BỘ
VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số:
01/2010/TT-BVHTTDL
|
Hà
Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2010
|
THÔNG TƯ
BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC SỰ NGHIỆP
HOẠT ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH QUẬN, HUYỆN, THỊ XÃ,
THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 43/2008/TTLT-BVHTTDL-BNV
ngày 06 tháng 6 năm 2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ hướng
dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Văn hóa, Thể thao
và Du lịch thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Văn hóa và Thông tin thuộc Ủy
ban nhân dân cấp huyện;
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn Quy chế của tổ chức sự nghiệp hoạt động
trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch quận, huyện, thị xã, thành phố trực
thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế về tổ chức và
hoạt động của tổ chức sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và
du lịch quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương.
Điều 2.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4
năm 2010. Bãi bỏ Quyết định số 49/2005/QĐ-BVHTT ngày 13 tháng 9 năm 2005 của Bộ
trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin ban hành Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của
Trung tâm Văn hóa-Thông tin cấp huyện.
Điều 3.
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Thủ trưởng các đơn vị có
liên quan thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp;
- UBND cấp huyện;
- Công báo; Website Chính phủ;
- Lưu: VT, VHCS (02), AT.1000.
|
BỘ
TRƯỞNG
Hoàng Tuấn Anh
|
QUY CHẾ
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC SỰ NGHIỆP HOẠT ĐỘNG
TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH QUẬN, HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ TRỰC
THUỘC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
(Ban hành theo Thông tư số 01 /2010/TT-BVHTTDL ngày 26 tháng 02
năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về tổ chức
và hoạt động của tổ chức sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao
và du lịch quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương (sau đây gọi tắt là tổ chức sự nghiệp).
2. Quy chế này áp dụng đối với
Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Thể dục-Thể thao, Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận,
huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Quy chế này không áp dụng đối
với thư viện và các tổ chức sự nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể
thao và du lịch quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương.
Điều 2.
Tên gọi, vị trí và chức năng
1. Tên gọi:
Căn cứ vào tình hình thực tế của
địa phương, Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra Quyết định
thành lập tổ chức sự nghiệp có tên gọi như sau:
Trung tâm…………….+ tên quận,
huyện, thị xã, thành phố.
2. Vị trí:
Tổ chức sự nghiệp có tư cách
pháp nhân, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng theo
quy định của pháp luật.
3. Chức năng:
a) Phát triển sự nghiệp văn hóa,
thể thao và du lịch; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương,
đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ
chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội của địa phương;
b) Hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp
vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao và du lịch ở cơ sở;
c) Tổ chức, cung ứng dịch vụ
công; đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, du lịch;
nhu cầu tiếp nhận thông tin, nâng cao dân trí, nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ
văn hóa của nhân dân trên địa bàn.
Điều 3. Nhiệm
vụ và quyền hạn
1. Căn cứ chương trình phát triển
kinh tế-xã hội hàng năm của địa phương để xây dựng kế hoạch hoạt động trình Chủ
tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được phê
duyệt;
2. Tổ chức các hoạt động văn
hóa, văn nghệ, tuyên truyền cổ động, đọc sách báo, giải trí, chiếu phim, câu lạc
bộ, nhóm sở thích, lớp năng khiếu nghệ thuật;
3. Tổ chức các hoạt động thể dục,
thể thao; hướng dẫn kỹ thuật, phương pháp và điều kiện tập luyện cho các tổ chức
và cá nhân;
4. Tổ chức các cuộc liên hoan, hội
thi, hội diễn, thi đấu và hướng dẫn phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể
thao ở cơ sở;
5. Phát hiện và bồi dưỡng năng
khiếu văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao;
6. Sưu tầm, bảo tồn và hướng dẫn
các loại hình nghệ thuật dân gian, các môn thể thao truyền thống;
7. Tổ chức các hoạt động tác
nghiệp chuyên môn, các hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao và các hoạt động dịch
vụ khác đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương đảm bảo đúng quy định của pháp
luật và phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của tổ chức sự nghiệp;
8. Hợp tác, giao lưu, trao đổi
chuyên môn nghiệp vụ và các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch
với các đơn vị, tổ chức trong và ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
9. Quản lý công chức, viên chức,
tài chính và tài sản theo quy định của pháp luật;
10. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền
hạn khác do Ủy ban nhân dân cấp huyện giao.
Điều 4. Cơ cấu
tổ chức
1. Lãnh đạo tổ chức sự nghiệp gồm
Giám đốc và các Phó Giám đốc
a) Giám đốc: Là người đứng đầu tổ
chức sự nghiệp; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện về
nhân sự, tài sản và toàn bộ hoạt động của tổ chức sự nghiệp;
b) Phó Giám đốc: Giúp Giám đốc,
chịu trách nhiệm trước Giám đốc về nhiệm vụ được phân công; khi vắng mặt, Giám
đốc có thể ủy quyền cho một trong các Phó Giám đốc điều hành và giải quyết công
việc của tổ chức sự nghiệp;
c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
huyện bổ nhiệm và miễn nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc tổ chức sự nghiệp theo quy
định của pháp luật.
2. Các tổ chuyên môn, nghiệp vụ
a) Tổ hành chính-tổng hợp:
Thực hiện nhiệm vụ về hành
chính-quản trị, tổng hợp; xây dựng kế hoạch, tài chính, kế toán; khai thác, tổ
chức các dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch theo chức năng, nhiệm vụ trên cơ
sở phát huy hiệu quả năng lực cán bộ, cộng tác viên và cơ sở vật chất của tổ chức
sự nghiêp.
b) Tổ văn hóa-văn nghệ:
Thực hiện nhiệm vụ tổ chức các
hoạt động văn hóa-văn nghệ, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về văn
hóa-văn nghệ cho cơ sở.
c) Tổ thể dục-thể thao:
Thực hiện nhiệm vụ tổ chức các
hoạt động tập luyện, thi đấu thể dục-thể thao, hướng dẫn phong trào thể dục-thể
thao cho cơ sở.
d) Đội tuyên truyền lưu động:
Thực hiện nhiệm vụ tổ chức các
hoạt động tại chỗ và lưu động về tuyên truyền cổ động, triển lãm; phục vụ các
nhiệm vụ chính trị đột xuất, cấp bách, các phong trào, cuộc vận động lớn tại địa
phương.
3. Biên chế:
a) Biên chế của tổ chức sự nghiệp
do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định theo định mức biên chế sự nghiệp, căn cứ
chức danh và tiêu chuẩn ngạch viên chức chuyên môn;
b) Căn cứ nhiệm vụ và nhu cầu cụ
thể, Giám đốc tổ chức sự nghiệp báo cáo với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
để được ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật;
c) Căn cứ điều kiện, đặc thù,
nhu cầu cụ thể của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh quyết định về khung tổ chức bộ máy và nhân sự của tổ chức sự
nghiệp.
Điều 5. Cơ sở
vật chất
1. Tổ chức sự nghiệp được quy hoạch
xây dựng ở khu vực trung tâm, đông dân cư, thuận lợi giao thông; khi xây dựng mới
hoặc cải tạo, sửa chữa cần đảm bảo có những yêu cầu về cơ sở vật chất như sau:
a) Trụ sở làm việc;
b) Hội trường đa năng;
c) Khu hoạt động chức năng phù hợp
với các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên môn, nghiệp vụ;
d) Khu dịch vụ, vui chơi giải
trí;
đ) Phương tiện chuyên dùng.
2. Căn cứ điều kiện thực tế của
địa phương và quy mô tổ chức của tổ chức sự nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và
cấp huyện quyết định việc đầu tư cơ sở vật chất theo các quy chuẩn chuyên môn
và theo thẩm quyền.
Điều 6. Kinh
phí hoạt động
1. Kinh phí hoạt động của tổ chức
sự nghiệp được huy động, bao gồm:
a) Từ Ngân sách nhà nước cấp đảm
bảo cho các hoạt động theo kế hoạch được duyệt; thực hiện các nhiệm vụ đột xuất;
đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị;
b) Các nguồn thu từ hoạt động sự
nghiệp:
- Hoạt động nghiệp vụ, chuyên
môn,
- Hoạt động dịch vụ, tài trợ,
vay tín dụng, vốn liên doanh, liên kết và các nguồn thu hợp pháp khác.
2. Nội dung chi:
a) Chi đảm bảo thực hiện chức
năng, nhiệm vụ;
b) Chi phục vụ các hoạt động dịch
vụ, liên kết;
c) Chi đảm bảo phát triển sự
nghiệp, góp phần nâng cao đời sống của cán bộ, viên chức, người lao động trong
tổ chức sự nghiệp theo quy định và theo Quy chế chi tiêu nội bộ.
3. Cơ chế tài chính:
Tổ chức sự nghiệp thực hiện theo
cơ chế tài chính theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan tài chính
chuyên ngành.
Điều 7. Quan
hệ công tác
1. Tổ chức sự nghiệp chịu sự
lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
2. Phòng Văn hóa và Thông tin
tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước đối với tổ
chức sự nghiệp.
3. Tổ chức sự nghiệp chịu sự hướng
dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh.
4. Tổ chức sự nghiệp hướng dẫn về
chuyên môn, nghiệp vụ cho các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.
5. Hoạt động của các đoàn thể, tổ
chức xã hội trong tổ chức sự nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật và điều
lệ của các đoàn thể, tổ chức xã hội đó.
6. Tổ chức sự nghiệp quan hệ với
các đối tác trong việc thực hiện dịch vụ sự nghiệp công theo quy định của pháp
luật.
Điều 8. Tổ
chức thực hiện
1. Căn cứ
Quy chế này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức
thực hiện những quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của
tổ chức sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu
có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc, Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh để phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, sửa
đổi, bổ sung cho phù hợp./.