THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 81/2014/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 31
tháng 12 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHỐI HỢP GIỮA CÁC BỘ, NGÀNH, ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP VỚI CÁC CẤP
HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM TRONG VIỆC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA
NÔNG DÂN
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Khiếu nại ngày 11
tháng 11 năm 2011;
Căn cứ Luật Tố cáo ngày 11 tháng 11 năm 2011;
Căn cứ Luật Tiếp công dân ngày 25
tháng 11 năm 2013;
Theo đề nghị của Tổng thanh tra
Chính phủ và Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam,
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết
định về việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, Ủy ban
nhân dân các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Quyết định này quy định về trách nhiệm
của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp
phối hợp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong công tác tuyên truyền, phổ biến
pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tư vấn pháp luật; góp
ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc tiếp công dân, giải
quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; hòa giải và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.
Điều 2. Đốì tượng
áp dụng
Quyết định này áp dụng đối với các Bộ,
ngành, Ủy ban nhân dân các cấp và các cấp
Hội Nông dân Việt Nam trong việc phối hợp tiếp công dân, giải quyết khiếu nại,
tố cáo của nông dân.
Điều 3. Nguyên tắc
phối hợp
Việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp với các cấp Hội Nông
dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông
dân phải kịp thời, hiệu quả, đúng pháp luật nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp
pháp của nông dân.
Điều 4. Trách nhiệm
của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các
cấp
1. Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm
hướng dẫn thanh tra các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với các cấp Hội Nông dân
Việt Nam tuyên truyền pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo;
hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ để Hội Nông dân các cấp tham gia kịp thời, hiệu
quả trong việc tiếp công dân, giải quyết
khiếu nại, tố cáo của nông dân.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có
trách nhiệm phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền, phổ biến pháp luật
về đất đai; hòa giải tranh chấp, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai của
nông dân.
3. Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn,
tạo điều kiện để Hội Nông dân Việt Nam tham gia các chương trình giáo dục phổ
biến pháp luật của Chính phủ; hỗ trợ nghiệp vụ cho hệ thống Trung tâm Tư vấn
pháp luật và đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên của các cấp Hội Nông dân
Việt Nam, huy động nông dân tham gia tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở
nông thôn.
4. Bộ Thông tin và Truyền thông có
trách nhiệm phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chỉ đạo hệ thống điểm
Bưu điện văn hóa xã phối hợp với Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, chuẩn bị
các điều kiện cần thiết để nông dân được tư vấn pháp luật trực tuyến tại địa
phương.
5. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư có trách nhiệm thẩm định, phân bổ kinh phí hàng năm giao Trung ương Hội Nông
dân Việt Nam tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.
6. Ủy ban nhân dân các cấp khi tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên
quan đến nông dân có trách nhiệm mời Hội Nông dân cùng cấp tham gia và tham khảo
ý kiến của Hội Nông dân về quan điểm giải quyết vụ việc.
Đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo
đông người, phức tạp, kéo dài thì Ủy ban
nhân dân các cấp phối hợp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam tổ chức đối thoại,
có biện pháp giải quyết dứt điểm vụ việc; tạo điều kiện để Hội Nông dân
tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện theo đúng quy định của
pháp luật, ổn định cuộc sống.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chủ động phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp
trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tiếp công dân, giải quyết khiếu
nại, tố cáo của nông dân theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 5. Nội dung
phối hợp của các cấp Hội Nông dân Việt Nam
1. Tham gia góp ý kiến vào dự thảo
văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố
cáo của nông dân.
2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về
tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và pháp luật có liên quan đến quyền
và nghĩa vụ của nông dân.
3. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật;
tư vấn, trợ giúp pháp lý cho cán bộ, hội viên, nông dân phù hợp với tập quán
văn hóa từng địa phương, vùng, miền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp
luật cho hội viên, nông dân.
4. Bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức
công tác tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý và kỹ năng công tác hòa giải
cho cán bộ Hội làm công tác tư vấn pháp luật, cán bộ Hội ở cơ sở và đội ngũ cộng
tác viên, tuyên truyền viên của Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”.
5. Tham gia tiếp nông dân đến khiếu nại,
tố cáo tại Trụ sở hoặc địa điểm tiếp công
dân khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị.
6. Xây dựng, mở rộng mô hình Hội Nông
dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu
nại, tố cáo của nông dân; tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở nông thôn; tư vấn,
trợ giúp pháp lý; hòa giải, giải quyết mâu thuẫn, vướng mắc trong nội bộ nông
dân ngay từ cơ sở.
7. Kiện toàn, nâng cấp Trung tâm Tư vấn
pháp luật nông dân trực thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; hướng dẫn thành
lập Trung tâm Tư vấn pháp luật cho nông dân tại các địa phương theo quy định của
pháp luật.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Tài chính
phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hướng dẫn việc lập dự toán, quản
lý kinh phí được giao theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thẩm định, phân bổ kinh phí hàng năm
và giao cho Hội Nông dân Việt Nam cùng cấp thực hiện nhiệm vụ tham gia tiếp
công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.
3. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam
phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Quy
chế phối hợp thực hiện các nhiệm vụ quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 4 của
Quyết định này.
4. Căn cứ Quy chế phối hợp giữa Trung
ương Hội Nông dân Việt Nam với các Bộ, ngành liên quan, Hội Nông dân các cấp phối
hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng
Chương trình phối hợp của từng địa phương.
5. Trong quá trình thực hiện, Thanh tra Chính phủ và Trung ương Hội Nông dân
Việt Nam kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh cần sửa đổi, bổ sung để báo
cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Điều 7. Hiệu lực
thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể
từ ngày 20 tháng 02 năm 2015.
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ,
Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chủ tịch Ban
Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc
hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN; các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, V.I (3b).
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|