ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 42/2018/QĐ-UBND
|
Quảng
Ngãi, ngày 27 tháng 12 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH, ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC
HUYỆN, THÀNH PHỐ TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI CƯ TRÚ, HOẠT ĐỘNG TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22 tháng 06 năm 2015;
Căn cứ Luật Nhập cảnh, xuất cảnh,
quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 64/2015/NĐ-CP ,
ngày 06 tháng 8 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế phối hợp giữa các Bộ, cơ
quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công
tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt
Nam;
Theo đề nghị của Giám đốc Công an
tỉnh tại Tờ trình số 4153/TTr-CAT-PV11(PC), ngày 20
tháng 11 năm 2018 về việc xây dựng quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành
Quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
trong công tác quản lý người nước ngoài cư trú, hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng
Ngãi; Báo cáo thẩm định số 151/BC-STP ngày 10 tháng 9 năm 2018 của Sở Tư pháp.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này Quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố trong công tác quản lý người nước ngoài cư trú, hoạt động trên địa
bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 01 năm 2019.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban
nhân dân tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công an; Bộ Tư pháp;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- VPUB: PCVP, CBTH;
- Lưu: VT, NCbdv620.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Trần Ngọc Căng
|
QUY CHẾ
PHỐI
HỢP GIỮA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH, ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ TRONG CÔNG
TÁC QUẢN LÝ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI CƯ TRÚ, HOẠT ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 42/2018/QĐ-UBND ngày 27 tháng 12 năm 2018 của
UBND tỉnh Quảng Ngãi)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Quy chế này quy định mục tiêu, nguyên
tắc, nội dung, hình thức phối hợp và trách nhiệm thực hiện của các sở, ban,
ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong phối hợp quản lý người nước
ngoài cư trú, hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
1. Các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban
nhân dân tỉnh Quảng Ngãi; Cục Thuế tỉnh; Ngân hàng nhà nước Việt Nam tỉnh, Công
an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các cơ quan, tổ chức khác có liên
quan.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện).
Điều 3. Mục
tiêu phối hợp
1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản
lý nhà nước đối với người nước ngoài cư trú, hoạt động trên địa bàn tỉnh.
2. Phát hiện và xử lý kịp thời những
vi phạm pháp luật có yếu tố nước ngoài; ngăn chặn và hạn chế những tác động
tiêu cực, ảnh hưởng đến ANCT (An ninh chính trị), TTATXH (Trật tự an toàn xã hội),
hợp tác quốc tế, đối ngoại của tỉnh.
3. Tạo điều kiện cho người nước ngoài
thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật; góp phần xây dựng
môi trường thuận lợi, an toàn cho người nước ngoài cư trú, hoạt động tại tỉnh.
Điều 4. Nguyên tắc
phối hợp
1. Công tác phối hợp quản lý cư trú,
hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn tỉnh phải tuân thủ các quy định
pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt
Nam, các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan hoặc điều ước quốc tế
mà Việt Nam là thành viên.
2. Đảm bảo chủ động, thường xuyên, chặt
chẽ, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài cư trú, hoạt động
trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi theo đúng quy định của pháp luật.
3. Đảm bảo chỉ đạo, điều hành tập
trung, thống nhất theo đúng quy định của pháp luật, không chồng chéo, không làm
ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ và hoạt động chuyên môn của các cơ quan liên
quan. Công an tỉnh chủ trì quản lý nhà nước về cư trú, hoạt động của người nước
ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện
căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy có trách nhiệm phối hợp.
Việc sử dụng thông tin người nước ngoài phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Hình thức
phối hợp
1. Trao đổi ý kiến, cung cấp thông tin
bằng văn bản theo yêu cầu của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp.
2. Thông qua các cuộc họp liên ngành
định kỳ, đột xuất.
3. Thông qua các hội nghị sơ kết, tổng
kết.
4. Thông qua việc thanh tra, kiểm tra
của các đoàn công tác liên ngành.
5. Thông qua quy chế phối hợp giữa
các cơ quan chức năng theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
6. Các hình thức khác.
Chương II
NỘI DUNG VÀ
TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP
Điều 6. Phối hợp
trong xây dựng, tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thực hiện
pháp luật về cư trú, hoạt động của người nước ngoài
1. Công an tỉnh có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp
luật liên quan đến quản lý cư trú, hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn
tỉnh.
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
chức năng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai các chủ trương, biện
pháp thực hiện công tác quản lý cư trú, hoạt động của người nước ngoài trên địa
bàn tỉnh; tham mưu tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác quản lý cư trú, hoạt
động của người nước ngoài cho các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc giải quyết
thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt
Nam.
2. Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân
dân cấp huyện có trách nhiệm:
a) Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của
đơn vị mình, các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện nghiên cứu, đề xuất
các nội dung liên quan đến quản lý người nước ngoài cư trú, hoạt động phù hợp với
tình hình thực tế và các quy định của pháp luật.
b) Thực hiện nghiêm túc các quy định
pháp luật về quản lý cư trú, hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam; Quy
chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trên địa
bàn tỉnh Quảng Ngãi và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
3. Sở Tư pháp, Văn phòng Ủy ban nhân
dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp kiểm tra, thẩm định dự thảo văn bản
quy phạm pháp luật về công tác quản lý cư trú, hoạt động của người nước ngoài
theo đề nghị của các cơ quan, đơn vị, đảm bảo trình tự, thủ tục và yêu cầu quản
lý nhà nước.
4. Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh
căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm hướng
dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về nhập cảnh,
xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 7. Phối hợp
trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý cư trú, hoạt động của
người nước ngoài
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với
các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý cư trú, hoạt động của
người nước ngoài cho các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan.
Điều 8. Phối hợp
trong công tác quản lý cư trú, hoạt động của người nước ngoài
1. Công an tỉnh có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban,
ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nhập
cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh
với các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội có yếu tố
nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
b) Thực hiện công tác quản lý khai
báo tạm trú đối với người nước ngoài theo quy định; chỉ đạo, hướng dẫn Đồn Công
an, Công an các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm rà
soát, trực tiếp nắm tình hình, quản lý cư trú, hoạt động của người nước ngoài
trên địa bàn phụ trách.
c) Trao đổi, cung cấp cho Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội, Bộ đội Biên phòng tỉnh thông tin người nước ngoài được
cấp thẻ tạm trú, cấp thị thực, gia hạn tạm trú để làm việc, lao động; cấp giấy
phép vào khu vực cấm, khu vực biên giới biển cho người nước ngoài trên địa bàn
tỉnh. Trao đổi thông tin, cung cấp số liệu về cư trú của người nước ngoài theo
đề nghị của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện.
2. Bộ đội Biên phòng tỉnh có trách
nhiệm:
a) Phối hợp với Công an tỉnh thực hiện
quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài
trong khu vực biên giới biển; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hành vi
vi phạm pháp luật của người nước ngoài tại khu vực biên giới biển, cửa khẩu cảng
biển.
b) Trao đổi, cung cấp thông tin cho
Công an tỉnh và các cơ quan liên quan về tình hình người, phương tiện nước
ngoài ra, vào và hoạt động trong khu vực biên giới biển; thông tin cấp các loại
giấy tờ cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động tại cửa khẩu cảng biển;
giấy phép thuyền viên nước ngoài đi bờ, nghỉ qua đêm trên bờ; cấp thị thực cho
thuyền viên xuất cảnh qua các cửa khẩu khác.
3. Các sở, ban, ngành có trách nhiệm:
a) Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương,
Xây dựng, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận
tải, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Y tế; Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất
và các Khu công nghiệp tỉnh theo chức năng, lĩnh vực quản lý trao đổi thông tin
cho Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh và cơ quan liên quan về tổ chức, cá nhân nước
ngoài được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép hành nghề thuộc thẩm
quyền quản lý hoặc ủy quyền của UBND tỉnh.
b) Sở Ngoại vụ trao đổi, cung cấp cho
Công an tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các sở, ban,
ngành khác theo chức năng quản lý của từng đơn vị thông tin về tổ chức phi
chính phủ nước ngoài, người nước ngoài hoạt động dưới hình thức tình nguyện
viên theo các chương trình dự án do nhà tài trợ vốn ODA, vốn vay ưu đãi hoặc tổ
chức phi chính phủ nước ngoài phái cử; thông tin các đoàn quốc tế đến tỉnh tổ
chức hội nghị, hội thảo và thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân nước ngoài
trong lĩnh vực hoạt động đối ngoại do UBND tỉnh ủy quyền.
c) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
có trách nhiệm chủ trì tiếp nhận, tổng hợp, thẩm định nhu cầu sử dụng lao động
nước ngoài của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người sử dụng lao động để
tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định. Thông báo cho Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh
và các sở, ban, ngành có liên quan về thông tin người nước ngoài được cấp hoặc
thu hồi giấy phép lao động, xác nhận miễn giấy phép lao động.
d) Sở Tư pháp trao đổi, cung cấp cho
Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin lao động nước ngoài
được cấp lý lịch tư pháp; thông tin và giải quyết hồ sơ quốc tịch, giao nhận
con nuôi có yếu tố nước ngoài theo chức năng quản lý của từng đơn vị.
e) Cục Thuế tỉnh trao đổi, cung cấp
cho Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp huyện
và các sở, ban, ngành có liên quan thông tin các tổ chức, cá nhân có yếu tố nước
ngoài ngừng kinh doanh, hoạt động nhưng không thông báo, nợ thuế, trốn thuế
theo chức năng quản lý của từng đơn vị.
f) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi
nhánh tỉnh Quảng Ngãi trao đổi, cung cấp cho Công an tỉnh thông tin các giao dịch
chuyển tiền nghi có liên quan đến hoạt động khủng bố, rửa
tiền, tội phạm quốc tế và các khoản nợ xấu của tổ chức, cá nhân nước ngoài.
4. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách
nhiệm trao đổi, cung cấp cho Công an tỉnh và các sở, ban, ngành thông tin các tổ
chức, cá nhân có yếu tố nước ngoài hoạt động thực tế tại địa phương mình theo
chức năng quản lý của từng đơn vị.
Điều 9. Phối hợp
thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác quản lý cư
trú, hoạt động của người nước ngoài
1. Thanh tra tỉnh có trách nhiệm thống
kê, theo dõi, đối chiếu các kế hoạch thanh tra, kiểm tra của
các cơ quan chức năng để giảm thiểu trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung
thanh tra, kiểm tra trong cùng thời gian.
2. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với
các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện thống nhất kế hoạch kiểm tra các
tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về nhập cảnh,
xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài.
3. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân
dân cấp huyện chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trên các lĩnh vực, địa bàn
thuộc chức năng quản lý của đơn vị mình.
4. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo
trong quản lý cư trú, hoạt động của người nước ngoài được
thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.
Điều 10. Phối hợp
xử lý vi phạm pháp luật về cư trú, hoạt động của người nước ngoài
1. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với
các đơn vị liên quan xử lý vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của
người nước ngoài trên địa bàn tỉnh theo quy định.
2. Đối với các vụ việc vi phạm pháp
luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài do đơn vị kiểm soát
xuất nhập cảnh thuộc Bộ đội Biên phòng phát hiện thì xử lý theo thẩm quyền; nếu
có tình tiết phức tạp thì trao đổi Công an để phối hợp xử lý.
3. Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân
dân cấp huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ xử lý vi phạm
hành chính liên quan đến tổ chức, cá nhân nước ngoài theo
thẩm quyền, trình tự, thủ tục pháp luật quy định, đồng thời
trao đổi cho Công an tỉnh và Sở Ngoại vụ; nếu có tình tiết phức tạp thì trao đổi
Công an tỉnh để phối hợp xử lý.
4. Trường hợp người nước ngoài vi phạm
về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, hoạt động tại Việt Nam nhưng thuộc diện ưu
đãi, miễn trừ thì thực hiện theo quy định của pháp luật về quyền ưu đãi, miễn
trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế
tại Việt Nam.
5. Các sở, ban, ngành đề nghị cơ quan
có thẩm quyền ban hành, gia hạn hoặc giải tỏa các quyết định chưa cho nhập cảnh,
tạm hoãn xuất cảnh, buộc xuất cảnh đối với người nước ngoài quy định tại khoản
4, 7, 8, 9 Điều 21; khoản 1 Điều 28 và Điều 30 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh,
quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời gửi văn bản thông
báo cho Công an tỉnh để phối hợp xử lý.
Điều 11. Phối hợp
trong trao đổi thông tin, thống kê nhà nước về cư trú, hoạt động của người nước
ngoài
1. Công an tỉnh chỉ đạo cơ quan quản
lý xuất nhập cảnh thực hiện thống kê nhà nước về cư trú của
người nước ngoài tại tỉnh và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân
dân cấp huyện thống kê số liệu người nước ngoài, tổ chức liên quan theo chức
năng, nhiệm vụ quản lý của từng đơn vị quy định tại Điều 8 Quy chế này.
3. Chế độ trao đổi, cung cấp thông
tin
a) Trao đổi, cung cấp thông tin việc
cấp các loại giấy tờ cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài bằng văn bản hoặc qua
thư điện tử công vụ theo định kỳ hàng tháng (số liệu được tính từ ngày 16 tháng
trước đến ngày 15 tháng tiếp theo làm báo cáo) hoặc khi có yêu cầu đột xuất.
b) Trao đổi, cung cấp thông tin ngay
sau khi thu hồi, hủy các loại giấy tờ đã cấp cho các tổ chức, cá nhân nước
ngoài hoạt động, cư trú trên địa bàn tỉnh.
c) Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân
dân cấp huyện phải trao đổi ngay với Công an tỉnh và Sở Ngoại vụ các trường hợp
người nước ngoài bị tai nạn, tử vong... đảm bảo trong thời hạn 12 giờ kể từ khi
phát hiện Sở Ngoại vụ báo cáo với cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao để thông
báo cho cơ quan đại diện nước mà người đó là công dân.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Trách
nhiệm thực hiện
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ
tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ thuộc
lĩnh vực phụ trách, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; phối hợp chặt
chẽ với Công an tỉnh trong quản lý người nước ngoài cư trú, hoạt động trên địa
bàn tỉnh. Nếu đơn vị mình có vi phạm trong thực hiện Quy
chế này thì bị xử lý theo quy định từ hình thức kiểm điểm đến kỷ luật. Định kỳ
hàng năm (trước ngày 15/11) có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện cho Ủy ban
nhân dân tỉnh (qua Công an tỉnh).
2. Công an tỉnh
là đơn vị đầu mối có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp báo Ủy ban nhân dân tỉnh việc thực hiện Quy chế
này.
3. Trong quá trình tổ chức, triển
khai thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp,
các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện trao đổi với
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và Công an tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân
dân tỉnh xem xét, quyết định./.