CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
59/2020/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày
27 tháng 5 năm 2020
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ
Căn cứ Luật Tổ
chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thi hành án hình sự ngày 14 tháng
6 năm 2019;
Căn cứ Luật
Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật An
toàn thông tin mạng ngày 19 tháng 11 năm 2015;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ sở dữ
liệu về thi hành án hình sự.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về
xây dựng, thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng (gọi chung là xây
dựng, quản lý, sử dụng) cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự; trách nhiệm, quyền
hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong xây dựng, quản lý, sử dụng
cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự.
Điều 2.
Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với
cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự và các cơ
quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ
liệu về thi hành án hình sự.
Điều 3.
Nguyên tắc xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự
1. Tuân thủ Luật Thi hành án hình sự; Nghị định này và các
quy định của pháp luật khác có liên quan.
2. Mọi thông tin liên quan đến
việc thi hành án hình sự của người, pháp nhân thương mại chấp hành án, chấp
hành biện pháp tư pháp phải được thu thập, cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính
xác, khách quan, khoa học và khai thác, sử dụng đúng mục đích, theo đúng quy định
của pháp luật.
3. Bảo đảm bí mật thông tin
cá nhân của người, thông tin của pháp nhân thương mại chấp hành án, chấp hành
biện pháp tư pháp theo quy định của pháp luật.
4. Việc quản lý, kết nối,
chia sẻ dữ liệu trong cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự thực hiện theo Nghị
định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ
liệu số của cơ quan nhà nước.
Chương
II
XÂY DỰNG, QUẢN
LÝ, SỬ DỤNG CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ
Điều 4.
Cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự
1. Cơ sở dữ liệu về thi hành
án hình sự là tập hợp thông tin về tình hình, kết quả thi hành án hình sự và
thông tin khác có liên quan đến người, pháp nhân thương mại chấp hành bản án,
quyết định của Tòa án về các hình phạt và biện pháp tư pháp.
2. Cơ sở dữ liệu về thi hành
án hình sự do Bộ Công an thống nhất quản lý là một bộ phận của hệ cơ sở dữ liệu
quốc gia về thông tin phòng, chống tội phạm nhằm phục vụ công tác quản lý nhà
nước về thi hành án hình sự.
3. Cơ sở dữ liệu về thi hành
án hình sự bao gồm:
a) Cơ sở dữ liệu về thi hành
án hình sự trong Công an nhân dân;
b) Cơ sở dữ liệu về thi hành
án hình sự trong Quân đội nhân dân.
Cơ sở dữ liệu về thi hành án
hình sự trong Công an nhân dân được kết nối với cơ sở dữ liệu về thi hành án
hình sự trong Quân đội nhân dân. Bộ Công an sau khi thống nhất với Bộ Quốc
phòng ban hành hướng dẫn việc kết nối, cung cấp, trao đổi dữ liệu giữa cơ sở dữ
liệu về thi hành án hình sự trong Công an nhân dân và cơ sở dữ liệu về thi hành
án hình sự trong Quân đội nhân dân.
Điều 5.
Cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự trong Công an nhân dân
1. Cơ quan quản lý thi hành
án hình sự thuộc Bộ Công an là cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về thi hành án
hình sự có trách nhiệm xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành án
hình sự trên phạm vi toàn quốc.
2. Cơ quan thi hành án hình
sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, trại giam,
trại tạm giam có trách nhiệm:
a) Thu thập, cập nhật thông
tin, khai thác cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự thuộc phạm vi quản lý;
b) Cung cấp dữ liệu thi hành
án hình sự về cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an.
Điều 6.
Cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự trong Quân đội nhân dân
1. Cơ quan quản lý thi hành
án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng có trách nhiệm:
a) Xây dựng, quản lý, sử dụng
cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự trong Quân đội nhân dân;
b) Cung cấp dữ liệu thi hành
án hình sự trong Quân đội nhân dân về cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc
Bộ Công an để xây dựng cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự.
2. Cơ quan thi hành án hình
sự cấp quân khu, trại giam, trại tạm giam trong Quân đội nhân dân có trách nhiệm:
a) Thu thập, cập nhật thông
tin, khai thác cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự thuộc phạm vi quản lý;
b) Cung cấp dữ liệu thi hành
án hình sự về cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.
Điều 7.
Xây dựng cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự
1. Cơ sở dữ liệu về thi hành
án hình sự được xây dựng đồng bộ, tập trung, thống nhất, dùng chung trên phạm
vi toàn quốc.
2. Cơ sở dữ liệu về thi hành
án hình sự được xây dựng tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ứng dụng
công nghệ thông tin; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và sự tương thích,
thông suốt giữa các hệ thống thông tin.
3. Thiết kế cấu trúc của cơ
sở dữ liệu về thi hành án hình sự phải có tính tương thích, khả năng tích hợp,
chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu nghiệp vụ khác có liên quan do Bộ Công an
quản lý; bảo đảm việc mở rộng, nâng cấp và phát triển.
Điều 8.
Thông tin trong cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự
1. Thông tin về tình hình, kết
quả thi hành án hình sự trong cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự bao gồm:
a) Số liệu về người, pháp
nhân thương mại chấp hành án, chấp hành biện pháp tư pháp;
b) Tình hình, kết quả thi
hành án hình sự đối với người, pháp nhân thương mại chấp hành án, chấp hành biện
pháp tư pháp;
c) Tình hình về nhân lực, cơ
sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ phục vụ công tác thi hành án
hình sự.
2. Thông tin cơ bản về người
chấp hành án, người chấp hành biện pháp tư pháp trong cơ sở dữ liệu về thi hành
án hình sự bao gồm:
a) Bản án, quyết định được
thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án hình sự;
b) Lý lịch người chấp hành
án, chấp hành biện pháp tư pháp;
c) Tóm tắt quá trình phạm tội;
d) Tiền án;
đ) Tiền sự;
e) Nghĩa vụ dân sự trong bản
án hình sự và việc thực hiện các nghĩa vụ dân sự;
g) Diễn biến quá trình chấp
hành án, chấp hành biện pháp tư pháp bao gồm hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành
án; miễn, giảm thời hạn chấp hành án; tha tù trước thời hạn có điều kiện, hủy bỏ
quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; buộc chấp hành án phạt tù của bản
án đã cho hưởng án treo; đình chỉ thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh;
hoãn, tạm đình chỉ chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng;
chấm dứt trước thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng;
giải quyết trường hợp người chấp hành án, chấp hành biện pháp tư pháp bỏ trốn
hoặc chết; kết quả chấp hành án, chấp hành biện pháp tư pháp;
h) Nơi về cư trú, làm việc của
người chấp hành án, chấp hành biện pháp tư pháp sau khi chấp hành xong hình phạt,
biện pháp tư pháp.
3. Thông tin cơ bản về pháp
nhân thương mại chấp hành án, chấp hành biện pháp tư pháp trong cơ sở dữ liệu về
thi hành án hình sự bao gồm:
a) Bản án, quyết định được
thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án hình sự;
b) Thông tin về pháp nhân
thương mại chấp hành án, chấp hành biện pháp tư pháp;
c) Tóm tắt quá trình phạm tội;
d) Nghĩa vụ dân sự trong bản
án hình sự và việc thực hiện các nghĩa vụ dân sự;
đ) Diễn biến quá trình chấp
hành án, chấp hành biện pháp tư pháp bao gồm cưỡng chế thi hành án, chuyển giao
nghĩa vụ thi hành án; kết quả chấp hành án, chấp hành biện pháp tư pháp.
4. Các hình thức thu thập, cập
nhật thông tin:
a) Báo cáo định kỳ, báo cáo
vụ việc, báo cáo chuyên đề về thi hành án hình sự và các số liệu thống kê theo
mẫu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
b) Hồ sơ người, pháp nhân
thương mại chấp hành án, chấp hành biện pháp tư pháp;
c) Các cơ sở dữ liệu có liên
quan;
d) Các hình thức khác.
Điều 9.
Lưu trữ dữ liệu thi hành án hình sự điện tử
1. Dữ liệu thi hành án hình
sự điện tử được xây dựng trên cơ sở số hóa hồ sơ chấp hành án, chấp hành biện
pháp tư pháp và tài liệu nghiệp vụ bằng giấy, có cấu trúc phù hợp với các tiêu
chuẩn dữ liệu thông tin đầu vào đảm bảo tính toàn vẹn, xác thực với hồ sơ, tài
liệu nghiệp vụ và được lưu trữ lâu dài.
2. Trong trường hợp có sự
sai lệch về nội dung giữa dữ liệu thi hành án hình sự điện tử và hồ sơ, tài liệu
nghiệp vụ bằng giấy thì cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành
án hình sự phải tiến hành kiểm tra, xác minh để điều chỉnh cho phù hợp.
Điều
10. Quản lý, bảo vệ cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự
1. Cơ sở dữ liệu về thi hành
án hình sự được quản lý, bảo vệ chặt chẽ, an toàn theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan được giao quản lý
cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự có trách nhiệm xây dựng các giải pháp kỹ
thuật, quy trình nghiệp vụ, quy định về cập nhật, quản lý cơ sở dữ liệu, vận
hành hệ thống, an ninh, an toàn thông tin, lưu trữ dữ liệu, kiểm tra hệ thống.
3. Cơ sở dữ liệu về thi hành
án hình sự phải được bảo quản an toàn, thường xuyên được sao lưu, dự phòng bảo
đảm vận hành thông suốt, khả năng khôi phục hệ thống, phục hồi dữ liệu khi sự cố
xảy ra.
Điều
11. Khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự
1. Các hình thức khai thác,
sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự bao gồm:
a) Qua mạng máy tính nội bộ;
b) Bằng văn bản hoặc phiếu đề
nghị cung cấp.
2. Đối tượng, phạm vi khai
thác và sử dụng:
a) Cơ quan tham gia xây dựng,
thu thập, cập nhật thông tin và duy trì cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự được
quyền khai thác dữ liệu về thi hành án hình sự thuộc phạm vi quản lý của cơ
quan mình;
b) Các cơ quan, tổ chức, cá
nhân có yêu cầu cung cấp thông tin về người, pháp nhân thương mại chấp hành án,
chấp hành biện pháp tư pháp trong cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự phải
tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và Luật Lưu trữ;
c) Cơ quan có chức năng, nhiệm
vụ cung cấp thông tin về thi hành án hình sự có quyền từ chối yêu cầu cung cấp
thông tin nếu có căn cứ cho rằng yêu cầu đó trái pháp luật, vi phạm quy định về
bảo vệ bí mật nhà nước, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người, pháp nhân
thương mại chấp hành án, chấp hành biện pháp tư pháp;
d) Bộ Công an, Bộ Quốc phòng
hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục, thẩm quyền cho phép thực hiện yêu cầu và phạm
vi cung cấp thông tin về thi hành án hình sự trong Công an nhân dân, Quân đội
nhân dân.
Điều
12. Trao đổi dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự và các cơ sở dữ
liệu khác liên quan
1. Việc trao đổi dữ liệu giữa
cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự và các cơ sở dữ liệu khác liên quan phải
thực hiện theo quy định của pháp luật và quy định của Bộ Công an, Bộ Quốc
phòng.
2. Dữ liệu về người, pháp
nhân thương mại chấp hành án, chấp hành biện pháp tư pháp thuộc cơ sở dữ liệu về
thi hành án hình sự được cung cấp cho hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin
phòng, chống tội phạm để phục vụ công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự
và đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Điều
13. Kinh phí đảm bảo cho việc xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi
hành án hình sự
Kinh phí đầu tư, xây dựng,
quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự do ngân sách nhà nước đảm
bảo trong dự toán ngân sách nhà nước giao cho Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
Chương
III
TRÁCH NHIỆM,
QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CƠ SỞ
DỮ LIỆU VỀ THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ
Điều
14. Trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Công an
1. Bộ Công an giúp Chính phủ
thống nhất quản lý nhà nước về cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự.
2. Nghiên cứu, đề xuất ban
hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về cơ sở dữ
liệu về thi hành án hình sự.
3. Bảo đảm cơ sở vật chất,
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho việc xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về
thi hành án hình sự.
4. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm
tra việc xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự thống
nhất trên phạm vi toàn quốc.
5. Thực hiện các nhiệm vụ,
quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Điều
15. Trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Quốc phòng
Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm
quản lý cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự trong Quân đội nhân dân và có nhiệm
vụ, quyền hạn sau:
1. Xây dựng, quản lý, khai
thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự thuộc Quân đội nhân dân.
2. Bảo đảm cơ sở vật chất,
đào tạo bồi dưỡng cán bộ cho việc xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về
thi hành án hình sự thuộc Quân đội nhân dân.
3. Chỉ đạo cơ quan quản lý
thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác dữ
liệu về thi hành án hình sự trong Quân đội nhân dân về cơ quan quản lý thi hành
án hình sự thuộc Bộ Công an để xây dựng cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự phục
vụ công tác quản lý nhà nước về thi hành án hình sự.
4. Thực hiện các nhiệm vụ,
quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Điều
16. Trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ trong phạm vi, quyền hạn được giao chịu trách nhiệm phối hợp
với Bộ Công an trong việc thực hiện quy định của pháp luật về xây dựng, quản
lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự.
Điều
17. Trách nhiệm, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương
Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức
tại địa phương phối hợp với cơ quan thi hành án hình sự thuộc Công an nhân dân,
Quân đội nhân dân, các trại giam, trại tạm giam thực hiện quy định của pháp luật
về xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự.
Điều
18. Trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp, sử
dụng thông tin về thi hành án hình sự
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân
trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp
thông tin phục vụ việc xây dựng cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự khi được
yêu cầu và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin do mình cung cấp.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân
được cung cấp thông tin về thi hành án hình sự có trách nhiệm sử dụng thông tin
đúng mục đích, không được cung cấp, để lộ thông tin cho bên thứ ba dưới bất kỳ
hình thức nào và phải kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý dữ liệu có thẩm
quyền về những sai sót của dữ liệu được cung cấp.
Chương
IV
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều
19. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực
thi hành từ ngày 05 tháng 6 năm 2020 và thay thế Nghị định số 20/2012/NĐ-CP
ngày 20 tháng 3 năm 2012 quy định cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự.
Điều
20. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ
trưởng Bộ Quốc phòng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có
trách nhiệm tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Nghị định
này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng
cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định
này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NC (2).
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|