QUY ĐỊNH
VỀ CƠ CẤU TỔ CHỨC, CHẾ ĐỘ TRANG PHỤC, PHƯƠNG TIỆN HOẠT ĐỘNG
CỦA LỰC LƯỢNG BẢO VỆ DÂN PHỐ Ở PHƯỜNG, THỊ TRẤN THUỘC TỈNH BÌNH DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 41/2009/QĐ-UBND ngày 12 tháng 6 năm 2009 của
UBND tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Vị trí của Bảo
vệ dân phố
Bảo vệ dân phố là lực lượng quần
chúng tự nguyện làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự
an toàn xã hội, được thành lập ở các phường, thị trấn (sau đây gọi chung là phường)
nơi bố trí lực lượng Công an chính quy, do Ủy ban nhân dân phường quyết định
thành lập.
Điều 2. Chức năng của Bảo vệ dân phố
Bảo vệ dân phố có trách nhiệm
làm nòng cốt trong việc thực hiện phong trào quần chúng, bảo vệ an ninh tổ quốc,
thực hiện một số biện pháp công tác phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn
xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật, nhằm
bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp
pháp của công dân trên địa bàn.
Điều 3. Nguyên tắc hoạt động của Bảo vệ dân phố
Bảo vệ dân phố chịu sự lãnh đạo
toàn diện của Đảng ủy phường, sự giám sát của Hội đồng nhân dân phường, sự quản
lý điều hành của Ủy ban nhân dân phường và sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp công
tác của Công an phường.
Mọi hoạt động của Bảo vệ dân phố
được thực hiện theo quy định của Nghị định số
38/2006/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ về Bảo vệ dân phố và các quy định khác của pháp luật. Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng
danh nghĩa của Bảo vệ dân phố để thực hiện hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến
quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Chương II
TỔ CHỨC, NHIỆM
VỤ, QUYỀN HẠN VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA BẢO VỆ DÂN PHỐ
Điều 4. Về tổ chức của Bảo
vệ dân phố
1. Mỗi cụm dân cư được thành lập
một Tổ Bảo vệ dân phố. Tổ Bảo vệ dân phố gồm: Tổ trưởng, Tổ phó và các Tổ viên
do cán bộ cơ sở và đại diện các hộ gia đình trong cụm dân cư bầu ra. Tùy vào
tình hình đặc điểm, số lượng dân cư và tính chất phức tạp trên địa bàn, mỗi Tổ
Bảo vệ dân phố có 1 Tổ trưởng phụ trách và từ 3 đến 7 Tổ viên; đối với Tổ Bảo vệ
dân phố có từ 5 Tổ viên trở lên có thể bầu thêm 01 Tổ phó giúp việc.
2. Mỗi phường được thành lập một
Ban Bảo vệ dân phố. Ban Bảo vệ dân phố gồm Trưởng ban, 01 đến 02 Phó Trưởng ban
và các Ủy viên. Ủy viên Ban Bảo vệ dân phố là Tổ trưởng các Tổ Bảo vệ dân phố ở
các cụm dân cư. Trưởng ban, các Phó Trưởng Ban Bảo vệ dân phố do tập thể Ủy
viên Ban Bảo vệ dân phố bầu ra bằng hình thức bỏ phiếu kín.
3. Trưởng Công an phường có
trách nhiệm tổ chức việc bầu Trưởng ban, Phó Trưởng ban, Tổ trưởng và các Tổ
viên Bảo vệ dân phố và đề nghị Ủy ban nhân dân phường quyết định công nhận các
chức danh trên.
Cảnh sát khu vực có trách nhiệm
phối hợp với cấp ủy chi bộ khu phố, Ban điều hành cụm dân cư lựa chọn, giới thiệu
người vào Tổ Bảo vệ dân phố, dự kiến Tổ trưởng, Tổ phó và tổ chức cuộc họp gồm
cán bộ cơ sở, đại diện các hộ gia đình trong khu vực để bầu bằng hình thức biểu
quyết.
Căn cứ vào kết quả bầu cử của
Ban Bảo vệ dân phố và đề nghị của Trưởng Công an phường, Chủ tịch Ủy ban nhân
dân phường ra quyết định thành lập Ban Bảo vệ dân phố, công nhận Trưởng ban,
các Phó Trưởng ban, các Ủy viên, các Tổ trưởng và các Tổ viên Bảo vệ dân phố.
Điều 5. Nhiệm kỳ hoạt động của Ban Bảo vệ dân phố
Nhiệm kỳ hoạt động của Ban Bảo
vệ dân phố là 5 năm. Trong nhiệm kỳ hoạt động của Ban Bảo vệ dân phố, việc thay
đổi, bãi miễn, bổ sung các chức danh của Ban Bảo vệ dân phố được thực hiện như
sau:
1. Nếu Trưởng ban, Phó Trưởng
ban, Tổ trưởng và các Tổ viên Bảo vệ dân phố mà khuyết (do chết, không còn đảm
bảo sức khỏe hoặc xin nghỉ việc) thì tổ chức bầu bổ sung vào các chức danh đó
theo thủ tục chung được quy định tại khoản 2 Điều 4 của Quy định này.
2. Nếu Trưởng Ban, Phó Trưởng
Ban Bảo vệ dân phố không hoàn thành nhiệm vụ, không còn được tập thể Ban và
nhân dân tín nhiệm hoặc vi phạm kỷ luật, pháp luật thì Trưởng Công an phường
báo cáo đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường tổ chức họp tập thể Ban Bảo vệ
dân phố để lấy ý kiến đề nghị bãi nhiệm và làm thủ tục bầu người khác thay thế.
3. Tổ trưởng, Tổ phó và các Tổ
viên Tổ Bảo vệ dân phố không hoàn thành nhiệm vụ, không còn được nhân dân tín
nhiệm hoặc vi phạm kỷ luật, pháp luật thì Cảnh sát khu vực cùng với Trưởng Ban
Bảo vệ dân phố báo cáo đề xuất với Trưởng Công an phường tổ chức họp gồm cán bộ
cơ sở, đại diện các hộ gia đình trong cụm dân cư đã bầu thành viên đó để lấy ý
kiến đề nghị bãi nhiệm và bầu người khác thay thế;
4. Việc công nhận và bãi nhiệm
Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Ban Bảo vệ dân phố, Tổ trưởng và các Tổ viên của
Tổ Bảo vệ dân phố phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường ra quyết định bằng
văn bản.
Điều 6. Điều kiện, tiêu
chuẩn của Bảo vệ dân phố
1. Công dân Việt Nam từ đủ 18
tuổi trở lên, cư trú ổn định tại địa bàn.
2. Có lý lịch rõ ràng, bản thân
và gia đình gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật
của Nhà nước.
3. Có sức khỏe, có điều kiện,
nhiệt tình và tự nguyện tham gia các hoạt động xã hội; am hiểu pháp luật và phải
được bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo vệ an ninh, trật tự.
4. Không có tiền án, tiền sự,
không phải là người đang chấp hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo, quản
chế hình sự hoặc đang chấp hành một trong các biện pháp xử lý hành chính khác.
5. Quan hệ tốt với nhân dân, được
quần chúng tín nhiệm và được nhân dân trong cụm dân cư giới thiệu, bầu ra.
Điều 7. Nhiệm vụ của Bảo
vệ dân phố
1. Nắm tình hình an ninh, trật
tự, phát hiện các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, các vụ
vi phạm hành chính, vi phạm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn phường; phản
ánh cho cơ quan Công an và Ủy ban nhân dân phường, có biện pháp phòng ngừa,
ngăn chặn; tham gia hòa giải, giải quyết kịp thời không để những hậu quả xấu xảy
ra.
2. Phổ biến, tuyên truyền nâng
cao cảnh giác, ý thức phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm
pháp luật về an ninh, trật tự nhằm vận động nhân dân trong phường tự giác chấp
hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy tắc,
quy ước, nội quy về bảo vệ an ninh, trật tự; tham gia xây dựng phường, cụm dân
cư, hộ gia đình an toàn về an ninh, trật tự, không có tội phạm, tệ nạn xã hội.
3. Đôn đốc, nhắc nhở nhân dân
trong phường chấp hành các quy định của pháp luật về đăng ký, quản lý nhân khẩu,
hộ khẩu; sử dụng, quản lý chứng minh nhân dân và giấy tờ tùy thân khác; quy định
về đăng ký hoạt động ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; quản
lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tham gia giữ gìn trật tự công cộng, trật
tự an toàn giao thông, an toàn phòng cháy, chữa cháy.
4. Vận động nhân dân tham gia cảm
hóa, giáo dục, giúp đỡ và quản lý những người đã chấp hành xong hình phạt tù,
chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa
bệnh, trung tâm cai nghiện, người chưa thành niên phạm tội, người đang chấp
hành hình phạt cải tạo không giam giữ; phối hợp với các cơ quan, tổ chức được
giao trách nhiệm quản lý, giáo dục, giúp đỡ những đối tượng đang trong diện quản
lý, giáo dục tại phường; vận động thuyết phục người thân của các đối tượng đang
bị truy nã, trốn thi hành án, đối tượng phạm tội đang lẩn trốn để tác động họ
ra đầu thú.
5. Khi có vụ việc phức tạp về
an ninh, trật tự xảy ra trong địa bàn, phải kịp thời có mặt và tìm mọi cách báo
ngay cho Công an phường; bảo vệ hiện trường, tham gia sơ cứu người bị nạn, giải
cứu con tin, bắt, giữ người phạm tội quả tang, tham gia chữa cháy, cứu tài sản
và thực hiện các công việc khác theo sự phân công, hướng dẫn của Ủy ban nhân
dân và Công an phường.
6. Phối hợp với lực lượng công
an, dân quân, dân phòng và bảo vệ chuyên trách các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp
đóng trên địa bàn để bảo vệ an ninh, trật tự theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân
và Công an phường. Tổ chức tuần tra kiểm soát và tham gia các hoạt động phòng
ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các vi phạm khác về
trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Quyền hạn của Bảo
vệ dân phố
1. Bắt, tước hung khí và áp giải
người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, trốn thi hành án phạt tù đến trụ
sở Công an phường theo quy định của pháp luật.
2. Yêu cầu chấm dứt ngay hành
vi vi phạm và báo cáo với Ủy ban nhân dân, Công an phường để có biện pháp xử lý
theo quy định của pháp luật đối với những người đang có hành vi vi phạm trật tự
công cộng, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông, các vi phạm quy định
an toàn cháy nổ và những người vi phạm các quy định khác về trật tự, an toàn xã
hội.
3. Tham gia với lực lượng Công
an hoặc lực lượng chức năng để truy bắt người phạm tội, người đang bị truy nã,
trốn thi hành án; kiểm tra tạm trú, tạm vắng; kiểm tra giấy chứng minh nhân dân
hoặc giấy tờ tùy thân khác của những người tạm trú, người có nghi vấn đến địa
bàn khu phố được phân công phụ trách.
Điều 9. Lề lối làm việc của
Bảo vệ dân phố
1. Trưởng Ban Bảo vệ dân phố chịu
trách nhiệm quản lý tổ chức và điều hành mọi hoạt động của Ban Bảo vệ dân phố,
thường xuyên báo cáo tình hình kết quả thực hiện các mặt công tác của Bảo vệ
dân phố với Ủy ban nhân dân phường và Công an phường.
a) Phó Trưởng Ban Bảo vệ dân phố
giúp việc Trưởng ban và thực hiện phần việc được phân công, thay thế Trưởng ban
chỉ đạo điều hành mọi hoạt động của Ban khi được Trưởng ban ủy quyền.
b) Ủy viên Ban Bảo vệ dân phố
chịu sự lãnh đạo, quản lý trực tiếp của Trưởng ban, Phó trưởng Ban Bảo vệ dân
phố và có trách nhiệm triển khai thực hiện các chủ trương, biện pháp, kế hoạch
công tác của Bảo vệ dân phố ở cụm dân cư do mình phụ trách và thực hiện các nhiệm
vụ khác về an ninh, trật tự do Trưởng ban, Phó Trưởng Ban Bảo vệ dân phố giao.
2. Ban Bảo vệ dân phố họp 1
tháng 1 lần (trừ đột xuất) để kiểm điểm công tác đã làm và bàn chương trình
công tác tháng tới.
Hàng tháng các Tổ trưởng Tổ Bảo
vệ dân phố phải tập hợp tình hình công tác an ninh trật tự và hoạt động của Tổ
Bảo vệ dân phố để báo cáo Ban Bảo vệ dân phố biết, cho ý kiến chỉ đạo.
Hàng tuần Tổ Bảo vệ dân phố tổ
chức họp để đánh giá kết quả và triển khai công tác giữ gìn an ninh trật tự
trong khu vực có sự tham gia của cấp ủy, ban điều hành cụm dân cư, Cảnh sát khu
vực để cùng phối hợp thực hiện.
3. Hàng ngày Ban Bảo vệ dân phố,
Tổ Bảo vệ dân phố phải bố trí người có mặt tại địa điểm làm việc để giải quyết
công việc theo quy định.
4. Trong khi làm nhiệm vụ Bảo vệ
dân phố phải đeo băng chức danh, biển hiệu theo quy định.
Điều 10. Mối quan hệ công
tác của Bảo vệ dân phố
1. Đối với Đảng ủy, Ủy ban nhân
dân phường: Bảo vệ dân phố chịu sự lãnh đạo, điều hành, quản lý về tổ chức và
chỉ đạo chung về công tác.
2. Đối với Công an phường: Bảo
vệ dân phố chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ bảo vệ an ninh, trật tự và
tham gia phối hợp cùng Công an phường trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự.
3. Đối với lực lượng dân quân tự
vệ, lực lượng dân phòng, đoàn thể quần chúng và lực lượng bảo vệ chuyên trách
các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn phường: phối hợp
để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong địa bàn, theo chỉ đạo của Đảng
ủy và Ủy ban nhân dân phường.
Chương
III
CHẾ ĐỘ, CHÍNH
SÁCH, TRANG BỊ PHƯƠNG TIỆN VÀ KINH PHÍ ĐẢM BẢO CHO HOẠT ĐỘNG CỦA BẢO VỆ DÂN PHỐ
Điều 11. Chế độ chính
sách đối với Bảo vệ dân phố
1. Bảo vệ dân phố được hưởng phụ
cấp hàng tháng do Ủy ban nhân dân phường chi trả. Mức hệ số phụ cấp hàng tháng theo từng chức danh dựa trên mức
lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định:
- Trưởng Ban Bảo vệ
dân phố: 1,00
- Phó Trưởng Ban Bảo vệ
dân phố: 0,85
- Tổ trưởng Tổ Bảo vệ
dân phố: 0,75
- Tổ phó Tổ Bảo vệ dân
phố: 0,65
- Tổ viên Tổ Bảo vệ
dân phố: 0,50
Trường hợp thành viên
Bảo vệ dân phố giữ nhiều chức danh khác nhau thì phụ cấp được hưởng theo chức
danh cao nhất.
2. Bảo vệ dân phố trong khi làm
nhiệm vụ mà bị hy sinh, bị thương theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có
công với cách mạng ngày 29 tháng 06 năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì
được xem xét công nhận là liệt sỹ hoặc người được hưởng chính sách như thương
binh.
3. Bảo vệ dân phố được bồi dưỡng
kiến thức pháp luật và nghiệp vụ về công tác bảo vệ an ninh, trật tự theo quy định
của Bộ Công an. Trong thời gian tập trung bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp
vụ về công tác bảo vệ an ninh, trật tự bảo vệ dân phố được hưởng chế độ phụ cấp
đi lại, ăn ở như quy định đối với Công an xã.
Điều 12. Trang bị phương
tiện đối với Bảo vệ dân phố
1. Bảo vệ dân phố được trang bị
và sử dụng vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Một Tổ Bảo vệ dân
phố được trang bị ban đầu là: 02 gậy cao su, 02 gậy điện, 02 đèn pin/01 năm.
2. Bảo vệ dân phố được trang bị
giấy chứng nhận, biển hiệu, băng chức danh theo mẫu thống nhất và các phương tiện
cần thiết khác theo quy định.
3. Ban Bảo vệ dân phố được bố
trí nơi làm việc riêng; Tổ Bảo vệ dân phố được bố trí tại trụ sở khu phố, tổ
dân phố hoặc nơi phức tạp về an ninh trật tự có các chốt gác cố định.
Điều 13. Trang bị trang
phục cá nhân đối với Bảo vệ dân phố
Trang phục cá nhân cho
lực lượng Bảo vệ dân phố bao gồm: quần áo xuân hè, mũ mềm, giày da, tất, dây lưng,
quần áo mưa. Trong đó:
- Quần áo xuân hè: 02
bộ/1năm;
- Mũ mềm màu xanh nhạt
như màu quần áo: 01 cái/1năm;
- Giày da ngắn cổ, màu
đen, buộc dây: 01 đôi/1năm;
- Tất AC coton màu
xanh nhạt: 02 đôi/1năm;
- Dây lưng nhỏ bằng
da, màu nâu sẫm, khóa màu trắng, có chốt cài ở giữa: 01 dây/04năm;
- Quần áo mưa màu xanh
nhạt, may vải bằng vinilon nhựa PVC: 01 bộ/04 năm.
Điều 14. Kinh phí hoạt động
của Bảo vệ dân phố
1. Kinh
phí hoạt động: Ban Bảo vệ dân phố phường, thị trấn được khoán kinh phí hoạt động
10.000.000đ/1 năm để chi tập huấn nghiệp vụ, mua giấy chứng nhận, biển hiệu,
băng chức danh, văn phòng phẩm, báo chí, công cụ, dụng cụ và các khoản chi khác
liên quan đến công tác.
2. Nguồn kinh phí hoạt động của
Bảo vệ dân phố:
a) Ngân sách địa phương theo
quy định của Luật Ngân sách nhà nước;
b) Quỹ an ninh trật tự của địa
phương;
c) Do tổ chức, cá nhân ủng hộ.
3. Sở Tài chính chủ trì phối hợp
với Công an tỉnh hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí đảm bảo cho hoạt động
của Bảo vệ dân phố.
Chương IV
KHEN THUỞNG,
KỶ LUẬT VÀ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Điều 15. Khen thưởng
1. Tổ chức, cá nhân có thành
tích trong việc xây dựng lực lượng Bảo vệ dân phố thì được khen thưởng theo quy
định của Nhà nước.
2. Bảo vệ dân phố lập thành
tích xuất sắc trong công tác thì được xét khen thưởng theo quy định như đối với
Công an xã.
Điều 16. Kỷ luật
Bảo vệ dân phố lợi dụng chức vụ,
quyền hạn vi phạm pháp luật hoặc mưu cầu lợi ích cá nhân, ảnh hưởng xấu đến an
ninh, trật tự, uy tín của tổ chức thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị
xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây
thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Khiếu nại, tố
cáo
1. Mọi tổ chức, cá nhân có quyền
khiếu nại với cơ quan Nhà nước cấp có thẩm quyền về các hành vi của Trưởng ban,
các Phó Trưởng ban, các Ủy viên và tổ viên Bảo vệ dân phố trong khi làm nhiệm vụ.
2. Mọi tổ chức, cá nhân có quyền
và nghĩa vụ tố cáo Bảo vệ dân phố có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi
thi hành nhiệm vụ vi phạm pháp luật hoặc mưu cầu lợi ích cá nhân gây ảnh hưởng
xấu đến an ninh trật tự ở cơ sở.
Việc khiếu nại, tố cáo của tổ
chức, cá nhân đối với Bảo vệ dân phố được thực hiện theo quy định của pháp luật
về khiếu nại, tố cáo.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Điều 18. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân các cấp
Ủy ban nhân dân huyện, thị xã,
phường, thị trấn trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo,
quản lý tổ chức và hoạt động của Bảo vệ dân phố theo thẩm quyền và sự hướng dẫn,
kiểm tra của Công an cấp trên; đảm bảo kinh phí hoạt động; trang bị phương tiện,
trang phục và thực hiện các chế độ, chính sách đối với Bảo vệ dân phố theo quy
định pháp luật.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường,
thị trấn có trách nhiệm bố trí địa điểm làm việc cho Bảo vệ dân phố; cấp và quản
lý việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận, biển hiệu và băng chức danh Bảo vệ dân phố;
căn cứ số lượng Bảo vệ dân phố và nhu cầu trang bị, tập hợp số liệu, trang bị
vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, giấy chứng nhận, biển số hiệu, băng chức danh và
các phương tiện cần thiết khác, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã
để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh duyệt cấp kinh phí cho việc trang bị
vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, in Giấy chứng nhận, biển hiệu, băng chức danh và
các phương tiện cần thiết khác phục vụ công tác của Bảo vệ dân phố.
Điều 19. Trách nhiệm của các cơ quan đoàn thể, đơn
vị, tổ chức và mọi công dân
Đề nghị Hội đồng nhân dân, Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; các đơn vị, tổ chức và mọi công dân tham
gia giám sát, giúp đỡ, tạo điều kiện để lực lượng Bảo vệ dân phố hoàn thành nhiệm
vụ của mình.
Điều 20. Trách
nhiệm của Sở, ngành cấp tỉnh
1. Hàng năm, Công an tỉnh có
trách nhiệm tham mưu, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc lập danh
sách quân số, lập dự toán và xây dựng kế hoạch, trang bị vũ khí thô sơ, công cụ
hỗ trợ, tổ chức in, cấp Giấy chứng nhận, biển hiệu, băng chức danh, đồng phục
và các phương tiện cần thiết khác cho lực lượng Bảo vệ dân phố, mở Hội nghị sơ
kết, tổng kết thi đua về công tác Bảo vệ dân phố để rút kinh nghiệm, nhân điển
hình tiên tiến nhằm động viên, khen thưởng những cá nhân, đơn vị làm tốt phong
trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; đồng thời có kế hoạch chỉ đạo, bồi dưỡng chính trị,
nghiệp vụ cho Ban Bảo vệ dân phố, Tổ Bảo vệ dân phố.
2. Sở Tài chính hướng dẫn
UBND các huyện, thị xã chỉ đạo UBND các phường, thị trấn lập dự toán, quyết
toán tiền phụ cấp, kinh phí hoạt động của Bảo vệ dân phố theo quy định của Luật
Ngân sách nhà nước và các văn bản hiện hành.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách
nhiệm phối hợp với Công an tỉnh và các ngành liên quan hướng dẫn việc thực hiện
chế độ chính sách cho Bảo vệ dân phố khi bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm
vụ.
4. Công an tỉnh phối hợp Sở Nội
vụ, Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách
nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy định này.
Trong quá trình thực hiện Quy định
này, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua
Công an tỉnh) để xem xét, quyết định./.