Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 43/2002/PL-UBTVQH10 Loại văn bản: Pháp lệnh
Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Người ký: Nguyễn Văn An
Ngày ban hành: 25/05/2002 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 43/2002/PL-UBTVQH10

Hà Nội, ngày 25 tháng 5 năm 2002

PHÁP LỆNH

CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 43/2002/PL-UBTVQH10 NGÀY 25 THÁNG 5 NĂM 2002 VỀ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG

Để phát triển nhanh và hiện đại hóa bưu chính, viễn thông, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bưu chính, viễn thông;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2002;
Pháp lệnh này quy định về bưu chính, viễn thông.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Vị trí của bưu chính, viễn thông

Nhà nước xác định bưu chính, viễn thông là ngành kinh tế, kỹ thuật, dịch vụ quan trọng thuộc kết cấu hạ tầng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển bưu chính, viễn thông nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

Pháp lệnh này quy định hoạt động bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện (sau đây gọi là bưu chính, viễn thông); quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bưu chính, viễn thông.

Điều 3. Đối tượng áp dụng

Pháp lệnh này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định về bưu chính, viễn thông khác với quy định của Pháp lệnh này thì áp dụng điều ước quốc tế đó.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Pháp lệnh này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. "Dịch vụ bưu chính" là dịch vụ nhận gửi, chuyển, phát bưu phẩm, bưu kiện thông qua mạng bưu chính công cộng.

2. "Dịch vụ chuyển phát thư" là dịch vụ nhận gửi, chuyển, phát thông tin dưới dạng văn bản được đóng gói, dán kín, có khối lượng đơn chiếc không quá hai kilôgam (02 kg) và gửi tới một địa chỉ cụ thể thông qua mạng bưu chính công cộng hoặc mạng chuyển phát.

3. "Thiết bị viễn thông" là các phương tiện kỹ thuật, bao gồm cả phần cứng và phần mềm được dùng để thiết lập mạng viễn thông, cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông.

4. "Thiết bị mạng" là thiết bị viễn thông được lắp đặt trên mạng viễn thông, bao gồm thiết bị truyền dẫn, thiết bị chuyển mạch và các thiết bị xử lý thông tin khác.

5. "Thiết bị đầu cuối" là thiết bị viễn thông được đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp đến điểm kết cuối của mạng viễn thông để gửi, xử lý và nhận các thông tin dưới dạng ký hiệu, tín hiệu, số liệu, chữ viết, âm thanh, hình ảnh qua mạng viễn thông.

6. "Điểm kết cuối" của mạng viễn thông là điểm đấu nối vật lý thuộc mạng viễn thông theo các tiêu chuẩn kỹ thuật để bảo đảm việc đấu nối thiết bị đầu cuối của người sử dụng dịch vụ vào mạng viễn thông.

7. "Dịch vụ viễn thông" là dịch vụ truyền ký hiệu, tín hiệu, số liệu, chữ viết, âm thanh, hình ảnh hoặc các dạng khác của thông tin giữa các điểm kết cuối của mạng viễn thông.

8. "Đường truyền dẫn" là tập hợp các thiết bị truyền dẫn được liên kết với nhau bằng đường cáp viễn thông, sóng vô tuyến điện, các phương tiện quang học và các phương tiện điện từ khác.

9. "Tài nguyên thông tin" bao gồm kho số viễn thông, phổ tần số vô tuyến điện, tài nguyên Internet (in-tơ-nét) và quỹ đạo vệ tinh.

a) "Kho số viễn thông" là tập hợp các mã và số được đánh số theo quy hoạch thống nhất trong phạm vi cả nước để bảo đảm cho hoạt động của mạng và dịch vụ viễn thông.

b) "Phổ tần số vô tuyến điện" là dãy các tần số của sóng vô tuyến điện.

c) "Tài nguyên Internet" là tập hợp các tên và số được quy hoạch thống nhất trên phạm vi toàn cầu thuộc quyền quản lý của Việt Nam để bảo đảm cho hoạt động Internet.

d) "Quỹ đạo vệ tinh" là đường chuyển động của vệ tinh trong không gian thuộc quyền quản lý của Việt Nam.

10. "Sóng vô tuyến điện" là sóng điện từ có tần số thấp hơn ba nghìn gigahéc (3000 GHz) truyền lan trong không gian không có dẫn sóng nhân tạo.

11. "Nghiệp vụ vô tuyến điện" là việc truyền dẫn, phát, thu sóng vô tuyến điện, bao gồm các nghiệp vụ vô tuyến điện cố định, di động, phát thanh, truyền hình, hàng không, hàng hải, dẫn đường (đạo hàng), định vị, vệ tinh, phát chuẩn và các nghiệp vụ khác.

12. "Thiết bị vô tuyến điện" bao gồm thiết bị thu, phát, thu - phát sóng vô tuyến điện dùng trong các nghiệp vụ vô tuyến điện.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước về bưu chính, viễn thông

1. Phát huy mọi nguồn lực của đất nước để phát triển nhanh và hiện đại hoá bưu chính, viễn thông, bảo đảm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Ưu tiên đầu tư phát triển bưu chính, viễn thông đối với nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và thực hiện các nhiệm vụ công ích khác theo yêu cầu của Nhà nước.

3. Khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh bưu chính, viễn thông trong môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch do Nhà nước quản lý với đầy đủ các loại hình dịch vụ, bảo đảm chất lượng và giá cước hợp lý.

4. Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bưu chính, viễn thông.

5. Tạo điều kiện ứng dụng và thúc đẩy phát triển công nghệ và công nghiệp bưu chính, viễn thông.

6. Mở rộng hợp tác quốc tế về bưu chính, viễn thông trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

Điều 6. Bảo vệ an toàn mạng bưu chính, mạng viễn thông và an ninh thông tin

1. Bảo vệ an toàn mạng bưu chính, mạng viễn thông và an ninh thông tin là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân.

2. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn mạng bưu chính, mạng viễn thông của mình và an ninh thông tin.

Điều 7. Các trường hợp được ưu tiên phục vụ

1. Các trường hợp sau đây được ưu tiên phục vụ:

a) Thông tin khẩn cấp về quốc phòng, an ninh;

b) Thông tin phục vụ chống lụt, bão, thiên tai khác, hoả hoạn, thảm hoạ khác;

c) Thông tin phục vụ cấp cứu và chống dịch bệnh;

d) Thông tin về an toàn, cứu nạn, cứu hộ;

đ) Các thông tin khẩn cấp khác theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

2. Trong trường hợp khẩn cấp do pháp luật về tình trạng khẩn cấp quy định, một phần hoặc toàn bộ mạng bưu chính, mạng viễn thông có thể được huy động để phục vụ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 8. Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát thư, dịch vụ viễn thông

1. Tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng các dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát thư, dịch vụ viễn thông và phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin, bưu phẩm, bưu kiện, vật phẩm, hàng hoá của mình theo quy định của pháp luật.

2. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát thư, dịch vụ viễn thông có trách nhiệm bảo đảm chất lượng dịch vụ và thực hiện đúng các quy định về giá cước dịch vụ do mình cung cấp cho người sử dụng theo quy định của pháp luật; có quyền từ chối cung cấp dịch vụ nếu tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật khi sử dụng dịch vụ và phải chịu trách nhiệm về việc từ chối của mình.

Điều 9. Bảo đảm bí mật thông tin

1. Bí mật đối với thông tin riêng chuyển qua mạng bưu chính, mạng viễn thông của mọi tổ chức, cá nhân được bảo đảm theo quy định của pháp luật. Việc giữ bí mật thông tin bằng kỹ thuật mật mã trong bưu chính, viễn thông được thực hiện theo quy định của pháp luật về cơ yếu.

2. Việc kiểm soát thông tin trên mạng viễn thông và Internet; việc kiểm tra, thu giữ thư, bưu phẩm, bưu kiện chuyển qua mạng bưu chính công cộng và mạng chuyển phát phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh thì bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông theo quy định của Chính phủ.

Điều 10. Các hành vi bị nghiêm cấm

Nghiêm cấm các hành vi sau đây:

1. Phá hoại các công trình bưu chính, viễn thông hoặc cản trở hoạt động hợp pháp về bưu chính, viễn thông;

2. Thu trộm, nghe trộm thông tin trên mạng viễn thông; trộm cắp, sử dụng trái phép mật khẩu, khóa mật mã và thông tin riêng của tổ chức, cá nhân khác; sản xuất, mua bán, sử dụng tem bưu chính giả; chiếm đoạt, bóc mở, tráo đổi, tiết lộ nội dung thư, bưu phẩm, bưu kiện của tổ chức, cá nhân khác;

3. Cung cấp, sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông hoặc sử dụng tần số vô tuyến điện và thiết bị vô tuyến điện, thiết bị bưu chính, viễn thông nhằm mục đích chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gây rối an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục của dân tộc, hoạt động buôn lậu hoặc có hành vi khác vi phạm pháp luật về bưu chính, viễn thông.

Chương 2:

BƯU CHÍNH

Mục 1: MẠNG VÀ DỊCH VỤ BƯU CHÍNH

Điều 11. Mạng bưu chính công cộng

1. Mạng bưu chính công cộng được xây dựng, quản lý và phát triển theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Mạng bưu chính công cộng bao gồm các trung tâm đầu mối, bưu cục, điểm phục vụ, thùng thư công cộng được kết nối với nhau bằng các tuyến đường thư.

3. Các bưu cục, điểm phục vụ, thùng thư công cộng được ưu tiên đặt tại các nhà ga, bến xe, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu, khu dân cư và các địa điểm công cộng khác để phục vụ nhu cầu của người sử dụng.

4. Các công trình thuộc mạng bưu chính công cộng là một bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng phải có trong quy hoạch, thiết kế tổng thể xây dựng các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế mới và các công trình công cộng khác để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong đầu tư xây dựng và thuận tiện cho việc cung cấp, sử dụng dịch vụ.

Điều 12. Mạng chuyển phát

Mạng chuyển phát do doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế xây dựng và quản lý để cung cấp dịch vụ chuyển phát thư theo quy định của pháp luật về bưu chính, viễn thông và các quy định khác của pháp luật về vận chuyển hàng hóa.

Điều 13. Mạng bưu chính chuyên dùng

Mạng bưu chính chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân được thiết lập để phục vụ nhu cầu thông tin của các cơ quan, tổ chức đó.

Tổ chức và hoạt động của mạng bưu chính chuyên dùng do Chính phủ quy định.

Điều 14. Mã bưu chính

1. Mã bưu chính bao gồm tập hợp các ký tự nhằm xác định một hoặc một nhóm địa chỉ bưu chính được sử dụng cho hoạt động của mạng bưu chính công cộng và dịch vụ bưu chính.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông ban hành và quản lý quy hoạch mã bưu chính phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thuận lợi trong sử dụng, ổn định lâu dài và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Điều 15. Dịch vụ bưu chính

Dịch vụ bưu chính bao gồm:

1. Dịch vụ bưu chính cơ bản là dịch vụ nhận gửi, chuyển và phát bưu phẩm, bưu kiện.

Bưu phẩm bao gồm thư (trừ thư do doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư thực hiện), bưu thiếp, gói nhỏ, gói ấn phẩm, học phẩm dùng cho người mù được gửi qua mạng bưu chính công cộng.

Bưu kiện bao gồm vật phẩm, hàng hoá được đóng gói có khối lượng không quá năm mươi kilôgam (50 kg) được gửi qua mạng bưu chính công cộng;

2. Dịch vụ bưu chính cộng thêm là dịch vụ được cung cấp thêm vào dịch vụ bưu chính cơ bản để đáp ứng yêu cầu cao hơn về chất lượng của người sử dụng.

Cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông quy định và công bố danh mục cụ thể các dịch vụ bưu chính quy định tại Điều này.

Điều 16. Dịch vụ bưu chính công ích

1. Dịch vụ bưu chính công ích bao gồm:

a) Dịch vụ bưu chính phổ cập là dịch vụ bưu chính được cung cấp đến mọi người dân theo các điều kiện về khối lượng, chất lượng và giá cước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;

b) Dịch vụ bưu chính bắt buộc là dịch vụ bưu chính được cung cấp theo yêu cầu của Nhà nước nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Căn cứ vào yêu cầu của Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và bưu chính trong từng thời kỳ, cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông quy định cụ thể việc cung cấp dịch vụ bưu chính công ích.

3. Nhà nước có chính sách hỗ trợ việc cung cấp dịch vụ bưu chính công ích thông qua dịch vụ bưu chính dành riêng và các cơ chế hỗ trợ tài chính khác.

Điều 17. Nhận gửi và phát thư, bưu phẩm, bưu kiện

1. Thư, bưu phẩm, bưu kiện được coi là đã được nhận gửi trong các trường hợp sau đây:

a) Thư, bưu thiếp hợp lệ được bỏ vào thùng thư công cộng;

b) Thư, bưu phẩm, bưu kiện đã được nhận gửi tại bưu cục, điểm phục vụ, đại lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoặc tại địa chỉ của người sử dụng dịch vụ.

2. Thư, bưu phẩm, bưu kiện được coi là đã được phát tới người nhận trong các trường hợp sau đây:

a) Đã được bỏ vào hộp thư, phát tới địa chỉ của người nhận hoặc được giao cho người được uỷ quyền nhận;

b) Đã được phát cho người nhận tại bưu cục hoặc tại điểm phục vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

3. Thư, bưu phẩm, bưu kiện khi chưa phát đến người nhận hoặc người được uỷ quyền nhận vẫn thuộc quyền định đoạt của người gửi, trừ trường hợp bị thu giữ hoặc tiêu huỷ theo quy định của pháp luật.

4. Thư, bưu phẩm, bưu kiện không phát được cho người nhận và cũng không hoàn trả được cho người gửi thì sau thời hạn 12 tháng kể từ ngày gửi được coi là thư, bưu phẩm, bưu kiện vô thừa nhận. Chính phủ quy định cụ thể về việc xử lý thư, bưu phẩm, bưu kiện vô thừa nhận.

Điều 18. Cấm gửi trong thư, bưu phẩm, bưu kiện

Cấm gửi trong thư, bưu phẩm, bưu kiện:

1. Ấn phẩm, vật phẩm, hàng hoá cấm lưu thông, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu hoặc ấn phẩm, vật phẩm, hàng hoá nước nhận cấm nhập khẩu;

2. Vật, chất gây nổ, gây cháy, gây nguy hiểm;

3. Tiền Việt Nam, ngoại hối;

4. Vật, chất làm mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường.

Điều 19. Ưu tiên vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện

Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải đường bộ, đường thuỷ nội địa, đường biển, đường hàng không, đường sắt có trách nhiệm ưu tiên vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện theo hợp đồng ký với doanh nghiệp bưu chính và bảo đảm an toàn cho bưu phẩm, bưu kiện trong quá trình vận chuyển.

Điều 20. Thực hiện thủ tục hải quan

Thư, bưu phẩm, bưu kiện gửi từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài đến Việt Nam phải được làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan. Cơ quan Hải quan có trách nhiệm tổ chức làm thủ tục hải quan nhanh chóng, thuận tiện để bảo đảm chất lượng dịch vụ bưu chính.

Mục 2:

TEM BƯU CHÍNH

Điều 21. Quản lý tem bưu chính

1. Tem bưu chính là ấn phẩm chuyên dùng làm phương tiện thanh toán giá cước dịch vụ bưu chính. Tem bưu chính bao gồm tem và ấn phẩm có in tem bưu chính. Tem bưu chính được phân loại như sau:

a) Tem phổ thông là tem không quy định thời hạn phát hành và có thể được in lại;

b) Tem đặc biệt là tem có quy định thời hạn phát hành và không được in lại; khi hết thời hạn phát hành, tem đặc biệt còn tồn đọng phải được huỷ bỏ.

2. Tem bưu chính được sử dụng để thanh toán giá cước dịch vụ bưu chính khi được phát hành hợp lệ, không bị cấm lưu hành, chưa qua sử dụng, còn nguyên vẹn và không bị bẩn, rách.

3. Doanh nghiệp bưu chính bán tem phổ thông và tem đặc biệt trong thời hạn phát hành phải theo đúng giá in trên mặt tem để phục vụ cho nhu cầu thanh toán giá cước dịch vụ bưu chính.

4. Cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông quản lý tem bưu chính thông qua hoạt động phê duyệt chương trình đề tài, mẫu thiết kế tem bưu chính; quyết định nơi in và số lượng in; phát hành, thu hồi, xử lý tem bưu chính; quy định việc lưu trữ, giám định, hủy và xuất khẩu, nhập khẩu tem bưu chính.

Điều 22. Kinh doanh tem bưu chính

1. Tổ chức, cá nhân được kinh doanh các loại tem bưu chính cho mục đích sưu tập.

2. Việc kinh doanh tem bưu chính cho mục đích sưu tập của doanh nghiệp bưu chính phải được thực hiện hoàn toàn độc lập với việc bán tem trên mạng bưu chính công cộng để phục vụ cho nhu cầu thanh toán giá cước dịch vụ bưu chính.

Mục 3: CÁC BÊN THAM GIA CUNG CẤP VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ BƯU CHÍNH

Điều 23. Bưu chính Việt Nam

1. Bưu chính Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước về bưu chính duy nhất được thành lập theo quy định của pháp luật để cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng.

2. Bưu chính Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Thiết lập mạng bưu chính công cộng rộng khắp trong cả nước để cung cấp dịch vụ trong nước và ngoài nước;

b) Cung cấp dịch vụ bưu chính công ích và thực hiện các nhiệm vụ công ích khác do Nhà nước giao;

c) Bảo vệ an toàn mạng bưu chính của mình và bảo đảm an ninh thông tin;

d) Thực hiện hạch toán riêng các dịch vụ bưu chính phổ cập, dịch vụ bưu chính bắt buộc, dịch vụ bưu chính dành riêng;

đ) Cung cấp đầy đủ, chính xác mọi thông tin về dịch vụ cho người sử dụng tại nơi giao dịch hoặc trên các ấn phẩm giao dịch;

e) Sử dụng tên "Bưu chính Việt Nam" trong mọi hoạt động của doanh nghiệp;

g) Sử dụng mạng bưu chính công cộng để kinh doanh các dịch vụ tài chính, tiết kiệm, chuyển tiền, phát hành báo chí và các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật;

h) Sử dụng phương tiện vận tải chuyên ngành để vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện. Phương tiện vận tải chuyên ngành phải sơn màu thống nhất, có tên hoặc biểu trưng của Bưu chính Việt Nam và được ưu tiên khi tham gia giao thông theo quy định của pháp luật;

i) Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

3. Việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Bưu chính Việt Nam do Chính phủ quy định.

Điều 24. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư

1. Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư trong nước.

2. Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý và các điều kiện về khối lượng thư, chất lượng, giá cước dịch vụ chuyển phát thư.

Điều 25. Đại lý dịch vụ bưu chính, đại lý dịch vụ chuyển phát thư

1. Đại lý dịch vụ bưu chính, đại lý dịch vụ chuyển phát thư là tổ chức, cá nhân Việt Nam nhân danh doanh nghiệp bưu chính, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát thư cho người sử dụng thông qua hợp đồng đại lý để hưởng hoa hồng. Hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản.

2. Đại lý dịch vụ bưu chính, đại lý dịch vụ chuyển phát thư có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát thư theo đúng loại hình, chất lượng và giá cước dịch vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng đại lý;

b) Được doanh nghiệp bưu chính, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư hướng dẫn nghiệp vụ, cung cấp thông tin và các điều kiện khác có liên quan để bảo đảm cho việc cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát thư;

c) Chấp hành các quy định về cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát thư và các thoả thuận trong hợp đồng đại lý;

d) Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 26. Người sử dụng dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát thư

1. Người sử dụng dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát thư là tổ chức, cá nhân tại Việt Nam sử dụng dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát thư thông qua việc giao kết hợp đồng với doanh nghiệp bưu chính, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư.

2. Người sử dụng dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát thư có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Được cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về dịch vụ mà mình sử dụng;

b) Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

c) Tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát thư, bưu phẩm, bưu kiện của doanh nghiệp bưu chính, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư tới địa chỉ của mình và lắp đặt hộp thư tại vị trí thuận tiện cho việc phát thư, bưu phẩm;

d) Dùng đúng tên, địa chỉ của mình khi sử dụng dịch vụ; chỉ được dùng tên, địa chỉ của người khác khi được người đó cho phép;

đ) Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 27. Giá cước dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát thư

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định giá cước dịch vụ bưu chính quan trọng có tác động đến nhiều ngành và phát triển kinh tế - xã hội.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông quyết định giá cước dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ bưu chính dành riêng và khung giá cước dịch vụ chuyển phát thư trên cơ sở giá thành dịch vụ, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu phát triển bưu chính trong từng thời kỳ.

3. Doanh nghiệp quyết định giá cước cụ thể đối với dịch vụ chuyển phát thư trong khung giá cước quy định tại khoản 2 Điều này và mức giá cước cụ thể đối với dịch vụ bưu chính, trừ giá cước các dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ bưu chính dành riêng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Mục 4:

ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG BƯU CHÍNH

Điều 28. Giấy phép bưu chính

1. Các giấy phép bưu chính bao gồm:

a) Giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư được cấp với thời hạn không quá 10 năm;

b) Giấy phép thử nghiệm dịch vụ chuyển phát thư, các dịch vụ khác trên mạng bưu chính công cộng được cấp với thời hạn không quá 01 năm.

Trước khi giấy phép hết hạn, nếu doanh nghiệp có đủ điều kiện và có yêu cầu tiếp tục cung cấp dịch vụ thì được xem xét cấp giấy phép mới.

2. Doanh nghiệp bưu chính, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư có nghĩa vụ nộp phí thẩm định và lệ phí cấp giấy phép theo quy định của pháp luật.

3. Nghiêm cấm việc mua bán, chuyển nhượng các giấy phép bưu chính.

4. Những hoạt động chuyển phát thư sau đây không phải xin giấy phép:

a) Cá nhân chuyển phát thư trên cơ sở tự thoả thuận với người gửi và không nhận thù lao với số lượng thư tối đa theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông;

b) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chuyển phát thư trong nội bộ hoặc cho khách hàng của mình mà không lấy tiền công.

5. Chính phủ quy định cụ thể về thẩm quyền, điều kiện cấp giấy phép bưu chính; việc quản lý và sử dụng các loại giấy phép bưu chính.

Điều 29. Tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát thư

1. Hệ thống tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát thư bao gồm Tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn nước ngoài và tiêu chuẩn quốc tế được áp dụng tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, chất lượng.

2. Doanh nghiệp bưu chính phải áp dụng tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, chất lượng và quy định của cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông đối với các dịch vụ bưu chính phổ cập, dịch vụ bưu chính dành riêng.

3. Doanh nghiệp bưu chính, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư phải công bố tiêu chuẩn cơ sở tương ứng và thực hiện theo tiêu chuẩn đã công bố đối với các dịch vụ không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông công bố các loại dịch vụ phải áp dụng tiêu chuẩn và quy định cụ thể về quản lý tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ bưu chính.

5. Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp bưu chính, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư tự nguyện áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, tự nguyện đề nghị được chứng nhận chất lượng dịch vụ, chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng dịch vụ.

Mục 5:

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TRONG CUNG CẤP, SỬ DỤNG DỊCH VỤ BƯU CHÍNH, DỊCH VỤ CHUYỂN PHÁT THƯ

Điều 30. Giải quyết tranh chấp

Các bên tham gia cung cấp, sử dụng dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát thư có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng đã giao kết. Khi xảy ra tranh chấp do vi phạm hợp đồng thì các bên có thể thoả thuận về việc giải quyết tranh chấp; trong trường hợp không đạt được thoả thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 31. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Các bên tham gia cung cấp, sử dụng dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát thư có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho phía bên kia trong việc cung cấp, sử dụng dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát thư. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Bên tham gia cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát thư không phải bồi thường thiệt hại gián tiếp hoặc những nguồn lợi không thu được do việc cung cấp dịch vụ không đảm bảo chất lượng gây ra.

3. Bên tham gia cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát thư được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

Chương 3:

VIỄN THÔNG

Mục 1: MẠNG VÀ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG

Điều 32. Thiết bị đầu cuối và mạng nội bộ

1. Thiết bị đầu cuối thuê bao là thiết bị đầu cuối cố định hoặc di động của người sử dụng được đấu nối, hoà mạng vào mạng viễn thông công cộng thông qua điểm kết cuối của mạng viễn thông công cộng.

2. Thiết bị đầu cuối công cộng là thiết bị đầu cuối cố định hoặc di động của doanh nghiệp viễn thông được đấu nối, hoà mạng vào mạng viễn thông công cộng thông qua điểm kết cuối của mạng viễn thông công cộng.

3. Mạng nội bộ là hệ thống thiết bị viễn thông do một tổ chức, cá nhân thiết lập tại một địa điểm có địa chỉ và phạm vi xác định mà tổ chức, cá nhân đó được toàn quyền sử dụng hợp pháp để phục vụ thông tin nội bộ.

4. Người sử dụng dịch vụ viễn thông tự thiết kế, lắp đặt hoặc thuê các tổ chức, cá nhân khác thiết kế, lắp đặt thiết bị đầu cuối thuê bao và mạng nội bộ của mình cho đến điểm kết cuối của mạng viễn thông công cộng.

5. Thiết bị đầu cuối thuê bao và mạng nội bộ khi đấu nối vào mạng viễn thông công cộng phải tuân theo các quy định về hợp chuẩn thiết bị và về sử dụng tần số vô tuyến điện.

6. Việc đấu nối, hoà mạng thiết bị đầu cuối thuê bao và mạng nội bộ vào mạng viễn thông công cộng do doanh nghiệp viễn thông thực hiện thông qua hợp đồng giao kết với người sử dụng dịch vụ.

Cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông quy định cụ thể về thiết bị đầu cuối, mạng nội bộ, điểm kết cuối của mạng viễn thông công cộng.

Điều 33. Mạng viễn thông

1. Mạng viễn thông bao gồm mạng viễn thông công cộng, mạng viễn thông dùng riêng, mạng viễn thông chuyên dùng là tập hợp các thiết bị viễn thông được liên kết với nhau bằng các đường truyền dẫn.

2. Hoạt động của mạng viễn thông không được gây hại đến môi trường và các hoạt động kinh tế - xã hội. Các hoạt động kinh tế - xã hội không được gây nhiễu có hại, làm hỏng đường cáp viễn thông, ăng ten, hệ thống thiết bị viễn thông và gây hại đến các hoạt động khác của mạng viễn thông.

Điều 34. Mạng viễn thông công cộng

1. Mạng viễn thông công cộng là mạng viễn thông do doanh nghiệp viễn thông thiết lập để cung cấp các dịch vụ viễn thông. Mạng viễn thông công cộng được xây dựng và phát triển theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Các công trình viễn thông công cộng là một bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng phải có trong quy hoạch, thiết kế tổng thể xây dựng các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế mới và các công trình công cộng khác để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong đầu tư xây dựng và thuận tiện cho việc cung cấp, sử dụng dịch vụ.

3. Các công trình viễn thông công cộng được ưu tiên sử dụng không gian, mặt đất, lòng đất, đáy sông, đáy biển; các đường truyền dẫn được kết hợp đi dọc đường giao thông, cầu, cống, hè phố, đường phố, đường điện để thuận tiện cho việc xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng và bảo vệ công trình.

4. Các điểm phục vụ công cộng được ưu tiên đặt tại các nhà ga, bến xe, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu và các địa điểm công cộng khác để phục vụ nhu cầu của người sử dụng.

Điều 35. Mạng viễn thông dùng riêng

Mạng viễn thông dùng riêng là mạng viễn thông do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam thiết lập để bảo đảm thông tin cho các thành viên của mạng, bao gồm các thiết bị viễn thông được lắp đặt tại các địa điểm xác định khác nhau và được kết nối với nhau bằng các đường truyền dẫn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuê hoặc tự xây dựng.

Điều 36. Mạng viễn thông chuyên dùng

Mạng viễn thông chuyên dùng là mạng viễn thông dùng để phục vụ thông tin đặc biệt của các cơ quan Đảng, Nhà nước, phục vụ thông tin quốc phòng, an ninh. Chính phủ quy định cụ thể về việc thiết lập và hoạt động của các mạng viễn thông chuyên dùng.

Điều 37. Dịch vụ viễn thông

1. Dịch vụ viễn thông bao gồm:

a) Dịch vụ cơ bản là dịch vụ truyền đưa tức thời dịch vụ viễn thông qua mạng viễn thông hoặc Internet mà không làm thay đổi loại hình hoặc nội dung thông tin;

b) Dịch vụ giá trị gia tăng là dịch vụ làm tăng thêm giá trị thông tin của người sử dụng dịch vụ bằng cách hoàn thiện loại hình, nội dung thông tin hoặc cung cấp khả năng lưu trữ, khôi phục thông tin đó trên cơ sở sử dụng mạng viễn thông hoặc Internet;

c) Dịch vụ kết nối Internet là dịch vụ cung cấp cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet khả năng kết nối với nhau và với Internet quốc tế;

d) Dịch vụ truy nhập Internet là dịch vụ cung cấp cho người sử dụng khả năng truy nhập Internet;

đ) Dịch vụ ứng dụng Internet trong bưu chính, viễn thông là dịch vụ sử dụng Internet để cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông cho người sử dụng. Dịch vụ ứng dụng Internet trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác phải tuân theo các quy định pháp luật về bưu chính, viễn thông và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông quy định và công bố danh mục cụ thể các dịch vụ viễn thông quy định tại Điều này.

Mục 2:

CÁC BÊN THAM GIA CUNG CẤP VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ VIỄN THÔNG

Điều 38. Doanh nghiệp viễn thông

1. Doanh nghiệp viễn thông bao gồm:

a) Doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng là doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp mà vốn góp của Nhà nước chiếm cổ phần chi phối hoặc cổ phần đặc biệt, được thành lập theo quy định của pháp luật để thiết lập hạ tầng mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông;

b) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông là doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật để cung cấp các dịch vụ viễn thông.

2. Doanh nghiệp viễn thông có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng được thiết lập mạng viễn thông công cộng để cung cấp trực tiếp và bán lại dịch vụ viễn thông;

b) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông được thiết lập các hệ thống thiết bị viễn thông trong phạm vi cơ sở và điểm phục vụ công cộng của mình để trực tiếp cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng, dịch vụ truy nhập Internet và bán lại dịch vụ viễn thông; không được thiết lập các đường truyền dẫn ngoài phạm vi cơ sở và điểm phục vụ công cộng của mình;

c) Bảo vệ an toàn mạng viễn thông của mình và bảo đảm an ninh thông tin;

d) Cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng dịch vụ viễn thông ở Việt Nam và ở nước ngoài trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước mà dịch vụ được cung cấp;

đ) Sử dụng tài nguyên thông tin theo quy hoạch để thiết lập mạng viễn thông và cung cấp dịch vụ viễn thông;

e) Thuê đường truyền dẫn để kết nối các hệ thống thiết bị viễn thông của mình với nhau, với mạng viễn thông và dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông khác;

g) Thực hiện các nhiệm vụ do Nhà nước huy động trong trường hợp khẩn cấp và các nhiệm vụ công ích khác;

h) Thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông;

i) Cạnh tranh đúng pháp luật trong hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông;

k) Thực hiện các quy định và chịu sự kiểm soát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc bảo đảm an toàn mạng viễn thông và an ninh thông tin;

l) Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 39. Doanh nghiệp viễn thông có dịch vụ viễn thông chiếm thị phần khống chế

1. Doanh nghiệp viễn thông có dịch vụ viễn thông chiếm thị phần khống chế là doanh nghiệp chiếm giữ trên 30% thị phần của một loại hình dịch vụ viễn thông trên địa bàn được phép cung cấp và có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới việc xâm nhập thị trường dịch vụ đó của các doanh nghiệp viễn thông khác.

Cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông xác định doanh nghiệp viễn thông có dịch vụ viễn thông chiếm thị phần khống chế.

2. Doanh nghiệp viễn thông có dịch vụ viễn thông chiếm thị phần khống chế có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 38 của Pháp lệnh này;

b) Không được sử dụng các ưu thế của mình để hạn chế hoặc gây khó khăn cho hoạt động cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp viễn thông khác;

c) Thực hiện hạch toán riêng đối với dịch vụ viễn thông chiếm thị phần khống chế;

d) Chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thị phần, chất lượng và giá cước đối với dịch vụ viễn thông chiếm thị phần khống chế.

Điều 40. Quyền và nghĩa vụ của chủ mạng viễn thông dùng riêng

1. Chủ mạng viễn thông dùng riêng là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam được cấp phép để thiết lập mạng viễn thông dùng riêng.

2. Chủ mạng viễn thông dùng riêng có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Xây dựng hoặc thuê đường truyền dẫn để thiết lập mạng viễn thông dùng riêng và kết nối với mạng viễn thông công cộng; thực hiện đúng các quy định ghi trong giấy phép;

b) Sử dụng tài nguyên thông tin theo quy hoạch để thiết lập mạng và cung cấp thông tin cho các thành viên của mạng theo quy định của pháp luật;

c) Bảo vệ an toàn mạng viễn thông dùng riêng của mình và bảo đảm an ninh thông tin;

d) Không được kinh doanh dịch vụ viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào;

đ) Thực hiện quy định và chịu sự kiểm soát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc bảo đảm an toàn mạng viễn thông và an ninh thông tin;

e) Thực hiện các nhiệm vụ do Nhà nước huy động trong trường hợp khẩn cấp và các nhiệm vụ công ích khác;

g) Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 41. Đại lý dịch vụ viễn thông

1. Đại lý dịch vụ viễn thông là tổ chức, cá nhân Việt Nam nhân danh doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng thông qua hợp đồng đại lý để hưởng hoa hồng. Hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản.

2. Đại lý dịch vụ viễn thông có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Thiết lập hệ thống thiết bị đầu cuối tại địa điểm mà mình được toàn quyền sử dụng hợp pháp để cung cấp các dịch vụ viễn thông tại địa điểm đó theo đúng loại hình, chất lượng và giá cước dịch vụ đã thoả thuận trong hợp đồng đại lý và hưởng hoa hồng; bán lại các dịch vụ viễn thông cho người sử dụng tại địa điểm đó trên cơ sở mua dịch vụ của doanh nghiệp viễn thông theo loại hình, chất lượng và giá cước dịch vụ đã thoả thuận trong hợp đồng đại lý;

b) Được doanh nghiệp viễn thông hướng dẫn nghiệp vụ, cung cấp thông tin và các điều kiện khác có liên quan để bảo đảm việc cung cấp dịch vụ cho người sử dụng;

c) Chấp hành các quy định về cung cấp dịch vụ, bán lại dịch vụ và các thoả thuận trong hợp đồng đại lý;

d) Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 42. Người sử dụng dịch vụ viễn thông

1. Người sử dụng dịch vụ viễn thông là tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với doanh nghiệp viễn thông hoặc với đại lý viễn thông để sử dụng dịch vụ viễn thông.

2. Người sử dụng dịch vụ viễn thông có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Lắp đặt các thiết bị đầu cuối thuê bao cố định tại địa điểm mà mình được toàn quyền sử dụng hợp pháp hoặc sử dụng thiết bị đầu cuối thuê bao di động để truy nhập mạng viễn thông công cộng theo hợp đồng giao kết với doanh nghiệp viễn thông hoặc với đại lý dịch vụ viễn thông;

b) Lựa chọn doanh nghiệp hoặc đại lý dịch vụ viễn thông để sử dụng các dịch vụ viễn thông, trừ các dịch vụ bị cấm hoặc chưa được phép sử dụng;

c) Được bảo đảm bí mật thông tin riêng theo quy định của pháp luật;

d) Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

đ) Không được sử dụng thiết bị đầu cuối thuê bao của mình để kinh doanh dịch vụ viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào;

e) Bảo vệ mật khẩu, khoá mật mã và hệ thống thiết bị của mình;

g) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đưa vào, lưu trữ, truyền đi trên mạng viễn thông, Internet;

h) Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 43. Kết nối các mạng viễn thông

1. Kết nối là việc liên kết vật lý và lô gích các mạng viễn thông, qua đó người sử dụng dịch vụ của mạng này có thể truy nhập tới người sử dụng hoặc dịch vụ của mạng kia và ngược lại.

2. Việc kết nối các mạng viễn thông công cộng được quy định như sau:

a) Doanh nghiệp viễn thông có quyền kết nối mạng viễn thông của mình với mạng hoặc dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp khác, đồng thời có nghĩa vụ cho các doanh nghiệp viễn thông khác kết nối vào mạng hoặc dịch vụ viễn thông của mình với điều kiện công bằng và hợp lý trên cơ sở sử dụng hiệu quả tài nguyên thông tin, sử dụng chung vị trí kết nối và cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông qua thoả thuận kết nối giữa các bên;

b) Doanh nghiệp viễn thông nắm giữ các phương tiện thiết yếu có vai trò quyết định trong việc kết nối và cung cấp dịch vụ viễn thông không được từ chối yêu cầu kết nối của các chủ mạng viễn thông dùng riêng và các doanh nghiệp viễn thông khác, đồng thời phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán và thực hiện kết nối, nếu yêu cầu đưa ra hợp lý và khả thi về kinh tế, kỹ thuật;

c) Các doanh nghiệp viễn thông tiến hành đàm phán, ký kết thoả thuận kết nối theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông; trường hợp các bên không đạt được thoả thuận kết nối theo thời hạn quy định hoặc có tranh chấp trong việc thực hiện thoả thuận kết nối thì theo đề nghị của một trong các bên tham gia kết nối, cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông tổ chức hiệp thương giữa các bên; nếu sau hiệp thương các bên vẫn không đạt được thoả thuận thì cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông xem xét, quyết định. Thoả thuận kết nối chỉ có hiệu lực khi được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông.

3. Việc kết nối mạng viễn thông dùng riêng được quy định như sau:

a) Mạng viễn thông dùng riêng được kết nối vào mạng viễn thông công cộng trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật của mạng viễn thông công cộng và tuân thủ các quy định về kết nối giữa mạng viễn thông dùng riêng với mạng viễn thông công cộng;

b) Việc kết nối mạng viễn thông dùng riêng với mạng viễn thông công cộng được thực hiện thông qua hợp đồng kết nối bằng văn bản giữa doanh nghiệp viễn thông và chủ mạng viễn thông dùng riêng;

c) Các mạng viễn thông dùng riêng không được kết nối trực tiếp với nhau, trừ trường hợp được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Điều 44. Giá cước dịch vụ viễn thông

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định giá cước dịch vụ viễn thông quan trọng có tác động đến nhiều ngành và phát triển kinh tế - xã hội.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông quyết định giá cước dịch vụ viễn thông công ích, giá cước dịch vụ viễn thông có thị phần khống chế và giá cước kết nối giữa các doanh nghiệp trên cơ sở giá thành dịch vụ, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu phát triển viễn thông trong từng thời kỳ.

3. Doanh nghiệp viễn thông quyết định các mức giá cước cụ thể đối với dịch vụ viễn thông, trừ giá cước quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Mục 3: GIẤY PHÉP VIỄN THÔNG

Điều 45. Các loại giấy phép viễn thông

1. Giấy phép kinh doanh viễn thông bao gồm:

a) Giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông được cấp với thời hạn không quá 15 năm;

b) Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông được cấp với thời hạn không quá 10 năm.

2. Giấy phép nghiệp vụ viễn thông bao gồm:

a) Giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng được cấp với thời hạn không quá 5 năm;

b) Giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được cấp với thời hạn không quá 25 năm.

3. Giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông được cấp với thời hạn không quá 1 năm.

Trước khi các loại giấy phép quy định tại Điều này hết hạn, nếu doanh nghiệp có đủ điều kiện và có yêu cầu tiếp tục cung cấp dịch vụ thì được xem xét cấp giấy phép mới.

Điều 46. Các quy định về cấp giấy phép

1. Trong trường hợp việc cấp giấy phép có liên quan đến sử dụng tài nguyên thông tin thì chỉ được cấp giấy phép nếu việc phân bổ tài nguyên thông tin là khả thi.

2. Việc cấp giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 45 của Pháp lệnh này chỉ được tiến hành sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ.

3. Doanh nghiệp viễn thông có nghĩa vụ nộp phí thẩm định, lệ phí cấp phép và các loại phí có liên quan thuộc lĩnh vực viễn thông theo quy định của pháp luật.

4. Nghiêm cấm việc mua bán, chuyển nhượng các loại giấy phép viễn thông.

5. Chính phủ quy định cụ thể về thẩm quyền, điều kiện cấp giấy phép viễn thông; việc quản lý và sử dụng các loại giấy phép viễn thông.

Mục 4: QUY HOẠCH ĐÁNH SỐ VIỄN THÔNG VÀ TÀI NGUYÊN INTERNET

Điều 47. Xây dựng quy hoạch đánh số viễn thông và tài nguyên Internet

Việc xây dựng quy hoạch đánh số cho mã và số viễn thông, tài nguyên Internet phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

1. Phát triển dịch vụ và thuê bao theo chiến lược dài hạn;

2. Sử dụng tối ưu mạng viễn thông và thiết bị viễn thông;

3. Sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả kho số viễn thông và tài nguyên Internet;

4. Có khả năng kết nối với mạng viễn thông và dịch vụ viễn thông toàn cầu;

5. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ;

6. Bình đẳng giữa các doanh nghiệp viễn thông.

Điều 48. Quản lý kho số viễn thông và tài nguyên Internet

1. Cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông xây dựng và ban hành quy hoạch đánh số viễn thông và tài nguyên Internet; phân bổ, thu hồi các tên, mã, số theo quy hoạch; quy định về quản lý kho số viễn thông và tài nguyên Internet.

2. Doanh nghiệp viễn thông xây dựng kế hoạch đánh số viễn thông và tài nguyên Internet trong phạm vi kho số viễn thông và tài nguyên Internet đã được phân bổ, đồng thời tiến hành cấp hoặc cho thuê số đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ theo kế hoạch của doanh nghiệp và các quy định về quản lý kho số viễn thông và tài nguyên Internet.

3. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm báo cáo kế hoạch và tình hình sử dụng tên, mã, số được phân bổ theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông; đối với tên, mã, số không có nhu cầu sử dụng, doanh nghiệp viễn thông phải trả lại cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông, nếu không trả lại thì bị thu hồi.

Mục 5: CUNG CẤP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH

Điều 49. Dịch vụ viễn thông công ích

Dịch vụ viễn thông công ích bao gồm:

1. Dịch vụ viễn thông phổ cập là dịch vụ viễn thông được cung cấp đến mọi người dân theo điều kiện, chất lượng và giá cước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

2. Dịch vụ viễn thông bắt buộc là dịch vụ viễn thông được cung cấp theo yêu cầu của Nhà nước nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Căn cứ vào yêu cầu của Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thị trường viễn thông trong từng thời kỳ, cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông quy định cụ thể về việc cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.

Điều 50. Thực hiện nghĩa vụ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích

1. Nhà nước có chính sách để bảo đảm điều kiện cần thiết cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích như sau:

a) Quy định giá cước kết nối trên cơ sở giá thành và phần đóng góp vào việc cung cấp dịch vụ viễn thông công ích;

b) Xây dựng Quỹ dịch vụ viễn thông công ích từ nguồn đóng góp của các doanh nghiệp viễn thông và các nguồn tài chính khác.

2. Việc sử dụng Quỹ dịch vụ viễn thông công ích để cung cấp dịch vụ viễn thông công ích được thực hiện bằng các hình thức sau:

a) Chỉ định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trên cơ sở thẩm định dự án cung cấp dịch vụ viễn thông công ích của doanh nghiệp đó;

b) Đấu thầu chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.

Điều 51. Quản lý việc cung cấp dịch vụ viễn thông công ích

1. Chính phủ quy định chính sách và biện pháp cụ thể để thực hiện cung cấp dịch vụ viễn thông công ích căn cứ vào yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tình hình phát triển thị trường viễn thông trong từng thời kỳ.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông quy định cụ thể về dịch vụ viễn thông công ích và quản lý, kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích của các doanh nghiệp viễn thông.

3. Các doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích theo quy định của pháp luật.

Mục 6: TIÊU CHUẨN, CHẤT LƯỢNG VIỄN THÔNG

Điều 52. Hệ thống tiêu chuẩn, chất lượng viễn thông

1. Hệ thống tiêu chuẩn, chất lượng về thiết bị, mạng viễn thông, kết nối mạng, công trình và dịch vụ viễn thông bao gồm Tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn nước ngoài và tiêu chuẩn quốc tế được áp dụng tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, chất lượng.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông công bố các loại thiết bị, mạng viễn thông, công trình và dịch vụ viễn thông phải áp dụng tiêu chuẩn.

Điều 53. Quản lý tiêu chuẩn, chất lượng viễn thông

1. Các hình thức quản lý chất lượng viễn thông:

a) Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn đối với thiết bị viễn thông;

b) Công bố chất lượng đối với mạng viễn thông và dịch vụ viễn thông;

c) Kiểm định chất lượng công trình viễn thông.

2. Thiết bị viễn thông thuộc danh mục bắt buộc chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, trước khi được lưu thông trên thị trường hoặc đấu nối vào mạng viễn thông phải được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn; các công trình viễn thông thuộc danh mục phải kiểm định chất lượng trước khi đưa vào khai thác phải được kiểm định; mạng viễn thông công cộng, các dịch vụ viễn thông cơ bản, dịch vụ kết nối Internet, dịch vụ truy nhập Internet trước khi đưa vào khai thác, cung cấp cho người sử dụng dịch vụ phải phù hợp với tiêu chuẩn do cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông quy định.

3. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải công bố chất lượng thiết bị, mạng viễn thông và dịch vụ viễn thông phù hợp với tiêu chuẩn cơ sở tương ứng và chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn, chất lượng do mình công bố, trừ thiết bị, mạng viễn thông và dịch vụ viễn thông quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thiết bị, mạng viễn thông và dịch vụ viễn thông tự nguyện áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; đề nghị được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng; tự nguyện đề nghị được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, chất lượng thiết bị, mạng viễn thông và dịch vụ viễn thông, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

5. Cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông quy định cụ thể về quản lý tiêu chuẩn, chất lượng viễn thông.

Điều 54. Đo kiểm và chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, chất lượng

1. Cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông quy định các điều kiện đối với cơ quan đo kiểm trong nước và ngoài nước để phục vụ cho việc quản lý chất lượng và công bố cơ quan có thẩm quyền đo kiểm.

2. Việc thừa nhận lẫn nhau về chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, chất lượng viễn thông giữa Việt Nam với nước ngoài và với các tổ chức quốc tế được thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

Mục 7: GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TRONG CUNG CẤP, SỬ DỤNG DỊCH VỤ VIỄN THÔNG

Điều 55. Giải quyết tranh chấp

Các bên tham gia cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng đã giao kết. Khi xảy ra tranh chấp do vi phạm hợp đồng thì các bên có thể thoả thuận về việc giải quyết tranh chấp; trong trường hợp không đạt được thoả thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 56. Hoàn cước và bồi thường thiệt hại

1. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông không bảo đảm chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn đã công bố phải hoàn trả cho người sử dụng dịch vụ một phần hoặc toàn bộ cước phí đã thu.

2. Các bên tham gia cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho phía bên kia trong việc cung cấp hoặc sử dụng dịch vụ viễn thông theo quy định của pháp luật.

3. Các bên tham gia cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông không phải bồi thường các thiệt hại gián tiếp hoặc những nguồn lợi không thu được do việc cung cấp, sử dụng dịch vụ không đảm bảo chất lượng gây ra.

4. Các bên tham gia cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

Chương 4:

TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN

Mục 1: QUY HOẠCH, PHÂN BỔ VÀ ẤN ĐỊNH TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN

Điều 57. Quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh

Việc quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh thuộc chủ quyền Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm đúng quy hoạch của Nhà nước, có hiệu quả, công bằng, hợp lý và tiết kiệm; bảo đảm để các hệ thống thông tin vô tuyến điện hoạt động không bị nhiễu có hại và không gây nhiễu có hại; đáp ứng nhu cầu sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và tạo điều kiện phát triển nhanh công nghệ mới về viễn thông; bảo vệ chủ quyền quốc gia về sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh.

Điều 58. Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện

1. Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia là phương án phân chia phổ tần số vô tuyến điện thành các băng tần dành cho các nghiệp vụ theo từng thời kỳ và quy định điều kiện để thiết lập trật tự khai thác, sử dụng tối ưu phổ tần số vô tuyến điện trên phạm vi cả nước.

Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia phải đáp ứng các nhu cầu sử dụng tần số vô tuyến điện cho các nghiệp vụ, phù hợp với quy định của quốc tế và đặc thù sử dụng phổ tần số vô tuyến điện của Việt Nam, ưu tiên hợp lý cho công nghệ mới về viễn thông.

Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia do cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Căn cứ vào quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia, cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông xây dựng và ban hành quy hoạch băng tần, quy hoạch kênh, quy hoạch tần số vô tuyến điện theo vùng.

3. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hoặc sử dụng thiết bị phát sóng, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện tại Việt Nam phải tuân thủ quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quy định tại Điều này.

Điều 59. Phân bổ băng tần phục vụ quốc phòng, an ninh

1. Thủ tướng Chính phủ quy định băng tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo tỷ lệ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và có chú ý đến thông lệ quốc tế.

2. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Uỷ ban tần số vô tuyến điện để tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong việc phối hợp quản lý tần số vô tuyến điện trong các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Điều 60. Sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ thông tin an toàn, cứu nạn

1. Cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông công bố tần số vô tuyến điện dành riêng phục vụ thông tin an toàn, cứu nạn quốc gia và quốc tế.

2. Nghiêm cấm sử dụng tần số vô tuyến điện dành riêng phục vụ thông tin an toàn, cứu nạn vào mục đích khác; gây nhiễu có hại cho tần số vô tuyến điện dành riêng cho thông tin an toàn, cứu nạn.

Điều 61. Phân bổ, ấn định tần số vô tuyến điện

Việc phân bổ, ấn định tần số vô tuyến điện phải được thực hiện theo quy định tại các điều 57, 58, 59 và 60 của Pháp lệnh này và phải căn cứ vào tiềm năng của phổ tần số vô tuyến điện, ưu tiên hợp lý các nhu cầu sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội và công nghệ sử dụng hiệu quả tần số vô tuyến điện.

Cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông quy định và công bố điều kiện phân bổ, ấn định và sử dụng tần số vô tuyến điện, băng tần số vô tuyến điện.

Mục 2: GIẤY PHÉP TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN

Điều 62. Các loại giấy phép tần số vô tuyến điện

1. Các loại giấy phép tần số vô tuyến điện bao gồm:

a) Giấy phép băng tần được cấp với thời hạn không quá 15 năm;

b) Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện được cấp với thời hạn không quá 5 năm.

2. Việc cấp giấy phép chỉ được tiến hành trong trường hợp việc phân bổ, ấn định tần số vô tuyến điện là khả thi.

3. Tổ chức, cá nhân được cấp phép tần số vô tuyến điện có nghĩa vụ nộp lệ phí cấp phép theo quy định của pháp luật.

4. Nghiêm cấm việc mua bán, chuyển nhượng các loại giấy phép tần số vô tuyến điện.

5. Chính phủ quy định cụ thể về thẩm quyền, điều kiện cấp giấy phép tần số vô tuyến điện; việc quản lý và sử dụng các loại giấy phép tần số vô tuyến điện.

Điều 63. Các loại thiết bị vô tuyến điện sử dụng có điều kiện

Cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông quy định và công bố điều kiện kỹ thuật và khai thác các loại thiết bị vô tuyến điện được sử dụng có điều kiện; tổ chức, cá nhân khi sử dụng các thiết bị này phải thực hiện đúng các điều kiện kỹ thuật và khai thác đã công bố và không phải xin giấy phép tần số vô tuyến điện.

Điều 64. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng tần số vô tuyến điện

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động tại Việt Nam sử dụng băng tần số, tần số vô tuyến điện và thiết bị phát sóng vô tuyến điện thuộc các nghiệp vụ vô tuyến điện phải có giấy phép tần số vô tuyến điện, trừ trường hợp quy định tại Điều 63 của Pháp lệnh này.

2. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tần số vô tuyến điện phải tuân thủ các quy định của pháp luật về việc lắp đặt, sử dụng tần số vô tuyến điện và thiết bị phát sóng vô tuyến điện; nộp phí sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật; không gây nhiễu có hại cho các đài vô tuyến điện khác và phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông.

Điều 65. Sản xuất, nhập khẩu thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện

Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông.

Điều 66. Chứng chỉ Vô tuyến điện viên

Cá nhân hành nghề khai thác thiết bị vô tuyến điện phải có chứng chỉ Vô tuyến điện viên.

Cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông quy định việc đào tạo và cấp chứng chỉ Vô tuyến điện viên.

Mục 3: KIỂM TRA, KIỂM SOÁT TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN, XỬ LÝ NHIỄU CÓ HẠI VÀ QUẢN LÝ TƯƠNG THÍCH ĐIỆN TỪ

Điều 67. Kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện

1. Kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện và thiết bị phát sóng vô tuyến điện nhằm bảo đảm việc tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập; đo tham số kỹ thuật phát sóng để quản lý việc sử dụng tần số vô tuyến điện, phát hiện, ngăn ngừa, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật.

2. Kết quả kiểm tra, kiểm soát, đo tham số kỹ thuật của các thiết bị phát sóng vô tuyến điện là căn cứ để xác định và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý tần số vô tuyến điện.

3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài không được đo tham số truyền sóng và phát sóng vô tuyến điện tại Việt Nam, trừ trường hợp được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.

4. Việc sử dụng tần số vô tuyến điện và thiết bị vô tuyến điện đặt trên tàu biển, tàu bay của Việt Nam và của nước ngoài khi vào lãnh thổ Việt Nam phải tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập; người sử dụng, các thiết bị vô tuyến điện trên các phương tiện này phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.

Điều 68. Xử lý nhiễu có hại

1. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật khi đài vô tuyến điện của mình bị gây nhiễu có hại.

2. Việc xử lý khiếu nại về nhiễu có hại được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục khiếu nại và xử lý nhiễu có hại.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông có trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện; chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để kiểm tra, kiểm soát, xử lý nhiễu có hại giữa các mạng thông tin phục vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Điều 69. Quản lý tương thích điện từ

1. Tương thích điện từ là khả năng thiết bị, hệ thống thiết bị hoạt động không bị nhiễu và không gây nhiễu có hại đến thiết bị, hệ thống thiết bị khác trong môi trường điện từ.

2. Thiết bị, hệ thống thiết bị được dùng trong thông tin hoặc dùng trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, công nghiệp, y tế và các lĩnh vực khác phải phù hợp với các quy định về tương thích điện từ để bảo đảm không gây nhiễu có hại tới nghiệp vụ vô tuyến dẫn đường, an toàn, cứu nạn và các nghiệp vụ vô tuyến điện khác.

Chính phủ quy định cụ thể về quản lý tương thích điện từ.

Chương 5:

HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG

Điều 70. Nguyên tắc hợp tác quốc tế về bưu chính, viễn thông

Nhà nước có chính sách và biện pháp đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bưu chính, viễn thông với các nước, các tổ chức quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với pháp luật mỗi bên, pháp luật và thông lệ quốc tế nhằm phát triển bưu chính, viễn thông, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế.

Điều 71. Nội dung hợp tác quốc tế về bưu chính, viễn thông

Nội dung hợp tác quốc tế về bưu chính, viễn thông bao gồm:

1. Tuyên truyền, quảng bá các định hướng, chính sách phát triển bưu chính, viễn thông với các nước, các tổ chức quốc tế;

2. Phát triển hợp tác và thiết lập quan hệ về bưu chính, viễn thông với các nước;

3. Tham gia các tổ chức khu vực và quốc tế về bưu chính, viễn thông;

4. Hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực;

5. Phối hợp nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến;

6. Trao đổi thông tin, kinh nghiệm phát triển bưu chính, viễn thông;

7. Xây dựng và thực hiện chương trình, dự án quốc tế về bưu chính, viễn thông.

Chương 6:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG

Điều 72. Nội dung quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông

Nội dung quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông bao gồm:

1. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển bưu chính, viễn thông;

2. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bưu chính, viễn thông;

3. Chỉ đạo việc xây dựng, ban hành và quy định việc áp dụng tiêu chuẩn, chất lượng trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông; quản lý an toàn, an ninh trong hoạt động bưu chính, viễn thông;

4. Cấp, tạm đình chỉ, đình chỉ, thu hồi các loại giấy phép, chứng chỉ về bưu chính, viễn thông;

5. Tổ chức quản lý, sử dụng tài nguyên thông tin và kết nối giữa các mạng viễn thông;

6. Quy định và quản lý giá cước, phí và lệ phí, các hoạt động công ích trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông;

7. Tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về bưu chính, viễn thông; ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông; tổ chức phối hợp tần số vô tuyến điện với các nước và đăng ký tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh với các tổ chức quốc tế có liên quan;

8. Tổ chức, quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông;

9. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông.

Điều 73. Thẩm quyền quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông trong phạm vi cả nước.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông.

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông trong việc thực hiện quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông.

Điều 74. Thanh tra Bưu điện

1. Thanh tra Bưu điện thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về bưu chính, viễn thông.

2. Thanh tra Bưu điện có nhiệm vụ:

a) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bưu chính, viễn thông;

b) Xử phạt, áp dụng hoặc kiến nghị áp dụng theo thẩm quyền các biện pháp phòng ngừa và chấm dứt các hành vi vi phạm pháp luật về bưu chính, viễn thông;

c) Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức và hoạt động của Thanh tra Bưu điện do Chính phủ quy định.

Điều 75. Khiếu nại, tố cáo

1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc thi hành pháp luật về bưu chính, viễn thông.

2. Cá nhân có quyền tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về bưu chính, viễn thông với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

3. Thẩm quyền, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo và khởi kiện được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chương 7:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 76. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động bưu chính, viễn thông được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 77. Xử lý vi phạm

1. Người nào có hành vi vi phạm quy định của Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động bưu chính, viễn thông thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định của Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động bưu chính, viễn thông thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương 8:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 78. Hiệu lực thi hành

Pháp lệnh này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 10 năm 2002.

Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ.

Điều 79. Hướng dẫn thi hành

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.

Nguyễn Văn An

(Đã ký)

STANDING COMMITTEE OF NATIONAL ASSEMBLY

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence Freedom Happiness

Ordinance No. 43/2002/PL-UBTVQH10

Hanoi, May 05th, 2002

 

ORDINANCE

ON POST AND TELECOMMUNICATION

STANDING COMMITTEE OF NATIONAL ASSEMBLY

In order to promote the development and modernization the post and telecomunications; improve the state management in the area and protect the legitimate rights and benefits of organizations and individuals engaged in posts and telecomunications;
Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam of 1992 and the amendments and revisions adopted in Resolution No. 51/2001/QH10 dated 25 th December 2001 of the National Assembly, session 10, Legislature X;
Pursuant to the Resolution of the National Assembly, session 10, Legislature X on the Program of Laws and Ordinance preparation for 2002;
This Ordinance provide for Posts and telecommunications.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Role of post and telecomunications

The State has identified post and telecommunication as important economic, technological and service sector in the infrastructure of the national economy. The development of the post and telecommunication sector aims at meeting the needs for socio-economic development, improving the quality of life of the people and ensuring national defense and security.

Article 2. Scope of coverage

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 3. Objects

This Ordinance applies to Vietnamese individuals and organizations, foreign individual and organizations in Vietnam. In case international treaties to which Vietnam is signatory, provides otherwise, the international treaties shall apply.

Article 4: Definition

In this Ordinance, following terminologies mean as follows:

1. "Postal service" is the service of collecting, carrying, and delivering postal packages and parcels via the public postal network.

2. "Mail delivery service" is the service of collecting, carrying and delivering text-styled information that is enveloped and glued with unit weight of under two kilos (2kg) to specific addresses through a public postal or delivery network.

3. "Telecommunication equipments" are technical means including hard wares and softwares that are utilized to set up a telecommunication network, providing and utilizing telecommunication services.

4. "Network equipments" are telecommunication equipments installed on the telecommunication network, including transmittal equipments, circuit-switch equipments and other data-processing equipments.

5. "Terminal equipments" are telecommunication equipments that are directly or indirectly connected with the terminal points of the telecommunication network for sending, processing and receiving symbol-styled information, signals, figures, scripts, sounds, and images via the telecommunication network.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



7. "Telecommunication services" are services of transmitting symbols, signals, data, scripts, sounds, images and other types of information between terminals points on the telecommunication network.

8. "Transmittal line" is a composition of transmittal equipments that are connected together by telecommunication cables, radio frequencies, optical means and other electronic means.

9. "Information resources" include telecommunication database, radio frequency spectra, internet resource and satellite orbits.

a) "Telecommunication database" is a composition of codes and numbers that are coded uniformly nationwide to ensure the operation of the network and telecommunication services.

b) " Radio frequency spectra" are bands of radio frequencies.

c) "Internet resource" is a composition of names and numbers that are globally programmed and under Vietnamese administration for guaranteeing the operation of the internet.

d) "Satellite orbits" are motional routes of a satellites in the space under Vietnamese administration.

10. "Radio frequencies" are electromagnetic waves with frequencies of bellow 3 thousands Mega hertz (3000 GHZ) transmitted in the space without artificial conductors.

11. "Radio profession" is the work of transmitting, broadcasting, receiving radio frequencies, including professions of fixed and mobile radio, broadcasting, television, aviation, marine, guide, locating and other professions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 5: State's policy on post and telecommunication

1. Mobilizing all the country's resources for quickly developing and modernizing post and telecommunication industry to meet the socio-economic development's need, contributing to enhance the living quality of the people and guaranteeing national defense and security.

2. Priority is given to developing post and telecommunication services in rural and remote areas; providing incentives and supports for enterprises that provide public post and telecommunication services and executing other public tasks assigned by the State.

3. Providing incentives and conditions for other economic sectors to participate in the post and telecommunication industry in a transparent and fair-competition environment under States administration with complete types of services in high quality and at reasonable prices.

4. Respecting, protecting legitimate rights and interests of entities and individuals participating in the post and telecommunication industry.

5. Creating good conditions for utilization and development of post and telecommunication technologies.

6. Expanding international post and telecommunication cooperation on the basis of respecting independence, sovereignty, equity and fair, and ensuring compliance with Vietnamese laws and international commitments Viet Nam has made.

Article 6. Protecting the post, telecommunication networks' safety and information security

1. Protecting the post, telecommunication networks' safety and information security is responsibility of every organization and individual.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 7. Cases that are preferentially provided services

1 . The following cases are given priority:

a) Emergency information on national defense and security;

b) Information used for fighting flood, typhoon, fires and other disasters;

c) Information for first aids and protest against epidemic diseases;

d) Information on safety, salvage;

e) Other emergency information according to provisions under emergency law.

2. In case of emergency as provided for under emergency law, parts or whole post and telecommunication network shall be mobilized in accordance with decisions issued by State competent authorities.

Article 8. Rights and responsibilities of organizations and individuals in utilizing post, mail delivery and telecommunication services

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Enterprises providing postal, mail delivery and telecommunication services are responsible for services' quality and comply with regulation on services' prices according to the law; having the rights to refuse providing services and being responsible for their refusal if organizations and individuals breach law and regulation when using services.

Article 9. Ensuring confidentiality of information

1. Confidentiality of all organizations and individuals' information that is transmitted through the post and telecommunication network has to be guaranteed. Ensuring confidentiality of information by coding is carried out in accordance with law and regulation on coding.

2. Control on information transmitted on the telecommunication and the internet; controlling, capturing mails, parcels sent via the public post and mail delivery network have to be carried out by State competent authorities in conformity with law and regulation.

3. If organizations, individuals seriously violate law and regulation, causing negative impacts on national defense and security, their business shall be temporarily suspended or suspended.

Article 10. Activities are banned

Banning the following activities:

1. Destroying post and telecommunication constructions or impeding legitimate post and telecommunication business;

2. Illegally recording and listening information on the telecommunication network; stealing, illegally utilizing passwords and private information of other organizations and individuals; printing, trading and using pirated stamps; capturing, unsealing, exchanging, disclosing contents of mails, mail packages, parcels of other organizations and individuals;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Chapter II

POST

Section 1. NETWORK AND POST SERVICES

Article 11. Public post network

1. The public post network is built, managed and developed according to strategies, schemes and plans approved by State competent authorities.

2. The public post network consists of post centers, post offices, counters and public mail boxes and they are all connected by mail lines.

3. Post offices, counters and public mail boxes are preferentially located at rail stations, bus stations, seaports, airports, border ports, communities and public sites to meet users' needs.

4. Constructions on the public post network are essential elements of infrastructure and they have to be placed on overall plans of construction design of urban areas, communities, industrial zones, export-processing zones, new economic zones and other public constructions to ensure uniformity in investment and development and facilitate service's provision and utilization.

Article 12. Mail delivery networks

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 13. Specific post networks.

Specific post networks under administration of Party's agencies, People's arm forces are set up for providing services to these agencies Organization and operation of these networks are regulated by the Government.

Article 14. Postal codes

1. Postal codes compose letter to identify postal addresses that are used for the operation of the public post network and post services.

2. Government agencies administration post and telecommunication issue and manage the plan of postal codes in compliance with socio-economic development and ensuring their stable, long -term use and conformity with international practices.

Article 15. Post services

Post services include:

1. Core post service is collecting, sending and delivering parcels and mail packages.

Mail packages include mails (except letters carried by enterprises providing mail delivery service) postcards, small boxes, publications, study material for the blind sent through the public post network.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Auxiliary post service is provided in addition to core post service to meet higher demand of users for quality.

State agencies governing post and telecommunication shall designate and public list of concrete services under this Article.

Article 16. Public post services

1. Public post services include:

a) A universal post service is a post service that is provided for all the people on weights, qualities and prices conditions set forth by competent authorities;

b) A compulsory service is provided to serve the State requests for socio-economic development and national defense and security.

2. Based on State's requests, stage of socio-economic and post development in each period, agencies governing post and telecommunication shall provide concrete regulation on provision of public post services.

3. The State shall have assistance policy on providing public post services through reserved post services and other financial assistance.

Article 17. Collecting and delivering mails, parcels, and mail packages

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a) Legitimate mails, post cards are put into public mail boxes;

b) Mails, parcels and mail packages are collected at post offices, counters or addresses of service users.

2. Mails, parcels and mail packages are delivered to receivers when:

a) Putting into mail receiving boxes, delivering to receivers addresses or proxies for receivers;

b) Delivering to receivers at the post offices or counters of service providing enterprises.

3. When not yet delivered to receivers or proxies for receivers, mails, parcels and mail packages are still under senders determination except they are captured or destroyed according to law and.

4. Mails, parcels and mail packages that can not delivered to receivers and not returned to senders after 12 months since sending dates shall be seen as unrecognized mails, parcels and mail packages. The Government shall provide regulation on solving unrecognized mails, parcels, and mail packages.

Article 18. Objects that mails, parcels and mail packages are not allowed to contain

Mails, parcels and mail packages are not allowed to contain:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Explosive, flammable and dangerous objects and substances;

3. Viet Nam currency, foreign currencies;

4. Objects, substances that cause insanitation and pollution.

Article 19. Parcels and mail packages that are given priority for delivering

Organizations, individuals providing transportation services by ways of roads, water-roads, airways, railways have to preferentially carry parcels and mail packages in compliance with terms of contracts signed with post enterprises and guaranteeing safety of these parcels and mail packages during carrying process.

Article 20. Proceeding customs procedures

Mails, parcels and mail packages sent from Viet Nam to overseas have to be in pursuit of customs procedures according to law and regulation on customs procedures. Customs offices are responsible for ensuring that customs procedures shall be proceeded quickly and efficiently without having negative impacts on post services quality.

Section 2. POST STAMPS

Article 21. Managing stamps

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a) General stamps that do not have expired dates and can be reprinted;

b) Specific stamps that have expired dates and can not be reprinted; when expired, unused stamps have to be destroyed.

2. When legally issued, not banned for circulation, issuance and being undamaged, post stamps are used as means of settlement for services prices.

3. Post enterprises have to sell general stamps and specific stamps within the authorized periods at price quoted on stamps for purpose of settlement for services prices.

4. State agencies governing post and telecommunication manage post stamps through approving post stamps subject matters, samples and designs; providing regulation on stamps archives, appraisals, destruction and exportation and importation.

Article 22. Trading post stamps

1. Organizations and individuals are allowed to trade post stamps for collection purpose.

2. Trading post stamps for collection purpose has to be independent of trading post stamps on the public post network for purpose of services settlement.

Section 3. PARTIES PROVIDING AND UTILIZING POST SERVICES

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Viet Nam Post is monopoly state-owned enterprise which is established in accordance with law and regulation to provide public post services

2. Viet Nam Post have following authorities and responsibilities:

a) Setting up the public post network nationwide and overseas;

b) Providing public post services and fulfilling other public duties as assigned by the State;

c) Protecting the post networks safety and information security

d) Implementing independent reporting books for universal post services, compulsory post services, specific post services;

d) Fully and truly providing service users with all information on services at offices or publications;

e) Bearing the name "Buu chinh Viet Nam" when carry out business activities;

g) Using the public post network for providing financial services, deposit, money transfer, paper publication and other services as provided for by law and regulation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



i) Other authorities and responsibilities as provided for under law and regulation.

3. Establishment, organization and operation of Viet Nam Post is governed by the Government..

Article 24. Enterprises providing mail delivery service

1. Enterprises from all economic sectors are allowed to provide mail delivery service.

2. The Government shall issue detailed regulation on management, mail volume, quality and prices of services.

Article 25. Post and mail delivery agents

1. Post and mail delivery agents are Vietnamese organizations and individuals representing post and mail delivery enterprises through brokerage contracts to provide post, mail delivery services and receive commissions. Brokerage have to be documented.

2. Post and mail delivery agents have rights and duties as follows:

a) Providing post and mail delivery services with services forms, quality and prices are in accordance with terms of brokerage contracts;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c) Complying with provisions on providing post and mail delivery services and terms of brokerage contracts;

d) Other rights and duties in accordance with law and regulation.

Article 26. User of post service, mail delivery service

1. User of post service, mail delivery service who is organization, individual in Vietnam use post service, mail delivery service through contract with post enterprise, mail delivery enterprise.

2. The rights and obligations of the user of post delivery service, mail delivery service as follow:

a) The information to be sufficiently and accurately provided for using service;

b) Loss and damage to be compensated as current law regulated;

c) Making favorable condition for post enterprise, mail delivery service enterprise deliver mail, mailer, package to its address and letter-box to be installed in suitable place for delivery;

d) Using service with right name and address; using others name and address if permitted;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 27. Price of post service, mail delivery service.

1. Prime Minister decides charges of important post service, which have an effect on branches or socio-economic development.

2. The Post and telecommunication management Government agency decide post public service, post dedicated service charges and mailing delivery service charge-frame base on service cost, socio-economic development policy and purpose of post development by time-period.

3. Enterprise decide specific mailing delivery service charges within charge-frame regulated in item 2 this article and specific post service charge, excluding public post services, post dedicated service charges regulated in item 1 and item 2 this Article.

Section 4. POST OPERATION CONDITIONS

Article 28. Post license

1. Post license category:

a) License issued for mail delivery service not exceeding 10 years;

b) Experiment license issued for mail delivery service or other services of public post network not exceeding 01 years. Before the license has expired, the license can be considered to renew if enterprise satisfy conditions and require to continuously providing service.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Purchase, transfers of post license are strictly prohibited

4. Mail delivery activities as follow are not register:

a) Individual deliver mail base on agreement with sender and not receive any fee and amount of maximum number of mail meet regulations of the Post and telecommunication management Government agency;

b) Agencies, organizations, enterprises deliver mail inside organizations or to customer for no fees.

5. Government defines in specific competence and condition to issue post license; post license management and usage.

Article 29. Standard, quality of post service, mail delivery service

1. The post service, mail delivery service standard, quality system include:

Vietnam standard, branch standard, organization standard, foreign standard and international standard applied in Vietnam as regulated in current standard, quality Law.

2. Post enterprise has to apply standard regulated in standard law and standard provide by Post and telecommunication management Government agency for popularize post services, dedicate post services.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Post and telecommunication management Government agency promulgate all services have to be applied standard and specific regulation for post service standard and quality management.

5. Government encourages post service, mail delivery service enterprise voluntary applies quality management system, voluntary propose to certify service quality, certify service quality management system.

Section 5. DISPUTE SETTLEMENT AND DAMAGE COMPENSATION IN PROVIDING AND USING POST SERVICE, MAIL DELIVERY SERVICE

Article 30. Dispute settlement

Contracting parties take part in providing, using post service, mail delivery service have obligation to implement contract. Dispute cause by contract violence, signers can be consented to settle the matter; if unsolvable, they can be required authorities resolve according to regulations of law.

Article 31. Damage compensation liability

1. Contracting parties take part in providing, using post service, mail delivery service have obligation to compensate the damage of providing and using post service, mail delivery service to other. Compensation has to comply with law regulation.

2. Post service, mail delivery service provider has no obligation to compensate indirect damage or loss profit cause by providing unstable quality service.

3. Post service, mail delivery service providers are excused to damage compensation in irresistible case according to law regulations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



TELECOMMUNICATIONS

Section 1. TELECOMMUNICATIONS NETWORKS AND SERVICES

Article 32. Terminal equip and intranet.

1. Subscribe terminal is a users fix or mobile terminal connected or accessed to public Telecommunication network through end switch of public Telecommunication network.

2. Public terminal is a Telecommunication enterprises fix or mobile terminal connected or accessed to public Telecommunication network through end connector of public Telecommunication network.

3. Intranet is a Telecommunication equipment system built and operated by organization or individual with address and defined scope of location in which it has right to legally use for internal communication.

4. Telecommunication service user can design and set up personally or hire other organization or individual design and set up subscribe terminal or intranet to the end switch of public Telecommunication network.

5. Subscribe terminal and intranet switch on public Telecommunication network has to conform to regulation of equipment standardization and radio frequency usage.

6. Telecommunication company connect subscribe terminal and intranet to public Telecommunication network through contract with service user. Post and telecommunication Government management agency define terminal equipment, intranet, and end switch of public Telecommunication network.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Telecommunication network include public Telecommunication network, dedicate Telecommunication network, specific Telecommunication network are combination of Telecommunication equipment connected by wire.

2. Telecommunication network activity is not permitted to damage environment and socio-economic activities. Socio-economic activities are not permitted to distort or wreck Telecommunication cable, antenna, and equipment system and to damage other Telecommunication network activities.

Article 34. Public Telecommunication network

1. Public Telecommunication network is Telecommunication network established by Telecommunication enterprise to provide Telecommunication services. Public Telecommunication network is constructed and developed by strategy, programming, and plan approved by Government authorities.

2. Public Telecommunication construction is a key part of infrastructure of project and overall plan construction of city area, population area, industry area, export processing zone, new economic zone and other public construction to ensure unification and synchronous in construction investment and convenient to provide and usage of service.

3. Public Telecommunication construction has priority to use space, surface, earth, river-bottom, seabed; Telecommunication line can be combined to run among road, bridge, drain, side-walk, street, electricity line in order to easy construct, repair, maintain, and protect.

4. Public serving points for everyone are priority to settle in train station, bus station, seaport, airport, frontier pass and other public places.

Article 35. Dedicated Telecommunication network.

Dedicated Telecommunication network is Telecommunication network established by agencies, organizations, enterprises operate in Vietnam to.communicate network member, including Telecommunication equipment established in different places and connected together by hiring or self construct lines.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Specific Telecommunication network is Telecommunication network used for special communication of Party and government agencies, or defend and security communication. Government specifically regulate for establishment and operation of this network.

Article 37. Telecommunication service

1. Telecommunication service are:

a) Basic service is an service immediately transfer Telecommunication service via Telecommunication network or internet without changing form or content of information;

b) Value added service is a service increase user information value by improve forms or content of information or provide information backup and recover capacity based on using of Telecommunication network or Internet;

c) Internet connection service is service that provided capacity to connect each other and Internet for agencies, organizations, and enterprises;

d) Internet Access service is a service that provide ability to access Internet;

e) Internet application service in post and Telecommunication is a service using Internet to provide post and Telecommunication services for user. Internet application service in socio-economic sectors has to conform to post and Telecommunication regulations and other related regulation.

2. Post and Telecommunication management authorities regulate and promulgate specific list of Telecommunication services regulated in this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 38. Telecommunication enterprise

1. Telecommunication enterprises are:

a) Lower Layer network provider enterprise is a state enterprise or state hold major share enterprise, which established under regulation of law to construct network lower layer and provide Telecommunication services.

b) Telecommunication service provider enterprise is a Vietnam multi economic sections enterprise, which established under regulation of law to provide Telecommunication services.

2. Right and obligation of Telecommunication enterprise:

a) Lower layer network provider enterprise can establish public Telecommunication network to directly provide and resell Telecommunication service;

b) Telecommunication service provider enterprise can establish Telecommunication equipment systems in its organization and public serving place to directly provide value added service, Internet accession service and resell Telecommunication service; establishment of transfer line outside its organization and public serving place is not permitted;

c) Safely protect Telecommunication network and information channel;

d) Provide Telecommunication service for Telecommunication service user in Vietnam and abroad according to law of Vietnam and law of country in which services are provided;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



f) Hiring transfer line to connect Telecommunication equipment systems of organization, of Telecommunication network, and other Telecommunication enterprises service;

g) Implement task mobilized by government in urgent case and other public tasks;

h) Implement measures to protect Telecommunication service users right and legal benefit;

i) Compete under law in Telecommunication service activity;

j) Implement regulation and be controlled by government authorities in protecting Telecommunication network and information security;

k) Other rights and obligations conform to current law.

Article 39. Telecommunication enterprise holding dominated market-share of Telecommunication service

1. Telecommunication enterprise holding dominate market-share of Telecommunication service is enterprise hold more than 30% market-share of Telecommunication service type in permitted area and can be directly affect the market penetration of other in that service market. Post and Telecommunication government management identify enterprise holding dominated market-share Telecommunication service.

2. Rights and obligations of Dominated market-share Telecommunication service holding enterprise are:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) Using advantages to limit or harm to service provide activities of other Telecommunication enterprise are not permitted;

c) Separately Account the restrain market-share Telecommunication service;

d) Be controlled by government authorities for market-share, quality and charge of restrain market-share Telecommunication service.

Article 40. The Rights and obligations of dedicated Telecommunication network host

1. Dedicated Telecommunication network host is Vietnam agency, organization, enterprise or foreign agency, organization, enterprise that legally operates in Vietnam is licensed to establish dedicated Telecommunication network.

2. The rights and obligations of dedicated Telecommunication network host are:

a) Constructing or hiring transfer line to establish dedicated Telecommunication network and connecting to public Telecommunication network; implementing accurately stipulations of license;

b) Using information sources in programming to establish network and provide information to networks member conform to regulations;

c) Safely protecting its dedicated Telecommunication network and information;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



e) Implementing regulation and controlled by government authorities in protecting Telecommunication network and information security;

f) Other rights and obligations conform to current law.

Article 41. Telecommunication service agent

1. Telecommunication service agent is Vietnamese organizations, individuals who are on behalf of Telecommunication enterprise to supply telecommunication service to users through agent contract to obtain commission. Agent contract must be made in writing.

2. Telecommunication service agent has the following interests and obligations:

a) to establish terminal equipments at the place where he/she/it has full legal use-right to provide telecommunication services at such place in accordance with the types, quality and service charges agreed in the agent contract and to obtain commission; to re-sell telecommunication services to users at such place on the basis of purchasing services of telecommunication enterprises in accordance with the types, quality and service charges agreed in the agent contract;

b) to be guided techniques and supplied information and other related conditions by telecommunication enterprises to ensure the providing services to users;

c) to abide by regulations regarding providing services, reselling services and provisions in agent contract.

d) other legal interests and obligations in accordance with the provisions of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. User of telecommunication services is a organization, individual concluding contracts with telecommunication enterprises or telecommunication agents to use telecommunication services.

2. The user of telecommunication services has the following rights and obligations:

a) to establish immovable subscribing terminal equipments at the place where he has full legal use-right or to use the movable subscribing terminal equipments to access to public telecommunication networks in accordance with the contract concluded with telecommunication enterprises or telecommunication service agents;

b) to select enterprises or telecommunication service agents to use telecommunication services, except to the prohibited or disallowed services;

c) to be guaranteed private information in accordance with the provisions of law;

d) to be compensated damages or losses in accordance with the provisions of law;

e) not to be allowed to use his/her/its subscribing terminal equipments to do business in telecommunication service under whatever types;

f) to protect password, encoded key and his/her/its equipment system;

g) to be responsible in front of law for the content of up loaded, stored, transmitted on telecommunication network, Internet information;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 43. Connecting into Telecommunication network

1. Connection is a physical and logical linkage of telecommunication networks, accordingly, the service users of one network would access to the users or services of other networks, vice versa.

2. The Connection of public telecommunication networks is stipulated as follows:

a) Telecommunication enterprise is entitled to connect its telecommunication network with other enterprises telecommunication networks, at the same time to be obliged to let other telecommunication enterprises connect to its telecommunication network or services under reasonable conditions of equality based on efficient use of information resources, use of same connecting site and technical infrastructure through agreement concluded by parties.

b) Telecommunication enterprises controlling essential equipments which play the key role in connection and providing telecommunication services arent allowed to deny connection request of exclusive telecommunication hosts and other telecommunication enterprises, at the same time create favorable conditions for the negotiation and implementation of connection, if request is duly made and feasibly in economic and technique;

c) Telecommunication enterprises implement negotiation, conclusion of connection agreements in accordance with the provisions of States authority of post, telecommunication; in case no agreement has been reached in the provided time-limit or conflicts have arisen during implementation of connection agreement, according to the request of one of parties participating connection, States authority of post, telecommunication will hold consultative meeting among parties, after meeting if there have not been any agreement reached, the States authority of post, telecommunication will consider and make decision. The connection agreement is only in effect since to be registered at States authority of post, telecommunication.

3. The exclusive telecommunication network connection is stipulated as follows:

a) Exclusive telecommunication network is connected into public telecommunication network on the basis of ensuring technical standards of public telecommunication network and in conformity with the provisions on connection between exclusive and public telecommunication networks;

b) The connection between exclusive and public telecommunication network is implemented under connection agreement in writing between telecommunication enterprise and exclusive telecommunication network owner.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 44. Telecommunication service charges

1. Government Prime Minister makes decision of the key telecommunication service charges which would have great affect to other industries and social - economic development.

2. States authority of post, telecommunication make decision on charges of public beneficial telecommunication services, market dominated telecommunication services and charges of connection among enterprises on the basis of service cost, social economic development policy and objectives of telecommunication development for each stage.

3. Telecommunication enterprises make decision of specific charges for each kind of telecommunication service except to charges provided at paragraph 1 and 2 of this Article.

Section 3. TELECOMMUNICATION LICENSE

Article 45. Types of Telecommunication licenses

1. Licenses for doing business in Telecommunication industry include:

a) License for network establishment and providing telecommunication services to be issued with time-limit not more than 15 years.

b) License for providing telecommunication service to be issued with time-limit not more than 10 years.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a) License for exclusive network establishment to be issued with time-limit not more than 5 years;

b) License for construction of telecommunication cable in economic privileged territory, land under sea of Vietnam to be issued with time-limit not more than 25 years

3. License for experiment of network and telecommunication services to be issued with time-limit not more than 1 year. Prior to the time-limit of licenses stipulated in this Article ending, if enterprise satisfies requirements and submits request for continuing to provide services it will be considered to grant new license.

Article 46. Regulations on license

1. In case of license issuance relating to the use of information resources, the license is only be granted if the allocation of information resources is feasible.

2. License issuance for network establishment and providing telecommunication services stipulated at point (a) paragraph 1 Article 45 of this Ordinance is only implemented after having approval in writing of Government Prime Minister.

3. Telecommunication enterprise is obliged to pay evaluation fee, license fee and other fees relating to telecommunication sector in accordance with the provisions of law.

4. The selling, buying or assignment of all kinds of telecommunication licenses are prohibited.

5. Government stipulates in detail on authorization and requirements of telecommunication license issuance; management and use of telecommunication licenses.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 47. Plan of telecommunication coding and Internet resources

Plan of telecommunication coding and Internet resources must be conformed the following regulations:

1. Strategy of long-term development of services and subscribers;

2. Maximum of efficiency of telecommunication networks and equipments utility;

3. Efficient use of telecommunication data sources and Internet resources;

4. Accessible to global telecommunication services and networks;

5. Protection of legal rights and interests of service users;

6. Fair competition among telecommunication enterprises

Article 48. Management of telecommunication number source and Internet resources

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Telecommunication enterprise constructs the plan of telecommunication coding and Internet resources within the limit of telecommunication number source and Internet resources allocated, at the same time grants or leases numbers to organizations and individuals using services in conformity with enterprises plan and regulations of telecommunication number source and Internet resources.

3. Telecommunication enterprise is responsible to report plan and circumstance of using names, codes, and numbers allocated under the provisions of States authority of post, telecommunication; for not-in-use names, codes, and numbers, telecommunication enterprises must return to States authority of post, telecommunication, if not, such will be withdrawn.

Section 5. PROVIDING PUBLIC BENEFECIAL TELECOMMUNICATION SERVICES

Article 49. Public beneficial telecommunication services

Public beneficial telecommunication services include:

1. Universal telecommunication services are telecommunication services to be generally supplied to every people in accordance with requirements, quality and charges stipulated by the competent authority

2. Compulsory telecommunication services are telecommunication services to be supplied by States request for the purpose of social economic development and guaranteeing national defense and security.

On the basis of States request, circumstance of social economic development and telecommunication market in each stage, States authority of post, telecommunication specifies the provisions of providing public beneficial telecommunication services.

Article 50. Implementation of obligation to provide public beneficial telecommunication services

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a) Stipulating connection charges on the basis of cost and the contribution of the providing public beneficial telecommunication services;

b) Building up a Fund for public beneficial telecommunication services from the contribution of telecommunication enterprises and other financial sources.

2. The use of the Fund for public beneficial telecommunication services in order to provide public beneficial telecommunication services are carried out under the following forms:

a) to nominate enterprise providing public beneficial telecommunication service on the basis of evaluation of the enterprises project providing public beneficial telecommunication services;

b) to tender to select enterprise providing public beneficial telecommunication services.

Article 51. Management of providing public beneficial telecommunication service

1. Government regulates policies and specific measures for implementation of providing public beneficial telecommunication services on the basis of requirements for social economic development and the development of telecommunication market in each stage.

2. States authority of post, telecommunication specifies the public beneficial telecommunication services and manages and supervises the implementation of obligation to provide public beneficial telecommunication services of telecommunication enterprises.

3. Telecommunication enterprises are responsible to implement obligations to provide public beneficial telecommunication services in accordance with the provisions of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 52. Telecommunication standard and quality system

1. Standard and quality system of equipments, telecommunication network, network connection, telecommunication construction and services includes Vietnam Standard, industrys standards, local standards, foreign standards and international standards applied in Vietnam in accordance with the provision of law on standards, quality.

2. States authority of post, telecommunication announce types of equipments, telecommunication networks, telecommunication construction and services required to apply standard.

Article 53. Telecommunication standard, quality management

1. Forms of telecommunication quality management

a) Certification of standard satisfaction for telecommunication equipments;

b) Quality announcement to telecommunication network and telecommunication services;

c) Quality examination of telecommunication construction

2. Telecommunication equipments in the list required Certification of standard satisfaction, in the list of country permitted transaction in market or telecommunication network plug-in required quality satisfactory examination; telecommunication constructions in the list required evaluation are requested to examine before operation; public telecommunication network, basic telecommunication services; Internet connection service, Internet accessing service before operation, providing to users must conformed to standards stipulated by States authority of post, telecommunication.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Government encourages organizations, individuals manufacturing or trading equipments, telecommunication networks and telecommunication service spontaneously to apply quality management system; to submit for certification of quality management system; spontaneously to submit for certification of standards, equipment quality fulfillment of telecommunication network, and telecommunication service, except cases provided in paragraph 2 of this Article.

5. States authority of post, telecommunication specifies on standard of management, telecommunication quality.

Article 54. Examination, measurement and certification of standard and quality fulfillment

1. States authority of post, telecommunication stipulates requirements for domestic and foreign examination organizations in order to serve quality management and announce the competent authority for examination and measurement.

2. Reciprocal recognition on certification of standard, telecommunication quality fulfillment among Vietnam and foreign countries and international organizations is implemented in accordance with the provisions of international treaties which Vietnam has signed or jointed.

Section 7. DISPUTE SETTLEMENT AND DAMAGE COMPENSATION IN PROVIDING, USING TELECOMMUNICATION SERVICES

Article 55. Dispute settlement

All parties providing, using telecommunication services are responsible to implement the concluded contracts. When disputes caused by contract violation have arisen; all parties would arrange agreement on dispute settlement; in case no agreement has been reached, competent authority or organization would be on the request to settle in accordance with the provisions of law.

Article 56: Charges refund and damage compensation

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. All parties providing, using telecommunication services are responsible to compensate damages that he/she/they made to other parties in providing or using the disqualified telecommunication services.

3. All parties providing, using telecommunication services does not have to compensate indirect damages or benefit lost caused by providing, using the disqualified guaranteed telecommunication services.

4. All parties providing, using telecommunication services are exempted from the responsibility to compensate damage in case of Force Majeure in accordance with the provisions of law.

Chapter IV

RADIO FREQUENCY

Section 1. PLANNING, ALLOCATION AND NOMINATION OF RADIO FREQUENCY

Article 57. Management, use of radio frequency and satellite orbit

Management, use of radio frequency and satellite orbit under the jurisdiction of Vietnam will be implemented efficiently, equally and economically in accordance with States plans; ensuring the operation of radio information system not to be effected by harmful radio disturbance or to produce harmful radio disturbance to meet the demand of radio frequency to use for social economic objective, national defense, security and to create condition for fast development of new technology of telecommunication, to protect national sovereignty of the use of radio frequency and satellite orbit.

Article 58. Planning radio frequency spectrum

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Planning national radio frequency spectrum has to meet the requirements of radio frequency use for purposes, to be in conformity with international regulations and the special parameters of using radio frequency in Vietnam, to make proper priority for new telecommunication technology. Planning national radio frequency spectrum is constructed by States authority of post, telecommunication and approved by Government Prime Minister.

2. Based on the plan of national radio frequency spectrum, States authority of post, telecommunication constructs and issues the plan of frequency, channels, and plan of local radio frequency.

3. Organizations, individuals manufacturing, importing or using radio broadcasting equipments, radio appliances have to conform to the plan of radio frequency stipulated on this Article.

Article 59. Allocation of radio frequency to serve national defense, security purposes

1. Government Prime Minister stipulates the band of radio frequency serving national defense, security purposes on the proper proportion with demand, mission and in respect to international general regulations.

2. Government Prime Minister makes decision to establish the Committee of radio frequency in order to consult the Prime Minister in coordination of radio frequency management in social economic activities, national defense, security.

Article 60. Use of radio frequency to supply rescue information

1. States authority of post, telecommunication announce the specific radio frequency to solely serve for national and international rescue information.

2. The use of radio frequency other than serving for safety, rescue information; the harmful radio disturbance to radio frequency solely serving for safety, rescue information are prohibited.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The allocation, nomination of radio frequency must be implemented in accordance with the provisions at articles 57, 58 and 60 of this Ordinance and on the basis of potential of radio frequency spectrum, to make proper priority for demand to use radio frequency to serve purposes of national defense, security, social economic and efficient use of technology of radio frequency.

States authority of post, telecommunication stipulate and announce conditions of allocation, assignment and use of radio frequency, radio frequency band.

Section 2. RADIO FREQUENCY LICENSE

Article 62. Types of radio frequency license

1. Types of radio frequency license include:

a) Frequency band license is granted with time-limit not more than 15 years;

b) Frequency license and license to use radio broadcasting equipments is granted with time- limit not more than 5 years.

2. Licenses are only granted when the allocation and assignment of radio frequency are feasible.

3. Organizations, individuals who are issued licenses are responsible to pay license fees in accordance with the provisions of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Government specify authorization, requirements of radio frequency license issuance; management and use of radio frequency licenses.

Article 63. Radio equipments required condition

States authority of post, telecommunication stipulate and announce technical requirements and exploitation of equipments required condition; organizations, individuals using such equipments must carry out duly the announced technical requirements and exploitation and not be required radio frequency license.

Article 64. Responsibility of organizations, individuals using radio frequency band.

1. Organizations, individuals operating in Vietnam using radio frequency, radio frequency band and radio broadcasting equipments in respect of radio area are required radio frequency license, except to provisions at Article 63 of this Ordinance to use radio frequency, frequency band and radio broadcasting equipments.

2. Organizations, individuals granted radio frequency licenses must conform to the provisions of law on establishment, use of radio frequency and radio broadcasting equipments; pay fee for the use of radio frequency in accordance with the provisions of law; not make radio disturbance to other radio stations and be under supervision of States authority of post, telecommunication.

Article 65. Manufacture, import of radio receiving broadcasting equipments

Organization, individuals manufacturing, importing radio receiving broadcasting equipments must be obtained approval in writing of States authority of post, telecommunication.

Article 66. Certificate of Radio Operator

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Section 3. RADIO FREQUENCY SUPERVISION, RADIO DISTURBANCE SETTLEMENT AND MANAGEMENT OF ELECTROMANEGTIC COMPETIBLITY

Article 67. Radio frequency supervision

1. Supervision of radio frequency and radio broadcasting equipments is for the purposes of ensuring the enforcement of Vietnamese laws, international treaties which Vietnam concluded or joined; measuring radio broadcasting technical parameters to manage the use of radio frequency, to discover, prevent and to settle law violations.

2. The results of supervision, measurement of technical parameters of radio broadcasting equipments are the basis to define and settle actions violating law in the respect of radio frequency management.

3. Foreign organizations, individuals are forbidden to measure radio transmitting and broadcasting parameters in Vietnam, except to the case having approval of competent authority.

4. The use of radio frequency and radio equipments installed in sea-boats, air planes of Vietnam and foreign countries entering to Vietnams territory must be conformed to the provisions of Vietnamese law, international treaties which Vietnam concluded or joined; the users, radio equipments in such vehicles must be under supervision of the competent authority.

Article 68. Harmful radio disturbance settlement

1. Organization, individual obtained radio frequency license has right to make complaint in accordance with the provisions of law when his/her/its

radio frequency is disturbed by other radio.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. States authority of post, telecommunication is responsible to implement supervision, examination of radio frequency; manages and coordinates with the Ministry of Defense, the Ministry of Social Security to examine, supervise and settle harmful disturbance among information network serving social economic purposes and national defense, security purposes.

Article 69. Management of electromagnet compatibility

1. Electromagnet compatibility is the capacity of equipments, system of equipments operating without creating harmful radio disturbance to other equipments, system of equipments in the environment of electromagnet.

2. Equipment, system of equipments which are used in information area or in other sectors such as science, technology, industry, healthcare etc. must conform to the provisions of electromagnet compatibility in order to ensure not to create harmful radio disturbance to the area of radio-goniometry, safety, rescue and other radio areas.

The Government specifies the management of electromagnet compatibility.

Chapter V

INTERNATIONAL CO OPERATIONS IN POST AND TELECOMMUNICATIONS

Article 70. Principle in international cooperation in post and telecommunications

The State has the policy on the promotions of international cooperation in post and telecommunications among countries and international organizations on the principle of respect of independence, sovereignty and equality, mutual benefit and in compliance with the laws and regulations of each cooperating country as well as international laws and practices to develop post and telecommunication activities, promote international cooperation and friendships and mutual understanding between Vietnam and other countries, international organizations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Activities in international cooperation in post and communications include:

1. Promotion and public relations campaigns on the policy directions, development policies in post and telecommunications with other countries and international organizations.

2. Development of current cooperation relationship and establishment of new linkages in post and telecommunications with other countries;

3. Participation in regional and international organizations in post and telecommunications;

4. Support and promotion of human resources;

5. Coordination of scientific research and application as well as transfer of advanced technology;

6. Exchange of information and experience in the development of post and telecommunication;

7. Formulation and implementation of program and international projects on post and telecommunications.

Chapter VI

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 72. State management in post and telecommunications

The state management in post and telecommunications includes:

1. Formulation and provision of instructions in the implementation of strategies, planning and development policy in post and telecommunications;

2. Issuance and implantation of legal documents in post and telecommunications;

3. Provision of directions in the formulations, issuance and provision of standards and quality in post and telecommunications; safety and security management in post and telecommunications;

4. Issuance, suspension and revocation of licenses and certificates in Post and telecommunications;

5. Organization of the management and use of information resources and inter-connections among telecom networks;

6. Issuance and management of tariffs, fees and charges, public utility activities in post and telecommunications;

7. Organization and implementation of international cooperation inpost and telecommunications; signing and accession to international treaties in post and telecommunications; Coordination in radio frequency managements with other countries and registration of electro-radio frequency, satellite orbit with relevant international organization;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



9. Inspection and control; settlement of complaints, accusations and violations of legislations in post and telecommunications.

Article 73. Competence of State management in post and telecommunications

1. Government shall oversee the state management in post and telecommunication nationwide.

2. State management agency in post and telecommunications shall be responsible before the Government in the State management in post and telecommunication.

3. Ministries and ministerial level agencies, Peoples Committees of provinces and cities under central authority are responsible for cooperating with State management agency in post and telecommunications in the state management in post and telecommunications.

Article 74. Post Inspection

1. Post inspection shall undertake the specialized inspections in post and telecommunications.

2. Post inspection has the following tasks:

a) Inspections and control on compliance with legislation in post and telecommunications;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c) Settlement of complaints and accusations in compliance with relevant laws. The Government shall provide for 3. Organizations and operations of Post Inspection.

Article 75. Complaints and accusations

1. Organizations and individuals have the right to lodge complaints and accusations and bring charge against administrative decisions and measures imposed by competent agencies and organizations in the implementations of the legislation in Post and Telecommunications.

2. Individuals have the rights to make accusations on violations of the

legislations on Post and telecommunications to relevant competent agencies, organizations and individuals.

3. The competence and procedures on dealing with complaints and accusations shall be in compliance with relevant law and regulations.

Chapter VII

REWARD AND PUNISHMENT OF VIOLATIONS

Article 76. Rewards

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 77. Sanctions against violations

1. Those who violate the provisions of this Ordinance and other regulations in Post and Communications shall be punished based on the degree and nature of violations by administrative sanctions and damages in compliance with relevant laws and regulations.

2. Though who abuse their position and competence in violation with the provisions of this Ordinance and other regulations in Post and Communication shall be punished based on the degree and nature of violations by disciplinary actions and/or criminal charges and damages in compliance with relevant laws and regulations.

Chapter VIII

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 78. Effectiveness

This Ordinance shall be effective as from 1 st October 2002. Other regulations to the contrary of the provisions of the Ordinance shall be nullified.

Article 79. Implementation

The Government shall provide details and guidance on the implementation of this Ordinance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



FOR THE STANDING COMMITTEE
NATIONAL ASSEMBLY




Nguyen Van An

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Pháp lệnh Bưu chính, viễn thông năm 2002

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


17.611

DMCA.com Protection Status
IP: 18.222.110.231
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!