VỀ VIỆC BỔ NHIỆM, BỔ NHIỆM
LẠI, TỪ CHỨC, MIỄN NHIỆM VÀ LUÂN CHUYỂN CHỨC DANH TRƯỞNG PHÒNG, PHÓ TRƯỞNG
PHÒNG VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG THUỘC CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, ỦY BAN
NHÂN DÂN HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ TẠI TỈNH YÊN BÁI
(Ban hành theo Quyết định số: 33/2010/QĐ-UBND, ngày 08/12/2010 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Yên Bái)
Chương I
QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy định này
quy định về việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm và luân chuyển đối
với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương
(gọi chung là cán bộ lãnh đạo cấp phòng) thuộc sở, ban, ngành của Ủy ban nhân
dân tỉnh; các phòng, ban, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố
(gọi chung là cấp huyện) được áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
2. Đối với cán
bộ lãnh đạo cấp phòng của một số ngành chuyên môn đã được cơ quan Trung ương
liên quan quy định: Ngoài những quy định do các cơ quan Trung ương quy định vẫn
áp dụng thực hiện theo những quy định tại Quyết định này; trường hợp cùng nội
dung có quy định khác nhau giữa Trung ương và địa phương, thì được thực hiện
theo văn bản do các cơ quan Trung ương quy định.
3. Quy định
này không áp dụng đối với các chức danh quy định tại Điều 7 Quy định phân cấp
quản lý tổ chức, cán bộ (được ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-UBND
ngày 15/4/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh); các chức danh cán bộ lãnh đạo cấp sở
và tương đương kiêm lãnh đạo cấp phòng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1) Trưởng
phòng, phó trưởng phòng;
2) Chi cục trưởng,
phó chi cục trưởng;
3) Trưởng ban,
phó trưởng ban;
4) Chánh Thanh
tra, Phó Chánh Thanh tra, Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng các sở, ban,
ngành;
5) Hiệu trưởng,
Phó Hiệu trưởng, Giám đốc, Phó giám đốc các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở; các
doanh nghiệp nhà nước trực thuộc tỉnh.
Điều 3. Nguyên tắc trong việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức,
miễn nhiệm và luân chuyển đối với cán bộ lãnh đạo cấp phòng:
1. Cấp ủy đảng
cơ sở trực tiếp lãnh đạo công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại,từ chức, miễn nhiệm và
luân chuyển đối với cán bộ, công chức theo phân cấp quản lý của tỉnh và đúng
quy trình, thủ tục. Đối với chức danh cán bộ lãnh đạo cấp phòng thuộc UBND cấp
huyện quản lý, sau khi thống nhất trong tập thể thường trực UBND cấp huyện, Chủ
tịch UBND cấp huyện có tờ trình báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy;
2. Cán bộ,
công chức được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển phải có đủ tiêu chuẩn theo
quy định; phải thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trách nhiệm của
người đứng đầu cơ quan, đơn vị;
3. Xuất phát từ
yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và điều kiện, tiêu chuẩn của cán bộ, công
chức; bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển của đội ngũ cán bộ, công chức
nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị;
4. Thuộc nguồn
cán bộ trong quy hoạch của cơ quan, hoặc của cơ quan trước đó chuyển đến được bổ
sung vào quy hoạch.
Trường hợp là
cán bộ lãnh đạo cấp phòng được điều động từ sở, ban, ngành này sang sở, ban,
ngành khác hoặc từ sở, ban, ngành sang cơ quan, đơn vị cấp huyện và ngược lại
hoặc từ cơ quan, đơn vị cấp huyện này sang cơ quan, đơn vị cấp huyện khác, nếu
đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ,
công chức có nhu cầu thì sau 03 tháng được xem xét bổ nhiệm chức danh lãnh đạo
cấp phòng;
5. Đối với một
số chức vụ của một số ngành có tính chất đặc thù, việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại
đã được quy định tại các văn bản pháp luật khác thì phải áp dụng văn bản có hiệu
lực pháp lý cao hơn;
6. Cấp có thẩm
quyền quyết định bổ nhiệm thì cũng có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm lại, cho từ
chức hoặc miễn nhiệm cán bộ, công chức.
Chương II
BỔ
NHIỆM, BỔ NHIỆM LẠI, LUÂN CHUYỂN CÁN BỘ LÃNH ĐẠO CẤP PHÒNG
Mục 1. TIÊU CHUẨN CÁN BỘ LÃNH ĐẠO
CẤP PHÒNG
Điều 4. Tiêu chuẩn chung
1. Có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ
nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, thực hiện tốt
chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
2. Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, không
tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng; có ý thức tổ chức kỷ luật,
trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.
3. Có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị;
có ý thức và khả năng đấu tranh bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính
sách pháp luật của Nhà nước; có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực để
hoàn thành hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
4. Có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối
trung thành với lý tưởng cách mạng, với chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí
Minh; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương đường lối của
Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước.
5. Gương mẫu về đạo đức, lối sống; có tác phong
dân chủ, khoa học, có khả năng tập hợp quần chúng, đoàn kết nội bộ.
6. Có kiến thức về khoa học lãnh đạo và quản lý;
đã học tập có hệ thống ở các trường của Đảng, nhà nước; trải qua hoạt động thực
tiễn có hiệu quả.
7. Không trong thời gian bị thi hành kỷ luật từ
hình thức khiển trách trở lên.
8. Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được
giao.
Điều 5. Tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể đối với trưởng phòng
và tương đương
1. Về hiểu biết
và năng lực:
a) Nắm vững đường
lối, chủ trương, chính sách của các cấp Ủy đảng, các văn bản quy phạm pháp luật
của Trung ương và địa phương để vận dụng vào công tác quản lý, chỉ đạo của cơ
quan, đơn vị trên cương vị được giao;
b) Có hiểu biết
về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh -Quốc phòng, công
tác xây dựng Đảng, đoàn thể ở trong nước và địa phương;
c) Có năng lực
tổ chức chỉ đạo, quản lý, phối hợp triển khai công việc; có khả năng xây dựng,
thẩm định các đề án, tổng kết thực tiễn, kinh nghiệm trong tổ chức triển khai
hoạt động nghiệp vụ;
d) Có kiến thức
về chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến lĩnh vực được phân công phụ trách; có khả
năng nghiên cứu khoa học, soạn thảo tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ trong lĩnh vực
được phân công phụ trách.
2. Về trình độ:
a) Chuyên môn
nghiệp vụ: Tốt nghiệp đại học trở lên, chuyên ngành phù hợp với vị trí công tác
được phân công phụ trách.
b) Lý luận
chính trị: Trung cấp trở lên.
c) Ngoại ngữ,
tin học: Chứng chỉ B trở lên.
3. Về độ tuổi,
quá trình công tác:
a) Tuổi bổ nhiệm
lần đầu:
- Ở các cơ
quan, đơn vị cấp sở, ban, ngành của tỉnh: Nam không quá 55 tuổi, nữ không quá
50 tuổi;
- Ở các cơ
quan, đơn vị cấp huyện, thị, thành phố: Không quá 45 tuổi (chung cho cả nam và
nữ);
b) Có quá
trình công tác trong sở, cơ quan, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy
ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố về lĩnh vực chuyên môn gần nhau từ 05 năm
trở lên (trừ nguồn cán bộ bổ nhiệm từ nơi khác đến). Hoàn thành tốt nhiệm vụ 03
năm liên tục tính đến thời điểm được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng phòng và tương
đương.
Điều 6. Tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể đối với Phó trưởng
phòng và tương đương.
1.Về hiểu biết
và năng lực: Được thực hiện theo quy định tại điểm a, b, d, khoản 1 Điều 5 Quy
định này.
2. Về trình độ:
a) Chuyên môn,
nghiệp vụ: Tốt nghiệp đại học trở lên, chuyên ngành phù hợp với vị trí công tác
được phân công phụ trách.
b) Lý luận
chính trị: Trung cấp trở lên.
c) Ngoại ngữ,
tin học: Chứng chỉ A trở lên.
3. Về độ tuổi,
quá trình công tác:
a) Tuổi bổ nhiệm
lần đầu:
- Ở các cơ
quan, đơn vị cấp sở, ban, ngành của tỉnh: Nam không quá 55 tuổi, nữ không quá
50 tuổi;
- Ở các cơ
quan, đơn vị cấp huyện, thị, thành phố: Không quá 45 tuổi (chung cho cả nam và
nữ);
b) Có quá
trình công tác trong sở,cơ quan, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban
nhân dân huyện, thị xã, thành phố về lĩnh vực chuyên môn gần nhau từ 03 năm trở
lên (trừ trường hợp nguồn cán bộ bổ nhiệm từ nơi khác đến). Có ít nhất 03 năm
liên tục (được cộng cả thời gian ở cơ quan trước đó chuyển đến, nêu có) hoàn
thành tốt nhiệm vụ tính đến thời điểm được bổ nhiệm phó trưởng phòng và tương
đương.
Mục 2. BỔ NHIỆM
Điều 7. Điều kiện bổ nhiệm
1. Đạt tiêu
chuẩn chung của cán bộ, công chức và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh được
bổ nhiệm tại quy định này;
2. Có đầy
đủ hồ sơ đảm bảo theo yêu cầu quy định.
Điều 8. Trình tự bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cấp phòng
a) Thủ trưởng
và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị thảo luận, lựa chọn giới thiệu nhân sự trên
cơ sở nguồn cán bộ quy hoạch nhận xét, đánh giá tín nhiệm của cán bộ, công chức
trong cơ quan, đơn vị;
b) Tổ chức họp
lấy ý kiến tín nhiệm trong tập thể cơ quan, đơn vị cấp phòng nơi trực tiếp công
tác của nhân sự giới thiệu bổ nhiệm (bằng phiếu kín); tập thể lãnh đạo cơ quan,
đơn vị xem xét kết luận những vấn đề mới nảy sinh (nếu có);
c) Cấp ủy Đảng
cơ quan có ý kiến bằng văn bản về nhân sự đề nghị bổ nhiệm;
d) Thủ trưởng
cơ quan, đơn vị thống nhất trong tập thể lãnh đạo xem xét, ra quyết định bổ nhiệm
theo thẩm quyền.
Điều 9. Hồ sơ để xem xét bổ
nhiệm
1. Tờ trình đề nghị bổ nhiệm (theo mẫu);
2. Sơ yếu lý lịch (theo mẫu 2C/TCTW) có xác nhận
của cơ quan có thẩm quyền;
3. Bản sao văn bằng, chứng chỉ về trình độ học vấn,
chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ… và bản tự nhận xét đánh giá
của cán bộ, công chức;
4. Bản kê khai tài sản, thu nhập (ban hành kèm
theo Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09/3/2007 của Chính Phủ);
5. Nhận xét, đánh giá của chi bộ, thường vụ đảng
ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị (đối với cơ quan, đơn vị thuộc sở, ban, ngành của
tỉnh); của Ban Thường vụ huyện, thị, thành ủy, đảng ủy (đối với cơ quan, đơn vị
cấp huyện);
6. Bản nhận xét của cấp ủy nơi cán bộ cư trú thường
xuyên về trách nhiệm công dân của bản thân và gia đình cán bộ;
7. Biên bản tổng hợp phiếu lấy ý kiến kết quả bỏ
phiếu tín nhiệm.
Điều 10. Thời hạn mỗi lần bổ nhiệm là 5 năm, trừ trường hợp thực hiện
theo quy định của pháp luật chuyên ngành và của cơ quan có thẩm quyền.
Mục 3. BỔ NHIỆM LẠI
Điều 11. Cán bộ lãnh đạo phòng khi hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm
phải được xem xét để bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại.
Điều 12. Điều kiện bổ nhiệm lại
1. Hoàn thành
tốt nhiệm vụ trong thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý;
2. Đạt tiêu
chuẩn cán bộ, công chức lãnh đạo quy định tại thời điểm xem xét bổ nhiệm lại,
đáp ứng được yêu cầu công tác trong thời gian tới;
3. Cơ quan,
đơn vị có nhu cầu;
4. Đủ sức khỏe
để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao;
5. Tính đến thời
điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định còn từ 02 năm công tác trở lên;
6. Không thuộc
các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật.
Điều 13. Thời điểm xem xét bổ nhiệm lại
1. Cán bộ lãnh
đạo cấp phòng được bổ nhiệm trước khi Quy chế này có hiệu lực, nếu đã có thời
gian giữ chức vụ từ đủ 5 năm trở lên (tính từ khi có quyết định bổ nhiệm) đều
phải bổ nhiệm lại. Chậm nhất là 90 ngày trước ngày hết thời hạn bổ nhiệm, cơ
quan quản lý công chức phải tiến hành quy trình bổ nhiệm lại để quyết định hoặc
trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại;
2. Quyết định
bổ nhiệm lại phải được ban hành trước ít nhất 01 ngày làm việc, tính đến ngày hết
thời hạn bổ nhiệm;
3. Cán bộ lãnh
đạo cấp phòng khi hết thời hạn bổ nhiệm, tính đến tháng đủ tuổi nghỉ hưu còn dưới
05 năm công tác mà được bổ nhiệm lại thì thời hạn bổ nhiệm được tính đến thời
điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Trường hợp tính đến tháng đủ tuổi nghỉ hưu
còn dưới 02 năm công tác, cơ quan quản lý công chức xem xét, nếu đủ tiêu chuẩn,
điều kiện thì quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cho đến
thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu. Quyết định về việc kéo dài thời gian giữ chức vụ
lãnh đạo, quản lý phải được ban hành trước ít nhất 01 ngày làm việc, tính đến
ngày hết thời hạn bổ nhiệm;
4. Cán bộ lãnh
đạo cấp phòng khi hết thời hạn bổ nhiệm mà không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được
bổ nhiệm lại hoặc không được kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng
thì cơ quan có thẩm quyền bố trí, phân công công tác khác.
Điều 14. Trình tự bổ nhiệm lại, hoặc kéo dài thời gian giữ
chức vụ lãnh đạo cấp phòng
1. Cán bộ lãnh đạo cấp phòng làm báo cáo tự nhận xét, đánh giá việc thực
hiện chức trách, nhiệm vụ trong thời
gian giữ chức vụ theo hướng dẫn tại Quy chế đánh giá cán bộ, công chức gửi thủ
trưởng cơ quan, đơn vị;
2. Tập thể cán
bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị tham gia ý kiến (bằng phiếu kín); sau đó gửi
biên bản lên thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý;
3. Tổ chức lấy
ý kiến tín nhiệm trong tập thể cơ quan, đơn vị đối với nhân sự xem xét bổ nhiệm
lại;
4. Thủ trưởng
cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo,
quản lý đánh giá và đề xuất ý kiến bổ nhiệm lại hay không bổ nhiệm lại, hoặc
kéo dài thời gian giữ chức vụ nếu không đủ năm được bổ nhiệm lại;
5. Sau khi xin
ý kiến cấp ủy và thống nhất trong tập thể lãnh đạo; thủ trưởng cơ quan, đơn vị
xem xét, quyết định.
Điều 15. Hồ sơ để xem xét bổ
nhiệm lại
1. Sơ yếu lý lịch (theo mẫu 2C/TCTW) có xác nhận
của cơ quan có thẩm quyền;
2. Bản kê khai tài sản, thu nhập ban hành kèm
theo Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09/3/2007 của Chính Phủ);
3. Bản nhận xét của đại diện cấp ủy nơi cán bộ
cư trú thường xuyên về trách nhiệm công dân của bản thân và gia đình cán bộ;
4. Tờ trình đề nghị bổ nhiệm lại (hoặc không bổ
nhiệm lại);
5. Bản tự nhận xét, đánh giá việc thực hiện chức
trách, nhiệm vụ trong thời hạn giữ chức vụ;
6. Nhận xét, đánh giá của cấp ủy đảng, lãnh đạo
cơ quan, đơn vị (đối với cơ quan, đơn vị thuộc sở, ban, ngành của tỉnh); của Ban
Thường vụ huyện, thị, thành ủy, đảng ủy (đối với cơ quan, đơn vị cấp huyện)
trong thời hạn đảm nhiệm chức vụ đối với cán bộ được đề nghị bổ nhiệm lại (hoặc
không bổ nhiệm lại);
7. Biên bản tổng hợp phiếu lấy ý kiến kết quả bỏ
phiếu tín nhiệm.
Mục 4. LUÂN CHUYỂN
Điều 16. Mục đích, yêu cầu và nguyên tắc luân chuyển
1. Mục đích,
yêu cầu:
a) Luân chuyển
cán bộ lãnh đạo cấp phòng nhằm tạo điều kiện để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách
cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng, giúp cán bộ trưởng thành nhanh hơn
và toàn diện hơn, vững vàng hơn, đáp ứng yêu cầu cán bộ trước mắt và chuẩn bị
cho đội ngũ kế cận lâu dài của các cấp, các ngành, các huyện, thị, thành phố
trong tỉnh; chống biểu hiện bảo thủ, trì trệ đối với cán bộ giữ một chức vụ quá
lâu trong một đơn vị;
b) Từng bước
điều chỉnh việc bố trí cán bộ hợp lý hơn, tăng cường được cán bộ cho những nơi
có nhu cầu cấp bách, nhất là đơn vị có khó khăn về công tác cán bộ;
c) Luân chuyển
phải công tâm, khách quan, dân chủ và khoa học; phải phù hợp với chuyên môn,
nghiệp vụ; chống chủ nghĩa cá nhân; bảo đảm sự đoàn kết và không làm xáo trộn sự
ổn định trong cơ quan, đơn vị, địa phương;
d) Luân chuyển
phải trên cơ sở kế hoạch, được người có thẩm quyền phê duyệt, được công bố công
khai trong nội bộ cơ quan, đơn vị, địa phương và gắn với trách nhiệm của người
đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.
đ) Làm cho việc
luân chuyển cán bộ dần trở thành việc làm bình thường, thành nền nếp thường
xuyên, phá bỏ những quan điểm và thói quen lạc hậu trong công tác cán bộ hiện
nay, như : khuynh hướng cục bộ, khép kín trong từng đơn vị, nhất là trong từng
địa phương; tâm lý thoả mãn, trì trệ của nhiều cán bộ chỉ muốn chọn nơi công
tác dễ dàng, muốn ổn định chức vụ hoặc lên chức nhưng không chịu nỗ lực học tập,
phấn đấu nâng cao trình độ và hiệu quả công tác; công việc trì trệ, kém hiệu quả,
cán bộ uy tín thấp nhưng rất khó thay được người phụ trách bằng những cán bộ có
uy tín và khả năng hơn.
2. Nguyên tắc
luân chuyển thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 11- NQ/TW ngày 25/01/2002
của Bộ Chính trị về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và Quyết định số
27/2003/QĐ-TTg ngày 19/02/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế
bổ nhiệm, bổ nhiện lại, luân chuyển, từ chức,miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh
đạo.
Điều 17. Phạm vi luân chuyển, tuổi để luân chuyển
1. Phạm vi
luân chuyển:
a) Luân chuyển
cán bộ lãnh đạo cấp phòng giữa các tổ chức bên trong thuộc thẩm quyền quản lý của
các sở, ban, ngành, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh;
b) Luân chuyển
cán bộ lãnh đạo cấp phòng giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp
huyện.
2. Tuổi để
luân chuyển:
Không quy định
tuổi để luân chuyển đối với cán bộ lãnh đạo cấp phòng.
Điều 18. Thẩm quyền, thời gian thực hiện luân chuyển
1. Thẩm quyền
luân chuyển
Luân chuyển
cán bộ lãnh đạo cấp phòng do thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân
dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định. Sau khi thực hiện luân
chuyển phải gửi quyết định về Sở Nội vụ để theo dõi;
2. Thời gian
luân chuyển từ 3 năm trở lên, nhưng không quá 10 năm.
Trường hợp do
nhu cầu của việc sắp xếp, bố trí cán bộ thì thời hạn kết thúc luân chuyển có thể
sớm hơn; trước khi kết thúc thời hạn luân chuyển, thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp
tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nhận xét, đánh giá, cân nhắc việc bố
trí nhiệm vụ mới phù hợp với khả năng của cán bộ.
Điều 19. Xây dựng và thực hiện kế hoạch luân chuyển
Hàng năm, thủ
trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
huyện xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo cấp phòng thuộc thẩm quyền
quản lý theo trình tự sau:
a) Cơ quan,
đơn vị, địa phương xây dựng và công bố công khai kế hoạch luân chuyển gửi Sở Nội
vụ để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ;
b) Cấp ủy, thủ
trưởng cơ quan, đơn vị thảo luận phê duyệt kế hoạch luân chuyển hàng năm trong
phạm vi thuộc thẩm quyền quyết định của mình ;
c) Cơ quan, bộ
phận làm công tác tổ chức, cán bộ của đơn vị chuẩn bị các điều kiện làm việc của
cán bộ, công chức đến nhận công tác;
d) Thủ trưởng
cơ quan, đơn vị gặp cán bộ, công chức để trao đổi về chủ trương luân chuyển;
nghe cán bộ, công chức trình bày nguyện vọng và đề xuất ý kiến cá nhân trước
khi ra quyết định;
đ) Thủ trưởng
và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị quyết định cụ thể từng trường hợp luân chuyển
thuộc thẩm quyền quản lý.
Mục 5. TỪ CHỨC, MIỄN NHIỆM
Điều 20. Từ chức
1. Việc cán bộ
lãnh đạo cấp phòng từ chức được thực hiện trong các trường hợp được quy định tại
khoản 1 Điều 42 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định
về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ công chức, như sau:
a) Tự nguyện,
chủ động xin từ chức để chuyển giao vị trí lãnh đạo, quản lý;
b) Từ chức do
không đủ sức khỏe, năng lực, uy tín để hoàn thành chức trách nhiệm vụ được
giao;
c) Từ chức do
nhận thấy sai phạm, khuyết điểm của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc của cấp
dưới có liên quan đến trách nhiệm của mình;
d) Công chức
có nguyện vọng xin từ chức vì các lý do cá nhân khác.
2. Quy trình
xem xét từ chức:
a) Cán bộ lãnh
đạo cấp phòng có đơn trình bày lý do, nguyện vọng xin từ chức gửi thủ trưởng cơ
quan, đơn vị;
b) Thủ trưởng
cơ quan, đơn vị gặp gỡ trao đổi trực tiếp với cán bộ lãnh đạo cấp phòng có nguyện
vọng xin từ chức;
c) Thường vụ Đảng
ủy hoặc Chi ủy và ban lãnh đạo cơ quan, đơn vị xem xét thảo luận, quyết định.
d) Sau khi có
Nghị quyết của cấp ủy hoặc Chi ủy và lãnh đạo cơ quan, đơn vị; thủ trưởng cơ
quan, đơn vị quyết định và tổ chức triển khai quyết định; (Riêng đối với cấp
huyện: Chủ tịch UBND cấp huyện gặp gỡ trao đổi trực tiếp với cán bộ lãnh đạo cấp
phòng có nguyện vọng xin từ chức; Chủ tịch UBND cấp huyện có tờ trình báo cáo
Ban Thường vụ huyện ủy xem xét quyết định. Sau khi có Nghị quyết hoặc Thông báo
của Ban Thường vụ huyện ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành Quyết định cho từ
chức).
Điều
21. Miễn nhiệm
1. Việc xem
xét miễn nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo cấp phòng căn cứ vào một trong các trường
hợp quy định tại khoản 2 Điều 42 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP, cụ thể:
a) Được cấp có
thẩm quyền điều động, luân chuyển, bố trí, phân công công tác khác mà không được
kiêm nhiệm chức vụ cũ;
b) Không đủ sức
khỏe để tiếp tục lãnh đạo, quản lý;
c) Không hoàn
thành nhiệm vụ hoặc vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước và
quy chế làm việc, quy định của cơ quan, đơn vị nhưng chưa đến mức bị kỷ luật bằng
hình thức cách chức;
d) Không đủ
năng lực, uy tín để làm việc;
đ) Vi phạm quy
định của cơ quan có thẩm quyền về bảo vệ chính trị nội bộ.
2. Quy trình
xem xét miễn nhiệm.
Căn cứ mức độ
vi phạm tại khoản 1 của Điều này, Thường vụ Đảng ủy hoặc Chi ủy và Ban lãnh đạo
xem xét, quyết định (Riêng đối với UBND cấp huyện thì Chủ tịch, các Phó Chủ tịch
UBND cấp huyện xem xét thảo luận thống nhất để trình Ban Thường vụ huyện ủy quyết
định; sau khi có Nghị quyết hoặc Thông báo của Ban Thường vụ huyện ủy, UBND cấp
huyện ban hành Quyết định miễn nhiệm).
Điều
22. Công chức sau khi được cấp có
thẩm quyền quyết định cho từ chức hoặc miễn nhiệm, được người đứng đầu cơ quan
sử dụng công chức bố trí phân công công tác khác phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ
của cơ quan, đơn vị và trình độ năng lực của công chức.
Chương III
ĐIỀU
KHOẢN THI HÀNH
Điều 23. Trách nhiệm của
thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố
1. Xây dựng
công tác quy hoạch cán bộ, kế hoạch bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển cán bộ
lãnh đạo cấp phòng thuộc thẩm quyền quyết định của mình gửi Sở Nội vụ trước
ngày 20 tháng 12 hàng năm để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh;
2. Xây dựng
quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ lãnh đạo cấp phòng cho trước mắt và
lâu dài (từ 5- 10 năm); hàng năm có đánh giá, điều chỉnh, bổ sung nguồn cán bộ
lãnh đạo cấp phòng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị;
3. Phối hợp với
Sở Nội vụ xây dựng và ban hành tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo cấp phòng trực thuộc
phòng, ban, chi cục, trung tâm và tương đương (đơn vị cấp 3).
Điều 24. Trách nhiệm của Sở Nội vụ
1. Tham mưu
trình Ủy ban nhân dân tỉnh cơ cấu về vị trí việc làm của công chức, viên chức
Nhà nước các sở, cơ quan, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; các phòng, cơ
quan, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện,
thị xã, thành phố tỉnh Yên Bái.
2. Phối hợp với
các sở, cơ quan, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố
xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo cấp phòng thuộc thẩm quyền theo
phân cấp; báo cáo chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 31 tháng 01 hàng
năm.
3. Căn cứ các
văn bản có liên quan thẩm định tính pháp lý về văn bản quy định tiêu chuẩn cán
bộ lãnh đạo cấp phòng trực thuộc phòng, ban, chi cục, trung tâm và tương đương
(đơn vị cấp 3) thuộc các sở, ban, ngành của tỉnh; các cơ quan, đơn vị thuộc Ủy
ban nhân dân .
4. Hướng dẫn
chi tiết cụ thể quy trình, thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại,
luân chuyển, từ chức và miễn nhiệm được quy định tại Quyết định này; theo dõi,
kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quy định này. Tổng hợp các phản ánh, kiến
nghị của các sở, cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trình Ủy ban nhân dân tỉnh
kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.