Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông báo 38/TB-VPCP về Kết luận của Phó Thủ tương Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu: 38/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Cao Huy
Ngày ban hành: 02/02/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 02 tháng 02 năm 2024

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN LƯU QUANG, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO 138/CP VÀ BAN CHỈ ĐẠO 389 QUỐC GIA TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2023, PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2024 CỦA BAN CHỈ ĐẠO 138/CP VÀ BAN CHỈ ĐẠO 389 QUỐC GIA

Ngày 17 tháng 01 năm 2024, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Tham dự Hội nghị có đồng chí Hồ Đức Phớc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính; đồng chí Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP, Thứ trưởng Bộ Công an; các đồng chí ủy viên Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; Ban Chỉ đạo 138, Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Sau khi nghe Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia báo cáo kết quả công tác năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, ý kiến của các đại biểu dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Năm 2023, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường như xung đột Nga - Ucraina, Israel - Hamas; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, lạm phát ở mức cao. Trong nước, các thế lực thù địch gia tăng hoạt động chống phá; an ninh, trật tự tại một số nơi còn tiềm ẩn phức tạp; dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại được phục hồi, hoạt động của tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng.

Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các mặt công tác; quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng thực hiện có trọng tâm, trọng điểm với nhiều cách làm sáng tạo, công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn những tồn tại, bất cập như: Công tác nắm, dự báo chiến lược có lúc chưa theo kịp diễn biến tình hình; công tác phòng ngừa của một số địa phương có nơi buông lỏng; còn tình trạng một số đơn vị, địa phương vi phạm, sai phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mặt công tác, thậm chí lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm pháp luật, phạm tội; công tác quản lý ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, quản lý cư trú còn thiếu sót; kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa phản ánh đúng với tình hình thực tế; công tác quản lý kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế nêu trên trước hết là do cấp ủy, chính quyền một số đơn vị, địa phương chưa đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương, chưa quyết liệt, quan tâm trong lãnh đạo, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra; ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, làm việc cầm chừng, thậm chí có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; trang bị phương tiện của một số đơn vị, địa phương trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa đáp ứng yêu cầu; một số cơ chế, chính sách còn bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung, thay thế; các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với phương thức, thủ đoạn thường xuyên thay đổi và ngày càng tinh vi.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI

Năm 2024, tình hình kinh tế thế giới, khu vực và trong nước còn gặp nhiều khó khăn; doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động, số người thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng, các nguyên nhân điều kiện phạm tội chưa được giải quyết triệt để..., tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ gia tăng, phức tạp. Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai một số nội dung trọng tâm sau:

1. Tiếp tục tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tiếp tục xác định đây là nhiệm vụ công tác trọng tâm, lâu dài của cả hệ thống chính trị, phải được thực hiện thường xuyên, liên tục; khẩn trương tiến hành rà soát các chương trình, kế hoạch công tác chỉ rõ những việc đã làm được, chưa làm được và các giải pháp khắc phục thời gian tới, gắn với việc kiện toàn các Ban Chỉ đạo, bảo đảm hoạt động thực chất, hiệu quả.

2. Tập trung làm tốt công tác phòng ngừa, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp để huy động các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, người dân cùng vào cuộc; tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao, dễ bị lợi dụng, lôi kéo tiếp tay cho hoạt động vi phạm pháp luật; tiếp tục kiện toàn các tổ hòa giải ở cơ sở, nâng cao hiệu quả hoạt động thực chất, tránh hình thức, chạy theo số lượng, phát hiện, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân ngay từ cơ sở, không để phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật.

3. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự như quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, quản lý người nước ngoài, quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; quản lý các hoạt động đầu tư công, tài chính, ngân hàng, thông tin truyền thông, văn hóa, thể thao, du lịch, môi trường, xây dựng cơ bản, y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, đất đai, tài nguyên, trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy, nổ; buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả,... nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

4. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thương mại điện tử, xuất xứ hàng hóa...

5. Tăng cường lực lượng, cơ sở vật chất, kiện toàn tổ chức bộ máy cho lực lượng trực tiếp đấu tranh với tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Hải quan, Thuế, Quản lý thị trường, Kiểm lâm...; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức bảo đảm yêu cầu công tác trong tình hình mới; có cơ chế sàng lọc, thay thế, luân chuyển những người không đủ năng lực công tác, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật.

6. Tăng cường, mở rộng và nâng cao hiệu quả trong hợp tác quốc tế để chủ động phòng ngừa tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ sớm, từ xa và đấu tranh hiệu quả với tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người, tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại...

7. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Văn bản số 539/TB-VPCP ngày 25 tháng 12 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ, trong đó: Bộ Quốc phòng thực hiện đợt cao điểm tuần tra, triển khai các giải pháp phù hợp, kiên quyết ngăn chặn, giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài; Bộ Công an thực hiện các đợt cao điểm trong điều tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền đưa ra truy tố, xét xử các trường hợp vi phạm để răn đe, giáo dục trước ngày 30 tháng 4 năm 2024.

8. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm phục vụ quản lý xã hội, phát triển kinh tế; đẩy mạnh ứng dụng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dữ liệu căn cước công dân, quản lý nghiệp vụ, phòng, chống tội phạm, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và thông tin truyền thông.

III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Bộ Công an (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP) chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương tăng cường phối hợp với các lực lượng liên quan thu thập, trao đổi thông tin, xác lập các chuyên án đấu tranh với các loại tội phạm có tổ chức; tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”; mua bán người; tội phạm liên quan đến công nghệ cao; tội phạm ma túy; tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ, tội phạm có dấu hiệu “bảo kê”, tiếp tay của cán bộ, công chức; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập đoàn liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống tội phạm đối với một số loại tội phạm nổi lên tại một số địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP; thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, gắn với củng cố, tăng cường phối hợp với lực lượng Công an cấp xã, bảo đảm tổ chức thực hiện tốt các hoạt động phòng ngừa tội phạm từ cơ sở; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Công an xã, thị trấn cả về tổ chức, bộ máy, chức năng nhiệm vụ, nhân lực phương tiện, trụ sở; xây dựng Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự và văn minh đô thị.

Tổ chức quản lý đối tượng ở địa bàn cơ sở, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, đối tượng tâm thần, “ngáo đá”; phát hiện, phối hợp giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, thu hồi vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ... đặc biệt là thực hiện thẩm quyền của Công an cấp xã trong tiếp nhận, xác minh, giải quyết ban đầu tố giác tin báo về tội phạm, thẩm quyền của Điều tra viên tại Công an cấp xã để góp phần phòng ngừa, xử lý tội phạm.

2. Bộ Tài chính làm tốt nhiệm vụ Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; chỉ đạo các lực lượng phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là các mặt hàng cấm như ma túy, pháo nổ, vật liệu nổ, động vật hoang dã, thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới và các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng như phân bón, xăng dầu, khoáng sản, đường cát, rượu, bia, dược phẩm, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, dược liệu giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp giữa các lực lượng chức năng nhằm giám sát, kiểm soát chặt chẽ các loại hàng hóa chuyển khẩu, chuyển cảng, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, hàng tạp hóa trị giá cao, hàng có nguy cơ thẩm lậu, quay vòng vào nội địa... Chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, kiểm soát hoạt động công vụ của công chức Hải quan, không để phát sinh tiêu cực, tham nhũng, “bảo kê”, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại; tập trung làm tốt công tác nghiệp vụ, thu thập thông tin, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan để phát hiện, xử lý kịp thời các doanh nghiệp lợi dụng chính sách quản lý rủi ro để buôn lậu, trốn thuế, vận chuyển hàng cấm.

3. Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiểm soát tốt thị trường, phối hợp với các lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu, kinh doanh khí N2O, không để các doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng việc nhập khẩu N2O để bán cho các đối tượng sử dụng sai mục đích, sử dụng kết hợp với nhiều loại ma túy.

4. Bộ Tư pháp tập trung xây dựng, triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính; nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở để phát hiện, giải quyết, hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, nhất là liên quan đến vấn đề đất đai, môi trường, thực hiện chế độ chính sách, quan hệ lao động, không để phát sinh vụ việc phức tạp, hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự, góp phần làm giảm các loại tội phạm do nguyên nhân xã hội; tổ chức tập huấn, nâng cao chất lượng hòa giải viên ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, phát triển hệ thống tín dụng, đa dạng các loại hình cho vay với thủ tục nhanh gọn, thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống của Nhân dân; tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán để phát hiện xử lý các vi phạm, chấn chỉnh các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn hoạt động thanh toán, an toàn tài sản cho người dân; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an ứng dụng dữ liệu dân cư đẩy mạnh công tác rà soát, xác thực các tài khoản ngân hàng, xử lý triệt để tình trạng sử dụng tài khoản “ảo” để phạm tội.

6. Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông và an toàn thông tin, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xóa bỏ các bài viết, nội dung, hình ảnh quảng cáo trái phép, các trang web, đường dẫn, ứng dụng có liên quan đến hoạt động tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, “tín dụng đen”, mua bán người; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp chưa kết nối trực tiếp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Vietnamobile, Gmobile, ASIM, Mobicast, Vnsky, FPT retail) sớm hoàn thành các thủ tục, tổ chức kết nối, triển khai xác thực thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu dân cư, loại bỏ sim rác, sim có thông tin không đúng quy định và tài khoản không chính chủ, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội.

7. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện giải pháp phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế; phối hợp các địa phương có liên quan nghiên cứu, đề xuất đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị của cơ sở cai nghiện ma túy đáp ứng yêu cầu công tác cai nghiện ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy; tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tổ chức có hiệu quả công tác cai nghiện ma túy bắt buộc.

8. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng (Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển) triển khai quyết liệt các mặt công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới theo thẩm quyền; tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm, hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh trái phép và vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác IUU; tuyên truyền, vận động Nhân dân ở khu vực biên giới, ngư dân chấp hành pháp luật, tích cực tham gia tố giác, phát giác tội phạm, giữ vững an ninh, trật tự địa bàn khu vực biên giới, vùng biển, đảo.

9. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình an ninh, trật tự và các hành vi vi phạm pháp luật diễn ra trên địa bàn; phát triển kinh tế - xã hội địa phương gắn với phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tạo việc làm cho người dân có cuộc sống ổn định, không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.

Chỉ đạo thực hiện tốt Luật Hòa giải ở cơ sở; chỉ đạo các giải pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên; bảo đảm kinh phí và các điều kiện cho hoạt động của các tổ hòa giải theo quy định pháp luật; tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống tội phạm của các sở, ban, ngành và Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã, báo cáo Ban Chỉ đạo 138/CP; thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tổ chức tập huấn thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn cho cán bộ các cấp, nhất là ở các địa bàn được lựa chọn chuyển hóa.

10. Đề nghị Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp phát huy vai trò nòng cốt trong công tác hòa giải ở cơ sở; phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, củng cố, kiện toàn tổ hòa giải bảo đảm đáp ứng yêu cầu công tác hòa giải ở cơ sở; phối hợp Bộ Tư pháp chỉ đạo điểm xây dựng tổ hòa giải ở cơ sở điển hình, tiêu biểu.

11. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo Viện kiểm sát, Tòa án các cấp phối hợp chặt chẽ với Công an các đơn vị, địa phương trong công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, thi hành án hình sự bảo đảm kịp thời và nghiêm minh; phòng, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

12. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch cao điểm phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trong đó tập trung phối hợp, phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm có nguy cơ phát sinh phức tạp trong dịp Tết, nhất là tội phạm lừa đảo, cướp giật tài sản, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; việc sản xuất, mua bán, vận chuyển pháo, không để tình trạng sử dụng pháo trái phép trong dịp Tết Nguyên đán.

13 . Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phản ánh kịp thời, chính xác về tình hình và kết quả đấu tranh của các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đài Truyền hình Việt Nam tiếp tục phát sóng Chương trình “Chống buôn lậu, hàng giả - Bảo vệ người tiêu dùng” định kỳ trên kênh VTV1 để giúp người dân nhận biết, phân biệt hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc và không tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

14. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành, lực lượng chức năng, địa phương tại Hội nghị; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý hoặc đề xuất xử lý các kiến nghị theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật; tiếp tục phát huy vai trò điều phối, phối hợp với các cơ quan liên quan đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện; chủ động nắm, đánh giá tình hình, cung cấp thông tin để làm tốt công tác tham mưu, tổng hợp, báo cáo Trưởng ban xem xét, chỉ đạo.

15. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ Thông báo này và Kế hoạch công tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện và gửi về Bộ Công an (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP) và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia để theo dõi, tổng hợp, báo cáo Trưởng ban.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các đồng chí Thành viên BCĐ 138/CP, BCĐ 389 QG;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Các cơ quan, đơn vị: BTL Bộ đội Biên phòng; BTL Cảnh sát biển; Tổng cục Hải quan; Tổng cục Thuế; Tổng cục Quản lý thị trường; Cục An ninh kinh tế; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu;
- Văn phòng Thường trực BCĐ 138/CP;
- Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: NC, PL, KGVX, NN, KTTH, TH;
- Lưu: VT, V.I (03), HQP.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Cao Huy

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông báo 38/TB-VPCP về Kết luận của Phó Thủ tương Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ ngày 02/02/2024 của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia do Văn phòng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


618

DMCA.com Protection Status
IP: 13.59.181.246
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!