VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 39/TB-VPCP
|
Hà
Nội, ngày 21 tháng 01
năm 2013
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH
HÀ GIANG
Ngày 07 tháng 01 năm 2013, tại trụ sở
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà
Giang. Cùng dự với Thủ tướng có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải; Bộ trưởng
các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận
tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
và đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Ngoại giao, Quốc phòng, Công Thương.
Sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang báo
cáo kết quả kinh tế - xã hội năm 2012, phương hướng nhiệm vụ năm 2013 và một số
kiến nghị của Tỉnh; ý kiến bổ sung của Bí thư Tỉnh ủy, ý
kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
Thay mặt Chính phủ, biểu dương và
đánh giá cao nỗ lực phấn đấu và các kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền,
nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang trong các năm qua. Năm 2012, trong điều kiện
khó khăn chung, là một tỉnh miền núi, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm
88%, nhưng với truyền thống cách mạng, nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn nên Tỉnh
đã đạt được kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt
10,78%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông lâm nghiệp - thủy
sản chiếm 31,98%; công nghiệp - xây dựng chiếm 29,68%; dịch vụ
chiếm 38,4%. Thu ngân sách trên địa bàn tăng so với năm trước; các lợi thế, tiềm
năng về thủy điện, khoáng sản, du lịch và các lĩnh vực
khác từng bước được quản lý, khai thác hiệu quả.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân
dân tiếp tục được quan tâm, chú trọng; đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập
bình quân đầu người tăng 15%, lương thực bình quân đầu người đạt 485,4 kg/năm.
Xây dựng hệ thống chính trị có cố gắng; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn
xã hội được bảo đảm.
Tuy nhiên, Hà Giang vẫn là tỉnh
nghèo, có nhiều khó khăn: cơ sở hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông còn nhiều bấp
cập; với điểm xuất phát thấp, quy mô kinh tế nhỏ; chất lượng tăng trưởng mặc dù
đã được nâng lên nhưng tính bền vững chưa cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn
chậm, chưa rõ nét; đời sống nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số,
vùng núi cao còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người (11,1 triệu đồng)
đạt thấp so với bình quân chung của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn mức cao
(30,06%).
II. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRONG
THỜI GIAN TỚI:
Để thực hiện thắng
lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2013 mà Tỉnh đã đề ra, cùng với sự hỗ trợ của Trung
ương, Tỉnh cần tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, khắc phục các hạn chế,
tồn tại; chủ động, sáng tạo thực hiện các giải pháp để phát triển kinh tế - xã
hội, trong đó lưu ý một số việc:
1. Tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội
XI của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh và căn cứ
tiềm năng, lợi thế của Tỉnh, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tính toán, lựa
chọn đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm mang tính đột phá làm động lực
thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững;
2. Là một tỉnh vùng cao, núi đá, cùng
với sự hỗ trợ của Trung ương, tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống đồng bào dân tộc
thiểu số, đồng bào nghèo, vùng khó khăn; cần xây dựng và thực hiện hiệu quả các
cơ chế giải pháp để giảm nghèo nhanh, bền vững gắn với
chương trình xây dựng nông thôn mới, tập trung sức đẩy mạnh
phát triển kinh tế hộ; có chính sách hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi; làm tốt
công tác định canh, định cư và bố trí
sắp xếp lại dân cư gắn với đầu tư hồ chứa nước để ổn định đời sống nhân dân và phát triển sản xuất.
3. Rà soát, làm tốt công tác quy hoạch
các ngành, lĩnh vực, nhất là quy hoạch nông, lâm nghiệp; tiếp tục phát huy lợi
thế để đẩy mạnh phát triển các hoạt động giao thương, tính toán cơ chế phát triển
kinh tế biên mậu với Trung Quốc trên tinh thần hợp tác, hữu
nghị và cùng có lợi; bảo vệ vững chắc biên giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
4. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số
25/CT-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, quản lý, điều hành
và bình ổn giá để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013; bảo đảm
cung - cầu hàng hóa, không để thiếu hàng sốt giá; tăng cường
kiểm tra ngăn chặn tình trạng buôn lậu; giảm thiểu tai nạn giao thông; ngăn chặn
sản xuất, vận chuyển, buôn bán và đốt pháo nổ; quan tâm chăm lo vật chất, tinh
thần của nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách, hộ nghèo vui xuân, đón Tết.
III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH.
1. Về phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo
tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng
Văn: Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm có Quyết định phê duyệt.
2. Về bổ sung Công viên địa chất cao
nguyên đá Đồng Văn vào Chương trình hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng du lịch: đồng
ý về chủ trương, sau khi Quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt,
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ.
3. Về hỗ trợ vốn đầu tư các hồ chứa
nước sinh hoạt 4 huyện vùng cao núi đá: đồng ý, bố trí hỗ trợ số vốn còn thiếu
để thanh toán cho các công trình hồ treo đã hoàn thành theo kế hoạch được duyệt.
Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (các văn bản số 42/TB-VPCP ngày
14 tháng 3 năm 2007; số 886/TTg-KTTH ngày 27 tháng 5 năm 2010; số 3377/TTg-KTTH
ngày 25 tháng 5 năm 2009; số 8292/VPCP-KTTH ngày 15 tháng 11 năm 2010), giao Bộ
Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, đề xuất, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ xem xét, quyết định.
Về hỗ trợ vốn đầu tư (293 hồ) thuộc Đề
án tổng thể hệ thống hồ treo 4 huyện vùng cao, núi đá: Tỉnh rà soát, sắp xếp thứ
tự ưu tiên, trước mắt lựa chọn các công trình cấp bách, điểm thiếu nước trầm trọng,
với quy mô phù hợp để thực hiện; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nguồn vốn để
hỗ trợ Tỉnh thực hiện.
4. Về đầu tư Dự án hồ điều tiết thủy
lợi và hệ thống cấp nước sinh hoạt huyện Quản Bạ: Đồng ý, Tỉnh chỉ đạo xây dựng
dự án, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thỏa thuận
về kỹ thuật, quy mô, hiệu quả công trình; trên cơ sở đó thẩm định và phê duyệt
dự án theo đúng quy định; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, đề xuất
nguồn vốn hỗ trợ cho Tỉnh sau khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
5. Về kéo dài thời gian thực hiện Dự
án đầu tư bảo vệ phát triển rừng 4 huyện vùng cao núi đá đến năm 2020: Tỉnh tiếp
tục chỉ đạo thực hiện dự án đến năm 2015; sau đó tổng kết, đánh giá cụ thể,
trên cơ sở đó đề xuất thực hiện giai đoạn tiếp theo cho phù hợp.
6. Về bổ sung vốn bố trí lại dân cư
toàn tỉnh: Đồng ý bổ sung số vốn còn thiếu năm 2012 cho Tỉnh, Bộ Tài chính chủ
trì, phối hợp với cơ quan liên quan rà soát cụ thể, đề xuất, trình Thủ tướng
Chính phủ xem xét, quyết định. Tỉnh rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, bảo đảm thực
hiện có hiệu quả; đồng thời chủ động sử dụng vốn đã được phân bổ theo Quyết định
số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ và lồng ghép
các nguồn vốn khác để thực hiện theo quy định.
7. Về Đề án
thành lập thị xã Việt Quang: Đồng ý về chủ trương, Tỉnh hoàn tất hồ sơ gửi Bộ Nội
vụ xem xét, trình duyệt theo quy định.
8. Về việc nâng cấp cửa khẩu Quốc gia
Thanh Thủy thành cửa khẩu Quốc tế: Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Tỉnh đàm
phán với phía Trung Quốc để sớm đạt được thỏa thuận về việc này, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ.
9. Về bổ sung vốn hỗ trợ có mục tiêu
đầu tư cho khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy: Tỉnh rà soát, tính toán, xác định cụ
thể công trình dự án cấp thiết khu vực cửa khẩu, hiệu quả đầu tư, gửi Bộ Kế
hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính
phủ.
10. Về hỗ trợ kinh phí nâng cấp hạ tầng
các chợ biên giới và chợ cửa khẩu: Tỉnh làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ
Tài chính để xem xét, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
11. Về cải tạo Quốc lộ 4C từ Hà Giang
đi Đồng Văn: Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế
hoạch và Đầu tư, Tài chính làm việc với các nhà tài trợ ODA để
thu xếp vốn cho Dự án.
12. Về bố trí vốn Quốc lộ 279 đoạn
qua Hà Giang (km0 - km36): Giao Bộ Giao thông vận tải căn
cứ tính cấp thiết của Dự án và khả năng cân đối ngân sách giai đoạn 2013 - 2015
để quyết định việc bố trí vốn, thực hiện Dự án theo thẩm
quyền.
13. Đồng ý bổ sung vào quy hoạch đường
cao tốc đoạn Hà Giang nối với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai; Bộ Giao thông vận
tải xem xét, xử lý.
14. Về xây dựng đề án cơ chế đặc thù
và thực hiện thí điểm dự án 34 xã biên giới phát triển toàn diện gắn với xây dựng
nông thôn mới: Đồng ý về chủ trương, Tỉnh chỉ đạo lập và phê duyệt đề án theo
quy định. Trước mắt, lựa chọn một số xã làm trước để rút kinh nghiệm.
15. Về quy hoạch đô thị và du lịch tỉnh
Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030: Đồng ý, Tỉnh được thuê tư vấn có
kinh nghiệm để lập quy hoạch, đảm bảo thực hiện theo đúng các quy định hiện
hành.
16. Về vốn đầu tư phát triển:
a) Về sử dụng 50% số vượt thu thuế và
phí trên địa bàn: Chính phủ sẽ xem xét, xử lý tổng hợp chung (trong đó có tỉnh
Hà Giang).
b) Về bổ sung vốn cho một số dự án, công trình: Tỉnh cân đối, bố trí vốn trong kế hoạch được giao
năm 2013 để thực hiện.
c) Về ứng vốn đầu tư Dự án cấp bách xử
lý sạt trượt đất khu vực trung tâm huyện lỵ Xín Mần: Thực hiện theo ý kiến chỉ
đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 7360/VPCP-KTN ngày 30 tháng 10 năm
2008; trước mắt, Tỉnh sử dụng số vốn đã được bố trí và huy động các nguồn vốn hợp
pháp khác để thực hiện, chủ động phòng, chống lụt, bão, bảo đảm an toàn tính mạng
và tài sản của nhân dân. Giao Bộ Tài chính xem xét ứng vốn theo tiến độ; Bộ Kế
hoạch và Đầu tư bố trí nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu để thu hồi số vốn đã ứng
theo quy định.
d) Về đầu tư hạ tầng cửa khẩu đồn
198, huyện Xín Mần: Đồng ý về chủ trương, giao Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, xử lý, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
đ) Về cấp điện
sinh hoạt cho vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đến năm 2020: Giao Bộ Công
Thương xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy
ban nhân dân tỉnh Hà Giang và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ: Kế hoạch
và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
Quốc phòng, Xây dựng, Tài nguyên
và Môi trường, Công Thương, Nội vụ, Ngoại giao, Lao động-Thương binh và Xã hội;
- Ban Chỉ đạo Tây Bắc;
- Tỉnh ủy,
HĐND, UBND tỉnh Hà Giang;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý
TTg, Cổng TTĐT; Các Vụ: TH, KTTH, KTN, QHQT, NC;
- Lưu: VT, VIII (3)
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Văn Tùng
|