Upon completion of a project, the property of the program or project and the property formed from the program or project are considered the property of the project owner; not to buy, sell, offer, donate or transfer in any manner;

d) In case of change of owner, total or partial division, merger, bankruptcy, or assets of an aid project transferred to an organization with similar functions as prescribed by competent authorities for further implementation (if the program or project has not yet been completed) or be transferred to the managing agency based on the consent of the managing agency. In case of failure to comply with the above plans, the managing agency shall report to the Ministry of Finance for consideration.

Article 25. Taxes on aid amounts

Taxes on aid amounts comply with current provisions of Vietnamese law.

Article 26. Audit of aid amounts

1. Aid classified as state budget revenue is subject to state audit.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter V. 

STATE MANAGEMENT OVER AID

Article 27. Contents of state management of aid

1. Promulgating and organizing the implementation of legal documents on aid management and use according to Vietnamese law.

Providing information on aid management and use within the scope of regulation of this Decree.

3. Monitoring and evaluating the results of aid management and use governed by this Decree according to current law provisions.

4. Handling violations and settling complaints and denunciations of organizations and individuals related to aid management and use.

5. Rewarding Vietnamese agencies, organizations and individuals and the aid donors for their achievements in aid provision, management and use.

Article 28. Tasks and powers of the Ministry of Planning and Investment

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Elaborate and submit for promulgation, or promulgate according to its competence legal documents on aid management and use.

3. Evaluate and sum up the opinions of concerned agencies and submitting them to the Prime Minister for consideration and approval of aid amounts falling under the Prime Minister's competence.

4. Submit to the Prime Minister annual general reports on aid management and use; propose solutions to improve effectiveness of aid use management within the scope of this Decree.

5. Examine the compliance with the regulations on receipt, approval and implementation within the competence of aid recipient agencies and units under the scope of regulation of this Decree.

Article 29. Tasks and powers of the Ministry of Finance

1. Take charge and cooperate with concerned agencies in elaborating a regime of guidance on state financial management of aid.

2. Contribute opinions on aid amounts as prescribed.

3. Carry out state financial management of aid classified as state budget revenues.

4. Summarize financial management for aid amounts. Send annual reports to the Ministry of Planning and Investment for consolidating and reporting to the Prime Minister.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 30. Tasks and powers of the Ministry of Foreign Affairs

1. Contribute opinions on aid amounts as prescribed.

2. Participate in supervising the implementation of aid provided by foreign non-governmental organizations in accordance with aid commitments and strictly comply with registered activities of foreign non-governmental organizations with competent authorities.

3. Provide regular and adequate information on the issuance, extension, modification and supplementation of licenses to, and the operation of foreign non-governmental organizations as a basis for mobilizing and appraising aid in accordance with this Decree.

Article 31. Tasks and powers of the Ministry of Public Security

1. Guide and assist Vietnamese agencies and organizations in receiving and using aid amounts in accordance with Vietnamese law on protection of national security and maintenance of social order and safety.

2. Participate in appraisal and give comments to the Ministry of Planning and Investment on relevant aids before submitting to the Prime Minister for consideration and decision; participate in appraisal and give comments.

3. Coordinate with concerned agencies in inspecting, examining and supervising the reception and use of aid to ensure political security and social order and safety.

4. Perform tasks according to its competence upon detecting violations in the FNG aid receipt and use.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 32. Tasks and powers of the Ministry of Home Affairs

1. Assume the prime responsibility for appraisal according to approval competence; participate in appraisal and give comments on the receipt of aid with relevant content.

2. Guide and assist Vietnamese agencies and organizations in observing the State's religious guidelines and policies in receiving and using aid amounts.

3. Annually summarize the aid management and use by organizations governed by Vietnam's law on associations, social funds and charity funds. Send annual reports to the Ministry of Planning and Investment for consolidating and reporting to the Prime Minister.

4. Inspect and supervise the reception, management and use of aid by associations, social funds and charity funds according to the state management competence of the Ministry of Home Affairs.

Article 33. Tasks and powers of managing agencies

In addition to the tasks and powers defined in Chapters I, II, III, IV of this Decree, managing agencies have the following tasks and powers:

1. Ministries, ministerial-level agencies, governmental agencies and People's Committees of provinces and centrally-affiliated cities shall, according to their assigned functions and tasks, coordinate in the management and use of aid under field of management in accordance with the law.

2. Give opinions during the appraisal of and approval for aid amounts in the specialized fields under their management as assigned by the Government.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. People's committees of provinces and centrally-affiliated cities shall assign the Department of Planning and Investment to act as a focal point for the management and use of aids covered by this Decree.

5. Promulgate the Regulation on aid management and use within agencies according to the provisions of this Decree and relevant legal documents.

6. Direct, guide and inspect their attached units in receiving, managing and using aid under current regulations and strictly fulfilling commitments with donors.

7. Supervise and evaluate the receipt and implementation of aid amounts approved by heads of agencies; to timely detect and handle according to their competence problems and violations in receiving and using aid or notify them to concerned aid state management agencies defined in this Chapter for handling.

8. Sufficiently and timely allocate preparatory capital and domestic capital for implementing aid programs and projects in accordance with approved program or project documents.

9. Take responsibility before the Government for the quality, efficiency and progress of implementation of aid programs and projects in accordance with law.

10. Fully comply with the prescribed reporting regime.

Chapter VI.

IMPLEMENTATION

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The Ministry of Planning and Investment shall issue documents on guidelines for forms of reports on the implementation of the reporting regime as per this Decree.

2. The Ministry of Planning and Investment shall issue documents on guidelines for forms of reports on financial management as per this Decree.

Article 35. Transitional handling

1. Aid amounts that have been sent to aid-approving agencies or the Ministry of Planning and Investment for appraisal and submission to the Prime Minister for consideration and approval of reception before the effective date of this Decree shall continue to comply with the Government's Decree No. 93/2009/ND-CP of October 22, 2009 promulgating the Regulation on management and use of foreign non-governmental aid.

2. For aid approved before the effective date of this Decree, financial management and reporting regime must comply with Decree No. 93/2009/ND-CP of October 22, 2009 of the Government promulgating the Regulation on management and use of foreign non-governmental aids and documents on guidelines for the implementation of the Government's Decree No. 93/2009/ND-CP of October 22, 2009 till the end of the aid amount stated in the approval decision of the competent authority.

Article 36. Entry in force and responsibilities

1. This Decree takes effect on September 17, 2020, and replaces the Decree No. 93/2009/ND-CP dated October 22, 2009 promulgating the Regulation on management and use of foreign non­governmental aid.

2. Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of governmental agencies, chairpersons of People's Committees of provinces and central-affiliated cities, concerned organizations and individuals shall implement this Decree./.

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
THE PRIME MINISTER




Nguyen Xuan Phuc

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 80/2020/NĐ-CP ngày 08/07/2020 về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


141.477

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.84.128
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!