TỔ CÔNG TÁC CẢI
CÁCH
THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 51/QĐ-TCTCCTTHC
|
Hà Nội, ngày 30
tháng 8 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CÔNG TÁC CẢI CÁCH THỦ TỤC
HÀNH CHÍNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
TỔ TRƯỞNG TỔ CÔNG TÁC CẢI CÁCH
THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức
Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Thủ
tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ
chức phối hợp liên ngành;
Căn cứ Quyết định số 932/QĐ-TTg ngày 06 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng
Chính phủ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng,
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Cơ quan thường trực Tổ công tác.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Tổ
công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3.
Các thành viên Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính
của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương và cá nhân, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc;
- Lưu: VT, TCTCCTTHC (3b).
|
TỔ TRƯỞNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Trần Lưu Quang
|
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CÔNG TÁC CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CỦA THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(Kèm theo Quyết định số 51/QĐ-TCTCCTTHC ngày 30 tháng 8 năm 2023 của Tổ trưởng
Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi, đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về
nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc và quan hệ công tác của Tổ
công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt
là Tổ công tác).
2. Quy chế này áp dụng đối với
các thành viên Tổ công tác và các bộ, ngành, địa phương, cá nhân, tổ chức có
liên quan.
Điều 2.
Nguyên tắc làm việc
1. Tổ công tác làm việc theo chế
độ kiêm nhiệm; đề cao trách nhiệm cá nhân của các thành viên Tổ công tác trong
hoạt động của Tổ công tác và trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân
công; giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm được phân công,
đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và quy định của Quy chế này.
2. Tổ công tác và thành viên Tổ
công tác không làm thay chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành, địa
phương.
3. Bảo đảm yêu cầu phối hợp
công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn được giao.
Điều 3.
Các hình thức làm việc của Tổ công tác
Tổ công tác có thể làm việc
theo các hình thức như tổ chức phiên họp định kỳ, cuộc họp đột xuất, hội nghị
(trực tiếp hoặc trực tuyến) và cho ý kiến bằng văn bản.
Chương II
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA
CÁC THÀNH VIÊN TỔ CÔNG TÁC
Điều 4. Tổ
trưởng Tổ công tác
1. Chỉ đạo, điều hành toàn diện
về hoạt động của Tổ công tác; phân công nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Tổ
công tác; ban hành chương trình, kế hoạch công tác của Tổ công tác.
2. Chỉ đạo việc thực hiện các mục
tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật,
kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách tại các bộ, ngành,
địa phương.
3. Chỉ đạo xử lý các báo cáo,
kiến nghị của cá nhân, tổ chức và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của
Thủ tướng Chính phủ về vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, người dân về cơ chế,
chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của
doanh nghiệp và đời sống của người dân (bao gồm cả những quy định dự kiến ban
hành trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật); định kỳ hoặc đột xuất
làm việc với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính và cộng đồng doanh
nghiệp, các cá nhân, tổ chức liên quan để lắng nghe, nhận diện các khó khăn, vướng
mắc và kịp thời chỉ đạo tháo gỡ.
4. Triệu tập và chủ trì các
phiên họp định kỳ hoặc đột xuất của Tổ công tác; chỉ đạo tổ chức các đoàn làm
việc, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về cải
cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao
năng lực phản ứng chính sách.
Điều 5. Các
Tổ phó Tổ công tác
1. Tổ phó thường trực Tổ công
tác
- Giúp Tổ trưởng Tổ công tác chỉ
đạo, đôn đốc các hoạt động của Tổ công tác và Cơ quan thường trực Tổ công tác;
thay mặt Tổ trưởng Tổ công tác điều hành công tác của Tổ công tác khi Tổ trưởng
vắng mặt; triệu tập các cuộc họp Tổ công tác theo yêu cầu của Tổ trưởng và nhiệm
vụ được giao.
- Chỉ đạo bảo đảm các điều kiện
làm việc của Tổ trưởng, Tổ phó Tổ công tác theo chương trình, kế hoạch chung của
Tổ công tác và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác, đề
nghị của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính.
2. Tổ phó
a) Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Cơ
quan thường trực về cải cách hành chính giúp Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo, đôn
đốc các hoạt động cải cách hành chính gắn kết với cải cách thủ tục hành chính;
tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và thanh tra, kiểm tra công vụ.
b) Bộ trưởng Bộ Tư pháp có
trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc Bộ Tư pháp, Tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan
ngang bộ, Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương tăng cường công tác thẩm định quy định thủ tục hành chính, quy định liên
quan đến hoạt động kinh doanh tại đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp
luật bảo đảm chỉ ban hành thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động
kinh doanh thật sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và chi phí tuân thủ thấp nhất; tham
mưu việc kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật để tái sử dụng dữ liệu
đã có. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp, hỗ trợ trong việc kết nối, chia
sẻ dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật khi có yêu cầu.
c) Lãnh đạo Bộ Công an - Tổ phó
thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 tham mưu, giúp Tổ trưởng Tổ công
tác chỉ đạo, đôn đốc các hoạt động thúc đẩy cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành
chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư; thúc đẩy ứng dụng dữ liệu
dân cư, định danh, xác thực điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính cho người
dân, doanh nghiệp.
3. Ngoài các nhiệm vụ cụ thể
nêu trên, các Tổ phó còn có trách nhiệm giúp Tổ trưởng Tổ công tác:
- Chỉ đạo, đôn đốc các bộ,
ngành, địa phương triển khai chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ, giải pháp về cải
cách thủ tục hành chính theo các văn bản, chương trình, kế hoạch, đề án được
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm đạt được các chỉ tiêu định lượng
do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực
hiện chế độ thông tin, báo cáo phục vụ hoạt động của Tổ công tác.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác
theo phân công của Tổ trưởng Tổ công tác.
Điều 6. Các
thành viên Tổ công tác
1. Trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc
hoặc phối hợp chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải
pháp về cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương được phân
công phụ trách theo các văn bản, chương trình, kế hoạch, đề án được Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ ban hành. Trong đó, chú trọng tập trung chỉ đạo, đôn đốc
các nhiệm vụ cụ thể sau:
a) Thực hiện tốt việc đánh giá
tác động, thẩm định thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động kinh
doanh tại đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm
chỉ ban hành thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thật
sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và chi phí tuân thủ thấp nhất.
b) Công bố, công khai kịp thời,
đầy đủ, chính xác các thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục
hành chính theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 92/2017/NĐ-CP
của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm
soát thủ tục hành chính; thống kê, cập nhật, công khai các quy định liên quan đến
hoạt động kinh doanh trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh; bảo đảm
nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống” để đội ngũ cán bộ, công chức và người dân,
doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện.
c) Cắt giảm, đơn giản hóa các
thủ tục hành chính (bao gồm cả thủ tục hành chính nội bộ, phân cấp giải quyết
thủ tục hành chính), quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, đặc biệt là
các quy định, thủ tục là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh
nghiệp và đời sống của người dân.
d) Rà soát, tái cấu trúc quy
trình thủ tục hành chính cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống
thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để cắt giảm các thông
tin phải khai báo khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi cho người
dân, doanh nghiệp.
đ) Kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa
Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp
bộ, cấp tỉnh với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các
hệ thống thông tin khác để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường
điện tử.
e) Tổ chức thực hiện việc tiếp
nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục
hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời
sống của người dân.
g) Đánh giá chất lượng phục vụ
người dân, doanh nghiệp theo Quyết định số 766/QĐ-TTg
ngày 23 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Chủ trì hoặc tham gia đối
thoại với các cơ quan thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, cộng
đồng doanh nghiệp theo phân công của Tổ trưởng Tổ công tác.
3. Trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc
hoặc phối hợp chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành
chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách tại các bộ, ngành, địa phương được
phân công phụ trách.
4. Nghiên cứu, đề xuất các sáng
kiến, giải pháp thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ
cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách.
5. Tham dự đầy đủ các cuộc họp
của Tổ công tác, trường hợp không thể tham dự phải báo cáo và được sự đồng ý của
người chủ trì cuộc họp; cho ý kiến bằng văn bản về các vấn đề được xin ý kiến
và cùng các thành viên Tổ công tác xem xét, trao đổi, báo cáo Tổ trưởng Tổ công
tác quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động của Tổ công tác; chịu trách
nhiệm triển khai thực hiện các ý kiến kết luận, chỉ đạo của Tổ trưởng Tổ công
tác.
6. Thực hiện các nhiệm vụ khác
do Tổ trưởng Tổ công tác giao.
7. Ủy viên thường trực có trách
nhiệm theo dõi việc xây dựng, triển khai Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính hằng
năm; chuẩn bị nội dung các buổi làm việc, kết luận của Tổ trưởng, Tổ phó thường
trực Tổ công tác; theo dõi, tổng hợp tình hình, kết quả hoạt động của Tổ công
tác; tổ chức các buổi làm việc với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính
và cộng đồng doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức liên quan để lắng nghe, nhận diện
các khó khăn, vướng mắc, kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo Tổ công tác chỉ đạo
tháo gỡ; đầu mối tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các
cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh
doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân; thực hiện nhiệm vụ khác do Tổ
trưởng, Tổ phó thường trực Tổ công tác giao.
Điều 7. Cơ
quan thường trực Tổ công tác
1. Xây dựng, trình Tổ trưởng Tổ
công tác ban hành chương trình, kế hoạch công tác của Tổ công tác. Báo cáo tình
hình thực hiện các chương trình, kế hoạch của Tổ công tác và kết luận, chỉ đạo
của Tổ trưởng Tổ công tác.
2. Giúp việc Tổ công tác trong
nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tăng cường
kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách.
3. Giúp việc Tổ công tác trong
theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện các chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ,
giải pháp về cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương theo các
văn bản, chương trình, kế hoạch, đề án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban
hành; kịp thời báo cáo và tham mưu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng
mắc.
4. Chuẩn bị nội dung, tài liệu
phục vụ các hoạt động và cuộc họp của Tổ công tác; đôn đốc, kiểm tra tình hình
thực hiện kết luận, chỉ đạo của Tổ trưởng Tổ công tác.
Báo cáo, đề nghị cấp có thẩm
quyền khen thưởng các thành viên Tổ công tác và các bộ, ngành, địa phương, cá
nhân, tổ chức hoàn thành tốt nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về thi đua,
khen thưởng.
5. Trực tiếp làm việc và đề nghị
các bộ, ngành, địa phương phối hợp cung cấp các thông tin cần thiết phục vụ cho
hoạt động của Tổ công tác.
6. Lưu giữ hồ sơ tài liệu liên
quan đến hoạt động của Tổ công tác.
7. Thực hiện các nhiệm vụ khác
do Tổ trưởng Tổ công tác giao.
Chương
III
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ QUAN
HỆ CÔNG TÁC
Điều 8. Các
cuộc họp của Tổ công tác
1. Tổ công tác họp phiên định kỳ
hằng quý, sơ kết 6 tháng, tổng kết năm hoặc họp đột xuất theo yêu cầu của Tổ
trưởng Tổ công tác. Thành phần tham dự cuộc họp do người chủ trì cuộc họp quyết
định.
2. Tổ trưởng Tổ công tác quyết
định triệu tập cuộc họp mở rộng có sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và
một số chuyên gia, nhà khoa học có liên quan.
Điều 9. Chế
độ làm việc và cơ chế phối hợp
1. Các thành viên Tổ công tác
làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Tổ trưởng Tổ công tác sử dụng con dấu của Thủ
tướng Chính phủ, các thành viên khác sử dụng con dấu của cơ quan mình.
2. Các thành viên Tổ công tác
theo phân công (phụ lục kèm theo) trực tiếp đôn đốc, làm việc với các bộ,
ngành, địa phương về tình hình, giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tăng cường
kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách.
3. Định kỳ hàng quý hoặc đột xuất
Tổ phó và các thành viên Tổ công tác báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ
công tác về kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Điều 5,
Điều 6 Quy chế này.
4. Tổ trưởng Tổ công tác định kỳ
hoặc đột xuất làm việc với thành viên Tổ công tác và các bộ, ngành, địa phương
để nghe báo cáo tình hình và chỉ đạo việc thực hiện chương trình, kế hoạch công
tác của Tổ công tác.
5. Các thành viên Tổ công tác
được quyền giao đơn vị đầu mối chủ trì, huy động các nguồn lực và đội ngũ cán bộ,
công chức của cơ quan, đơn vị mình trong thực thi nhiệm vụ được giao; phối hợp
với Cơ quan thường trực Tổ công tác trong thực hiện nhiệm vụ; báo cáo Tổ trưởng
Tổ công tác về kết quả thực hiện.
Điều 10.
Kinh phí hoạt động của Tổ công tác
1. Kinh phí cho hoạt động của Tổ
công tác do ngân sách nhà nước đảm bảo và được bố trí trong kinh phí hoạt động
thường xuyên của Văn phòng Chính phủ phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Việc sử dụng kinh phí bảo đảm
hoạt động của Tổ công tác thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn
thi hành.
Điều 11.
Trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong quan hệ công tác
với Tổ công tác
1. Quán triệt các nội dung chỉ
đạo của Tổ công tác để đôn đốc, triển khai thực hiện các nhiệm vụ về cải cách
thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực
phản ứng chính sách thuộc cơ quan, ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Đặc biệt là
xử lý, tháo gỡ các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính (bao gồm cả các hàng
rào kỹ thuật dựa trên các tiêu chẩn, quy chuẩn kỹ thuật) là rào cản cho hoạt động
sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
2. Tham dự các cuộc họp hoặc cử
cán bộ có đủ thẩm quyền tham dự; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện
chế độ thông tin, báo cáo theo đề nghị của Tổ công tác.
3. Phối hợp với Cơ quan thường
trực Tổ công tác kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển
khai và đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Tổ
chức thực hiện
1. Tổ trưởng Tổ công tác có
trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo các thành viên Tổ công tác thực hiện Quy chế này.
2. Trong quá trình thực hiện
Quy chế này, nếu có vấn đề phát sinh hoặc cần sửa đổi, bổ sung, Cơ quan thường
trực Tổ công tác trình Tổ trưởng Tổ công tác xem xét, quyết định./.
PHỤ LỤC
PHÂN CÔNG THÀNH VIÊN TỔ CÔNG TÁC THEO DÕI, ĐÔN ĐỐC VIỆC
THỰC HIỆN TẠI CÁC BỘ, NGÀNH ĐỊA PHƯƠNG
(Kèm theo Quy chế hoạt động của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của
Thủ tướng Chính phủ)
TT
|
Thành viên Tổ công tác
|
Bộ, ngành, địa phương theo dõi, đôn đốc
|
1
|
Phó Thủ tướng Chính phủ - Tổ
trưởng
|
- Bộ Quốc phòng
- Bộ Ngoại giao
- Bộ Thông tin và Truyền
thông
- Thành phố Hà Nội
- Thành phố Hồ Chí Minh
- Thành phố Hải Phòng
- Thành phố Đà Nẵng
- Thành phố Cần Thơ
- Tỉnh Tây Ninh
- Tỉnh Hải Dương
- Tỉnh Quảng Ninh
|
2
|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn
phòng Chính phủ - Tổ phó Thường trực
|
- Văn phòng Chính phủ
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
- Bộ Y tế
- Tỉnh Ninh Bình
- Tỉnh Nam Định
- Tỉnh Thái Bình
- Tỉnh Bắc Ninh
- Tỉnh Thái Nguyên
|
3
|
Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Tổ phó
|
- Bộ Nội vụ
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch
- Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Tỉnh Quảng Nam
- Tỉnh Quảng Ngãi
- Tỉnh Quảng Trị
- Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Tỉnh Quảng Bình
|
4
|
Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Tổ phó
|
- Bộ Tư pháp
- Thanh tra Chính phủ
- Ủy ban Dân tộc
- Tỉnh Kiên Giang
- Tỉnh Hậu Giang
- Tỉnh Trà Vinh
- Tỉnh Sóc Trăng
- Tỉnh Bạc Liêu
|
5
|
Thứ trưởng Bộ Công an - Tổ
phó
|
- Bộ Công an
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam
- Tỉnh Hưng Yên
- Tỉnh Lạng Sơn
- Tỉnh Bắc Kạn
- Tỉnh Cao Bằng
|
6
|
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, thành viên
|
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Tỉnh Lào Cai
- Tỉnh Yên Bái
- Tỉnh Phú Thọ
- Tỉnh Hà Giang
|
7
|
Lãnh đạo Bộ Tài chính, thành
viên
|
- Bộ Tài chính
- Tỉnh Bình Định
- Tỉnh Phú Yên
- Tỉnh Kon Tum
- Tỉnh Gia Lai
|
8
|
Lãnh đạo Bộ Công Thương,
thành viên
|
- Bộ Công Thương
- Tỉnh Bắc Giang
- Tỉnh Vĩnh Phúc
- Tỉnh Bến Tre
- Tỉnh Vĩnh Long
|
9
|
Lãnh đạo Bộ Xây dựng, thành
viên
|
- Bộ Xây dựng
- Tỉnh Đồng Nai
- Tỉnh Bình Dương
- Tỉnh Bình Phước
- Tỉnh Tiền Giang
|
10
|
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải,
thành viên
|
- Bộ Giao thông vận tải
- Tỉnh Ninh Thuận
- Tỉnh Bình Thuận
- Tỉnh Lâm Đồng
- Tỉnh Khánh Hòa
|
11
|
Lãnh đạo Bộ Tài Nguyên và Môi
trường, thành viên
|
- Bộ Tài Nguyên và Môi trường
- Tỉnh Lai Châu
- Tỉnh Điện Biên
- Tỉnh Đắk Lắk
- Tỉnh Đắk Nông
|
12
|
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, thành viên
|
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
- Tỉnh Đồng Tháp
- Tỉnh Cà Mau
- Tỉnh An Giang
- Tỉnh Long An
|
13
|
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công
nghệ, thành viên
|
- Bộ Khoa học và Công nghệ
- Tỉnh Hòa Bình
- Tỉnh Sơn La
- Tỉnh Tuyên Quang
- Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
|
14
|
Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội, thành viên
|
- Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội
- Tỉnh Hà Nam
- Tỉnh Thanh Hóa
- Tỉnh Nghệ An
- Tỉnh Hà Tĩnh
|