THANH
TRA NHÀ NƯỚC
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
1118/TT-TTNN
|
Hà
Nội, ngày 20 tháng 7 năm 1996
|
THÔNG TƯ
CỦA THANH TRA NHÀ NƯỚC SỐ 1118/TT-TTNN NGÀY 20 THÁNG 7 NĂM
1996 HƯỚNG DẪN MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI HÀNH CHÍNH HIỆN NAY
Sau khi Pháp lệnh khiếu nại, tố
cáo của công dân năm 1991 được ban hành, nhiều Luật và Pháp lệnh đã được Nhà nước
thông qua, trong đó có quy định về việc giải quyết khiếu nại của công dân. Ngày
21-5-1996, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính được ban hành quy
định thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính của Toà án nhân dân.
Để tăng cường trách nhiệm và sự
phối hợp giữa các cơ quan hành chính Nhà nước với Toà án nhân dân các cấp nhằm
giải quyết có hiệu quả các khiếu kiện hành chính; trong khi chờ sửa đổi, bổ
sung Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1991 Tổng Thanh tra Nhà nước
hướng một số vấn đề như sau:
I. VỀ THẨM
QUYỀN GIẢI QUYẾT.
1. Từ 1-7-1996 Toà án nhân dân
các cấp có thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính. Theo quy định tại Pháp lệnh
thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thì trước khi khởi kiện tại Toà án nhân
dân, công dân phải khiếu nại với cơ quan Nhà nước, người đã ra quyết định hành
chính hay có hành vi hành chính mà họ cho là trái Pháp luật. Như vậy việc giải
quyết khiếu nại lần đầu thuộc trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước.
Trong trường hợp không đồng ý với
quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì người khiếu nại có quyền lựa chọn:
khiếu nại lên cấp trên trực tiếp hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có
thẩm quyền theo quy định tại Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án
hành chính.
Việc giải quyết các khiếu nại
thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện theo quy định của
Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1991 hoặc các văn bản pháp luật hiện
hành.
2. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại
hành chính lần đầu được xác định theo quy định tại Điều 10 Pháp lệnh khiếu nại,
tố cáo của công dân năm 1991: "Khiếu nại đối với nhân viên mà nội dung
liên quan đến trách nhiệm quản lý của cơ quan nào, thì thủ trưởng cơ quan đó có
trách nhiệm giải quyết. Khiếu nại đối với quyết định hoặc việc làm của thủ trưởng
cơ quan nào, thì thủ trưởng cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết".
Đối với các khiếu nại được quy định
trong các Luật hoặc Pháp lệnh khác ban hành sau Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của
công dân năm 1991 thì thẩm quyền giải quyết lần đầu được xác định theo các văn
bản Pháp luật đó.
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết
khiếu nại lần đầu phải ra văn bản quyết định giải quyết; nếu không giải quyết
thì phải ra văn bản trả lời và ghi rõ lý do. Quyết định giải quyết hoặc văn bản
trả lời phải gửi cho đương sự, đồng thời phải gửi cơ quan Nhà nước cấp trên.
Nếu quá thời hạn không có văn bản
quyết định giải quyết hoặc văn bản trả lời thì thủ trưởng cơ quan đó phải chịu
trách nhiệm trước pháp luật.
3. Nếu vụ việc đã được giải quyết
lần đầu nhưng đương sự không đồng ý mà tiếp khiếu lên cơ quan Nhà nước cấp trên
trực tiếp thì cơ quan đó phải tiếp nhận, giải quyết theo quy định tại Pháp lệnh
khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1991, Nghị định 38/HĐBT ngày 28-1-1992 của Hội
đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) hoặc các văn bản pháp luật hiện hành.
4. Vụ việc một người khiếu nại
đã được giải quyết lần đầu sau đó vừa khởi kiện tại Toà án, vừa tiếp khiếu lên
cơ quan cấp trên trực tiếp thì vụ việc đó thuộc thẩm quyền của Toà án. Cơ quan
đã thụ lý vụ việc phải chuyển toàn bộ hồ sơ hiện có cho Toà án có thẩm quyền.
Trường hợp cùng một vụ việc có
nhiều người khiếu kiện, trong đó có người khởi kiện tại Toà án, có người tiếp
khiếu lên cơ quan hành chính cấp trên thì vụ việc này thuộc thẩm quyền giải quyết
của cơ quan hành chính Nhà nước.
Khái niệm một vụ việc có nhiều
người khiếu kiện là một quyết định hành chính hoặc một hành vi hành chính và những
người khiếu kiện này có cùng chung một mục đích, một yêu cầu.
Ví dụ: UBND huyện B, ra quyết định
giải toả nhà đất của một số hộ dân cư để xây dựng đường giao thông hoặc công
trình công cộng, quyết định này có thể làm phát sinh các khiếu nại khác nhau:
- Nếu tất cả hoặc một số hộ thuộc
đối tượng thi hành quyết định đó khiếu kiện về quyết định giải toả của UBND huyện
B, vì cho rằng quyết định đó không đúng với quy hoạch phê duyệt, thì được coi
là cùng một vụ việc có nhiều người khiếu kiện.
- Nếu một số hộ thuộc đối tượng
thi hành quyết định đó khiếu nại về tính hợp pháp của quyết định đó; một số
khác khiếu nại về mức đền bù thì không được coi là cùng một vụ việc có nhiều
người khiếu kiện mà đây là hai vụ việc riêng biệt: Một là khiếu kiện về tính hợp
pháp của quyết định giải toả, hai là khiếu kiện về mức đền bù được ghi trong
quyết định đó.
5. Khi nhận được các khiếu nại đối
với quyết định, hành vi có tính chất hành chính của các đoàn thể xã hội thì cơ
quan Nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết theo trình tự và thủ tục
quy định tại Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1991, Nghị định
38/HĐBT ngày 28-1-1992 hoặc các văn bản pháp luật hiện hành. Những khiếu nại
liên quan đến việc vi phạm điều lệ, quy chế nội bộ của đoàn thể xã hội thì được
giải quyết theo điều lệ của đoàn thể xã hội đó.
Ví dụ: Khiếu nại của một đoàn
viên công đoàn bị khai trừ thì giải quyết theo điều lệ công đoàn. Đối với loại
khiếu nại về hình thức kỷ luật hành chính của cán bộ công đoàn chuyên trách thì
được giải theo qui định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo của công dân.
6. Các vụ việc khiếu nại hành
chính đã được giải quyết hết thẩm quyền và theo trình tự hành chính được quy định
tại Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1991 hoặc các văn bản pháp luật
hiện hành, nếu công dân vẫn không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì việc
khởi kiện ra Toà án hay không là thuộc quyền lựa chọn của công dân.
II. VỀ TRÌNH
TỰ THỦ TỤC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI
1. Cơ quan có thẩm quyền giải
quyết khiếu nại lần đầu phải ra văn bản trả lời cho đương sự trong thời hạn mà
pháp luật quy định, nếu đương sự không đồng ý việc giải quyết, thì văn bản trả
lời là cơ sở để đương sự thực hiện quyền khởi kiện tại Toà án nhân dân hoặc tiếp
khiếu lên cơ quan Nhà nước cấp trên. Nếu trong thời hạn quy định mà cơ quan đó
không trả lời thì cơ quan cấp trên trực tiếp phải có biện pháp buộc cơ quan đó
trả lời cho đương sự bằng văn bản như quy định tại điểm 2 phần I Thông tư này.
2. Cơ quan Nhà nước, khi nhận được
khiếu nại của công dân, nếu thấy vụ việc đó đã được giải quyết lần đầu mà thuộc
thẩm quyền của mình thì phải thụ lý giải quyết. Việc thụ lý thực hiện theo quy
định tại Điều 21 Pháp lệnh KNTC của công dân năm 1991 và yêu cầu đương sự cung
cấp văn bản quyết định giải quyết hoặc văn bản trả lời của cơ quan đã giải quyết
lần đầu.
Khi thụ lý, cơ quan này phải đồng
thời thông báo cho Toà án nhân dân có thẩm quyền biết.
Nếu không thuộc thẩm quyền của
mình thì cơ quan nhận được khiếu nại phải hướng dẫn công dân có thể tiếp khiếu
lên cơ quan có thẩm quyền hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm
quyền.
3. Trong trường hợp đương sự khởi
kiện tại Toà án nhân dân, Toà án đã thụ lý nhưng chưa xét xử sơ thẩm, mà đương
sự rút đơn kiện, Toà án đã ra quyết định đình chỉ vụ án đó, nếu đương sự tiếp
khiếu theo trình tự hành chính thì các cơ quan có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải
quyết. Trong trường hợp này, cơ quan thụ lý phải yêu cầu và đương sự có trách
nhiệm cung cấp quyết định đình chỉ vụ án của Toà án nhân dân. 4. Trong quá
trình giải quyết các khiếu nại hành chính tại các cơ quan Nhà nước, nếu đương sự
rút đơn khiếu nại thì trả lại đơn và các tài liệu mà đương sự đã cung cấp (nếu
đương sự yêu cầu). Khi nhận lại đơn và các tài liệu đó đương sự phải ký nhận.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ
ngày rút đơn, nếu đương sự có yêu cầu thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải
tiếp nhận, giải quyết.
5. Cơ quan, tổ chức khiếu nại đối
với các quyết định hành chính, hành vi hành chính thì cơ quan Nhà nước có thẩm
quyền phải tiếp nhận và giải quyết theo quy định của Pháp lệnh khiếu nại, tố
cáo của công dân năm 1991, Nghị định 38/HĐBT ngày 28-1-1992 hoặc các văn bản
pháp luật hiện hành.
III. TIẾP NHẬN
VÀ XỬ LÝ ĐƠN THƯ KHIẾU NẠI
1. Các cơ quan Nhà nước, đoàn thể
xã hội bố trí nơi tiếp dân thuận tiện, chu đáo cho công dân đến khiếu nại. Cán
bộ tiếp dân phải có năng lực phẩm chất, nắm vững pháp luật về khiếu nại, Pháp lệnh
thủ tục giải quyết các vụ án hành chính và các văn bản pháp luật hiện hành để
tiếp nhận hoặc hướng dẫn đương sự khiếu nại đúng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
2. Các cơ quan Nhà nước, đoàn thể
xã hội có trách nhiệm hướng dẫn người khiếu nại làm đơn có đầy đủ các nội dung
theo quy định tại Điều 18 Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1991, Điều
4 Nghị định 38/HĐBT ngày 28-1-1992 theo đúng mẫu đơn kèm theo Thông tư này. Mẫu
đơn phải được niêm yết công khai để người khiếu nại biết.
3. Khi nhận được đơn khiếu nại,
phải bố trí cán bộ nghiên cứu, nắm chắc nội dung vụ việc và yêu cầu của đương sự;
người xử lý đơn phải đối chiếu với các văn bản pháp luật hiện hành để xác định
đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Nếu vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết
của cơ quan mình thì vào sổ thụ lý và báo cho đương sự biết. Nếu vụ việc đó
không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì trả lại đơn cho đương sự
và hướng dẫn họ đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trường hợp trong một đơn đương sự
ghi gửi nhiều cơ quan, trong đó đã có cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì các
cơ quan khác nhận được đơn thông báo cho đương sự đến đúng cơ quan có thẩm quyền
đó mà không trả lại đơn cho đương sự (trừ trường hợp đương sự có yêu cầu).
Ví dụ: Trong đơn khiếu nại,
đương sự gửi: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh
tra Nhà nước, Bộ trưởng Bộ X, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh A, Thanh tra tỉnh
A, Chủ tịch UBND huyện B. Sau khi nghiên cứu thấy việc khiếu nại thuộc thẩm quyền
của Chủ tịch UBND huyện B, thì các cơ quan khác không trả lại đơn cho đương sự
(trừ trường hợp đương sự có yêu cầu) và thông báo cho đương sự đến UBND huyện B
để được giải quyết.
4. Cơ quan Nhà nước, đoàn thể xã
hội khi nhận được đơn thuộc thẩm quyền của mình, nếu thấy đương sự viết đơn
không theo mẫu quy định hoặc nội dung vụ việc chưa rõ ràng thì yêu cầu đương sự
viết lại đơn.
Sau khi đã được giải quyết lần đầu
mà đương sự không đồng ý, tiếp khiếu lên cơ quan cấp trên trực tiếp thì cơ quan
đó chỉ thụ lý giải quyết khi đương sự có cam kết không khởi kiện vụ án hành
chính tại Toà án nhân dân.
5. Khi giải quyết đơn khiếu nại,
cơ quan Nhà nước, đoàn thể xã hội phải ra quyết định giải quyết theo quy định tại
Điều 25 Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1991 và mẫu quyết định
theo hướng dẫn tại Thông tư 842/TTNN ngày 17-7-1995 của Thanh tra Nhà nước; nếu
là văn bản trả lời khiếu nại thì phải thực hiện theo quy định tại điểm 2 phần I
Thông tư này.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Các cấp, các ngành có trách
nhiệm tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt trong các cơ quan Nhà nước; tuyền
truyền, hướng dẫn cho nhân dân hiểu biết và thực hiện đúng các quy định của
pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Các tổ chức Thanh tra Nhà nước phối hợp với các
cơ quan chức năng làm tham mưu cho thủ trưởng các cấp, các ngành tổ chức thực
hiện thật tốt, học tập nắm vững pháp luật giải quyết khiếu nại, tố cáo để cơ
quan, tổ chức và công dân chấp hành.
2. Các cấp, các ngành, trong phạm
vi chức năng của mình, chấn chỉnh công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết
khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; tăng cường kiểm tra đôn đốc việc giải quyết
đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan thuộc quyền quản lý của mình; biểu
dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích; phát hiện và xử lý kịp
thời các trường hợp vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Phối hợp với Toà án
nhân dân để giải quyết có hiệu quả các khiếu kiện hành chính.
3. Căn cứ vào hướng dẫn trong
Thông tư này, các tổ chức Thanh tra Nhà nước cần có kế hoạch chủ động phối hợp
với các ngành hữu quan tuyên truyền hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về khiếu
nại, tố cáo; đẩy mạnh giải quyết các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các
tổ chức Thanh tra Nhà nước; tăng cường kiểm tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại,
tố cáo của Thủ trưởng các cấp, các ngành; kịp thời phát hiện các trường hợp vi
phạm để kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý.
Thanh tra các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương, Thanh tra các Bộ, ngành phải định kỳ báo cáo về Thanh tra Nhà
nước tình hình khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; chú trọng
việc tổng kết kinh nghiệm, đổi mới phương pháp công tác nhằm nâng cao hiệu quả
giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Các Vụ và đơn vị thuộc Thanh tra
Nhà nước, theo chức năng của mình, giúp Tổng Thanh tra Nhà nước triển khai việc
thực hiện Thông tư này; tăng cường kiểm tra các cấp, các ngành thực hiện pháp
luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, đề nghị khen thưởng các cơ quan, đơn vị,
cá nhân làm tốt, kiến nghị xử lý các cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định
của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Trong quá trình thực hiện Thông
tư này, các địa phương, Bộ, ngành nếu có vấn đề vướng mắc thì phản ánh kịp thời
về Thanh tra Nhà nước để có những sửa đổi, bổ sung kịp thời.
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà
nội, ngày... tháng... năm 1996
ĐƠN XIN KHIẾU NẠI
Kính
gửi: (Đề đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết)
1. Người khiếu nại
2. Đối tượng bị khiếu nại
3. Nội dung khiếu nại
- Tóm tắt vụ việc khiếu nại
- Những quyền và lợi ích hợp
pháp bị xâm phạm
4. Quá trình khiếu nại và việc
giải quyết khiếu nại
5. Những yêu cầu của người khiếu
nại
6. Cam kết của người khiếu nại
7. Tài liệu gửi theo đơn:
1.
2.
3.
...
Người
khiếu nại
(Ký và ghi rõ họ tên)
Chú giải:
Những nội dung ghi trong đơn khiếu
nại
1. Người khiếu nại.
a. Trường hợp người khiếu nại là
cá nhân.
Phải ghi đầy đủ họ và tên địa chỉ
của người khiếu nại, nếu có người đại diện thì ghi rõ họ tên của người đại diện
và ghi rõ mối quan hệ của họ với người khiếu nại.
b. Trường hợp người khiếu nại là
cơ quan, tổ chức.
Phải ghi rõ tên cơ quan, tổ chức,
địa chỉ cơ quan tổ chức đó.
2. Đối tượng bị khiếu nại.
Ghi rõ khiếu nại về việc gì, nếu
khiếu nại về:
a. Quyết định hành chính: Phải
ghi rõ cơ quan ra quyết định; số quyết định; ngày tháng năm ra quyết định; người
ký quyết định.
b. Về hành vi hành chính: Phải
ghi rõ họ tên chức vụ địa chỉ, người thực hiện hành vi hành chính.
3. Nội dung khiếu nại.
a. Tóm tắt việc khiếu nại: ghi
ngắn gọn, rõ ràng, trung thực diễn biến nội dung vụ việc khiếu nại.
b. Những quyền và lợi ích hợp
pháp bị xâm phạm: phải ghi rõ quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính
(như đã nêu ở trên) đã xâm phạm đến những quyền và lợi ích hợp pháp nào của
mình.
4. Quá trình khiếu nại và kết quả
giải quyết khiếu nại.
Ghi rõ đã gửi đơn đến cơ quan
nào; đã được những cơ quan nào giải quyết và kết quả giải quyết.
5. Những yêu cầu của người khiếu
nại.
Những yêu cầu này phải xuất phát
từ nội dung, những yêu cầu đó có thể là: khôi phục quyền và lợi ích, đòi bồi
thường và mức độ bồi thường.v.v...
6. Cam kết của người khiếu nại.
a. Ghi những cam kết của người
khiếu nại về nội dung đã trình bày trong đơn và tính chính xác của tài liệu kèm
theo.
b. Trường hợp vụ việc đã được giải
quyết lần đầu mà tiếp khiếu theo trình tự hành chính thì người khiếu nại phải
cam kết không khởi kiện vụ việc này ra Toà án.
7. Tài liệu gửi kèm theo đơn (nếu
có): Bao gồm các quyết định, văn bản trả lời của cơ quan, ảnh, sơ đồ... có giá
trị chứng minh cho nội dung khiếu nại; phải ghi theo thứ tự thời gian, trung thực,
rõ ràng chính xác.
* Mẫu đơn khiếu nại này ban hành
kèm theo Thông tư số 1118/TT. TTNN ngày 20 tháng 7 năm 1996 của Tổng Thanh tra
Nhà nước hướng dẫn một số vấn đề về giải quyết khiếu nại hành chính hiện nay.