ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 250/KH-UBND
|
Thanh Hóa, ngày
21 tháng 11 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN
KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG SỐ 26-KH/TU NGÀY 13/8/2021 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG
BỘ TỈNH THỰC HIỆN KHÂU ĐỘT PHÁ VỀ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
Ngày 13/8/2021, Ban Chấp hành
Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 26-KH/TU thực hiện khâu đột phá
về phát triển hạ tầng giai đoạn 2021 - 2025; để tổ chức triển khai thực hiện có
hiệu quả Kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; UBND tỉnh ban hành kế hoạch
thực hiện với những nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Xác định các nhiệm vụ, giải
pháp chủ yếu để các cấp, các ngành trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện; làm
cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm
vụ phát triển hạ tầng giai đoạn 2021 - 2025 đồng bộ, hiện đại, phù hợp với các
mục tiêu, định hướng được đề ra tại Kế hoạch hành động số 26- KH/TU ngày
13/8/2021 của Tỉnh ủy Thanh Hóa.
- Tổ chức quán triệt, tuyên
truyền sâu rộng các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch đến các cấp, các ngành và
Nhân dân trong tỉnh nhằm tạo sự thống nhất trong tư tưởng, nhận thức của Chính
quyền và Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội để người dân ủng hộ và chia
sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên địa
bàn tỉnh.
- Xác định rõ danh mục các công
trình kết cấu hạ tầng cần đầu tư, hình thức đầu tư, định hướng nguồn vốn đối với
từng công trình, dự án.
- Kế hoạch hành động là căn cứ
cho các ngành, các cấp xây dựng kế hoạch, đề án chi tiết cụ thể để tổ chức thực
hiện các nhiệm vụ được phân công; đồng thời là căn cứ kiểm tra, giám sát, sơ
kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các ngành, các cấp, các
đơn vị liên quan.
II. NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN CÁC
LĨNH VỰC HẠ TẦNG CHỦ YẾU
1. Về phát triển hạ tầng
giao thông
1.1. Sở Giao thông vận
tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan
a) Triển khai thực hiện hoàn
thành các dự án đã được xác định trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn
2021 - 2025; đồng thời, lựa chọn các dự án có tính chất liên kết vùng, kết nối
các trục giao thông chính với các khu du lịch trọng điểm, cảng biển để tập
trung đôn đốc, chỉ đạo thực hiện, cụ thể là:
- Trong năm 2021: hoàn thành dự
án đường giao thông nối thị xã Sầm Sơn với Khu kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1).
Khởi công mới các dự án trọng điểm như: dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ
ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa; dự án đường giao thông từ Khu công nghiệp
Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa.
- Năm 2022, hoàn thành dự án
đầu tư tuyến đường Đại lộ Đông - Tây thành phố Thanh Hóa đoạn từ thị trấn Rừng
Thông đến Quốc lộ 1A; khởi công mới dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven
biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia (nay là thị xã
Nghi Sơn) (hợp đồng BOT).
- Năm 2023, hoàn thành dự án
đường từ trung tâm thành phố Thanh Hóa nối với đường giao thông từ Cảng hàng
không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn.
- Năm 2024, hoàn thành tuyến
đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa; tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng
Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) (hợp đồng
BOT).
b) Tham mưu cho UBND tỉnh đấu
mối với Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ, ngành Trung ương:
- Trong năm 2022, hoàn thành
tuyến đường bộ cao tốc: Đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 (thuộc dự án thành phần cao
tốc Bắc - Nam).
- Trong năm 2023 hoàn thành
đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu.
- Trước năm 2023, khởi công dự
án xây dựng Nhà ga hành khách T2 tại Cảng hàng không Thọ Xuân.
- Quý IV năm 2021 hoàn thành
lập và trình duyệt quy hoạch chi tiết cảng biển Thanh Hóa để làm cơ sở kêu gọi
đầu tư nâng cấp, mở rộng các cảng: Lễ Môn, Quảng Châu, Quảng Nham, Lạch Sung.
Quan tâm bố trí vốn ngân sách
Trung ương cho các dự án kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, có tính liên
kết vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cụ thể: Dự án
đường từ thành phố Thanh Hóa kết nối với các huyện phía Tây của tỉnh; Dự án
tuyến đường vành đai 3 nhánh đông đoạn từ huyện Hoằng Hóa đến huyện Quảng
Xương; Dự án đường trung tâm thị trấn Bến Sung đi Am Tiên; Dự án đại lộ Nam
sông Mã (giai đoạn 2); Dự án đại lộ Bắc sông Mã…
c) Chuẩn bị danh mục các dự án
đầu tư dự kiến kêu gọi các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, báo cáo Bộ Giao thông
Vận tải để được đưa vào danh mục các dự án do Bộ đề xuất với Chính phủ.
d) Tiến hành rà soát, tham mưu
cho UBND tỉnh ban hành, điều chỉnh các chính sách trong lĩnh vực giao thông vận
tải nhằm thu hút thêm nguồn lực bố trí cho các công trình thuộc lĩnh vực giao
thông vận tải.
đ) Đẩy mạnh thu hút đầu tư xây
dựng bến thủy nội địa, bến phao neo trong vùng nước cảng biển nhằm phát triển
vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển theo mục tiêu quy hoạch đã được phê
duyệt; trong đó, ưu tiên một số hạng mục như: Cải tạo tuyến vận tải thủy nội
địa Thanh Hóa - Ninh Bình (kênh Nga, kênh De); khắc phục thác đền Hàn
trên sông Lèn; xây dựng một số cảng, bến thủy nội địa như Đò Lèn, Hàm Rồng, bến
Thiệu Khánh (bến Vồm), cầu Tào (cảng Hoằng Lý), Bút Sơn...
e) Giai đoạn 2021 - 2025, tập
trung huy động nguồn lực nâng cấp, mở rộng các bến cảng Lễ Môn, Quảng Châu,
Quảng Nham, cảng cạn, trung tâm Logistic, làm tiền đề hình thành hệ thống
Logistic trên địa bàn tỉnh.
1.2. Ban Quản lý
dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với các
đơn vị liên quan khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để:
- Khởi công Dự án đường nối
Quốc lộ 1 với Quốc lộ 45 từ xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa đến xã Thiệu Long,
huyện Thiệu Hóa (Km5 +250 - Km14+603) trong Quý I năm 2022.
- Khởi công dự án đường Vạn
Thiện - Bến En trong Quý I năm 2022.
1.3. UBND thành
phố Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn chỉnh
hồ sơ, thủ tục để khởi công mới dự án mở rộng Đại lộ Lê Lợi, đoạn từ ngã tư Phú
Sơn đến Cầu Đống, thành phố Thanh Hóa.
1.4. UBND thành
phố Sầm Sơn phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ
tục để khởi công mới Dự án tuyến đường trục cảnh quan Thanh Hóa - Sầm Sơn; Dự
án tuyến đường 4C, thành phố Sầm Sơn (đoạn từ đường Trần Hưng Đạo đến đường
vành đai phía Nam).
1.5. Ban Quản lý
Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN chủ trì, tập trung thu hút đầu tư, hoàn thành
việc kêu gọi nhà đầu tư dự án Trung tâm logistics Bắc Trung bộ tại Khu kinh tế
Nghi Sơn trong năm 2022.
1.6. UBND các
huyện, thị xã, thành phố: Phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các đơn vị có
liên quan tập trung đẩy nhanh công tác GPMB của các dự án nhằm sớm hoàn thành
mục tiêu kế hoạch đặt ra; bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện
các nội dung có liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu, mục tiêu kế hoạch.
2. Về phát triển hạ tầng Khu
kinh tế Nghi Sơn và các KCN
2.1. Ban Quản lý Khu kinh
tế Nghi Sơn và các KCN chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan
- Tập trung triển khai đầu tư,
hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình hạ tầng thiết yếu trong Khu kinh
tế Nghi Sơn như: các tuyến giao thông trục chính phía Tây - Khu kinh tế Nghi
Sơn; dự án đường nối cao tốc Bắc Nam, Quốc lộ 1A đi cảng Nghi Sơn; dự án đầu tư
hệ thống thoát nước đường 513 - Khu kinh tế Nghi Sơn; hệ thống tiêu thoát nước chống
ngập úng, cây xanh và xử lý nước thải trong Khu kinh tế Nghi Sơn; hệ thống
đường gom Quốc lộ 1A đoạn qua Khu kinh tế Nghi Sơn....; các khu tái định cư đã
triển khai.
- Rà soát nhu cầu tái định cư
tại Khu kinh tế Nghi Sơn đến năm 2025 để tham mưu xây dựng thêm một số khu tái
định cư mới; đồng thời, huy động các nguồn lực của doanh nghiệp để đầu tư nhà ở
xã hội cho công nhân trong Khu kinh tế Nghi Sơn.
- Tham mưu cho UBND tỉnh trong
việc phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải đầu tư xây dựng mới ga trung chuyển tại
xã Trường Lâm (thay thế ga Khoa Trường và ga Trường Lâm) kết hợp cảng cạn Depot
- ICD và trung tâm Logistic; hoàn chỉnh luồng vào Cảng Nghi Sơn theo quy hoạch
được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Ưu tiên thu hút đầu tư các
công trình bến cảng tổng hợp, bến container, bến chuyên dụng thuộc cảng Nghi
Sơn, hoàn thành trước năm 2025.
- Kêu gọi nguồn vốn đầu tư xây
dựng trung tâm logistic cấp vùng; mở rộng một số tuyến khai thác container quốc
tế mới; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị xếp dỡ hàng hóa
hiện đại; thu hút đầu tư hệ thống kho bãi phục vụ phát triển vận tải biển và
logistics. Phấn đấu đến năm 2025, tổng lượng hàng hóa thông qua cảng đạt trên
70 triệu tấn/năm.
- Đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư để
sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật các KCN Lam Sơn - Sao Vàng (hoàn thành
giai đoạn 1 trước 30/6/2022), hoàn thiện hạ tầng KCN Bỉm Sơn trong năm 2022; tập
trung kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện đầu tư hạ tầng các KCN: Ngọc Lặc, Bãi
Trành, Thạch Quảng và 08 khu công nghiệp mới[1] sau khi Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 -
2030, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt.
- Đôn đốc, hỗ trợ Công ty môi
trường Nghi Sơn hoàn thành giai đoạn 2 Nhà máy xử lý rác thải Nghi Sơn, đưa
tổng công suất xử lý rác lên 500 tấn rác thải sinh hoạt/ngày và 70.000 tấn rác
thải nguy hại, công nghiệp/năm trước năm 2023. Huy động các nguồn lực để đầu tư
hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống xử lý nước thải, chất thải tại Khu kinh tế
Nghi Sơn, các khu công nghiệp, phấn đấu hoàn thành trước năm 2025.
2.2. Sở Công
Thương, chủ trì, huy động, kêu gọi các nguồn lực để đầu tư đồng bộ hệ thống cấp
điện theo quy hoạch đã được phê duyệt, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt
của Khu kinh tế Nghi Sơn.
2.3. Sở Thông tin
và Truyền thông chủ trì, kêu gọi các doanh nghiệp để đầu tư đồng bộ hệ thống hạ
tầng thông tin liên lạc theo quy hoạch đã được phê duyệt, đáp ứng nhu cầu sản
xuất và sinh hoạt của Khu kinh tế Nghi Sơn.
2.4. Ban quản lý
dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN chủ trì, phối hợp
với các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án phát triển tổng
hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa (nguồn vốn
WB), hoàn thành trước tháng 6 năm 2025.
3. Về phát triển hạ tầng đô
thị
3.1. Sở Xây dựng
chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan:
- Tham mưu các giải pháp đầu tư
nâng cấp, mở rộng các nhà máy nước đang hoạt động; thu hút, đa dạng hóa các
nguồn lực để đầu tư xây dựng mới hệ thống cấp nước cho các đô thị chưa có công
trình cấp nước tập trung.
- Tập trung huy động nguồn lực
đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải cho các đô thị từ loại IV trở lên và
một số đô thị loại V có khả năng trở thành đô thị loại IV; xây dựng giếng tách
nước thải, mạng lưới cống bao để đưa nước thải về nhà máy xử lý đối với khu vực
đô thị đã có mạng lưới thoát chung; xây dựng mạng lưới thoát nước thải riêng
đối với khu đô thị mới và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong đô thị.
3.2. Sở Tài
nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan đôn đốc các
chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện và đưa vào sử dụng các khu xử lý chất thải
rắn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư[2], nhất là các khu xử lý chất thải rắn tổng hợp vùng liên huyện
(khu vực thành phố Thanh Hóa, khu vực thị xã Bỉm Sơn); tham mưu huy động nguồn
lực để đầu tư các khu xử lý chất thải rắn tập trung cho từng huyện, thị xã,
thành phố bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; trước mắt tập
trung ở các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Yên Định, Cẩm Thủy,
Ngọc Lặc.
3.3. UBND các
huyện, thị xã, thành phố
- Chủ trì, phối hợp với các đơn
vị liên quan khẩn trương lập quy hoạch chung đô thị hoặc điều chỉnh quy hoạch chung
đô thị (nếu có); tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, đáp
ứng tiêu chí đô thị loại V; tổ chức lập đề án công nhận khu vực dự kiến hình
thành thị trấn đạt tiêu chí đô thị loại V, đề án thành lập thị trấn theo tiến
độ được giao trong Kế hoạch, đảm bảo hoàn thành trước năm 2024.
- Tập trung huy động các nguồn lực
để đầu tư hoàn thiện và đồng bộ hạ tầng của các đô thị trung tâm giữ vai trò là
cực tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh[3]; trong đó đặc biệt ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị thị xã Nghi
Sơn và đô thị Lam Sơn - Sao Vàng để thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
- Tập trung kêu gọi đầu tư, tạo
điều kiện thuận lợi nhất theo quy định của pháp luật để sớm khởi công, hoàn
thành các dự án đô thị lớn có tính chất lan tỏa[4]. Xây dựng một số khu đô thị đẹp, hiện đại ở
thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn và Khu kinh tế Nghi Sơn.
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện
để sớm hoàn thành các tuyến đường sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh giai đoạn
2021 - 2025; đồng thời, chủ động bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để đầu
tư nâng cấp, mở rộng một số tuyến phố đạt chuẩn.
4. Về phát triển hạ tầng
công nghệ thông tin và truyền thông
Sở Thông tin và Truyền thông
chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan:
- Triển khai thực hiện có hiệu
quả Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 24/8/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về ứng dụng
và phát triển công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử
dụng nguồn lực cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm
2025; Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 21/7/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc
triển khai thực hiện Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 29/4/2020 của Chính phủ về
việc quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước trên địa bàn
tỉnh Thanh Hóa; Kế hoạch số 272/KH- UBND ngày 21/12/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh
về ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát
triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh Thanh
Hóa, giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 4216/QĐ-UBND ngày 06/10/2020 của UBND
tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh
Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
- Tham mưu triển khai thực hiện
có hiệu quả Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng
đến năm 2030; xây dựng kế hoạch chuyển đổi số hàng năm, báo cáo UBND tỉnh.
- Đẩy mạnh tái cấu trúc hạ tầng
công nghệ thông tin của tỉnh, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ
tầng số, trên hệ thống nền tảng điện toán đám mây phục vụ kết nối, quản lý các
nguồn lực, dữ liệu của cơ quan nhà nước một cách an toàn, linh hoạt, ổn định và
hiệu quả. Phát triển mạng truyền số liệu chuyên dùng đảm bảo an toàn, phục vụ
chuyển đổi số, xây dựng Chính quyền số và phát triển các dịch vụ thành phố
thông minh trên địa bàn tỉnh.
- Sớm triển khai mạng truyền số
liệu chuyên dùng cho toàn bộ hệ thống cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; Trung tâm
điều hành thông minh của tỉnh và dự án đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu lớn
(BigData) trong giai đoạn 2022 - 2024.
- Tham mưu đẩy mạnh phát triển
hạ tầng trạm viễn thông, đến năm 2025, hoàn thành lắp đặt 450 - 500 trạm thu
phát sóng di động 5G tại các khu vực thành phố Thanh Hoá, thành phố Sầm Sơn,
thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn, KCN, khu du lịch trọng điểm, trung tâm các
huyện và các khu vực đạt tiêu chí đô thị loại V, đáp ứng yêu cầu truy cập vô
tuyến băng thông rộng thế hệ mới 5G và sau 5G.
- Tham mưu các giải pháp huy
động nguồn lực xã hội hóa để phát triển nhanh các điểm cung cấp dịch vụ viễn
thông công cộng tại các khu vực tập trung đông người như: trung tâm thương mại,
siêu thị, khách sạn, bến xe, sân bay, nhà ga, công viên, bảo tàng, khu du lịch,
các khu vui chơi giải trí, trường học và bệnh viện.
5. Một số lĩnh vực hạ tầng
khác
5.1. Về phát triển hạ
tầng cung cấp điện
Sở Công Thương chủ trì, phối
hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tham mưu:
- Đôn đốc, chỉ đạo Công ty Điện
lực Thanh Hóa và các tổ chức quản lý, kinh doanh điện ưu tiên đầu tư, cải tạo,
nâng cấp và chống quá tải hệ thống truyền tải, phân phối điện, đáp ứng yêu cầu
sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân, nhất là khu vực thành phố Thanh Hóa, thành
phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, thị xã Bỉm Sơn, đô thị Lam Sơn - Sao Vàng và các
khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các nhà máy, cơ sở sản xuất quy mô lớn trên
địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cấp điện nông thôn tỉnh Thanh
Hóa; hoàn thành trong năm 2025.
- Đôn đốc, hướng dẫn, tạo điều
kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án sản xuất điện đã được chấp
thuận đầu tư, dự án đã được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực trên
địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2025, hoàn thành và đưa vào vận hành các dự án
thủy điện và các dự án điện mặt trời tại Yên Thái (Yên Định), Ngọc Lặc và các
dự án đã được bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Ưu tiên kêu
gọi đầu tư các dự án điện năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh
- Tham mưu cho UBND tỉnh trong
việc đấu mối với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành Trung ương để sớm được phê
duyệt bổ sung quy hoạch dự án Trung tâm điện khí LNG Nghi Sơn (công suất 04
giai đoạn khoảng 9.600MW, tổng vốn đầu tư khoảng 251.000 tỷ đồng) vào Quy hoạch
phát triển điện lực quốc gia, làm cơ sở triển khai thực hiện.
- Giai đoạn 2021 - 2023: Tích
cực đấu mối với Tổng công ty Điện lực Miền Bắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu
tư đường dây 110kV và các trạm biến áp 110kV: Bãi Trành, Nga Sơn, Thạch Thành,
Thiệu Hóa, KCN Hoàng Long, Sầm Sơn 2, Bắc thành phố Thanh Hóa, Như Thanh, Bến
En, KCN số 2 (Khu kinh tế Nghi Sơn), KCN Lam Sơn - Sao Vàng.
- Tích cực đấu mối với Tập đoàn
điện lực Việt Nam, Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia đẩy nhanh tiến độ thực
hiện đầu tư, hoàn thành và đưa vào vận hành đường dây 220kV và trạm biến áp
220kV Khu kinh tế Nghi Sơn, trạm biến áp 220kV Sầm Sơn trong năm 2022.
- Tham mưu các giải pháp để
từng bước đầu tư lưới điện thông minh, công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất
lượng lưới điện phân phối, giảm tổn thất điện năng.
- Tham mưu cho UBND tỉnh kiến
nghị với Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, Tập đoàn điện lực Việt Nam và các cơ
quan liên quan xem xét giải quyết dứt điểm các vướng mắc của dự án thủy điện
Hồi Xuân; nhất là vấn đề hợp đồng mua bán điện, tháo gỡ các khó khăn về tài
chính để dự án sớm triển khai thi công trở lại, đưa vào vận hành thương mại;
đồng thời ổn định đời sống, dân sinh vùng dự án.
5.2. Về hạ tầng phát triển
cụm công nghiệp
a) Sở Công Thương chủ trì, phối
hợp với các ngành, đơn vị, địa phương có liên quan:
- Tập trung thu hút các nguồn
lực để đầu tư kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tham mưu
xây dựng và trình ban hành đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách phát triển cụm
công nghiệp, quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa tỉnh trong năm
2021.
- Rà soát, hoàn thiện Phương án
phát triển cụm công nghiệp để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030,
tầm nhìn đến năm 2045.
- Tổ chức triển khai thực hiện
các nội dung quản lý, phát triển cụm công nghiệp; đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư
trong công tác quản lý, khởi công, đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, đảm
bảo tiến độ theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
b) UBND cấp huyện, thị xã,
thành phố:
- Tích cực, chủ động phối hợp,
hỗ trợ nhà đầu tư đăng ký làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công
nghiệp hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng
cụm công nghiệp; kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án hạ tầng cụm công nghiệp trên
địa bàn.
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên
môn trực thuộc phối hợp với UBND cấp xã thực hiện các thủ tục liên quan đến
công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp
luật nhằm đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đầu tư hạ tầng
cụm công nghiệp.
5.3. Về phát triển hạ
tầng thương mại
a) Sở Công Thương chủ trì, phối
hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan:
- Triển khai có hiệu quả các
chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn
tỉnh. Tập trung đẩy mạnh phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng thương mại theo
hướng hiện đại, văn minh, đa dạng hóa, hài hòa giữa các loại hình, các vùng,
địa bàn; trong đó, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực xây dựng các loại
hình tổ chức thương mại hiện đại. Phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn toàn tỉnh
thu hút được 28 dự án trung tâm thương mại, với 05 trung tâm thương mại[5] hoàn thành và đưa vào
hoạt động.
- Đẩy mạnh thực hiện công tác
chuyển đổi đầu tư xây dựng và quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn
tỉnh. Trước năm 2025, hoàn tất chuyển đổi 3 chợ hạng I còn lại, gồm: Chợ Lèn
(Hà Trung); Chợ Dắt (Triệu Sơn) và Chợ Chuối (Nông Cống). Huy động đa dạng các nguồn
vốn xây dựng mới, nâng cấp mở rộng các chợ đã xuống cấp, quá tải.
- Tập trung kêu gọi và đôn đốc
dự án Khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại tại xã Quảng Nham, huyện
Quảng Xương của Công ty cổ phần ORG.
b) UBND các huyện, thị xã,
thành phố trên địa bàn:
- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện
công tác chuyển đổi đầu tư xây dựng và quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên
địa bàn.
- Tập trung thu hút đa dạng các
nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, chỉ thực hiện xây dựng chợ ở những
xã vùng sâu, vùng xa, không có khả năng liên kết thương mại với khu vực trung
tâm của địa phương bằng ngân sách nhà nước; khuyến khích phát triển các loại
hình hạ tầng thương mại quy mô nhỏ như siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa
hàng kinh doanh tổng hợp tại khu dân cư...
III. DANH MỤC CÁC CHƯƠNG
TRÌNH, DỰ ÁN KẾT CẤU HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI ƯU TIÊN ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN 2021 -
2025
(Có Danh mục các chương
trình, dự án cụ thể kèm theo)
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trên cơ sở nhiệm vụ,
giải pháp được giao trong Kế hoạch này, Giám đốc các Sở, Trưởng các ban, ngành
cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn của mình, khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể của ngành, địa
phương, đơn vị mình và phân công lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, kiểm
tra, đôn đốc thực hiện Kế hoạch; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan
trong quá trình tổ chức thực hiện, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao;
đề xuất UBND tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) điều chỉnh những nội dung, nhiệm
vụ do thực tế phát sinh, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch và đảm
bảo sự phù hợp với các mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của toàn
tỉnh.
2. Giám đốc các Sở, thủ
trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng
cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch; định kỳ hàng năm
(trước ngày 15/12) báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh tình hình thực hiện; đồng thời,
gửi báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, tổng hợp.
3. Giao Kế hoạch và Đầu
tư là cơ quan đầu mối thường xuyên tổng hợp, đôn đốc, kiểm tra các sở, ban,
ngành và UBND các huyện trong quá trình tổ chức, thực hiện các công việc đảm
bảo chất lượng và thời gian theo quy định, định kỳ tổng hợp báo cáo, kiến nghị
UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo Kế hoạch
được thực hiện hiệu quả và đồng bộ./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Đỗ Minh Tuấn
|