BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4790/QĐ-BNN-TCCB
|
Hà Nội,
ngày 03 tháng 11 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP, ỦY QUYỀN QUẢN LÝ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CỦA CÁC CƠ
QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TRỰC THUỘC BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT
TRIỂN NÔNG THÔN
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày
26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày
15/3/2010 của Chính phủ Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức;
Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng
và quản lý viên chức;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức
cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về phân cấp, ủy
quyền quản lý công chức, viên chức của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp
công lập trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Bãi bỏ những
quy định của Bộ trước đây trái với các quy định tại Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận:
-
Như Điều 3;
- Lãnh đạo Bộ;
- ĐU Bộ, ĐU khối CS Bộ tại TP.HCM;
- CĐ Nông nghiệp và PTNT VN, CD cơ quan Bộ;
- Đoàn TN CS Hồ Chí Minh Bộ;
- Lưu: VT, TCCB.
|
BỘ TRƯỞNG
Cao Đức Phát
|
QUY ĐỊNH
VỀ
PHÂN CẤP, ỦY QUYỀN QUẢN LÝ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CỦA CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN
VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TRỰC THUỘC BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 4790/QĐ-BNN-TCCB ngày 03/11/2014 của Bộ trưởng Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Chương I
QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Quy định này quy định việc ủy quyền của
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây viết tắt là Bộ trưởng)
cho Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây viết
tắt là Bộ) và việc phân cấp của Bộ trưởng cho người đứng đầu các cơ quan hành chính,
đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ (sau đây viết tắt là đơn vị) về một số
thẩm quyền của Bộ trưởng trong công tác quản lý công chức, viên chức.
Điều 2. Nội
dung phân cấp, ủy quyền
1. Nội dung về quản lý công chức, viên
chức tại Quy định này bao gồm:
a) Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức
vụ, từ chức, miễn nhiệm;
b) Điều động, biệt phái, luân chuyển;
c) Đào tạo, bồi dưỡng, cử đi học và đi
công tác trong nước và nước ngoài;
d) Tuyển dụng, bổ nhiệm ngạch, nâng ngạch,
chuyển ngạch công chức; xếp hạng, thăng hạng, thay đổi chức danh nghề nghiệp
viên chức; xếp lương, nâng bậc lương; nghỉ hưu; thôi việc và giải quyết chế độ
bảo hiểm xã hội;
d) Khen thưởng và kỷ luật.
2. Các nội dung khác về quản lý công
chức, viên chức chưa được quy định tại Quy định này được thực hiện theo các quy
định hiện hành của Đảng, Nhà nước và của Bộ.
Điều 3.
Nguyên tắc phân cấp, ủy quyền
1. Bộ quản lý toàn diện về chủ trương,
chính sách xây dựng và phát triển đội ngũ công chức, viên chức thuộc Bộ. Bộ trưởng
quyết định các nội dung về công tác cán bộ mà Bộ trưởng không phân cấp, ủy quyền
cho người đứng đầu các đơn vị.
2. Hàng năm, tùy theo nhu cầu quản lý
của Bộ và tình hình thực hiện của đơn vị, Bộ trưởng sẽ điều chỉnh việc phân cấp,
ủy quyền nếu xét thấy cần thiết.
3. Người đứng đầu đơn vị chịu trách
nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về các nội dung công việc được phân cấp,
ủy quyền.
4. Phân cấp thẩm quyền đi đôi với việc
tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo việc tuân thủ các
quy định của pháp luật, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý công chức, viên
chức và hiệu quả hoạt động của đơn vị.
5. Người được phân cấp, ủy quyền có
trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi được phân cấp, ủy quyền theo đúng
trình tự, thủ tục và các quy định của Đảng, Nhà nước và của Bộ về quản lý công
chức, viên chức và thực hiện chế độ báo cáo Bộ theo quy định.
Trường hợp người được phân cấp, ủy quyền
không thực hiện đúng thẩm quyền hoặc vi phạm các quy định về quản lý công chức,
viên chức của Đảng, Nhà nước và của Bộ sẽ bị xem xét xử lý theo quy định hoặc Bộ
sẽ thu hồi thẩm quyền đã được phân cấp, ủy quyền.
Chương II
QUY
ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Bộ trưởng quyết
định
1. Ban hành tiêu chuẩn chức danh lãnh
đạo, quản lý các đơn vị thuộc Bộ.
2. Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức
vụ, từ chức, miễn nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo:
a) Tổng cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng;
b) Người đứng đầu và cấp phó của người
đứng đầu các Cục, Vụ thuộc Bộ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ;
c) Người đứng đầu và cấp phó của người
đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ.
3. Phê duyệt chủ trương bổ nhiệm (bổ
nhiệm lần đầu) đối với các chức danh lãnh đạo cấp trưởng, cấp phó các đơn vị trực
thuộc Tổng cục, Viện xếp hạng đặc biệt.
4. Điều động, biệt phái, luân chuyển,
đồng ý cho thôi việc, chuyển công tác đối với các chức danh lãnh đạo quy định tại
khoản 2, Điều này.
5. Giao biên chế công chức của cơ quan
hành chính và biên chế công chức trong bộ máy lãnh đạo của đơn vị sự nghiệp
công lập trực thuộc; số lượng viên chức làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập
trực thuộc Bộ.
6. Tiếp nhận, điều động công chức,
viên chức giữ ngạch/hạng tương đương ngạch cao cấp.
7. Bổ nhiệm ngạch công chức, thăng hạng
chức danh nghề nghiệp đối với viên chức giữ ngạch/hạng tương đương ngạch chính
sau khi có kết quả thì được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (trừ các đơn vị đã
được phân cấp).
8. Quyết định nâng bậc lương thường
xuyên, hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), nâng bậc lương trước hạn
theo quy định đối với công chức, viên chức giữ ngạch/hạng tương đương ngạch cao
cấp (trừ Thứ trưởng), người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu các đơn vị
trực thuộc Bộ.
9. Quyết định phê duyệt cho các đơn vị
thực hiện các loại phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên, phụ cấp thu hút...
10. Cử Thứ trưởng, người đứng đầu và cấp
phó của người đứng đầu các đơn vị trực thuộc Bộ tham gia các ban, tổ, nhóm công
tác do các cơ quan có thẩm quyền thành lập và đề nghị Bộ cử người tham gia.
11. Cử Thứ trưởng, người đứng đầu và cấp
phó của người đứng đầu các đơn vị trực thuộc Bộ tham gia các khóa học trong nước
(các khóa học yêu cầu Bộ cử).
12. Bổ nhiệm/cử công chức, viên chức
giữ chức danh Giám đốc các chương trình, dự án theo quy định.
13. Cử hoặc cho phép công chức đi công
tác, học tập ở nước ngoài đối với các chức danh: Thứ trưởng; người đứng đầu và
cấp phó người đứng đầu các đơn vị trực thuộc Bộ (trừ cấp phó của người đứng đầu
Viện đặc biệt/Học viện/Trường đại học, trường cán bộ quản lý/tổ chức khoa học
công nghệ trực thuộc Bộ được Bộ trưởng ủy quyền cho Giám đốc Viện/Giám đốc Học
viện/Hiệu trưởng/Viện trưởng quyết định); công chức, viên chức đi cùng đoàn cao
cấp của Đảng và Nhà nước và một số trường hợp cần thiết theo quy định của Nhà
nước về quản lý xuất nhập cảnh. Chấp thuận cho người đứng đầu các đơn vị trực
thuộc Bộ đi nước ngoài vì lý do cá nhân.
14. Khen thưởng đối với tập thể và cá
nhân theo quy định của pháp luật.
15. Xử lý kỷ luật đối với các chức
danh lãnh đạo, quản lý quy định tại khoản 2 của Điều này.
16. Quyết định kéo dài thời gian công
tác khi đủ tuổi nghỉ hưu để làm chuyên môn đối với người đứng đầu và cấp phó
người đứng đầu các đơn vị trực thuộc Bộ là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ theo
quy định.
17. Thông báo và quyết định nghỉ hưu,
thôi việc đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu các đơn vị trực
thuộc Bộ.
Điều 5. Bộ trưởng ủy
quyền cho Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ
1. Ký quyết định tuyển dụng công chức
sau khi có kết quả thi tuyển hoặc xét tuyển được Lãnh đạo Bộ phê duyệt; tiếp nhận
công chức không qua thi tuyển; tiếp nhận công chức, viên chức từ cơ quan bên
ngoài về Bộ (trừ trường hợp do Bộ trưởng quyết định hoặc đơn vị đã được Bộ phân
cấp); điều động, biệt phái công chức, viên chức giữa các đơn vị thuộc Bộ; đồng
ý cho công chức, viên chức thuộc các Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ được chuyển
công tác đến các đơn vị ngoài Bộ; phê duyệt kế hoạch và kết quả tuyển dụng viên
chức của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ (trừ các đơn vị đã được Bộ phân cấp)
và của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các Cục, Vụ Hợp tác quốc tế, Văn phòng Bộ.
2. Bổ nhiệm kế toán trưởng hoặc giao
phụ trách kế toán của Văn phòng Bộ sau khi có ý kiến của Vụ Tài chính về chuyên
môn, nghiệp vụ.
3. Bổ nhiệm ngạch, thăng hạng chức
danh nghề nghiệp đối với công chức, viên chức các Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ
giữ ngạch/hạng tương đương ngạch chuyên viên trở xuống sau khi có kết quả thi
nâng ngạch công chức/thi hoặc xét thăng hạng viên chức được Bộ phê duyệt; bổ
nhiệm ngạch công chức sau khi hết tập sự.
4. Chuyển ngạch, thay đổi chức danh
nghề nghiệp, nâng bậc lương thường xuyên, hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu
có), nâng bậc lương trước thời hạn theo quy định đối với công chức, viên chức
giữ ngạch/hạng tương đương ngạch chuyên viên chính của các đơn vị trực thuộc Bộ
(trừ các đơn vị đã được phân cấp) và công chức, viên chức giữ các ngạch/hạng
tương đương ngạch chuyên viên trở xuống thuộc các Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ.
5. Cử công chức, viên chức của các Vụ
thuộc Bộ tham gia các khóa học trong nước (trừ trường hợp do Bộ trưởng quyết định).
6. Cử đi công tác, học tập ở nước
ngoài đối với công chức, viên chức của các Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ (trừ
trường hợp do Bộ trưởng quyết định) và công chức, viên chức của các đơn vị thuộc
Bộ đi công tác, học tập ở nước ngoài bằng nguồn kinh phí đoàn ra, kinh phí đào
tạo, bồi dưỡng hàng năm do Văn phòng Bộ quản lý; quyết định cho công chức, viên
chức đi học tập và hợp tác lao động ở nước ngoài về đơn vị cũ đối với các trường
hợp do Bộ cử đi.
7. Khen thưởng đối với tập thể và cá
nhân theo quy định của pháp luật.
8. Xử lý kỷ luật đối với công chức thuộc
các Vụ (trừ trường hợp do Bộ trưởng quyết định).
9. Quản lý hồ sơ của người đứng đầu và
cấp phó người đứng đầu các đơn vị trực thuộc Bộ và hồ sơ của công chức, viên chức
các Vụ theo quy định.
10. Quyết định nghỉ hưu, thôi việc đối
với công chức, viên chức của các Vụ thuộc Bộ (trừ trường hợp do Bộ trưởng quyết
định).
11. Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ
chức vụ, từ chức, miễn nhiệm các chức danh cấp phòng thuộc Vụ Tổ chức cán bộ; cử
hoặc cho phép công chức thuộc Vụ Tổ chức cán bộ đi công tác và tham gia các
ban, tổ, nhóm công tác ở trong nước (trừ trường hợp do Bộ trưởng quyết định);
cho phép công chức của Vụ Tổ chức cán bộ (từ chức danh Phó Vụ trưởng trở xuống)
đi nước ngoài vì lý do cá nhân; thông báo nghỉ hưu đối với công chức thuộc Vụ Tổ
chức cán bộ.
Điều 6. Bộ trưởng ủy
quyền cho Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ (trừ Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đã được ủy
quyền theo quy định tại Điều 5)
1. Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức
vụ, từ chức, miễn nhiệm đối với các chức danh cấp phòng thuộc Vụ.
2. Cử hoặc cho phép công chức thuộc Vụ
đi công tác và tham gia các ban, tổ, nhóm công tác ở trong nước (trừ trường hợp
do Bộ trưởng quyết định); cho phép công chức, viên chức (nếu có) của vụ từ chức
danh Phó Vụ trưởng đi nước ngoài vì lý do cá nhân.
3. Khen thưởng đối với tập thể và cá
nhân theo quy định của pháp luật.
4. Thông báo nghỉ hưu đối với công chức,
viên chức (nếu có) thuộc Vụ (trừ trường hợp do Bộ trưởng quyết định).
Điều 7. Bộ trưởng
phân cấp đối với Thanh tra Bộ
1. Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức
vụ, từ chức, miễn nhiệm đối với các chức danh cấp phòng của Thanh tra Bộ.
2. Bổ nhiệm kế toán trưởng hoặc giao
phụ trách kế toán của Thanh tra Bộ sau khi có ý kiến của Vụ Tài chính về chuyên
môn, nghiệp vụ.
3. Cử hoặc cho phép công chức của
Thanh tra Bộ đi công tác và tham gia các ban, tổ, nhóm công tác ở trong nước
(trừ các trường hợp do Bộ trưởng quyết định); cho phép công chức của Thanh tra
Bộ từ chức danh Phó Chánh Thanh tra đi nước ngoài vì lý do cá nhân.
4. Khen thưởng đối với tập thể và cá
nhân theo quy định của pháp luật.
5. Xử lý kỷ luật đối với công chức của
Thanh tra Bộ (trừ trường hợp do Bộ trưởng quyết định).
6. Quản lý hồ sơ công chức của Thanh tra
Bộ theo quy định.
7. Thông báo nghỉ hưu và giải quyết
các chế độ bảo hiểm xã hội cho công chức của Thanh tra Bộ theo quy định.
Điều 8. Bộ trưởng
phân cấp đối với Văn phòng Bộ
1. Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức
vụ, từ chức, miễn nhiệm đối với các chức danh cấp phòng và tương đương của Văn
phòng Bộ.
2. Bổ nhiệm kế toán trưởng hoặc giao
phụ trách kế toán đối với đơn vị sự nghiệp thuộc Văn phòng Bộ sau khi có ý kiến
của Vụ Tài chính về chuyên môn, nghiệp vụ.
3. Tuyển dụng và quản lý viên chức của
đơn vị sự nghiệp trực thuộc Văn phòng Bộ.
4. Cử hoặc cho phép công chức, viên chức
của Văn phòng Bộ đi công tác và tham gia các ban, tổ, nhóm công tác ở trong nước
(trừ trường hợp do Bộ trưởng quyết định); cho phép công chức, viên chức của Văn
phòng Bộ từ chức chức danh Phó Chánh Văn phòng đi nước ngoài vì lý do cá nhân.
5. Khen thưởng đối với tập thể và cá
nhân theo quy định của pháp luật.
6. Xử lý kỷ luật đối với công chức,
viên chức của Văn phòng Bộ (trừ trường hợp do Bộ trưởng quyết định).
7. Quản lý hồ sơ công chức, viên chức
của Văn phòng Bộ theo quy định.
8. Thông báo và quyết định nghỉ hưu đối
với công chức, viên chức của Văn phòng Bộ (trừ trường hợp do Bộ trưởng quyết định).
9. Giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội
cho công chức các Vụ, Văn phòng Bộ; viên chức của Văn phòng Bộ, Vụ Hợp tác quốc
tế theo quy định.
Điều 9. Bộ trưởng
phân cấp đối với các Cục trực thuộc Bộ
Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ
trưởng và trước pháp luật về quản lý, sử dụng công chức, viên chức (nếu có) của
Cục; được quyết định theo thẩm quyền các nội dung sau đây:
1. Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức
vụ, từ chức, miễn nhiệm đối với chức danh cấp phòng và tương đương thuộc Cục.
2. Bổ nhiệm kế toán trưởng hoặc giao
phụ trách kế toán của Cục sau khi có ý kiến của Vụ Tài chính về chuyên môn,
nghiệp vụ.
3. Tiếp nhận, phân công nhiệm vụ cho
công chức sau khi Bộ có quyết định tuyển dụng công chức hoặc có quyết định tiếp
nhận, điều động công chức về Cục; ký hợp đồng làm việc với viên chức sau khi Bộ
phê duyệt kết quả tuyển dụng viên chức của Cục hoặc có quyết định tiếp nhận, điều
động viên chức của Bộ về Cục; công nhận hết thời gian tập sự và xếp lương cho
viên chức sau khi hết tập sự; đồng ý cho công chức, viên chức thuộc Cục được
thôi việc, chuyển công tác; điều động, biệt phái, luân chuyển công chức, viên
chức giữa các đơn vị thuộc Cục.
4. Bổ nhiệm ngạch, thăng hạng chức
danh nghề nghiệp đối với công chức, viên chức giữ ngạch/hạng tương đương ngạch
chuyên viên trở xuống sau khi có kết quả thi nâng ngạch công chức/thi hoặc xét
thăng hạng viên chức được Bộ phê duyệt.
5. Nâng bậc lương thường xuyên, hưởng
phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), nâng bậc lương trước thời hạn theo quy định
đối với công chức, viên chức giữ ngạch/hạng tương đương ngạch chuyên viên trở
xuống.
6. Cử công chức, viên chức tham gia
các khóa học ở trong nước (trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ).
7. Cử hoặc cho phép công chức, viên chức
đi công tác và tham gia các ban, tổ, nhóm công tác ở trong nước (trừ các trường
hợp thuộc thẩm quyền của Bộ).
8. Cử công chức, viên chức thuộc Cục
đi công tác, học tập ở nước ngoài; tiếp nhận và phân công nhiệm vụ hoặc giải
quyết chế độ theo quy định của Nhà nước đối với công chức, viên chức đi học tập
và hợp tác lao động ở nước ngoài về nước; cho phép công chức, viên chức thuộc Cục
từ chức danh Phó Cục trưởng di nước ngoài vì lý do cá nhân.
9. Khen thưởng đối với tập thể và cá
nhân theo quy định của pháp luật.
10. Xử lý kỷ luật đối với công chức,
viên chức thuộc Cục (trừ các trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ).
11. Quản lý hồ sơ công chức, viên chức
thuộc Cục theo quy định.
12. Thông báo và quyết định nghỉ hưu,
quyết định thôi việc, chấm dứt hợp đồng làm việc và giải quyết chế độ bảo hiểm
xã hội đối với công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Cục.
Điều 10. Bộ trưởng
phân cấp đối với các Tổng cục thuộc Bộ
Tổng cục trưởng chịu trách nhiệm trước
Bộ trưởng và trước pháp luật về quản lý, sử dụng công chức, viên chức của Tổng
cục; được quyết định theo thẩm quyền các nội dung sau đây:
1. Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức
vụ, từ chức, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo từ cấp trưởng các đơn vị trực
thuộc Tổng cục trở xuống. Việc bổ nhiệm lần đầu cấp trưởng, cấp phó các đơn vị
trực thuộc Tổng cục phải báo cáo và được Bộ trưởng đồng ý bằng văn bản về chủ
trương trước khi triển khai quy trình, thủ tục bổ nhiệm.
2. Bổ nhiệm kế toán trưởng hoặc giao
phụ trách kế toán của Văn phòng Tổng cục sau khi có ý kiến của Vụ Tài chính về
chuyên môn, nghiệp vụ.
3. Tiếp nhận công chức sau khi có ý kiến
chấp thuận của Bộ; tuyển dụng viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng
cục; tiếp nhận viên chức có hạng chức danh nghề nghiệp tương đương ngạch chính
trở xuống; đồng ý cho công chức, viên chức thuộc Tổng cục được thôi việc, chuyển
công tác; điều động, biệt phái, luân chuyển công chức, viên chức giữa các đơn vị
thuộc Tổng Cục.
4. Bổ nhiệm ngạch, thăng hạng chức
danh nghề nghiệp đối với công chức, viên chức giữ ngạch/hạng tương đương ngạch
chuyên viên trở xuống của Tổng cục sau khi có kết quả thi nâng ngạch công chức/thi
hoặc xét thăng hạng viên chức của cơ quan có thẩm quyền; chuyển ngạch hoặc thay
đổi chức danh nghề nghiệp đối với công chức, viên chức giữ ngạch/hạng tương
đương ngạch chính trở xuống của Tổng cục.
5. Nâng bậc lương thường xuyên, hưởng
phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), nâng bậc lương trước thời hạn theo quy định
đối với công chức, viên chức giữ ngạch/hạng tương đương ngạch chính trở xuống
thuộc Tổng cục.
6. Cử công chức, viên chức tham gia
các khóa học ở trong nước (trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ).
7. Cử hoặc cho phép công chức, viên chức
đi công tác và tham gia các ban, tổ, nhóm công tác ở trong nước (trừ các trường
hợp thuộc thẩm quyền của Bộ).
8. Cử công chức, viên chức từ cấp Trưởng
các đơn vị trở xuống đi công tác, học tập ở nước ngoài; tiếp nhận và phân công
nhiệm vụ hoặc giải quyết chế độ theo quy định của Nhà nước đối với công chức,
viên chức đi học tập và hợp tác lao động ở nước ngoài về nước; cho phép công chức,
viên chức thuộc Tổng cục từ chức danh Phó Tổng cục trưởng đi nước ngoài vì lý
do cá nhân.
9. Khen thưởng đối với tập thể và cá
nhân theo quy định của pháp luật.
10. Xử lý kỷ luật đối với công chức,
viên chức thuộc Tổng cục (trừ các trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ).
11. Quản lý hồ sơ công chức, viên chức
từ cấp trưởng các đơn vị trực thuộc Tổng cục trở xuống.
12. Quyết định nghỉ hưu, thôi việc, chấm
dứt hợp đồng làm việc và giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội và các chính sách có
liên quan đối với công chức, viên chức từ cấp trưởng đơn vị trực thuộc Tổng cục
trở xuống.
Điều 11. Bộ trưởng
phân cấp đối với Viện xếp hạng đặc biệt thuộc Bộ
Người đứng đầu các Viện xếp hạng đặc
biệt thuộc Bộ chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về quản lý, sử
dụng viên chức của đơn vị và có thẩm quyền:
1. Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn
nhiệm các chức danh lãnh đạo từ cấp trưởng các đơn vị trực thuộc Viện trở xuống.
Việc bổ nhiệm lần đầu cấp trưởng, cấp phó các đơn vị trực thuộc Viện phải báo
cáo và được Bộ trưởng đồng ý bằng văn bản về chủ trương trước khi triển khai
quy trình, thủ tục bổ nhiệm.
2. Bổ nhiệm kế toán trưởng hoặc giao
phụ trách kế toán của Viện sau khi có ý kiến của Vụ Tài chính về chuyên môn,
nghiệp vụ.
3. Tuyển dụng viên chức; tiếp nhận
viên chức có hạng chức danh nghề nghiệp tương đương ngạch chính trở xuống; điều
động, biệt phái, luân chuyển viên chức trong nội bộ Viện.
4. Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp từ hạng
tương đương ngạch chuyên viên trở xuống đối với viên chức sau khi có kết quả
thi hoặc xét thăng hạng của cơ quan có thẩm quyền; thay đổi chức danh nghề nghiệp
từ hạng tương đương ngạch chính trở xuống đối với viên chức của Viện.
5. Nâng bậc lương thường xuyên, hưởng
phụ cấp thâm niên vượt khung, nâng bậc lương trước thời hạn theo quy định đối với
viên chức giữ hạng tương đương ngạch chính trở xuống thuộc Viện.
6. Quyết định kéo dài thời gian công
tác khi đủ tuổi nghỉ hưu để làm chuyên môn đối với viên chức là Giáo sư, Phó
Giáo sư, Tiến sĩ của Viện sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ (trừ trường hợp
thuộc thẩm quyền của Bộ).
7. Cử công chức, viên chức tham gia
các khóa học ở trong nước.
8. Cử hoặc cho phép công chức, viên chức
đi công tác và tham gia các ban, tổ, nhóm công tác ở trong nước (trừ trường hợp
thuộc thẩm quyền của Bộ).
9. Cử hoặc cho phép công chức, viên chức
từ Phó Giám đốc Viện trở xuống đi công tác, học tập ở nước ngoài, đi nước ngoài
vì lý do cá nhân (trừ những trường hợp do Bộ quyết định); phân công nhiệm vụ hoặc
giải quyết chế độ theo quy định của Nhà nước đối với viên chức đi học tập và hợp
tác lao động ở nước ngoài về nước.
10. Khen thưởng đối với tập thể và cá
nhân theo quy định của pháp luật.
11. Xử lý kỷ luật đối với viên chức
thuộc Viện.
12. Quản lý hồ sơ viên chức từ cấp trưởng
các đơn vị trở xuống.
13. Quyết định nghỉ hưu, thôi việc, chấm
dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức từ cấp trưởng đơn vị trực thuộc Viện trở
xuống.
Điều 12. Bộ trưởng
phân cấp đối với Học viện, Trường đại học, Trường cán bộ quản lý, tổ chức khoa
học công nghệ công lập trực thuộc Bộ (trừ Viện xếp hạng đặc biệt đã được quy định
tại Điều 11 của quy định này)
Người đứng đầu các đơn vị nói trên chịu
trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về quản lý, sử dụng viên chức của
đơn vị và có thẩm quyền:
1. Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn
nhiệm đối với chức danh từ cấp trưởng các phòng, ban và tương đương trực thuộc
đơn vị.
2. Bổ nhiệm kế toán trưởng hoặc giao
phụ trách kế toán của đơn vị sau khi có ý kiến của Vụ Tài chính về chuyên môn,
nghiệp vụ.
3. Tuyển dụng viên chức; tiếp nhận
viên chức có hạng chức danh nghề nghiệp tương đương ngạch chính trở xuống; điều
động, luân chuyển viên chức trong nội bộ đơn vị.
4. Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp từ hạng
tương đương ngạch chuyên viên chính trở xuống đối với viên chức sau khi có kết
quả thi hoặc xét thăng hạng của cơ quan có thẩm quyền.
5. Nâng bậc lương thường xuyên, hưởng
phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), nâng bậc lương trước thời hạn theo quy định
đối với các viên chức giữ chức danh nghề nghiệp tương đương ngạch chính trở xuống
thuộc đơn vị.
6. Quyết định kéo dài thời gian công
tác khi đủ tuổi nghỉ hưu để làm chuyên môn đối với viên chức là Giáo sư, Phó
Giáo sư, Tiến sĩ của đơn vị nghiên cứu khoa học và giáo dục đại học sau khi có
ý kiến chấp thuận của Bộ (trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ).
7. Cử công chức, viên chức tham gia
các khóa học ở trong nước.
8. Cử hoặc cho phép cấp phó của người
đứng đầu và viên chức của đơn vị đi công tác và tham gia các ban, tổ, nhóm công
tác ở trong nước (trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ).
9. Cử hoặc cho phép cấp phó của người
đứng đầu và viên chức của đơn vị đi công tác, học tập ở nước ngoài, đi nước
ngoài vì lý do cá nhân; tiếp nhận và phân công nhiệm vụ hoặc giải quyết chế độ
theo quy định của Nhà nước đối với viên chức đi học tập và hợp tác lao động ở
nước ngoài về nước.
10. Khen thưởng đối với tập thể và cá
nhân theo quy định của pháp luật.
11. Xử lý kỷ luật đối với viên chức
thuộc đơn vị.
12. Quản lý hồ sơ viên chức của đơn vị.
13. Quyết định nghỉ hưu, thôi việc, chấm
dứt hợp đồng làm việc, giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội và các chính sách có
liên quan đối với viên chức của đơn vị.
Điều 13. Bộ phân cấp
đối với người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ (trừ các đơn
vị được quy định tại Điều 11, 12 của Quy định này)
Người đứng đầu các đơn vị nói trên chịu
trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về quản lý, sử dụng viên chức của
đơn vị và có thẩm quyền:
1. Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn
nhiệm đối với chức danh từ cấp trưởng các phòng, ban và tương đương, các đơn vị
trực thuộc đơn vị.
2. Bổ nhiệm kế toán trưởng hoặc giao
phụ trách kế toán của đơn vị sau khi có ý kiến của Vụ Tài chính về chuyên môn,
nghiệp vụ.
3. Tổ chức tuyển dụng viên chức trên
cơ sở kế hoạch được Bộ phê duyệt; ký hợp đồng làm việc với viên chức sau khi Bộ
phê duyệt kết quả tuyển dụng viên chức của đơn vị hoặc có quyết định tiếp nhận,
điều động viên chức của Bộ về đơn vị.
4. Điều động viên chức trong nội bộ
đơn vị; quyết định công nhận hết thời gian tập sự và xếp lương cho viên chức
sau khi hết tập sự.
5. Nâng bậc lương thường xuyên, hưởng
phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), nâng bậc lương trước thời hạn theo quy định
đối với các viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có hạng tương đương ngạch
chuyên viên trở xuống thuộc đơn vị.
6. Hiệu trưởng các trường cao đẳng được
quyết định kéo dài thời gian công tác khi đủ tuổi nghỉ hưu để làm chuyên môn đối
với viên chức là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ sau khi có ý kiến chấp thuận của
Bộ (trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ).
7. Cử hoặc cho phép cấp phó của người
đứng đầu và viên chức của đơn vị đi công tác và tham gia các ban, tổ, nhóm công
tác ở trong nước (trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ).
8. Cử viên chức thuộc đơn vị đi công
tác, học tập ở nước ngoài; tiếp nhận và phân công nhiệm vụ hoặc giải quyết chế
độ theo quy định của Nhà nước đối với viên chức đi học tập và hợp tác lao động ở
nước ngoài về nước; cho phép cấp phó của người đứng đầu và viên chức của đơn vị
đi nước ngoài vì lý do cá nhân.
9. Khen thưởng đối với tập thể và cá
nhân theo quy định của pháp luật.
10. Xử lý kỷ luật đối với viên chức
thuộc đơn vị.
11. Quản lý hồ sơ viên chức của đơn vị.
12. Quyết định nghỉ hưu, thôi việc, chấm
dứt hợp đồng làm việc và giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với viên chức của
đơn vị.
Chương III
CHẾ
ĐỘ BÁO CÁO, KIỂM TRA, GIÁM SÁT VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Chế độ báo
cáo
1. Định kỳ 6 tháng một lần, Tổng cục
trưởng, Giám đốc các Viện xếp hạng đặc biệt có trách nhiệm báo cáo Bộ tình hình
và kết quả bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, kỷ luật các chức danh lãnh đạo cấp
trưởng và cấp phó các đơn vị trực thuộc kèm theo danh sách trích ngang các
thông tin về nhân sự (phụ lục số 1 kèm theo). Thời hạn báo cáo chậm nhất vào
ngày 15/01 và 15/7 hàng năm.
2. Hàng năm, người đứng đầu các đơn vị
trực thuộc Bộ có trách nhiệm báo cáo Bộ tình hình và kết quả thực hiện việc quản
lý công chức, viên chức thuộc thẩm quyền theo quy định tại Quyết định này (phụ
lục số 2 kèm theo). Thời hạn báo cáo chậm nhất là ngày 15/01 của năm tiếp theo.
3. Trong trường hợp cần thiết hoặc
theo yêu cầu của các cơ quan chức năng, Bộ sẽ yêu cầu người đứng đầu các đơn vị
báo cáo đột xuất về việc thực hiện thẩm quyền được giao.
4. Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm tổng
hợp, báo cáo Bộ trưởng tình hình thực hiện và kết quả việc thực hiện thẩm quyền
quản lý công chức, viên chức của người đứng đầu các đơn vị thuộc Bộ.
Điều 15. Kiểm tra,
giám sát và tổ chức thực hiện
1. Căn cứ Quy định này, người đứng đầu
các đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm ban hành các văn bản hướng dẫn và chỉ đạo
việc tổ chức triển khai thực hiện thống nhất tại đơn vị; tổ chức công tác kiểm
tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Nhà nước và của Bộ về quản lý
công chức, viên chức thuộc thẩm quyền; phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm.
2. Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm hướng
dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Nhà nước và của Bộ về
quản lý công chức, viên chức thuộc thẩm quyền của Bộ; báo cáo Bộ trưởng xử lý kịp
thời các trường hợp vi phạm.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có
khó khăn vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để tổng hợp,
báo cáo Bộ trưởng xem xét, giải quyết./.
PHỤ LỤC SỐ II
ĐỀ CƯƠNG BÁO
CÁO CÔNG TÁC QUẢN LÝ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC NĂM ………
I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CỦA CƠ QUAN ĐƠN
VỊ
II. KẾT QUẢ NỔI BẬT VỀ CÔNG TÁC QUẢN
LÝ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
1. Công tác quản lý, chỉ đạo; phổ biến,
quán triệt chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,
quy định của Bộ liên quan đến công tác quản lý công chức, viên chức; những quy
chế, quy định mới của cơ quan, đơn vị về công tác quản lý công chức, viên chức.
2. Kết quả cụ thể về tuyển dụng, quy
hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, biệt phái, đào tạo bồi dưỡng, thực
hiện chính sách tiền lương...
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG (ưu điểm, tồn tại
hạn chế, nguyên nhân)
IV. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG NĂM TỚI
V. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT
VI. CÁC BIỂU MẪU THỐNG KÊ KÈM THEO
1. Báo cáo danh sách công chức, viên
chức và quỹ tiền lương.
2. Báo cáo chất lượng công chức, viên
chức, hợp đồng lao động.
3. Báo cáo kết quả tuyển dụng công chức,
viên chức.
4. Báo cáo kết quả bổ nhiệm, bổ nhiệm
lại, quy hoạch, miễn nhiệm, thôi giữ chức vụ các chức danh lãnh đạo cấp Trưởng
phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương của đơn vị.
5. Báo cáo kết quả đánh giá, phân loại
công chức, viên chức.
6. Báo cáo thống kê số lượng công chức,
viên chức bị xử lý kỷ luật.
7. Báo cáo thực hiện chế độ nghỉ hưu,
kéo dài thời gian công tác, thôi việc.
8. Báo cáo thực hiện chế độ nâng lương
và phụ cấp thâm niên vượt khung.
9. Báo cáo thực hiện chế độ nâng ngạch
công chức/thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
10. Báo cáo kết quả đào tạo, bồi dưỡng
công chức, viên chức trong nước.
11. Báo cáo kết quả đào tạo, bồi dưỡng
công chức, viên chức ở nước ngoài.