BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
BỘ TÀI CHÍNH
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
61/2007/TTLT-BNN-BTC
|
Hà
Nội, ngày 22 tháng 06 năm 2007
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
CẤP CHO HOẠT ĐỘNG CƠ QUAN KIỂM LÂM CÁC CẤP; THANH TOÁN CHI PHÍ CHO CÁC TỔ CHỨC,
CÁ NHÂN ĐƯỢC HUY ĐỘNG ĐỂ NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG CHẶT PHÁ RỪNG TRÁI PHÉP, PHÒNG
CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG
Căn cứ Nghị định 119/2006/NĐ-CP
ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm;
Liên tịch Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ
quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước cấp cho hoạt động cơ quan Kiểm lâm
các cấp; thanh toán chi phí cho các tổ chức, cá nhân được huy động để ngăn chặn
tình trạng chặt phá rừng trái phép, phòng cháy, chữa cháy rừng, như sau:
I. KINH PHÍ
HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN KIỂM LÂM CÁC CẤP
Biên chế của cơ quan Kiểm lâm
thuộc biên chế hành chính nhà nước. Kinh phí hoạt động của cơ quan Kiểm lâm các
cấp do ngân sách Nhà nước bố trí từ nguồn kinh phí quản lý hành chính và nguồn
kinh phí sự nghiệp kinh tế.
1. Nguồn kinh phí quản lý
hành chính chi cho hoạt động thường xuyên của bộ máy các cơ quan Kiểm lâm theo
phân cấp (chi lương, các khoản phụ cấp lương, chi hoạt động thường xuyên của
các cơ quan Kiểm lâm) theo định mức chi quản lý hành chính do cấp có thẩm quyền
ban hành.
a) Ngân sách Trung ương đảm bảo
chi hoạt động thường xuyên cho Cục Kiểm lâm và các đơn vị trực thuộc.
b) Ngân sách địa phương đảm bảo
chi hoạt động thường xuyên cho các cơ quan Kiểm lâm địa phương.
2. Nguồn kinh phí sự nghiệp
kinh tế bảo đảm cho các hoạt động nghiệp vụ đặc thù của cơ quan Kiểm lâm theo
phân cấp cụ thể như sau:
a) Ngân sách Trung ương đảm bảo
kinh phí:
- Kinh phí in ấn, phát hành ấn
chỉ xử phạt vi phạm hành chính;
- Chi mua sắm vũ khí quân dụng,
công cụ hỗ trợ cho lực lượng Kiểm lâm toàn quốc (trừ trang bị, tổ chức nuôi dưỡng,
huấn luyện chó nghiệp vụ cho các cơ quan Kiểm lâm địa phương);
- Chi đào tạo, bồi dưỡng chuyên
môn, nghiệp vụ cho công chức, viên chức kiểm lâm cơ quan Kiểm lâm Trung ương,
Chi cục Kiểm lâm;
- Chi mua sắm và cấp phát trang
phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, cờ hiệu, thẻ kiểm lâm; trang, thiết bị
chuyên dùng cho Cục Kiểm lâm và các đơn vị trực thuộc;
- Chi cho các hoạt động nghiệp vụ
bảo vệ rừng khác theo quy định của pháp luật.
b) Ngân sách địa phương đảm bảo
kinh phí:
- Chi mua sắm trang bị, tổ chức
nuôi dưỡng, huấn luyện chó nghiệp vụ của cơ quan Kiểm lâm địa phương;
- Chi đào tạo, bồi dưỡng chuyên
môn, nghiệp vụ cho công chức, viên chức Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng của
cơ quan Kiểm lâm địa phương;
- Chi mua sắm và cấp phát trang
phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, cờ hiệu, thẻ Kiểm lâm cho các cơ quan Kiểm
lâm địa phương;
- Chi cho các hoạt động nghiệp vụ
bảo vệ rừng khác theo quy định của pháp luật.
II. THANH
TOÁN CHI PHÍ CHO CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐƯỢC HUY ĐỘNG NGƯỜI, PHƯƠNG TIỆN ĐỂ NGĂN
CHẶN TÌNH TRẠNG CHẶT PHÁ RỪNG TRÁI PHÉP, PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG
1. Thẩm quyền huy động:
Người có thẩm quyền ban hành lệnh
điều động lực lượng, phương tiện quy định tại khoản 1, Điều
19 của Nghị định 119/2006/NĐ-CP, như sau:
a) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân cấp tỉnh huy động lực lượng,
phương tiện trên địa bàn; các Bộ, ngành, tổ chức xã hội huy động lực lượng,
phương tiện thuộc Bộ, ngành tổ chức mình khi cháy rừng xảy ra lớn;
b) Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Uỷ ban
nhân dân cấp tỉnh) huy động lực lượng, phương tiện của các tổ chức, cá nhân
trên địa bàn;
c) Chi cục trưởng Chi cục Kiểm
lâm tỉnh huy động lực lượng, phương tiện của các cơ quan kiểm lâm địa phương;
2. Trách nhiệm của người huy
động:
a) Việc huy động lực lượng,
phương tiện phải bằng “Lệnh huy động lực lượng, phương tiện” (mẫu kèm theo).
Trong trường hợp khẩn cấp, người có thẩm quyền huy động có thể ra lệnh bằng
hình thức khác, nhưng chậm nhất 5 ngày làm việc kể từ ngày ra lệnh phải hoàn
thiện “Lệnh huy động lực lượng, phương tiện”;
b) Chỉ huy tại hiện trường, giải
quyết việc thanh toán chi phí và bồi thường thiệt hại theo hướng dẫn tại Thông
tư này.
3. Mức
chi bồi dưỡng cho người được huy động (trừ chủ rừng) để ngăn chặn tình trạng chặt
phá rừng trái phép, phòng cháy, chữa cháy rừng
+ Chi bồi dưỡng cho những người
được huy động để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép, phòng cháy, chữa
cháy rừng (bao gồm cả lực lượng Công an, Quân đội), mức chi bằng ngày công lao
động nghề rừng phổ biến ở địa phương.
Căn cứ vào thời gian ngăn chặn
tình trạng chặt phá rừng trái phép, phòng cháy, chữa cháy rừng trong ngày, Chủ
tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức bồi dưỡng cho người tham gia ngăn
chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép, phòng cháy, chữa cháy rừng phù hợp với
tình hình thực tế của địa phương.
+ Chi hỗ trợ cho người được huy
động ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép, phòng cháy, chữa cháy rừng:
Người tham gia ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép, phòng cháy, chữa
cháy rừng nếu bị tai nạn được thanh toán tiền khám, chữa bệnh theo chế độ hiện
hành.
Đối với người không hưởng lương
từ ngân sách nhà nước, ngoài số tiền hỗ trợ khám chữa bệnh, còn được hỗ trợ
20.000 đồng/ngày/người trong thời gian điều trị tại bệnh viện. Trường hợp, người
đó không may bị chết trong khi tham gia ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái
phép, phòng cháy, chữa cháy rừng được Nhà nước hỗ trợ tiền mai táng phí theo
quy định hiện hành.
4. Chi thanh toán cho chủ
sở hữu (trừ chủ rừng) về tiêu hao thực tế nhiên liệu (xăng, dầu) của phương tiện
được huy động để ngăn chặn tình trạng phá rừng trái phép, phòng cháy, chữa cháy
rừng tại thời điểm phương tiện đó được huy động và chi phí sửa chữa hoặc bồi
thường thiệt hại (trường hợp bị hư hỏng, mất) theo quy định hiện hành.
5. Trình tự, thủ tục thanh
toán chi bồi dưỡng, chi phí bồi thường thiệt hại:
a) Tổ chức, cá nhân được huy động
người, phương tiện làm đề nghị thanh toán chi bồi dưỡng, chi phí bồi thường thiệt
hại kèm theo “Lệnh huy động lực lượng, phương tiện” gửi tới Chi Cục Kiểm lâm để
chuyển Hội đồng đánh giá thiệt hại.
b) Thành lập Hội đồng đánh giá
thiệt hại: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra tình trạng phá rừng
trái phép, cháy rừng quyết định thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại, trong đó
có đại diện của các cơ quan: Cơ quan Tài chính, cơ quan Kiểm lâm và cơ quan Tư
pháp.
Căn cứ quy định tại điểm 3, điểm
4 Mục II của Thông tư này, chế độ tài chính hiện hành Hội đồng đánh giá thiệt hại
xác định kinh phí thanh toán chi bồi dưỡng cho người được huy động; xác định
tiêu hao thực tế nhiên liệu (xăng, dầu), tình trạng và giá trị phương tiện đã bị
hư hỏng, mất mát, để xác định mức kinh phí thanh toán chi phí về nhiên liệu,
chi phí sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại phương tiện được huy động.
c) Căn cứ xác định của Hội đồng
định giá thiệt hại, Chi cục Kiểm lâm tổng hợp gửi Sở Tài chính trình Uỷ ban
nhân dân cấp tỉnh phê duyệt để làm căn cứ thanh toán.
6. Cơ quan có trách nhiệm thanh
toán chi bồi dưỡng, chi phí bồi thường thiệt hại:
a) Cục Kiểm lâm thanh toán chi
phí bồi dưỡng, chi phí bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân được huy động
theo “Lệnh huy động lực lượng, phương tiện” của Chủ tịch Uỷ ban nhân cấp tỉnh
huy động lực lượng, phương tiện trên địa bàn; các Bộ, ngành, tổ chức xã hội huy
động lực lượng, phương tiện thuộc Bộ, ngành tổ chức mình theo yêu cầu của của Bộ
trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
b) Chi cục Kiểm lâm tỉnh thanh
toán chi phí bồi dưỡng, chi phí bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân
được huy động theo “Lệnh huy động lực lượng, phương tiện” của Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân cấp tỉnh và của Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm.
7. Bảo đảm
kinh phí thanh toán chi phí bồi dưỡng, chi phí bồi thường thiệt hại:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn bố trí kinh phí trong dự toán chi sự nghiệp kinh tế được giao (chi thực
hiện nhiệm vụ chi quản lý bảo vệ rừng, chi phòng chống cháy rừng) và giao cho Cục
Kiểm lâm để bảo đảm nguồn kinh phí thanh toán chi phí bồi dưỡng và bồi thường
thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân được huy động người, phương tiện theo yêu cầu
của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khi phát sinh nhiệm vụ
nói trên, Cục Kiểm lâm sử dụng kinh phí trên để thanh toán cho tổ chức, cá nhân
theo phê duyệt của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; quyết toán theo quy định hiện hành
của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Cuối năm số kinh phí được
giao để đảm bảo thanh toán chi phí bồi dưỡng và bồi thường thiệt hại cho các tổ
chức, cá nhân được huy động để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép,
phòng cháy, chữa cháy rừng không sử dụng hết, Cục Kiểm lâm trình cấp có thẩm
quyền xem xét chuyển sang năm sau theo quy định.
b) Uỷ ban nhân
dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí vào dự toán ngân sách hàng năm của địa
phương (bố trí trong dự toán chi sự nghiệp kinh tế) để chủ động nguồn kinh phí
bảo đảm thanh toán chi phí bồi dưỡng và bồi thường thiệt hại cho các tổ chức,
cá nhân được huy động người, phương tiện theo lệnh của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân
cấp tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm. Khi phát sinh nhiệm vụ nêu trên, căn
cứ phê duyệt của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về chi bồi dưỡng và bồi thiệt
thiệt hại, Sở Tài chính cấp phát kinh phí cho Chi cục Kiểm lâm để thanh toán
chi phí bồi dưỡng và bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân được huy động
để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép, phòng cháy, chữa cháy rừng.
III. HIỆU LỰC
THI HÀNH
1. Thông tư này có hiệu lực
thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ quy định tại điểm đ mục 1 Phần II Thông tư liên tịch số
62/2005/TTLT-BTC-BNN&PTNT ngày 4/8/2005 liên Bộ Tài chính - Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý và sử dụng
kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng;
2. Trong quá trình thực
hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các địa phuơng phản ánh về Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn và Bộ Tài Chính để nghiên cứu giải quyết./.
KT.
BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hoàng Anh Tuấn
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
THỨ TRƯỞNG
Hứa Đức Nhị
|
Nơi nhận:
- Ban Bí thư TW Đảng;
- TTg và các Phó TTg;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính phủ;
- Các Đoản thể, hội quần chúng ở TW;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Tài chính, KBNN, Cục Thuế các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Sở NN&PTNT, Chi cục kiểm lâm các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Website Chính phủ; Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT Bộ NN và PTNT; VT Bộ Tài chính.