QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH VỀ DIỆN TÍCH PHÒNG LÀM VIỆC, TIÊU CHUẨN, ĐỊNH MỨC TRANG THIẾT BỊ CỦA
BỘ PHẬN TIẾP NHẬN VÀ TRẢ KẾT QUẢ THEO CƠ CHẾ MỘT CỬA, CƠ CHẾ MỘT CỬA LIÊN THÔNG
TẠI CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC THUỘC TỈNH LÂM ĐỒNG.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007
của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một
cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương;
Căn cứ Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg ngày 18/7/2006
của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương
tiện làm việc của cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước;
Theo đề nghị của Sở Nội vụ tại Tờ trình số
210/TTr-SNV ngày 26/5/2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quy định về diện tích phòng làm
việc, tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả
thực hiện theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan hành
chính nhà nước thuộc tỉnh Lâm Đồng như sau:
1. Phạm vi và đối tượng áp dụng:
a) Diện tích phòng làm việc, tiêu chuẩn, định
mức trang thiết bị của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thực hiện theo cơ chế
một cửa, cơ chế một cửa liên thông theo Quy định này áp dụng cho các cơ quan
nhà nước thuộc tỉnh Lâm Đồng, bao gồm:
- Văn phòng
UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh;
- Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã Bảo Lộc,
thành phố Đà Lạt;
- Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
- Các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp
trung ương đóng tại địa phương; các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh quyết định việc
áp dụng Quy định này đối với cơ quan, tổ chức mình.
b) Diện tích phòng làm việc, tiêu chuẩn, định
mức trang thiết bị của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thực hiện theo cơ chế
một cửa, cơ chế một cửa liên thông theo quy
định này bao gồm: diện tích phòng làm việc; bàn ghế ngồi làm việc của cán bộ
công chức, ghế ngồi chờ của khách, bàn viết hồ sơ dành cho khách, tủ đựng tài
liệu, máy vi tính để bàn, máy in, máy fax, điện thoại cố định.
2. Nguyên tắc bố trí phòng làm việc, trang bị
thiết bị của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả:
a) Đáp ứng nhu cầu làm việc cần thiết để giải
quyết các thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức; có chất lượng tốt, sử dụng
lâu, bền, tiết kiệm, có hiệu quả, bảo đảm yêu cầu từng bước hiện đại hoá công
sở.
b) Các cơ quan chỉ thực hiện mua sắm mới những
trang thiết bị và phương tiện làm việc còn thiếu so với quy định tại các phụ
lục ban hành kèm theo Quy định này hoặc phải thay thế do hư hỏng, thanh lý.
Đối với những trang thiết bị, phương tiện làm
việc hiện đang sử dụng cơ quan, đơn vị phải tiếp tục sử dụng cho đến khi hư
hỏng, thanh lý.
3. Diện tích phòng làm việc của bộ phận tiếp
nhận và trả kết quả:
a) Đối với cơ quan chuyên môn cấp tỉnh: tối
thiểu 40m2;
b) Đối với Uỷ ban nhân dân cấp huyện: tối thiểu
80m2;
c) Đối với Uỷ ban nhân dân cấp cấp xã: tối thiểu
40m2;
d) Trong tổng diện tích phòng làm việc của bộ
phận tiếp nhận và trả kết quả, cơ quan hành chính nhà nước phải dành 50% diện
tích để bố trí nơi ngồi chờ cho tổ chức, cá nhân;
4. Trang thiết bị làm việc của Bộ phận tiếp nhận
và trả kết quả:
a) Tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị làm việc
của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các Sở, ban, ngành thực hiện theo quy định
tại mục 1 Phụ lục kèm theo Quy định này.
b) Tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị làm việc
của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND các huyện, thị xã, thành phố thực
hiện theo quy định tại mục 2 Phụ lục kèm theo Quy định này.
c) Tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị làm việc
của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện
theo quy định tại mục 3 Phụ lục kèm theo Quy định này.
5. Một số quy định khác:
a) Đối với những đơn vị có số lượng hồ sơ
giao dịch thấp (bình quân mỗi ngày làm việc giải quyết dưới 10 lượt khách) thì
có thể bố trí phòng làm việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, trang thiết
bị sử dụng chung với Văn phòng nhưng phải đảm bảo diện tích, trang thiết bị
theo quy định này.
b) Ngoài trang thiết bị theo quy định này, Thủ
trưởng cơ quan có thể xem xét, quyết định trang bị thêm các trang, thiết bị cần
thiết khác trong phạm vi dự toán ngân sách Nhà nước được giao, nhưng phải bảo
đảm nguyên tắc tiết kiệm, có hiệu quả và tự chịu trách nhiệm về quyết định của
mình.
c) Khuyến khích các đơn vị trang bị kết hợp bàn
làm việc, tủ kệ đựng hồ sơ, tài liệu, nơi viết hồ sơ dành cho khách và bố trí
để ngăn cách giữa diện tích làm việc của cán bộ, công chức với diện tích dành
cho khách chờ làm thủ tục.
6. Quản lý, sử dụng trang thiết bị làm việc:
Trang thiết bị làm việc của Bộ phận tiếp nhận và
trả kết quả được quản lý, sử dụng theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
7. Nguồn kinh phí:
Kinh phí mua sắm trang thiết bị làm việc sử dụng
trong phạm vi dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm được cấp có thẩm quyền giao
theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành và từ các nguồn kinh phí khác theo
quy định của pháp luật.
8. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước:
a) Căn cứ tiêu chuẩn, định mức trang
thiết bị quy định trong phụ lục kèm theo Quy định này; tình trạng trang thiết
bị, phương tiện làm việc hiện có và nhu cầu cần thiết về trang thiết bị, phương
tiện làm việc; cơ quan nhà nước các cấp lập kế hoạch và dự toán kinh phí mua
sắm, tổng hợp trong dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm, báo cáo cơ quan có
thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Căn cứ dự toán chi ngân sách Nhà nước được cấp
có thẩm quyền giao; tiêu chuẩn, định mức quy định; cơ quan nhà nước các cấp
thực hiện mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc theo quy định hiện hành
của Nhà nước.
b) Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND
các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn có trách
nhiệm thực hiện rà soát các trang thiết bị và phương tiện làm việc hiện có của
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để lập kế hoạch và nhu cầu kinh phí mua sắm
hàng năm theo khả năng của ngân sách Nhà nước, bảo đảm từng bước thực hiện theo
tiêu chuẩn, định mức quy định tại phụ lục kèm theo Quy định này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực
sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ;
Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành
phố Đà Lạt; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh Lâm Đồng chịu
trách nhiệm thi hành./-