VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 187/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 05
tháng 05 năm 2014
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ VĂN NINH TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC
VỀ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN
2005-2012 VÀ NĂM 2013; MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO NĂM 2014 VÀ ĐỊNH
HƯỚNG ĐẾN NĂM 2015
Ngày 24 tháng 04 năm 2014, tại Trụ sở
Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về
giảm nghèo bền vững đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đánh giá kết quả
thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 và năm 2013;
mục tiêu, nhiệm vụ công tác giảm nghèo năm 2014 và định hướng đến năm 2015.
Tham dự Hội nghị tại đầu cầu trung ương có các Phó Chủ tịch và Ủy viên Ban Chỉ
đạo Trung ương, đại diện lãnh đạo Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội; đại
diện một số Ban, Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và một số tập đoàn kinh tế, tổng
công ty nhà nước. Tại các đầu cầu địa phương có đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân
dân, Ủy ban nhân dân, Ủy viên Ban Chỉ đạo về giảm nghèo của 63 tỉnh, thành phố.
Sau khi nghe báo cáo tóm tắt đánh giá
kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 và
năm 2013; mục tiêu, nhiệm vụ công tác giảm nghèo năm 2014 và định hướng đến năm
2015 do lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình bày và ý kiến phát
biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo
Trung ương về giảm nghèo bền vững đã kết luận như sau:
1. Thay mặt Thủ tướng
Chính phủ, Phó Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự
phối hợp tích cực, chặt chẽ, nghiêm túc của các Bộ, ngành trung ương và các địa
phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ về giảm nghèo và hoàn thành Báo cáo việc
thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 theo yêu cầu
của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2. Đánh giá kết quả
thời gian qua
Giảm nghèo luôn được xác định là chủ
trương lớn của Đảng và Nhà nước, là vấn đề mang tính chiến lược lâu dài; để thực
hiện mục tiêu giảm nghèo, Nhà nước đã dành nguồn lực ưu tiên và có nhiều chính
sách cho giảm nghèo.
Với sự nỗ lực của nhân dân, sự tham
gia tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, thành tựu giảm nghèo đã đạt được
trong thời gian qua là rất to lớn, góp phần ổn định xã hội. Hệ thống chính sách
giảm nghèo ngày càng được hoàn thiện, hiệu quả hơn và tương đối đồng bộ; từng
bước được điều chỉnh về mức, mở rộng đối tượng theo hướng giảm nghèo bền vững,
khuyến khích thoát nghèo, hạn chế sự ỷ lại. Ngoài chính sách của trung ương ban
hành, nhiều địa phương đã vận dụng, ban hành thêm chính sách hỗ trợ đặc thù
trên địa bàn. Các chính sách giảm nghèo cơ bản đi vào cuộc sống, thiết thực, hiệu
quả, tạo nên những điểm sáng trong công tác giảm nghèo. Ngoài việc ưu tiên nguồn
lực cao nhất từ ngân sách nhà nước cho giảm nghèo, đã huy động được nguồn lực
đa dạng từ tín dụng ưu đãi, nguồn vốn ODA, hỗ trợ của các doanh nghiệp, của cộng
đồng dân cư và toàn xã hội. Vì vậy, trong điều kiện kinh tế đất nước gặp nhiều
khó khăn nhưng kết quả giảm nghèo vẫn đạt được mục tiêu đề ra; có những mục
tiêu đạt cao hơn kế hoạch.
Qua tổ chức thực hiện mục tiêu giảm
nghèo, nhiều sáng kiến được các địa phương, cộng đồng dân cư áp dụng, đạt hiệu
quả cao, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Bài học kinh nghiệm là, địa phương
nào có sự vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách giảm nghèo của Trung ương, đề
ra các giải pháp, sáng kiến, mô hình cụ thể, phù hợp thì ở nơi đó giảm nghèo đạt
kết quả tốt hơn.
Tuy nhiên, qua tổ chức thực hiện cũng
còn bộc lộ một số hạn chế cả về cơ chế, chính sách, về bố trí và huy động nguồn
lực và về tổ chức thực hiện. Chính sách giảm nghèo liên quan đến nhiều lĩnh vực
xã hội, được thể hiện ở nhiều văn bản khác nhau, khó theo dõi, áp dụng, còn chồng
chéo, trùng lắp, một số chính sách còn mang tính cào bằng, mức hỗ trợ thấp,
chưa tính toán hợp lý khả năng cân đối ngân sách...
Kết quả giảm nghèo tuy đạt mục tiêu đề
ra nhưng chưa bền vững; tỷ lệ hộ cận nghèo, phát sinh nghèo còn cao, tỷ lệ
nghèo vùng dân tộc thiểu số còn ở mức cao so với bình quân cả nước; tư tưởng
trông chờ, ỷ lại không muốn thoát nghèo còn diễn ra ở một số ít địa phương và một
bộ phận người nghèo.
3. Về quan điểm, định
hướng giảm nghèo thời gian tới
- Về mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể
đã được nêu trong báo cáo. Phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo đến
năm 2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11, Nghị quyết Quốc hội
khóa 13 đề ra và đặc biệt quan tâm tới yêu cầu bền vững.
- Về quan điểm chỉ đạo: cần xác định
giảm nghèo là nhiệm vụ lâu dài, để giảm bớt khoảng cách chênh lệch về đời sống
giữa các vùng, nhóm dân cư phải thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh hơn, bền vững
hơn trên cơ sở thực hiện toàn diện các giải pháp; ưu tiên tập trung cho các
vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, đồng bào dân tộc thiểu số, cả về chính sách và nguồn
lực đầu tư.
- Về định hướng sửa đổi cơ chế, chính
sách giảm nghèo
Việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính
sách giảm nghèo cần có lộ trình và tiến độ thực hiện hợp lý, theo hướng đa chiều,
phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, thực hiện từ thấp đến cao,
không làm gián đoạn các chính sách giảm nghèo hiện hành. Nếu phát hiện có sự chồng
chéo về chính sách cần đề xuất bãi bỏ hoặc điều chỉnh lại cho phù hợp; Nếu
chính sách thấy quá bất hợp lý phải đề xuất để sửa đổi kịp thời, không để tạo
ra lãng phí ngân sách, kém hiệu quả. Những chính sách đề xuất ban hành mới cần
chủ động cân đối, lồng ghép nguồn lực ngay từ khâu thiết kế chính sách.
Cơ chế quản lý cũng cần được khẩn
trương sửa đổi, bổ sung, nhằm phát huy vai trò của cơ sở, cộng đồng; xây dựng,
hướng dẫn cơ chế quản lý vốn đầu tư, cơ chế thanh toán vốn cho giảm nghèo trên
cơ sở áp dụng cơ chế đầu tư, thanh toán vốn của Chương trình xây dựng nông thôn
mới; nghiên cứu, xây dựng cơ chế lập và giao kế hoạch hàng năm sang trung hạn để
tăng cường phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở, cộng đồng.
- Về phân loại đối tượng
Cần phân loại đối tượng theo thứ tự
ưu tiên: đối tượng hộ nghèo dân tộc thiểu số rất ít người đặc biệt khó khăn, hộ
nghèo dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hộ nghèo chung, hộ cận nghèo; từng bước
phân định rõ đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo.
Phân loại các nhóm đối tượng và có
các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các nhóm đối tượng này; giảm dần các
chính sách hỗ trợ trực tiếp (cho không) đối với một số nhóm cụ thể, đồng thời
tăng dần các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm,
khuyến khích người nghèo tự chủ vươn lên thoát nghèo;
Việc xây dựng, ban hành chính sách hỗ
trợ mới cần theo hướng mở rộng đối tượng là hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo
nhằm hạn chế tái nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững. Các mức chính sách được
thiết kế theo nguyên tắc hộ nghèo được ưu tiên nhất, sau đó đến hộ mới thoát
nghèo và hộ cận nghèo.
4. Tổ chức thực hiện
a) Các bộ ngành trung ương
- Theo nhiệm vụ được phân công tại
Thông báo số 143/TB-VPCP ngày 08 tháng 4 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ, các
bộ, ngành khẩn trương xây dựng kế hoạch, tiến độ đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế,
chính sách về giảm nghèo, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo để thảo
luận, thống nhất trước khi trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội theo
thẩm quyền.
- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, nắm
tình hình thực hiện ở các địa phương theo lĩnh vực, địa bàn được phân công; tổng
hợp, kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo những phát hiện bất cập,
hạn chế trong tổ chức thực hiện của địa phương để có giải pháp chỉ đạo kịp thời.
b) Các địa phương cần cụ thể hóa mục
tiêu chương trình giảm nghèo vào các chỉ tiêu và kế hoạch phát triển kinh tế -
xã hội hàng năm của địa phương và kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện; xây
dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể trên địa bàn, có giải pháp hỗ trợ cụ thể cho từng
nhóm đối tượng, khuyến khích vươn lên thoát nghèo; nhân rộng các mô hình, điển
hình làm tốt về giảm nghèo để phấn đấu thi đua, các nơi học tập lẫn nhau, rút
kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện.
c) Các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty
nhà nước tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về phân công giúp
đỡ các huyện nghèo, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, có sự thống nhất với địa
phương.
d) Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tiếp tục quan tâm tuyên truyền vận động
các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người dân ủng hộ đóng góp nguồn lực cho
công cuộc xóa đói giảm nghèo; tuyên truyền phổ biến các chủ trương chính sách của
Đảng và Nhà nước đối với người dân nói chung, người nghèo nói riêng để chính
sách thực sự đi vào cuộc sống, đồng thời tăng cường vai trò giám sát, kiểm tra
tình hình thực hiện chính sách ở các cấp, các ngành bảo đảm tính hiệu quả của
các chính sách.
đ) Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tuyên
truyền, nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo; biểu dương,
tôn vinh những tổ chức, cá nhân ủng hộ, tâm huyết vì sự nghiệp giảm nghèo, động
viên kịp thời các gương điển hình có hiệu quả về giảm nghèo, đồng thời phê phán
các trường hợp lợi dụng chính sách, không có ý chí vươn lên, không muốn thoát
nghèo.
5. Về kiến nghị của
các địa phương
- Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm
nghèo bền vững ghi nhận các kiến nghị của địa phương, từng bước sửa đổi cơ chế,
chính sách cho phù hợp với tình hình kinh tế và nguồn lực.
- Về bố trí nguồn lực: trên cơ sở
nghiên cứu, sửa đổi cơ chế, chính sách giảm nghèo thời gian tới để tính toán bố
trí, cân đối nguồn lực phù hợp với thực tiễn và khả năng ngân sách;
Đối với các chính sách đã ban hành phải
bố trí đủ kinh phí để thực hiện; nếu chưa cân đối được, các Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, Bộ Tài chính khẩn trương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ,
Quốc hội xin ý kiến chỉ đạo.
- Về bộ máy, biên chế cán bộ làm công
tác giảm nghèo, về nguyên tắc việc hình thành bộ máy Văn phòng giảm nghèo ở các
địa phương không được phát sinh tăng biên chế. Để tăng cường hiệu quả hoạt động
chỉ đạo điều hành thực hiện công tác giảm nghèo, Bộ Nội vụ có hướng dẫn thống
nhất để các địa phương thực hiện.
- Những kiến nghị cụ thể của các địa
phương liên quan đến từng Bộ, ngành, giao các Bộ xem xét xử lý theo thẩm quyền.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để
các Bộ, ngành và địa phương biết và thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các thành viên BCĐ TƯ về giảm nghèo bền vững;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương;
- Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TKBT, KTTH, V.III,
KTN, TH;
- Lưu: VT, KGVX (3).
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Khắc Định
|