ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số:
78/2008/QĐ-UBND
|
TP.
Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 10 năm 2008
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ CÔNG CỤ HỖ TRỢ TRANG BỊ CHO LỰC
LƯỢNG BẢO VỆ CHUYÊN TRÁCH CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG HOẠT ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH
PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 73/2001/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ về hoạt
động và tổ chức lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 05/TT-BNV (C13) ngày 28 tháng 9 năm 1996 của Bộ Nội vụ (nay
là Bộ Công an) về việc hướng dẫn thực hiện một số vấn đề trong Nghị định số
47/CP ngày 12 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và
công cụ hỗ trợ;
Căn cứ Công văn số 2051/VPCP-NC ngày 01 tháng 4 năm 2008 của Văn phòng Chính phủ
về việc cho phép thí điểm trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ
chuyên trách các ngân hàng thương mại cổ phần và Công văn số 2710/C11 (C13)
ngày 17 tháng 6 năm 2008 của Tổng cục Cảnh sát;
Xét đề nghị của Giám đốc Công an thành phố tại Công văn số 971/CVCATP(PC13) ngày
25 tháng 7 năm 2008 và Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 801/TTr-SNV ngày 09
tháng 10 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý công
cụ hỗ trợ trang bị cho lực lượng Bảo vệ chuyên trách của các tổ chức tín dụng
hoạt động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Công an thành phố, Giám đốc Kho bạc
thành phố, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, Thủ trưởng
các Sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Tổng
Giám đốc, Giám đốc các tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn thành phố và các
tổ chức cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ; (để báo cáo)
- Bộ Công an; (để báo cáo)
- Cục Kiểm tra văn bản; (để báo cáo)
- Văn phòng Chính phủ; (để báo cáo)
- Thường trực Thành ủy; (để báo cáo)
- Thường trực HĐND. TP; (để báo cáo)
- TTUB: CT, các PCT; (để báo cáo)
- Văn phòng Thành ủy;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố;
- Sở Tài chính thành phố;
- Sở Ngoại vụ thành phố;
- Sở Nội vụ thành phố (2b);
- VPHĐ-UB: Các PVP;
- Các Phòng CV; TCTMDV (2b);
- Trung tâm Công báo;
- Lưu:VT, (TM/Tr-O) H.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
Nguyễn Thành Tài
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ CÔNG CỤ HỖ TRỢ
TRANG BỊ CHO LỰC LƯỢNG BẢO VỆ CHUYÊN TRÁCH CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG HOẠT ĐỘNG
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 78 /2008/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2008 của Ủy
ban nhân dân thành phố)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Quy chế này quy định việc quản lý công cụ hỗ trợ trang
bị cho lực lượng bảo vệ chuyên trách của các tổ chức tín dụng hoạt động trên địa
bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2.
Công cụ hỗ trợ được quy định trong Quy chế này gồm các
loại roi cao su, gậy cao su, roi điện, gậy điện, gậy sắt, găng tay điện, bình xịt
hơi cay, súng bắn hơi cay, súng bắn đạn nhựa, cao su (không bao gồm các loại
công cụ hỗ trợ khác) được quy định tại khoản 3 Điều 1 của Quy chế quản lý vũ
khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được ban hành kèm theo Nghị định số 47/CP ngày
12 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ.
Điều 3.
Đối tượng được trang bị và sử dụng
1. Đối tượng được cấp phép trang
bị, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ là các tổ chức tín dụng được cơ quan có thẩm
quyền cho phép hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, tín dụng trên địa
bàn thành phố Hồ Chí Minh.
2. Nhân viên được trang bị, quản
lý và sử dụng công cụ hỗ trợ là lực lượng bảo vệ chuyên trách thuộc các tổ chức
tín dụng được thành lập theo Nghị định số 73/2001/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ về hoạt động và tổ chức lực lượng bảo
vệ cơ quan, doanh nghiệp.
Điều 4.
Lực lượng bảo vệ chuyên trách của các tổ chức tín dụng hoạt
động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh chỉ được phép sử dụng công cụ hỗ trợ
trong các trường hợp được pháp luật quy định, như:
- Bảo vệ trụ sở cơ quan, đơn vị,
áp tải tiền, lợi ích vật chất khác của ngân hàng và của khách hàng khi có giao
dịch;
- Phòng vệ chính đáng do bị tấn
công bằng vũ lực;
- Ngăn chặn hành vi phạm tội quả
tang;
- Vô hiệu hóa hành vi trốn chạy
hoặc chống trả của người vi phạm pháp luật, cần đưa đến cơ quan Công an để lập
biên bản xử lý và các hành vi vi phạm khác...
Điều 5.
1. Tổ chức, cá nhân không thuộc
diện trang bị, giao giữ, sử dụng công cụ hỗ trợ và các loại vũ khí khác, nếu
đang có, không kể do nguồn gốc nào, đều phải kê khai và giao nộp tại cơ quan
Công an hoặc cơ quan Quân sự các cấp.
2. Hàng năm, các tổ chức tín dụng
phải tự kiểm tra chất lượng và thực hiện việc chuyển loại, thanh lý số công cụ
hỗ trợ hư hỏng, xuống cấp; đồng thời lập danh sách, kê khai giao nộp cho cơ
quan Công an cấp phép sử dụng để lập hội đồng tiêu hủy theo quy định.
Chương II
THỦ
TỤC, HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ TRANG BỊ, CẤP PHÉP SỬ DỤNG CÔNG CỤ HỖ TRỢ
Điều 6.
Thủ tục đề nghị trang bị (mua)
Công văn đề nghị trang bị và sử dụng
do Tổng Giám đốc ký có phê duyệt của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước gửi Tổng cục
Cảnh sát - Bộ Công an hoặc Công an thành phố.
Bản sao hợp lệ giấy phép thành lập
và cho phép các tổ chức tín dụng hoạt động của Ngân hàng Nhà nước.
Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận
đăng ký kinh doanh.
Quyết định thành lập lực lượng bảo
vệ chuyên trách theo quy định tại Nghị định số 73/2001/NĐ-CP ngày 05 tháng 10
năm 2001 của Chính phủ về hoạt động và tổ chức lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh
nghiệp.
Giấy giới thiệu kèm giấy Chứng
minh nhân dân của người được cử liên hệ.
Điều 7.
Thủ tục cấp mới, cấp đổi giấy phép sử dụng
1. Thủ tục cấp mới:
- Công văn của các tổ chức tín dụng
gửi cơ quan Công an thành phố đề nghị cấp giấy phép sử dụng;
- Bản kê khai công cụ hỗ trợ đề
nghị cấp phép sử dụng (theo mẫu VK5) do Bộ Công an ban hành theo Quyết định số
998/2001/QĐ-BCA(C11) ngày ngày 10 tháng 10 năm 2001;
- Bản sao giấy phép mua công cụ
hỗ trợ của cơ quan Công an cấp;
- Hóa đơn bán công cụ hỗ trợ của
cơ sở sản xuất, kinh doanh công cụ hỗ trợ;
- Giấy giới thiệu kèm Chứng minh
nhân dân của người đến làm thủ tục.
2. Thủ tục đề nghị cấp đổi:
- Công văn đề nghị cấp đổi, cấp
lại (nêu rõ lý do);
- Bản kê khai công cụ hỗ trợ đề
nghị cấp phép sử dụng (theo mẫu VK5);
- Giấy phép sử dụng gần hết hạn
thời gian sử dụng;
- Danh sách trích ngang nhân
viên bảo vệ;
- Giấy giới thiệu kèm Chứng minh
nhân dân của người đến liên hệ.
Chương III
PHÂN
CÔNG TRÁCH NHIỆM TRONG VIỆC TRANG BỊ, BẢO QUẢN, KIỂM TRA, SỬ DỤNG CÔNG CỤ HỖ TRỢ
Điều 8.
Đối với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP. Hồ Chí Minh
1. Có trách nhiệm phối hợp với
Công an thành phố Hồ Chí Minh (Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã
hội là đơn vị được giao nhiệm vụ cấp giấy phép trang bị và sử dụng công cụ hỗ
trợ) chỉ đạo, hướng dẫn cho các tổ chức tín dụng lập danh sách đề nghị trang bị
công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ chuyên trách thuộc các đơn vị trên.
2. Phối hợp với Công an thành phố
Hồ Chí Minh tổ chức mở lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nghiệp vụ về trang bị, bảo
quản và sử dụng cho lực lượng bảo vệ chuyên trách thuộc các tổ chức tín dụng
trước khi được trang bị công cụ hỗ trợ.
Điều 9.
Đối với các tổ chức tín dụng
1. Có trách nhiệm mua sắm công cụ
hỗ trợ tại các cơ sở được phép kinh doanh công cụ hỗ trợ, theo đúng quy định chủng
loại quy định tại Quy chế này.
Về số lượng: từ hai đến ba nhân
viên bảo vệ trang bị một công cụ hỗ trợ.
Tổ chức quản lý công cụ hỗ trợ một
cách chặt chẽ, tập trung tại đơn vị; chỉ giao công cụ hỗ trợ cho nhân viên bảo
vệ khi làm nhiệm vụ. Hàng tuần phải bảo dưỡng, kiểm tra chất lượng công cụ hỗ
trợ; nơi cất giữ phải có các phương tiện chuyên dùng bảo quản chắc chắn và có
phương án đảm bảo tốt việc phòng, chống cháy, nổ theo quy định.
2. Phối hợp và chịu sự hướng dẫn
trực tiếp của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố và Công an thành phố về việc
xây dựng phương án, kế hoạch nhằm bảo vệ an toàn trụ sở cơ quan, đơn vị, bảo vệ
việc áp tải tiền, lợi ích vật chất khác của ngân hàng và của khách hàng khi có
giao dịch, cũng như việc tổ chức tập huấn kỹ thuật, nghiệp vụ về bảo quản, sử dụng
công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ chuyên trách của đơn vị.
3. Tổ chức việc phân công cán bộ,
nhân viên chuyên môn theo dõi, quản lý chặt chẽ công cụ hỗ trợ. Có sổ sách ghi
chép, theo dõi cập nhật thường xuyên việc cấp phát, cũng như thu hồi công cụ hỗ
trợ. Trường hợp công cụ hỗ trợ hoặc giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ bị mất,
người được giao quản lý, sử dụng phải báo ngay cho cơ quan, đơn vị, đồng thời
cơ quan, đơn vị đó phải lập biên bản xác nhận sự việc, có văn bản báo ngay cho
cơ quan Công an sở tại nơi mất và cơ quan Công an cấp phép (Phòng Cảnh sát Quản
lý hành chính về Trật tự xã hội - Công an thành phố) để có biện pháp truy tìm kịp
thời.
4. Tuyệt đối chỉ giao, cấp, phát
công cụ hỗ trợ cho cán bộ, nhân viên quản lý, cho lực lượng bảo vệ chuyên trách
sử dụng khi đã qua lớp đào tạo, tập huấn thành thạo về kỹ thuật, nghiệp vụ bảo
quản và sử dụng công cụ hỗ trợ.
5. Chỉ đưa vào sử dụng công
cụ hỗ trợ khi đã được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp phép. Lực lượng bảo vệ
chuyên trách khi thi hành nhiệm vụ, được trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ phải
mang theo giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ và giấy tờ tùy thân khác để xuất
trình khi có cơ quan Công an thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát.
6. Tổng Giám đốc, Giám đốc hoặc
người đứng đầu (người đại diện theo pháp luật) của các tổ chức tín dụng là người
chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc bảo quản, sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy
định của pháp luật. Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng việc trang bị, sử dụng công
cụ hỗ trợ để xâm phạm tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích
hợp pháp của cá nhân và của các cơ quan, tổ chức xã hội khác.
Điều 10.
Đối với Công an thành phố Hồ Chí Minh
1. Có trách nhiệm phối hợp với
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố hướng dẫn các tổ chức tín dụng hoàn tất
các thủ tục quy định về đăng ký mua, trang bị công cụ hỗ trợ cũng như việc tiếp
nhận hồ sơ đăng ký, cấp giấy phép sử dụng số công cụ hỗ trợ trên theo quy định
tại khoản 6 Mục E Phần II Thông tư số 05/TT-NBV(C13) ngày 28 tháng 9 năm 1996 của
Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 47/CP
ngày 12 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ
hỗ trợ.
2. Trong thời hạn không quá 03
ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ, Công an thành phố (Phòng Cảnh sát Quản
lý hành chính về Trật tự xã hội) phải cấp giấy phép mua công cụ hỗ trợ tại các
cơ sở được phép bán công cụ hỗ trợ theo quy định.
3. Có kế hoạch phối hợp với Chi
nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố tổ chức việc đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, kỹ
thuật bảo quản, sử dụng công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ chuyên trách các tổ
chức tín dụng.
4. Chủ động phối hợp với Chi
nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố tổ chức việc kiểm tra định kỳ mỗi năm một lần
hoặc đột xuất theo yêu cầu công tác về việc bảo quản, sử dụng công cụ hỗ trợ của
lực lượng bảo vệ chuyên trách các tổ chức tín dụng. Kịp thời phát hiện ngăn ngừa,
chấn chỉnh các biểu hiện sơ hở trong bảo quản, sử dụng cũng như xử lý các hành
vi vi phạm trong bảo quản, sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11.
1. Giám đốc Công an thành phố và
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố có trách nhiệm triển khai, hướng
dẫn, kiểm tra đôn đốc các tổ chức tín dụng thực hiện đúng Quy chế này.
2. Đơn vị, cá nhân được phép
trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ mà vi phạm chế độ quản lý công cụ hỗ trợ thì
tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành
chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây ra thiệt hại về vật chất
thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức, cá nhân có thành
tích trong việc sử dụng công cụ hỗ trợ để ngăn chặn các hành động phạm tội và
hành vi vi phạm pháp luật khác, thì tùy theo tính chất vụ việc sẽ được xem xét
đề nghị khen thưởng kịp thời.
Điều 12.
1. Sau 01 năm triển khai thực hiện
việc trang bị, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ của lực lượng bảo vệ chuyên
trách thuộc các tổ chức tín dụng được quy định tại Quy chế này; Giám đốc Công
an thành phố có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng
Nhà nước thành phố, Tổng Giám đốc, Giám đốc hoặc người đứng đầu (người đại diện
theo pháp luật) các tổ chức tín dụng tổ chức họp đánh giá, rút kinh nghiệm,
báo cáo kết quả cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
2. Giao cho Giám đốc Công an
thành phố chủ trì, phối hợp với Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố
và Thủ trưởng các Sở, ngành liên quan, tổng hợp những phát sinh, vướng mắc trong
quá trình thực hiện Quy chế này báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố có ý kiến chỉ
đạo kịp thời./.