BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số:
9138/QĐ-BGDĐT
|
Hà
Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ SỬ DỤNG VĂN BẢN ĐIỆN TỬ TRONG
GIAO DỊCH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VÀ VĂN BẢN HÀNH CHÍNH CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP
ngày 19/3/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của
Chính phủ về Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của
Chính phủ về công tác văn thư;
Căn cứ Quyết định số 7939/QĐ-BGDĐT ngày 20/11/2008 của Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ
chức của các đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước thuộc Bộ Giáo dục và
Đào tạo;
Căn cứ Quyết định số 7310/QĐ-BGDĐT ngày 30/10/2008 của Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về tổ chức và hoạt động của
Website Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Quyết định số 2500/QĐ-BGDĐT ngày 24/3/2009 của Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động công tác
văn thư;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này, Quy định tạm thời về sử dụng văn bản điện tử để công bố văn bản quy
phạm pháp luật và giao dịch văn bản hành chính của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các ông (bà): Chánh
Văn phòng, Chánh Thanh tra, Vụ trưởng, Cục trưởng, Thủ trưởng các đơn vị trực
thuộc cơ quan Bộ; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc các đại học, học viện,
viện; Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các
cơ sở giáo dục khác chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
Như điều 3;
Bộ trưởng (để b/c);
Các Thứ trưởng (để b/c);
Gủi đăng Website Bộ GDĐT;
Lưu: VT, VP.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Quang Quý
|
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ SỬ DỤNG VĂN BẢN ĐIỆN TỬ ĐỂ CÔNG BỐ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP
LUẬT VÀ GIAO DỊCH VĂN BẢN HÀNH CHÍNH CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
(Ban hành theo Quyết định số 9138 /BGDĐT ngày 31 tháng 12 năm 2009)
Chương
I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều
chỉnh
1. Văn bản này quy định tạm thời
về việc sử dụng văn bản điện tử để công bố các văn bản quy phạm pháp luật và
trao đổi các văn bản hành chính (sau đây gọi chung là giao dịch văn bản điện tử)
trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, phục vụ công tác quản lý, điều hành của cơ
quan Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Văn bản điện tử thuộc phạm vi
điều chỉnh của quy định này là những văn bản điện tử được tạo ra, gửi, nhận và
lưu giữ bằng phương tiện điện tử (máy tính, các thiết bị điện tử, tin học ...),
đảm bảo thể hiện đầy đủ nội dung và thể thức của văn bản quy phạm pháp luật,
văn bản hành chính đã được cấp có thẩm quyền ký ban hành theo quy định của pháp
luật.
3. Không áp dụng hình thức giao
dịch văn bản điện tử đối với các văn bản tuyệt mật, tối mật, mật. Việc giao dịch
các văn bản này thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Đối tượng áp dụng của quy định
này bao gồm:
1. Các đơn vị thực hiện chức
năng quản lý nhà nước và phục vụ quản lý nhà nước và các cán bộ, công chức thuộc
cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo;
2. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc
Bộ Giáo dục và Đào tạo;
3. Các Sở Giáo dục và Đào tạo;
4. Các đại học, học viện, viện,
trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở
giáo dục khác trong cả nước.
Điều 3. Mục tiêu sử dụng giao dịch văn bản điện tử
Sử dụng giao dịch văn bản điện tử
nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý giáo dục, giảm
thiểu việc sử dụng văn bản giấy, tiết kiệm thời gian, chi phí in ấn và cước phí
bưu điện, góp phần thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý, điều
hành và xử lý công việc của cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 4. Giá trị pháp lý của văn bản điện tử
Văn bản điện tử phù hợp với pháp
luật về giao dịch điện tử, bảo đảm tính xác thực về nguồn gốc và sự toàn vẹn của
văn bản, không nhất thiết phải có chữ ký và dấu, có giá trị pháp lý tương đương
như văn bản giấy.
Điều 5. Các dạng văn bản điện tử và hình thức giao dịch
1. Các dạng văn bản điện tử sử dụng
trong giao dịch bao gồm:
a) Tệp (file) dạng văn bản
(text, word, ...), file dạng bảng tính được tạo lập bằng các phần mềm thông dụng
(Microsoft Excel ...).
b) Tệp (file) dạng ảnh thông dụng
(dạng PDF, tạo ra từ máy quét ....).
c) Tệp (file) đồ thị, đồ họa phục
vụ quản lý chuyên ngành.
2. Các hình thức giao dịch văn bản
điện tử bao gồm:
a) Công bố trên trang thông tin
điện tử (Website) của cơ quan, đơn vị.
b) Đưa vào cơ sở dữ liệu văn bản
công khai trên mạng của cơ quan, đơn vị.
c) Gửi thư điện tử cung cấp
thông tin tóm tắt về văn bản và địa chỉ lưu giữ trên mạng. Các tổ chức, cá nhân
liên quan truy cập vào địa chỉ đã cung cấp để lấy văn bản. Trường hợp cần thiết
có thể gửi kèm theo toàn bộ văn bản điện tử
Điều 6. Bộ mã chữ Việt sử dụng trong giao dịch văn bản điện tử
Bộ mã chữ tiếng Việt sử dụng
trong giao dịch văn bản điện tử phải là phông chữ của bộ mã ký tự chữ Việt
(font chữ tiếng Việt Unicode) theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6909:2001 .
Chương
II
PHẠM VI SỬ DỤNG VĂN
BẢN ĐIỆN TỬ TRONG GIAO DỊCH CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VÀ VĂN BẢN HÀNH
CHÍNH PHỤC VỤ QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Điều 7. Nguyên tắc sử dụng giao dịch văn bản điện tử
1. Các văn bản có phạm vi ảnh hưởng
và đối tượng áp dụng trên toàn ngành được công bố trên trang thông tin điện tử
(Website) của cơ quan Bộ và đưa vào cơ sở dữ liệu văn bản của cơ quan Bộ. Đồng
thời, các thông tin: trích yếu, cơ quan ban hành, ngày, tháng, năm ban hành văn
bản, đối tượng ảnh hưởng, địa chỉ truy cập văn bản trên mạng được tóm tắt và gửi
qua email tới các cấp quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục và đào tạo liên quan
trực tiếp để biết, khai thác văn bản và tổ chức thực hiện.
2. Các văn bản có phạm vi ảnh hưởng
và đối tượng áp dụng hẹp (một nhóm đối tượng) được gửi tới địa chỉ thư điện tử
(email) của nơi nhận, đồng thời đưa vào cơ sở dữ liệu văn bản của cơ quan Bộ.
3. Kết hợp sử dụng giao dịch văn
bản điện tử với việc gửi văn bản giấy đối với các trường hợp cần sử dụng văn bản
giấy để làm các thủ tục khác liên quan đến tổ chức, cá nhân.
Điều 8. Văn bản chỉ sử dụng hình thức giao dịch văn bản điện tử
1. Các văn bản quy phạm pháp luật
của Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có nội dung liên quan đến ngành giáo dục (luật,
lệnh, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, chỉ thị, quyết định), công điện, công
thư liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo chỉ sử dụng hình thức công bố,
đăng tải trên Website của cơ quan Bộ.
2. Văn bản quy phạm pháp luật của
cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo và của các Bộ, ngành Trung ương ban hành có nội
dung liên quan đến ngành giáo dục và đào tạo (thông tư, thông tư liên tịch) được
công bố trên Website và cơ sở dữ liệu văn bản của cơ quan Bộ.
3. Văn bản hành chính của cơ
quan Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, bao gồm: chỉ thị; quyết định; thông báo;
thông cáo; công văn; công điện; công thư; kế hoạch; chương trình; phương án, đề
án, báo cáo, văn bản chỉ đạo chuyên môn; văn bản hướng dẫn nghiệp vụ; giấy triệu
tập hội nghị, hội thảo; giấy mời họp; biểu mẫu thống kê . . . được gửi tới các
địa chỉ email của các cơ quan, đơn vị, đồng thời đưa lên Website của cơ quan Bộ.
4. Văn bản hành chính sau khi đã
được công bố trên mạng, gửi qua thư điện tử (email), nếu có yêu cầu từ các đối
tượng nơi nhận sẽ được gửi nhắc lại qua máy fax.
Điều 9. Văn bản được kết hợp áp dụng giao dịch điện tử và gửi dịch
vụ bưu chính (bưu điện)
1. Văn bản có tính chất pháp lý
liên quan tới đơn vị hoặc cá nhân (phạm vi ảnh hưởng lâu dài cho đối tượng áp dụng),
bao gồm:
- Quyết định thành lập trường,
nâng cấp cơ sở đào tạo.
- Quyết định mở ngành đào tạo.
- Quyết định có phạm vi hẹp và ảnh
hưởng trực tiếp tới quyền lợi của một hoặc vài đơn vị, tổ chức, cá nhân.
- Văn bản liên quan đến phân bổ
ngân sách, vốn.
2. Văn bản mời dự các hội nghị
quan trọng của ngành; mời dự các phiên họp đặc biệt, có phạm vi hẹp.
3. Các trường hợp đặc biệt, tùy
theo tính cấp thiết, do Chánh Văn phòng quyết định các hình thức chuyển phát
thích hợp để áp dụng.
Điều 10. Thời hạn công bố văn bản trong giao dịch văn bản điện
tử
Các văn bản quy định tại các điều
8, 9 của Quy định này được đăng tải trên Website của cơ quan Bộ ngay trong ngày
làm việc, sau khi hoàn thành các thủ tục ký, ban hành.
Chương
III
CUNG CẤP VÀ QUẢN LÝ
HỆ THỐNG ĐỊA CHỈ THƯ ĐIỆN TỬ PHỤC VỤ GIAO DỊCH VĂN BẢN ĐIỆN TỬ
Điều 11. Cung cấp và quản lý địa chỉ hộp thư điện tử cho các
đơn vị phục vụ giao dịch văn bản điện tử
1. Mỗi đơn vị thuộc cơ quan Bộ,
mỗi Sở Giáo dục và Đào tạo, mỗi phòng GDĐT, mỗi cơ sở giáo dục và đào tạo sẽ được
cung cấp một địa chỉ thư điện tử trong miền @moet.edu.vn do Bộ quản lý để phục
vụ việc trao đổi các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính qua mạng.
2. Các hộp thư điện tử chính thức
dùng trong giao dịch văn bản điện tử của cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo là:
bogddt@moet.edu.vn và
bogddt@moet.gov.vn
vanphong.bo@moet.edu.vn và
vanphong.bo@moet.gov.vn
Các hộp thư trên được giao cho
Phòng Hành chính, Văn phòng Bộ quản lý, khai thác và sử dụng.
3. Khuyến khích các đơn vị sử dụng
các địa chỉ trong miền moet.edu.vn và moet.gov.vn đồng thời hạn chế sử dụng các
hộp thư điện tử khác (như Yahoo, Hotmail, …) và không sử dụng địa chỉ thư điện
tử cá nhân trong giao dịch văn bản điện tử giữa các đơn vị với Bộ Giáo dục và
Đào tạo để đảm bảo tính xác thực về nguồn gốc của văn bản.
Điều 12. Cung cấp địa chỉ hộp thư điện tử cho các cán bộ, công
chức, viên chức thuộc cơ quan Bộ
Mỗi cán bộ, công chức, viên chức
được cung cấp một địa chỉ email trong miền @moet.edu.vn và (hoặc) @moet.gov.vn
để trao đổi thông tin, văn bản phục vụ công tác quản lý và tác nghiệp.
Điều 13. Bảo vệ hệ thống thông tin điện tử của cơ quan Bộ
trong giao dịch điện tử
Tất cả các đơn vị, cá nhân tham
gia giao dịch văn bản điện tử đều phải thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành
của nhà nước về an toàn mạng, bảo vệ hệ thống thư điện tử của cơ quan Bộ.
Chương
IV
QUY TRÌNH XỬ LÝ VĂN
BẢN ĐIỆN TỬ TẠI CƠ QUAN BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Điều 14. Xử lý văn bản điện tử đến
1. Xử lý văn bản điện tử đến gửi
qua mạng
a. Kiểm tra tính xác thực về nơi
gửi và sự toàn vẹn của văn bản.
b. Lưu văn bản điện tử vào cơ sở
dữ liệu văn bản đến của đơn vị.
c. In văn bản.
d. Các bước xử lý tiếp theo áp dụng
theo quy định tại các điều 29, 30, 31 của Quy chế tổ chức hoạt động
công tác văn thư ban hành kèm theo Quyết định số 2500/QĐ-BGDĐT ngày
24/3/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có thể gửi văn bản điện tử tới
các đơn vị liên quan theo yêu cầu.
Điều 15. Xử lý văn bản đi trong giao dịch văn bản điện tử
1. Người được giao soạn thảo văn
bản, sau khi văn bản đã được cấp có thẩm quyền ký, có trách nhiệm kiểm tra tính
trọn vẹn, chính xác của file văn bản so với văn bản giấy và gửi file văn bản điện
tử về địa chỉ email vanbandi@moet.edu.vn .
2. Cán bộ văn thư cơ quan Bộ phụ
trách cấp số hiệu có trách nhiệm:
a. Truy cập hộp thư văn bản đi
vanbandi@moet.edu.vn để kiểm tra và khẳng định đã nhận được các file văn bản điện
tử.
b. Kiểm tra thể thức, trình tự,
thẩm quyền ký và thực hiện quy trình cấp số hiệu và đóng dấu văn bản đi (văn bản
giấy) theo Quy chế tổ chức hoạt động công tác văn thư ban hành kèm theo Quyết định
số 2500/QĐ-BGDĐT. Không cấp số hiệu và đóng dấu văn bản đi khi chưa nhận được
file văn bản điện tử.
3. Cán bộ văn thư cơ quan Bộ phụ
trách trực tiếp thực hiện giao dịch văn bản điện tử có trách nhiệm:
a. Hằng ngày, trong giờ hành chính,
định kỳ 60 phút một lần, truy cập hộp thư văn bản đi vanbandi@moet.edu.vn để kịp
thời chuyển, gửi và lưu văn bản điện tử.
b. Kiểm tra tính toàn vẹn, xác
thực của file văn bản và đảm bảo chắc chắn, tin cậy, file văn bản được gửi từ
đơn vị chủ trì soạn thảo trước khi thực hiện các bước giao dịch văn bản điện tử
- Ghi số hiệu, ngày, tháng, năm
vào văn bản điện tử.
- Điền cụm từ "(Đã
ký)" vào vị trí phía trên họ và tên của người có thẩm quyền ký vào văn bản
điện tử.
- Sử dụng các địa chỉ thư điện tử
(email) bogddt@moet.edu.vn hoặc vanphong.bo@moet.edu.vn và
vanphong.bo@moet.gov.vn để chuyển file văn bản điện tử và thông tin cần thiết
liên quan, qua địa chỉ email đến các đối tượng theo “Kính gửi” và “Nơi nhận” được
ghi trên văn bản.
c. Trong trường hợp cần thiết,
có thể sử dụng máy quét để tạo file văn bản dưới dạng ảnh hoặc dạng PDF với đầy
đủ chữ ký và dấu son để chuyển phát qua mạng.
Chương
V
TRÁCH NHIỆM CỦA THỦ
TRƯỞNG ĐƠN VỊ VÀ CÁC CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC THUỘC CƠ QUAN BỘ VÀ NGÀNH
GIÁO DỤC
Điều 16. Trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị thuộc cơ quan Bộ
1. Quản lý, chỉ đạo và triển
khai giao dịch văn bản điện tử của đơn vị mình theo đúng các quy định hiện hành
của Nhà nước và của quy định này.
2. Thường xuyên cập nhật thông
tin trên các Website của cơ quan Bộ và hộp thư điện tử của cá nhân, hộp thư điện
tử của đơn vị. Xử lý, giải quyết kịp thời các văn bản điện tử đã gửi vào hộp
thư điện tử của cá nhân và của đơn vị.
3. Chịu trách nhiệm về nội dung,
độ chính xác và bảo mật các thông tin trong quá trình sử dụng giao dịch văn bản
điện tử.
4. Cử cán bộ, chuyên viên quản
lý hộp thư điện tử của đơn vị, có nhiệm vụ thường xuyên khai thác, sử dụng hộp
thư được cung cấp để nhận, chuyển văn bản đến.
Điều 17. Trách nhiệm của cán bộ, công chức cơ quan Bộ
1. Thường xuyên truy cập Website
của cơ quan Bộ và hộp thư điện tử của cá nhân để kịp thời cập nhật thông tin
liên quan. Đồng thời, kiểm tra việc công bố trên Website của cơ quan Bộ các văn
bản thuộc trách nhiệm soạn thảo đã được ban hành.
2. Thực hiện nhận và xử lý văn bản
điện tử, báo cáo công việc và trao đổi thông tin hàng ngày thông qua hộp thư điện
tử của mình.
3. Chịu trách nhiệm về nội dung,
độ chính xác và bảo mật các thông tin trong quá trình sử dụng giao dịch văn bản
điện tử.
4. Khi gặp sự cố về hệ thống
thông tin điện tử, phải báo cáo Thủ trưởng đơn vị để báo cho Cục Công nghệ
thông tin xử lý, giải quyết.
5. Trong quá trình thực hiện
giao dịch văn bản điện tử phải chấp hành nghiêm chỉnh Quy định này và các quy định
hiện hành của nhà nước về giao dịch văn bản điện tử.
Điều 18. Trách nhiệm của Văn phòng Bộ
1. Chủ trì triển khai công tác
giao dịch văn bản điện tử tại cơ quan Bộ; kiểm tra, giám sát và đôn đốc các đơn
vị thuộc cơ quan Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện Quy định này.
2. Định kỳ hàng năm, tổ chức
đánh giá tình hình triển khai văn bản điện tử của cơ quan Bộ.
3. Phối hợp với Cục Công nghệ
thông tin đảm bảo và duy trì cơ sở hạ tầng cho giao dịch văn bản điện tử.
4. Giao Phòng Hành chính trực tiếp
quản lý, tổ chức thực hiện giao dịch văn bản điện tử tại cơ quan Bộ Giáo dục và
Đào tạo.
Điều 19. Trách nhiệm của Cục Công nghệ thông tin
Bảo đảm kỹ thuật cho việc giao dịch
văn bản điện tử của cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 20. Trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị thuộc ngành giáo dục
Thủ trưởng đơn vị được ghi tại
các khoản 2, 3, 4, điều 2 của quy định này có trách nhiệm:
1. Quản lý, chỉ đạo và triển
khai giao dịch văn bản điện tử tại đơn vị theo đúng các quy định hiện hành của
Nhà nước và của quy định này.
2. Thường xuyên truy cập trang
thông tin điện tử (Website) của Bộ Giáo dục và Đào tạo và hộp thư điện tử của
cá nhân, hộp thư điện tử của đơn vị; xử lý, giải quyết kịp thời các văn bản điện
tử có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cá nhân, đơn vị.
3. Cử cán bộ, viên chức quản lý hộp
thư điện tử của đơn vị, có nhiệm vụ thường xuyên khai thác, sử dụng hộp thư được
cung cấp để nhận, chuyển văn bản điện tử.
4. Chịu trách nhiệm về nội dung,
độ chính xác và tính pháp lý các thông tin trong quá trình sử dụng giao dịch
văn bản điện tử.
5. Đăng ký về Bộ Giáo dục và Đào
tạo địa chỉ thư điện tử chính thức để nhận và gửi văn bản (thông tin) điện tử.
6. Các văn bản gửi về Bộ Giáo dục
và Đào tạo được gửi qua các địa chỉ hộp thư điện tử ghi tại khoản 2, điều 11 của
Quy định này.
Điều 21. Các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch văn bản điện
tử
1. Cung cấp hoặc để lộ mật khẩu
vào hệ thống thư điện tử cho người khác; để người khác sử dụng địa chỉ hộp thư
điện tử của mình.
2. Phát tán thư rác và vius vào
mạng.
3. Truy cập trái phép vào hộp
thư của người khác, vào hệ thống thư điện tử của cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo
để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật và quy định của cơ quan Bộ.
4. Cản trở hoặc ngăn chặn trái
phép quy trình truyền, gửi và nhận văn bản điện tử.
5. Thay đổi, xóa, huỷ, sao chụp,
tiết lộ, hiển thị, di chuyển trái phép một phần hoặc toàn bộ nội dung của văn bản
điện tử.
Chương
VI
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ
LUẬT
Điều 22. Khen thưởng
Những tập thể, đơn vị, cá nhân
có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Quy định giao dịch văn bản điện tử
sẽ được Bộ trưởng xem xét khen thưởng theo quy định.
Điều 23. Kỷ luật
Cá nhân nào do thiếu tinh thần
trách nhiệm hoặc vi phạm Quy định này và các quy định hiện hành của nhà nước
trong giao dịch văn bản điện tử, gây ra hậu quả nghiệm trọng, tùy theo tính chất,
mức độ vi phạm mà bị xử lý, kỷ luật và truy cứu trách nhiệm theo các quy định
hiện hành của pháp luật./.